Duyên
có nghĩa là quan hệ. Xây dựng mối quan hệ là gieo duyên. Hai bên từng có mối
quan hệ qua lại gọi là hữu duyên (có duyên với nhau). Có mối quan hệ lợi ích
cho nhau, gọi là thiện duyên (duyên lành). Mối quan hệ không dính đến dục vọng
cá nhân, gọi là tịnh duyên (duyên thanh tịnh). Gầy dựng nhiều thiện duyên và
tịnh duyên gọi là rộng gieo duyên lành.
Do
đó có người sau khi tin Phật học Phật, nghe đâu có chùa cũng đi, gặp ai cũng
gieo duyên lành. Họ mệt nhọc vì bôn ba khắp nơi, họ bận rộn vì tiếp đãi qua lại.
Đó là sự hộ Pháp, hoằng Pháp thiếu tính nguyên tắc. Họ bỏ công bỏ của như vậy,
song không có phương pháp tự tu, không y chỉ bậc thầy cố định. Ngoài mặt, họ
quả thật gieo rất nhiều duyên lành, song trên thực tế, họ không giúp được điều
gì có hiệu quả, có chiều sâu cho mình, cho người và cho chùa. Tuy chúng ta có
thể thấy họ đi khắp nơi, song chưa chắc nơi nào cũng cần đến họ. Tuy nhiều
người có thể tiếp xúc với họ, song lại rất ít người thực sự được họ giúp đỡ đắc
lực.
Cách
gieo duyên lành này, giống như bố thí chén cơm cho một người, có thể tạm cho
người đó đỡ dạ; dùng một bao gạo cho một người, có thể giúp họ sống trong nửa
năm. Trái lại, nếu dùng một chén cơm bố thí cho một trăm người sắp chết đói,
kết quả chẳng cứu sống một ai cả. Song cũng một chén cơm đó, nếu bố thí cho một
người, thì ít ra cũng cứu cho họ sống thêm một ngày. Cùng đạo lý này, nếu dùng
một đấu gạo bố thí cho một vạn người sắp chết đói, thì tuy rộng gieo được duyên
lành, song kết quả chẳng cứu được một người nào.
Cho
nên rộng gieo duyên lành phải có nguyên tắc, tùy sức mà làm. Nếu có khả năng
cứu giúp toàn thế giới mà không lo thiếu thốn, thì nên bình đẳng bố thí không
hạn chế, không phân biệt, đến mọi nơi mọi nhà, chu đáo trọn vẹn. Còn như sức
mình có hạn thì tập trung lại, chon lựa đối tượng cần kíp cứu giúp hay hộ trì.
Ví dụ như ưu tiên cho những người tương đối quen biết, gần gũi, có mối quan hệ
sâu xa với mình, như người nhà, người thân, sư trưởng, bạn bè .v.v… Nếu không,
không biết liệu sức đi gieo duyên lành khắp nơi, thì không thực tế chút nào.
Đứng
về mặt Tam Bảo nói, rộng gieo duyên lành là không phân biệt, bình đẳng bố thí.
Đây chính là dùng Phật Pháp giáo hóa chúng sanh, không phân biệt thân phận giàu
nghèo, trình độ cao thấp địa vị sang hèn, trí năng sâu cạn, chỉ cần có cầu tất
ứng. Do đó Tam Bảo nhận tất cả sự cúng dường mà không có tâm phân biệt. Bất cứ
ai chỉ cần phát tâm cúng dường, không luận số lượng nhiều ít, phẩm loại thế nào
đều đem tâm từ bi, tâm hoan hỷ tiếp nhận. Các đệ tử xuất gia thời Phật còn tại
thế đã thực hiện như vậy. Các vị ấy mỗi ngày mang bình bát đi khất thực từng
nhà một, không phân biệt giàu nghèo, cũng không chọn lựa thức ăn nhiều ít, phẩm
loại ngon dở, có món gì nhận món đó, có bao nhiêu nhận bấy nhiêu, cho đến khi
đầy bát hay đủ dùng mà thôi. Đây chính là đem tâm bình đẳng rộng gieo duyên
lành:
Một
bát cơm ngàn nhà,
Độ
người hữu duyên với ta.
Bố
thí cho người khác đương nhiên là gieo duyên lành, song nhận sự bố thí cũng là
gieo duyên lành.
Do
vì người ta nói chung tài lực, vật lực, thể lực, trí lực và thời gian đều có
hạn, cho nên nếu rộng gieo duyên lành một cách mù quáng, vô nguyên tắc thì
không những không có hiệu quả, mà còn rước lấy sự phiền toái vô vị. Có khi mình
tuy đã dốc hết sức lực, thậm chí ảnh hưởng đến sinh kế gia đình, sức khỏe tự
thân, song trái lại còn bị người ta nghi ngờ, chịu nhiều sự bực dọc. Kết quả ấy
có thể khiến vị ấy đánh mất đi lòng tin và thoái thất đạo tâm của mình. Đức Thế
Tôn từng dạy đệ tử trong Kinh Di Giáo: “Tỳ Kheo đi khất thực giáo hóa trong
nhân gian, hãy như con ong lấy mật hoa, không làm thương tổn đến sắc và hương
của nó”.
Do
đó, nếu cư sĩ không liệu sức mình rộng gieo duyên lành, thì Tam Bảo tuy không
có ý tổn hại họ, song họ lại có thể vì Tam Bảo mà chịu tổn hại. Như vậy là cầu
siêu thoát mà lại đọa lạc, há chẳng phải ngu si lắm sao? Do đó hộ trì Tam Bảo
phải có chủ đích, có trọng điểm, có nguyên tắc. Nên cứu tế những người nghèo
khổ bệnh tật, song cũng nên phân định rõ việc nào là nặng nhẹ, gấp hoãn; chỗ
nào là xa gần, thân sơ. Không nên thiếu thực tế, một mực bảo phải bình đẳng thí
cho tất cả.
Thực
ra, hộ trì và bố thí mang tính nguyên tắc và trọng điểm cũng là một trong những
phương thức rộng gieo duyên lành. Ví dụ như thành tựu được một người thành
Phật, Phật có thể rộng độ được tất cả chúng sanh. Như vậy quí vị cũng gián tiếp
cùng tất cả chúng sanh rộng gieo duyên lành. Cho nên Kinh Tứ Thập Nhị Chương
nói: “Cho một trăm người phàm phu ăn, không bằng cho một người lành ăn; cho
ngàn người lành ăn, không bằng cho một người trì ngũ giới ăn; cho một vạn người
trì ngũ giới ăn, không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn… cư thế loại suy, cho đến
co một người đại giải thoát đạt đến trình độ vô tu vô chứng ăn, thì công đức
càng lớn hơn nhiều”.
Cúng
dường, bố thí và hộ trì Tam Bảo có hai trọng điểm cần nên phát tâm:
1.
Hộ trì vị thầy có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Phật Giáo ở hiện tại và tương
lai, cũng như sự nghiệp của vị đó. Đó chính là rộng gieo duyên lành.
2.
Hộ trì vị thầy mà mình tôn kính, cũng như sự nghiệp của vị ấy. Tuy vị ấy không
có tiếng tăm, song có chỗ đáng cho mình tôn kính và sẵn lòng hộ trì, thì đủ để
chứng minh vị đó có khả năng cảm hóa người khác. Đó cũng gọi là rộng gieo duyên
lành.
Từ
hai điểm trên có thể biết, tán trợ và hộ trì cho những nhân vật Phật Giáo nổi
tiếng và sự nghiệp của họ, chưa chắc là việc thêm hoa trên gấm, giúp thêm người
dư thừa. Và bố thí cúng dường cho những nhân vật Phật Giáo không có tiếng tăm,
sự nghiệp, cũng không nên có tâm niệm biếu than mùa tuyết lạnh, thương hại
người lúc khó khăn. Điều quan trọng nhất của việc cúng dường là hiểu rõ được
trọng điểm, liệu sức mình mà làm.
Pháp
Sư Thích Thánh Nghiêm
Thích
Minh Quang dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét