CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Lại trở về Trung Quốc (14): Litang – Nơi chôn nhau cắt rốn của hai Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 và thứ 10

  Kỳ trước: Lại trở về Trung Quốc (13): Lọ mọ đến Kangding-điểm khởi đầu của đường cao tốc Sichuan (Tứ Xuyên)-Xizhang (Tây Tạng)

Sáng tôi ra bến xe Kangding thật sớm để tìm cách chất xe đạp lên nhưng không có chỗ. Tài xế bảo tôi tháo bánh trước của xe ra nhưng tôi không biết đường tháo. Tôi đứng đó hoài và ông ta nói gì đó mà tôi không hiểu. Một lúc lâu sau, tôi phải chạy đi tìm ông ta và hỏi xe đạp để ở đâu. Ông ta suy nghĩ một hồi rồi khiêng luôn xe đạp của tôi vào để ở băng ghế sau cùng trên xe buýt. Ở băng ghế này không có khách ngồi và đã có 2 túi hành lý của ai đó để trên ghế rồi. Ông ta vất vả để xe đạp của tôi vào giữa băng ghế năm chỗ ngồi này và bảo tôi ngồi ở băng ghế ấy luôn dù vé của tôi là ngồi ở chỗ khác. Tôi phải vất vả leo qua xe đạp để ngồi vào đó.

Khoảng gần 7h thì xe bắt đầu lăn bánh và đi trên con đường 318 ngoằn ngoèo. Càng đi thì càng lên dốc với những khúc cua ngoặc gắt đến kinh hồn. Tôi cảm thấy mình may mắn vì không phải đạp xe trên con đường kinh dị này. Đường cao tốc Sichuan (Tứ Xuyên) – Xizhang (Tây Tạng) là một trong những con đường cao nhất, đẹp nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới. Có đi trên con đường này rồi mới thấy được mức độ nguy hiểm của nó như thế nào.

Vậy mà hàng năm có biết bao cua rơ người Trung Quốc thử sức mình trên con đường này để đến Tây Tạng. Tôi phục lăn các bậc phụ huynh Trung Quốc đã dám cho con em mình thử sức ở nơi nguy hiểm này.

Đạp xe hoặc đi bộ đến Tây Tạng là một trong những thử thách cả về sức khỏe, tâm lý và ý chí của con người. Tôi tin rằng ai vượt qua được thử thách này (hàng năm có biết bao người bỏ mạng hoặc bỏ cuộc trong cuộc thử sức này bởi do thời tiết khắc nghiệt hoặc do choáng độ cao hoặc do tai nạn giao thông) thì không gì trong cuộc sống có thể quật ngã được họ. Nếu có con, tôi cũng cho nó tham gia vào cuộc thử sức này. Nó có thể là một đứa trẻ không thông minh hoặc không lành lặn nhưng phải là một đứa mà không gì quật ngã được. Và hành trình vượt con đường 318 đi Tây Tạng là một trong những thử sức tạo nên một con người như thế.

Khi ngồi an toàn trên xe buýt và nhìn qua ô cửa sổ thấy những sinh viên hoặc những bạn rất trẻ người Trung Quốc đang vật lộn đạp xe trên con đường này hoặc vác ba lô đi bộ giữa sương mù ở cao độ gần 5.000 m, tôi thật sự nể phục họ.

Để tôi tả cho các bạn con đường mà tôi đi từ Kangding đến Litang (khoảng 300 km và đây chỉ là một phần của con đường đến Tây Tạng thôi các bạn nhé!)




Thứ nhất, đoạn đường từ Kangding (cao độ 2395m) đến Xinduqiao (cao độ 3630) khoảng 78 km và phải leo qua ngọn núi Zhduo (cao độ 4298m) thì được tráng xi măng đẹp đẽ. Hơn 200 cây số còn lại đường rất xấu, do mưa tuyết phá hủy và đang được sửa chữa, toàn là ổ gà, tôi ngồi trên xe buýt mà mỗi khi xe sốc ổ gà là bay lên gần đụng nóc xe, ruột gan phèo phổi cứ lộn tùng phèo cả lên, có khát nước cũng chả thể nào đưa được chai lên miệng mà uống. Tôi chỉ mong cho đến nơi để chấm dứt tình trạng này. Nếu cứ tiếp tục thế thì chắc bộ đồ lòng của tôi bị đứt hết luôn quá.

Thứ hai, đường chẳng những xấu mà còn nhỏ xíu, đầy bụi. Do trong xe mấy tên kém ý thức hút thuốc nên tôi phải hé cửa sổ tí chút, vậy mà bụi bay vào mù mịt không chịu nổi. Vậy những bạn đang đi xe đạp hay đi bộ xem như hứng trọn bụi từ các chiếc xe tải và xe khách. Có nơi bụi bay mù mịt đến mức chả nhìn thấy xe đằng trước (chẳng hiểu sao tài xế vẫn lái được nhỉ?)

Thứ ba, đoạn đường này dù chỉ 300 km nhưng phải vượt qua bốn ngọn núi rất cao mà khi trên núi tôi còn thấy cả tuyết rơi (tuyết rơi cả vào mùa hè ấy). Bốn ngọn núi ấy là: núi Zhduo nằm trên đường đi từ Kangding đến Xinduqiao với cao độ 4298m; núi Gaoershi nằm gần Yajiang với cao độ 4412m; núi Jianzhiwan nằm trên đường đi từ Yajiang đến 119 Depot với cao độ 4659m; núi Kazhila nằm trên đường đi từ 119 Depot đến Litang với cao độ 4718m. (Lưu ý, những cao độ này là chỉ tính từ đường cao tốc thôi nhé chứ không phải là độ cao của núi. Núi có thể cao hơn nhiều ấy.)

Tuyết và sương muối vẫn còn vương vấn núi



Thứ tư, do ở cao độ nên thời tiết thay đổi bất thường, có khi nắng gắt kinh hồn (do gần mặt trời nên bức xạ rất lớn), có khi lại đổ mưa, có khi lại tuyết rơi, có khi sương mù dày đặc. Đó là chưa kể ô nhiễm do con người tạo ra như bụi từ xe tải hoặc các công trình sửa đường. Vì vậy, phải có sức khỏe và cả ý chí mới vượt qua được những sự bất thường này.

Tóm lại, đối với dân Trung Quốc, hành trình đạp xe hoặc đi bộ đến Tây Tạng (thường là từ Chengdu – Thành đô) là một trong những thử thách cả về sức khỏe và ý chí mà họ cần chinh phục. Những ai sống sót trở về thì xem như đã vượt qua một thử thách khắc nghiệt của cuộc sống. Điều này giống như phái Thiếu Lâm tự vậy các bạn nhỉ? Nghe đồn rằng sau khi tu học tại Thiếu Lâm Tự, nếu muốn ra ngoài thì phải vượt qua cuộc thử sức với những cao thủ của môn phái. Ai vượt qua được thì khi ra ngoài trở thành người bất khả chiến bại trong các trận đánh. Ai không vượt qua được thì bỏ mạng hoặc bị thương tật trong cuộc thử sức này.

Thấy người lại ngẫm đến ta. Các bạn Việt Nam mình đi Tây Tạng bằng…. máy bay hoặc tàu hỏa, khỏe vô cùng (dù chuyến đi cũng khắc nghiệt không kém do sự thay đổi độ cao và không khí loãng), lại khoe tùm lum như một chiến tích lừng lẫy. So với việc các bạn Trung Quốc liều mình (bởi họ có thể bỏ mạng) đạp xe hoặc đi bộ đến Tây Tạng thì mình vẫn là con số không, có gì hay ho đâu mà khoe nhỉ? Có bạn trẻ nào dám thử thách trên con đường này không nhỉ? Tôi báo trước là cuộc thử sức này có thể khiến bạn bỏ mạng đấy nhé. Nhưng nếu bạn không bỏ mạng thì bạn rất đáng nể đấy.

Do hành trình này đầy nguy hiểm và gian khổ nên không ai đi một mình cả mà họ đi theo nhóm để có thể hỗ trợ và giúp đỡ nhau. Nếu xe của tôi là mountain bike thì tôi cũng dám đi theo một nhóm nào đó trốn vào Tây Tạng luôn ấy (bởi người nước ngoài không được đi Tây Tạng nếu không mua tour của một công ty du lịch nào đó nên nếu không mua tour thì phải đi “lụi” vậy.)

Tuy nhiên, có hai trường hợp đi Tây Tạng rất đáng nể mà tôi được biết. Thứ nhất, một cô gái Trung Quốc một mình đeo ba lô đi bộ từ Beijing hay Shanghai (Thượng Hải) gì đó đến Tây Tạng trong 3 tháng và chỉ tiêu xài khoảng 1000 tệ (tương đương 150 đô Mỹ). Thứ hai là một cậu bé 9 tuổi người Trung Quốc đã trải qua 2-3 cuộc phẫu thuật gì đó đã đạp xe cùng bố mình và nhóm bạn của ông đến Tây Tạng.

Thời điểm này, tôi biết có hai sinh viên Trung Quốc bắt đầu ngày 21 hay 22 gì đó tháng 8 này sẽ đi bộ từ Chengdu đến Tây Tạng (lý do tôi biết đến họ là do họ vào forum của Lonely Planet kêu gọi xem có ai muốn tham gia cùng họ cho đông vui không?) Ngoài ra, có một bạn nữ sinh viên mà tôi có dịp nói chuyện ở đâu đó (quên địa điểm rồi) cho tôi biết chuyến đi mơ ước của bạn ấy là một mình đi bộ và/hoặc quá giang xe đến Tây Tạng.

Các bạn trẻ Trung Quốc sôi sục khí thế như thế, còn các bạn trẻ Việt Nam mình thì sao nhỉ, suốt ngày ngồi nhà mơ mộng về những chuyến đi mà mình không bao giờ dám thực hiện sao? Tôi nhớ Mark Twain có nói một câu gì đó đại loại là: “Hai mươi năm sau, bạn sẽ hối hận về những gì mình không làm hơn là những gì mình đã làm…..” (còn nữa nhưng quên mất rồi, ai nhớ thì nhắc giùm nhé!)

Tóm lại, như tôi đã đề cập đến trước đây, cái đẹp và cái nguy hiểm thường đi kèm nhau nên dù đoạn đường này đầy nguy hiểm nhưng phong cảnh lại vô cùng ngoạn mục mà tôi không biết phải mô tả như thế nào mà chỉ biết nói rằng khi nhìn thấy cảnh đẹp quá thì các bạn chỉ muốn nhảy xuống núi mà tự tử để được chết ở một nơi đẹp như thế (có khi nào các cua rơ tử nạn trên đường này cũng vì lý do như trên không các bạn nhỉ?)

Khi gần đến Litang và xe dừng cho khách đi toa let thì tài xế bảo tôi trả tiền cho xe đạp. Tôi hỏi giá bao nhiêu thì ông ta bảo là 80 tệ, trong khi vé xe buýt của tôi là 87 tệ. Tôi nói nhiều tiền quá và lên xe ngồi. Xe tiếp tục chạy và rước vài hành khách dọc đường. Khi gần đến Litang thì ông ta dừng xe để thu tiền những hành khách này. Ông ta bảo tôi trả 80 tệ. Tôi không trả, ông ta xuống giá 70 tệ. Tôi không trả. Ông ta hỏi tôi muốn trả bao nhiêu, tôi nói 10 tệ. Ông ta nổi điên hay giả vờ nổi điên lên bảo tôi xuống xe buýt đi. Ông ta làm dữ lên. Tôi cũng chả vừa. Tôi nói tại sao những hành khách khách có đồ không phải trả thêm tiền mà tôi phải trả tiền, tại sao vé tôi mua 87 tệ mà trả tiền cho xe đạp là 80 tệ. Ông ta mở cửa xe bảo tôi xuống. Tôi nói ông ta mà khiêng được xe đạp của tôi ra thì tôi mới xuống (cá ông ta khiêng được qua đống hành lý bề bộn trên xe ấy.) Ông ta thấy làm dữ cũng chả bắt nạt được tôi nên ngồi xuống ghế chuẩn bị lái tiếp. Tôi chả vừa nên la to lên xuống xe thì xuống, sợ gì (lý do thành phố Litang nằm ngay dưới núi, đường lúc này xuống dốc chứ có lên dốc đâu mà sợ.)

Cuối cùng tôi cũng đến bến và lúc ấy mọi người xuống xe (thực ra lúc tôi và ông ta cãi nhau, vài người Trung Quốc can thiệp bằng cách nói gì đó đại ý là tôi trả tiền, tôi gạt phắt họ qua một bên, họ muốn thì cứ trả chứ tôi chả ngu mà trả tiền vớ vẩn thế) Khi xe dừng thì có một người mà tôi đoán là quản lý vì ông ta có đeo bảng tên lên xe kiểm tra và hỏi tôi có hành lý ở sau xe không (lúc ấy tôi đang bận lôi xe đạp ra khỏi các băng ghế- gã tài xế chả thèm giúp nên tôi nghĩ bụng không giúp thì 1 tệ tôi cũng không trả) Tôi nói có và leo xuống lấy hành lý, lúc ấy phủ đầy bụi bặm ra ngoài và lại leo lên xe buýt để lôi xe đạp ra. Do xe sốc quá nên bàn đạp xe của tôi kẹt vào một cái ghế.


Lúc ấy ông tài xế và tay quản lý lên lôi xe ra phụ tôi. Họ phải dỡ một cái ghế lên
(thực ra nếu chỉ có một mình thì tôi chả thể lôi được chiếc xe ra đâu nên tôi cũng thấy biết ơn họ.)

Sau khi kiểm tra đủ đồ, tôi móc 20 tệ (thay vì 10 tệ vì tôi thấy ông ta lôi xe đạp cũng vất vả) ra đưa. Ông ta xịt môi và quay đi. Tôi nói cảm ơn và cất tiền vào. Ông ta đành nhượng bộ và đưa tay ra bảo tôi đưa tiền. Tay quản lý đứng nhìn chúng tôi cười ngất và nói chắc chắn tôi không phải người Trung Quốc (chắc dân Trung Quốc chả ai “cương” đến mức ấy đâu nhỉ?). Ông ta hỏi tôi là người nước nào. Tôi nói Việt Nam. Ông tài xế nói: Ôi trời, Việt Nam. Còn ông quản lý thì lặp đi lặp lại: wei xian, wei xian (nguy hiểm.) (Bộ họ tưởng dễ bắt nạt người Việt Nam lắm à?)

Tôi chả đi vội mà đứng “tám” với hai người ấy. Dù trước đó”cương” với họ nhưng không vì thế mà tôi ghét họ. Tôi nói nếu không có nhiều núi cao thì tôi đạp xe rồi chả thèm leo lên xe buýt làm gì. Họ hỏi tôi định đi đâu. Tôi nói: “Shangrila” ở Yunnan (Vân Nam.) Họ bảo phải vượt qua 11 ngọn núi cao (nghe mà choáng váng.) Tôi lấy nước gần đó ra lau ba lô cho đỡ dơ và đỡ bụi. Tay tài xế bảo ông ta ngủ ở Litang một đêm, sáng hôm sau lái xe chở khách về Kangding. Lúc ấy có vài người đến gửi đồ theo xe, họ gói trong những cái bao dài dài và tôi thấy họ móc 20 tệ ra đưa cho tài xế (vậy là tôi trả tiền đúng giá rồi nhé!)

Lúc ấy, tôi phát hiện bánh xe sau lại xẹp nên lấy ống bơm được tặng ra bơm. Ống bơm nhỏ xíu nên bơm muốn rụng tay thì bánh xe mới hơi đầy đặn một tí. Tôi lái xe ra khỏi bến, quẹo trái chạy khoảng vài chục mét rồi lại quẹo trái thì thấy Potala Inn. Tôi dựng xe bên ngoài vào hỏi thì họ bảo phòng dorm với nhà tắm bên trong có giá 35 tệ/giường; phòng dorm không có nhà tắm thì có giá 25 tệ/giường. Tôi chọn phòng 25 tệ, lúc ấy có vài giường đã có người (do tôi thấy ba lô của họ). Ngoài ra nơi đây có wifi, có thể sử dụng máy tính nối mạng miễn phí và nước nóng để tắm thì 24h, nước nóng để uống thì ở trong bar muốn lấy lúc nào cũng được. Đây là xứ của người Tạng nên đi đâu và lúc nào cũng sẽ thấy họ quay quay cái bánh xe trong tay (chả biết gọi đó là gì nữa) và lầm rầm đọc kinh ấy.

Thực ra rất nhiều người bảo rằng muốn biết về văn hóa Tây Tạng thì không nhất thiết phải đến Tây Tạng (bởi Tây Tạng bị Hán Hóa cực mạnh nên có đến đó cũng chả thấy gì bởi những nơi thực sự Tạng thì du khách không được phép đến nên lấy gì mà xem, chỉ được rảo rảo ở những khu dưới sự kiểm soát của công an mà thôi và những khu này thì bị Hán hóa hết rồi) thì nên đến vùng Amdo và vùng Kham của người Tạng (hai vùng này nằm trên đất Trung Quốc). Vùng Amdo bao gồm khu vực phía nam tỉnh Gansu (Cam Túc) và phía bắc tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên.)- vùng Amdo này cũng là nơi sinh ra của Vị Đạt Lai Lạt Ma đương thời là vị thứ 14 (vùng này thuộc Trung Quốc, không phải là Tây Tạng; như vậy xét ra thì Vị này là dân tộc thiểu số người Tạng tại Trung Quốc đấy các bạn!). Còn vùng Kham thì thuộc phía nam tỉnh Qinghai (Thanh Hải), phía tây tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên) và phía bắc tỉnh Yunnan (Vân Nam.) Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa Tây Tạng thì nên đến những khu vực mà tôi vừa liệt kê các bạn nhé. Có du khách đã dành hẳn một tháng rong ruổi trên chiếc bốn bánh khám phá hai vùng này rồi đấy. Phong cảnh tuyệt đẹp nhưng phải qua lại nhiều núi cao, đường thì hay bị tắt do lở đất hay do tuyết lở và khí hậu thì khắc nghiệt vô cùng. Nơi ở của người Tạng luôn khắc nghiệt (nhưng tuyệt đẹp) và họ được sinh ra để thích nghi với những khắc nghiệt ấy mà.

Cung đường mà nhiều công ty du lịch ở Trung Quốc hay giới thiệu cho du khách được gọi là The Lost Shangrila bao gồm Chengdu – Kangding – Daocheng – Yading – Danba. Chengdu là thủ phủ hiện nay của tỉnh Sichuan và là nơi xuất phát của hành trình đi Tây Tạng cũng như những hành trình tìm hiểu về văn hóa Tây Tạng. Kangding rất nổi tiếng ở Trung Quốc bởi vì được mô tả trong bài hát mà ai cũng biết là Kangding Love Song (bài hát ca ngợi cảnh đẹp nơi đây) và là trung tâm buôn bán giữa người Tạng và người Hán trong nhiều thế kỷ. Đây là nơi nghỉ ngơi của du khách trước khi leo qua những ngọn núi cao và khắc nghiệt để vào Tây Tạng. Đây được xem là điểm khởi đầu của nền văn hóa Tây Tạng đối với nhiều người. Daocheng được xem là “The Last Pure Land in the Blue Planet,” nếu đến đây đúng thời điểm thì phong cảnh chả khác gì Jiuzhaigou (Cửu Trại Câu.) Yading là quê hương của ba ngọn núi thiêng mà theo niềm tin của người Tây Tạng là nếu đi kora quanh ba ngọn núi này thì xem như được phù hộ và được phước rất lớn. Danba là nơi mà phụ nữ Tây Tạng được xem là đẹp nhất.

Thị trấn Litang khá là bụi bặm, đặc biệt là khi có một chiếc xe hơi to một tí chạy qua thì bụi mù mịt nên tôi chả thích ra ngoài tí nào. Hình như tất cả những nơi của người Tây Tạng đều bụi bặm như thế. Điều đó cho thấy rằng họ ở những nơi kém phát triển hơn các vùng khác (chắc tương đương Việt Nam.)

Một con đường ở Litang

Thành phố nhìn từ thảo nguyên (thành phố nhìn đẹp thế nhưng đầy bụi.)

Thảo nguyên vẫn xanh rờn


Các tên Tây Tạng ở đây ồn ào lắm. Chả thấy họ cưỡi ngựa mà toàn là cưỡi mô tô mở nhạc om sòm. Đặc biệt là ở Trung Quốc đi xe đạp hay mô tô không cần phải đội nón bảo hiểm (lạ quá các bạn nhỉ?). Vì thế dân Tây Tạng khi chạy mô tô cũng không đội nón bảo hiểm, thay vào đó họ đội một cái nón len trùm kín cả mặt mày chỉ hở mũi và hai mắt (kiểu này thì đi cướp ngân hàng luôn cũng được đấy chứ) do thời tiết lạnh. Theo tôi dân Tây Tạng trông dơ dơ thế nào ấy (so với dân Tây Tạng ở Dharamsala, Ấn độ, những người khá sạch sẽ). Đàn ông thì tóc tai bù xù trông thấy mà kinh.

Litang là một phần của vùng Kham, nơi xuất thân những chiến binh Tây Tạng lừng lẫy đấy các bạn nhé. Cả phụ nữ lẫn nam giới ở đây đều quấn dây đỏ lên tóc và búi tóc quanh đầu. Theo tôi phụ nữ mà búi tóc như thế trông khá đẹp. Họ có một lớp lưới đen mỏng bao quanh tóc được vấn quanh đầu cùng sợi dây đỏ. Còn đàn ông thì trông khá ngang tàng với sợi dây đỏ quanh tóc. Có người còn đeo lủng lẳng mấy món trang sức to như cục đá ở trên đầu nữa chứ. Hoặc nếu không quấn tóc quanh đầu thì họ bím lại thành hai bím và hai bím được cột đuôi lại với nhau và họ đội nón nỉ lên đầu (chắc cho ấm mỏ ác.) Dân Tây Tạng mỗi nơi mỗi khác và họ trông thật kỳ lạ với tôi.

Xe của tôi hay bị xẹp bánh nên hôm sau tôi phải tìm nơi vá xe. Tôi tìm ra một tiệm của hai ông bà lão. Họ lấy ruột xe nhúng vào nước thì thấy có hai chỗ xì ra, vậy là lủng hai chỗ. Ông cụ kiểm tra khá tỉ mỉ vỏ xe và nói vỏ xe cũ quá và bị rách nên đá nhọn đâm vào ruột. Ông nói tôi cần thay vỏ và ruột (bởi vì vá mỗi lỗ 5 tệ rồi) Tôi nói tôi có một cái ruột để ở khách sạn. Ông bảo tôi về lấy, ông sẽ đợi. Tôi về lấy cái ruột mà tôi mua tại tiệm Giant ở Chengdu 25 tệ đem tới. Ông bà cụ bán cho tôi một cái vỏ xe đạp (chỉ loại thường thôi, không tốt như loại của tôi) với giá 30 tệ (tương đương 100 ngàn đồng). Không biết họ có nói thách không nhưng tôi kệ, không trả giá. Họ thay vỏ và thay ruột mà không lấy tiền công (chắc đã tính cả trong cái vỏ xe rồi.) Vậy là tôi có vỏ và ruột mới cho bánh xe sau. Tôi bỏ lại cái vỏ xe cũ nhưng lấy cái ruột về (nếu có chỗ nào vá giá rẻ thì vá để tái sử dụng chứ.)

Litang là thành phố cao thứ ba trên thế giới với cao độ khoảng 4.100m (thủ phủ Lhasa của Tây Tạng cao độ là 3.700m, thấp hơn cả Dao cheng với cao độ gần 3.800m). Điều kỳ lạ là tôi là một người sợ độ cao nhưng lại không bao giờ bị sốc vì cao độ cả (!!!). Chắc sau những tháng ngày leo núi tại Trung Quốc tôi quen với cao độ rồi chăng? Dù ở nơi cao 4.100m, tôi chả cảm thấy gì ngoại trừ việc nó lạnh quá, đặc biệt là ban đêm. Mùa hè ở đây mà trời lạnh y như mùa đông ở những nơi khác vậy đó. Anh chàng sinh viên người Mỹ 20 tuổi ở cùng dorm bị sốc độ cao nên phải uống thuốc và phải ở thêm một ngày để tịnh dưỡng. Anh ta đưa tôi thuốc, tôi nói có cảm thấy gì đâu mà uống.

Điều đặc biệt thứ hai về Litang là đây được xem như là một trong những vùng đất thánh của dân Tây Tạng bởi nơi này có liên quan đến nhiều Vị Lạt Ma nổi tiếng. Ví dụ như đây là nơi sinh ra hai Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 và thứ 10. Ngoài ra còn có những vị khác như the most influential Zebutsundaba Lama of Mogonia, the 7th Gyamuyang Lama, the 7th, 8th and 9th Pabalha living Buddha of Chamdo monastery and the 1st, 2nd and 3rd Xianggen living Buddha.

Do vậy đây cũng là một trong những nơi được nhiều công an Trung Quốc chú ý đến nhất. Sự kiện nổi bật nhất ở đây lễ hội đua ngựa được tổ chức vào tháng 8 hằng năm nhưng sau vụ nổi loạn của dân Tây Tạng vào dịp Trung Quốc tổ chức thế vận hội Olympic năm 2008 thì nơi đây bị cấm, không được tổ chức đua ngựa nữa (bởi vì khi tổ chức đua ngựa thì dân Tây Tạng từ khắp nơi đổ về xem và tham gia). Đáng ghét thật bởi vì tôi ở đây vào đúng dịp tháng 8 mà không được xem đua ngựa (có tổ chức đâu mà xem.) Dân Tây Tạng vùng Kham có một thói quen là đi đâu cũng mang theo dao dài (thật ra là thanh gươm) nên khiến công an càng để ý (chắc họ bị cấm mang rồi nên khi ở đây tôi không thấy, hoặc cũng có khả năng họ giấu trong người kỹ quá nên tôi chả thấy chăng?)

Litang là một thị trấn nhỏ nên mọi thứ đắt hơn Kangding một tí. Ở Trung Quốc là thế, những thành phố càng lớn thì càng có nhiều sự lựa chọn và càng rẻ. Tôi mua mì gói và bánh ngọt mang theo để nhỡ có lái xe dọc đường thì có cái mà ăn để không bị đói như lúc đi từ Luding đến Kangding. Nếu phải mua dọc đường thì càng đắt đỏ hoặc có khi không có mà mua. Tôi chỉ cần vào nhà dân xin hoặc mua nước nóng ăn mì gói là được rồi. Nhờ một độc giả gửi tôi một bài viết về cách ăn mì gói đúng cách nên bây giờ tôi có thể tự tin mà ăn dài dài. Để ăn mì đúng cách thì nên bỏ nước đầu (thường bên ngoài cọng mì hay có hóa chất để làm cọng mì dai và ngon hơn nên ở nước đầu thì thường hóa chất này lan vào trong nước, vì thế nên đổ không nên ăn.) Sau đó khi chế nước lần hai thì mới cho các gói nêm vào. Thường sau khi bỏ nước đầu thì mì ăn không ngon bằng nhưng thà thế còn hơn là nuốt hóa chất vào bụng các bạn nhỉ?

Do tôi là người Việt Nam đầu tiên ở tại Potala Inn từ khi nơi này được thành lập nên chị chủ bảo tôi viết gì đó lên tường. Chị ta đưa cho tôi cây viết lông và tôi viết vài câu. Chị ta không chịu bảo tôi viết dài hơn. Sau này các bạn mà đến đây thấy ai đó viết nhăng nhít bằng tiếng Việt trên tường (ngay sau giàn máy tính nối mạng miễn phí) thì đó là chữ của tôi ấy. Các bạn muốn biết tôi viết gì à? Đến Litang đọc nhé, tôi không nói ra ở đây đâu. Chị chủ đứng ngẩn ra nhìn và nói lần đầu tiên chị ta nhìn thấy ngôn ngữ này đấy. Tôi chỉ chị ta phát âm vài từ tiếng Việt có dấu. Chị ta bảo ngôn ngữ này khó thật!

Ở Potala Inn, giống như ở Cloudland Hostel ở Kunming, máy tính của tôi không nối mạng được nên tôi phải sử dụng máy tính của nhà trọ. Sau khi tra tra cứu cứu, tôi quyết định sẽ đạp xe đi Daocheng rồi từ đó đi Shangrila, thay cho đi Xiangcheng bởi vì từ Litang đến Daocheng chỉ phải vượt qua một ngọn núi cao gần 4.700 mét mà thôi. Kiểu này chắc phải tìm cách quá giang thôi. Chả biết tôi phải mất bao lâu mới vượt qua được đoạn đường khoảng 200 km từ Litang đến Daocheng các bạn nhé và đoạn này nghe nói hơi vắng xe cộ nên cũng không biết tôi có quá giang được hay không? Khi nào đến Daocheng thì tôi sẽ cập nhật thông tin cho các bạn biết nhé!

Ah quên, để tôi thông báo về tình hình tài chính sau khi mua sắm đồ nghề đi bụi các bạn nhé. Tính đến ngày thứ 40 của tôi sau lần trở lại Trung Quốc thứ ba này thì tuốt tuồn tuộc kể cả việc mua sắm mọi thứ lẫn việc gia hạn visa thì tôi xài tổng cộng 3.200 tệ (tương đương 500 đô Mỹ.) Vậy là tôi vẫn không bị lũng ngân sách sau đợt mua sắm đồ nghề đi bụi các bạn nhỉ! (Tôi vừa sắm một cây đèn pin với giá 25 tệ và cả hai cục pin sơ cua cho cây đèn giá 8 tệ, nhưng tổng cộng tôi chỉ trả có 30 tệ thôi. Ở Trung Quốc muốn mua hàng tốt thì giá không rẻ, còn hàng không tốt nhưng nếu sử dụng kỹ thì vẫn có thể sử dụng được trong thời gian dài thì giá cực rẻ. Ví dụ cây đèn pin nhỏ xíu giá 2 tệ, tôi xài gần nửa năm rồi đó nhưng ánh sáng không đủ tốt để chạy xe ban đêm hay đi trong đường hầm. Còn cây đèn pin mới mua có giá đến 25 tệ thì nghe nói là cực tốt và cực sáng.)

Kỳ sau: Lại trở về Trung Quốc (15): Daocheng – The Last Pure Land in the Blue Planet

2 nhận xét:

  1. Nguyên văn cái câu của Mark Twain nè cô : “Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn't do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.”

    Trả lờiXóa
  2. Dung nên mua mấy miếng vá xe đạp, loại dán vào ruột rồi đập đập. Ở Việt Nam tui mua cũng đồ Trung Quốc giá 12 nghàn 1 hộp có khoảng 50 miếng và 1 tube keo luôn. Đi xe đạp đường trường phải thủ ruột, miếng vá và bơm. Xe đạp cạy vỏ cũng nhẹ nhàng không quá khó, Dung thủ theo 2 cây nạy thường bán chung chổ với miếng và luôn.

    Trả lờiXóa