Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011
Lại về Lào (3): Đạp xe đến B.Namlo, qua thành phố Pakxan và dừng lại ở Bản Na Khua
Lúc đó tôi đến một bản mà dọc hai bên đường người dân bán cá khô, bên tay phải là sông Mê kong; vậy là ra khỏi Vientiane khoảng 100 cây thì lại thấy sông Mê kong rồi.
Khi tôi đến đúng cây số 110 thì trời chiều, hai bên đường là các gian hàng bán cá khô; ngay tại cây số 110 là một cái wat. Sau này tôi mới biết đó là B. Namlo.
Tôi vào wat xin phép cắm trại. Wat này chỉ có một ông sư duy nhất. Lúc đầu ông ta từ chối, bảo tôi vào bản ngủ chứ đây là wat không ngủ được. Tôi chỉ ra gốc đa xòe tàn thật to ở góc sân bên trái và nói tôi cắm trại ở đó được không. Ông sư ngần ngừ một hồi rồi nói được. Tôi đến dựng xe và xem địa hình.
Cuối cùng tôi không cắm trại ở dưới tán cây mà đi vào trong một tí, nghĩa là cạnh toà nhà dành cho sư sãi ấy. Tôi cắm trại xong thì ra hồ nước lấy nước tắm rửa, xong lên trước chánh điện lấy nước uống. Công nhận tôi ngủ wat riết nên tự nhiên ghê!!!!
Ngủ ở đó không ngon giấc lắm bởi vì tôi bị lạnh. Buổi sáng tôi thu dọn xong, để lều phơi cho khô, và vào chánh điện lấy nước uống. Người dân cúng dường bảo tôi ở lại ăn cơm. Quả là wat này chỉ có một ông sư. Ông ta ngồi ở trên, hút thuốc phì phèo. Ba người đàn ông ngồi gần sư nhất. Cánh phụ nữ thì phải ngồi phía dưới, xa nhà sư ra. Ở Lào, phụ nữ không được phép đưa hay nhận bất cái gì trực tiếp từ các nhà sư hoặc chú tiểu. Muốn đưa cho sư cái gì thì họ để trên bàn hay dưới đất và ngược lại, các nhà sư muốn đưa cái gì cho phụ nữ cũng phải để trên một cái gì đó, chứ không đưa trực tiếp.
Tôi thấy cái này buồn cười quá! Nhưng đối với những sư trẻ, “nội lực” chưa cao thì phải thế thôi. Ai mà tu đến lúc “nội công thâm hậu” mà phân biệt giới tính như thế tôi nghi ngờ “nội công” của họ lắm đấy. Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói rằng: “Khi có một người đứng trước mặt tôi thì tôi chỉ nghĩ đó là một trong những người anh em nhân loại của tôi thôi, chứ không quan tâm đến sắc tộc, màu da, tôn giáo.” (When I meet a man, I never think of his race, colour and religion but feel that I have met another member of my human family.)
Dù wat này chỉ có một sư thôi nhưng mâm cơm trông khá là thịnh soạn. Có vẻ người dân chăm sóc vị sư này khá kỹ. Khi nghe sư này ho hung hắng, một phụ nữ lập tức lên xe máy chạy mua thuốc cho sư ngay.
Do đây là làng chài nên tôi được ăn khá nhiều món cá, trong đó tôi hảo nhất là món lạp cá (tiếng Lào gọi là “lạp bả.”) Họ khen tôi đẹp và hỏi tôi có muốn lấy chồng Lào không? Có hai người phụ nữ, một là mẹ Tu Vang, hai là chị Sào Vong (người đi mua thuốc cho sư) bảo tôi lần sau ghé bản thì đến ngủ nhà họ ở gần wat. Họ chỉ tôi nhà họ.
Ăn xong, một người đàn ông lấy cái thố mây nhỏ của mình cho cơm nếp vào bảo tôi mang theo ăn dọc đường.
Tôi ngại quá nên lấy cái ca nhôm ra và nói cho cơm vào đây được rồi. Họ bảo cơm phải nằm trong thố mây còn ca nhôm là đựng thức ăn. Họ lấy cá chiên và giò lụa chiên (giò lụa tiếng Lào gọi là “nem” mới lạ chứ) ra cho vào ca cho tôi. Thật là cảm động vô cùng!!!
Tôi quay ra thu dọn lều thì thấy một đám đàn ông đang đứng cạnh đấy nhìn nhìn và “tám.” Chắc họ là công nhân đến xây dựng thêm cho wat này. Họ bắt chuyện với tôi.
Tôi thong thả đi thì thấy một ông cụ bày chuối ra bán trước cửa nhà. Tôi ghé vào mua. Nải nhỏ nhất giá 5 ngàn kíp. Còn lại toàn là nải to ơi là to không hà. Tôi trả giá 3 ngàn, rồi 4 ngàn, cụ bảo không giảm giá được nhưng tặng tôi ½ nải cuối chín rục. Vậy là tôi được 1 nải rưỡi. Lúc ấy một người đàn ông dừng xe ô tô lại và mua một nải chuối to giá 20 ngàn kíp nhưng anh ta trả giá còn 15 ngàn. Ông cụ cũng tặng anh ta ½ nải chuối chín rục nhưng anh ta không nhận, chỉ lấy một quả ăn lấy thảo thôi.
Tôi vừa chạy xe vừa ăn chuối chín trước, ngon ơi là ngon. Ăn xong nửa nải chuối chín rục là tôi no luôn.
Tôi vào thành phố Pakxan, thuộc tỉnh Bolikhamxay, cách Vientiane 150 cây số về hướng Nam. Ngay cửa ngõ vào thành phố là quán cơm Tuấn Thủy (chắc đây là quán cơm của chị Thủy người miền tây khá nổi tiếng mà mấy người ở Oudomxay có nhắc đến.) Tôi thấy quán cũng bình thường thôi, không có gì nổi bật cả, không biết thức ăn có ngon không bởi vì tôi chạy thẳng luôn chứ không ghé vào.
Người Việt sống ở Pakxan khá đông bởi dọc hai bên đường quốc lộ là các quán cơm, quán cà phê, tiệm rửa xe ghi tiếng Việt khá nhiều. Ngoài ra thành phố này cũng có rất nhiều nhà trọ.
Tôi chạy một vòng tham quan Pakxan, không có gì đặc biệt nên đi thẳng luôn dù lúc ấy trời đã về chiều.
Tôi thấy cái chợ di động của người Lào rồi. Đó là một chiếc xe chở đủ thứ món ở phía sau. Ai muốn mua thì đợi ở trước cửa, xe đi ngang qua thì ngoắc vào. Tài xế kiêm luôn người bán hàng, xuống xe, ra sau ngồi bán. Xong thì đi qua bản khác. Vậy cũng tiện ghê bởi dân có rau tươi ăn và không cần ra chợ (có thể ở rất xa.)
Trời dần tối, tôi dừng lại ở một wat hỏi chỗ ngủ. Lúc đầu sư bảo được, nhưng khi tôi bảo có lều thì họ lại đổi ý nói không được và bảo tôi vào bản ngủ nhà dân. Tôi lên xe chạy qua bản kế tiếp. Đó là bản Thana. Tôi không thấy wat đâu cả mà trời tối rồi nên dừng đại trước một nhà sàn có vẻ bỏ trống nhưng lại ở cạnh đường. Sau lưng là vài ngôi nhà gạch sáng đèn, người dân đang ngồi “tám.” Tôi hỏi cắm trại ở nhà sàn ngủ được không? Có một mẹ bảo mẹ chỉ ngủ có một mình, vào nhà mẹ mà ngủ. Tôi hỏi chỗ tắm thì họ chỉ vào nhà bên cạnh. Nhà này của một ông cụ khá phúc hậu, có một phụ nữ bằng tuổi tôi nhưng có con gái 15 tuổi rồi. Tôi tắm xong thì ngồi ăn cơm cùng ông cụ, chỉ có món cá và chén muối ớt.
Ăn xong thì tôi xem tivi. Phụ nữ và trẻ con trong nhà xúm lại bọc vải thun mà đứa con gái 15 tuổi vừa đem về. Họ tước chỉ ra từ vải thun. Tôi hỏi họ tước chỉ để làm gì thì họ bảo là để nhét vào gối hoặc mền. Quả là lạ thiệt!!! Sao họ không dùng gòn nhỉ???
Tôi thử làm thì chỉ mà tôi tét ra nhìn chả giống ai. Quê quá nên tôi nằm xem tivi luôn.
Bây giờ tôi phát hiện ra một điều rằng phụ nữ Lào trông cực kỳ xinh đẹp và quyến rũ khi họ bới tóc cao lên, quấn xà rông ngang ngực để đi tắm. Chắc phụ nữ ăn mặc hở hang hơn thì đẹp hơn hay sao ấy nhỉ?
Tôi ngủ ở nhà mẹ ngon vô cùng nên sáng mẹ phải đánh thức tôi dậy để mẹ khóa cửa đi cúng dường thức ăn cho các sư ở wat. Tôi dậy đánh răng rửa mặt, lấy chuối ra cho mấy đứa trẻ ăn rồi chia tay họ lên đường. Lúc tôi đẩy xe ra cửa thì ông cụ đến bảo ở lại ăn sáng. Nhưng tôi cám ơn rồi lại lên đường vào khoảng 7h sáng.
Tôi đạp xe ngang qua một bản trồng dưa leo. Dưa xấu họ bỏ ở vệ đường, tôi nhặt vài quả mang theo. Lại đến bản trồng mía, họ bán dọc hai bên đường, mía nguyên cây hoặc cắt khúc nhưng giá cả không hề rẻ, mỗi bó chừng năm khúc (chỉ khoảng một cây mía thôi) có giá 5 ngàn kíp (ở Oudomxay, tôi mua một bó 4 khúc mà chỉ có 1 ngàn kíp).
Đi một hồi thì đến một cái chợ. Lúc đó khoảng 8h sáng mà chợ đã muốn vãn. Tôi mua bánh canh nấu với thịt băm nhuyễn và bịch bún, giá 5 ngàn kíp cho cả hai bịch; tôi mua thêm hai bịch bánh canh nấu với huyết giá 1 ngàn kíp.
Tóm lại lâu lâu gặp may gặp được một cái chợ có bán thức ăn sẳn vừa rẻ vừa ngon thế này. Chuối già họ chở cả xe tải ra bán, giá 5 ngàn kíp/nải; tôi thấy người địa phương chỉ mua với giá 4 ngàn kíp thôi (chắc ế quá nên họ giảm giá bớt), có người còn trả giá 3 ngàn kíp nữa đấy. Chỉ gần 8h 30 mà họ đã dọn hàng gần xong hết. Vậy ra người Lào bán hàng khá sớm và chỉ bàn vài tiếng đồng hồ thôi. Hình như chợ này là chợ cá bởi tôi thấy vẽ hình mấy con cá ở ngay tên chợ, rồi dần dần họ ngoài bán cá còn bán đủ thứ món khác.
Tôi ăn uống no say thì lên xe chạy tiếp. Khoảng 20 cây số nữa thì vào Namthone thì tôi dừng lại ở một wat của Bản Na Khua. Lúc ấy khoảng 3h trưa thôi nhưng chạy xe dưới trời nắng và không được chợp mắt buổi trưa nên tôi hơi mệt. Tôi vào chánh điện, không có ai cả. Tôi tìm một góc mát mẻ, nằm xuống chợp mắt. Khoảng gần 4h thì nghe thấy tiếng ai đó vào, tôi ngồi dậy, thì ra là chú tiểu. Một cậu bé trông đáng yêu vô cùng. Cậu bé thấy tôi thì mắt sáng lên (chắc lâu ngày lắm mới có người lạ ghé wat đây mà.) Tôi ra dấu hỏi ngủ ở đây được không? Cậu ta bảo được, rồi ngồi gần đó nhìn tôi chứ không đi ra. Tôi mặc kệ, nằm xuống ngủ tiếp (tôi vẫn còn say ngủ mà.)
Hết say ngủ, tôi ngồi dậy định lấy xe đi thì chú tiểu nói gì đó, ý là không nên đi bởi vì không có nơi nào để ngủ đâu. Thấy chú tiểu nhiệt tình quá nên dù mới 4h chiều, tôi cũng ở lại wat đó. Chú tiểu móc trong túi áo ra gói mì nhưng không đưa trực tiếp cho tôi mà đưa cho thằng bé thường dân để đưa tôi. Thì ra chú tiểu cho tôi mì gói để ăn đấy mà. Đáng yêu quá!!!!
Chú tiểu săm soi chiếc xe đạp của tôi mãi và rất muốn chạy thử nhưng nặng quá sức của chú nên tôi phải lấy hành lý xuống bớt để chú ta thỏa thích đạp xe vòng vòng. Chú cứ so sánh xe tôi với chiếc xe đạp của chú ta mãi (xe của chú trông cũng khá đẹp). Chú hỏi giá chiếc xe của tôi, rồi bảo xe của chú giá 550 ngàn kíp (chắc tương đương 1 triệu rưỡi đồng.) Chú tiểu này chắc “ghiền xe đạp” đây và chắc đó là lý do chú ta muốn giữ tôi lại chùa.
Chú tiểu chạy lấy chiếu cho tôi, còn thằng bé thường dân, tên là Bulavi, bạn của chú thì lấy gối ra trải xuống bảo tôi ngủ ở đấy. Thằng bé Bulavi có một tấm khăn choàng lớn nên nó lấy choàng qua người và nằm ngủ cạnh tôi. Chú tiểu nghe tiếng sư ông gọi nên chạy về tòa nhà dành cho các sư.
Thằng nhóc Bulavi lấy ra một gói mì và ngồi nhai sống. Tôi đang xem hình trên máy tính, dù không đói nhưng thấy nó nhai ngon lành quá nên cũng bắt chước lấy gói mì mà chú tiểu cho trước đó ra nhai. Nhai mì sống xong thì thằng bé nói gì đó và chạy về phía phòng chú tiểu. Chú tiểu chạy ra hỏi tôi gì đó. Chả hiểu nhưng tôi cứ gật đầu đại. Vậy là chú tiểu mang ra thêm hai gói mì nữa cùng một ca nấu nước nóng. Tôi và thằng bé Bulavi nấu nước nóng và nấu mì ăn. Tôi lấy rong biển khô cho vào mì của tôi và của nó thì nó bảo nó không ăn và lấy ra để dành cho chú tiểu. Tôi đưa luôn nguyên bịch rong biển cho nó luôn. Hai đứa trẻ này thật là biết quan tâm nhau. Tôi lấy ra hai hộp sữa, đưa nó một hộp vả bảo hộp kia cho chú tiểu. Nó đồng ý ngay.
Ăn uống dọn dẹp xong thì tôi lấy mấy các hình xăm mua giá 2 tệ cả cuốn ra hỏi nó muốn xăm hình nào. Chú tiểu ra và cùng nó săm soi cuốn hình. Chú tiểu lúc đầu không chịu dán hình xăm vào người mà bảo dán vào điện thoại. Tôi bảo dán điện thoại không đẹp. Vậy là chú ta tự dán lên cánh tay một con bướm, sau đó lật tới lui và chọn một dòng chữ dán lên ngực. Chú dán xong chìa cho tôi xem, thật không nhịn được cười bởi chú ta chọn đúng từ “My girl” mà dán lên ngực.
Lúc ấy bên ngoài trời trăng chuẩn bị mọc. Khi ấy bầu trời thật kỳ lạ, trông y như cả bầu trời cao vời vợi đang nứt nẻ ra vậy đó. Tôi đứng nhìn bầu trời cùng hai đứa trẻ. Tôi bảo bọn chúng rằng bầu trời nhìn lạ quá. Trông y như những vết rạn nứt trên bụng của mấy bà bầu. Rồi từ từ vầng trăng ló dạng; khi trăng xuất hiện thì bầu trời không còn nứt nẻ. Vậy ra là bầu trời trước đó mang thai mặt trăng ư?
Một lúc hai đứa trẻ rủ nhau đi đâu đó. Tôi bị bỏ lại ngủ một mình. Tôi sợ ma quá nên ngủ chập chờn. Khoảng 10h hai đứa về và đùa giỡn một hồi thì lăn quay ra nằm cạnh tôi để ngủ luôn. Thằng bé Bulavi nằm giữa, tôi và chú tiểu mỗi người nằm một bên và mạnh ai nấy ngủ.
Chú tiểu này chắc là thích có người lạ ghé thăm lắm đây nên đáng lẽ không được ngủ như thế nhưng chú ta vẫn lăn ra ngủ say mê. Khoảng gần 6h sáng thì vị sư già dậy và đi vào chánh điện. Vị sư ngạc nhiên khi trông thấy ba chúng tôi đang nằm ngủ như thế. Chú tiểu bật ngay dậy được, còn thằng bé kia thì say ngủ đến mức cả nhà sư lẫn chú tiểu kéo tay chú, vậy mà chú ta vẫn cố kéo lại để tiếp tục nằm ỳ. Mọi người quét dọn chánh điện và kéo thằng nhóc đó dậy. Cái wat của B.Na Khua chỉ có một sư và một chú tiểu thôi.
Tôi dọn dẹp xong thì cũng gần 7h sáng nên chia tay mọi người lên đường. Tôi thấy quyến luyến thằng nhóc Bulavi và chú tiểu ấy vô cùng. Đó là chú tiểu đáng yêu và thân thiện nhất mà tôi từng gặp đấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét