Trở lại vấn đề mà nhiều người thường đặt câu hỏi:
Trường hợp các cuộc thánh chiến của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo thời Trung cổ
và cận đại, các cuộc thánh chiến xâm lăng thuộc địa của Hồi giáo ở vùng Trung Á
và Tây Á, hoặc các cuộc xâm lăng của các Ðế quốc thuộc Thiên Chúa giáo để mở
mang nước chúa, họ có tội không? Vì họ nghĩ rằng họ làm vì chúa, họ đâu làm vì
bản thân họ, cho nên sẵn sàng hy sinh thân mình. Theo lời Phật dạy, gieo ác
nhân thì gặt ác quả. Do đó, họ mãi bị cộng nghiệp chiến tranh, giết hại lẫn nhau,
oan oan tương báo, không biết khi nào mới chấm dứt được.
2. Quan điểm của Phật giáo về “lòng yêu nước”
Có một số trường hợp buộc phải giết người, họ gọi
là “tội ác cần thiết” (necessary evil), như giết kẻ thù để bảo tồn quốc gia,
hành động đó được xếp vào loại nào? Họ vì yêu nước mà sẵn sàng hy sinh thân
mình, lại bảo đó là một hành động bất thiện sao? Họ có thể là những con người
lương thiện, đạo đức, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, họ hy sinh vì sự
nghiệp giải phóng dân tộc, lại gán cho họ là những kẻ ác nhân thì có lẽ là
không công bằng! Họ giết giặc nhiều chừng nào thì chính thể đó trao huân chương
nhiều chừng ấy, vậy theo quan điểm của đạo Phật thì sao? Theo đạo Phật, có rất
nhiều cấp độ để chúng ta đánh giá hành động đó là thiện hay ác. Chứ chưa hẳn giết
được nhiều giặc là hành động đáng khen ngợi, hoặc chưa hẳn trốn tránh nhiệm vụ
của mình là hành động đáng tán thưởng. Tất cả phải tùy thuộc tâm của người ấy để
đánh giá. Vì cùng ra trận để đánh kẻ thù, để bảo tồn quốc gia, nhưng tâm niệm
khác nhau dẫn đến kết quả nghiệp báo khác nhau. Một người thực hiện một hành động
vì mọi người thì kết quả khác xa so với một người làm để thỏa mãn tính hiếu sát
của mình. Biết bao nhiêu người không nỡ hạ sát kẻ thù khi thấy kẻ thù đang thất
thế, đớn đau. Cũng biết bao nhiêu người thỏa mãn, khoái trá khi thấy kẻ thù
đang bị khổ sở, hành hạ!. Chính những tâm niệm này là nền tảng để chúng ta đánh
giá cùng một hành động mà kết quả khác hay giống nhau.
Lại nữa, giết người thì phải đền mạng, đó là luật
pháp của hầu hết mọi quốc gia. Còn trường hợp giết người lại được thưởng, đó là
giết mấy tên trùm mafia, những tên tướng cuớp khét tiếng, đây cũng là điều khuyến
khích của mọi quốc gia. Nếu chúng ta chỉ xét trên hành động, mà không xét về mục
đích, động cơ thì mấy ông quan Tư Khấu thời xưa, nay là ban Tư Pháp sẽ là những
người giết người nhiều nhất. Vì gần như ngày nào họ cũng phải dùng đến nhiều biện
pháp để tra khảo, như đánh đập, tra tấn các tội nhân. Thậm chí phải giết bỏ,
như vậy họ đều phạm tội sát sanh hay sao ? Không phải vậy, mỗi người có mỗi nhiệm
vụ riêng, người làm quan phán xét theo luật pháp phân minh, góp phần tạo dựng
xã hội được an bình, được thái hoà, thì rất có phước. Người làm lính, hết lòng
bảo vệ biên cương lãnh thổ quốc gia cũng có phước. Đây là đạo đức nhiệm vụ của
một người mà buộc phải chu toàn.
Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi khuyến
khích chiến tranh để tiêu diệt các tên khủng bố, hay tiêu diệt các tên trùm
mafia. Như trên đã nói chiến tranh là đồng nghĩa với tội ác, mặc dù chúng ta thực
hiện chiến tranh với một mục đích tốt đẹp cho mấy, nhưng không làm sao tránh khỏi
tổn thương đến những đứa trẻ vô tội, con phải xa cha, vợ phải xa chồng, các bà
mẹ sẽ vĩnh viễn không còn được trông thấy mặt con. Sau khói lửa chiến tranh,
lưu lại bao tàn tích của tật nguyền, đói khát, bệnh hoạn v.v… nói không thể hết
! Chính vì vậy, các chính sách hoà giải, hiệp ước là chính sách tốt nhất mà đạo
Phật hằng kêu gọi.
3. Vài trường hợp sát sanh khi đức Phật còn đang tu
hạnh Bồ-tát
Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh (số 156) trong Ðại
Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh có trình bày câu chuyện tiền thân của đức Phật. Câu
chuyện này có thể là một trong những dẫn chứng phù hợp cho trường hợp này. Thuở
xưa lúc đức Phật Thích-ca còn đang trong quá trình tu tập, lúc bấy giờ Ngài buộc
phải giết một kẻ làm trinh thám cho 500 tên cướp để ngăn chặn cuộc tấn công của
500 tên cướp này, mặc dầu người do thám đó đã từng là bạn của Ngài.
Một câu chuyện khác được đề cập trong Huệ Thượng Bồ-Tát
Vấn Ðại Thiện Quyền Kinh (số 345), lúc bấy giờ đức Phật còn đang tu hạnh Bồ-tát,
Ngài là thuyền trưởng của đoàn thương buôn 500 người đã giết một tên tướng cướp
để cứu lấy 500 thương nhân đó. Ngài nghĩ rằng nếu vì giết một tên cướp này mà
Ngài phải vào địa ngục, Ngài cũng sẵn lòng, vì điều đó còn tốt hơn để chúng giết
hại biết bao nhiêu người! Trên thực tế, sau khi thân hoại mạng chung, Ngài được
tái sanh lên cảnh giới chư thiên. Sau này Ngài thành Phật cũng chịu quả báo,
nhưng không phải quả báo mất mạng mà chỉ giẫm gai trên đường !
4. Lịch sử một vài nước Phật giáo với chiến tranh
Trường hợp vì sự tồn vong của quốc gia mà giới sát
có thể được xem là nhẹ. Trường hợp này có thể lấy điển hình ở Việt Nam vào thế
kỷ XII, nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông lừng lẫy, oai hùng dưới sự
lãnh đạo tài tình của những người vừa là Phật tử vừa là những người cầm vận mệnh
quốc gia. Nếu chúng ta cứ khư khư chấp chặt thì nhân dân Việt Nam có lẽ đã bị
vó ngựa Mông Cổ giẫm nát rồi, chưa hẳn có một đất nước độc lập như ngày nay.
Trường hợp như vậy, người cầm vận mệnh quốc gia phải đặt đại thể dân tộc lên
hàng đầu, lấy nhiệm vụ lãnh đạo quốc gian đặt lên trên đạo đức bản thân. Do đó,
cứu lấy nhân dân thoát khỏi ách xâm lược, đô hộ là phước đức, chứ không phải tội
lỗi. Nếu chúng ta so sánh trận đánh của người Việt Nam xưa kia với trận đánh của
Mỹ với Afghanistan vừa rồi, chắc chắn số người thiệt mạng cả Trung Hoa và Việt
Nam hồi đó hơn không biết bao nhiêu lần số người thiệt mạng vừa rồi. Phật giáo
không kết án những trận đánh như vậy, cũng không tán thán, mà tin tưởng có nghiệp
báo vay trả nhiều đời nhiều kiếp.
Thế kỷ thứ XI dưới triều vua Langdarma, Phật giáo
Tây Tạng bị pháp nạn. Nhà vua này vì nghe lời dèm pha của đạo Bön, ra lệnh tiêu
diệt Phật giáo, phá chùa, giết Tăng. Hơn hai năm sau, có một vị Lạt-ma tên là
Palgyi Dorjé lẻn vào cung ám sát vua rồi trốn đi. Nhờ đó Phật giáo không bị
tiêu diệt hoàn toàn. Như vậy, người giết nhà vua đã hủy Phật, phá Tăng đó có phạm
tội sát hay không? Theo nhân quả thông thường thì dễ đi đến kết luận là có,
nhưng chưa hẳn, vì động cơ của người vị Tăng kia đâu phải giết người vì các tâm
sở bất thiện như tham lam mà giết, sân hận mà giết, không thỏa mãn mà giết, mà
giết chỉ vì động cơ bảo vệ chân lý, bảo vệ đời sống tâm linh cho mọi người.
Nhân quả phức tạp trùng trùng, chứ không đơn giản là “gieo nhân nào gặt quả nấy”,
do đó chưa hẳn vị Tăng ấy bị đọa vào các cảnh giới khổ đau như thông thường
chúng ta nói. Chúng ta có thể tin được câu chuyện đức Phật trong thời quá khứ
đã từng giết một tên cướp để cứu lấy 500 thương nhân, không phải vì thế mà đọa
vào cõi xấu, ngược lại được sanh lên chư thiên, nhưng dư nghiệp cũng không
tránh khỏi, đến khi thành bậc Chánh Ðẳng Giác rồi mà còn giậm phải gai nhọn.
Trường hợp vị Tăng kia cũng vậy, nếu vì Chánh pháp trường tồn ở nhân gian hoặc
vì an ninh của quốc gia mà buộc phải hạ sát một số người nào quá ác độc, theo
thiển ý của người viết thì phước đức nhiều hơn tội.
Lại nữa, câu chuyện của Ngài Gunavarman (Cầu-na-bạt-ma),
khoảng thế kỷ thứ V khi đến truyền giáo ở vùng Java, nay là Indonesia cũng là một
dẫn chứng tốt để chúng ta học hỏi. Lúc bấy giờ Java bị vua lân bang đánh phá,
nhà vua hỏi tôn giả Gunavarman có nên đánh trả không, vì sợ rằng điều đó trái với
giới luật nhà Phật ? Tôn giả Gunavarman đã trả lời là nhà vua nên thực hiện nhiệm
vụ của mình, nhưng khởi tâm đại bi thương xót mọi loài, bất đắc dĩ mới dùng hạ
sách này[vii].
***
Tóm lại, Phật giáo không chủ trương sát sanh để mưu
cầu hạnh phúc cho bản thân cũng như quyền lợi cho một nhóm hoặc cho dân tộc
mình. Tuy nhiên, trong trường hợp cần phải bảo vệ dân tộc, bảo vệ chân lý thì
các hình thức bạo động với thiện ý được cho phép, nhưng chỉ là giải pháp nhất
thời, chứ không phải là giải pháp tối ưu. Đạo Phật là một đạo tôn trọng sự sống
của mọi chúng sanh, không riêng gì con người. Do đó, bất cứ hình thức nào như tự
mình giết, hoặc bảo người khác giết, hoặc thấy giết mà đem lòng vui đều không
được chấp nhận đối với một Phật tử.
Trái đất này được xanh tươi hay không, nhân loại được
hạnh phúc không, tuỳ thuộc rất lớn vào mỗi người. Trong vòng sinh tử vô tận, vô
số những người thân của ta, nay trở thành thân hoặc sơ, thậm chí đứng ở thế hai
chiến tuyến đối lập. Chiến tranh là đỉnh cao của thù hận, mâu thuẫn, sát sanh,
tranh giành tài sản, v.v…. Đây là một nghiệp tích luỹ của tội ác và bạo tàn. Do
đó, mỗi Phật tử chúng ta nên ăn chay, hoà thuận, biết sống san sẻ, thương yêu kẻ
khác là gieo nhân hoà bình, đem lại nguồn an vui và thịnh lạc cho mỗi người và
cho toàn thể xã hội. Được như vậy thì quý biết bao!
“Hận thù diệt hận thù
Đời này không có được
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu”
(Kinh Pháp Cú, số 5)
Thích Giác Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét