CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Trở lại Lào (4): Đạp xe từ Pakmong đến LuangPrabang

 Kỳ trước: Trở lại Lào (3): Đạp xe từ Moxay đến Pakmong

Từ Pakmong, tôi đạp xe ngang qua các buôn làng. Tôi ghé vào một căn nhà với vài quả chuối và đu đủ trên sạp và có hai ba đứa con nít đang đứng để hỏi mua. Bọn chúng nói đu đủ 2.000 kíp/quả, chuối già 1.000 kíp/chùm. Tôi cảm ơn và định quay xe ra thì bọn chúng chỉ vào đu đủ và nói giá 1.000 kíp. Tôi chỉ quả nhỏ hơn thì chúng nói 500 kip. Sau đó tôi mua chuối giá 500 kíp/chùm. Tóm lại tôi trả 3.000 kíp cho hai quả đu đủ và khoảng 1 nải chuối.

Tôi đạp xe về phía trước thì đến thị trấn Namthua-nơi này khá lớn có cả máy rút tiền ATM của Lao Development Bank nữa nhưng tôi không thấy dấu hiệu sử dụng thẻ quốc tế (may là tôi không thiếu tiền kíp.) Ngay trên đường chính là một cái chợ. Tôi đẩy xe vào nhìn họ và họ nhìn tôi. Tôi mua một bó 4 khúc mía giá 1.000 tệ. Ở đây xôi gói trong lá chuối, gói nhỏ, ăn với dừa nạo mà họ bán 2.000 tệ (khoảng 6 ngàn đồng) - giá này là mắc hay rẻ vậy các bạn?

Tôi ra khỏi chợ đạp xe đi ngang qua vài nhà trọ, tôi đi thẳng, xuống dốc, ghé vào quán ven đường ăn một tô chợp bun giá 3.000 tệ. Đều là chợp bun nhưng ở đây nước lèo khác với nơi tôi ăn trước kia. Tôi ăn xong trả tiền thì một chị (tôi đoán là con gái của mẹ bán hàng) đem ra chỉ tôi cách ăn một món trông như hạt lúa nhưng to hơn và tặng tôi cả bó (cái này họ bán một bó 1.000 kip ở Oudomxaay đấy). Tôi thấy ăn vất vả quá nhưng không thể từ chối nên cho vào ba lô.

Tôi đi ngang một cây nước có vài phụ nữ đang xúm xít tắm thì ghé vào xin nước vào chai để sử dụng khi cắm trại. Một phụ nữ trẻ lấy nước cho tôi; phụ nữ ở đây trông rất đẹp, đặc biệt là người phụ nữ lấy nước cho tôi. Dáng và nét mặt đẹp như một người mẫu đã trang điểm lên hình và đã chỉnh sửa vi tính. Họ đang tắm nên mặt mộc mà đã đẹp đến thế rồi.

Theo tôi người Lào có nhiều dân tộc; có dân tộc nét thô như người Cambuchia nhưng có dân tộc rất đẹp; có tộc da trắng, có tộc da ngăm; nhưng tôi thích những người da ngăm duyên ngầm hơn.

Tôi lên xe đi thì thấy một cây xăng, cạnh nó là thảm cỏ xanh mượt, sau thảm cỏ là một rừng cây khoai mì, sau đó nữa thì núi nhấp nhô thấp thoáng. Cảnh đẹp quá nên tôi dừng xe vào khảo sát. Cỏ dầy nên nằm sẽ êm như nệm nên tôi dừng xe và hạ trại luôn mà không vào cây xăng xin phép do trời đang tối dần nên cần hạ trại ngay.
Lúc tôi làm xong, đang ngồi ăn trái cây ngắm trăng thì một người từ cây xăng đến nói chuyện. Tôi nói muốn đi Luang Prangbang và hỏi nước rửa mặt ở đâu. Anh ta chỉ vào hồ nước sau nhà. Vậy là tôi có nơi ngủ êm ái và có nước sử dụng rồi. Toilet thì đi vào rừng khoai mì vừa mát vừa lãng mạn nếu không bị con rắn nào phập vào người.

Lúc tôi rửa mặt xong thì một thanh niên đến nói tiếng Anh. Anh ta bảo văn phòng ở đâu đấy gần cây xăng (hèn chi lúc tôi ở giếng nước rửa mặt thì nghe tiếng họ nói chuyện về tôi). Anh ta làm việc gì đó giống như là phát triển cộng đồng. Tôi hỏi anh ta cụ thể là làm gì. Anh ta nói nhóm của anh ta quản lý khu vực gồm 15 ngôi làng của 3 dân tộc: Lào Thưng (người Khmu), Lào Lum (người Mông) và Lào Sumo. Trong 15 làng này có 3 làng nghèo còn lại đều khá. Ba làng nghèo ở trên núi cách đó khoảng 10 cây số. Mỗi ngày nhóm của anh ta lên kế hoạch xem mỗi làng cần xây dựng gì rồi trình lên trên chờ duyệt.

Tôi hỏi anh ta hôm sau có vào làng nào không; nếu có thì tôi đi theo xem. Anh ta nói hôm sau đi họp trên huyện. Tôi nói tôi có mua viết chì từ Trung Quốc và muốn cho nơi nào nghèo nhất thì anh ta bảo có 4 tỉnh nghèo trong đó có Pakseng (gần Luang Prabang). Khi tôi kể chuyện con bé 7 tuổi không mẹ mà tôi gặp ở một ngôi làng của người Lào Sumo không đến trường thì anh ta bảo rằng Lào có chính sách miễn học phí cho gia đình nghèo. Bọn trẻ nghèo còn được phát tập vở sách bút đồng phục miễn phí nữa. Theo anh ta chắc gia đình đứa trẻ này không biết đến chính sách ấy nên không cho con đến trường. Phổ biến chính sách kiểu gì không đến được với người dân thế nhỉ?

Theo anh ta, nếu tôi muốn mua bút chì thì mua một lần từ 50-100 cây giá sẽ rẻ hơn nhiều (nhưng xét ra vẫn mắc hơn so mua ở Trung Quốc); tập thì nên vào xưởng in mua sẽ rẻ hơn. Tôi nói đó là lý do tôi ngủ lều để tiết kiệm tiền nhà trọ để mua tập vở bút chì tặng trẻ con. Anh ta nghe nhầm thành tôi muốn vào lều ngủ nên tạm biệt tôi đi về văn phòng. Anh ta nói nếu tôi gặp bất kỳ vấn đề gì thì cứ nói với những người ở cây xăng, họ điện thoại cho anh ta. Tôi nói hy vọng không gặp vấn đề gì đâu bởi vì Lào vẫn rất an toàn mà. Anh ta nói tôi là người nước ngoài nên muốn đảm bảo an toàn cho tôi. Anh ta cứ ngỡ tôi là người Nhật; khi biết tôi là người Việt thì “ah” và nói ở tại thị trấn Namthua có 19 gia đình người Việt. Hèn chi lúc ở chợ, tôi nghe tiếng Việt nhưng nhìn quanh quất chả biết ai vừa nói cả.

Lúc ấy chỉ mới 7h tối nhưng tôi lại muốn ngủ rồi. Tôi đi ngủ sớm mừ. Tôi chỉ khóa cửa mùng thôi để ngắm ánh trăng ngay trước mặt. Khi nào muốn ngủ thì tôi mới đóng luôn cửa kia lại. Ở Lào, phong cảng tự nhiên còn rất nhiều. Các bạn nên đến đây trước khi Trung Quốc đô thị hóa tất cả nhé!

Buổi sáng tôi thức dậy khoảng 7h trong khi tôi nghe tiếng những người trong cây xăng thức dậy từ khá lâu. Sương ướt đẫm lều nên tôi chờ mặt trời lên hong cho khô và tôi tranh thủ ra giếng tắm luôn. Sau đó thì chờ hong khô lều, quần áo. Tôi lấy máy tính vào cây xăng ngồi viết bài.

Những người trong cây xăng rủ tôi ăn sáng chung nhưng tôi từ chối. Sau vài ngày ăn cơm nếp, tôi bị ngứa ngáy (không phải do ở dơ- ở Lào tôi tắm nhiều hơn các nước khác đấy), tối ngủ cứ gãy sột soạt mà tôi đoán là bị dị ứng cơm nếp. Vậy là tôi phải tạm từ giã món cơm nếp yêu thích trong vài ngày để xem có hết bị ngứa ngáy không.

Theo tôi dân Lào ở sạch hơn dân Trung Quốc nữa. Họ tắm suốt. Cứ ra giếng tắm gội. Quấn xà rông ngang ngực mà tắm. Phụ nữ lớn tuổi thì chỉ quấn ngang bụng thôi, để trần cả ngực mà tắm cho dễ. Tôi mặc quần áo tắm xong thì vào lều thay ra, rồi phơi ngay trên nóc lều.

Vậy là tôi ngồi chăm chỉ viết bài. Trời nóng quá nên tôi vào cây xăng ngồi cho mát. Họ lịch sự kéo một cái bàn đến cho tôi để máy tính lên mà viết. Khi viết xong thì trời đã trưa nên tôi nghĩ đến việc ở lại thêm một đêm. Anh chàng chủ cây xăng lấy một quả đu đủ ra mời tôi ăn (chắc do anh ta thấy tôi cả ngày chỉ ăn đu đủ và chuối nên ngỡ tôi ăn chay chăng?)

Tôi thấy họ có quyển từ điển tiếng Anh-Lào nên lấy ra nhờ họ chỉ cách phát âm và học thêm một vài từ. Khi trời bớt nóng thì tôi lấy xe chạy trở lại trung tâm để ăn khợp bun và tham quan nơi này. Lúc nầy là giờ tan học, học sinh Lào đi học về, một tay lái xe, một tay che dù (dân Lào chả có khái niệm gì về việc đội nón cả- ngoại trừ lúc ra ruộng làm việc- giữa trời nắng họ cứ để đầu trần mà đi hoặc chỉ che dù thôi.)

Tôi rẽ vào một con đường mà ngay đầu đường có tấm bảng hiệu của một trung tâm cai nghiện do chính phủ Nhật tài trợ (lại là người Nhật).

Đi thẳng đường này sẽ đến một nhà máy sản xuất xi măng (chỉ ghi bằng tiếng Lào và tiếng Anh nhưng lúc ấy nhìn cách những người công nhân ăn cơm chiều,; tôi đoán Trung Quốc qua đây cũng không ít – dân Lào có dùng đũa mà ăn cơm bao giờ (vả lại ăn cơm nếp thì làm sao mà ăn đũa được hehehe); chỉ có người Việt và Trung Quốc thôi. Trên đường có một con suối, người dân ra tắm chiều. Lúc trước ngại nên tôi ngắm họ tắm từ xa; bây giờ tôi tiến sát lại gần và đứng nhìn “một cách trơ trẽn” (biết sao bây giờ; tôi muốn nhìn cơ mà). Lúc ấy mà tôi có mang theo quần áo thì cũng nhảy ùm xuống suối tắm chung với họ cho nó mang tính Lào. Một số phụ nữ tắm để cả ngực trần và chả ai ngó họ hết (ngoại trừ tôi- tôi đúng là “vô duyên” dễ sợ.)


Ở đây dân Lào rửa xe giống như dân Mông cổ vậy đó. Họ cứ mang xe suối và lấy xô dội nước, lấy khăn mà chùi rửa. Nếu suối cạn ngang bánh thì mang luôn xe xuống nước mà rửa cho tiện. Tôi cũng rửa chiếc “xế điếc” của mình theo cách ấy. Tôi khoái làm như dân địa phương mừ nên ai làm gì thì tôi làm nấy.

Ngủ thêm một đêm ngắm trăng ở bãi cỏ cạnh cây xăng, nơi mà có một anh Lào lum khi biết tôi chưa có gia đình lấy tay ra dấu hỏi tôi chịu anh ta không? (Lúc ở Trung Quốc ai hỏi tôi cũng gật; bây giờ ở Lào, ai hỏi tôi cũng lắc cho được yên thân. Dân Lào “thật thà” lắm nên nếu cứ gật thì thế nào cũng nằng nặc đòi ngủ chung cho xem. Vì thế tôi cứ lắc.)

Tạm biệt Namthua, tôi đạp xe lên đường và dừng lại ở buôn Phonsavanh mua 3 quả dưa leo giá 2.000 kip (nếu mua ở nơi khác thì thế nào cũng phải trả ít nhất 5.000 kip) và một quả đu đủ giá 1.000 kip (công nhận là giá rẻ vô cùng). Sau đó đến các buôn khác, tôi còn mua thêm chuối sứ, chuối già và cam nữa; mỗi thứ chỉ có giá 1.000 kíp thôi. Mấy món này nếu mua ở các thành phố hay thị trấn thì làm gì có giá đó. Tuy nhiên ở Lào trái cây vẫn rẻ hơn là thức ăn được chế biến sẳn. Vậy là tôi đạp xe với lủng lẳng các bịch trái cây treo đầy xe (nhìn tôi y như một người bán hàng rong.)

Tôi đi ngang qua một tấm bảng ghi chữ Hongam Cave Tourist site và đi vào quận Pak Ou của tỉnh Luang Prabang. Sáng dậy sớm cuốn lều, chưa ăn sáng, dù trái cây treo đầy xe nhưng tôi chưa tìm ra nơi lãng mạn để ngồi ăn; đi dưới trời nắng, tôi đói bụng nên vừa đi vừa kiếm quán để ăn khợp bun. Thật ra có vài cái quán trên đường nhưng toàn là nằm ngay đoạn tôi đang thả dốc xuống (quái lạ! Sao họ không dựng quán ở đoạn lên dốc nhỉ?)

Đẩy xe lên một dốc cao ướt đẫm mồ hôi nên thấy một cái quán mát rượt ngay đỉnh dốc, tôi dừng xe lại và hỏi họ bán gì. Phở. Ý tôi là muốn ăn khợp pun nhưng lúc này chả thể kén chọn, có nơi mát mẻ ngồi là tốt rồi nên tôi vào quán ngồi mà không hỏi giá. Chị chủ quán bê ra một tô phở to và một dĩa rau bắt mắt. Lúc ấy một người đi xe gắn máy biển số Việt Nam vào quán hỏi chị chủ có mua mâm nhôm Nghệ An không. Tôi bắt chuyện tiếng Việt. Lại một người Nghệ An. Anh ta thuê nhà theo năm ở Luang Prabang với một nhóm bạn để bán hàng. Anh ta bảo buôn bán mấy năm nay vất vả do nhu cầu bão hòa rồi. Cái này tôi đoán được mà. Dân số Lào thì ít mà người Việt cứ đổ sang bán, chưa kể người Trung Quốc qua cũng không ít; thì cuối cùng chỉ toàn người bán mà không có người mua. Bọn Trung Quốc đoán trước nên bọn họ chỉ tranh thủ bán trong vài năm, sau đó chuyển sang lĩnh vực khác. Dân Việt Nam chỉ lo ăn cái trước mắt nên toàn là đi sau đuôi họ.

Cuối cùng tô phở mà tôi ăn có giá 15.000 kip. Hơi đắt! Đây là giá ở nhà hàng cơ mà. Tôi biết là mình bị chém bởi khi nói giá mà người bán ngần ngừ một tí rồi nói thì chắc là “chém” rồi. Chị chủ quán là người Lào lum cứ tưởng tôi là người Trung Quốc nhưng thấy tôi nói tiếng Việt với anh chàng Nghệ An nên cứ hỏi anh ta mãi rằng tôi là người Việt hay người Trung.

Lúc anh chàng Nghệ An chia tay tôi để quay về Luang Prabang thì một anh chàng Lào đến bắt chuyện bằng tiếng Anh. Anh ta quê ở làng này nhưng hiện đang sống với vợ ở cách đấy 6 cây số. Thằng bé 2 tuổi con anh ta rất kháu khỉnh. Anh ta nói cách đây năm năm có sang Sài Gòn làm việc. Qua anh ta tôi mới biết rằng ba tộc Lào chính là Lào Sum hay còn gọi là người Mông là ở trên núi cao; Lào Thưng hay còn gọi là người Khmu ở lưng chừng núi và Lào Lum thì ở nơi thấp nhất xung quanh sông suối.

Khi hai bố con tạm biệt tôi để lái xe đi thì thằng nhóc 2 tuổi còn hôn gió tôi nữa mới ghê chứ. Tôi cũng đẩy xe đi thì thấy ngôi nhà mà họ ra vào (lúc nói chuyện với anh ta, có một chiếc xe tải chắn ngang cửa nên tôi không thấy) thì ra là một nhà hàng. Hèn chi tôi hỏi anh ta làm nghề gì, anh ta khiêm tốn bảo có một doanh nghiệp nho nhỏ ở trong làng.

Ở Lào, tôi thấy người ta còn ngồi trước cửa nhà xe chỉ dệt vải khá nhiều. Giống y như trong phim. Chắc các ngôi làng miền núi của Việt Nam cũng thế các bạn nhỉ?
Tôi vừa đi vừa chụp hình các wat (chùa) dọc đường và các tấm bảnh hiệu tên hiệu mà có đọc cũng chả hiểu họ viết nhăng viết cuội gì với loại chữ loằng ngoằn như con giun kia.
Dù họ có viết tiếng Anh thì đọc cũng chả hiểu. Không hiểu cái làng này ngưng cái gì (tôi đoán chứ là ngưng việc di canh di cư đốt rừng làm rẫy chăng?)

Tôi đi dọc theo một con sông mà tôi đoán và hy vọng rằng đó là sông Mê kong. Sông núi rừng quyện vào nhau nhìn sướng con mắt bên trái, đã con mắt bên phải. Dù trời nắng nhưng tôi vẫn thường dừng lại bên đường để ngắm cảnh.


Đối với tôi con sông Mê kong rất đặc biệt (đặc biệt như thế nào thì các bạn đọc bài này nhé!!! Địa danh thiêng liêng nhất của bạn là gì???) Vì thế tôi vừa đi vừa tìm nơi để hạ trại ngủ cạnh nó. Một trong những việc tôi ao ước được làm ít nhất một lần trong đời là hạ trại ngủ giữa trời cạnh con sông Mê kong và tắm mình trong nó.

Tôi hỏi một phụ nữ tôi có thể hạ trại ở cạnh con sông không thì bà ta nói được. Vậy là tôi đẩy xe đạp xuống gần mép sông và dỡ đồ đạc xuống. Người dân đi làm đồng bên kia sông chèo thuyền về bảo tôi lên bản vào nhà họ ngủ nhưng tôi bảo tôi muốn được ngủ cạnh sông. Thì ra tôi có một quyết định sai lầm. Do lười đi vào nơi khuất hơn nên tôi hạ trại ngay lối lên xuống của dân làng. Vậy là họ có cái để ngó chiều hôm đó và sáng hôm sau. Khổ nhất là bọn con nít cứ đi theo nhìn tôi hoài làm tôi bực mình ghê. Bọn chúng xếp thành từng hàng dài ngồi chồm hổm nhìn bạn y như đang xem hát vậy đó. Khi xuống sông giặt giũ, tôi khóa cửa lều lại; vậy lại chúng tiến lại gần ghé mắt vào sát lều bạn xem có gì bên trong mặc dù trước đó bọn chúng đã thấy rồi.

Tôi có một đêm trăng tuyệt đẹp cạnh sông Mê kong và bài viết về sông Mê kong trong mục Tâm sự được ra đời trong hoàn cảnh này.

Buổi sáng, dân làng lại đi ngang qua lều của tôi, dừng lại hỏi vài câu, nhìn ngó bàn tán xôn xao một lúc thì mới lên thuyền qua sông để lên rẫy. Vài đứa con nít chưa đến tuổi đi học lại loanh quanh gần đó để xem tôi làm gì.
Tôi thực hiện mơ ước của mình: Tôi tắm gội trên sông Mê kong. Sau đó tôi hong khô quần áo đến tận trưa. Bọn con nít đi học về và tôi lại trở thành nhân vật chính cho chúng xem hát. Xem mãi một tuồng với nhân vật chính là tôi cũng chán nên chúng xuống sông tắm.

Tôi lại hạ trại và đi trên đường với con sông và phong cảnh tuyệt đẹp bên tay trái (do đó tôi phải đẩy bộ đi bên trái đường để ngắm cảnh và chụp ảnh.) Giữa trưa trời nắng gắt kinh khủng và tôi lại đói meo nên ghé vào một quán ven đường của một mẹ để ăn. Tôi ăn một lúc 8 que thịt gà của mẹ với giá 1.000 kíp/que và vài món lặt vặt khác. Lúc ấy có một cặp vợ chồng người Nghệ An bán khô và mực đến, tôi bắt chuyện với họ. Họ cũng vào quán của mẹ ngồi tránh nắng.

Họ bảo ở Luang Prabang thuê nhà theo năm, 1 triệu kíp/năm. Khi tôi hỏi tiền ăn mỗi tháng là bao nhiêu một người. Họ bảo 1 triệu kíp/người/tháng. Tôi không tin lắm. Làm gì có chuyện đắt thế. Qua họ tôi biết thêm một số thông tin khá thú vị. Ví dụ, tôi không cần mua nước dọc đường mà cứ cầm bình rỗng vào nhà người người dân xin nước uống. Ở Lào họ cũng mua bình nước 20 lít giá 4.000 kíp và có máy nóng lạnh nữa nên cứ việc xin nước của họ mà uống. Cứ vào và nói cho xin ít nước (kho nạm nội nừng) không phải mua chi cho tốn tiền.

Hai vợ chồng này trở thành thông dịch của tôi cho người Lào ở đấy luôn. Sau khi nghe về hành trình của tôi, mẹ bán quán mời tôi ngủ lại nhà mẹ một đêm. Tôi từ chối và lên đường sau khi bớt nắng. Cuối cùng tôi trả cho mẹ đến 16.500 kíp (tiền cơm nếp-chỉ có một ít thôi mà mẹ tính đến 5.000 kíp; hai vợ chồng Nghệ An cũng bảo rằng mẹ tính tiền cơm đắt quá; họ nói gì đó bằng tiếng Lào ý là người Việt và người Lào giống nhau mà sao tính đắt thế.) Cuối cùng tôi cũng thanh toán số tiền ấy (hơi ấm ức vụ tiền cơm bởi vì thường nó là miễn phí cơ mà.) Tuy nhiên qua đó tôi cũng đoán là vì sao có một số người Lào không thích người Việt Nam. Người Việt nghĩ rằng mình giúp Lào rất nhiều trong quá khứ nên bây giờ dân Lào phải đối xử tốt lại như một sự trả ơn ấy. Tôi không thích kiểu ấy lắm bởi có ai muốn trả ơn kiểu ấy đâu nhỉ?

Tôi lại đi qua các bản làng. Ở các thị trấn lớn thì thức ăn đắt đỏ nên tôi toàn mua dọc đường cho rẻ. Tôi mua một nải chuối và một quả đu đủ giá 1500 kíp/món. Càng đi gần đến Luang Prabang thì càng náo nhiệt. Ở ngay Nam Ou Bridge là một nhà trọ; phong cảnh từ cầu này nhìn khá lãng mạn. Tôi lại muốn cắm trại ngủ cạnh sông thêm một đêm nữa nhưng lúc ấy khá sớm nên tôi lại tiếp tục đạp xe.

Cảnh từ cây cầu của buôn ViengSavanh cũng đẹp không kém. Đây là nhà hàng cạnh bờ sông.

Tôi đi mãi đến khi hoàng hôn thì lại không thấy sông nữa hoặc nếu có thấy thì cũng không tìm ra đường xuống. Vậy là tôi đổi ý tìm nhà dân ngủ. Tuy nhiên cũng như ở mọi thành phố lớn khác. Dân ở thành phố kém thân thiện và ý thức cảnh giác cao hơn nên khi tôi hỏi có cắm trại gần nhà họ được hay không thì họ bảo không được bởi vì chó sủa và họ bảo tôi chạy luôn về Luang Prabang dù lúc ấy trời đã tối thui. Tôi lại vào một nơi khác hỏi thử thì mới biết ấy là đồn công an và họ cũng bảo tôi chạy luôn về thành phố. Vậy là tôi lấy đèn pin cho chuyến chạy đêm. Khoảng 10 cây số trước khi vào trung tâm Luang Prabang, đường bụi mịt mù. May là tôi đi ban đêm, trời mát mẻ dễ chịu chứ nếu đi giữa trưa nắng thì kinh khủng lắm.

Vậy là tôi quay lại Luang Prabang vào tối ngày 15/10/2011. Cách đây 2 năm khi ở Luang Prabang, tôi biết là sẽ có ngày mình quay lại nơi này và hôm nay tôi làm được điều ấy rồi đấy!

Kỳ sau: Trở lại Lào (5): Luang Prabang (di sản văn hóa thế giới)

1 nhận xét:

  1. Thì ra ở Lào cũng rập khuôn Vietnam xây dựng "Làng Văn hóa". Họ sử dụng tiếng Anh rất vụng, ghi "Bản Văn hóa" bằng tiếng Anh là BanCulture (!!)

    Trả lờiXóa