ĐÁP:
Nói đến huyệt đạo, luân xa và ân điển là Phật tử chúng ta cảm thấy xa lạ vô cùng. Phật dạy thường xuyên quán chiếu về khổ, tập, diệt, đạo đế, quán nhân duyên sanh, nhân duyên diệt. Các pháp vốn không tự tánh, chỉ là giả danh, duyên hợp huyển có, các pháp vốn như huyển… Hay bàn đến việc tu niệm theo thiền, tịnh, luật, mật… không ai bàn đến huyệt đạo, luân xa đâu quý vị ạ! Trường hợp nếu có bàn là chỉ để tham cứu cho hiểu biết, để dành thời gian niệm Phật, thiền định. Tuy nhiên với trang nầy Sư sẽ nói một ít về ý nghĩa huyệt đạo, luân xa, ân điển cho quý vị được thông suốt.
Nói về huyệt đạo
Đây là một phương pháp trong thuật trường sinh của Đạo gia kèm theo thuật luyện Kim đan. Phương pháp này chỉ khác Thiền và Yoga một chút là trong quá trình luyện công vận khí không đóng huyệt Trường Cường mà chỉ cần cắn chặt răng và đặt lưỡi ấn lên vòm miệng là cũng đả thông được kinh mạch trên vòng Tiểu Chu Thiên.
Tiểu Chu Thiên là đường kinh mạch chạy từ huyệt Nhân Trung (ngay giữa phía dưới sống mũi và thuộc phần bên trên môi trên, nơi mọc râu) xuống huyệt Thừa Tương (dưới ngay vùng lõm giữa cằm và phần môi miệng dưới )chạy thẳng qua huyệt Đản Trung (chấn thủy) ngay giữa chỗ lõm xương lồng ngực xuống bụng dưới rốn 3 phân là huyệt đan điền và thẳng xuống huyệt Trường Cường, kế tiếp vòng lên huyệt Mệnh Môn (chính giữa ngang thắt lưng), sau đó chạy qua huyệt Đại Trùy (chỗ lõm ngay sau gáy) và thẳng lên huyệt Bách Hội (giữa đỉnh đầu), cuối cùng vòng xuống huyệt Ấn Đường (ngay giữa đôi lông mày trước trán) nên phải ngậm chặt hàm răng và để đầu lưỡi ấn lên vòm miệng rồi về Đan Điền. Trong suốt quá trình vận khí và cắn chặt răng ấn lưỡi lên vòm miệng để đóng cửa trên (vòm miệng) và cửa dưới (huyệt Trường Cường) nhằm đả thông kinh mạch vòng Tiểu Chu Thiên v.v... thực hành phép nầy phải vận khí đi vòng tròn từ phía trước thân đến sau thân và ngược lại.
Mỗi người đều có 7 vùng luân xa năng lực; 7 luân xa căn bản và 21 trung tâm nhỏ hơn. 7 vùng luân xa này có chứa năng lượng hào quang khu trú tại nhiều phần khác nhau trên cơ thể, đều có gốc là cột sống lưng, trừ luân xa xương trán ở trên đỉnh đầu (não bộ).
Tuy chúng ta không thấy, nhưng 7 vùng luân xa này là những điện trường cực mạnh và hoàn toàn có thực. Mỗi luân xa tập trung vào một trong số 7 tuyến nội tiết của cơ thể và nhiệm vụ của nó là kích thích sự sản xuất hóc-môn. Chính những hóc-môn này điều hành toàn bộ các chức năng của các cơ quan nội tạng trong người, nên nó mang cả tiến trình cho chúng ta sự sống và cái chết qua các giai đoạn “sinh bệnh lão tử”, vì thế theo thời gian chúng sẽ lão hóa dần đi tương ứng với tuổi thọ con người.
Để được khỏe mạnh, để 7 vùng Luân xa hoạt động tốt chúng ta phải tập luyện. Nếu tập luyện thành công, người đó sẽ dễ dàng nhận thấy được các vùng huyệt Luân xa đang vận hành trong cơ thể con người.
Nói về ân điển
Thực tập hai phương pháp trên, đưa con người đến chổ vắng lặng tiếp nhận điển quang. Lúc bấy giờ con người với khả năng ẩn tàng (tâm linh) nếu tu hành theo pháp môn mà mình đang tu luyện, chứ không riêng gì Môn Trường Sinh Hoc của Đức Sư Tổ Dasira Narada, thì các Luân Xa (Đại huyệt, Chakra) sẽ từ từ được khai mở đễ có thể tiếp nhận được điển quang của Thầy, của Tổ vào cơ thể để “tẩy trược lưu thanh” đẩy trược điển ra, lấy cân bằng âm dương trở lại, cơ thể được khỏe mạnh, trí tuệ quang minh, nếu gìn giữ tâm ý được chân chánh không vướng mắc “danh lợi tình” thì từ từ sẽ được khai mở… để từ từ có thể thông hiểu lý lẽ của sự kỳ bí, mầu nhiệm và huyền vi của vũ trụ !
Việc mở luân xa, thông kinh huyệt chẳng qua làm cho thân bạn khỏe mạnh, sống trường thọ, tiếp nhận ân điển thì cơ thể khỏe mạnh, trí tuệ quang minh, tẩy trược lưu thanh, thông hiểu lý lẽ của sự kỳ bí ngoài vũ trụ bao la bên kia thế giới. Quan điểm của phép tu là thấy được những thế giới thần tiên, vì thần tiên thì gần người thế gian hơn thế giới Phật, dễ tu mau chứng hơn và có đủ lực thần thông biến hóa, tự trị bệnh cho mình và cho người.
Đạo Phật thì không bàn đến việc “thông huyệt”, mở “luân xa” tiếp nhận “ân điển”, Đức Phật chỉ truyền đạt cho chúng ta một pháp tu cơ bản nhẹ nhàng không tối nghĩa: thiền thì “buông thư”, niệm Phật thì “niệm Phật ” là bạn đã sống trong thế giới cứu cánh của Phật rồi, sống trong thế giới Phật là thế giới thanh tịnh, trang nghiêm cực tắc, tạo cho Bạn có đời sống trong thế giới Niết bàn thực tại và ngay bây giờ, không phải nhọc khổ tốn công tìm thế giới thần tiên, rốt rồi cũng chẳng làm được chi cho ra tuồng.
Bạn có người bạn đời hay uống rượu, nát rượu, làm cho gia đình khổ đau lúc nào cũng gây lộn, xào xáo, tiền của tiêu hao, gần đến khánh kiệt vì rượu. Có một thời duyên bạn của Bạn đi chùa và lần lượt tiến đến việc phát tâm quy y Tam bảo, đến khi thọ giới, thì giới thứ năm Phật cấm uống rượu. Khi trở về nhà lần lượt bạn của Bạn bỏ lần, bỏ lần rượu (giữ giới) cho đến khi không còn uống rượu, gia đình trở lại an vui hạnh phúc, tiền uống rượu được để dành gởi vào quỹ tiết kiệm, khi vợ con bệnh dùng số tiền đó lo chữa bệnh cho vợ con. Bạn thấy sao khi bạn của Bạn bỏ rượu?
Câu chuyện, một nhà Sư thời Phật sanh tiền và một đạo sĩ Bà la môn đi du hành bên rặng Hy mã lạp sơn, đi đến một bờ sông lớn:
Vị đạo sĩ tu luyện phép thần thông, khi qua sông, không phải dùng thuyền hay phương tiện nào khác để qua sông, thật tuyệt diệu! Còn nhà Sư thì đi đò qua sông.
Sau khi sang sông, nhà Sư hỏi đạo sĩ:
- Ông tu luyện thần thông như thế nào mà sang sông hay quá?
Đạo sĩ trả lời:
- Tôi tu 40 năm như thế, mới qua được sông to nầy đấy!
Nhà Sư:
- Đạo sĩ tốn 40 năm mới qua được sông, còn tôi chỉ tốn 01 hào cũng qua được sông… (Phật học tinh hoa - Thu Giang Nguyễn Duy Cần)
Tu Phật thì “nhứt thời tỏ ngộ bỏ phàm làm Phật” đạt cứu cánh rốt ráo, tu “vận khí, mở luân xa, tiếp ân điển” phải đi lòng vòng đến cả một kiếp người mới được, nhưng có chắc là đạt hiệu quả không, là việc khác?
Lời khuyên: luyện phép vận khí, mở luân xa là phương tiện trị bệnh nhất thời cho con người và những ai thích sống lâu trường sanh bất lão, tiếp ân điển (tịnh hóa nội tại) tức là tiếp nhận ân điển đấng chơn sư ảnh hiện bên trong con người và tin tưởng lúc nào cũng có lực của ơn trên (chơn sư) gia trì trong tâm niệm của con người… hành giả đến bến chơn tiên vẫn còn luân hồi khi hết quả phước thần tiên.
Đạo Phật không truyền đạt phép tắc thần thông ngoại hộ, mà giúp cho chúng sanh thoát cảnh dục ái luân hồi, khổ đau sân, si, thùy dụ trong thế giới tà bà.
Nếu phép tu có làm cho Bạn yêu đời thì Bạn có quyền thọ phép thực hành. Tuy nhiên, tất cả những phép tu linh thiêng huyền nhiệm nầy thuộc về của ngoại đạo, không phải của Đạo Phật.
(HT.Thích Giác Quang)
NGUỒN: http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=10553#ixzz2vb51BhlW
Bài liên quan: THIỀN NHÂN ĐIỆN KHAI MỞ LUÂN XA có đúng với chánh pháp của Phật hay không? Phật tử có nên theo học không?
Hồi năm mình học cấp 3 thì ông Lương Minh Đáng về Sài Gòn mở các khóa học mở luân xa. Ôi, lúc đó cả gia đình rần rần kéo nhau đi học vui lắm, mà phải đi từ quê lên Sì Gòn để học đấy nhé. Mình cũng được mở 7 luân xa hehehehehehehe. Nhưng sau khi mở luân xa thì mỗi ngày phải ngồi thiền để thu năng lượng vũ trụ vào người. Cái này do mình trải nghiệm đấy nhé! Trước khi thu năng lượng thì hai lòng bàn tay không có gì; sau khi thu năng lượng thì hai lòng bàn tay nóng lên và khi đưa lòng hai bàn tay trước mặt, kéo ra thì có lực hút như nam châm kéo hai lòng bàn tay trở vào. Bây giờ còn giữ quyển sách của thầy Lương Minh Đáng; cả nhà ai cũng có một quyển. Nếu mỗi ngày thu năng lượng đầy đủ thì khi bị bệnh, tự trị luôn, khỏi đi bác sĩ. Tùy mỗi bệnh mà hai bàn tay đặt lên những luân xa khác nhau để khai thông kinh mạch. Cái này có trải nghiệm luôn. Mình hay bị đau cuống bao tử và đau bụng kinh; ô hô, tự thu năng lượng, tự trị ngon lành.
Trả lờiXóaNhưng sau một thời gian, làm biếng quá nên không thu năng lượng mỗi ngày nên luân xa bị bít kín lại (nghe nói vậy) và lòng bàn tay cũng chả còn nóng. Nhưng mẹ mình thực tập thời gian dài hơn nên thỉnh thoảng trị bệnh cho người nhà và người quen; vài lần nói chuyện với hồn ma. Có hồn ma sợ những người có nhân điện lắm bởi vì cơ thể họ nóng nên hồn ma không dám lại gần. Nhưng rồi mẹ mình lần lần cũng bỏ luôn môn này.
Đặc biệt là dì 10 mình có duyên với nhân điện lâu nhất, lấy việc trị bệnh và nói chuyện với oan hồn làm nghề luôn. Thỉnh thoảng mình có chứng kiến cảnh dì 10 nói chuyện với hồn ma nhập vào cha/mẹ họ. Dì 10 cũng hành nghề này mấy năm luôn đó. Nhưng sau đó cũng bỏ dần, rồi bỏ hẳn
May là tất cả những người trong gia đình mình đều bỏ nhân điện và không ai bị ma nhập hay bị điên sau thời gian luyện nhân điện; nghe nói một số người sau vài năm thực tập thì bị điên đến nỗi gia đình phải mang vào bệnh viện điều trị.
Thiền sư Thích Thanh Từ bảo rằng khi chúng ta nhờ ngoại lực hỗ trợ, thì trước sau gì cũng bị nó kéo theo hướng nó muốn mình đi.
Hóa ra, Phật Thích Ca chỉ muốn chúng ta tự quán tâm, tự điều khiển thân tâm thôi, chứ không có mở luân xa, luân xiếc gì đâu.
Để khỏi lầm lẫn ý nghĩa chống đối hay khinh rẻ, chúng ta nên định nghĩa chữ "ngoại đạo" cho rõ ràng. Nhà Phật định nghĩa rất rõ: Ngoài tâm cầu Phật là ngoại đạo. Như thế, dù cho người xuất gia theo Phật mà chỉ một bề hướng ngoại cầu mong cũng gọi là ngoại đạo. Bất cứ một pháp tu nào chỉ trông cậy bên ngoài, tìm kiếm bên ngoài đều gọi là ngoại đạo. Vì chủ trương nhà Phật, người tu phải "minh tâm kiến tánh" mới thành Phật. Tâm tánh đâu phải việc bên ngoài, nếu tìm bên ngoài là trái tông chỉ nhà Phật, nên gọi là ngoại đạo. Chúng tôi liệt kê những lối tu Thiền theo ngoại đạo đang hiện hành ở Việt Nam như: Thiền xuất hồn, Thiền chuyển luân xa, Thiền chuyển tinh hóa khí chuyển khí hóa thần, Thiền thai tức, Thiền điện thiêng liêng, Thiền Du-già…
Trả lờiXóaNhững lối tu Thiền này không ngoài hai tiêu chuẩn: Mầu nhiệm và sống lâu. Mầu nhiệm thuộc huyền bí, hấp dẫn những người hiếu kỳ. Sống lâu thuộc thân thể khỏe mạnh hấp dẫn những người thích sống dai. Hai tiêu chuẩn ấy trái hẳn với đạo Phật. Đạo Phật chủ trương tu để mở mang trí tuệ thấy được chân lý, không cần sự mầu nhiệm. Có trí tuệ liền thấy tất cả giả tướng ở thế gian đều là vô thường, dù cố dụng công bảo vệ duy trì mấy, rốt cuộc cũng hoại diệt. Cái giả mà cố giữ không phải si mê là gì? Thiền tông thấy tất cả pháp duyên hợp hư giả, thể nó là không, nhận ra chân tánh bất sanh bất diệt, nên trái hẳn các pháp thiền ngoại đạo.
HT. Thích Thanh Từ