Tôi là ai??? Có Trời biết được ấy!!!! Tôi chỉ biết loáng thoáng về mình như sau: Tôi là một người thẳng tính (tục ngữ gọi là “thẳng như ruột ngựa”), cứ thích nói tuồn tuột ra những suy nghĩ của mình (không phải là tất cả), nghĩ sao nói vậy nên cực kỳ ghét những người “nghĩ một đằng nói một nẻo” bởi vì đối với tôi những người ấy thiếu bản lĩnh; do đó tôi là người thiếu chỉ số EQ trầm trọng. Mà những người thiếu EQ thì cực kỳ “không thành công” trong giao tiếp xã hội. Nhờ thế tôi trở thành freelancer (người làm việc tự do), nghĩa là tôi hầu như không có “sếp.” Tôi làm việc theo hợp đồng; vả lại nghề của tôi là một nghề khá tự do; môi trường làm việc cạnh tranh bằng chính năng lực của bản thân (dù cũng có người “lươn lẹo” tí để có lương cao hơn.) Môi trường cạnh tranh, dĩ nhiên là căng thẳng và khá áp lực; nhưng nhờ thế mà tôi “vững tay nghề.”
Đi làm đã thế nên đi học, tôi cực kỳ nghiêm túc và không thua kém ai, cho dù là tôi học một ngành mới lạ. Vì sao ư? Tôi là một người cực kỳ nghiêm túc trong học tập cho dù có gặp trúng một “tiến sĩ gây mê,” tôi cũng “há hốc mồm nghe.” Quan niệm của tôi là “ta vẫn luôn học hỏi được ít nhất một điều từ người thầy dở nhất.” Vì thế tôi luôn học được không chỉ một mà là vài điều từ “những tiến sĩ gây mê” nên không hề thấy phí thời gian và tiền bạc khi đến lớp. Ngành học gần đây nhất là trước khi tôi đi bụi dài hạn ấy (nghĩa là tốt nghiệp xong thì “mất tích,” tôi học chung với những người “có vai vế”, họ công nhận là tôi học giỏi và thông minh quá (điều này không lạ lẫm gì bởi vì tôi được sinh ra là để dành cho học đường mà); tuy nhiên cuối cùng điểm tổng kết của tôi không hề cao. Vì sao ư? Vì tôi vẫn không từ bỏ cái “tính thẳng như ruột ngựa” và “không muốn giải thích khi bị hiểu lầm” (ai hiểu lầm thì cứ hiểu, còn ta thì vẫn là ta) mà tôi thường xuyên bị hiểu lầm như thế dù là đi học hay đi làm (bị hiểu lầm mà không giải thích là một hành vi…hơi ác nếu giải thích theo kiểu nhà Phật; bởi vì người hiểu lầm bạn sẽ phạm tội về ý niệm, nghĩa là gán cho người khác hành vi mà họ không có.)
Tôi là một người luôn làm cho người khác….. bất ngờ; do đó các bạn học của tôi cũng bất ngờ khi thấy tôi không có điểm cao. Họ nhìn tôi “thương hại” và có người trách tôi phí tiền và thời gian chỉ vì không chịu “lươn lẹo” tí. Họ là những người cực kỳ kinh nghiệm trong đời sống và công việc. Tuy nhiên, tôi không phục họ. Tôi không muốn thỏa hiệp kiểu ấy; do đó có bạn độc giả từ Hà nội dạy tôi rằng: “Kim vì cứng nên dễ gãy, nước vì mềm nên vẹn toàn.”
Để trả lời cho ý này, tôi trích bài tự luận được phát biểu bởi một cô bé học sinh Trung Quốc 15 tuổi trong quyển tự truyện của chính cô “Búp Bê Bắc Kinh.” Bài tự luận ấy như sau:
“Tựa đề bài nói của tôi là: “Tất cả những người tài hoa chân chính đều luôn tự sát.” Có một câu nói có tác hại rất lớn, đó là “Kẻ thức thời thì tồn tại.” Xin thưa, nói vậy là hoàn toàn sai lầm. Những ai tài hoa chân chính đều chết cả, những người còn sống đều là loại bình thường hoặc đã vi phạm nguyên tắc của mình. Xin hãy thử nhìn vào số người tự sát: Khuất Nguyên, Lão Xá, Cố Thành, Hải Tử, Qua Mạch, Hermingway, Van Gogh, Marilyn Monroe,…và rất nhiều người nữa. Trong số họ, có người được tôn kính, có người bị phỉ nhổ, nhưng họ đều có chung một điểm: khí khái cốt cách. Trước sự nhục nhã, họ thà chết chứ không van xin để được sống. Có thể các bạn cho rằng, tự sát là hành vi yếu đuối, còn tôi thì ngược lại, thấy không phải thế. Tự sát ở đây không phải là anh bị ai đó bức phải chết, mà là anh chủ động chọn.
Do nhạy cảm, mơ mộng, những người tài hoa thường cảm thấy xã hội, thế giới là đen tối, xấu xa. Cuối cùng thì thiên tài chân chính đã cảm thấy tuyệt vọng. Họ đã thấy trước mọi thứ, biết rằng đường đi đã hết, thì việc gì phải lãng phí thời gian? Bây giờ có thể bạn sẽ hỏi: “Thế thì vì sao có rất nhiều người giỏi vẫn đang sống?” Tôi có thể trả lời ngay rằng, họ sống vì họ đã thỏa hiệp. Những người đó đã mài bớt sự sắc bén của mình, để rồi lẫn vào trong đám đông, trở thành một thứ vũ khí không cá tính, không tư tưởng, tự hạ thấp mình. Vì vậy, người chân chính cần phải đấu tranh. Cuộc sống chân chính phải được bộc lộ hết mình. Giữa nhục nhã và nhân cách thì nên chọn nhân cách; giữa tồn tại và tự do thì hãy chọn tự do…”
Tôi không khuyên các bạn tự sát đâu nhé!!!! Tuy nhiên, theo tôi, nếu kim không cứng thì không còn là kim; nước thì được vẹn toàn thật nhưng mà nếu như thế mãi thì…chán chết.
Trước đây có lúc tôi đã thử sống thỏa hiệp. Cuộc sống quả thật là thoải mái và dễ chịu vô cùng. Tôi có thể đạt được cái mà tôi muốn một cách dễ dàng. Nhưng dần dần tôi không còn nhận ra chính mình nữa. Do đó tôi đành dừng lại việc sống thỏa hiệp ấy ngay.
Tôi có vài người bạn và chúng tôi biết nhau hơn 10 năm rồi. Bạn tôi có công việc ổn định và cuộc sống khá là thoải mái nhưng tôi không còn nhận ra bạn của mình nữa. Tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao? Bây giờ thì tôi hiểu, đó là do bạn thỏa hiệp riết nên không còn là chính bạn ấy nữa. Một người bạn khác của tôi hiện tại có được một số tiền mà bạn ấy cách đây vài năm không dám mơ tới nhưng bạn ấy vẫn luôn thấy tiếc khoảng thời gian lúc bạn ấy chưa có khoản tiền đó. Tôi đã không hiểu vì sao? Bây giờ thì tôi hiểu rồi, bạn ấy đã chọn sống thỏa hiệp. Một trong những giáo sư của tôi, tính như thép ấy nên dù khá giỏi chuyên ngành lại luôn bị “đì” và có lúc còn bị nguy cơ phải ra khỏi ngành. Tuy nhiên cô ấy đã chọn sống thỏa hiệp để ở lại ngành và sự xung đột giữa thỏa hiệp với tính cách của bản thân làm cô ấy bị stressed. Tôi nghĩ nếu cô ấy phải nghỉ việc hay ra khỏi ngành thì cũng có gì là ghê gớm đâu, bởi việc ấy có thể là cơ may cho cô đi con đường gần với mình hơn.
Bây giờ thì tôi cũng hiểu vì sao trước đây tôi luôn bị cho nghỉ việc khi làm việc ở các văn phòng (toàn là những công việc liên quan đến đối tác quốc tế và là công việc mơ ước của rất nhiều người bởi cơ hội kiếm học bổng đi du học rất cao) và mỗi lần “bị nghỉ việc” như thế, tôi lại thấy mình may mắn (các bạn tin hay không thì tùy các bạn nhưng tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi bị cho nghỉ việc) bởi vì nhờ thế mà tôi đi con đường khác, gần với bản thân mình hơn. Nếu vẫn còn ở văn phòng thì tôi có thể hiện đã hoặc đang du học ở một nước nào đó, rồi về có thể “vênh vang”, dùng bằng cấp ấy mà kiếm bộn bạc rồi đấy. Tuy nhiên để đổi lại, tôi phải thỏa hiệp và thức thời. May là điều ấy không xảy ra nên tôi không làm việc văn phòng mà làm việc tự do, may là làm việc tự do nên tôi hầu như không có nhiều ràng buộc và nhờ thế tôi tự do xin nghỉ để đi bụi. Thật lạ là tôi càng bị cho nghỉ việc lại càng thấy mình đi càng gần con đường mà mình muốn đi hơn. Cho nên đối với tôi, “bị cho nghỉ việc” là cơ may.
Nếu tôi đã chọn cách sống thỏa hiệp thì có thể blog “thich đi bụi” này không thể ra đời được. Có thể các bạn không tin nhưng cách đây vài năm, tôi đã từ chối một cơ hội đi Mỹ dự hội nghị chuyên ngành bởi vì những người xung quanh thuyết phục tôi rằng người chọn đã chọn nhầm tôi. Tôi thấy thật buồn cười bởi họ là những người vô cùng có vai vế và học vị, lại đi ghen tị với tôi. Tôi gửi thư từ chối cho người tuyển chọn và nhường cho họ đi đấy. Tôi từ chối đi không phải vì tôi sợ họ mà vì tôi thấy đi như thế có vẻ “nhục nhã” quá. Sau sự kiện ấy, tôi thấy họ vô cùng lạ lẫm: “Ồ, những vị giáo sư mà tôi từng tôn kính là thế sao?”
Tôi thử chuyển sang một lĩnh vực khác để xem những người trong ấy có gì hay hơn không? Tôi tham dự một chương trình học lấy bằng của Bỉ, học chung với tôi là những người có vị trí từ trung đến cao cấp trong công ty họ. Có người tự bỏ tiền ra học, có người được tài trợ của công ty. Và sau khi học xong thì tôi cũng thấy họ thật lạ lẫm: “Ồ, thì ra họ là thế!”
Có bạn hỏi tôi rằng tôi có đang trốn chạy một điều gì hay không bởi vì tôi đi bụi lâu như vậy? Có thể là có và tôi đang trốn chạy một cuộc sống thỏa hiệp. TÔI KHÔNG MUỐN SỐNG THỎA HIỆP; TÔI MUỐN SỐNG THEO ĐÚNG CON NGƯỜI CỦA MÌNH.
Lại có người bảo như thế là “quá dại,” việc gì phải thế, cứ thỏa hiệp một tí thì sẽ được tất đấy mà. Tôi không nghĩ thế, cuộc sống này quá ngắn ngủi nên tôi không muốn phí thời gian vào công việc thỏa hiệp. Bạn sẽ có gì nếu sống thỏa hiệp? Vật chất và danh vọng. Bạn sẽ có gì nếu không sống thỏa hiệp? Chẳng có gì ngoại trừ bạn là chính bạn.
Dù có chọn cách sống thế nào thì khi chết, ai cũng như ai; có thể đám tang người này to hơn, huy hoàng hơn của người kia, nhưng việc ấy có ích gì khi bạn không thể nhìn thấy nó. Tôi là một người vô cùng tin vào luật luân hồi. Tôi được sinh ra như thế; tính cách của tôi như thế và tính cách ấy không ai dạy tôi cả mà được hun đúc từ nhiều kiếp luân hồi rồi nên tôi cứ theo đúng con đường ấy mà đi; có thể thiệt thòi hơn người khác một tí nhưng con đường tôi đi là sự tiếp nối của con đường từ nhiều kiếp luân hồi; trong khi sống thỏa hiệp thì ta luôn phải bắt đầu lại sau mỗi kiếp bởi vì xã hội luôn thay đổi mà. Vì vậy, xét ra cái mà tôi có được nhiều hơn nhiều so với những người chọn cách sống thỏa hiệp mặc dù nó không thể được cân đo đong đếm hay thấy bằng mắt thường; những gì tôi tích lũy từ bao kiếp cứ thế mà được tiếp tục tích tụ; tôi không muốn chối bỏ nó và đi một lối khác cho phù hợp với thời đại, cho “thức thời.”
Có một người mà tôi không nhớ quốc tịch và đã gặp ở đâu, sau khi nhìn tôi thì nói rằng: “Con hãy sống theo đúng con người của mình, rồi cái mà con có được sẽ rất nhiều.” Đó đúng là một câu khích lệ đúng lúc tôi đang phân vân không biết có nên sống thỏa hiệp hay không. Và rồi vì câu khích lệ ấy mà tôi dũng cảm sống theo đúng con người mình. Có thể các bạn không phản đối khi tôi nói rằng: Để sống theo đúng con người của mình, chúng ta cần dũng cảm và đấu tranh rất nhiều.
Do đó quan niệm về thành công của tôi là: Người thành công là người DÁM sống theo đúng con người của mình. Khi đọc đến đây, có thể bạn sẽ cười khuẩy và nói rằng: nếu ai cũng như tôi thì thế giới này không thể phát triển được như ngày nay. Xin thưa với các bạn, thực sự cái mà chúng ta cần không phải là một thế giới cực kỳ phát triển đi kèm với sự hủy hoại môi trường và thiên tai, chúng ta cần cái khác kia. Và theo tôi thế giới này phát triển đến mức này là do sự tham lam của con người mà ra. Nếu không có những máy móc tối tân hiện đại thì…chúng ta vẫn sống; nhưng những máy móc tối tân này đi kèm với thiên tai thì…..chúng ta có sống sót nổi không?
Có bao giờ các bạn tự hỏi là tại sao chúng ta được sinh ra vào đúng nền văn minh này hay không; cuối cùng nền văn minh này sẽ đi về đâu? Trước chúng ta đã có vô số các nền văn minh vô cùng rực rỡ khác rồi và cuối cùng mọi thứ lại “trở về với cát bụi.” Chúng ta giành giật, đấu đá nhau để có “một tí” gì đó rồi sao nữa? Chúng ta chết. Rồi sao nữa? Chúng ta lại sinh ra ở nền văn minh khác. Rồi sao nữa? Rồi lại đấu đá. Rồi lại chết. Rồi lại sinh ra ở một nền văn minh khác….Tóm lại, cuối cùng chúng ta đấu đá nhau là vì cái gì nhỉ? Hình như có ai đó nói rằng chúng ta cần “cật lực” để làm giàu cho bản thân và xã hội như thế chả có ích à? Rất có ích đấy chứ; nhưng song song với việc làm giàu cho xã hội thì chúng ta làm nghèo đi môi trường thiên nhiên. Chúng ta có nhiều xã hội nhưng chỉ có một môi trường mà thôi. Tóm lại tôi cũng không tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta đấu đá nhau là vì cái gì vậy nhỉ?
Tôi không viết bài này để phê phán hay lên án ai hay lối sống nào cả; việc bạn chọn sống thỏa hiệp hay không thỏa hiệp là quyết định của chính bạn. Theo tôi thì cuộc sống là một tập hợp những quyết định nên dù có quyết định thế nào thì hy vọng sẽ không có lúc phải nói câu: “giá như mà…..” Biết đâu sau này tôi chính là người phải thốt lên: “giá như mà tôi không đi bụi lâu đến thế, các bạn nhỉ?”
Cứ lo chị bị gì sau một thời gian dài vắng bóng. Chúc mừng chị đã tái ngộ với quá trời bài đăng đọc không kịp nghỉ :D.
Trả lờiXóaCảm ơn Quynh Dung, mình thích những suy nghĩ của bạn.
Trả lờiXóa