CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

"Cơn “sốc thực tế” của Việt Nam

Bài viết của nhà báo/nhà giáo Phương Mai Nguyen
Nguồn bài viết ở đây

Cách đây ít lâu báo Thanh Niên có đặt bài Phương Mai viết về thói xấu của người Việt. Bài gửi đi không có tít, nên được chêm vào một cái tiêu đề nói về "thói xấu của du học sinh", có thể khiến độc giả hiểu lầm. PM xin đăng lại bài gốc, và thêm một số câu chữ để rõ ý. PM hoan nghênh các ý kiến lịch sự, có tính xây dựng, và xin nhấn mạnh sự quan trọng của tinh thần tự phê bình. Ai thấy mình hoàn hảo rồi thì xin đừng tốn thời gian với post này nhé. Thân mến!
Khi tiếp xúc với bạn mới quen, tôi thường cố tránh tự giới thiệu ngay từ đầu mình là người Việt Nam. Tại sao? Đơn giản vì tôi đã phát ngán việc chưa kịp để cho thiên hạ hiểu bản thân mình là ai thì đã ngay lập tức bị đóng khung hoặc găm kim vào những định kiến tốt xấu, hoặc bị đem ra so sánh với những người Việt mà họ có dịp tiếp xúc trước đó. Những biểu cảm trên gương mặt họ, những câu cảm thán thốt ra, và nhất là những suy nghĩ không buông thành lời luôn khiến tôi chột dạ. Tôi thấy bất công khi nhất cử nhất động của mình với tư cách một cá nhân chưa hoàn hảo đều có thể bị đem ra đánh đồng cho văn hóa và tính cách của cả một dân tộc.
Nhưng đó chính là điều mà dù không thích tôi vẫn buộc phải chấp nhận. Trong bài giảng đầu tiên của Giao Tiếp Đa Văn Hóa nhập môn, tôi thường vẽ lên bảng hình sau và hỏi SV: “Các em nhìn thấy cái gì?”
Rất nhiều những câu trả lời đầu tiên là “hình tam giác”.
Vấn đề là tôi không có vẽ hình tam giác, tôi vẽ ba dấu chấm. Vậy tại sao các SV nhìn ra hình tam giác? Đơn giản bởi trí não con người luôn có xu hướng đi tìm ý nghĩa khái quát, tổng thể. Ba dấu chấm không đưa ra được cái nhìn đại cục, không đưa ra được ý nghĩa hòan chỉnh nào, nên ba đường thẳng đã được não tự ý chêm vào để tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh cho chúng ta dễ dàng tiêu hóa.
Định kiến không hòan toàn xấu, nó thậm chí là kỹ năng sống còn của loài người, sử dụng những kinh nghiệm rời rạc sai đúng lẫn lộn để tiết kiệm thời gian trong quá trình phán xét. Nhìn thấy một gã thanh niên đầu tóc bặm trợn xăm trổ đầy người thì lập tức “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Đi ngang một cô ả ăn mặc hở hang thì không kìm được ý nghĩ “đúng là loại đàn bà con gái lẳng lơ”.
Không thể đếm xuể số lần tôi nghe bạn bè ca thán hoặc ca ngợi cả một dân tộc chỉ dựa vào một vài cuộc gặp gỡ, một chuyến công tác nước ngoài ngắn ngủi, hoặc một bộ phim tư liệu tình cờ hoặc hữu ý rơi vào tay. Không chỉ là một dân tộc, đôi khi cả một dải văn minh bị tổng kết dựa vào hành động của một vài kẻ trời ơi: "Bọn Trung Đông" nó hiếu chiến nhỉ/ hiếu khách nhỉ; "Bọn Tây" nó sạch nhỉ/ bẩn nhỉ/ lịch sự nhỉ/ thô lỗ nhỉ…vv
Nói dài dòng thế để khẳng định rằng đừng bao giờ đòi thế gian này phải sạch bỏ định kiến. Và khi chính bản thân mình với tư cách là một cá thể của “thế gian” về bản chất cũng không thể thoát ra khỏi cái vòng kim cô đó thì đừng có giãy nảy lên khi ra nước ngoài nghe thấy thiên hạ chỉ gặp mấy con sâu làm rầu nồi canh (nhìn thấy ba dấu chấm) mà vơ đũa cả nắm với cụm từ “người Việt chúng mày” (vẽ hình tam giác); hoặc chỉ gặp mấy người Việt tốt tính đẹp long lanh (gặp ba dấu chấm) mà nhẹ dạ đem lòng yêu cả một dân tộc xa lạ (lại vẽ hình tam giác). Bản chất của định kiến là vậy, cho nên khi đó là lời khen tặng, bản thân tôi không dám nhận. Khi đó là lời chê bai, nhiều khi cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Những lời khen tặng thường dễ đoán trước, như “chăm chỉ học hành”, “chăm chỉ làm ăn”, “đánh giặc giỏi” (!). Những lời chê bai thường muôn hình vạn trạng, biến chuyển đầy bất ngờ. Cái hồ sơ của người Việt - ở thời điểm được dân bản xứ thường dùng như một thước đo để thẩm định nhân cách của tôi trong lần đầu gặp gỡ - bao gồm đầy đủ những hệ quả của một đất nước có quá khứ chiến tranh oai hùng nhưng về đích với thân phận nhược tiểu. Vì bài viết này được đặt hàng để “phê bình” nên tôi xin phép sẽ không đề cập đến “tính tốt”, cũng không đề cập đến "nguyên nhân" hay "giải pháp", mà chỉ nhanh chóng liệt kê 4 thói xấu nổi lều bều, chưa biết đúng sai ra sao, nhưng tôi thường nghe bạn bè nước ngoài than phiền nhiều nhất:
Thứ nhất là "bẩn". Tôi nhớ mãi ánh nhìn dò hỏi của họ khi kể rằng SV Việt Nam đi mua cá tươi ở chợ trời về xách cái mớ trơn lẳn tanh nồng ròng ròng nước ấy lướt thướt qua khắp ba tầng gác. Thứ nhì là sự "khoa trương lố bịch" khi chính những kẻ luôn kêu gào đòi học bổng hay trợ cấp chính phủ ấy lại hào hứng khoe khoang về những đồ chơi công nghệ mới nhất. Tiếp theo nữa là sự "vô kỷ luật", coi việc có thể qua mặt những luật lệ lớn nhỏ là một chiến công hơn là một sự cố đường cùng. Tôi vẫn còn nhớ sự hào hứng phấn khích của những khuôn mặt trẻ du học sinh Việt khi họ bày cho tôi cách trốn vé tàu, cách ăn cắp mật mã mạng, hay cách dùng một đồng xu nhỏ và một chiếc kim băng để có thể hack các máy điện thoại công cộng và gọi về nhà hàng tiếng liền miễn phí.
Cuối cùng, đó là sự "gian dối và thói tắt mắt", nhất là chuyện tiền nong, từ những vấn đề nhỏ như cầm nhầm, trộm đồ siêu thị, cho đến những vấn đề lớn hơn nhiều như mở cửa hàng hoặc công ty rồi thuê nhân công trái phép để khỏi đóng thuế, nói dối là thất nghiệp để hưởng trợ cấp chính phủ, giả mạo giấy tờ để trốn thuế, thoặc thậm chí lên đến thành hàng thiện nghệ như nhân vật Don Nguyen, người đang cùng ngân hàng Commonwealth đối mặt với bản cáo trạng khiến cả nước Úc sửng sốt sau khi bài phóng sự về những gian dối trong quá trình tư vấn khách hàng được phát đi ngày 5 tháng 5 vừa qua khiến số tiền đền bù có thể lên đến 20 triệu đôla.
Gánh nặng của hai chữ “người Việt” không dễ định hình. Đó là một tay nải lẫn lộn rất nhiều tự ti nhưng cũng tràn ngập tự hào. Người Việt sinh ra đã được nhét vào tay một chiếc sào để có thể chông chênh đi thăng bằng giữa hai dợi dây: sợi dây thứ nhất viền bằng là những vinh quang vàng son của quá khứ và cội nguồn, những điểm ưu việt của một nền văn hóa có nội lực mạnh mẽ, tính cách dẻo dai, tư duy linh loạt, tâm thế dám làm dám chịu. Sợi dây thứ hai hoen ố bởi những vết chàm nô lệ, và nhất là sự tụt dốc bất ngờ không phanh vào 40 năm của triền miên đói nghèo, tụt hậu cả về kinh tế, tư tưởng lẫn bật gốc về văn hóa. Thế giới có khá nhiều quốc gia với số phận đi trên hai sợi dây tương tự như Việt Nam, những dân tộc bị “sốc thực tế”, như một gã tiểu vương lưng túi tiền qua một đêm bỗng thành trắng tay và bị người đời khinh rẻ. Gã tiểu vương ấy lầm than tự kiếm sống qua ngày, mang trong trái tim cả sự tự ti đến thành khiếp nhược và tự hào đến thành mù quáng.
Sự đối chọi mãnh liệt giữa hai khối gia tài vừa thơm tho vừa xấu xí ấy khiến việc trở nên chẳng có gì thiếu logic cả khi cùng một cơ thể nhưng một tay chìa ra xin tiền (xin được tội gì không xin, nước nó bóc lột/ đánh chiếm/có lỗi với nước mình ngày xưa hồi xưa mãi) và một tay vung lên khoe hàng hiệu (chớ có coi thường con rồng cháu tiên). Dân tộc lập nước cả mấy ngàn năm, thống nhất gần 40 năm, nhưng tư tưởng nô lệ còn thấm đẫm đến nỗi vắng mặt chủ là trốn việc, thiếu cái roi kè kè của quản lý giám sát là thành vô kỷ luật, coi việc vi phạm nguyên tắc xã hội như một chiến công vì đã qua được mặt chủ chứ không phải bản thân mình đã có một hành vi thiếu văn minh. Một người bạn gợi ý tôi nhìn vào những kẻ vượt đèn đỏ. Đối với họ, cây đèn giao thông không phải là một công cụ để đảm bảo an toàn cho chính họ mà được coi như một dạng gông xiềng nô lệ cần phải phá bỏ để có thể tự do (được chết!!!).
Đáng sợ hơn, tự ti và tự hào, hai mớ quần áo vừa bẩn vừa sạch đó lại bị xếp lẫn lộn vào nhau, khiến chính kẻ phu thồ khi mở ra đôi khi cũng không biết mình phải tự hào về cái gì, và niềm tự hào đó có chính đáng hay không. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt tha thứ được cho kẻ thù nhưng mãi không thể xóa hết hằn học với chính đồng bào của mình. Tội lỗi của sự lẫn lộn đó một phần là ở môn lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà học sinh chán ghét môn lịch sử. Bởi nó bản chất là môn chính trị học, không rành mạch, sàng lọc sự kiện để phục vụ cho mục đích cầm quyền. Nó khiến thế hệ kế thừa khi được tiếp cận với những nguồn thông tin cởi mở hơn thì bỗng trở nên hoang mang về một di sản vàng thau lẫn lộn, không biết cái gì là hệ quả của “đói nghèo”, cái gì là hệ quả của “văn hóa” để mà còn có sự lựa chọn giữa “chấp nhận” hoặc “sửa chữa”.
Sự trưởng thành của một dân tộc thể hiện rất rõ ở thái độ đối với những lời khen chê. Kẻ tự tin lập tức thành thật thú nhận hoặc phân tích ngọn ngành đúng sai, đôi khi chỉ cười xòa, hoặc thậm chí nhiều khi hùa vào châm biếm hạ bệ chính bản thân dân tộc mình cho xôm chuyện. Kẻ tự ti hoặc là mặc cảm đến ê chề mà câm nín, tốt xấu nhận hết bất kể đúng sai, hoặc nổi đóa nhảy lên lên chửi chết bà cái đứa mõ làng không để cho người ta được ngồi yên mà ngượng. Thái độ của người Việt sẽ hơi khác một chút, bởi chúng ta tuy tự ti đầy mình nhưng cũng tự hào đầy vài tay nải, rồi lại đôi khi không biết cái gì nên tự hào và cái gì nên xấu hổ. Và thế là mỗi người Việt thế hệ này dường như đều phải đối mặt với nguy cơ trở thành một kẻ nhạy cảm đến đáng thương. Nghe thấy một lời vinh danh thì vừa muốn nhận lại vừa muốn chối bỏ. Nghe thấy một lời phê bình thì vừa muốn nhận khuyết điểm, vừa muốn hất tung bàn mà chửi. Một lời khen chưa biết đúng sai cũng khiến trái tim kẻ này thì ngượng nghịu không dám nhận, trong khi kẻ khác lại sung sướng hả hê; một lời chê chưa biết đúng sai cũng khiến đầu gối kẻ này khuỵu xuống vì xấu hổ, nhưng lại khiến kẻ khác điên máu lên vì mất mặt.
Bước chân qua biên giới hình chữ S để hòa vào thế giới xôn xao ngoài kia, đương nhiên, không người Việt nào vác theo một tay nải giống nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi cá nhân đó góp phần hình thành nên định kiến về dân tộc Việt trong con mắt thiên hạ. Đừng vội trách thiên hạ hồ đồ nhìn thấy 3 dấu chấm bất kể tốt xấu là lập tức vẽ hình tam giác, vơ đũa cả nắm. Bản thân cá nhân ta đối xử với thiên hạ đâu có tốt đẹp hơn là bao?
Khoan chưa nói đến những giải pháp vi mô đổi thay hệ thống, đôi khi điều đơn giản nhất chúng ta có thể làm ngay bây giờ mà không cần phải chờ ai, là đặt cái tay nải nặng trịch kia xuống, rồi trên đôi chân của chính mình, phải cố gắng sống và cư xử sao cho trước hết chính bản thân mình phải trở thành một dấu chấm tròn vành không nhục nhã.


1 nhận xét: