Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011
Lại về Lào (7): Bị “sét đánh” ở Bản Thẳm, Thakhet
Có người bảo tôi rằng một người như tôi chắc là không biết khóc, vậy mà tôi lại bị “oánh chết” vì một nụ cười, thế mới tức chứ???
Câu chuyện là như sau:
Chia tay mọi người ở nhà nghỉ Thanh Tuyền dù anh Dũng, buôn gỗ người Quảng Trị bảo tôi rằng nếu tôi ở đó thì sáng hôm sau anh ta sẽ chở tôi đi hang Tượng Phật Đồng Đen linh thiêng được phát hiện cách đây 3 năm, tôi đạp xe đến ngã ba. Tại đây nếu rẽ phải thì tôi sẽ tiếp tục quốc lộ 13 đi về hướng Pakse. Nếu rẽ trái thì tôi sẽ đi quốc lộ 12 và sẽ thăm Hang Tượng Phật Đồng Đen. Suy nghĩ 5 phút, tôi quyết định đi quốc lộ 12 (ghét cho cái quyết định này quá!!!)
Cột cây số bên đường cho thấy từ đó đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu Chợ Lò) là khoảng 145 cây số. Tôi chạy dọc theo đường lộ, ghé vào một bản mua chuối và sắn, khá rẻ, mỗi thứ 1 ngàn kíp. Tôi thấy một bảng chỉ đường có cả hình vẽ các tượng Phật nhưng lại có tên là Nong Pa Fa, trong khi anh Dũng bảo rằng tên hang là Thẳm Phả cơ mà. Ngoài ra bảng chỉ đường ấy nằm ở cây số 4 và chạy thêm 8.5 cây số nữa mới đến, trong khi anh Dũng bảo nó ở cây số 7 và phải đi khoảng 20 cây số nữa. Tôi cũng dự định chạy vào xem sao nhưng thấy đường đất đỏ mù mịt nên… ngán. Quốc lộ 12 tráng nhựa nên hấp dẫn hơn. Vậy là tôi cứ đi, thấy bảng dẫn đường vào vài cái hang nhưng tìm mãi chả thấy Thẳm Phả ở đâu cả.
Quốc lộ 12 cảnh đẹp hơn hẳn quốc lộ 13 do có núi non sông suối nên cảnh đẹp như tranh họa đồ (thấy tự hào một tí vì đường về biên giới Việt Nam quá đẹp!!!) Tôi đi thật chậm để ngắm cảnh đẹp mà suốt mấy trăm cây số trên quốc lộ 13 chả thể nào thấy được. Dọc đường quốc lộ 12 có rất nhiều hang, trung bình cứ mỗi một cây số là có bảng chỉ đường vào một cái hang nào đó.
Chạy mãi đến cây số 15 thì thấy đường vào một cái hang, tôi xuống suối rửa mặt xong thì hỏi người bán vé. Vé cửa 3 ngàn kíp. Nếu tôi muốn ngủ thì 70 ngàn kíp. Tôi bảo có lều thì họ xuống giá 50 rồi 25 ngàn kíp, rồi bảo trả 50 ngàn đồng tiền Việt. Chắc hai thanh niên này muốn tôi ngủ tại đó nên họ xuống giá đây mà. Tôi hỏi hang Thẳm Phả. Họ bảo chính xác là Thẳm Pả Fa và phải quay lại 12 cây số nữa. Lúc ấy đã 5h chiều.
Tôi vẫn quay lại bởi vì nghĩ mình có thể cắm trại đâu đó trên đường (hơn là phải quay về Thakhet, nơi có quá trời người nghiện, tôi bị “hùa dọa” riết nên cũng biết sợ vậy.) Tôi ghé vào một nơi có vài cái lều cạnh bờ sông, hỏi họ ngủ trong một cái lều được hay không. Các bạn có hình dung là đó chỉ là một căn lều mái lá, có trải một cái chiếu thôi mà họ bảo tôi trả 50 ngàn kíp, chắc giá, 40 ngàn cũng không được. Tôi cám ơn và đẩy xe đi thì họ xuống giá 30 ngàn. Vớ vẩn!!!
Tôi đạp xe khi trời bắt đầu tối dần, núi trở nên đen thẳm thì đến cây số 6. Giữa cây số 6 và cây số 5 có một cái cầu, ngay chân cầu là một căn nhà gỗ, lúc trưa tôi đi ngang qua thì nó khóa cửa; bây giờ mở cửa, một người đàn ông đang ngồi thổi lửa. Tôi thấy có người dân, có con suối nơi tôi có thể tắm rửa và sau lưng căn nhà gỗ là nơi có thể cắm trại nên dừng lại, đẩy xe xuống bãi cát sông rồi đi lên căn nhà.
Hình như căn nhà này chỉ có một mình anh ta ở thôi. Tôi tiến đến chào Saibadee. Anh ta ngước lên nhìn tôi, cười mím môi, một nụ cười ấm áp trên khuôn mặt chữ điền, được ánh lửa tỏa sáng. Tôi thấy yên tâm với người có nụ cười ấy nên hỏi anh ta rằng tôi có thể cắm trại ngủ ở trên bãi cát không. Anh ta nói luôn: “Dai” (được) Nói ngay mà không cần suy nghĩ nhiều như ở những nơi khác khi tôi hỏi dân bản. Tôi hơi ngạc nhiên nên hỏi lại lần nữa thì anh ta cũng lại mỉm cười nhìn tôi và nói: “Dai.” Anh ta lúc ấy giống như thầy giáo hay người bố đang ở vị thế bề trên (dù anh ngồi còn tôi thì đứng) và biết tỏng hết mọi điều mà một đứa trẻ đang suy nghĩ. Tôi lại y như một đứa trẻ đang xin phép làm điều gì đó. Tôi ghét cảm giác này quá nhưng mà hoàn cảnh lúc ấy của tôi là thế biết sao được bây giờ.
Tôi nghĩ chắc anh ta là ngư dân bởi anh ta ở gần sông và cạnh anh ta có cái giỏ bắt cá. Được phép ngủ gần nhà người dân khi trời tối thì tôi thấy mừng rồi. Tôi lúi húi cắm trại. Một thanh niên đi xe máy vào, thấy tôi nên hỏi anh ta gì đó xong thì dựng xe và đến bảo tôi vào nhà sàn gần đó ngủ. Chỉ vài trăm mét, tôi đi theo xem thử, xui quá có người chiếm cứ rồi. Anh ta nói vào Bản Thẳm ngủ. Tôi ngại đạp xe nên nói tôi muốn ngủ ở gần sông.
Tôi được ở một mình. Lại một người đàn ông khác từ bản chạy xe ra, lúc ấy tôi làm xong và đang có ý định đến gặp anh chàng có nụ cười đẹp để xin nước uống thì người đàn ông mới ra bảo tôi đến căn nhà gỗ kia ăn cơm. Tôi bảo tôi muốn xin nước uống. Anh ta bảo có.
Tôi đi theo anh ta lên nhà gỗ. Anh chàng cười đẹp bảo chỉ có nước nấu thôi, rồi anh ta lấy xoang nước vừa nấu xong rót vào ca của anh ta và ca của tôi. Họ bảo đó là nước lá ổi, uống cho ấm bụng. Anh cười đẹp hỏi tôi người Trung Quốc hay người Anh. Tôi nói người Việt Nam. Sau đó họ bàn bạc xem tôi sẽ ăn món gì. Tôi thấy người dân bản nói gì đó, anh ta bảo không có. Họ có cá lòng tong và anh cười đẹp hỏi tôi ăn cá đó được không. Tôi nói được. Họ bàn bạc nhau và anh ta lúi húi nấu cơm. Tôi bảo muốn đi tắm. Anh cười đẹp chỉ xuống khúc sông trước nhà và bảo tôi tắm ở đó. Tôi lắc đầu và chỉ khúc sông trước lều của mình.
Tôi quay về soạn đồ xong thì có vài người dân đến soi cá; vậy là tôi không tắm được bởi thứ nhất tôi không muốn nhiều người biết tôi đang ở đó; thứ hai là tôi chả lẽ đứng tắm trước mặt họ; vả lại tôi tắm gây tiếng động, cá chạy hết, chắc họ chửi tôi. Vậy là tôi cứ ngồi im trên bờ.
Người đàn ông trong bản từ nhà gỗ xuống bảo tôi đến ăn cơm. Anh cười đẹp loay hoay trong phòng ngủ một hồi để lôi cái chiếu từ tấm nệm giường ra. Anh ta thật tế nhị. Anh ta trải chiếu (chứ tôi biết bình thường họ chỉ để cái mâm lên sàn gỗ thôi.) Sau đó đưa cho tôi một rổ cơm và một tô canh, còn anh ta và người kia ăn chung cơm và canh. Tôi thật cảm kích bởi vì tôi vẫn không thể húp chung canh với người khác, tôi ghét điều đó. Thế là do tôi được ăn riêng tô nên tôi ăn rất ngon và ăn sạch cả tô canh trong khi bọn họ hai người lại ăn không hết. Àh quên, tôi mang theo ½ ổ bánh mì mua ở Thakhet ra mời họ. Họ để lên dĩa và cắt thành nhiều khúc. Bánh mì rất ngon nên tôi nhường họ ăn (lúc sáng tôi đã ăn ½ ổ rồi còn gì). Họ cũng bảo rằng bánh mì rất ngon. Tôi nói bánh mì theo kiểu Việt Nam. Anh cười đẹp bảo rằng món ăn Việt Nam thì lúc nào cũng ngon cả. Hai người họ biết nói tiếng Việt một ít. Anh cười đẹp bảo tôi rằng người Việt ăn cơm gạo tẻ nên đẹp, người Lào ăn cơm gạo nếp nên không đẹp. Tôi bảo tôi vẫn thấy người Lào đẹp lắm. Anh ta muốn khen tôi đẹp nên nói thế đấy hehehe. Mà lạ ghê, người Việt không thấy tôi đẹp, vậy mà tôi đi các nước khác đặc biệt là ở Lào người ta luôn khen là tôi đẹp. Có khi tôi đang chạy xe ngoài đường, có vài thanh niên chạy ngang qua cố nhìn cho được mặt tôi rồi họ bảo nhau: “ngạm” (đẹp) Bọn họ gặp ở ngoài đường thì cần gì phải nói cho tôi vừa lòng nhỉ? Nhiều nhiều nơi khác ở Lào lắm, câu đầu tiên mà họ nói với tôi là: “Ngạm” Lúc đầu tưởng họ khen khách sáo nhưng bây giờ tôi nghĩ tôi thế là đẹp lắm, theo tiêu chuẩn của Lào đấy ( tôi không trắng, đi bụi riết nên da ngăm nhưng họ vẫn khen dù họ, y như dân Châu Á, mê da trắng.)
Tôi hỏi hai người họ rằng ngủ ở đấy có bị cắt cổ không (tôi bắt chước người Lào đưa tay lên cổ cưa qua cưa lại), anh cười đẹp bảo anh ta là công an. Hèn chi mà lúc đầu tôi có cảm giác y như một đứa học trò đang xin phép thầy giáo làm điều gì ấy.
Lúc ấy có thêm vài người đến (chắc họ cùng ngành) và họ hỏi chuyện tôi. Tôi chạy về lều mang sách Việt Lào ra. Anh công an (mà đến lúc chia tay tôi mới nhớ hỏi tên anh ta tên là Sầm Ly) bảo 43 tuổi rồi, chưa có vợ con. Hơi lạ nhỉ bởi vì người Lào 15 tuổi đã có gia đình rồi.
Sau đó họ ngồi kể chuyện họ đi tỉnh Xiengkhuang với nhau bằng tiếng Lào. Dĩ nhiên là tôi không hiểu rồi. Tôi ngồi ngắm họ. Anh Sầm Ly quả là đẹp. Không phải đẹp như tài tử điện ảnh mà là cái đẹp của sự lương thiện. Tôi nghĩ anh ta là một công an chưa bị biến chất (hay ít ra chưa được sang Việt Nam du học.) Tôi nghĩ lý do tôi mê nụ cười của anh ta là vì nó toát ra sự lương thiện và chân thật, theo đúng kiểu của một người Lào điển hình. Thời buổi này mà có một công an như thế thì quả là hơi bị hiếm nên tôi thấy cảm động khi được gặp một người như thế. Do đó đối với tôi anh Sầm Ly quả là rất đẹp!!!!
Và tôi xin phép về lều ngủ. Xong xuôi, tôi nghe tiếng vài người đến nói chuyện lao xao và họ đi về phía lều của tôi. Không muốn nói chuyện với họ, tôi nói vọng ra: “Non leo” (Ngủ rồi). Bọn họ cười và tôi nghe tiếng anh chàng Sầm Ly lặp lại: “Non leo.” Họ bàn tán gì đó, sợ bọn họ bắt tôi dọn lều để vào nhà ngủ, tôi lấy áo đắp lên mặt và ra dáng như muốn ngủ thật. Lúc đó tôi chỉ khóa cửa chống muỗi nên từ bên ngoài nhìn vào vẫn thấy (tôi muốn ngắm cảnh trước khi ngủ mà.) Cuối cùng họ cũng bỏ đi.
Công nhận nơi ấy trời gió kinh khủng. May là tôi có ba cái ba lô dằn ở ba góc nếu không chắc bị thổi bay tuốt lên trời luôn rồi. Trời chưa sáng là anh Sầm Ly đã dậy, tôi nghe tiếng anh ta ho khún khắn và mở cửa. Tôi “nướng” đến khi trời sáng thì dậy chui vào bụi giải quyết nhu cầu (may mắn lắm đó) bởi vì sau đó người dân kéo đến xem tôi. Tôi tắm dưới suối xong phải ra dấu cho họ đi nơi khác để tôi chui vào lều thay đồ thì họ mới đi đấy.
Anh Sầm Ly gọi tôi vào ăn cơm. Tôi ngồi cạnh anh ta cùng 2 người đồng nghiệp. Thêm một người nữa đến, anh ta ra dấu bảo tôi ngồi xích lại gần anh ta cho người kia ngồi. Hôm nay anh Sầm Ly mặc quân phục công an nên trông càng đẹp. Dân Lào quả là có một đặc điểm rất lạ. Họ ăn ít và ngủ ít. Không hiểu sao họ vẫn có thể sống được. Mọi người ăn xong và lần lượt đứng lên đi hết. Còn lại có mình tôi và anh Sầm Ly. Tôi ăn nhiều nên ở lại là đúng rồi. Không hiểu sao anh chàng có nụ cười đẹp vẫn ngồi ăn mãi mà chưa chịu đứng lên thế nhỉ? Anh ta cứ luôn miệng bảo tôi rằng đi xe đạp nhọc lắm nên ăn im im một chút (“im” tiếng Lào nghĩa là “no.”) Tôi ngạc nhiên vì thấy anh ta ngồi ăn mãi, chả giống một người Lào tí nào. Tôi cũng ngồi ăn mãi để xem anh ta ăn đến khi nào no. Tôi có thể ăn sáng thật no kia mà bởi tôi thích ăn vào sáng sớm.
Có lẽ chúng tôi sẽ ngồi ăn mãi nếu không có một anh chàng bước vào và dụ chở tôi vào Bản Thẳm chơi. Bây giờ tôi hiểu vì sao anh Sầm Ly 43 tuổi mà vẫn chưa có vợ, đơn giản là anh ta không biết “tán gái.” Tôi thích anh ta bởi anh ta có nụ cười lương thiện và tôi cảm thấy anh ta cũng thích tôi nữa. Vậy mà anh ta ngay cả nhìn tôi cũng không dám nữa mặc dù cái nhìn của anh ta cũng đẹp như nụ cười của anh ta vậy. Anh chàng kia thì đòi chở tôi đi chơi còn anh ta thì bảo anh ta ở nhà làm việc dù hôm đó là chủ nhật. Tối hôm trước người đàn ông ở Bản Thẳm biết hôm sau tôi đến Hang Tượng Phật Đồng Đen nên hỏi anh ta có đi không (chắc muốn bảo anh ta chở tôi đi, anh ta nói anh ta làm việc.) Hèn chi không có vợ là phải.
Anh ta đúng là một người đàn ông theo khuôn mẫu cũ, nam nữ thọ thọ bất thân. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình được quý trọng, bởi anh ta tôn trọng tôi, không tìm cách chạm vào tôi, không sàm sỡ với tôi như những người khác; dù thế tôi vẫn cảm nhận là anh ta quý tôi lắm. Cái anh chàng kia ngồi nhìn hai đứa tôi ngồi cạnh nhau ăn cơm và ra dấu hỏi gì đó, tôi nghe tiếng Lào dĩ nhiên là không hiểu rồi. Anh Sầm Ly ngồi im không trả lời. Anh ta lấy tay ra dấu tôi và anh Sầm Ly là một cặp à. Tôi ngạc nhiên bởi vì anh ta mới gặp tôi lần đầu, tự nhiên hỏi thế, tiếng Việt gọi là vô duyên ấy. Tôi bất ngờ và nhìn qua anh chàng có nụ cười đẹp. Anh ta ngồi im chả nói gì cả.
Lúc từ Bản Thẳm ra, tôi thu dọn đồ đạc và lấy ra một món đồ sẽ tặng anh Sầm Ly. Tôi lấy cái móc điện thoại có hình một điếu thuốc cháy dỡ và một cái đầu lâu ra. Tôi dựng xe trước nhà và cầm sẳn món đồ tặng. Thấy tôi, thay vì ngồi nói chuyện, anh ta lại lúi húi đi…… nấu cơm. Tôi ngồi nghỉ trên băng ghế ngoài hàng hiên lộng gió và lấy sổ tay ra ghi chép. Anh ta thỉnh thoảng hỏi tôi gì đó. Tôi không hiểu. Anh ta khen cái món đồ tôi đang cầm trên tay đẹp. Tôi đưa cho anh ta và ra dấu nói là tôi tặng anh ta. Các bạn có tưởng tượng ra hay không: anh ta lui cui lôi sợi dây tượng Phật đang đeo trên cổ ra, ah lúc ấy tôi mới thấy anh ta đeo sợi dây ấy chứ nếu anh ta không lấy ra thì ai mà biết, sau đó anh ta móc quà tặng của tôi vào sợi dây tượng Phật đang đeo một cách cẩn thận. Tôi thấy buồn cười quá nên chả dám nhìn anh ta (nếu không tôi phá lên cười mất) mà chăm chú vào quyển sổ trước mặt.
Lúc tôi ngẩng lên, anh ta đi đâu mất tiêu. Rồi tôi thấy anh ta xách một thùng nước từ đâu đi về. Sao không xuống suối lấy nước lên nấu cho gần nhỉ? Tôi sợ tôi mà ở đó thêm thì sẽ đi không nổi bởi vì tôi thật sự quý mến anh chàng có nụ cười và ánh nhìn đẹp này vô cùng. Nhưng các bạn biết rồi đấy, tôi không thể ở lâu một chỗ được. Tôi mà ngồi ăn cơm chung với anh ta thêm một bữa thì tôi sẽ lại ngủ ở đó thêm một đêm, ngủ ở đó thêm một đêm rồi lại ngủ thêm một đêm nữa nên tốt hơn là đi càng sớm càng tốt. Tôi dẹp sổ và đứng lên nói tôi đi đây. Anh ta ngạc nhiên bảo tôi ở lại ăn cơm đã. Tôi nói đã ăn rồi ở Bản Thẳm. Anh ta có vẻ ngạc nhiên bởi vì tôi vừa ăn sáng khoảng 8h và lúc ấy mới 11h30 thôi; quả thật cái anh chàng kia rủ tôi ăn lúc 10h30 rồi, lại là món cá nên tôi không thể từ chối.
Lạ thật, lúc ấy anh ta mới hỏi tôi tên gì và tôi mới nhớ ra mà hỏi anh ta tên gì. Anh ta bảo tên Sầm Ly. Cái tên của anh ta cũng đẹp làm sao!!!! Tôi xin chụp anh ta một tấm ảnh. Không chia sẻ tấm ảnh này với các bạn đâu bởi vì tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Anh ta đứng cho tôi chụp xong rồi bảo rằng anh ta không đẹp bởi đang mặc quần tà lỏn áo thun ba lô và đang thổi lửa nấu cơm. Tuy nhiên khi bạn đã quý mến ai rồi thì dù họ có ăn mặc thế nào, các bạn vẫn thấy họ thật đẹp.
Tôi thật sự quý mến anh công an Lào có tên là Sầm Ly này. Bài viết này được tôi viết sau đó cả tuần lễ nên tôi nói thêm một điều mà tôi không ngờ đã xảy ra với mình, đó là hằng đêm tôi chìm vào giấc ngủ cùng với nụ cười đẹp của anh ta. Chả lẽ bây giờ tôi quay lại Thakhet và bảo anh ta rằng tôi quý mến anh ta sao????
Kỳ sau: Lại về Lào (8): Khám phá hang động ở Thakhet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét