CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Trở lại Lào (3): Đạp xe từ Moxay đến Pakmong

 Kỳ trước: Trở lại Lào (2): Moxay/ Muong Xay / Oudomxay

Từ Oudomxay đến Luang Prabang khoảng 200 cây nên tôi chia thành hai đoạn. Thứ nhất là từ khoảng 100 cây số từ Oudomxay đến Pakmong; thứ hai là 100 cây từ Pakmong đến LuangPrabang.

Ra khỏi Oudomxay, toàn là đường lên dốc nên tôi đẩy bộ. Đi bộ khoảng 10 cây số thì tôi dừng lại ở một buôn mua chuối sứ ăn (4 quả mà chỉ có 500 kip). Tôi ngồi ăn xong thì đợi trời bớt nắng để lại tiếp tục đẩy xe thì thấy một thanh niên nói chuyện điện thoại…. tiếng Việt. Tôi bắt chuyện.

Anh chàng này tên là Thệp người Quảng Ngãi, sang Lào làm ảnh khoảng 12 năm rồi. Anh ta chủ yếu ăn tiền chênh lệch giữa kip Lào và VN đồng. Ở Việt Nam mỗi tấm ảnh chụp to lên khung khoảng 100 ngàn đồng thì ở Lào anh ta cũng lấy giá 100 ngàn kip (tuy nhiên 100 ngàn kip tương đương gần 300 ngàn đồng). Anh ta cũng đi như tôi nghĩa là được đóng dấu ở tại Lào 30 ngày. Hết 30 ngày thì anh ta về Việt Nam chỉnh sửa vi tính, lên khung và sau đó quay lại Lào giao ảnh, lấy tiền. Có tiền Lào thì khi về biên giới đổi sang tiền Việt. Anh ta bảo làm nghề này cũng vất vả bởi vì phải đến các buôn làng quảng cáo; nếu họ có ảnh cũ thì mang về làm mới; nếu không thì chụp lại. Anh ta phải đến vào lúc sáng sớm trước khi người dân ra đồng hoặc chiều tối sau khi họ đi làm đồng về. Anh chàng Quảng Ngãi có thể nói được tiếng Lào nhưng không biết đọc biết viết (chắc nói theo kiểu tôi nói tiếng Hoa đấy.) Tuy nhiên qua anh chàng này tôi biết được khá nhiều thông tin.

Anh ta bảo rất nhiều người Lào biết tiếng Việt, đặc biệt là bộ đội Lào. Anh ta bảo khoảng 1 cây số đi về hướng Oudomxay có một doanh trại quân đội; tôi có thể vào đó cắm trại ngủ. Nhiều bộ đội Lào do người Việt sang “lên lon” cho họ lắm. Tuy nhiên ở Lào tôi không cần cắm trại gì cả, cứ đi đến một buôn làng nào đó thì xin phép vào nhà họ mà ngủ. Đối với người Lào, người Việt với họ như một; nhà họ cũng như nhà mình nên cứ đến đấy mà ở. Người dân Lào quý người Việt lắm. Anh chàng Thệp bảo nhiều khi ngủ ở nhà người dân ở bản làng còn sướng hơn ở nhà trọ giá rẻ nữa. Người dân Lào đặc biệt là người Lào Thưng cực kỳ hiếu khách. Họ lấy chăn màng mới ra cho khách ngủ và đặc biệt là ngủ vào mùa lạnh ở những gia đình hơi khá giả một tí thì sướng vô cùng, họ lấy loại mềm bông do họ tự may ra nằm ấm vô cùng.

Lào có đến hơn 60 dân tộc và dân Lào Thưng là dân hiếu khách nhất. Họ ở trong các ngôi nhà sàn cao, nghĩa là nhà xây cao hơn mặt đất, có thang leo lên, bên trên thì ở, bên dưới thì nhốt gia cầm hoặc dùng làm nhà kho. Còn Lào sumo thì ở những ngôi nhà sát mặt đất.

Anh ta bảo anh ta ít khi ở một nơi lắm mà thường đi về các buôn để quảng cáo nên đa phần ở nhà người dân. Người dân ăn gì thì dọn nấy, họ ăn rau dọn rau, ăn muối dọn muối. Tuy nhiên anh ta thường mua thức ăn về xin phép sử dụng bếp của họ tự nấu ăn cho hợp khẩu vị (tôi nghĩ thế tốt hơn bởi vì người dân Lào ăn nhiều bột nêm quá.)

Vậy là việc đi bụi ở Lào quá dễ các bạn nhỉ? Cứ việc đi, muốn ngủ thì vào buôn xin ngủ ké.

Chia tay anh chàng Quảng Ngãi, tôi đẩy xe lên dốc đi khoảng một cây số thì đến một con thác –đây cũng là khu du lịch nên họ có bán vé. Tôi không vào mà lại đẩy xe đi tiếp.
Đi thêm khoảng vài cây số thì trời tối dần nên tôi tìm buôn xin ngủ ké hoặc tìm nơi hạ trại. Thấy vài người dân đang ngồi nấu cơm ăn giữa đồng (hình như họ vừa thu hoạch ngô xong) nên tôi hỏi nơi ngủ. Họ bảo đi khoảng vài cây thì đến buôn. Từ “buôn” tiếng Việt và tiếng Lào tương tự; tôi nói đại, họ hiểu tuốt.

Khi tôi đến một buôn (thực ra là vài căn nhà), trời tối hẳn. Một người đàn ông ẳm con heo đi qua đang nhờ một người trong căn nhà gần đó cột giùm bốn chân heo cho nó khỏi giẫy thì tôi dừng lại hỏi họ “nọm dù xây” (ngủ ở đâu?). Họ chỉ tôi vào luôn trong căn nhà đó. Họ bảo tôi đẩy xe vào. Vậy là tôi vào.

Đây là nhà của một người Mông hay còn gọi là Lào sum. Anh chủ nhà chỉ mới 40 tuổi thôi nhưng đã là ông nội rồi, đứa cháu 2 tuổi đáng yêu vô cùng. Tôi tặng nó một món đồ chơi giá 2 tệ mua ở Trung Quốc, lắc lắc là có đèn chiếu lấp lánh. Khi nó thấy đèn chiếu xanh xanh đỏ đỏ là đi chập chững lại chỗ tôi ngay (vậy là tôi dụ được một đứa con nít rồi nhé) chứ trước đó tôi dụ kiểu gì cũng chả thèm đến. Thằng nhóc này khá thông minh và bắt chước y như con khỉ. Khi đèn tắt nó đưa cho tôi, tôi đập xuống đất, đèn sáng, nó làm theo, tôi đập vào cây cột, vào bụng nó,…nó bắt chước theo. Nó còn cầm đập hai tay vào nhau cho đèn sáng nữa chứ.
Gia đình này có đến 7 người con – 3 nam 4 nữ. Thằng nhóc 2 tuổi là con của anh chàng mới 20 tuổi thôi (công nhận họ kết hôn sớm ghê!) Theo tôi gia đình này thuộc loại khá giả. Họ mời tôi ăn tối cùng –cơm nếp (cơm của họ thơm mùi bắp vô cùng) cùng canh khoai nấu thịt heo. Heo ở đây mỡ ăn không ngán bởi ăn cưng cứng chứ không mềm oặt như heo thúc thuốc. Theo tôi thức ăn ở Lào trong lành hơn và “sạch” hơn nhiều bởi họ ăn tự nhiên không có nhiều hóa chất, heo/gà nuôi thả rong, rau rừng, củ tự trồng nên tôi ăn thức ăn ở đây thấy ngon miệng hơn ở Trung Quốc nhiều.

Ở Lào, tôi luôn là người đi ngủ sớm hơn và dậy trễ hơn người dân địa phương nhiều. Họ gần 12h mới ngủ (bận xem tivi) và sáng thì dậy trước 5h. Gia đình này cũng thế, hình như họ sàng lúa. Tôi thẳng giấc đến 6h30. Sau khi đánh răng xong thì phát hiện bánh xe trước xẹp lép. Tôi đẩy ra sân, lấy đồ nghề ra. Do tôi không có đồ nạy, anh chàng chủ nhà lấy ra cho tôi mượn và nạy ruột ra giúp tôi. Sau đó thì tôi tự mình vá và cho ruột trở vào (có cây nạy mọi thứ dễ dàng hơn nhiều.) Thằn nhóc hai tuổi quanh quẩn tôi, tôi lấy một quả chuối thật to cho nó ăn, ăn xong nó ghiền nên đòi ăn tiếp. Bọn trẻ con trong làng này rất nhiều nên tôi thấy ngại bởi vì không thể cho tất cả bọn trẻ được.

Tôi làm xong thì họ mời tôi vào ăn sáng, gồm cơm nếp ăn cùng canh bí nấu với thịt heo và cà nâu xào ớt. Thằng nhóc thấy lốc sữa Lactasoy của tôi nên đòi, tôi lấy cho nó một hộp. Vậy là bà của nó trở vào trong bếp lấy cho tôi một bọc cơm nếp mang theo ăn dọc đường. Chia tay gia đình người Mông, tôi đẩy xe ra đường.

Một chiếc xe tải nhỏ đang dừng bán hàng bên đường với 3 anh thanh niên. Họ chặn xe tôi lại hỏi tiếng Việt: “đi đâu?” Họ là dân Nghệ An sang bán hàng điện tử gần chục năm rồi. Qua ba người này, tôi cũng có được một mớ thông tin.

Thì ra cái mâm nhôm mà tôi hay thấy người Lào dùng để ăn cơm là đặc sản của Nghệ An (chắc ở Lào họ sử dụng mâm làm từ mây bởi tôi cũng hay thấy loại mâm này.) Họ bảo họ cũng nhờ ăn tiền chênh lệch giữa kip và đồng mà sống; ở Việt Nam giá 50 ngàn thì sang đây họ cũng bán giá 50 ngàn. Họ bảo phải bán thiếu cho dân Lào nhiều lắm và một năm sau mới quay lại lấy tiền.

Họ còn bảo tôi khu này bộ đội Việt ở quân khu 2 ở nhiều lắm. Chắc ý họ là ở doanh trại quân đội mà anh chàng Quảng Ngãi cho tôi biết trước đấy. Họ nói dân Lào chỉ biết ngày nay mà không cần biết ngày sau, họ không để dành cho con cháu, họ muốn có xế hộp thì sẳn sàng bán hoặc cho Trung Quốc thuê dài hạn cả một khu rừng chỉ để lấy tiền mua xe và khi muốn đổi xe sang trọng hơn thì cũng làm thế. Ôi giào, đối với Lào thì Việt Nam là “đại ca,” không biết trong lĩnh vực này mình cũng là “anh hai” họ không nhỉ? Họ làm một chứ có khi mình làm gấp hai gấp ba, bạn nào biết thì trả lời giùm nhé! Họ cho rằng người Lào không biết để dành cho con cháu; vậy người Việt có để dành tí tài nguyên nào cho con cháu không vậy ta?

Họ rủ tôi về Oudomxay ở nhà họ chơi vài ngày nhưng tôi từ chối (tôi thấy ở chung người Lào vẫn dễ chịu hơn là ở chung người Việt đấy.) Họ bảo ở Oudomxay nhiều người Việt lắm, có cả hội người Việt và tỉnh nào của Lào cũng có hội người Việt. Ở khu này, người Nghệ An thì bán hàng điện tử, người xứ Quảng thì làm ảnh, người Huế thì cắt tóc gội đầu hoặc làm móng dạo (chỉ làm dạo thôi mà mỗi ngày kiếm được 200-300 ngàn kip đấy)

Họ bảo họ sang cả Trung Quốc bán hàng, bán cho người Mông. Người Mông ở Việt Nam khôn lắm biết giá cả hết nên không nói thách được. Người Mông ở Trung Quốc “ngu ngơ” như người Lào nên dễ “chém.”

Họ gạ tôi đổi tiền tệ Trung Quốc sang tiền kip. Họ bảo 100 tệ đổi 100 ngàn kip. Họ làm như tôi ngu như người miền núi vậy đó. Tôi bảo ở biên giới tôi đổi 100 tệ lấy 124 ngàn kip cơ mà. Thế là họ giả lả nói đủ thứ để xí xóa cho việc muốn chơi đểu với tôi. Tôi thấy người Quảng Ngãi đối với tôi thật thà hơn bọn Nghệ An này đấy.

Ngay cả đồng hương mà còn muốn chơi đểu thì…không còn gì để nói các bạn nhỉ? Sao không giỏi đi mà chơi đểu với bọn Trung Quốc đấy? Có chơi cũng chả hơn nổi bọn họ bỏi vì họ rất đoàn kết nhau ở nơi đất khách, còn người Việt thì toàn chơi đểu nhau. Còn lâu mới bằng nổi dân Trung Quốc. Chính họ cũng thấy điều đó. Họ bảo dân Trung Quốc lúc mới sang Lào còn nghèo hơn dân Việt Nam. Họ không có xe cộ, phải nai lưng ra gánh hàng lên tận núi cao bán từng món lặt vặt cho người bản địa; vậy mà chưa đến 5 năm sau họ trở thành ông chủ, mua/thuê rừng, xây nhà hàng, khách sạn. Người ta chỉ chưa đến 5 năm mà được thế còn những anh chàng bán hàng của mình đã 10 năm rồi cũng chỉ là những người bán hàng, ăn tiền chênh lệch giữa kip và Lào, và tìm cách chơi đểu người đồng hương. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ cho người Việt Nam! Con rồng cháu tiên cái nỗi gì mà cứ lẹt đẹt không theo nổi đuôi bọn Trung Của chứ đừng nói chi là so sánh với họ.

ĐÚNG LÀ QUỐC NHỤC! (Vậy mà mình luôn cảm thấy tự hào sau khi chơi đểu được một đồng hương mới ghê chứ!)

Khi tôi hỏi những anh chàng Nghệ An là vì sao đất Thanh Nghệ Tĩnh là đất văn hiến mà cứ các vụ án trong miền Nam đăng đầy trên báo chí đa phần là do người dân từ vùng đất văn hiến này gây ra thế. Họ bảo đó là dân Thanh Hóa làm chứ dân Nghệ An “quân tử” lắm, đối xử tốt với họ thì họ đối tốt lại, chơi xấu với họ thì họ chơi xấu lại. Ở Lào mà bọn Trung Quốc lạn quạn, họ đập như chơi. Họ làm tôi nhớ đến hình ảnh của những con rắn đặc biệt là lọai rắn cực độc, khi bạn đạp trúng nó hoặc làm cho nó hoảng sợ thì nó mới cắn bạn; còn không thì nó chả bao giờ đụng chạm đến bạn cả. Theo tôi bạn nào ở khu Thanh Nghệ Tĩnh thì làm sao để xóa ấn tượng xấu về “kiểu quân tử” thế nhé! Thứ nhất, người quân tử không sử dụng vũ lực; thứ hai, “khôn ngoan đá đáp người ngoài (bọn Trung Của ấy), gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.” (đồng hương đấy, đối với tôi người Lào cũng là đồng hương.)

Khi tôi hỏi những người đồng hương này là sao tôi thấy Trung Quốc ở Lào nhiều thế. Họ bảo Trung Quốc sang nhiều lắm, lấy cả vợ Lào. Họ còn được chính quyền Trung Quốc bảo trợ. Cứ mỗi người muốn “li hương” thì được cho vay không hoàn trả 20.000 đô Mỹ. Nếu không ở nổi, phải về nước thì phải trả lại số tiền đó cho chính quyền. Nếu đúng như thế thì chắc bọn Trung Của cũng làm thế đối với đất Việt Nam. Họ rải dân họ đi khắp nơi để đồng hóa các dân tộc khác. Bạn nào “thức thời” thì phải học tiếng Hoa đi nhé! Đi nước ngoài mà nói tiếng Anh người ta không hiểu thì có thể họ hiểu tiếng Trung đấy!

Những anh chàng Nghệ An bảo tôi rằng từ buôn ấy cứ vừa lên xuống dốc thêm khoảng 40 cây nữa, còn lại thả xuống dốc xuống Pakmong, sau đó đường đi Luang Prabang đa phần là xuống dốc hoặc bằng phẳng.

Vậy là tôi vừa đi vừa đẩy bộ vừa Sabaidee với bọn con nít cứ thấy tôi là chạy ào ra khỏi nhà chỉ để vẫy tay Sabaidee hoặc bye bye (bọn chúng cũng biết Hello và Bye bye đấy.) Không biết bọn chúng có xin tiền hay kẹo không nữa? Chắc có nhưng do tôi không hiểu chăng?

Tôi vừa đẩy bộ vừa tìm nơi có bóng mát để nghỉ mệt và để ghi lại nhật ký (ở chung với các gia đình Lào, lúc nào cũng bị xăm soi nên tôi chả thể lấy máy tính ra mà gõ được nên đành ghi chép tay vậy dù sao này phải tốn khá nhiều thời gian để gõ trở lại vào máy tính đấy.)


Hôm ấy chắc tôi đi khoảng 15 cây số thôi; khoảng hơn 4h chiều, tôi đi ngang qua một bản của người Lào Sumo thì một bà mẹ đang chẻ củi dừng tay lau mồ hôi và xin tôi một quả cam (tôi mua ở Oudomxay 5.000 kíp/2 kilo.) Sau đó mẹ ra dấu bảo tôi vào nhà mẹ mà ngủ. Dù còn sớm nhưng tôi đồng ý luôn.

Lào có một đặc điểm mà Trung Quốc không có – đó là con nít quá trời; con nít còn nhiều hơn cả người lớn nữa. Lúc ấy còn sớm nên phụ nữ lên rẫy chưa về. Điều lạ là ở bản này hình như chỉ có phụ nữ làm việc, còn đàn ông thì ngồi nhà chơi.

Nhà mẹ Thu (sau này mẹ bảo tôi nhận là mẹ và nói tên gì đấy mà tiếng Việt nghe như tên Thu đấy) cũng thế. Mẹ Thu vừa cõng cháu nội 1 tuổi rưỡi vừa xách nước vừa rửa bát vừa xấy lúa (xấy lúa bằng cách cho vào một cái chảo to đun lửa lên, cho lúa vào trộn đến khi nào thơm, ăn dẻo dẻo thì xúc ra và cho lúa khác vào) còn chồng mẹ thì nằm trong buồng ngủ; con trai của mẹ cũng nằm ngủ trong khi người con dâu 21-22 tuổi lên rẫy đến chiều tối mới về. (Mới 21-22 tuổi mà chị ta có đến 3 con: 6 tuổi, 3 tuổi rưỡi và một tuổi rưỡi) Lúc tôi mới vào nhà thì có vài ba thanh niên (lại là đàn ông) đang xem video.

Tôi phụ mẹ Thu xách nước và chơi cùng mấy đứa trẻ con. Người con dâu về bắt đầu lấy sàng ra sàng lúa để xấy, sàng hết lúa thì đến sàng gạo để nấu cơm, sau đó thì nhặt rau và tắm con. Nói chung là chị ta làm lắt xắt suốt. Một cô hàng xóm sang đưa cho một bịch táo. Chị ta lấy đưa cho mấy đứa nhỏ, không mời tôi một quả làm khách nữa chứ. Cô hàng xóm sàng lúa giúp.

Sau đó mọi người quây quần ăn cơm. Mâm cơm như sau: cơm được cho vào một cái rổ nhựa đỏ để giữa mâm. Trên cơm là mấy cáo muỗng. Hai thau canh canh rau và hai đĩa muối ớt được để hai bên. Mọi người đua nhau cầm lấy muỗng xắn cơm, múc rau, hấp nước. Chị con dâu có một hai con cá trong bịch lấy choc ho mọi người. Chị ta chia cho mấy đứa nhỏ, chồng, một cô gái và một cậu bé 15-16 tuổi (chắc em họ), chị ta chả mời tôi lấy một miếng làm khách .


Trong gia đình này, tôi đặc biệt để ý đến một cô bé 7 tuổi, con riêng của người chồng. Tội con bé sống với mẹ ghẻ, hình như thiếu tình thương của mẹ nên suốt ngày làm nũng với người bà. Mà mẹ Thu cũng cưng con bé lắm, có gì cũng đưa cho nó. Lúc mọi người ăn cơm, mẹ Thu đang ngồi bên bếp xấy lúa thì con bè cũng chẳng ăn mà chờ mẹ Thu để ăn chung. Con bé mới 7 tuổi nhưng rất xinh đẹp và trông đài các nữa chứ. Tuy nhiên đôi mắt lúc nào cũng buồn và ươn ướt. Con bé đã 7 tuổi mà vẫn chưa đi học. Tôi đoán chắc mọi người để nó thất học luôn. Tôi muốn hỏi học phí bao nhiêu một năm để bảo trợ nó nhưng chẳng ai hiểu tôi cả. Con bé mà sống lây lất thế thì khoảng vài năm sau lấy chồng rồi lại đẻ con sống vất vả. Tội nghiệp cho một nhan sắc trời sinh!

Buổi tối, con bé 15 tuổi lấy chiếu, nệm ra trải….dưới đất, rồi lấy một cái mềm phủ luôn, nó để lên hai cái gối, và lấy ra một cái mềm. Mọi người bảo tôi ngủ ở đó (trong khi mọi người vẫn ngủ trên giường ở trong phòng). Con bé 15 tuổi đi chơi với người yêu đến tận khuya (tôi thấy có người đưa con bé về nhà mà-chắc năm sau lấy chồng rồi, cô gái ấy trông rất đẹp đấy.) Mọi người đi ngủ hết ngoại trừ mẹ Thu và con bé 7 tuổi. Con bé này chả tắm rửa gì cả nên người hôi quá trong khi mấy đứa trẻ khác tự ý đi ra giếng tắm cả. Tôi thấy chả ai nhắc nhở con bé đi tắm cả. Hình như nó cứ sống và lớn lên như cây dại ấy. Tôi mà không còn hăng máu đi bụi chắc xin con bé này đem về Việt Nam luôn rồi.

Sáng lúc tôi ra ngoài đánh răng rửa mặt thì thấy vài phụ nữ vây quanh lấy một anh bán cải thảo. Tôi cũng mua một bịch 3 cây cải giá 4.000 kíp. Khi tôi vào đưa cho chị con dâu thì chị ta có vẻ ngạc nhiên còn mẹ Thu thì vui quá nên vỗ tay. Tôi ra tiệm tạp hóa mua thêm 6 quả trứng gà.

Mọi người dẹp món đậu que với bí và rau thường ăn vào và lấy cải thảo ra. Tôi phụ con bé 15 tuổi lặt và rửa. Canh nấu như sau: một cái nồi to cho lên bếp, cho hai muỗng muối vào, sau đó cho rau vào nấu nhừ, rồi đập trứng cho vào, nhắc xuống, dọn ra hai cái thau, mỗi thau cho thêm một muỗng bột nêm vào. Buổi tối ăn cơm thường, sáng ăn cơm nếp. Mọi người ăn quá trời nên nồi canh to hết veo. Hình như lâu ngày không được ăn đổi món nên mọi người ăn thấy ngon miệng hơn chăng?

Ăn xong mẹ Thu còn nấu thêm một nồi cơm nếp để tôi mang đi ăn dọc đường. Cách nấu như sau: một nồi nước được bắt lên bếp, nấu cho sôi, nếp rửa sạch rồi cho vào một cái giống như cái nón tam giác bằng mây, cái nón mây được để lên trên nồi nước sôi, đậy nắp lại và cứ thế mà hấp đến khi cơm chín. Cách nấu này làm cho cơm nếp không quá dẻo nên ăn không ngán. Mẹ Thu ra dấu bảo tôi chờ cơm chín để gói mang theo.

Vậy là trong lúc ngồi chờ, tôi tranh thủ lấy máy tính ra sạc điện và hong quần jeans cho khô. Lúc ấy anh con trai của mẹ (mẹ Thu chỉ có duy nhất một người con này thôi) lấy ra tờ một 100 đô Mỹ và hỏi tôi phải đây là tiền Việt không? Tôi nói không phải, đây là đô la Mỹ. Không hiểu tên Việt Nam nào chắc xấu hổ do tỷ giá tiền Việt thấp hơn tiền Lào mà bảo rằng đô Mỹ là tiền Việt chăng? Anh ta lấy ra ba tờ 100 đô Mỹ cho tôi xem (chả biết đô thiệt hay giả nữa?) và bảo tôi cho anh ta xem tiền Việt Nam có hình Hồ Chí Minh. Vậy là tôi lấy tiền Việt, mọi người thấy tiền các nước khác nên đòi xem luôn.

Mẹ Thu cứ theo xin tiền tôi mãi. Tôi ghét lắm nên chỉ cho mẹ trái cây và thức ăn mà tôi có mà thôi. Máy tính sạc xong thì tôi chia tay mẹ Thu để lên đường (mọi người lên rẫy hay đi đâu mất tiêu hết rồi, chỉ còn mẹ Thu do muốn xin tiền tôi nên chờ). Mẹ Thu vác địu đi theo tôi bảo là đi địu cũi về. Lúc mẹ cõng bó cũi lên, tôi chụp hình, mẹ lại xin tiền, tôi lấy 5.000 kíp ra đưa. Mẹ vui quá bảo lần sau ghé làng cứ đến nhà mẹ mà ngủ.

Tôi lại đẩy bộ xe lên dốc. Mệt quá ngồi nghỉ và lấy cơm nếp của mẹ Thu ra ăn, xung quanh rau dấp cá quá trời nhưng mọc thấp lè tè dưới đất nên tôi ngại dơ mà không hái. Tôi đẩy xe đi đến gần chiều thì xe xuống dốc. Lúc ngồi trên xe vun vút xuống dốc, tôi đi ngang một ngôi trường chỉ có hai phòng học đơn sơ bằng tre, trống thông thốc, từ bên ngoài nhìn vào thấy cả. Phòng có vài cái bàn ghế gỗ và một tấm bảng. Tôi dừng lại nhìn ngó, chả có ai chỉ có một con chó canh tôi mà bước thêm vài bước để sủa ỏm tỏi. Tôi lại lên xe chạy. Ngang qua các buôn làng, bọn con nít lại chạy theo tôi mà Sabaidee.

Chỉ còn vài cây nữa là đến Pakmong –nơi mà tôi biết chắc là có nhiều nhà trọ, tôi dừng lại ở một buôn nhưng tôi không vào buôn mà ghé vào một đập nước gần đấy. Vắng tanh, tôi lên xe đi thêm một tí thì thấy một con đường cỏ xanh mướt dẫn quanh co vào ngôi nhà gạch bên dưới mà tôi đoán là một cơ quan nào đấy. Gần đấy có cả nơi gửi xe có mái che bên trên. Tôi đi xuống xem, không có ai, tôi dự định dựng trại dưới mái che nhưng sau đó lại dựng bên ngoài ngủ giữa trời cho thoáng. Từ đó đi xuống sông không xa lắm nên tôi yên tâm là hôm sau có nơi tắm rửa.


Tôi lấy cơm và thức ăn ra nhai dưới ánh trăng. Muỗi cắn quá trời. Tôi vừa chui vào lều thì nghe có tiếng xe gắn máy đi xuống dốc. Tôi khóa lều lại vì không muốn nói chuyện. Tiếng xe máy đi thẳng xuống căn nhà bên dưới và một lúc sau thì một tiếng nói vang lên. Tôi giả vờ ngủ rồi nên không nghe thấy, vậy mà cũng không yên. Tôi đành mở lều ra, một thanh niên đang đứng trước mặt, hỏi tôi nói tiếng Anh được không. Anh ta nói anh ta ngủ ở nhà bên dưới một mình, anh ta là thợ điện, đây là đập thủy điện. Anh ta hỏi tôi có muốn ngủ với anh ta không? Tôi nghĩ chắc anh ta mời tôi vào nhà ngủ nhưng tiếng Anh dở quá thành ra nói có muốn ngủ với anh ta không (lỗi này người Việt học tiếng Anh cũng hay mắc đấy mà.)

Anh ta hỏi tôi như thế nhiều lần, tôi nói không; tôi muốn ngủ trong lều của mình. Tôi nói tôi có thể vào làng ngủ trong nhà người dân nhưng tôi muốn ngủ trong lều của mình để được thanh tịnh. Anh ta chỉ vào lều và nói anh ta có thể vào ngủ chung không? Tôi nói không. Bây giờ tôi biết thì ra anh ta cố ý muốn tôi ngủ chung chứ không phải do tiếng Anh dở mà mắc lỗi.

Anh ta rủ tôi xuống nhà xem tivi. Tôi biết tôi mà xuống thì thế nào anh ta cũng dở trò dê xồm; vả lại tôi muốn ngủ. Mới hơn 7h tối nhưng ở Lào tôi muốn ngủ vào giờ đó không hà. Anh ta bỏ đi xuống dưới và tôi nghe tiếng tivi. Một lúc anh ta lại cầm đèn pin đi lên và nói anh ta trả tiền. Tôi hỏi tiền gì. Anh ta nói tiếng Anh lịch sự như thế này mới ghê chứ: “May I sleep with you?” Tôi không muốn ngồi dậy mà mở lều “tám” nên tôi bảo tôi muốn ngủ ở trong lều, một mình. Anh ta bỏ đi vào ngôi làng gần đấy.

Ở Lào cắm trại rất dễ, cỏ xanh mướt và dầy nên nằm rất êm lưng. Tuy nhiên sương đêm rất nhiều. Buổi sáng mà dậy thì sương ướt đẫm lều như có mưa nhẹ vậy đó. Tuy nhiên khi cắm trại ở Lào tôi lại ngủ ngon giấc nhất. Cỏ êm, cảnh đẹp, an toàn, không lạnh không nóng, tôi lót áo bên dưới, đắp áo mưa bên trên, vậy là ngủ thẳng cẳng.

Dân Lào đi ngủ rất trễ và dậy rất sớm. Khoảng khuya tôi nghe tiếng anh chàng thợ điện về, may là anh ta không gõ lều bảo tôi ngủ chung anh ta nữa. Sáng chưa đến 7h anh ta đến bảo tôi dậy dạy tiếng Anh cho anh ta. Vô duyên ghê! Anh ta dụ tôi bảo lát nữa có xe lớn xuống đỗ ở đây nên tôi phải dậy. Lúc ấy mới 7h sáng, tôi chỉ vào đồng hồ và nói tôi ngủ đến 9h mới dậy. Anh ta nói anh ta 4h30 sáng dậy rồi. Không hiểu sao dân Lào ngủ ít thế nhỉ?

Anh ta lại “tám.” Tôi lấy đồ xuống sông tắm rửa và giặt giũ. Anh ta lịch sự lấy xà bông, bàn chải cho tôi mượn nhưng tôi thích dùng đồ của mình hơn. Anh ta lên bờ ngồi chờ tôi. Tôi tắm xong muốn chui vào lều thay đồ nhưng anh ta ở đó nên không thay đồ được. Thì ra anh ta hết ca trực rồi, đáng lẽ phải về cơ quan ở NamPak làm việc nhưng do muốn dụ tôi về đó chung nên cố ngồi chờ tôi. Quần áo tôi ướt mà không thay đồ được, hành lý còn trong lều nên tôi từ chối không đi (nếu không thì tôi cũng dám đi cho thỏa… óc tò mò lắm đó.) Anh chàng Lào này 25 tuổi, nhìn cặp mắt hiền từ (đặc sản của dân Lào) nên tôi thấy chả có gì nguy hiểm khi đi chung với anh ta lắm (ngoại trừ việc anh ta cứ đòi ngủ chung tôi- mà sao nhiều tên đòi ngủ chung tôi thế nhỉ?)

Anh ta xem đồng hồ xong thì nói gì đó ý là bạn anh ta đến trực và lên xe đi. Tôi lại được ở một mình. Tôi lấy ba lô ra sắp xếp lại. Cái gì không cần thì để ra ngoài để cho. Lúc ấy một đám con nít đến và ngồi nhìn tôi (hình như bọn chúng xuống sông làm gì đó.) Tôi mặc kệ nên nhìn một lát, chúng bỏ đi hết.

Tôi thật ra muốn cắm trại ở đây là muốn mở máy tính viết bài nhưng từ tối đến sáng cứ luôn bị quấy rối như thế. Khi mọi người đi hết tôi còn lại một mình thì trời lại quá nóng. Tôi đành cuốn gói đi.

Tôi đẩy xe ra đường và cứ lên dốc thì đẩy, xuống dốc thì leo lên xe khoảng 5-6 cây số sau thì bắt đầu vào thị trấn Pakmong. Tôi dừng lại trước một tiệm tạp hóa nhỏ ăn hai tô khợp pun (thật ra giống như bún riêu nhưng nấu với măng) giá 2.000 kíp/tô. Tôi lấy chai nhựa rỗng ra đưa cho mẹ. Mẹ vào tủ lạnh lấy nước vối ra rót vào chai 1 lít cho tôi. Tôi hỏi tiền. Mẹ bảo không lấy. Tôi đưa mẹ 1.000 kíp. Sau đó trời nóng quá nên tôi ở lại “tám”. Tôi mua một hộp mắm ruốc nhỏ (loại tôi ghiền ăn đấy) giá 3.000 kíp. Món này chấm cơm hay rau ăn đều ngon cả. Tôi nói mình là người Việt và hỏi giá vài món dụng cụ học tập. Khi tôi hỏi giá bút bi, mẹ không nói giá mà nói gì đó mà sau này tôi đoán là muốn tặng tôi miễn phí, nhưng tôi trả lại cho mẹ.

Chia tay mẹ, tôi lên đẩy xe lên dốc thì đến Pakmong. Thật ra Pakmong là một ngã ba với nhiều quán cơm, nhà trọ, tiệm tạp hóa để đón khách chờ xe. Nhiều xe đậu ở đây lắm. Tôi hỏi đường đi LuangPrabang và ghé vào một tiệm cơm mà tôi đoán là của người Hoa bởi tôi nghe nói người Hoa ở đây đông lắm để mua hai con cóc chiên giá 5.000 kíp/hai con.

Luang Prabang cách Pakmong khoảng 100 cây số. Tôi đạp xe đi qua các ngôi nhà ở Pakmong giữa trời nắng gắt kinh dị luôn. Hết chịu nổi, tôi dừng lại ở một căn chòi canh lúa bên đường để nghỉ ngơi. Tôi lấy cơm ra ăn dù vừa mới ăn xong hai tô khợp pun. Ngủ một tí thì tôi dậy lấy giấy viết ra viết bài này đến đây.

Kỳ sau: Trở lại Lào (4): Đạp xe từ Pakmong đến LuangPrabang

1 nhận xét:

  1. "Tôi thấy người Quảng Ngãi đối với tôi thật thà hơn bọn Nghệ An này đấy": còn phải nói !!!

    Trả lờiXóa