CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (3)


Các bảo tàng ở Bắc kinh miễn phí nên khi đến đây thì chớ bỏ qua cơ hội khám phá lịch và văn hóa Trung Quốc miễn phí nhé.

Thứ nhất là bảo tàng thủ đô (Capital Museum).
Bạn nào muốn tham quan mà không biết tiếng Hoa thì copy cái ảnh này vào camera; đi đến đâu thì chìa ra hỏi thăm đến đó, cuối cùng cũng "mò" được đến nơi thôi.

Bên ngoài là một toà kiến trúc đồ sộ và bên trong quả thật là một khách sạn 5 sao. Ở tầng hầm có cả một khoảng không gian xanh cho du khách tham quan mua sách, ăn uống và nghỉ mệt.
Bên ngoài

Bên trong

Tầng hầm
 Ngoài ra ở mỗi tầng lầu đều có toilet cực kỳ sạch sẽ và nước uống miễn phí nữa. Ở các hành lang đều có ghế cho du khách ngồi nghỉ mệt. Ngoài ra ở đây khu bên trái có kiến trúc của một cái chuông trong giàn nhạc khổng lồ được tìm thấy ở mộ của Marquis Yi of Zeng. Bên trong cái chuông khổng lồ cao bằng mấy tầng lầu này là một phòng chiếu phim. Mỗi giờ là có chiếu về lịch sử của thành Bắc Kinh. Ngoài ra còn có phòng trưng bày các loại thư pháp, phòng trưng bày tứ bửu cùng với khoảng không gian xanh mát ngoài hành lang – đúng là một khu vực cho tứ bửu luôn.

Bên phía kia là các phòng trưng bày các vật dụng cổ, chủ yếu là thời nhà Minh và nhà Thanh. Ngoài ra còn có phòng trưng bày đồ gốm, men sứ. Có cả phòng trưng bày các tượng Phật và phòng trưng bày về Đạo Phật Tây Tạng.

Thứ hai là bảo tàng phim.

Để đến được bảo tàng này, có thể đi tàu điện ngầm đến trạm Liangmaqiao, sau đó đi xe buýt số 402, rồi lội bộ thêm khoảng 5 phút thì đến nơi. Bảo tàng này hơi xa trung tâm vì vậy đi lại phải qua nhiều chặng như thế. Tuy nhiên đây là một nơi rất đáng đến. Lại là một tòa nhà đồ sộ có nhiều tầng lầu. Bên trong là một khách sạn 5 sao. Ở đây nói về lịch sử phim ảnh của Trung Quốc, Đài Loan, Ma cau và Hồng kong. Ngoài ra các bạn còn có thể tìm hiểu về kỹ thuật làm phim nữa. Chẳng hạn kỹ thuật xử lý âm thanh, hình ảnh, màu sắc. Ở đây có cả phòng trưng bày các thể loại phim như phim lịch sử, phim thiếu nhi, phim hoạt hình, phim khoa học viễn tưởng,….. Ấn tượng là ở đây có cả hình nộm bằng sáp của các diễn viên nổi tiếng và cả quang cảnh của các phim trường nữa.


Có cái là phim trường được thu nhỏ, có cái làm như thật luôn, ví dụ họ đem cả một toa xe lửa vào để trong bảo tàng để mô phỏng phim trường luôn.

Đừng tưởng là đem toa xe lửa vào cho vui nhé. Họ tạo cả âm thanh của tàu lửa khi đang chạy và ở các cửa sổ là màn hình với phông cảnh thay đổi y hệt như tàu đang chạy thực thụ vậy đó. Tôi quả thật là phục bọn Trung Quốc trong việc xây dựng các bảo tàng quá.

Các bạn có thể đoán được tương lai của điện ảnh sẽ như thế nào không? Họ sẽ tạo ra những rạp chiếu phim 360 độ, nghĩa là khán giả ngồi chính giữa và xung quanh là các màn hình. Nghĩa là bạn xem cảnh không chỉ đằng trước mà cả bên trái, bên phải và đằng sau nữa. Cái kiểu rạp 360 độ mà còn thêm 3-4 D gì nữa thì có khác gì mình đang đóng phim đâu nhỉ? Ở đây họ chiếu lại trích đoạn các bộ phim nổi tiếng ấy. Đừng tưởng là sẽ nghe âm thanh om sòm đâu nhé. Bạn không nghe được phim nếu không đặt bàn chân mình vào đúng nơi có hình vẽ hai bàn chân ấy và bên trên cao là một cái lồng. Khi đặt chân vào đúng chỗ thì bạn sẽ nghe âm thanh rất rõ y như đang xem phim vậy đó. Nhưng những người bên cạnh lại hầu như không nghe thấy gì. Vì vậy mặc dù trong viện bảo tàng có rất nhiều màn hình tivi chiếu đủ loại phim nhưng vẫn không ồn ào.

Ở đây còn có cả 3 rạp chiếu phim có cả giờ chiếu, giá vé tối thiểu là 20 RMB. Tôi không vào xem nhưng tôi nghĩ rạp chiếu phim ở đây chắc cũng vô cùng hoành tráng ấy.
Tóm lại, tôi cực kỳ thích các viện bảo tàng của Trung Quốc (đặc biệt là chúng miễn phí hehehe).

Ngoài ra tôi còn đến viện bảo tàng và cũng là nơi ở trước đây của nhà văn Lỗ Tấn (Luxun), tác giả của AQ chính truyện ấy.
Mặt tiền

Lỗ Tấn cùng vợ con

Phòng ngủ của Lỗ Tấn

Lỗ Tấn hấp hối trên giường bệnh

Một cảnh trong phim A.Q chính truyện
 Lúc đầu tôi chẳng đoán ra đâu nhưng khi đọc tiểu sử thì thấy ông ta bỏ ngành y để theo nghề văn bởi vì nhận thấy bệnh của người Trung Quốc lúc ấy không phải là thân bệnh mà tâm bệnh.Vì vậy ông đã quyết định đổi hướng (nhờ vậy chúng ta mới có AQ chính truyện mà đọc chứ). Ông này viết văn hay thiệt nhưng có một khuôn mặt rặt "giặc tàu" luôn đó. Thấy ghét ghê! Bạn nào dạy văn học mà có tác giả Lỗ Tấn thì nhớ liên hệ tôi để tôi gửi ảnh của ông ta cho các bạn làm tư liệu dạy cho sinh động nhé.

Để đến bảo tàng miễn phí Lỗ Tấn thì các bạn có thể đi tàu điện ngầm đến trạm Xisi ấy. Đặc biệt khu vực quanh trạm này bán đồ ăn cũng cực rẻ luôn. Nên tranh thủ dạo một vòng ăn một bụng cho no trước khi về nhé.

Từ chỗ của tôi đi xe buýt số 13 thì đến công viên Bắc Hải. Ở đây vé cửa là 20 RMB từ ngày 1 tháng 4 đến hết tháng 10. Từ tháng 11 đến tháng 3, vé là 5 RMB. Đối diện công viên này, đằng sau khu phố hiện đại là khu được xem là mô phỏng theo Bắc Kinh Cổ.


Ở đây có một đội quân đạp xích lô (nhưng xích lô này, người lái người phía trước chứ không phải ở phía sau như ở Việt Nam) mặc đồng phục và vừa đạp vừa giới thiệu cho du khách về khu vực này…..bằng tiếng Hoa.

Khách nước ngoài toàn là đi theo tour có hướng dẫn nói tiếng của họ không hà. Còn khách lẻ như tôi thì hoặc đi bộ hoặc tự thuê xe đạp chạy, chứ nghe tiếng Hoa có hiểu gì đâu. Khu này công nhận đẹp thật.

Hoa anh đào nở khắp nơi và dưới gốc cây anh đào không phải là những cặp tình nhân đang hôn nhau mà là các bàn…quánh bài tiến lên hehehe. Hình như ở Trung Quốc bài bạc là hợp pháp hay sao ấy nên toàn là thấy họ ra đường hay công viên hay nơi công cộng để "sát phạt" không hà. Bạn nào ghiền bài bạc thì du lịch Trung Quốc là đúng ổ rồi đấy. Nhưng có oánh lại họ không thì tôi không chắc à nghen.

Ngoài ra ở khu vực Bắc kinh cổ này còn có dinh thự của hoàng tử Gong nữa. Vé vào cửa là 70 RMB, bao gồm cả việc uống thử trà, xem opera mà trước đây hoàng tử này từng uống và xem ấy.

Thử cảm giác làm hoàng tử một ngày ấy mà. Tôi thà làm thiệt chứ làm hoàng tử tưởng tượng thế này, miễn phí còn làm, phải bỏ 70 RMB thì thôi vậy. Theo sơ đồ thì dinh thự này khá lớn được chia làm hai phần: phần trước là dinh thự với rất nhiều tòa nhà, phần sau (lớn tương đương) là khu vườn thượng uyển (có cả một hòn núi nữa ấy).


Ở đây có một bức tượng đồng nhìn mắc cười lắm (bởi vì được đặt không đúng chỗ tí nào) – đó là bức tượng mà tôi đặt tên là tình quân dân – tượng một anh lính trẻ trong trang phục ngày nay đang tay trong tay với một bà lão. Cả hai đang ngồi trên ghế đồng. Tượng rất đẹp nhưng đặt không đúng chỗ tí nào. Tự nhiên mọi người đang hồi tưởng về thời nhà Thanh cùng với những ông hoàng bà chúa, tượng tình quân dân này làm đứt dòng hồi tưởng của mọi người mất.

Ở đây mọi người cũng có thể vào tham quan nơi ở của Tống Khánh Linh (Soong Ching Ling) nữa ấy. Một tòa dinh thự thật lớn mà trước đây từng là vườn thượng uyển của bố vua Phổ Nghi ấy. Vậy chắc là đẹp lắm nhưng tôi tiếc tiền vé nên không vào và cũng vì ngoài cửa có mấy anh lính mặt mày như phát xít ấy đứng canh. Vậy là tôi lại điệp khúc "Ngu sao vào!"

Ah mà khu vực Bắc kinh cổ này cũng là khu du lịch luôn nhé, khắp nơi là các nhà hàng, quán bar, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quá trà, kể cả khách sạn nữa. Tóm lại đây là một khu sống động và dĩ nhiên là không rẻ rồi. Tuy nhiên khu này rất đáng đến xem (xem thôi chớ mua) bởi vì nó thật sự đẹp với những kiến trúc cổ, công viên, cây cảnh,…rất đẹp.

Tôi đến Tử Cấm Thành cùng anh chàng Luc, người Đức gốc Hoa (bố anh ta là người Việt gốc Hoa, vượt biên vào năm 1975 ấy). Chúng tôi đi bằng tàu điện ngầm, dừng ở ga Thiên An Môn Tây hoặc Thiên An Môn Đông (Tien an men Xi hoặc Tien An men Dong). Từ đây chúng tôi theo dòng người đi qua một tường thành bên ngoài là cờ Trung Quốc bay phần phật, chính giữa là ảnh Mao Trạch Đông.

Tôi hỏi anh ta có thích Mao Trạch Đông không? Anh ta bảo rằng chả thích tí nào và rất nhiều người Châu Âu không ưa ông này. Tôi hỏi những người Hoa sống ở hải ngoại có thích không? Anh ta bảo ông này làm cho nhiều người giàu lên và nhiều người nghèo đi. Vì vậy những người giàu lên nhờ ông ta dĩ nhiên là thích rồi. Vậy là tôi chắc chắn cái anh chàng Luc không giàu lên nhờ chính sách của ông ta.

Kiến trúc nhà Minh và Thanh là cái mà tôi rất mê. Ngay bức tường thành đầu tiên không hiểu sao được gắn cho một cái huân chương to tổ bố ngay chính giữa làm phá hỏng cái kiến trúc đẹp đẽ của người ta. Chúng tôi đi vào bên trong. Hôm nay là thứ bảy nên rất nhiều người đi tham quan. Tuy nhiên mọi thứ ở đây đều không rẻ. Một suất cơm có giá 30 RMB tương đương 100 ngàn tiền Việt ấy. Tôi không muốn vào bên trong nên anh chàng Luc vào một mình. Nhờ thế đi tham quan lòng vòng tôi phát hiện ra nơi mà trong vài phút ai cũng có thể trở thành vua ấy. Đó là nơi cho thuê áo quần cổ. Mọi người bu vào quá trời. Bên trong có một cái ngai vàng mà ai cũng có thể ngồi lên sau khi đã trả tiền. Tuy nhiên điều đặc biệt là ở đây họ có khá nhiều bối cảnh (background) để chụp hình tùy theo nhân vật hóa thân hoặc tùy sở thích của khách hàng. Chẳng hạn một vị tướng mặc áo giáp và cầm binh khí thì có bối cảnh là vạn lý trường thành. Một nàng công chúa thì có bối cảnh là khuê phòng. Một cặp tân hôn là bối cảnh đám cưới,… Tóm lại tôi phục họ ở việc tạo các bối cảnh ấy. Họ dùng phông màn giống như màn hình chiếu LCD vậy đó. Khi cần bối cảnh nào thì bấm nút điều khiển để cuốn bối cảnh khác lên và xả bối cảnh họ cần xuống. Khá hay ấy chứ! Bạn nào mà đầu tư kinh doanh ở Việt Nam thì kiếm bộn tiền hà. Theo tôi biết thì ở Huế có cho thuê quần áo thôi, còn việc tạo bối cảnh thì tôi không biết đã có chưa? Ngoài ra tiền vé bao gồm luôn cả dịch vụ trang điểm để lên hình cho đẹp nữa ấy.

Anh chàng Luc sau khi tham quan xong ra bảo tôi rằng không hiểu do đông khách quá hay sao mà chỉ được xem bên ngoài thôi chứ không được đặt chân vào bên trong các toà nhà ở tử cấm thành đâu. Nghĩa là các toà nhà đều khóa cửa, khách chỉ đi lang thang từ khu này đến khu kia để chụp hình thôi. Các tòa nhà lại có kiến trúc giống nhau nên cũng  chả có gì mà chụp. Tuy nhiên phải lội bộ khá bộn bởi vì tử cấm thành khá rộng. Tôi hơi ngạc nhiên bởi vì nếu quá đông và biết rằng khách không được vào trong thì tại sao họ vẫn bán vé. Anh chàng Luc bảo bởi vì họ cần tiền và bởi vì họ muốn kinh doanh mà. Theo tôi thì như thế có khác gì lừa đảo đâu nhỉ. Sau này bạn nào muốn đi tử cấm thành thì nên hỏi kỹ là liệu có được vào tham quan bên trong không nhé nếu không thì sẽ mất tiền vô ích như anh chàng Luc vậy đó. Cũng may là lúc này là tháng 3, được xem là mùa thấp điểm nên vé có 40 RMB thôi. Vào mùa cao điểm giá vé đến 60 RMB (từ tháng 4 đến tháng 10).

Không biết vào tháng 3 này ở Việt Nam mình kỷ niệm ngày sinh của Quan Thế Âm thế nào. Hôm đó tôi tình cờ đi ngang qua ngôi chùa Guanji, thấy rất đông người nên cũng tò mò vào giao tiếp đã đời thì mới biết đó là sinh nhật của Quan Âm. Mà các bạn trẻ Trung Quốc cũng tệ ghê. Chỉ có chữ birthday mà mãi mới nói được, bởi tôi biết trong tiếng Hoa Guan Yin nghĩa là Quan Âm. Hôm đó trước cổng chùa rất nhiều cảnh sát đứng kiểm soát ở cổng ra vào. Chỉ được mang hoa quả vào thôi, nhang thì phải mua tại chùa. Nếu đã lỡ mua ở bên ngoài thì sẽ bị tịch thu và sẽ được phát cho bó nhang khác. Theo tôi thì lý do là nhang cũng có thể gây nổ được (họ phòng ngừa các vụ oánh bom ấy mà). Tuy nhiên tôi thấy có nhiều người qua mặt cảnh sát bằng cách nhét nhang vào túi áo của lớp áo bên trong (trời lạnh nên ai mà chả mặc hai ba áo). Khi bắt gặp tôi nhìn họ, họ cười hề hề. Tôi cũng cười hề hề vì nhìn buồn cười quá.

Lúc tôi vào trong tham quan (Thật ra thì cũng không thấy gì đâu bởi vì ở đâu cũng người là người đang lầm rầm đọc kinh một cách thành kính)¸ khi trở ra thì thấy ở một khoảng sân có một đám người đang đứng lố nhố, ai cũng hướng về phía mặt trời ấy, có vài người quỳ xuống lạy lấy lạy để nữa. Trong đó có một phụ nữ đang giơ tay (bên trong bàn tay là một tượng Phật và một bình hồ lô nhỏ) về hướng mặt trời như thể muốn tiếp thu năng lượng vậy đó. Tôi đoán là người phụ nữ ấy khẳng định là thấy Quan Âm hiện ra trong vầng sáng mặt trời ấy. Tôi không tin đâu bởi vì tôi nghĩ Quan Âm nếu muốn hiện sẽ hiện ra dưới bộ dạng một người bình thường hoặc ăn xin để xem thái độ cư xử của mọi người thế nào ấy, bởi vì cái mà Quan Âm muốn là thái độ cư xử tử tế của mọi người với những người bất hạnh hơn mình cơ mà.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (2)


Ở dorm với giá 50 RMB/đêm là quá sang đối với tôi. Vì vậy tôi dự tính nếu không tìm được nơi rẻ hơn thì sẽ đi đến một thành phố khác vậy.

Vẫn nghĩ rằng khu vực xung quanh nhà ga có nhà trọ giá rẻ. Nhưng nhà ga Bắc Kinh Tây (Beijing Xi) thì tòan là nhà cao tầng và khách sạn mắc tiền. Tôi đi đến nhà ga Beijing với hy vọng ở đây giá rẻ. Nhưng cũng toàn là những tòa nhà cao tầng. Thậm chí tôi có lội bộ vào những con hẻm ngoằn nghòe thì rẻ nhất cũng có giá 60 RMB rồi. Ở Bắc kinh bây giờ toàn là những khu nhà hiện đại, cao tầng không hà. Hèn chi khi tôi đến ga Beijing Xi, tôi thấy có quá trời người nằm ngủ la liệt tại sân ga, chắc họ không có tiền vào những khách sạn sang trọng đây mà.

Tôi quay trở lại khu vực mình ở là khu Yonghe Gong. Nơi này hầu như không thấy nhà cao tầng và nhà cửa trên đường Yonghe Gong có kiến trúc cổ trông khá là đẹp mắt. Các cửa hàng bán nhang đèn, tượng Phật,…Khắp nơi vang lên tiếng niệm Phật từ các máy cassette trong các cửa nhà và mùi nhang phảng phất đâu đây. Thỉnh thoảng các nhà sư trong trang phục Tây Tạng đi qua lại trên đường (tôi không chắc họ có phải là người Tây Tạng hay không?).

Vé cổng vào chùa Yonghe Gong là 25 RMB. Tôi đến cổng nhìn ngắm ngôi chùa một lát và đi ra, nghĩa bụng chắc sáng hôm sau phải dọn đến thành phố khác đây. Trên đường từ chùa Yonghe Gong về con hẻm Beixinqiao houtao, tôi đi ngay qua một con hẻm và từ đầu hẻm nhìn vào, tôi thấy một tấm bảng hiệu rất lớn giăng ngang qua với chữ "1 Hai Inn". Biết rằng đây là một nhà trọ, nhưng không được giới thiệu trong Lonely Planet bởi vì cái tên lạ quắc. Không nghĩ rằng giá cả ở đây rẻ hơn nhưng tôi muốn vào xem thử nơi này có đẹp hay không? Tôi đẩy cửa vào thì thấy không khí như một youth hostel vậy đó. Vì thế tôi hỏi có dorm hay không. Cô tiếp tân trả lời là có và giá cho một dorm có 6 giường là 30 RMB. Tôi nghe xong hết hồn luôn, không ngờ ở Beijing mà cũng có giá đó nữa. Và Dorm có 8 giường có giá 28 RMB/đêm. Vậy là tôi có thể ở lại Bắc kinh nhiều hơn dự kiến rồi. Đúng là mọi việc đều ngoài dự kiến. Tôi đăng ký luôn một giường ở dorm và hẹn sẽ quay lại vào sáng hôm sau. Tôi phải trả 100 RMB/2 đêm tại Lama Youth Hostel. Thật đau bụng! Nhưng….

Nhà trọ mới của tôi tên là 1 Hai Inn (hay còn có tên là Candy Inn, cách chùa Lama 50 mét về hướng Nam. Địa chỉ là số 31 Beixin Hutong, Đường Yonghegong, quận Dongcheng, Bắc Kinh. Để đi đến đây là cách dễ nhất là đi tàu điện ngầm đến trạm Beixinqiao hoặc trạm Yonghegong. Nếu không thì đi xe buýt số 13, 116, 117, hoặc 684 Website: www.candyinn.com. Email: bj1haiinn@163.com. Ở đây có internet và wifi miễn phí. Dorm có 8 giường của tôi có cả nhà tắm bên trong. Trong nhà tắm có cả bàn chải và kem đánh răng miễn phí cho từng khách. Ngoài ra nhà tắm còn có 1 chai dầu gội đầu và 1 chai sữa tắm to tổ bố cho khách sử dụng chung nữa. Thanh treo khăn tắm và quần áo được ủ nhiệt. Vì vậy treo quần áo lên đó, sau khi tắm xong thì bạn có quần áo ấm áp để mặc. Tóm lại, với giá tiền và những tiện nghi mà nơi đây cung cấp thì quả thật là rẻ so với cái đất Bắc Kinh mắc mỏ này. Ngoài ra nhà trọ còn có một khoảng sân bài trí theo kiến trúc truyền thống nhà Thanh với đèn kéo quân nữa. Các cửa phòng đều có màu đỏ may mắn ấy. Trên tầng gác có cả quán bar và mỗi tối thứ 7, có món lẩu với giá 35 RMB/khách nữa. Ngoài ra ở đây còn có nước uống miễn phí nữa (nóng lạnh đều có). Tóm lại, tôi thích ở nơi này vô cùng.

Những người ở cùng phòng với tôi gồm có một cô gái đến từ Argentina, một anh chàng đến từ Tây Ban Nha, một cô đến từ Philippines, một anh đến từ Thụy Điển, một anh đến từ Hàn Quốc, tôi và hai người Hoa. Mọi người khá thân thiện với nhau. Tóm lại, tôi vẫn thích ở chung với khách du lịch quốc tế hơn là khách du lịch người Hoa bởi vì tôi có thể nói tiếng Anh với họ thoải mái, chứ không phải bập bẹ tiếng Hoa một cách khổ sở nữa.

Tôi hỏi mọi người làm sao biết nơi này mà đến ở thì họ bảo họ vào trang web của hostelworld thì thấy ở đây rẻ nhất nên đến. Khi đến rồi mới biết nó nice đến như vậy. Trời lâu ngày rồi tôi không dùng trang web này và quên béng nó đi. Ở các thành phố nhỏ thì dĩ nhiên không được đề cập đến trong trang web, do vậy tôi không sử dụng và khi đến thành phố lớn thì quên béng nó đi.

Có được nơi ở tiện nghi thoải mái rẻ tiền rồi, tôi bắt đầu nghĩ đến điểm đến tiếp theo bởi vì cái bọn người Trung Quốc không muốn tôi ở thêm tại Trung quốc nữa. Tôi tìm thông tin về Mông Cổ. Hiện tại ở đó lạnh đến âm 20 độ nhưng tôi hy vọng tháng sau sẽ ấm áp hơn nhiều.

Tôi đến lãnh sự quán Mông Cổ trên đường XiuShui Beijie, Jian Guo Men Wai (trạm tàu điện ngầm Jian Guo Men). Từ trạm bước ra, hỏi thăm đường đến "Măng Cụ Ta Sử Cuận" (Mongolia Embassy). Các bạn có thể nhờ ai đó ghi địa chỉ bằng tiếng Hoa vào tờ giấy và chìa ra hỏi đường. Khi tôi đến nơi thì được biết là phải có thư mời từ phía Mông Cổ cùng với tờ đơn có dán hình và hộ chiếu. Vậy là okay. Ở văn phòng visa họ làm việc thứ 2-4-6 (8h30 đến 11h sáng), chiều 3-5 (từ 2h đến 4h). Đến lấy visa vào buổi chiều từ 4-5h. Lúc tôi đến đã hơn 9h mà vẫn còn đóng cửa nên mọi người đợi chắc cũng khoảng tầm 9h rưỡi thì họ mới mở cửa làm việc ấy.

Tôi về gửi email cho nhà trọ Khongor (khongor@mongol.net) – nhà trọ này được nhiều người recommend lắm – nhờ họ gửi cho cái thư mời. Họ hỏi tôi dự định ở đâu và đăng ký countrytour với ai. Tôi nói tôi dự định ở dorm của họ (giá 5 đô/giường, ở lâu giảm còn 4 đô) và chưa biết đăng ký tour nào nên khi nào đến Mông Cổ thì tính. Họ yêu cầu tôi gửi cho họ bản photo hộ chiếu để họ trình cho Sở Ngoại Vụ.Bài liên quan: Xin visa Trung Quốc và Mông Cổ ở Hà Nội

 Hôm nay lần đầu tiên tại Trung Quốc, tôi biết cách vào Facebook và blogspot rồi. Anh chàng người Tây Ban Nha tên là Jose (nhưng phải phát âm thành Hô Sê đấy nhé) chỉ cách vào. Anh ta vào trang web của vtunnel và từ trang vtunnel vào youtube hoặc facebook hoặc blogspot. Anh ta bảo trang vtunnel nằm ngoài Trung Quốc nên khi vào đó thì thông tin được gửi ra ngoài rồi mới đi ngược trở lại. Vì thế tuy vào được nhưng mạng lại đi khá chậm. Tôi mở blog và facebook ra chỉ để ngó thôi chứ chả làm được gì cả.

So với Quảng Châu thì tàu điện ngầm ở Trung Quốc khá rẻ , cho dù đi xa hay gần đều trả tiền như nhau (2 RMB). Trong khi đó ở Quảng Châu thì tùy khoảng cách mà trả tiền cho vé tàu có thể từ 2-5 RMB. Nói chung sử dụng tàu điện ngầm là khá dễ dàng. Chỉ cần biết mình ở gần trạm nào và sau đó thì đi chơi thoải mái. Khi nào muốn về thì tìm trạm gần nhất và lên tàu đi đến trạm gần nhà. Không sợ lạc đường.

Xe buýt 2 tầng thì ai cũng biết bởi ở Việt Nam cũng có. Nhưng ở Bắc Kinh còn có loại xe buýt khá dài, trông giống như hai chiếc nhập lại vậy đó. Khoảng giữa hai thân xe là một ngăn giống như thun để xe quẹo ra vô dễ dàng (bởi vì khoảng thun giữa giúp cho xe cong lại được.) 

Đúng là Trung Quốc có nhiều giải pháp cho tình trạng đông dân của mình ghê. Ở Bắc Kinh mà giá vé xe buýt chỉ có 1 RMB thôi (có xe còn có giá 0.5 RMB nữa chứ.) Tôi phải trả 1 RMB cho mỗi lần lên xuống xe buýt, chứ người dân có thẻ xe buýt chỉ trả có 0.4 RMB thôi (mỗi lần họ quẹt thẻ tôi thấy hiện giá tiền có 0.4 RMB hà.) Quả là giao thông công cộng ở Bắc kinh rẻ thật, bù đắp lại cho phần thức ăn quá mắc.

Ở khu vực Yonghegong mà tôi đang ở, hình như mọi thứ đều mang dấu ấn lịch sử hết hay sao á mà từ tảng đá cho cho đến từng con hẻm đều có bảng giải thích bằng tiếng Hoa và tiếng Anh (nhiều quá nên tôi làm biếng đọc). Đặc biệt ngay con hẻm bên cạnh đền Khổng Tử còn có một thư viện sách, tên là Civilian Mobile Library. 


Thư viện này đặc biệt ở chỗ là người đọc thích quyển sách thì có thể lấy quyển sách đó về luôn (không phải mượn đâu mà lấy về nhà luôn.) Thư viện này nhằm mục đích giáo dục người dân đọc sách nên câu khẩu hiệu của nó là: "sau khi đọc xong một quyển sách hay thì hãy chuyển nó cho người khác. Đọc sách hay, làm người tốt". Sau một hồi xăm xoi thì tôi cũng chọn cho mình một quyển sách học tiếng Hoa thông qua tiếng Anh. Tôi dự định sẽ quay lại đó tặng những quyển sách mình không cần dùng nữa. Mỗi năm thư viện này đều đến những khu công nghiệp và khu ngoại ô tặng sách cho các thư viện nhỏ và công nhân nhằm truyền bá đọc sách cho mọi người. Cái này theo tôi nghĩ thì ở Việt Nam cũng có rồi. Nhưng thư viện sách tặng sách miễn phí cho người ở tại thành phố lớn thì hình như ở Việt Nam chưa có thì phải?

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (Bắc Kinh) (1)


Buổi sáng, sau khi ăn sáng lúc 10h30, tôi nói với bà chủ nhà rằng tôi muốn đi bởi vì ở đây không vào internet được mà tôi lại có hẹn trên mạng rồi; nếu không tôi ở đây luôn mấy ngày bởi vì tôi vô cùng thích ngôi làng thanh bình này. Bà ta hỏi tôi có muốn ăn trưa không? Nếu ăn thì bà ta chuẩn bị, nếu không ăn thì sẽ trả lại cho tôi 5 RMB. Buồn cười chưa tôi mới ăn sáng lúc 10h30 mà 12h lại ăn trưa. Nhưng tôi ok luôn.

Trong lúc chờ ăn trưa, tôi tranh thủ đi loanh quanh trong làng. Nhờ thế tôi mới biết lý do vì sao hôm trước du khách không mua ủng hộ bà lão bán hồng khô. Bà ta bán mắc hơn người bán ở ngay bãi đậu xe. Ở đây một bịch hồng nhỏ (giống bịch tôi mua ấy) có giá 5 RMB và bịch to tổ bố giá 10 RMB. Du khách bu vào mua quá trời.

Ở đây người dân cũng sử dụng rất nhiều loại máy đun nước nóng bằng ánh nắng mặt trời (loại dùng để tiết kiệm nhiên liệu ấy.) Và nhà nhà đều có sân thượng bằng phẳng trải xi măng, chắc là để phơi ngô đây.


Khi trở về để ăn trưa thì có hai người khách ăn vận lịch sự quẹo vào căn nhà trọ của tôi. Vậy là họ cũng ăn trưa đây. Tôi ngồi nói chuyện với người đàn ông trung niên thì khá dễ bởi vì ông nói giọng miền Nam, còn cậu thanh niên nói thì phải có ông ta phiên dịch lại. Tôi ghét cái từ đệm “ơ,ở ờ” mà họ hay dùng quá.

Nhờ bà chủ nhà “làm mối” nên tôi được đi ké hai người này bởi vì họ đi bằng xe riêng. Theo tôi, ở đây tôi được xem như người nhà ấy. Bà chủ nhắc tôi ăn nhanh kẻo trễ xe và sốt sắng nói giùm để tôi được đi ké như thể tôi là con cháu gì đó của bà vậy áh. Các bạn mà đến Shijiazhuang thì không thể không đến làng này nghỉ đêm để được hưởng cảm giác làm người nhà của dân làng như tôi vậy nhé.

Thế là tôi được đi ké về Jingxing. Từ đó, tôi đón xe buýt về lại Shijiazhuang, giá 9 RMB. Khi đến bến, tôi lại đón xe buýt số 9 đến nhà ga xe lửa (1 RMB). Lúc đó đã gần 4h chiều rồi nên tôi lên kế hoạch mua vé đi ban đêm và đến vào sáng sớm. Vậy là tôi tiết kiệm được một đêm ở nhà trọ.

Nghĩ rằng từ Shijiazhuang đến Beijing có khá nhiều tuyến nên tôi không kiểm tra thông tin trên mạng trước mà đến thẳng phòng vé xếp hàng và mua vé đi lúc 9h (nghĩ rằng tàu sẽ đến khoảng 3-4-5h sáng là tốt rồi). Lúc mua vé, tôi được thông báo rằng giá vé đến 86 RMB. Hơi bất ngờ vì vé mắc ngoài dự kiến, tôi hỏi mấy giờ đến thì cô bán vé nói gì đó và tôi đoán là khoảng hơn 2h giờ và tôi nghĩ chắc hết vé ghế cứng nên vé của tôi là ghế mềm. Kệ, trải nghiệm cảm giác ghế mềm cũng thú vị. Vậy là tôi mua vé tàu đi lúc 21h06. Vậy là tôi còn đến mấy tiếng đồng hồ trống.

Tôi quyết định hôm nay gửi hành lý ở ga để đi “lục lọi” Shijiazhuang. Nhưng cái bọn Trung Quốc thật buồn cười. Túi hành lý của tôi được cột chặt trên chiếc xe đẩy, gọn gàng thế mà lúc tính tiền họ tính thành 2 món (một món lớn, một món nhỏ) và tôi trả tiền tổng cộng là 12 RMB (gần tương đương một ngày ở nhà trọ giá rẻ rồi còn gì).

Tôi lên xe buýt ra ngoại ô. Trên đường trở về, tôi thấy có một con đường nhỏ tấp nập người, biết đấy là một cái chợ. Tôi xuống xe. Tại đây, tôi thấy một loại củ lạ lùng lắm nghen. Củ này có hình bàn tay người ấy. Nhìn thấy mà rợn cả người. 
Củ bàn tay người

Khi tôi đứng săm soi thì ông chủ hàng đến và nói củ này ăn ngon lắm. Tôi xin phép chụp hình. Củ này có củ có cả năm ngón, dài ngắn, y như một bàn tay người thật sự ấy, có cả có 3 ngón, có củ có 4 ngón. Điều mà kinh nhất là các ngón tay dài ngắn khác nhau ấy. Kinh quá, làm sao mà người ta có thể ăn được nhỉ?

Ở đây bán đồ ăn khá rẻ, so với các trung tâm thương mại khác. Tôi thấy ở hàng bán khóm, người bán có cả dụng cụ lấy mắt khóm nữa. Không phải là lấy dao khoét như ở Việt Nam. Sau khi gọt vỏ thì dùng dụng cụ nàu lấy mắt khóm, khá nhanh và gọn (trước đây tôi còn  thấy cả dụng cụ lấy vỏ bưởi nữa ấy). Đúng là Trung Quốc sáng tạo đủ mọi dụng cụ ấy nhỉ.
Dụng cụ lấy mắt khóm

Nghĩ trong bụng, tốn 12 RMB nhưng khám phá được củ bàn tay và dụng cụ lấy mắt khóm thì cũng đáng giá. Khi tôi quay về ga, thấy hãy còn sớm, tôi xuống một con đường hầm (ở các thành phố lớn, luôn có hầm qua đường để đi từ lề này sang lề kia của các con đường lớn và có khi các đường hầm này cũng là các trung tâm thương mại luôn. Tại đường hầm này có hai bạn sinh viên bày hàng tạo mẫu bong bóng ấy. Họ có thể dùng bong bóng để làm đủ kiểu như một đôi cánh thiên thần, một quả chuối đội đầu hay đủ kiểu nón. Khi tôi chụp hình thì họ hỏi tôi là người nước ngoài à và gợi ý tạo cho tôi một mẫu miễn phí nhằm chào mừng tôi đến Trung Quốc.
Có phải một thiên thần vừa hạ giới không vậy? Hihihihi

Trên đường trở về ga có một cậu bé đi cùng mẹ và cứ nhìn cái nón bong bóng của tôi suốt. Vậy là tôi tặng cậu bé luôn.

Khi vào phòng chờ để đợi tàu, tôi hơi ngạc nhiên vì không thấy cảnh chen lấn nữa mà mọi người có vẻ lịch lãm với những túi xách có bánh xe kéo và từ từ đi qua cổng chứ không phải là những cảnh hỗn độn chen đẩy nhau nữa.

Khi đến sân ga thì số toa được khắc ngay trên nền; vì vậy, ai có vé ở toa nào thì cứ đứng đợi ngay con số ấy. Khi tàu đến (đúng giờ y bon) thì ra đó là một con tàu tốc hành (express train), màu trắng, êm ru, với mũi nhọn . Khi tôi lên tàu thì bên trong sạch sẽ, trông y như một khoang máy bay. Nhân viên mặc đồng phục y như tiếp viên hàng không. Cô nhân viên tiếp viên đẫy xe nước qua các dãy ghế. Ồ, lúc đó tôi lại quên hỏi là uống nước có miễn phí hay không (rất có thể ấy chứ). Tàu chạy thật êm và mọi người ngồi nói chuyện xôm tụ. Tôi hỏi người bên cạnh khi nào tàu đến thì bạn ấy nói rằng 23h10 phút. Tôi chưng hửng. Vậy cái con mẹ bán vé cho tôi ý muốn nói là tàu chạy hai tiếng 4 phút cho câu hỏi khi nào tàu đến của tôi à. Trả lời thế mà lại nói giọng bắc nữa nên lúc đó tôi đoán nhầm ý định rồi. Thật đáng ghét! Vậy tôi đến Bắc Kinh vào lúc nửa đêm sao? Nếu biết tàu chạy nhanh thế thì tôi đi lúc chiều cho khỏe. Thật là bực mình khi mình không biết tiếng Hoa và người Hoa lại không biết tiếng Anh.

Tàu đi và đến thật đúng giờ ấy. Ga xe lửa Bắc Kinh Tây (Beijing Xi) thật lớn và người ta nằm ngủ la liệt trên mặt đất (y hệt như ở Ấn độ). Bây giờ tôi mới biết mấy cái túi nylong gói kỹ của họ mà tôi thường thấy là gì rồi. Đó là nệm và mềm. Họ mang theo cả chỗ ngủ theo ấy. Tôi ra khỏi ga, định kiếm tàu điện ngầm để đi về youth hostel nhưng không thấy và khi ra ngoài hỏi xe buýt thì lúc đó còn xe số 122 thôi. Xe này bảo không đi đến chỗ tôi cần đi.

Giờ ấy mà bảo tôi lên taxi thì tôi thà quay về ga nằm dưới đất ngủ như người dân Trung Quốc ấy cho an toàn. Vậy là tôi quay trở về ga. Ở đây có bản đồ thành phố Bắc Kinh (theo sách hướng dẫn thì Bắc Kinh rộng tương đương nước Bỉ ở Châu Âu ấy) và bản đồ các tuyến xe buýt. Lúc ấy thì tôi phát hiện thì ra xe buýt 122 đi ngang trạm xe lửa Beijing và đối diện trạm này là một youth hostel. Nhưng lỡ rồi, vì vậy tôi đứng dọc thông tin trên bản đồ và đợi trời sáng luôn. Bản đồ bằng tiếng Hoa ấy nên tôi đọc nhiều chứ chả hiểu bao nhiêu đâu.

Một hồi tôi cũng kiếm một góc cột và ngồi xuống luôn, không dám ngủ đâu (mất đồ như chơi ấy). Đến 4h sáng, tôi ra ngoài hỏi đường đến metro (tàu điện ngầm) và từ ga đi xe buýt đến trạm, từ trạm đi đến youth hostel Lama Temple (ngay trạm Beixinqiao). Tôi tự mò ra ấy chứ, chứ chỉ có địa chỉ, chẳng có chỉ dẫn cách đi đến đó gì hết. Youth hostel này rất gần Yonghe gong là Lama Temple, nơi đây đặc trưng kiến trúc của một ngôi chùa Tây Tạng ấy.

Ra khỏi trạm metro, tôi lại mò mẫm để chọn hướng ra (exit) và lại hỏi đường đi. Thì ra nhà trọ của tôi nằm trong hẻm của đường Beixinqiao (gọi là Beixinqiao Houtiao), đi vài bước là đến. Youth hostel có trang trí khá đẹp với kiến trúc của Tây Tạng ấy. Ở đây dorm 6 giường có giá 55 RMB. Tôi có thẻ thành viên nên trả 50 RMB.

Lúc tôi đến là khoảng 6h30 sáng, anh chàng tiếp tân trực còn đang ngủ, bị tôi đánh thức dậy, anh ta lên máy tính kiểm tra và nói dorm hết chỗ rồi nhưng có người check out. Vì vậy tôi ngồi chờ và “tám” với anh ta. Anh ta là người Shijiazhuang, đến Beijing học và ở lại làm việc luôn.

Trong lúc chờ đợi thì tôi vẫn có thể dùng wifi ở đây. Khoảng 8h thì tôi có thể check in. Thức cả đêm mà nên sau khi thu xếp hành lý thì tôi ngủ nhưng chỉ đến 12 là bắt đầu dậy để tẩy rửa người và quần áo. Cái áo khoác của tôi dơ quá nên không thể mặc thêm nữa, phải giặt thôi. Ở đây có máy giặt tự động. Phải có tiền cắc, cho vào máy 10 RMB thì máy tự động giặt. Áo tôi dơ quá nên tôi giặt tay và sạt bằng bàn chải luôn (như vậy cho chắc). Sau đó, không có áo mặc nên tôi không thể ra ngoài. Vậy là tôi nhịn đói đến khoảng 4h thì đói quá và nghĩ là trời bớt lạnh nên ra ngoài kiếm đồ ăn.

Con đường mà tôi ở có nhiều nhà có kiến trúc cổ, thể hiện qua cánh cổng, qua tường bình phong và qua gạch lát đường. Ở khu vực của tôi, cứ đi vài bước là thấy một toilet công cộng (như vậy người dân không có cơ hội “tè bậy” rồi nhưng khạt nhổ ngoài đường thì vẫn còn). Các nhà hàng thì nhiều lắm, bày trí khá đẹp và dĩ nhiên là mắc tiền rồi. Ở đây các quán có hình chụp các món ăn. Cuối cùng tôi vào một nơi có hình một tô mì to với nhiều thịt có giá 8 RMB. Khi tôi thấy bàn cạnh bên ăn món gỏi bì đậu hủ, tôi hỏi đó là món gì và chị tiếp viên đi đến chỉ vào thực đơn cho tôi nhưng chỉ khá nhanh, mục đích là cho tôi không thấy giá tiền. Họ nghĩ rằng người nước ngoài không biết tiếng nên muốn làm trò ảo thuật ấy mà.

Một hồi chị ta bưng ra dĩa gỏi bì đậu phụ dù tôi không gọi (tôi chỉ hỏi chứ có gọi đâu). Nhưng tôi thấy ngại từ chối và cũng muốn thử nên chấp nhận ăn luôn. Bàn cạnh tôi là một cặp người Hoa, họ chỉ có 2 người nhưng không biết do họ muốn hay bị ép mà gọi khá nhiều món. Tổng cộng là 4 món (tô canh lớn, một dĩa bì đậu phụ, một dĩa kho và một dĩa xào) mà sau đó chị tiếp viên còn bưng ra thêm dĩa rau xào. Họ từ chối và nói là không gọi. Chị ta chỉ chỉ lên tường và nói gì đó. Cuối cùng họ chấp chận. Dĩ nhiên họ không thể ăn hết nên bỏ thừa khoảng ½ thức ăn.

Món bì đậu phụ hơi mặn nên nếu ăn với cơm là hết xẩy. Còn tô mì của tôi thì rất to với nhiều thịt nhưng có giá 8 TMB là không mắc. Khi tôi gọi tính tiền thì chị tiếp tân nói 16 RMB. Tôi nói 8 với 6 là 14 chứ. Chị ta nói “ừ thì 14.” Ah, bây giờ thì tôi phát hiện trò của bọn người Bắc Kinh rồi nhé. Thứ nhất là ép thức ăn. Thứ hai là tính tiền sai. Cặp người Hoa chắc cũng giống như tôi nhưng họ chỉ biết móc tiền ra trả thôi. .

Kinh nghiệm cho những bạn đi Bắc Kinh là nếu món đó không gọi thì dứt khoát không nhận (ngoại trừ khi muốn ăn) và luôn tính tiền lại, không nên giao phó cho người tiếp viên. Khi tôi nói số tiền là 14 không phải 16, chị tiếp viên có bộ mặt trơ trẽn, không biết ngượng đâu, như thể đã làm nhiều lần lắm rồi, nếu qua mặt được bọn du khách “ngốc” thì tốt, không thì thôi, không mất mát gì cho chị ta cả. Ah, cái bọn này, bây giờ tôi biết chiêu của họ rồi. Lần sau mà dọn món tôi không gọi thì đừng hòng tôi trả tiền. Phải cho họ biết rằng không phải du khách là “lũ ngốc” hết để cho họ muốn giở trò gì là giở. Mẹ cha chúng nó!!!!

Bắc Kinh theo nhận xét của tôi ngay từ ngày đầu là mắc mỏ hơn những nơi khác một chút nhưng nếu chịu khó đi tìm thì vẫn ra được những món rẻ. Ví dụ tôi vào một con hẻm và mua được món hamburger trứng giá 1.8 RMB (đây là giá ở các thành phố khác) và trứng gà luộc với giá 1 RMB. Ồ, tôi biết giá cả mấy món bình dân ở Trung Quốc hết rồi á, đừng hòng nói thách với tôi nghen hehehe.

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Tôi đi Trung Quốc (38): Yujiacun

 Kỳ trước: Tôi đi Trung Quốc (37): Shijiazhuang (Thạch Gia Trang)


Sáng hôm sau, cảm thấy khỏe khắn hơn, tôi lại bắt đầu có ý nghĩ “tung hoành” rồi. Thấy trong sách hướng dẫn nói cần phải đến và nghỉ đêm tại làng Yujiacun để thấy không khí trong làng cổ bằng đá này. Thế là tôi trả phòng và kéo hành lý đi sau khi từ chối bữa ăn sáng cùng với những người bạn của chủ nhà. Mà sao tôi thấy họ lúc nào cũng ăn thế. Không hiểu ông chủ nhà tôi mời thiệt hay mời lơi mà bữa ăn nào cũng rủ tôi qua ăn hết. Tôi không khỏe trong người lắm, nếu không tôi cũng qua ngồi ít nhất một bữa để thử tài nấu nướng của ông ta rồi.

Người Trung Quốc ở phía Bắc nói tiếng Hoa nghe mệt lỗ tai lắm bởi vì họ hay đệm từ “ơ” hay “ở” hay “ờ” gì đó vào mỗi câu nói.

Từ nhà ga xe lửa ở Shijiazhuang, tôi đón xe buýt số 9 (1 RMB) đi đến bến xe Xiwang (Tây Vương). Từ bến xe này, tôi mua vé đi Jingxing (10 RMB). Xe chạy khoảng 1 tiếng thì đến và từ Jingxing, tôi lên xe buýt đi đến làng Đá Yujiacun (5 RMB). Làng Đá Yujiacun nghĩa là ngôi làng của họ tộc Yu với những ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá.


Khi xe buýt dừng lại và bảo tôi xuống xe thì ngay tay phải là phòng vé, giá vé 20 RMB. Đây là lần đầu tiên móc tiền ra mua vé cửa mà tôi lại “thấy sướng”. Lý do theo tôi nghĩ tiền vé này đi vào túi của dân làng. Người bán vé cũng là thuyết minh viên và họ chẳng mặc đồng phục của nhà nước như những nơi bán vé khác đâu. Đó là lý do tôi nghĩ tiền này là để phục vụ lại dân làng. 95% dân làng ở đây mang họ Yu mà.


Tôi nói với cô bán vé rằng tôi muốn ngủ đêm ở đây thì đi hướng nào để tìm nhà trọ. Cô ta nói sẽ giúp tôi. Cô ta gọi điện và một lúc sau, một phụ nữ trung niên đi đến. Bà ta bảo đến ở nhà bà ta. Thì ra căn nhà này nằm rất gần nơi bán vé. Bà ta dẫn tôi vào xem các căn phòng để tôi chọn. Thực sự các phòng ở đây rất lớn y như phòng tập thể vậy đó. Tôi chọn căn phòng mà trước đây chắc là phòng tân hôn của con gái bà ta (trên tường treo đầy ảnh cưới của họ ấy). Phòng này có đến 2 cái giường đôi và hai cái tủ gỗ. Trong các tủ đầy ắp quần áo. Tôi nói tôi muốn ở phòng này thay vì phòng bên trong gần toilet. Phòng của tôi có đến hai cánh cửa, một cánh dẫn sang phòng bên cạnh và một cánh dẫn ra ngoài sân với ánh nắng chan hòa (đó là lý do mà tôi chọn căn phòng này – sau một thời gian chịu lạnh ở Trung Quốc thì tôi không còn sợ ánh nắng nữa mà thấy ánh nắng là thích).

Giá tiền cho một người ở là 15 RMB/ngày, mỗi bữa ăn 5 RMB. Tôi đăng ký ăn luôn ba bữa. Vì vậy, mỗi ngày tôi trả 30 RMB. Tính ra thì khoảng 100.000 VNĐ cho tiền ăn ở một ngày thì quá rẻ phải không các bạn?

Khi tôi sắp xếp xong đồ đạc thì bà chủ nhà bảo tôi ra ăn trưa. Theo tôi thì hình như nơi này nhận nấu cho du khách của các đoàn luôn ấy. Lúc tôi đến thì có một đoàn khách đi ra từ hướng này và có khá nhà tô chén đã sử dụng nằm lổn ngổn trên sàn. Lúc tôi ăn thì cô bán vé đang ngồi ăn trong bếp. Ở đây, bếp nằm luôn ngoài sân. Như vậy thì cô bán vé và bà chủ nhà tôi có quan hệ mật thiết rồi. Điều này không có gì lạ khi 95% dân số trong làng đều mang họ Yu, nghĩa là hầu như là người một nhà rồi còn gì. Họ thờ chung một tổ tiên ấy mà.

Ăn xong thì tôi bắt đầu đi tham quan. Ở đây không có thuyết minh tiếng Anh. Có khá nhiều đoàn khách tham quan người Trung Quốc. Tôi gia nhập họ. Tiếc là không hiểu tiếng Hoa, nếu không thì tôi được nghe thuyết minh miễn phí rồi còn gì. Các địa điểm tham quan đều khóa cửa và các cô thuyết minh đều có chìa khóa, sau khi khách tham quan xong thì khóa cửa lại. Nếu đi một mình (mà trốn vé nữa) thì không thể vào rồi.

Đầu tiên là tôi đi đến đình Qingliang. Đình này do một người trong làng tên là Yu Xichun MỘT MÌNH xây hoàn toàn vào ban đêm trong vòng 25 năm. Ngôi đình được hoàn tất vào năm 1581. Ông ta xây dựng ngôi đình này bởi vì hy vọng là có thể trông thấy kinh thành Bắc Kinh từ trên tầng cao nhất. Đình có 3 tầng. Tầng dưới là tầng nền. Tầng 2 gồm có 4 phòng nằm 4 bốn hướng. Trong mỗi phòng có tượng thờ của các vị khác nhau. Những vị khác thì tôi không biết, chứ trong một căn phòng thì tôi thấy tượng thờ Ngọc Hoàng Đại Đế. Tầng trên cùng có 2-3 căn phòng cũng có tượng thờ và một cái chuông. Dĩ nhiên là từ tầng trên cùng chẳng thể nào thấy được Bắc Kinh rồi.






Sau đó, tôi đi đến nhà thờ gia tiên của họ tộc Yu. Trong nhà thờ này ngoài bàn thờ chính nằm ở giữa, xung quanh có 5 bàn thờ nhỏ hơn. Đó là bàn thờ của 5 người con đã có công lập làng và sau lưng mỗi bàn thờ nhỏ này là cây phả hệ của nhánh ấy. Cây phả hệ ở đây có đến 24 đời. Các tên được viết nhỏ li ti kín hết các bức tường ấy.




Dĩ nhiên là kiểu tham quan của tôi khác người rồi, tôi đi theo hướng ngược với những du khách khác và khi thấy có gì hấp dẫn là tôi dừng lại, nhìn thỏa thích và chụp hình đã, sau đó đi, thấy đoàn khác thì nhập lại. Cuối cùng tôi nhập khoảng 3-4 đoàn gì đó. Một số người bắt chuyện với tôi, tôi nói không hiểu. Họ ah lên ngạc nhiên khi biết tôi là người Việt Nam, lại đi một mình, nghe và đọc chả hiểu tiếng Hoa gì hết. Trong khi nhiều người trong số họ ở tại Shijiazhuang mà lại phải đi theo đoàn. Họ hỏi tôi làm thế nào mà “mò” được đến nơi này, đã vậy còn nghỉ đêm nữa chứ.

Thực sự, cho dù có hiểu tiếng Hoa thì “con người phiêu bạt” trong tôi cũng chẳng thích đi theo đoàn. Cứ phải đi và dừng theo hướng dẫn của người khác thì tôi chẳng chịu nổi. Sau khi tham quan xong hai nơi chính và bắt đầu quen thuộc với khu vực này thì tôi tách đoàn ra và tự đi “lang thang.” Cứ thấy ngôi nhà nào mở cửa là tôi bước vào nhìn ngó. (Lúc đầu chẳng dám đâu nhưng lúc đi theo đoàn thấy thuyết minh viên khuyến khích mọi người vào xem nên tôi nghĩ chắc dân làng cũng quen với cảnh bị nhìn ngó rồi. Tôi còn tranh thủ mua một bịch hồng phơi khô – khoảng 1 kilo ấy- Lý do là tôi thấy bà cụ bán hàng trong một căn nhà cho khách tham quan xem – khách vào xem thì bà bán ngay tại sân nhà mình luôn- ra rả rao hàng và mời mọi người thử nhưng ai cũng làm lơ và bỏ đi hết. Tôi chẳng hiểu bà cụ nói gì nhưng không thể bỏ đi được bởi vì bà cụ rao hàng trông thật tội nghiệp– vậy là lấy tiền mấy lần trốn vé trước ấy ra mua hàng- mà hồng phơi khô của bà cụ ăn cũng ngon ấy chứ mà chả hiểu sao mấy người khác cứ làm lơ – chắc do không có bao bì đẹp bởi vì bà cụ chỉ cho hồng và các loại trái cây phơi khô khác vào bọc nylong và cột lại nên họ chẳng thèm ư? Mà có mắc mỏ gì đâu, chỉ có 10 RMB/kilo. Tôi không hiểu nổi vì sao họ có thể bỏ một đống tiền ra mua tour đi tham quan mà chỉ bỏ 10 RMB ra mua hàng giúp người dân mà lại không dám chứ?)

Tôi cứ lạng qua lạng lại các khu nhà để xem và chụp hình. Nhiều căn nhà ở đây có cùng một kiểu như sau: đầu tiên là cánh cửa (dĩ nhiên là hai bên treo câu đối và trên cửa là các hình chống ma quỷ rồi), sau cánh cửa là tấm bình phong (bình phong ở đây có đủ loại – có loại tráng men với những hình ảnh màu sắc sặc sở, có loại chỉ là bức tường đá, có loại vuông, có loại khuyết vào cong cong hai bên), trên khoảng giữa tấm tường bình phong là một ô nhỏ lõm vào, trong đó là một tượng thờ.



Sau tấm bình phong là một khoảng sân ngập nắng dùng làm nơi phơi đồ và sinh hoạt chung. Các căn phòng nằm xung quanh khoảng sân này. Đây đúng là kiến trúc của nhà Thanh (giống y như trong phim) rồi còn gì.

Thậm chí có căn nhà, các phòng có cửa sổ dán bằng giấy ấy (chỉ cần thấm ướt ngón tay là có thể khoét một lỗ để ngó vào trong rồi.)

Có căn, nhà bếp nằm ngay ở góc phải của sân. Có căn, nhà bếp nằm trong một gian phòng ở bên mé tay phải. Có căn, tấm tường bình phong nằm bên ngoài, trước cổng chính. Có căn, tường bình phong nằm trước (thường trên tường bình phong có dán hoặc vẽ hoặc khắc một chữ giống nhau – tôi đóan là chữ “phúc”) sau đó là một khoảng sân có bàn đá và ghế ngồi ngằm phong cảnh bên dưới, sau đó mới đến cánh cổng chính.

Toalet ở đây cũng bằng đá luôn. Lúc đầu nhìn chả biết đó là toilet, bởi vì nó bằng đá nên trông rất giống một cái hang động, đã vậy bên ngoài còn xây một đống đá chắn ½ lối vào nữa chứ.


Có nhà, toilet nằm trước cửa nhà (nghĩa là nằm trước tấm bình phong) luôn mới ghê chứ. Có nơi toilet nằm bên hông nhà. Có nơi toilet công công nữa, nghĩa là một chum 5-6 cái hang nằm san sát nhau. Tóm lại, làng Đá nên toilet đá nhìn khá ngộ nghĩnh. Tóm lại, khi đến làng này, cứ thấy nơi nào giống cái hang nho nhỏ thì chứ dại mà chui vào thám hiểm nhé bởi vì rất có thể đó là một toilet ấy.

Nhiều nơi ở đây có cho thuê phòng lắm. Tôi vào một căn hỏi giá thì cũng là 30 RMB/ phòng gồm 2 bữa ăn. Căn nhà tôi đang ở không mang nét đặc trưng của thời Thanh lắm bởi vì nó được tráng xi măng và mang nét hiện đại hơn. Lần sau có quay trở lại thì tôi chịu khó đi sâu vào làng một chút là sẽ được ở trong những căn nhà như trong phim rồi. Những căn phòng có cho thuê phòng có tấm bảng ghi trước cửa ấy.
Khi thấy tấm bảng như thế này trước cửa nhà nào đó thì có nghĩa là nơi ấy có thể ở lại được đấy các bạn!!!
Tham quan xong khu làng thì tôi trở lại căn nhà trọ của mình. Chỉ mới 2-3 tiếng lội bộ mà tôi lại thấy thấm mệt rồi, có lẽ là tôi chưa khỏe hẳn. Khi tôi về thì lúc đi tìm chủ nhà để xin bình thủy nước nóng, tôi thấy có một đám người đang ngồi đánh bài và chơi mạt chược ở căn phòng nằm bên phải nhà (phòng tôi nằm bên trái). Tôi ngủ một lúc thì bà chủ vào gọi ra ăn cơm cùng với gia đình bà ta. Thức ăn gồm có trứng chiên với rau, gỏi dưa leo và bông cải xào ớt chuông (loại ớt Đà Lạt ấy). Không có thịt đâu nhưng tôi ăn khá ngon miệng. Thức ăn miền Bắc hạp khẩu vị của tôi hơn, nghĩa là ăn lạt ấy.

Lúc chúng tôi đang ăn thì thấy những người chơi bài xong và ra đưa cho chủ nhà 100 RMB. Cha, kinh doanh kiểu này khá tốt à nghen. Chỉ cho thuê chỗ thôi mà có được 100 RMB rồi. Vậy theo tôi thì chủ nhà tôi không nghèo tí nào, họ có vẻ làm ăn tốt ấy chứ. Ở đây đúng là đặc trưng của Trung Quốc luôn ấy, mọi người có thể ra vào phòng thoải mái. Bà chủ nhà ra vô phòng tôi mà không cần gõ cửa đâu. Lúc thì vào dặn tôi nếu lạnh thì lấy hai cái mềm mà đắp, lúc vào lấy mềm cho cháu, lúc thì châm nước sôi vào bình thủy cho tôi,… Tuy nhiên, chỉ có bà chủ là ra vào thôi. Ở nông thôn Trung Quốc vấn đề nam nữ thọ thọ bất thân vẫn còn được tôn trọng lắm. Chẳng hạn, trên chiếc xe buýt đến làng Yujiacun, khi tôi lên xe thì cô bán vé chỉ tôi ngồi vào ghế cạnh một phụ nữ (lúc đầu tôi định ngồi ghế cạnh một người nam), khi ngồi ăn cơm thì họ để nữ ngồi cạnh tôi, phòng tôi chỉ có bà chủ và con gái bà được phép ra vào,….

Tôi rất thích ngôi làng này, tuy nhiên tiếc một điều là ở đây không thể vào được internet. Nếu không thì tôi có thể ở mấy ngày liền luôn. Nhưng tôi có hẹn vào cuối tuần nói chuyện trên mạng rồi nên không thể ở lâu được. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, những thành phố lớn như thủ phủ của các tỉnh, hầu như chẳng để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc bằng những thành phố nhỏ, đặc biệt là những vùng nông thôn nơi mà bạn có thể ngồi ngắm trăng một cách trọn vẹn mà không bị những tòa nhà che khuất ấy.

Kỳ sau: Tôi đi Trung Quốc (39): Beijing (Bắc Kinh) (1)