Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011
Lại về Lào (1): Đạp xe từ Nongkhai (Thái Lan) về Vientiane, xem lễ hội That Luang rồi lại đi Pakse
Lúc tôi lên xe đạp để đi thì đã gần 4h30 chiều rồi. Tôi ung dung chạy đến cầu Hữu Nghị. Xe cộ đang đậu một hàng dài, thì ra là tàu hỏa quốc tế Lào-Thái đang đi qua nên mọi người phải chờ. Đến cửa khẩu Thái Lan, tôi đậu xe ở bên ngoài rồi vào quầy làm thủ tục. Lần này tôi đến ô cửa cho khách bộ hành.
Khi quay trở ra, tôi thấy vài người đứng gần xe đạp của tôi nói tiếng Việt với nhau. Họ đội nón có dòng chữ Cam Ranh-Nha Trang, tôi bắt chuyện. Thì ra đó là đoàn khách tham quan từ Việt Nam. Họ đi cả 3 chiếc xe 50 chỗ, đang về Vientiane để dự lễ hội vào rằm tháng 10/2011. Họ là đoàn Phật tử sang thăm các wat ở Lào và Thái, trong đó có rất nhiều nhà sư, có vị còn nói được cả tiếng Thái. Họ khâm phục tôi quá khi thấy tôi một mình một xe “xông pha”. Họ hỏi tôi đi có mục đích gì không? Tôi nói tôi chỉ đi tham quan thôi. Họ đúng là dân miền Nam chính tông bởi nghe tôi nói sao thì tin vậy chứ không vặn vẹo tới lui như cái bọn Bắc kỳ mà tôi hay gặp ở Lào ấy. Họ bảo với nhau: phải đi xe đạp như tôi thì mới gọi là tham quan được, chứ chỉ ngồi xe buýt như họ thì có thấy gì đâu. Họ nói đi như thế thì có khác gì tam bộ nhất bái đâu? Tôi nói: tôi không dám so sánh như vậy đâu; tôi không có tiền đi tour nên đành đạp xe thôi. Họ bảo họ đi tour 8 ngày 7 đêm, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn mà tốn có 3 triệu đồng/người thôi. Công nhận rẻ thật đấy!!!!
Chia tay họ xong, tôi lại đạp xe đi. Sang phía Lào, lại được chạy xe bên phải đường, tôi cũng vào quầy dành cho khách bộ hành làm thủ tục. Tôi không biết lấy cái phiếu ở đâu để điền nên xếp hàng đại và khi đến lượt tôi thì chìa sổ ra. Anh chàng hải quan đóng mộc xong rồi mới phát hiện tôi không có cái phiếu arrival form nên đưa cho tôi một tờ và bảo điền xong thì quay lại nộp cho anh ta. Công nhận dân Lào dễ thương ghê!!! Ở Việt Nam mà như thế thì tôi bị mấy cha hải quan quát cho tơi bời hoa lá luôn rồi. (Trong trường hợp ấy thì lấy tinh thần A.Q ra: “Chúng quát mình thì có khác gì chúng quát má của chúng đâu.” Hehehe) Các bạn chớ có “mách lẻo” mấy cha hải quan nhà mình đấy nhé; nếu không, tôi không còn cơ hội về nước đâu đấy!!!!
Tôi đạp xe đi Xiengkhoun (Buddha Park) để cắm lều ngủ ở wat mà trước đó tôi có ngủ một đêm. Lúc đó hơi trễ nên không nhìn thấy chú tiểu nào cả. Tôi lặng lẽ đi vào bãi cỏ bên cạnh chánh điện và căng lều lên ngủ. Tưởng yên thân, ai dè một người dân trông thấy, đến bắt chuyện và bảo tôi lên chánh điện ngủ. Tôi nói tôi thích ngủ trên cỏ. Anh ta đi ra. Sau đó một đám con nít đến. Ôi trời. Tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi thôi, vì thế tôi lấy kiểu “không nghe, không thấy, không nói” gì hết. Vậy mà chúng cũng không tha; bu quanh lều của tôi, chúi mũi vào xem, tôi đóng cửa lều lại luôn, ý muốn “tiễn khách.” Chúng xì xào ở bên ngoài, có đứa lấy đá ném vào cạnh lều, có đứa đá vào chai nước tôi để bên ngoài. Tuy nhiên, may mắn là sau đó bọn chúng bỏ đi hết!!!
Tôi được yên thân mà ngủ, nhưng lúc ấy nhớ thằng bé Nón Ai ở Nongkhai đến phát khóc. Buổi sáng mới có 3-4h thôi mà tôi đã nghe tiếng dọn dẹp và đọc kinh ở chánh điện rồi. May là tôi ngủ trên cỏ nên tha hồ “nướng” đến khoảng 7h. Vừa chui ra khỏi lều, định dọn dẹp thì thấy vị sư trụ trì đang đứng trên chánh điện nhìn xuống cười nhân hậu. Tôi vội cầm hai tấm hình lên tặng cho ngài. Vị sư ấy thích vô cùng và còn cảm ơn tôi bằng tiếng Anh nữa đó. Tôi lấy hai cây giò chả mua ở Nongkhai lên đưa cho mấy người phụ nữ đang sắp mâm cơm.
Lần này có thêm một sư già và một sư trẻ. Tôi đoán chắc họ là khách mời từ wat khác đến bởi vì họ ngồi ngang hàng cùng với sư trụ trì và sư phó; nhưng hai người họ ăn cùng một mâm chứ không ăn riêng như hai vị kia. Hai sư này ăn xong thì xuống hỏi chuyện tôi. Sư trẻ nói tiếng Anh; sư già nói tiếng Việt. Trước đó lúc đang ăn thì sư trẻ có hỏi bằng tiếng Lào nhưng tôi nghe không hiểu gì cả (vừa từ Thái quay về nên tôi chưa bắt kịp với tiếng Lào, vì thế tôi không đoán ra ý họ muốn hỏi gì; phải ở một thời gian nghe riết mới đoán ra được chứ.)
Hình như người Lào ở đây không thích ăn nem hay giò chả hay sao ấy mà tôi thấy mấy khúc chả giò của tôi hầu như không ai đụng đến; có người cúng dường hai cây nem cũng không ai ăn; toàn là tôi và một thằng nhóc 4-5 tuổi ăn thôi. Mà lạ cái là họ không lấy dao cắt ra cho dễ ăn, họ lấy muỗng xắn từng khúc và cho vào chén rồi sắp vào mâm. Làm thế ai mà dám ăn kia chứ. Tôi cũng không biết ăn như thế nào thì mẹ của thằng nhóc cầm lấy một khúc và xé ra cho nó ăn. Trời, lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến kiểu ăn chả giò bằng cách dùng tay xé ra ấy (tôi toàn thấy người ta lấy dao cắt hoặc cầm cả khúc lên mà cắn thôi.)
Lúc ăn gần xong thì có hai người đàn ông đến; họ biết nói bập bẹ vài câu tiếng Việt; họ nói: “Em đẹp lắm!” Lạ quá, hình như câu tiếng Việt đầu tiên mà người Lào học là câu này hay sao ấy???
Ăn xong, chia tay họ, tôi lại đạp xe về Vientiane. Tôi cứ thong thả đạp xe và chốc chốc lại dừng để thưởng thức quýt Thái (lâu lắm rồi mới được ăn mà). Có một lần, khi tôi đang ngậm miếng quýt trong miệng thì hai nữ du khách da trắng dừng xe trước tôi, lấy bản đồ ra và hỏi tôi đường đi Buddha Park. Tôi bảo phải đi ngược lại. Họ nói người dân chỉ họ đến đây cơ. Tôi bảo đường này là đi về Pakse. Họ chỉ vào bản đồ và nói đường đi Pakse và Buddha Park là đều đường về phía Nam mà. Tôi nói tôi chả biết cái bản đồ này đúng sai thế nào nhưng tôi sáng nay vừa ở Buddha Park về và họ phải đi ngược lại thì mới đúng.
Tôi đạp xe theo mũi tên chỉ để ra quốc lộ Nam 13 thì đi ngang qua That Luang. Trước đây tôi có đến đây nhưng lúc ấy không có máy ảnh nên không chụp hình. Vậy là tôi chạy vào với ý định chụp vài pô cái tháp có hình búp sen này.
Tôi thấy không khí lễ hội rộn rịp. Ah bây giờ thì tôi nghĩ ra rồi, đoàn tham quan từ Cam Ranh chắc là đến dự lễ hội That Luang này rồi. Tôi loanh quanh chụp hình chứ không vào trong tháp. Phụ nữ phải mặc xà rông mới được vào; nếu không có thì thuê giá 10 ngàn kíp ở một quầy gần cổng ra vào.
Tôi thấy có một nhà sư căng lều trên một thảm cỏ. Tôi phân vân xem có nên xem lễ hội hay không. Tôi có thể căng lều gần nhà sư để ngủ. Nhưng lễ hội đông người, tôi muốn đi toa lét thì ai trông chừng đồ đạc cho mà đi. Lều không khóa được mà toa lét lại ở xa. Vả lại tôi thấy trong người không thoải mái lắm nên chỉ định chạy một vòng xem thì đi thẳng hướng Pakse luôn.
Tôi thấy một phụ nữ bán cà rem trùm kín mít. Ở Lào và Thái cứ thấy ai ra đường mà trùm kín mít thì chắc hẳn đó là người Việt. Tôi hỏi bằng tiếng Việt. Chị ta, từ Quảng Bình sang, hơi bất ngờ vì không nghĩ tôi là người Việt. Que kem có giá 2 ngàn kíp. Khi tôi ăn xong thì chị xin lại cái que; thì ra chị ta muốn tái sử dụng. Ghê quá!!! Nếu biết trước thì tôi đã không ăn rồi.
Ở That Luang có một gian nhà có mái che, nền trải gạch bông, trên có quạt trần, cho các sư nghỉ ngơi. ½ gian, nơi gần tượng Phật là các sư nam; ½ gian còn lại là dành cho các sư nữ và dân thường. Có cả nước uống và mấy cái mâm để ai muốn ăn cơm thì có mâm để thức ăn lên ăn nữa.
Quần áo các sư phơi đầy sân sau, như vậy chắc nhiều người đến trước vài ngày rồi và ăn ở đó để chờ lễ luôn. Hôm ấy mới có ngày 13 âm lịch thôi; nghe nói lễ hội diễn ra trong 3 ngày 13-14-15 âm lịch và ngày 15 là ngày lễ chính, nên người đi dự rất đông. Chị ở Quảng Bình bảo tôi rằng hôm đó là lễ bạc gì đó của người Lào.
Xem chán chê mà thật ra lúc đó là giờ nghỉ trưa nên cũng không có gì để xem, ngoại trừ mấy du khách nước ngoài xách máy ảnh dạo qua dạo lại. Tôi chạy ra ngoài và theo thẳng hướng quốc lộ Nam 13 mà đi. Ồ, tôi thấy một ngôi trường của tổng bí thư Việt Nam tặng cho Lào nữa đấy. Ngôi trường trông hoành tráng vô cùng, ngay cổng là vài cái ghế đá của Sacombank. Tôi đảm bảo món quà này mang đầy tính chính trị. Trong khi các nước khác như Nhật, Hàn, Canada,…đổ tiền vào xây trường ở các nơi vùng sâu vùng xa thì ta lại xây một ngôi trường khang trang nằm chễm chệ ở thủ đô Vientiane, một nơi không hề nghèo.
Dọc hai bên đường của quốc lộ Nam 13 là các nhà hàng cửa hiệu của Việt Nam.
Ngoài ra hai bên đường chỉ toàn là cảnh đồng lúc hoặc đồng cỏ nên không hấp dẫn lắm. Tôi cứ vừa đi vừa thưởng thức quýt riết nên “đến tháng” luôn. Bây giờ mới “đến tháng,” vậy mà mấy hôm trước nói xạo với Deechai là đến rồi để anh ta khỏi quấy rối.
Tôi dừng lại ở một cây xăng và hỏi: hongnam dù xây? (Toi let ở đâu?) Chắc trông tôi buồn cười lắm đấy; đã đi xế điếc thì vào cây xăng làm gì?
Cái bao ny lông trắng mà tôi bọc các yên xe để tránh nước mưa và sương đêm làm ướt bây giờ có màu đỏ của máu luôn. Vậy là tình hình nghiêm trọng rồi đây, do tôi ăn quá nhiều quýt và xoài mà. Vậy là tôi lấy quần áo và bột giặt thôi để thay đồ và giặt giũ luôn. Nhà tắm khá sạch, hình như mấy người làm ở cây xăng cũng tắm ở đây luôn ấy nên có đủ cả xà bông, bột giặt và bàn chải. Thế là tôi tự nhiên vô cùng, cởi đồ ra tắm táp, giặt giũ luôn. Thoải mái ghê ghớm. Tôi còn lại bình nước của họ lấy nước cho vào chai để uống. Chắc tôi tự nhiên quá đỗi nên mấy người trong cây xăng chỉ nhìn nhìn tôi mà không có lấy một nụ cười. Họ tưởng tôi là người Thái (các bao ny lông mà tôi sử dụng đều có tiếng Thái trên đó, tôi mới từ Thái về mà) bởi tôi nghe họ nói chuyện với nhau và họ nói: Khôn Thai (người Thái.) Kệ, để cho họ nghĩ thế cũng chả sao.
Tôi nói “cảm ơn” rồi lên xe đi. Ờ mà sao lúc ấy tôi không cảm ơn bằng tiếng Thái cho trọn vai diễn nhỉ? Bây giờ nghĩ lại mới thấy tiêng tiếc.
Hai bên đường toàn là ruộng lúa đã gặt xong nên chỉ còn gốc rạ hoặc các đống rơm hoặc các đồng cỏ; vì thế tìm một nơi cắm trại không hề khó. Quan trọng là tôi không thấy sông đâu cả; chả lẽ lại múc nước ruộng rửa mặt?
Kỳ sau: Lại về Lào (2): Đạp xe từ Vientiane đến Bản Na, thăm Wat Phabat-Phonsanh, đến thác Tad Leun
Chào chị! em đọc blog của chị thấy sung sướng quá,em cũng "máu" đi, nhưng em vẫn còn nhát lắm,cũng không dũng cảm và can trường bằng chị nên em khâm phục chị lắm lắm !!! ^^
Trả lờiXóaTháng trước, em cũng đi Lào qua Thái, trên chuyến xe 18 tiếng từ Đà Nẵng qua Viên Chăn, có duyên gặp được vị sư thầy (từ Cam Ranh) và hai sư cô ( từ Hội An ) qua Lào - Thái tiền trạm cho chuyến tham quan của phái đoàn Phật tử Cam Ranh chị gặp trên, sau khi được nghe thầy và cô dạy dỗ rất nhiều điều về đạo lý và những quy luật ở đời, em thấy mình thanh nhẹ nhiều lắm^^ . Chuyến xe đến Vientaine lúc 2h sáng, câu chuyện cũng kết thúc, chia tay mỗi người mỗi ngã không biết khi nào gặp lại, em mĩm cười thỏa thuận hai chữ "tùy duyên" :) .Hôm nay, bắt gặp hình ảnh của họ trên blog của chị, em vui mừng lắm, như là chị đang nói về người quen của em vậy ^^
Em cám ơn chị nhiều, vì đã đánh thức những rung động của em trên đất Lào, cái cảm giác sau khi đi về hơn tháng đến giờ em mới tìm được, để em biết rằng chuyến đi của mình thật sự không vô nghĩa bởi những tất bật của sự an hưởng tầm thường ! ^^
Một lần nữa cám ơn chị! Chúc chị luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục những chuyến đi, tích lũy thật nhiều để sống một cuộc đời trọn vẹn.
Cảm ơn bạn nhé!!!!!
Trả lờiXóaĐúng là quả đất tròn nên đi đâu cũng gặp người quen của mình hay của người mình quen cả bạn nhỉ!!!
Nếu không đọc bảng "quảng cáo", nhìn kiến trúc trường cũng đủ biết trường "Vietnamese style" rồi!!
Trả lờiXóa