Rất nhiều bạn add nickname trên yahoo hoặc trên Skype của tôi vào chỉ để hỏi tôi rằng tôi có sợ không khi là phụ nữ mà đi du lịch một mình; gia đình tôi có ý kiến như thế nào về việc tôi “bỏ nhà” đi dài hạn như thế? Tôi nghĩ chắc đây cũng là vấn đề mà nhiều người quan tâm muốn biết. Vì thế để tránh trả lời đi trả lời lại nhiều lần, tôi viết bài viết này vậy.
Vấn đề thứ nhất, tôi có sợ không? Câu trả lời của tôi là TÔI SỢ.
Rất nhiều lúc đứng một mình ở một nhà ga hay một bến xe xa lạ, tôi thấy lạc lõng và bơ vơ lắm. Các bạn biết điều đầu tiên tôi nghĩ đến là gì không? Vào bến, mua vé xe để quay trở lại thành phố hay nơi mà tôi vừa rời bỏ (thậm chí quay về Việt Nam), bởi vì tôi đã quen thuộc với những nơi ấy; ví dụ tôi biết nơi nào ở giá rẻ, tôi biết nơi nào có thể ăn món ăn yêu thích, tôi biết đi nơi nào để thư giãn, đặc biệt là tôi được người khác quan tâm chăm sóc. Tôi thật sự thấm câu nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi dất bỗng hóa tâm hồn.” Đặc biệt là khi ở nơi ấy, tôi quen được những người bạn đáng mến. Tôi nghĩ đó là cảm giác thường tình mà ai cũng sẽ có bởi vì từ một nơi an toàn đến một nơi xa lạ, khi ta không biết mình có an toàn hay không, thì cảm giác lạc lõng bơ vơ sẽ xuất hiện.
Vì thế tôi vẫn sợ khi đến một nơi xa lạ. Tuy nhiên như tôi đã nói trong bài Tự Sự 1. Con người sinh ra là để sống trong những nỗi lo sợ triền miên; do đó nhiệm vụ của chúng ta là khắc phục những nỗi sợ ấy; hay nói cách khác là “vượt qua chính mình” (nghe hơi sáo rỗng các bạn nhỉ -giống y như lời tuyên truyền? Nhưng đó thật sự là điều tôi muốn nói.)
Còn về vấn đề an toàn của bản thân. Các bạn biết khi đọc cả hai quyển truyện “Bố già” và “Hậu bố già” dày cộm ấy, tôi tâm đắc và thực sự chỉ nhớ đến một câu nói mà sau này câu nói ấy trở thành một trong những kim chỉ nam đi bụi của tôi luôn ấy. Đó là câu mà Bố già nói với một trong những người con trai của mình: “Con có thể liều lĩnh, miễn sao sự liều lĩnh ấy không phải là chí tử.” (Hay nói cách khác: Con có thể liều lĩnh, miễn sao sự liều lĩnh ấy không làm con mất mạng.)
Vấn đề mà nhiều bạn, đặc biệt là những bạn trẻ quan tâm là làm sao biết được sự liều lĩnh ấy có chí tử hay không? Điều đó lệ thuộc rất nhiều vào khả năng đánh giá và kinh nghiệm của bản thân các bạn ạ. Tôi biết các bạn sẽ hỏi tiếp rằng làm sao có được khả năng đánh giá và kinh nghiệm chứ?
Để trả lời câu hỏi này, các bạn cho phép tôi tiết lộ một tí về bản thân nhé.
Tôi có một người mẹ mà khi tôi kể chuyện về mẹ tôi, rất nhiều người bạn của tôi ao ước có một người mẹ như thế. Mẹ tôi trước giải phóng là giáo viên và sau đó thì bắt buộc phải bỏ nghề mà bà vô cùng yêu thích để theo nghiệp buôn bán nhằm kiếm đủ tiền cho con ăn học. Đối với ba mẹ tôi, trên đời này không có gì quý giá hơn nền tảng giáo dục vững chắc. Đó là cái sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi sự thay đổi của chính trị và môi trường sống.
Ba mẹ tôi là những người vô cùng nghiêm khắc mà khi tôi còn nhỏ, bạn bè tôi ít đứa nào dám bén mảng đến nhà tôi chơi bởi vì bọn chúng sợ, đặc biệt là sợ ba tôi. Vì thế tôi ít khi nào rủ bạn về nhà. Điều đó trở thành một thói quen mà sau này khi lên đại học, có những người bạn học quen tôi đến cả 10 năm trời mới lần đầu đến nhà tôi chơi.
Đa số bạn tôi khi đến nhà đều ngạc nhiên mà theo lời họ thì nhà tôi giàu quá và đó là điều họ không ngờ bởi vì tôi là một người rất giản dị.
Dù gia đình tôi thuộc loại khá giả, bố mẹ tôi chẳng mua sắm nhiều cho con cái đâu. Họ quan niệm rằng việc mua sắm đồ đạc đắt tiền cho con chỉ mang đến sự nguy hiểm (ví dụ cướp giật) và sẽ làm cho bạn bè xấu (do biết gia đình có tiền) sẽ lôi kéo vào con đường không tốt. Vì thế mà tôi là một người ăn mặc rất giản dị. Thường tôi chỉ có hai bộ đồ đi học (những năm cấp 2) hoặc hai ba cái áo dài trắng (những năm cấp 3) mà là áo của mấy chị để lại. Mãi đến năm 12 khi tôi được giải thưởng cao trong một kỳ thi toàn quốc thì mẹ tôi mới sực nhớ là tôi chưa có cái áo dài nào mới; vì thế bà dắt tôi đi may để mặc trong ngày lĩnh thưởng.
Trong suốt những năm tháng đi học, tôi toàn đi xe đạp. Mãi đến cuối năm 3 và đầu năm 4 đại học, mẹ tôi mới mua cho tôi một chiếc xe gắn máy của Trung Quốc và khi tốt nghiệp đại học rồi thì ba tôi cho tôi cái điện thoại đi động cũ mà ông sử dụng trong nhiều năm. Ba mẹ tôi nói họ chỉ cung cấp cho tôi đủ điều kiện để vào đời thôi, còn nếu muốn mua sắm gì thêm thì tôi phải tự đi làm và mua sắm bằng tiền lương của mình.
Tôi ngay từ nhỏ đã được sống trong sự bao bọc rất kỹ, hay quá kỹ của bố mẹ, hầu như chưa bao giờ đi đâu một mình (thậm chí đi với bạn cũng không), ngoại trừ việc cuối tuần đi từ thành phố Tân An (quê tôi) lên Sài gòn để học đại học mà thôi (và tại Sài gòn, bố mẹ tôi có nhà kính cổng cao tường cho tôi ở để không phải ở ký túc xá hay nhà trọ chung đụng với người khác.) Nhà tôi ở Tân an (trước khi đường quốc lộ được mở rộng ấy) có một cái cổng rào khá to và mỗi khi nó được đóng lại thì y như tôi bị cách ly với thế giới “bụi bặm” bên ngoài ấy. Bạn bè tôi (rất ít khi) mà đến bấm chuông tìm tôi thì sẽ gặp ngay bố mẹ tôi và phải qua cuộc phỏng vấn của họ trước, ví dụ: ai, tên gì, nhà ở đâu, có đi học không, có học cùng lớp không…. Nếu không phải là bạn học thì đừng hòng có cơ hội gặp mặt tôi, khi ấy ở tuốt trên lầu cao ấy nhé.
Hằng ngày mẹ tôi trong những bữa cơm đều kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cảnh giác để đề phòng kẻ xấu hoặc những tình huống xấu có khả năng xảy ra đối với chúng tôi.
Lần đầu tiên tôi được đi chơi xa cùng bạn bè là vào năm thứ 3 đại học. Tôi và 3 cô bạn học cùng đi tàu lửa về Nha Trang thăm nhà của một người bạn học khác. Chuyến đi chỉ vài ngày thôi, vậy mà số ngày mà mẹ tôi dành ra để căn dặn tôi nhiều hơn số ngày tôi ở tại Nha Trang nữa. Nếu các bạn mà biết mẹ tôi căn dặn gì thì các bạn sẽ ôm bụng cười ngất ấy. Ví dụ, nếu có đi tàu ra đảo chơi thì phải ôm theo một cái bình nhựa rỗng để tàu chìm thì còn có cái bám víu, nếu đi dạo chơi trên bãi biển ban đêm thì coi chừng cướp chạy lên từ bờ sông, nếu đi ra ngoài ban đêm thì nhìn trước ngó sau xem có ai đi theo hay không,……. Trong suốt những ngày ở tại Nha Trang, bất kể chúng tôi làm gì, thì tôi đều nói cho bạn tôi những tình huống xấu có thể xảy ra nếu chúng tôi làm hoặc đi đến những nơi ấy. Vậy là bạn tôi bảo: “Mệt Dung quá! Đi chơi với bà mà cứ như đọc chuyện cảnh giác vậy á. Chỗ nào cũng thấy nguy hiểm.”
Tại sao tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện dài như thế về bản thân mình. Điều tôi muốn nói là tôi đã học được cách phán đoán và tiên liệu tình huống xấu từ mẹ tôi – đó là người thầy đầu tiên của tôi trong vấn đề này.
Nếu không có người thầy đầu tiên như tôi thì các bạn có thể học hỏi từ nguồn khác mà tôi cũng sử dụng khá nhiều trước khi thực hiện những chuyến đi bụi dài hạn. Đó là đọc. Các bạn có thể đọc từ bất cứ nguồn nào như sách báo, internet, tiểu thuyết,….Theo tôi việc đọc truyện hay tiểu thuyết giúp rất nhiều bởi vì đặc biệt với những nhà văn nổi tiếng, họ là những người rất sành sõi trong đường đời và họ kể cho các bạn nghe những câu chuyện là những tình huống mà những người trẻ tuổi không bao giờ ngờ tới. Chính việc nghiện đọc sách cũng giúp tôi tiên liệu tình huống rất nhiều. (các bạn nghĩ xem một người được bao bọc kỹ sau hàng rào cửa sắt ấy làm sao đủ kinh nghiệm ngoài đời mà đi bụi như tôi nếu không nghiện đọc truyện nhỉ?)
Ngoài ra trước khi đến một quốc gia nào thì tôi bỏ thời gian rất nhiều (từ 2 tuần đến 1 tháng) để tra cứu thông tin trên mạng từ những người đi trước về những tình huống xấu có thể xảy ra ở quốc gia ấy.
Chính những nguồn ấy giúp tôi có được khả năng phán đoán tình huống xấu và thậm chí là kinh nghiệm ngay cả trước khi tôi đi bụi.
Bên cạnh đó, các bạn phải biết quý trọng bản thân mình, không bao giờ đặt mình vào những tình huống nguy hiểm. Ví dụ say xỉn khi ở nơi xa lạ, đặc biệt là khi bạn chỉ có một mình và lại là phụ nữ. Tôi hầu như không bao giờ uống rượu bia (nếu có chỉ là nhấp môi thôi). Vì thế khi đi nhậu với bạn bè, tôi luôn là người tỉnh táo mà tôi hay nói đùa với bạn tôi rằng ít nhất phải có một người còn tỉnh để mà đưa những người khác về nhà chứ. Và tôi không bao giờ sợ làm mích lòng người khác khi từ chối uống đâu. Khi tôi nói “không” thì nó có nghĩa rằng “không.” Lý do: tôi không muốn tạo cho mình thói quen uống rượu mà khi đã quen rồi thì khó từ chối hay khó bỏ khi có người mời; và khi đã uống rồi thì khó dừng mà chỉ có nước “quắc” mà thôi. Tôi biết đó là giới hạn của bản thân nên tôi kiên quyết không tạo cho mình thói quen ấy.
Tôi tạo cho mình một thói quen là không lệ thuộc vào bất cứ điều gì, ví dụ ngay cả cà phê tôi cũng không uống. Nhiều đồng nghiệp của tôi nghiện cà phê đến mức họ hay nói rằng vào buổi sáng mà không uống một ly cà phê thì không thể làm việc được. Tôi cũng không hút thuốc. Tôi biết rõ bản thân mình, một khi đã “nghiện” thứ gì rồi thì rất khó mà từ bỏ, ví dụ tôi đang “nghiện” đi bụi ấy. Tuy nhiên, theo tôi, việc đi bụi có ích hơn nhiều so với rượu, cà phê hay thuốc lá nên tôi vẫn chọn nghiện món này hơn mấy món kia.
Tóm lại , câu trả lời của tôi cho câu hỏi là làm sao để đảm bảo an toàn khi một mình ở nơi xa lạ là các bạn phải học cách phán đoán tình huống xấu trước khi đi và các bạn phải biết được giới hạn của bản thân mình.
Vấn đề thứ hai là gia đình tôi nghĩ gì khi tôi đi bụi dài hạn. Câu trả lời là họ không đồng ý. Thậm chí bố mẹ tôi còn bảo họ có thể sẽ từ tôi nếu tôi đi như thế. Tuy nhiên, tôi biết họ yêu tôi nhiều đến mức sẽ không làm thế và đó vẫn là nơi tôi có thể quay về bất cứ khi nào tôi muốn (hehehe.)
Nhiều người hỏi tôi về trách nhiệm với gia đình. Nếu đi như thế thì tôi là một người vô trách nhiệm với người thân. Theo tôi, khái niệm “có trách nhiệm” và “vô trách nhiệm” chỉ mang tính tương đối mà thôi (mà trên đời cũng có gì là tuyệt đối đâu nhỉ?). Tôi lấy ví dụ hai người cực kỳ nổi tiếng nhé. Tôi không dám so sánh mình với họ nhưng bởi vì họ vô cùng nổi tiếng nên ai cũng biết, vì thế rất dễ hình dung.
Người thứ nhất là Phật Thích Ca. Chẳng phải ông là một người vô trách nhiệm khi bỏ nhà đi tu sao? Thế mà ông lại trở thành Phật và có ai nhắc đến việc ông vô trách nhiệm với gia đình đâu nhỉ?
Người thứ hai là Trần Hưng Đạo. Ông lãnh đạo quân đội hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông giúp cho kẻ thù cướp vợ của cha là vua Trần củng cố ngai vàng. Vậy sao không ai bảo rằng ông vô trách nhiệm mà lại phong thánh cho ông nữa chứ?
Vì thế vấn đề “có trách nhiệm” và “vô trách nhiệm” phải tùy tình huống mà định nghĩa, bởi vì không có định nghĩa nào là hoàn hảo cho tất cả mọi tình huống. Do đó, bạn cần tìm ra định nghĩa cho riêng mình.
Khi bạn nghĩ rằng bạn cần làm một việc gì đó và đặc biệt là việc đó mang lại lợi ích cho nhiều người thì bạn cứ làm. Có thể sẽ có nhiều người phản đối, la ó. Tuy nhiên, đám đông không phải lúc nào cũng đúng và lịch sử đã chứng minh điều đó. Khi biết chắc mình đang làm đúng và làm có ích thì cứ làm, nhưng trước tiên bạn phải rèn luyện cho mình kỹ năng phân biệt đúng sai. Làm sao có được kỹ năng phân biệt đúng sai?
Cái đúng và sai cũng chỉ mang tính tương đối thôi các bạn nhé! Có thể trong tình huống này, nó là đúng; nhưng trong tình huống kia, nó lại là sai. Các bạn sẽ bảo thật là “đâu cái điền” (điên cái đầu). Tuy nhiên, cái trụ để giúp các bạn phân biệt đúng sai theo tình huống là các bạn cần đắn đo xem xét việc đó có ích cho mình và người khác như thế nào. Khi thấy nó có ích cho cả hai thì hãy làm.
Có thể bạn sẽ phản đối với tôi mà cho rằng chỉ cần nó có ích cho mình thôi, chứ nghĩ chi đến việc nó có ích cho người khác cho phức tạp. Có thể bạn đúng. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói đến ở đây là nếu chỉ nghĩ đến mình thì đến một lúc nào đó các bạn sẽ thấy việc các bạn đang làm là vô nghĩa. Chẳng phải đã có nhiều người (thậm chí là rất giàu có) tự tử vì điều đó rồi sao. Và tôi không muốn các bạn tự tử như thế.
Vì thế sống có ích cho người khác thực sự là động lực giúp người ta vượt qua những khó khăn và là cái neo định vị được họ trên cuộc đời. Các bạn có thấy người nào sống có ích cho người khác mà lại đi tự tử đâu nhỉ?
Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi người khác nghĩ gì về việc mình làm là các bạn cần có định nghĩa cho riêng mình về vấn đề mình đang làm; cho dù có định nghĩa kiểu gì thì cũng hãy chọn sống một cuộc sống có ích và đặt nó lên hàng đầu.
Vấn đề thứ ba là có người nói với tôi rằng: “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.”
Câu trả lời của tôi là tôi đi để “ngộ” ra những gì mình đã biết.
Từ “biết” đến “ngộ” là cả một đoạn đường dài về ý thức. Thế nào là “ngộ”? “Ngộ” ra điều gì, theo tôi, là thực sự không chỉ dám sống vì điều ấy mà còn dám kêu gọi người khác sống vì nó nữa. Đâu là trở ngại lớn nhất để đạt đến “ngộ” từ “biết.” Cũng lại là do “nỗi sợ.” Sợ gì? Sợ khổ, sợ sai, sợ bị chê cười, sợ phải hành động, sợ phải chịu trách nhiệm,… Điều đó cũng không có gì lạ phải không các bạn? Làm người ai mà chẳng sợ chứ, nếu không thì thành Phật mất rồi.
Cám ơn Chị vì bài viết hữu ích, và cần thiết cho 1 đứa ham lang thang và kết du lịch bụi như e...
Trả lờiXóaViết hay đó bạn Dung. Suy nghĩ rất sâu sắc. Tớ thích vậy. Thành Trung
Trả lờiXóaem có đọc bài “ KHi nào dừng chân” của chị Quỳnh Dung và em thấy có nhiều cái chị viết rất hay nhưng có những chỗ em nghĩ là ý kiến chủ quan của chị quá nhiều. Em nói ví dụ như chị nói rằng người VIỆT NAM có tính nhút nhát và lệ thuộc vào nhóm. Theo em nghĩ đó chỉ là 1 bộ phận người Việt Nam thôi chứ ko phải là tất cả. Và tính nhút nhát đó thể hiện ở tình huống nào? Nếu em nghĩ đi du lịch, đi chơi mà đi tập thể đông vui sẽ hay hơn rất nhiều.Còn nếu đi 1 mình sẽ rất buồn, có những niềm vui có những nỗi buồn, trên đường khó khăn có người chia sẻ. Đi chơi thiết nghĩ là đi thư giản, giao lưu văn hóa, chia sẽ niềm vui cùng bạn bè.Tính độc lập ko nhất thiết phải thể hiển ở chỗ “ dám nghĩ dám đi” mà nên là “ dám nghĩ dám làm”. Em nói ví dụ như SV đại học lên thành phố vừa học vừa làm không phụ thuộc vào cha mẹ thì họ ko thể là nhút nhát được chị à. có bộ phận người suy nghĩ thận trọng, suy tính trên đường du lịch bụi 1 mình có nhiều rủi ro nên họ mới quyết định đi nhóm vì dù sao “ 3 cây chụm lại nên hòn núi cao mà chị”. 1 người si nghĩ ít, nhiều người nhiều cái đầu. Nhưng em nghĩ đã bước đi tức là họ đã dũng cảm lắm rồi. Còn những người mà chị nói “ tập thể không đi, người đó không đi” chưa hẳn là người nhút nhát, cậy nhờ tập thể mà có thể họ nghĩ rằng “ đi 1 mình buồn nên ko đi”, sao mình không nghĩ đến trường hợp này mà cứ nghĩ không dám đi 1 mình tức là nhút nhát vậy chị?ĐI DU LỊCH VUI HAY KO VUI LÀ DO MÌNH THÔI CHỊ ÀH
Trả lờiXóaDoc bai nay xong thi minh thay minh co mot nguoi ba giong y het nguoi me cua ban. Minh luon biet on vi nhung gi ba da lam.
Trả lờiXóaTôi có cùng một số suy nghĩ như bạn. Tôi học từ sách vở và muốn trải nghiệm thực sự với con người, đất nước cùng những nền văn hóa khác với nền văn hóa VN. Mọi người cũng bảo rằng tôi điên vì bao nhiêu tiền tôi kiếm được cũng chỉ đầu tư cho việc "trải nghiệm cuộc đời". Khi còn trẻ như bạn, cuộc sống của bản thân và của VN nói chung còn quá khó khăn nên tôi phải cố kềm hãm bản thân. Sau này VN mở cửa và tôi có dành dụm được một chút là tôi thực hiện ngay những gì tôi mong ước. Kinh nghiệm đi Trung Quốc và Mông Cổ của bạn giúp tôi hăng hái chuẩn bị lên đường hơn. Đây là một đất nước tôi hằng ao ước khám phá, nhưng có lẽ tôi sẽ đi làm hai lần: phía Nam và phía Bắc cho đỡ dài. Tôi lớn tuổi rồi, không dám đánh cược với sức khỏe của mình (vì nếu đau ốm ở xa thì phiền lắm). Cám ơn cái blog rất công phu của bạn. Tôi sẽ noi gương bạn viết cách đi bụi tốn ít tiền ở châu Âu và Mỹ cho các bạn trẻ khác tham khảo vì tôi cũng toàn di chuyển bằng xe bus như bạn.
Trả lờiXóaTheo tôi, những gì mình hưởng được từ ánh nắng ban mai, tiếng chim ríu rít,...cho đến tình bạn, tình yêu trong đời mới thật sự thuộc về mình, không ai lấy đi được. Còn của cải, tiện nghi vật chất là của thế gian, mình chỉ là người sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định rồi thôi (chết đi rồi thì liệu có giữ được gì?).
Chúc bạn có nhiều sức khỏe để đến nhiều nơi hấp dẫn hơn. Vùng Trung Đông tuyệt vời lắm bạn ạ. Tôi mới chỉ biết một tí về Israel và Palestine mà thôi.