CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Tôi đi Trung Quốc (31): Wuhan (3)


Sáng hôm sau, tôi quyết định phải đi đến thành phố khác thôi. Và tôi đã chọn Suizhou. Kiểm tra trang web tàu lửa, tôi thấy tàu lửa đi Suizhou từ nhà ga Hankou có giá rẻ hơn tàu lửa đi từ ga Wuchang (gần nơi tôi ở.) Dự định đi chuyến tàu từ ga Hankou vào lúc 11h10 sáng nên 9h tôi đã trả phòng và đi. Tuy nhiên, việc đi bộ với hành lý mất nhiều thời gian hơn tôi nghĩ. Tôi đi bộ từ chỗ youth hostel (có thể đón xe buýt 511 nhưng tôi không đón) đến ga Wuchang. Từ ga Wuchang, tôi đón xe buýt số 10 để đi đến ga Hankou. Và xe buýt cũng chạy lâu hơn tôi tưởng. Vì vậy đến 11h kém thì tôi mới vào được phòng bán vé ở ga Hankou. Không có vé, chỉ có vé đi lúc 14h55 mà thôi. Suy nghĩ một lúc, tôi quyết định lấy vé đi lúc 14h55, ghế cứng, giá 25 RMB. Lúc đó khoảng 11h sáng và tôi có khoảng 4 tiếng đồng hồ trống. Thay vì gửi hành lý ở nhà ga, tôi kéo theo ra ngoài và bắt đầu “lục lọi” khu vực này.

Từ nhà ga bước ra, phía bên tay phải là bến đậu xe buýt. Tôi thấy ở đây hầu như không có gì để xem. Thế là tôi quẹo trái. Bên phía trái dọc theo nhà ga (lúc này phía trước nhà ga là một lô cốt thật lớn – nghe nói là thành phố Wuhan đang chuẩn bị xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, vì vậy lô cốt hiện tại mọc lên khắp nơi trong thành phố) có nhiều phòng internet và quán cơm. Tôi đói bụng muốn chết (sáng giờ lo chạy cho kịp chuyến tàu 11h10 nên chưa kịp ăn uống gì hết), vì vậy tôi mua hai cái trứng luộc và chén luôn tại chỗ. Tôi dần hồi phục sau hai cái trứng luộc này và bước đầu cất bước. Thấy một quán cơm rao giá 6 RMB (những quán khác có giá 8 RMB), tôi bước vào ăn thử. Cuối cùng phải trả đến 7 RMB. Lý do họ nói rằng 6 RMB là tiền thức ăn, còn cơm thì thêm 1 RMB nữa. Đúng là đồ lừa đảo!!! Từ quán cơm bước ra, tôi tiếp tục đi về phía tay trái thì thấy một con kênh bê tông kiên cố. Phía bên kia là một khu chợ chồm hổm và đằng sau những quầy hàng là một khu nhà trọ giá rẻ. Tôi thấy có cái còn để giá 10 RMB trên nóc nữa. Những căn nhà ở đây trông hơi cũ. Nếu tiếp tục đi dọc theo khu nhà này thì sẽ đến một con hẻm lớn nằm bên tay trái. Trong con hẻm đầy các căn nhà trọ trông mới hơn phía ngoài. Giá cả ở khu này tương đối mềm hơn so với khu nhà trọ ở xung quanh nhà ga Wuchang. Vậy là tôi có thể kết luận rằng trong ba khu của thành phố Wuhan là Wuchang (khu trường học), Hankou (khu thương mại) và Hanyang (khu công nghiệp) thì khu Wuchang có vẻ mắc mỏ hơn (không hiểu sao khu trường học lại mắc hơn khu thương mại – chắc do mức độ ô nhiễm ít hơn chăng?)

Vậy là sau một tiếng đồng hồ “lục lọi” khu vực quanh nhà ga Hankou, tôi quyết định lội bộ trở lại một đoạn để tham quan viện bảo tàng Wuhan (lúc ngồi trên xe buýt tôi nghe thông báo trạm dừng viện bảo tàng Wuhan trước rồi sau đó mới đến trạm dừng ga xe lửa Hankou, vì vậy tôi đoán viện bảo tàng chắc chắn ở gần nhà ga). Thế là tôi kéo hành lý đi hướng ngược lại, vừa đi vừa hy vọng sẽ được vào cổng miễn phí. Khi đến cổng, tôi được phát cho một vé miễn phí. Chắc có bạn thắc mắc rằng đã miễn phí mà còn có vé nữa là sao? Tôi nghĩ chắc họ phát vé để kiểm tra lượng khách vào mỗi ngày. Nếu vậy sao họ không dùng máy tính để đỡ phải sử dụng vé bằng giấy? Bảo tàng mở cửa từ 9h sáng đến 5 h chiều, tuy nhiên đến 4h chiều thì ngưng phát vé vào cổng.

Cầm vé trong tay, tôi ngán ngẩm nhìn những bậc thang hun hút trước mặt. Tôi nghĩ chẳng lẽ mình phải vác hành lý lên xuống những bậc thang này sao? Tôi thấy bên tay phải có một tấm bảng ghi chữ “Người khuyết tật” và có dấu mũi tên chỉ vào bên trong một lối đi. Vậy là tôi lần theo lối này. Đó là cầu thang máy. Tuy nhiên, cánh cửa gỗ dẫn đến thang máy bị khóa. Tôi nhờ một bảo vệ mở giùm và chỉ vào hành lý nói rằng “khá nặng” đấy. Bảo vệ ở đây tốt bụng thật. Anh ta gọi bộ đàm cho một người khác đến mở (lúc đó là 12h30 trưa, chắc họ đóng cửa để ăn trưa đây) và anh ta còn dẫn tôi vào thang máy đưa lên tận phòng gửi giỏ. Bảo vệ ở quầy gửi giỏ cũng thật dễ thương và nhiệt tình.

Gửi xong hành lý, tôi mải mê với những đồ vật trưng bày. Vào thời điểm này có cả phòng trưng bày tranh và thư pháp của người Trung Quốc. Thư pháp của họ có nhiều lối viết vô cùng. Có lối chân phương (viết nắn nót như chữ con nít), có lối viết như rồng bay phụng múa, có lối viết nghệch ngạc như gà bới, có lối viết nét đậm nhạt,…..

Ra khỏi phòng trưng bày thư pháp, tôi vào phòng trưng bày lịch sử thành phố Wuhan từ cổ đến cận hiện đại. Sau đó vào tiếp phòng trưng bày đồ sành sứ. Ở đây tôi học được rằng có ba loại sành sứ: loại đơn thuần một màu, loại xanh trắng và loại có tô màu. Sau đó, tôi mê mải với phòng trưng bày các cổ vật qua các triều đại. Quả là thú vị khi xem cùng một món đồ ví dụ như nghiên mực hoặc dấu triện hoặc ống đựng bút thay đổi như thế nào về vật liệu, hình dáng và thiết kế qua những triều đại khác nhau.




Điều đặc biệt ở các bảo tàng ở Trung Quốc là chúng rất đẹp và rộng lớn, trông y như khách sạn 5 sao vậy đó. Ngoài, các bảo tàng còn có các mô hình mô phỏng y như thật. Ví dụ mô phỏng hình ảnh của những người thợ gốm, hay mô phỏng một con đường ở Wuhan vào thập niên 1930 hay mô phỏng một trận tấn công của quân nhân Trung Quốc,…Tôi thấy cách làm này rất hay bởi vì hình ảnh và chữ viết không thì không đủ để làm giới trẻ hứng thú với lịch sử mà còn cần những hình ảnh mô phỏng sống động nữa. Không biết các viện bảo tàng ở Việt Nam có mô phỏng như vậy chưa? Lưu ý là các hình mô phỏng lớn bằng người thật đấy nhé, không phải bé tí như đồ chơi của trẻ con đâu.




Ah ở Wuhan, tôi phát hiện ra một việc mà tôi đôi khi nhìn thấy ở các thành phố khác nhưng không hiểu – đó là các chợ người. Họ là những người thợ nề, thợ điện, thợ mộc,…mỗi ngày ra công viên ngồi cùng với túi dụng cụ (nhờ vậy tôi mới biết họ làm nghề gì chứ, đọc tờ giấy họ ghi có hiểu đâu) để trước mặt. Ai cần thì đến thuê trực tiếp. Ở ga Hankou, tôi thấy các cụ ông cụ bà xách bếp lửa đỏ hồng, trên đó là một nồi trứng gà luộc, đi khắp nơi vừa rao vừa bán. Tôi còn thấy cả một bà lão đứng ngoài đừơng gần ga với hai ba cái ghế xếp trong tay. Tôi đoán chắc bà lão kiếm sống bằng nghề cho thuê ghế ngồi đây. Ở Beihai, vào những ngày gió lạnh ngắt, tôi thậm chí còn không muốn ra khỏi chăn nói chi ra khỏi phòng và ra ngoài đường. Vậy mà từ cửa sổ lầu 4 nhìn xuống đường, tôi thấy những người bán trái cây dạo ngồi chịu đựng những cơn gió lạnh thổi phần phật. Họ xoa hai bàn tay vào nhau cho đỡ lạnh. Kiếm được đồng tiền thật vất vả. Nhờ vậy mà tôi cảm thấy quý trọng những đồng tiền mình đang có hơn.

Nhìn thấy cảnh người dân nghèo khắp nơi vất vả kiếm sống nhiều khi tôi nghĩ giá mà bọn quan tham hoặc những tên con ông cháu cha tiêu tiền như nước ấy mà chịu khó đi theo tôi đi bụi một thời gian thì có thể sau khi về nước, họ không dám xài tiền luôn chứ đừng nói chi đến việc lãng phí (hehehe). Hoặc nhiều khi tôi nghĩ nếu mà những tăng sĩ muốn đắc đạo, chịu khó đi bụi một thời gian, nhìn thấy cảnh khổ khắp nơi thiên hình vạn trạng như thế nào thì họ sẽ quyết tâm tu hành và có thể sớm đắc đạo lắm đó. Chẳng phải thái tử Sĩ Đạt Ta sau vài lần xuất cung thì quyết định từ bỏ ngôi vị và mọi thứ và tu hành đến khi đắc đạo sao?

Nếu nói như tôi thì việc đi du lịch bụi có nhiều lợi ích quá các bạn nhỉ? Vậy thì các bạn còn chờ gì nữa, lên đường thôi!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét