CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Trở lại Lào (6): Đạp xe từ Luang Prabang đến B. Kumkiewya, Muong Xiangngeun (Xã Kumkiewya, huyện Xiengngeun, quận Luang Prabang)

 Kỳ trước: Trở lại Lào (5): Luang Prabang (di sản văn hóa thế giới)

Từ Luang Prabang đến Vang Vieng là hơn 200 cây số đường đèo dốc nên tôi chia thành từng đoạn ngắn, tùy theo những sự kiện mà tôi trải nghiệm.

Từ Luang Prabang, tôi vừa đạp xe vừa hỏi thăm đường đi Vang Vieng hoặc Vientiane, đó cũng là đường ra bến xe phía nam luôn. Khu vực xung quanh bến xe phía Nam, người Việt ở khá đông; khu này cũng nhộn nhịp nhà hàng nhà trọ. Tôi ghé vào quán Hải Phở Việt, bảng hiệu giá tiền ghi bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Lào, giá 10 ngàn kíp/tô. Tôi bước vào nói tiếng Việt và gọi một tô không bột nêm. Chị chủ quán, quê Hải Phòng bảo quán của chị không sử dụng bột nêm; khách muốn ăn thì tự cho vào từ hũ bột nêm để sẳn trên bàn. Con trai của chị bảo dân Lào ăn bột nêm kinh lắm. Vậy là tôi được thưởng thức một tô phở đúng chất Việt với giá 10 ngàn kíp.

Chị Chủ quán

Nếu đến Luang Prabang thì các bạn nhớ ghé mà ủng hộ người Việt; nơi này rất gần cây xăng Petrol Vietnam, trên đường ra bến xe phía Nam! Cũng gần đấy tôi còn thấy Khách sạn Hoa Ban của Việt Nam nữa ấy!

Ngoài ra các quán ăn khác của Việt Nam cũng dầy đặc ở khu vực gần bến xe phía Nam.

Từ Luang Prabang đến thị trấn Xiengngeun khoảng 20 cây số đường lên xuống dốc nhẹ nên tôi đạp xe. Bắt đầu từ Xiengngeun thì đường toàn là lên dốc. Tôi đẩy xe đi giữa tiếng chim hót và khung cảnh thiên nhiên.

Cứ ở Lào thấy ai ra đường mà nón khẩu trang trùm kín mít hoặc chở hàng đùm đề sau xe thì rất có thể ấy là một người Việt. Trong lúc đẩy xe, tôi gặp rất nhiều xe gắn máy chạy qua lại như thế; mặc dù khi thấy tôi, họ từ từ lại để nhìn, tôi cũng không bắt chuyện (đang thở ra khói thì còn sức đâu mà mở miệng chứ.)
Một sân trường

Đẩy lên những con dốc thẳng đứng, tôi đến một nơi ngắm cảnh dành cho du khách. Lúc ấy một chiếc xe buýt nhỏ chở khoảng 20 du khách da trắng chuẩn bị chạy nhưng một số du khách vẫn nán lại để chụp hình và bắt chuyện với tôi. Vẫn là những câu hỏi như: người nước nào, đạp xe từ đâu, đi đâu,… Họ nói: “You are famous now.” Thương nhất là những ông bà cụ du khách nhìn tôi với một vẻ đầy thương hại hay xót xa gì đó. Họ vừa ngồi xe buýt qua những đoạn đường hiểm trở từ Vang Vieng về Luang Prabang nên họ hình dung được sự khó nhọc mà tôi đã và sẽ đối mặt khi đạp xe qua những đoạn đường nầy. Những du khách trẻ hơn, đặc biệt là nam giới, thì “tẽn tò” bởi vì họ không “có gan” làm cái mà tôi đang làm. Biết đâu năm sau họ bắt chước tôi các bạn nhỉ? Ở các nơi mà tôi đạp xe qua thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái nhìn sững sờ của vài du khách da trắng, đặc biệt là những người lớn tuổi, nhưng riết rồi tôi cũng quen với những cái nhìn sững sờ ấy. Tại sao họ sững sờ? Theo tôi đoán là thứ nhất tôi là phụ nữ mà đạp xe đi một mình. Thứ hai là tôi đạp một chiếc school bike với hành lý cồng kềnh như thế.

Tôi vào quán ngồi nghỉ mệt. Anh chủ quán cứ bảo tôi ở lại giăng lều lên mà ngủ. Tôi chia tay đi tiếp 5 cây số nữa để vào các bản làng. Khi gần đến bản đầu tiên, có một thằng bé Lào đi theo tôi đẩy xe phụ nhưng hình như nó muốn tò tọc vào các ba lô của tôi để thấy thứ gì lấy được thì lấy thì phải. May là tôi cột tất cả mọi thứ lại và ba lô thì cho bao ny lông to, cột lại và quấn quanh bằng dây. Tiền thì tôi để túi áo trước, chả bao giờ giắt túi quần sau. Tôi lấy cớ ngồi xuống nghỉ mệt để tách thằng bé này ra. Nó chờ hoài thấy tôi chả nhúc nhích nên đành bỏ đi.

Tôi một mình đẩy xe thì một anh chàng đi gắn máy có gắn một cái đồ kéo để chở nệm vào buôn bán hàng chạy xe ngược chiều và dừng trước mặt tôi. Anh ta bắt chuyện. Đó là một người Nghệ An sang Lào bán nệm và chén đũa. Anh ta bảo một ngày bán có thể kiếm được 5-6 triệu đồng; lời phân nửa. Dân Lào mua sắm còn ghê hơn dân Việt Nam bởi họ cứ có tiền là xài, không hề để dành cho con cháu hay phòng bất trắc (Hèn chi có quá trời người sang bán hàng cho họ!)

Anh ta thuê nhà dưới con dốc ở gần đấy, rẻ hơn ở Luang Prabang một tí và cũng chỉ ở Lào 30 ngày, sau đó về Việt Nam lấy hàng. Anh ta rủ tôi về nhà anh ta ngủ. Phải leo xuống con dốc đó rồi hôm sau lại leo lên ư? Tôi từ chối. Anh ta cho tôi một danh thiếp và nói nếu có rắc rối gì với công an thì gọi điện cho anh ta (chắc anh ta nghĩ tôi sang Lào bán thân rồi!) Anh ta bảo thấy tôi một mình cu ki qua Lào “bán hàng” thấy mà thương (hihihi) nên tình nguyện giúp đỡ.

Chia tay anh ta, tôi đẩy xe một hồi thì thấy một các thùng rác kiểu Lào buồn cười quá nên dừng chân chụp hình thì nghe thấy tiếng của Andrien sau lưng: “Come on, continue!” Thì ra cuối cùng xe đạp của anh ta cũng được sửa xong. Anh ta nói anh ta khởi hành lúc khoảng 1h trưa. Chúng tôi chia tay nhau sau khi tôi dặn anh ta nếu trời tối thì ghé bản nào đấy xin ngủ ké và hôm sau mua thức ăn tặng lại cho họ.

Tôi hết đẩy xe lên dốc, lại ngồi xe xuống dốc, sau đó lại lên dốc. Có một thằng “điên” đi xe máy dừng trước tôi, hỏi: “Pây xây?” (Đi Đâu?) Tôi nói: Pây Vang Vieng. Hắn cười hahahaha và nói gì đó ý là còn lâu mới đi được với chiếc xe đạp này.

Trời tối hẳn, tôi dừng chân ở một buôn làng và ra dấu hỏi chỗ ngủ, họ bảo không có. Thì ra là làng của thằng điên đi xe máy kia; hắn lại cười hahahaha, chỉ trỏ vào chiếc xe đạp của tôi và nói gì đó với mấy người Lào xung quanh. Mẹ cha nó! Trên đời có hạng người không tin vào những gì mà họ không làm được hay không thấy bởi vì nếu họ không làm được thì không ai làm được cả cho dù người khác có đã và đang làm thì họ vẫn xem đó là điều không thật. Các bạn có bao giờ gặp hạng người này chưa vậy? Thật buồn cười bởi vì nếu chúng ta chỉ là một hạt cát thì làm sao hình dung được là sa mạc hay đại dương rộng lớn đến mức nào? Vì thế chúng ta chỉ còn cách là lắc đầu cho rằng làm gì có cái gì rộng lớn đến thế. Những hạt cát khá hơn một tí (hiểu biết hơn một tí) thì lại cư xử như sau: nếu đó là cát sa mạc thì luôn phủ nhận đại dương, còn nếu đó là cát đại dương thì phủ nhận sa mạc. Lý do: nếu nó ở sa mạc thì nó chưa bao giờ thấy đại dương nên chả tin; nếu nó ở đại dương thì nó chưa bao giờ thấy sa mạc nên cũng chả tin. Các bạn đừng cư xử như những hạt cát đó nhé. Nếu có nghe ai đó nói đến một điều gì ngoài tầm hiểu biết của mình thì ĐỪNG nói rằng: LÀM GÌ CÓ CHUYỆN ĐÓ? Mà hãy nói: TÔI CHƯA BIẾT.

Mọi người xúm lại cười cợt tôi; may là có một phụ nữ trẻ đang địu con ra dấu bảo tôi đi theo. Thì ra chị ta giúp tôi tìm nơi ngủ nhờ. Đầu tiên chị ta dắt tôi vào một nhà, nơi này nói gì đó đại ý là từ chối, sau đó vào nhà thứ hai, họ đòi tiền. Lúc ấy một cậu bé 17-18 tuổi cầm trên tay quyển sách tiếng Anh (sau này tôi mới biết đó là con trai của chủ nhà thứ nhất) hướng dẫn tôi qua một tiệm tạp hóa (sau này tôi mới biết là em gái của chủ nhà thứ nhất.)

Chị chủ tiệm tạp hóa mới có 40 tuổi thôi mà có cháu nội ngoại rồi. Anh chồng thì biết một ít tiếng Việt; anh ta bảo con đường quốc lộ 13 của Lào trước đây là do công nhân Việt Nam sang xây dựng (nghe mà tự hào đôi chút!) nên anh ta nói được ít tiếng Việt.

Khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì một người đàn ông tóc bạc bước vào nói tiếng Việt (thì ra ông ta là chủ nhà thứ nhất) Ông ta bảo một anh chàng người Pháp đang ở nhà ông ta (chắc đó là lý do ông ta từ chối tôi lúc đầu chăng?) Tôi nghĩ ngay đó là Andrien nên nhờ ông ta dắt trở lại để gặp anh chàng này. Thì ra xe của Andrien lại hỏng nên anh chàng đành quay lại làng này nhờ giúp đỡ và được mời ở lại luôn.

Ông chủ nhà trước đây là bộ đội, năm 1979 có sang Vũng tàu học về liên lạc nên ông ta nói tiếng Việt giọng miền Nam. Ông ta bảo từng có đến 6-7 cô người yêu Việt Nam nhưng người Lào không được phép kết hôn với người Việt (!!!) nên ông ta đành ngậm ngùi về Lào lấy vợ. Ông ta bảo người Việt sang Lào thì được lấy vợ Lào nhưng người Lào sang Việt thì không được. Ông ta nhớ rõ cả địa chỉ của cô người yêu ở Sài Gòn. Ông ta nói đã không nói tiếng Việt 30 năm rồi (vậy mà nói vẫn khá rành).

Tối hôm ấy có bóng đá nữ Việt gặp Lào. Việt Nam ăn 4 quả (vào 2 quả ngay từ phút đầu tiên). Trước đó Lào đá với Indonesia ăn 11 quả. Andrea thì luôn miệng bảo đây không phải là loại bóng đá mà anh ta từng biết. Khi nghe tôi bảo bóng đá nữ Việt khá mạnh (ông chủ nhà bảo đứng hàng thứ 7 của Châu Á kia mà) thì Andrea nói anh ta không ngạc nhiên bởi ở Việt Nam, phụ nữ làm hết mọi việc nặng và anh ta nói đùa rằng họ có thể thắng cả đội bóng của Pháp cơ đấy (thời gian gần đây đội Pháp khá tệ!)

Sau khi ăn cơm thì Andrea cứ rề rà theo chị chủ để đòi rửa chén bởi vì theo lời anh ta, ở Pháp, ăn tối xong, phụ nữ ngồi xem tivi còn đàn ông thì rửa bát (nghe mà muốn lấy chồng Pháp ghê!). Cả gia đình cười và nhường cho anh ta nhiệm vụ rửa bát.

Sau Châu Á, Andrea dự định sẽ đi Châu Mỹ. Anh ta bảo nếu tôi sang Pháp, đến Pari, anh ta sẽ đón tiếp tôi và sẽ hướng dẫn tôi về thành phố Pari. Thật buồn cười, tôi và anh ta chia tay nhau để mạnh ai nấy đi đến bốn lần, cứ gặp lại miết do chiếc xe đạp của anh ta cứ hay bị hỏng. Lần thứ nhất khi anh ta dự định đi Vang Viêng trước tôi một ngày. Lần thứ hai tôi chia tay anh ta để đi trước, khi xe anh ta còn nằm ngoài tiệm. Lần thứ ba chúng tôi gặp nhau trên đường. Lần thứ tư là tại ngôi làng này. Tuy nhiên chúng tôi biết sẽ gặp lại trên đường bởi tôi thì đẩy còn anh ta đạp xe nên sẽ đuổi kịp tôi.

Andrea cũng giống như tôi, chỉ thích đi một mình, không thích đi chung ai cả. Anh ta mua chiếc xe đạp leo núi hay bị hỏng này ở Việt Nam với giá 2 triệu. Và cứ hai ba ngày thì chiếc xe lại hư một lần; trong khi chiếc Giant của tôi là hàng second hand, vậy mà tôi chưa gặp phiền phức gì với nó cả. Tóm lại, mua hàng hiệu dù là hàng second hand vẫn tốt hơn là hàng không tiếng tăm à?

Tôi quay về ngôi nhà có tiệm tạp hóa ngủ một giấc thật ấm áp và thật ngon. Sáng hôm sau, tôi mua ủng hộ chị chủ nhà 2 hũ mắm ruốc (3 ngàn kíp/hũ), một dây dầu xả (500 kíp/gói), hai quả dưa (1 ngàn kíp/quả, chả biết là dưa gì nữa), tất cả khoảng 12.000 kíp. Andrea nghe lời tôi nói tối hôm qua nên mua 1 chục quả trứng gà tặng cho gia đình mà anh ta ở nhờ. Anh ta phải đi nhờ xe máy của cậu bé học trò, con anh chủ nhà, mang bánh xe sau về Xiengngeun để tìm đồ thay thế.

Tôi chia tay mọi người để lên đường. Tôi tặng anh chủ nhà thứ nhất một hộp bút chì màu cho hai đứa ngoại 3 tuổi vẽ vời (bọn chúng rất thích tô vẽ nên cực khoái khi nhìn thấy hộp bút màu mà tôi mua ở Trung Quốc giá 2 tệ.) Tôi được tặng một bịch cơm nếp và một quả trứng gà luộc mang theo ăn đường sau khi từ chối ăn cơm sáng cùng họ do sợ nấn ná thì trời nắng.

Tôi để lại địa chỉ nhà ở Sài Gòn và mời anh chủ nhà khi nào đi Sài Gòn thì ghé nhà tôi ở. Hai dân tộc dạy tôi nhiều nhất về lòng hiếu khách là Mông cổ và Lào. Tôi thật sự “ngộ” ý nghĩa của nó từ họ. Điều đó không có nghĩa là người Việt Nam không hiếu khách các bạn nhé. Khi tôi còn nhỏ, tôi thấy mẹ tôi hay bảo tôi dọn cơm hay dọn giường cho một người nào đó mà tôi không biết, ăn hay ngủ, tôi cảm thấy hơi “phiền” một tí nhưng bây giờ thì tôi mới hiểu ra đó là sự hiếu khách. Tiếc là khi tôi ở Việt Nam, tôi không đủ “lớn” để cảm nhận sâu sắc điều này.

Kỳ sau: Trở lại Lào (7): Đạp xe từ B. Kumkiewya đến Muong Phou Khan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét