Từ Songpan không có xe đi thẳng đến Wenchuan. Vì thế tôi đón xe với giá 36 tệ đi đến Maoxian. Maoxian cách Wenchuan khoảng 45 cây. Khi xe đến Maoxian, tôi đón xe cóc đi Wenchuan với giá 20 tệ/người. Bến xe Maoxian không bán vé mà họ hướng dẫn tôi ra trước cổng bến xe để đón xe cóc.
Đoạn đường đi từ Songpan đến Maoxian khá đẹp và lại xuống dốc nên nếu đi xe đạp thì lý tưởng vô cùng. Thực ra trên đường tôi thấy nhiều bạn người Trung Quốc đạp xe đi đến Maoxian. Có khi họ đi thành nhóm, có khi họ chỉ hai người và thậm chí tôi thấy có khi chỉ có một người với ba ga đầy hành lý. Tôi học hỏi được kinh nghiệm từ các tay cua rơ này rồi nhé. Ba lô túi xách hoặc ít ra đồ đậy ba lô (tấm để tránh mưa nắng bụi bặm ấy) phải có màu sắc thật sặc sỡ như cam, đỏ, vàng, xanh thật tươi hoặc có phản quang để xe tải thấy mà tránh chứ.
Tuy nhiên, đoạn dốc xuống thật kinh dị. Từ trên cao các bạn thấy như thể có 3-4 tầng vậy đó. Tôi nghĩ đi xe đạp như thế khá mạo hiểm bởi vì nhiều đoạn đường không có lằn đường dành riêng cho xe đạp; vì thế xe đạp phải chạy chung đường với xe tải. Đặc biệt khi vào các đường hầm tối thui, dù có hành lang cho người đi bộ và xe đạp nhưng tôi thấy ớn quá. Vậy mà các bạn Trung Quốc nhà mình vẫn đi ấy nhỉ?
Đọan đường từ Maoxian đến Wenchuan thì bụi mù trời (chắc do đường đang sửa chửa.) Dọc đường người dân bày trái cây vừa hái trong vườn nhà ra bán cho du khách (mùa này du khách đi đầy đường bởi vì đây là đường chính đi từ Chengdu đến Jiuzhaigou mà.)
Lý do tôi đến thẳng Wenchuan mà không ở lại tham quan Maoxian là vì tôi tò mò muốn biết thành phố này sau trận động đất năm 2008 trở nên như thế nào ngày nay.
Quả là ngoài dự kiến của tôi. Wenchuan được xây dựng lại đẹp vô cùng. Các tòa nhà cao tầng vẫn được mọc lên (vậy là người dân ở đây vẫn không ngán thiên tai mà.) Và hầu hết các công trình ở đây đều rất mới (toàn là mới được xây dựng lại không hà.)
Thành phố này có phố đi bộ khá đẹp và phố đi bộ này được đánh dấu đến 4-5 chữ A của Sở Du lịch ấy – nghĩa là đây là nơi tham quan không thể bỏ qua.
Và quả thật con phố đi bộ này rất đẹp. Các tòa kiến trúc đa phần bằng gỗ.
Ngoài cửa các cửa hiệu hoặc nhà hàng là các chùm bắp/ngô phôi khô vàng óng ả (dân số ở đây gần phân nửa là người dân tộc Qiang –một tộc người gần giống như người Tây Tạng và họ lại ăn ngô/bắp như thức ăn chính.)
Thực ra chính phủ nơi đây "lợi dụng" sự đổ nát của thành phố sau trận động đất để quy hoạch mọi thứ lại theo ý họ. Tuy nhiên việc quy hoạch đó theo tôi thì khá đẹp. Ở dọc theo phố đi bộ có nhiều kiosk với bàn ghế gỗ cho du khách nghỉ chân. Ngoài ra bên ngoài các kiosk là ghế gỗ được khắc hoa văn đủ kiểu hoặc được trạm trỗ đủ hình thức. Tóm là theo tôi đây là một trong những phố đi bộ đẹp nhất ở Trung quốc.
Wenchuan trước đây không phải là nơi nhiều du khách ghé qua. Tuy nhiên, do sự cố gắng của chính phủ và do đây là nơi du khách hay dừng chân ăn trưa trên đường đến Jiuzhaigou; vì thế ngày càng có nhiều người dừng chân để ngủ đêm (trong đó có tôi.)
Tại trung tâm Wenchuan thì không có nhiều cái để xem ngoại trừ phố đi bộ và không khí dễ chịu nơi đây. Buổi tối, du khách có thể ra công viên múa các điệu múa của người Tây Tạng và người Qiang cùng dân địa phương.
Việc mua bán ở đây cũng khá dễ chịu bởi rất nhiều người bán là người dân tộc Qiang nên họ không nói thách nhiều. Đặc biệt nhất là trái cây nơi đây vừa tươi vừa rẻ vừa đa dạng về chủng loại và không có bón thuốc do người dân tộc hái trực tiếp từ vườn ở các ngôi làng xung quanh Wenchuan mang ra bán.
Wenchuan là một trong bốn nơi cư ngụ chính của người dân tộc Qiang. Các nơi khác là Lixian, Maoxian và Beichuan. Muốn biết về người Qiang thì đến các nơi này các bạn nhé! Người Qiang có đặc điểm khác với các tộc người khác ở chỗ họ có má hơi bầu, mắt hơi lồi và da hơi ngăm, nếu trắng thì là trắng hơi rám- một màu da khỏe mạnh, chứ không phải kiểu trắng xanh như xác chết; ngoài ra họ có dáng đậm người. Tôi thích dân tộc này quá! Ngoài ra trang phục của họ cũng khá màu sắc và đẹp như trong phim. Thức ăn của họ trước đây là ngô/bắp nhưng do bị Hán quá, họ đổi sang ăn cơm. Tuy nhiên cơm của học có trộn cả bắp/ngô. Thức ăn của họ là thức ăn khô với món đặc trưng là thịt heo gác bếp nấu cùng khoai tây hay củ cải khô (ăn ngán muốn chết.)
|
Bữa ăn điển hình dành cho một người. |
Tại Wenchuan, trước cổng chợ vào ban đêm là các xe đẩy bán thức ăn nướng. Một trong những đặc sản của người Qiang tại đây mà du khách không thể bỏ qua là món khoai tây nướng nguyên vỏ. Người bán xỏ que các củ khoai tây be bé và nướng, đến khi chín thì dùng cọ quét lên đó các gia vị cay. Một que có giá 2 tệ.
Bến xe khách của Wenchuan nằm ở làng Qipangou. Trước cổng chợ là một dãy xe buýt màu xanh (không phải màu vàng như trong sách hướng dẫn nói) với giá 1 tệ. Leo lên đây các bạn sẽ được xe chở ngang qua cổng chào của Wenchuan đi từ hướng Chengdu (do tôi đi từ phía bắc xuống nên không thấy cổng chào này –các bạn mà đi từ phía Nam lên, nghĩa là từ Chengdu, các bạn sẽ thấy ngay,) bến xe buýt đường dài và điểm dừng cuối là vùng quê của làng Qipangou.
|
Dù là ngoại ô nhưng nhà cao tầng vẫn cứ mọc lên. |
|
Nhà truyền thống vẫn còn. |
|
Con đường đi xuyên qua làng |
|
Thác nước chảy xuyên qua làng |
|
Bà cụ trong làng vẫn mặc trang phục truyền thống. |
Về chỗ ở nếu đi dọc theo chợ, các bạn sẽ thấy vài zhua shua; tuy nhiên giá lại là 40 tệ và có nơi không chấp nhận người nước ngoài. Từ cổng chợ, tôi băng qua đường hẻm đối diện (đầu hẻm là gian hàng bán trái cây bên tay trái; bên tay phải là cái máy may của một phụ nữ Qiang chuyên chỉnh sửa quần áo.) và đi vào. Một con hẻm nhỏ bên tay phải với 4-5 cái nhà nghỉ của người dân tộc Qiang. Ngay đầu hẻm luôn có vài phụ nữ ngồi đón khách để đưa về zhua shua của họ. Tôi cũng được một phụ nữ đón tiếp và dắt vào zhua shua đầu tiên.
Nơi này có phòng 2-3 người; theo tôi là giá khá mềm. Tôi đi một mình nên được ở trên lầu 2 (sân thượng) với phòng 1 giường đôi giá 20 tệ (do tôi trả giá). Tôi luôn thích ở tầng sân thượng bởi vì thoáng khí và có thể phơi giặt đồ ngay tại đó, không phải đi lên xuống nhiều. Tại đây chỉ có toilet mà không có nhà tắm. Muốn tắm thì vào các nhà tắm công cộng với giá 6 tệ/người.
Tôi thích Wenchuan do có nhiều trái cây vừa tươi vừa rẻ nên ở luôn 3 đêm.
Thực ra du khách đến Wenchuan là để đến các ngôi làng của người Qiang ở gần đó như làng Taoping để ngắm cảnh và để thưởng thức văn hóa của họ. Tại làng này cũng có nhà trọ nhà nghỉ nữa. Ngoài ra còn nhiều làng của người Qiang lắm như làng Longxi, Buwa, Yanmen…..
Tôi không đến các làng khác mà chỉ đến Qipangou để hỏi vé xe buýt đi Dujiangyan. Theo tôi làng Qipangou khá hiện đại với nhà tường và chung cư.
Ngoài ra tại Wenchuan, có viện bảo tàng về người Qiang ở tầng 1 và nói về chiến tích xây dựng lại thành phố sau thảm họa của chính phủ ở tầng hai. Viện bảo tàng này nằm cùng đường với chợ và là một tòa nhà đỏ chói. Quan trọng là nó lại miễn phí. Cạnh bảo tàng là nơi bán đồ lưu niệm.
|
Bảo tàng viện. |
Do trong thời gian ở tại Wenchuan, tôi làm biếng nên không leo núi để xem các tường thành có từ thời Tam Quốc Chiến và từ thời Minh ấy. Núi ở đây dốc hầu như thẳng đứng nên nhìn đã ngán thì lấy gì mà leo nhỉ (chắc có bậc thang để lên.)
Wenchuan còn được xem như quê hương của Great Yu (chả biết tiếng Việt gọi ông này là gì nhưng chắc chắn phải rất là nổi tiếng rồi.) Vì thế cổng chào vào Wenchuan là bức tượng khổng lồ của ông trong bộ trang phục nông dân. Chân đi dép cỏ, mình khoác áo tơi, đầu đội nón rơm.
Ngoài ra nếu mua tour đi Jiuzhaigou từ Chengdu thì xe buýt sẽ dừng lại cho bạn vào đền thờ của ông (không biết có mua vé không?) Công nhận bọn Trung Cua làm du lịch cực hay. Cứ nơi nào có hơi hướm hay dính tí chút đến một người nổi tiếng là bọn họ xây lên đủ thứ để hút du khách như đền thờ, tượng, bảo tàng,… Và bán vé lấy tiền. Sao ngành du lịch mình không qua đây học hỏi họ nhỉ? Theo tôi Việt Nam mình, đặc biệt các tỉnh phía Bắc toàn dính đến các anh hùng hay những người nổi tiếng. Nếu làm du lịch kiểu Trung Quốc thì du khách tham quan mãi không hết ấy chứ bởi vì mình có biết bao nhiêu là anh hùng.
Wenchuan có rất nhiều xe đi Dujiangyan và Chengdu mỗi ngày. Cứ xách ba lô, leo lên xe buýt màu xanh trước cổng chợ và ngồi. Các xe khách đi tuyến Dujiangyan và Chengdu sẽ chặn đường các xe buýt này và mời khách lên xe khách của họ, bởi vì luôn có khách muốn đi đến các nơi này mà. Do đó tôi chả cần phải đến bến xe làm gì. Xe buýt dừng lại dọc đường và tôi leo lên cái xe khách trước mặt để đi Dujiangyan với giá vé chỉ 23 tệ. Xe chạy khoảng 2 tiếng đồng hồ là đến.
|
Công viên ở Wenchuan |
|
Hồ cá |
|
Núi có lưới ngăn (để để phòng đá mỡ chăng??) |
|
Núi cạnh sông |
|
CẦu gỗ dẫn vào phố đi bộ ở Wenchuan. |
|
Phố bên sông. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét