Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011
Trở lại Lào (2): Moxay/ Muong Xay / Oudomxay
Việc đầu tiên tôi làm khi đến Moxay là đến ngay máy rút tiền của ngân hàng BCEL(Banque Pour Le Commerce Exterieur Lao- Ngân hàng ngoại thương Lào- Ở Lào tiếng Pháp vẫn còn được sử dụng trên các bảng hiệu khá nhiều) cho thẻ của mình vào thử xem sử dụng được không. Tôi rút 300.000 kip, tương đương 900.000 VND. Vậy là có tiền kip rồi, tôi ung dung đạp xe dạo phố cùng tất cả hành lý của mình. Người dân nhìn ngó tôi đã đời luôn.
Tôi thả xe xuống dốc để vào một ngôi chợ. Người mua bán qua lại nhộn nhịp. Ở đây họ bán món gì mà trông như tổ ong nhưng lại giống như con nhộng hay tằm vậy đó. Họ bán rất nhiều; tôi không hình dung nổi món này ăn như thế nào nữa.
Ra khỏi chợ tôi vào tiệm tạp hóa mua cả lốc sữa đậy nành Lactasoy của Thái Lan. Nếu mua lẻ giá 3000 kip/hộp; mua ở dọc đường giá 4000 kip/hộp nhưng mua cả lốc 6 hộp giá 15.000 kip/lốc, vậy mỗi hộp chỉ khoảng 2500 kip thôi. Vậy là tôi mua luôn cả lốc treo lên xe. Ngoài ra tôi mua nước uống. Nước đắt hơn cả ở Việt Nam lẫn Trung Quốc. Một chai nước lọc (không phải nước khoáng hay nước suối gì đâu) 1 lít giá 2000 kip, tương đương 6 ngàn đồng; trong khi ở Trong quốc một chai 1.5 lít giá 2 tệ (khoảng 2500 kíp), ở Việt Nam còn rẻ hơn nữa.
Tôi đạp xe đi tìm nhà trọ. Dọc theo đường cái có nhiều lắm, mà nếu đi vào các con đường nhỏ cũng có nữa. Tôi thấy một tấm bảng hiệu của một nhà trọ, quẹo vào, cạnh nó là một tiệm internet. Lâu rồi không vào mạng nên tôi ưu tiên vào mạng trước. Giá 6000 kip/giờ (khoảng 15.000 đồng). Đắt hơn cả ở Trung Quốc. Tôi chỉ vào gửi bài thôi, không hình được bởi vì tải hình lâu lắm. Vậy mà cũng hết một giờ đồng hồ.
Tôi qua hỏi phòng trọ. Phòng nhỏ không có toilet giá 30.000 kip (khoảng 90.000 đồng) phòng có toilet bên trong giá 40.000 kip. Tôi trả giá không được nên đẩy xe ra. Tôi đi dọc theo đường chính thì đến bến xe. Ở khu này nhà trọ và quán ăn rất nhiều (đa phần là của người Hoa.) Giá phòng ở đây 50-60.000 kip (phòng không tệ nếu đi hai người.) Có phòng không có toilet giá 40.000 tệ.
Không ở đâu cả, tôi đạp xe đi thẳng, ghé và một căn nhà đóng kín cửa lấy nước, tôi tìm nơi cắm trại. Cách trung tâm khoảng 3 cây số là một cây xăng. Vài chiếc xe tải đậu lại ngủ. Tôi vào thám thính bãi cỏ bên trong thấy có thể cắm trại nên đẩy xe vào ra dấu mình muốn cắm trại. Mấy anh chàng ở đây chỉ tôi cắm trại bên trong có mái che trên, nền xi măng, cũng gần giường họ ngủ; thật ra tôi muốn cắm trại trên cỏ nằm cho êm lưng nhưng họ cứ bảo mãi nên tôi đành vào trong.
Họ phụ tôi dựng trại. Lúc ấy họ cố gắng giao tiếp với tôi. Cũng như không bởi tôi có hiểu gì đâu. Khi biết tôi là người Việt, họ bảo tôi dạy họ đếm số tiếng Việt. Vậy là tôi đếm trước và họ chăm chỉ đếm theo như sau: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười, bồi, đầm, già, ách, heo. (hehehe) Sau này nghe người Lào nào đếm số theo kiểu này thì rất có thể là “học trò” của tôi đấy nghen các bạn!
Lúc ấy có một anh chàng sinh viên trường Y học dân tộc đang cùng chú đi đâu ngang qua. Người chú thấy cái trại của tôi nên tò mò đến “tám” bằng tiếng Lào (tôi hiểu được chết liền.) Ông ta hỏi tôi biết tiếng Anh không và gọi cậu sinh viên này đến nói. Vậy tôi ngồi bên trong lều, cậu ta ngồi bên ngoài nói chuyện. Qua đó, tôi học thêm một số từ tiếng Lào nữa. Cậu ta cho biết người đối với người Lào thì Việt Nam và Lào là brothers and sisters.
Tôi ngủ một giấc đến sáng thì nói mấy anh chàng ở cây xăng gửi đồ rồi chạy xe đạp quay về Moxay để ăn món phở Lào. Tôi thấy dọc đường có một trại làm bún; họ phơi bún ngoài sân y như phơi quần áo vậy. Tôi ghé đại vào một quán phở của một anh chàng hifi trên đường ăn tô phở giá 10.000 kip (tương đương 30.000 đồng-không rẻ tí nào bởi giá này là ở các nhà hàng ở Sài Gòn cơ mà) Ở đây người dân ăn bún với một loại mắm trông như mắm ruốc khá ngon; món mắm này dùng chấm rau hay ăn với cơm đều ngon cả. Tôi ghiền món mắm ruốc của Lào rồi đấy!
Ăn xong tôi lại đạp xe loanh quanh xem Moxay. Moxay hầu như chả có gì để xem ngoài cuộc sống người dân ở đây. Có vài suối nước nóng, có cái ở gần, có cái ở xa hơn 20 cây số; ngoài ra còn vài một ngôi chùa mà tôi thấy có bảng chỉ đường vào. Tuy nhiên tôi chỉ đạp xe loanh quanh chứ không đến những nơi này. Để an toàn, tôi ghé máy rút tiền của BECL rút thêm 100.000 kíp (xem như back up money).
Moxay có 3 cái chợ và theo tôi thức ăn ở đây đắt hơn so với ở những ngôi làng mà tôi thấy dọc đường. Phở trong chợ cũng có giá 10.000 kíp (người dân ăn bột nêm rất nhiều); một vắt cơm nếp có giá 2.000 kip; bịch bún xào nhỏ xíu gắp chừng hai ba đũa là hết có giá 1.000 kip; chuối già 4 quả 2.000 kip.
Từ trung tâm về, tôi được mời ăn trưa với cơm nếp với canh rau nấu thịt bò và cá chiên (món ăn lúc sáng còn dư lại.) Tôi chủ yếu ăn cơm nếp; tôi ghiền món này lắm. Anh chàng quản lý ở đây cứ đòi tối chui vào lều của tôi mà ngủ mãi. Anh chàng này xèo nẹo vụ đó từ tối hôm trước đến tận ngày hôm sau. Chả lẽ tôi oánh anh ta chứ (như thế mất hết tình anh chị em) nên sau khi ăn trưa, nghỉ ngơi, tôi dọn trại và lên đường.
Moxay hay còn gọi là thành phố Oudomxay là thủ phủ của tỉnh Oudomxay, một tỉnh được xem là “Heart of Northern Làos.”
Kỳ sau: Trở lại Lào (3): Đạp xe từ Moxay đến Pakmong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét