CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Lại về Lào (6): Loanh quanh ở Thakhet

 Kỳ trước: Lại về Lào (5): Thakhet, một Huế của Lào

Tôi đến Thakhet vào buổi chiều sau khi ngắm chán chê cây cầu hữu nghị 3 Lào-Thái. Tôi chạy loanh quanh ở bờ sông và tìm thấy một nơi lý tưởng để cắm trại; một bên là sông Mê kong, một bên là nhà dân. Lúc tôi đến thì trời tối nên tôi loay hoay cắm trại trong bóng tối mà không ai thấy. Sắp xếp xong thì tôi lọ mọ leo xuống sông từ trên bờ (bờ nằm cách mặt nước khá cao) để tắm thì bị một người dân gần đó ra ngoài hóng mát trông thấy (thực ra tôi thấy anh ta trước nhưng trông anh ta có vẻ giống dân địa phương nên không cần trốn làm gì, chứ lúc ấy tôi mà ngồi im re trong lều, không ra ngoài thì anh ta cũng chả thấy mà “bò” tới). Hắn hỏi tôi người Việt hay Lào. Tôi nói người Việt. Hắn nói tiếng Việt giọng Huế nhưng bảo mình là người Lào, do làm ăn với người Việt nên biết tiếng Việt. Hắn cứ luôn miệng bảo tôi ngủ ở đây không được đâu, công an bắt???? Tôi hỏi vì sao công an bắt. Hắn bảo không biết nói thế nào. Tôi nghĩ bụng rằng hắn mà dám nghĩ tôi là gái mại dâm thì tôi chửi tiên sư 7 đời nhà hắn luôn.

Tôi leo xuống dưới để tắm, nhìn quanh quất không thấy ai cũng chả thấy hắn ở đâu, nghĩ bụng hắn bỏ vào nhà rồi, trời tối mà không có ai nên tôi cởi đồ ra tắm luôn. Mát dễ sợ nhưng vừa tắm vừa sợ có cái gì đó dưới sông….. kéo tôi xuống nước (tôi mỗi khi ra sông suối hay biển là hay nghĩ vớ vẩn như vậy lắm.) Tắm xong, tôi lọ mọ leo trở lên. Vừa đến bờ thì hắn từ đâu chui ra lại bảo không thể ngủ ở đây đâu (có khi nào thằng cha này rình tôi tắm không vậy mà canh đúng thời điểm chui ra đến thế!!!) Gã cứ luôn miệng bảo không ngủ ở đấy được chứ không bảo tôi vào nhà gã ngủ là sao nhỉ?

Tôi mặc kệ gã, chui vào lều ngủ trong tiếng tụng kinh bằng micro của các nhà sư vọng sang từ Thái Lan.

Mới sáng sớm, gã thanh niên lúc tối đã đến cùng thêm một người dân nữa. Lại bảo không ngủ ở đấy được. Ghét quá!!! Từ đấy, ai hỏi gì tôi cũng cấm khẩu luôn, hoặc cứ bảo không biết “bo hu.” Bọn họ hỏi chán nên bỏ đi.

Tôi leo xuống sông gội đầu, có một ngư dân lúi cúi làm gì đó trên thuyền của anh ta. Khi tôi lên bờ, anh ta cũng lên bờ và cũng lại hỏi. Anh ta bảo ở Thakhet có nhiều con nghiện lắm. Ngủ lung tung, chúng thấy sẽ mò đến đòi tiền hoặc cắt cổ để cướp đồ.

Tôi thuộc dạng “điếc không sợ súng” do không đọc được báo địa phương nên ai viết gì cũng chả biết, chứ ở Việt Nam chẳng dám đi bụi kiểu nầy tí nào đâu. Thế mới biết, báo chí có lợi mà cũng có hại vô cùng. Cái hại ở đây là làm mọi người sợ hãi, mất lòng tin vào tất cả mọi người xung quanh; bước chân ra đường là nơm nớp lo sợ, thấy ai cũng cảnh giác. Ở Lào cũng có những vụ án tương tự nhưng tôi không biết gì cả, do có đọc được báo đâu mà biết, tôi đi và sử dụng trực giác, ăn bờ ngủ bụi mà đến nay vẫn bình an vô sự. Tóm lại, báo chí nhiều khi nói thái quá làm cho con người thêm sợ và lúc nào cũng sống trong sợ hãi và cảnh giác.

Thu dọn xong hành lý, tôi đạp xe tham quan Thakhet và thưởng thức món bánh mì Lào nhưng mang phong cách Việt Nam.

Bánh mì thịt ở Thakhet thật đặc biệt. Ở bánh mì to như bánh mì Baguette nhưng ngắn hơn một tí, bên trong nhét đầy thịt, giò chả, dưa leo, ngò, có giá 12-13 ngàn kíp.

Tôi mua bánh mì ở một bà bán ở một trong bốn góc đường của quãng trường chính. Quán của bà khá đông khách nên lần đầu đến, thấy đông quá, tôi bỏ đi, đạp xe loanh hoanh chụp hình đã đời rồi mới quay lại mua. Nghe bà nói tiếng Việt với vài khách hàng, tôi ngỡ bà là người Huế nhưng bà bảo bà sinh ra và lớn lên ở Lào.


Nếu muốn thưởng thức bánh mì Baguette thịt của bà các bạn đến quãng trường trước 9h sáng. Đi hết cả bốn góc quãng trường thì thế nào cũng thấy hàng bánh này. Quãng trường này không lớn lắm nên việc đi dạo một vòng vào buổi sáng ở một nơi cổ kính rêu phong thì cũng đáng lắm chứ!!!

Nếu không các bạn cứ đi loanh hoanh Thakhet cũng sẽ gặp nhiều quầy bán bánh mì thịt khác, dù không đắt khách bằng. Nếu từ bờ sông, đi thẳng qua quãng trường và đi dọc con đường chính ở đây, gặp ngã tư đèn giao thông đầu tiên, rẽ phải và đi theo con đường này một tí, các bạn sẽ thấy vài hàng bánh mì thịt như thế nằm san sát nhau.

Tôi dừng lại ở một nơi có mái che trên bờ sông Mê kong, đối diện xéo khách sạn Me kong để gặm ½ ổ bánh mì( ổ bánh lớn lắm nên mỗi lần chỉ ăn nỗi ½ ổ dù tôi ăn nhiều lắm đấy.)



Khi tôi ăn xong và lấy sổ tay ra hí hoái viết thì có một thằng nhóc chạy xe máy ngang qua, thấy tôi vòng trở lại, đậu xe ngay bên ngoài và nói chuyện điện thoại với bạn bè. Hắn bảo có một người nước ngoài đi một mình, chắc hắn bảo bạn bè đến “thịt” tôi. Có một tên khác đi xe ngang qua (không cùng bọn bởi chúng không nói chuyện với nhau), thấy tôi nên ghé vào, ngồi bên cạnh, tôi chả thèm để ý, ngồi chán, hắn bỏ đi. Gã bên ngoài gọi điện thoại liên tục. Tôi viết xong nên cũng đứng dậy đi.

Tôi đi ra chợ Na Bô thì gặp một chị người Huế bán bánh canh ở trước cổng chợ 12 năm rồi, cũng sử dụng loại mộc 30 ngày như tôi.


Chị bảo công an Lào ngày nay ăn hối lộ ghê lắm (bọn họ toàn là sang Việt Nam du học và về áp dụng lại với chính người Việt đang sinh sống tại đây chứ trước đây bọn họ lương thiện và lam lũ lắm.) Chị bảo họ ăn thế mà không hiểu đi tu để làm gì. Theo phong tục của họ thì tất cả nam giới ở Lào trong đời có ít nhất một lần vào chùa tu tối thiểu 3 tháng nếu không thì làm việc gì cũng không xong. Nếu lúc nhỏ đi tu làm chú tiểu rồi thì lớn khỏi đi, nếu không thì cho dù có lấy vợ cũng phải đi.

Chị bảo khu chị ở có một anh công an ăn hối lộ kinh hồn nhưng trời bắt anh ta phải trả giá. Anh ta bị tai nạn giao thông, bể hết cả đầu (chấn thương sọ não ấy) và bây giờ phải đi xin tiền người Việt (những người bị anh ta hoạch họe trước đây). Tôi hỏi ăn hối lộ thế mà sao không có tiền. Chị bảo anh ăn bao nhiêu là tiêu sạch vào gái gú rượu chè bấy nhiêu nên chả còn tiền.

Chị bảo ở Thakhet bọn xì ke nhiều vô số kể (hú vía là tôi ngủ ở bờ sông mà không bị bọn chúng bắt gặp), đặc biệt là bọn thanh niên, chúng hút nhiều quá. Cũng đúng rồi bởi vì ở Lào hầu như không có gì cho thanh niên tiêu khiển cả.

Bánh canh chị bán 5 ngàn kíp/tô, giống loại bánh canh mà tôi ăn ở Nongkhai, Thái. Tôi bảo chị sang Thái bởi vì người Thái ăn món này nhiều lắm. Chị bảo Thái khó hơn Lào, không cho sang đấy bán hàng đâu. Như chị ở Lào, ngồi một chỗ thì không sao chứ đẩy xe đi lòng vòng là bị công an tóm bắt nộp tiền rồi. Công an Lào cấm người Việt chạy xe loanh hoanh bán hàng. Hèn chi không có ai dám chạy xe ra ngoài đường quốc lộ mà lượm ve chai cả. Chị bảo mấy cô gái sang làm móng cũng phải canh buổi trưa khi họ nghỉ rồi mới dám đạp xe lòng vòng chứ họ mà bắt được thì phạt nhiều tiền lắm. Toàn là kiếm chuyện để phạt thôi. Có lần họ bắt hơn 10 chục người Việt ở quá hạn, họ bắt mỗi người nộp phạt 150 đô Mỹ. Lần ấy lãnh sự quán Việt Nam phải can thiệp, bảo họ rằng người Việt mà có phạm tội gì thì theo pháp luật của Lào chỉ phạt từ 50-70 đô Mỹ thôi, tại Thakhet mỗi lần phạt 100 đô đã là nhiều rồi mà bây giờ tăng lên 150 đô là quá đáng. Đó là một trong số lần hiếm hoi lãnh sự quán Việt Nam can thiệp để bênh vực công dân của họ đấy các bạn. Thế mới biết kiếm được đồng tiền nơi đất khách cũng lắm nhiêu khê!!!!

Ở quá hạn tại Lào bị phạt thế rồi mà khi về đến cửa khẩu Việt Nam, mấy thằng điên ở cửa khẩu Chợ Lò (Nghệ An) và Lao Bảo (Đông Hà) lại bắt mỗi hộ chiếu nộp cho chúng 50 ngàn đồng do ở quá hạn 30 ngày. Buồn cười chưa, mỗi hộ chiếu có giá trị 5-10 năm, công dân Việt Nam không quá hạn hộ chiếu thôi chứ, mắc gì bắt họ nộp phạt. Biết là việc nộp 50 ngàn là tiền hối lộ nhưng họ vẫn nộp. Tôi bảo tôi qua lại cửa khẩu toàn miễn phí, có phải nộp tiền gì đâu. Chị bảo biết là không phải nộp tiền nhưng ai cũng sợ trễ xe nên cuối cùng nộp hết.

Chia tay chị, tôi lại đạp xe đi. Vào một con đường đang sữa chữa về hướng chợ cây số 3, bụi mù trời, gặp một đám ma của Việt Kiều.


Tôi vừa đi vừa chụp hình các hàng quán của người Việt trên con đường này, nào là nhà hàng, quán karaoke, quán cà phê, nhà trọ,… thì một người đàn ông bước ra từ một ngôi nhà gọi: Dung, Dung. Thì ra đó là anh Dũng, buôn gỗ người Quảng Trị mà tôi gặp ở B. Phon Phon.

Đó là nhà nghỉ Thanh Tuyền của một người Huế. Trong đó có vài người Việt đang ngồi nói chuyện, cũng là người Huế.


Anh Dũng móc túi ra đưa cho tôi quyển từ điển Việt-Lào-Việt, bảo rằng mới vào nhà sách mua lúc sáng, trưa hôm nay dự định quay lại B. Phon Phon để tặng tôi nếu tôi còn ở đó. Chị chủ nhà nghỉ, tên là Ty bảo sao không mua sách cho vợ anh ta hay cho bất kỳ người nào trong đám họ mà lại mua cho tôi, một người mới gặp. Anh ta bảo là vì anh ta hâm mộ tôi quá và anh ta nói đùa: Dung là người mà cả Việt Nam phải quan tâm chứ có riêng gì anh ta đâu.

Anh Dũng bảo tôi ghé thăm Hang Tượng Phật Đồng Đen mới được phát hiện khoảng 3 năm nay thôi, nơi này linh thiêng lắm. Anh ta bảo tôi nghỉ tại nhà nghỉ ấy, sáng hôm sau anh ta sẽ lái xe chở đi thăm. Tôi hỏi thăm đường đến đó và bảo nếu muốn đi thì tôi sẽ tự đạp xe.

Khi tôi hỏi việc qua cửa khẩu bị vòi tiền 50 ngàn do ở quá hạn 30 ngày là sao? Anh ta bảo có lần anh ta “cương” lên không chịu nộp. Vậy là bọn điên ở hải quan lịch sự lắm mời anh ta ngồi chờ sếp ra giải quyết. Họ bỏ mặc anh ta ngồi đó từ 8h sáng đến 11h trưa. Anh ta cuối cùng chịu thua móc tiền ra đưa thôi. Nếu là tôi thì tôi cắm trại ngủ luôn tại hải quan để xem họ phải mất mấy ngày mới đóng xong cho tôi cái mộc về nước.

Anh Dũng kể chuyện đi buôn gỗ lậu bị công an Lào rượt. Khi xe chở gỗ thì họ có ra tín hiệu kiểu gì bắt anh ta dừng lại cũng không dừng, anh ta cứ làm như không nhìn thấy họ và cứ phóng xe vun vút, cán gãy thanh chắn của họ luôn. Anh ta mỗi lần chở gỗ đều thủ theo “vũ khí.” Lúc là một nắm các hòn bi, lúc thì là mấy trứng gà. Anh ta toàn chạy xe tốc độ 150-160 cây số nên bọn họ cũng phải chạy theo tốc độ ấy để rượt anh ta. Khi ấy anh ta mở cửa ném một nắm bi vào kiếng xe họ. Xe đang ở tốc độ cao nên cửa kiếng bể nát, họ phải dừng xe. Hoặc anh ta ném cho họ hai quả trứng gà. Ở tốc độ cao nên trứng bể nát, họ dùng kính gạt nước thì cả tấm kính bị lòe hết, không thấy đường chạy nên đành dừng lại. Thậm chí có lần họ lấy súng bắn rầm rầm, may là anh ta chở gỗ cao quá đầu nên không sao. Tôi hỏi sao họ không bắn bể lốp xe. Anh ta bảo chắc họ sợ anh ta bị lật xe chết. Vậy họ vẫn còn nhân đạo quá chứ!!!! Có khi họ trang bị sẳn hai ba xe nấp sẳn chờ xe anh tới thì phóng theo, vậy mà vẫn không rượt kịp.

Tôi nghĩ chắc bọn công an muốn anh ta sống để hối lộ cho bọn họ hay sao ấy chứ nếu muốn bắt thì bắt thôi. Tôi mà là chỉ huy nơi ấy thì ngay tại trạm kiểm soát sẽ căng luôn một tấm bảng chữ thật lớn: KHÔNG DỪNG XE, BẮN. Mỗi lề đường, tôi cho 10-20 tay thiện xạ chờ sẳn. Xe nào không dừng là chíu chíu vào lốp xe liền. Xe chạy ở tốc độ 1 ngàn cây số/giờ thì cũng dính đạn huống chi là có 150. Cứ xử khoảng chục thằng chở gỗ lậu kiểu ấy thử xem còn thằng nào dám đi buôn nữa không? Xử xong bọn buôn gỗ lậu mà có bắt tôi đem ra pháp trường xử tử tôi cũng chịu nữa bởi vì nhiệm vụ của tôi tại trạm ấy là ngăn bọn chở gỗ lậu thì tôi phải chặn bọn họ chứ, nếu cứ lo sợ này nọ thì về hưu quách cho rồi, ở đó làm gì cho thêm “nhục.”

Tôi buồn cười nhất là trước khi chia tay mọi người lên đường để đi chở gỗ, anh Dũng hỏi tôi là: người như Dung thì có bao giờ khóc không vậy??? Tôi nói dĩ nhiên rồi, lúc nhỏ tôi là người khóc dai nhất, mỗi khi khóc là khóc đến mấy…. ngày (các bạn không tin chứ gì). Trong gia đình tôi ai cũng ngán mỗi khi làm cho tôi khóc đấy bởi vì tôi khóc đến mấy ngày theo quy trình sau: khóc đến khi ăn thì dừng khóc để ăn, ăn xong lại khóc tiếp, đến khi ngủ thì dừng khóc để ngủ, ngủ dậy lại khóc tiếp, đang khóc mà có chuyện gì buồn cười thì dừng lại để cười, cười xong lại khóc tiếp,….Hahaha Bây giờ người nhà tôi còn nhắc mãi…… cái điệp khúc khóc của tôi đấy!!!!

Anh Dũng bảo cái đó là hồi nhỏ còn bây giờ kìa, có khi nào khóc không? Theo các bạn, tôi có biết khóc không vậy???

Kỳ sau: Lại về Lào (7): Bị “sét đánh” ở Bản Thẳm, Thakhet

1 nhận xét:

  1. Cambodian họ "ngu" và "lạc hậu" hơn Lào (vì không chịu theo VN ấy mà): họ trừ nạn lâm tặc bằng cách dùng trực thăng (UH1A)bắn đại liên từ trên trời xuống. Tôi có thằng bạn mất xác bên ấy cùng với 5 gã nữa, tỉnh Ratanakiri năm 2005.

    Trả lờiXóa