Đúng là chuyện này vui ghê luôn!
Tôi ở ngoài chửi bới người ta quá trời, vậy mà hổng có bị đổ
máu.
Vào trường thiền chỉ ngồi thiền thôi mà bị đổ máu.
Chuyện là vầy:
Tôi tham dự khóa thiền quán cảm thọ ở trung tâm thiền Goenka,
khóa thiền 10 ngày, trong 10 ngày không được nói chuyện kể cả nói bằng ánh mắt
hay nụ cười.
4h sáng phải dậy và 9h tối mới được đi ngủ.
Nhờ tham dự khóa thiền quán cảm thọ mà tôi phát hiện ra mình
sân hận ngút trời. Trước đó ai nói cũng hổng có tin, toàn là tưởng mình đang
giúp người ta, toàn là tưởng mình là người thẳng tánh như ruột ngựa, toàn là
tưởng mình là người có sao nói vậy, toàn là tưởng mình chửi là chửi vậy thôi
chứ làm gì có chuyện sân hận, chửi mà hổng có ghim thì lấy gì mà sân lấy gì mà
hận, toàn là tưởng mình nói ra sự thật cho nên ai đó bị nhột mới chửi lại mình,
toàn là tưởng mình từ bi bác ái nên mới nói như vậy với người khác,…………….
Những cái toàn là tưởng này cũng chỉ là toàn mà tưởng nếu tôi
không may mắn tham gia vào khóa thiền quán cảm thọ. Trong toàn khóa thiền hầu
như chẳng có thiền sinh nào giống như tôi cả. Mà cũng có thể tôi là trường hợp
mà giáo viên trợ giảng mới gặp lần đầu nên thành ra cũng lúng túng, hổng biết
sao mà lần.
Không ai giống tôi ở chỗ này. Trước khi khóa thiền bắt đầu
tôi là người cực mạnh khỏe. Ngày đầu tiên vào thiền đường, vài người húng hắng
ho, rồi sổ mũi ì xèo. Tôi tỉnh bơ, hổng có bị gì cả. Trước khi đến khóa thiền
tôi tham dự một khóa yoga và tập yoga hằng ngày nên khỏe như trâu, cho nên ai
bệnh thì bệnh, tôi tỉnh rùi rụi luôn.
Vậy mà qua đến ngày thứ 3 thì tôi lại đổ bệnh, mà khi bệnh
rồi thì bệnh còn kinh khủng hơn người khác. Tôi bị ho, tôi bị sổ mũi, tôi bị
nóng trong người, dù khi ấy là mùa đông. Tôi than phiền với giáo viên trợ giảng
rằng: Trước khi đến đây tôi khỏe như trâu mà giờ bị bệnh thì chắc chắn là mấy
thiền sinh khác lây bệnh cho tôi rồi. Giáo viên trợ giảng lại nói: Hổng phải
vậy đâu. Ngồi thiền mà bệnh là dấu hiệu rất tốt, chứng tỏ là con đang đi đúng
đường đấy. Tập khí bắt đầu xổ ra ngoài qua con đường bệnh đấy. Đừng có bỏ cuộc
(bởi vì tôi bắt đầu khởi ý bỏ ra ngoài cho rồi, ở lại lây bệnh thì ở làm gì)
Nghe được khen là đang đi đúng hướng nên khoái, ở lại thiền
tiếp .Không ngờ bệnh ngày càng nặng, đặc biệt là bệnh ho. Cơn ho không dằn được, ho khản tiếng bể phổi.
Cứ vào thiền đường là ho, ho ghê gớm, ho dữ dội, ho thành từng tràng, y như mấy
người bị ho lao. Tối không ngủ được vì bận ho. Vậy mà giáo viên trợ giảng và
các thiền sinh khác không ai nói gì (vì bị cấm nói thì lấy gì mà nói) cũng
không ai tỏ thái độ gì (có được phép nhìn thẳng vào mặt ai đâu nên dù họ có tỏ
thái độ cũng chả biết luôn.)
Từng ngày trôi qua, tôi khổ sở với những cơn ho. Rồi tôi phải
bỏ luôn uống trà và ăn nhẹ vào buổi chiều (thiền sinh mới thì mới được ăn nhẹ
chiều còn thiền sinh cũ thì chỉ ăn sáng và ăn trưa thôi), vì tôi nghĩ mấy cái
này làm cơ thể tôi bị nóng nên ho. Vậy mà vẫn cứ ho khằn khặc miết. Cơ thể nóng
phừng phừng, nóng đổ lửa, dù khi ấy là mùa đông. Tôi ngồi thiền không cần quấn
mền, quấn áo ấm gì cả, cứ vậy mà ngồi, vậy mà vẫn nóng. Mỗi khi tôi nhắm mắt
lại thì toàn là cảm giác đang ngồi ngoài trời trên bãi biển vào 12h trưa và mặt
trời đang chói chang ngay trước mặt.
Dù loại bỏ hết những món mà tôi nghi khiến cơ thể tôi bị
nóng, mỗi ngày đề nghị nhà bếp cung cấp cho tôi hai trái chanh tươi để tôi vắt
nước uống để loại bỏ cơn nóng đang phừng phừng trong người. Nghĩa là vắt chanh
vào thẳng nước mà uống cho dịu cơ thể lại chứ hổng có thêm đường đâu nha. Vậy
mà cơ thể tôi vẫn nóng. Rồi một ngày, sau khi đi được khoảng 2/3 hành trình thì
tôi phát hiện tôi bị đổ máu cam. Máu chảy ra từ mũi. Tôi lạ lẫm vô cùng bởi vì
theo trí nhớ của tôi thì chắc phải hơn chục năm rồi tôi mới thấy mình bị chảy
máu cam đấy. Chỉ lúc còn bé tí mới bị thôi. Vậy mà tôi chảy máu tè le ở trường
thiền mới ghê chớ!
Ho, cơ thể phừng phừng, chảy máu cam le lét, vẫn chưa hết
chuyện đâu nha.
Trong một buổi tối tôi ngủ và mơ một giấc mơ vô cùng kinh dị,
một giấc mơ mà khi thức dậy tôi cứ nhớ mãi, tim đập thình thịch, tay chân run
rẩy, đổ mồ hôi hột. Đó là trong giấc mơ tôi thấy mình bị một con ma nơ canh
(loại mà mấy cửa hàng thời trang hay dùng để mặc quần áo mẫu) và tôi biết tên
con ma no canh này luôn. Nó tên là Sân Hận. Nó đi theo sau lưng tôi khiến tôi
thất kinh hồn vía, bỏ chạy thục mạng, nhưng nó bám chặt sau lưng, tôi chạy đi
đâu nó theo đến đó. Tôi thấy mình băng qua đủ mọi địa hình, từ đồng cỏ, đến
rừng núi mà nó vẫn bám theo sau lưng như một bóng ma kinh dị. Tôi càng bị rượt
thì càng hoảng loạn, chạy miết chạy miết, rất rất rất là mệt. Rồi tôi chạy vào một
khu rừng nọ có một cây cổ thụ với những cái cành to thiệt to. Tôi không thấy
con ma nơ canh chạy sau lưng nên chạy chậm lại và thở hổn hển thì từ trên nhánh
cây to, một con ma nơ canh khác rớt cái bịch trước mặt tôi và bắt đầu rượt tôi
chạy. Tôi biết luôn tên con ma nơ canh này. Nó tên là Yêu Thích. Nó cũng khiến
tôi sợ vô cùng nhưng nỗi sợ nhẹ hơn rất rất rất nhiều so với nỗi sợ do con ma
nơ canh Sân Hận đem lại. Khi con ma nơ canh Yêu Thích rớt xuống thì con Sân Hận
xuất hiện từ đằng xa. Vậy là tôi bị hai con ma nơ canh rượt theo sau lưng. Lúc
ấy tôi chợt tỉnh giấc và mừng rỡ vô cùng vì đó chỉ là một giấc mộng, một giấc
mộng đầy ma mị và vô cùng ám ảnh.
Nhưng từ đó tôi giải mã được tất cả cơn bệnh mà tôi trải qua
trong trường thiền luôn. Sự sân hận trong tôi quá lớn, nên khi thiền quán cảm thọ
thì nó có cơ hội bộc lộ ra ngoài qua bệnh tật và ác mộng. Và tôi cũng biết rằng
rào cản lớn nhất của tôi chính là sự Sân Hận ngút trời này mà trước đó tôi
không hề biết, toàn là tìm lý do khỏa lấp cho nó không hà.
Đúng là đáng sợ thật!
Cho nên nếu ai thấy mình hổng có sân gì cả mà hay chửi bới
người khác thì cứ tham gia thiền quán cảm thọ đi, nó sẽ được bộc lộ ra ngoài
hết luôn đó. Không ngờ là nó bộc lộ qua việc tôi chảy máu cam tè le nữa mới ghê
chớ!
Tôi còn nhớ khi tôi nóng bức quá nên đề nghị giáo viên cho mở
quạt máy trong phòng thiền. Giáo viên bảo: Bây giờ là mùa đông, cái nóng ấy đến
từ bên trong, không phải từ ngoại cảnh, cho nên hãy quán sát nó. Nhờ vậy mà tôi
quán sát được sự sân hận ngút trời của mình. Cho nên tôi đã biết ơn vị trợ
giảng này vô cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét