Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011
Trở lại Lào (7): Đạp xe từ B. Kumkiewya đến Muong Phou Khan
Chia tay mọi người ở B. Kumkiewya, tôi xuống dốc khoảng vài cây đến cầu Namming. Tôi dừng lại mua hai quả dưa leo giá 1000 kíp/quả để chuẩn bị cho hành trình leo dốc.
Tôi đẩy xe đến buôn KiewtalounLaoTheung và mua trái cây, mỗi món chỉ khoảng 1-2000 kíp thôi. Ở đây có loại củ sắn mà mỗi củ to bằng một quả bí rợ hoặc quả bưởi; loại nhỏ nhất thì tương đương loại to nhất mà tôi thấy ở Việt Nam. Tôi mua hai củ loại nhỏ nhất giá 2.000 kíp/củ, lột vỏ chấm mắm ruốc, ăn khá ngon và có nhiều nước. Lúc ấy không có khách nào ghé gian hàng của mẹ này cả nhưng khi tôi dừng mua sắn thì hai chiếc xe du lịch cũng đỗ cái xịch và tranh nhau mua làm mấy gian hàng bên cạnh phải bước sang xem có gì mà gian hàng này huyên náo đến thế!
Ở bản làng này có một ngôi trường ở trên đồi chỉ có 3 phòng học thôi. Học trò đi học trông rất nhếch nhác và không mặc đồng phục. Lạ một điều là mỗi đứa ngoài cái túi sách vở còn mang theo cái liềm hay lưỡi hái (chả hiểu). Tôi dự định lấy đồ ra tặng nhưng học trò cả ba lớp (lúc ấy đang nghỉ giải lao) bu lại chăm chú nhìn tôi. Tôi lại không có đủ để cho tất nên đành dẹp ý định ấy qua một bên.
Lại gặp Andrea
Những túp lều thế này là đặc sản ở Lào.
Càng về chiều thì tôi càng độc hành trên con đường tưởng như bất tận chỉ có tôi, núi, rừng, cây cỏ, tiếng chim líu lo và vài chiếc xe thỉnh thoảng chạy qua. Tôi nghe rõ tiếng thở và tiếng dép giá 5 tệ nhịp bước trên đường. Tôi tranh thủ tận hưởng bầu không khí thanh bình và trong lành nơi đây từng giây bởi tôi không nghĩ mình sẽ lại có cơ hội độc hành trên con đường này với khung cảnh như thế này nữa.
Vòi nước kiểu Lào
Lúc ấy đã chiều và tôi hoàn toàn không biết là mình có thể gặp bất kỳ bản làng nào hay không nên vừa đi tôi vừa ngó nghiêng ngắm cảnh vừa tìm nơi cắm trại. Tôi thấy một cái lều bên đường và cạnh nó là một lối mòn. Tôi dựng xe ven đường và đi vào lối mòn. Thật ra đó là một nơi cắm trại khá lý tưởng nhưng quá vắng vẻ nên tôi cũng sợ. Tôi dừng lại đi toilet, đang thưởng thức thì chợt nghe có tiếng nói bên trên. Tôi hết hồn, vội vã kéo quần ngồi dậy và đi ra. Ngay đầu lối vào đường mòn là ba thanh niên đeo súng (chắc súng săn), loại AK, ăn mặc bảnh bao nước hoa thơm nức (chắc quý tử) đang đứng nhìn chiếc xe đạp của tôi và nói chuyện. Thấy tôi ra, một tên nói gì đó mà có từ “Việt.” Tôi trả lời: “côn Việt” (người Việt)
Lúc ấy đẩy xe lên dốc là hai đứa trẻ. Vậy là tôi hết độc hành. Một đứa đẩy xe còn đứa kia nhỏ hơn thì vừa đi vừa cầm cái lon cà lên các cây cột xi măng. Tôi chả biết vì sao. Một lúc sau khi đến một thảm cỏ đầy một loại côn trùng bay (tôi không biết tên, không phải là đom đóm đâu), bọn chúng reo lên và cà cái lon vào cây cột điện bên cạnh. Thì ra chúng muốn mở nắp cái lon nước ngọt mà người ta sau khi khui một miếng nắp ra uống xong thì vứt đi. Chúng cà một hồi thì mở được cả cái nắp ra và bắt đầu bắt các vật bay bay kia cho vào lon. Tôi bỏ đi. Chúng bắt xong thì cũng đẩy xe theo tôi. Trời tối mà mấy đứa trẻ này còn lang thang ngoài đường thì chắc chắn có bản làng trước mặt.
Đi một hồi thì tôi nghe tiếng cười nói vọng lên từ một quả đồi nằm bên tay trái. Vài phụ nữ đang tắm dưới cái vòi nước công cộng và lố nhố vài nếp nhà. Đó là B. KiewtalounLaoSoung. Hai đứa bé có vẻ muốn tôi theo bọn chúng lên núi vào buôn nhưng nhìn con dốc thẳng đứng trước mặt, tôi ngán quá nên đẩy xe đi qua luôn. Tôi đi trong bóng đêm với con đường trăng trắng trước mặt.
Tôi dừng trước một ngôi nhà và hỏi có thể căng lều ngủ trong nhà họ hay không. Gia đình này đang ăn cơm và họ mời tôi ăn cùng. Tôi từ chối nói không muốn ăn, chỉ muốn ngủ thôi. Họ bảo nhà họ có trẻ con và nó sẽ khóc quấy nên tôi không ngủ được. Họ quả thật là người tốt. Một người đàn ông đứng dậy và hướng dẫn tôi đến một tiệm tạp hóa gần đó. Thật ra là ông ta dẫn tôi đi trong bóng tối đến nơi ấy. Một anh chàng biết nói tiếng Anh bập bẹ ra bảo tôi rằng tôi đi đến bản Kiewkacham cách đó chỉ 400 mét thì sẽ có nhà trọ. Tôi hỏi có thể căng lều ngủ trước cửa nhà anh ta không. Anh ta bảo không được. Chắc họ không hình dung ra ngủ lều thế nào nhỉ?
Tôi lần mò đi và lại dừng trước một ngôi nhà hỏi họ có thể cắm trại ngủ dưới mái hiên cạnh nhà họ hay không thì người phụ nữ tham lam ấy bảo do tôi ngủ nhờ mái hiên nên tôi phải trả tiền. Thật buồn cười! Tôi hỏi bao nhiêu? Chị ta bảo 50 ngàn kíp. Đúng là tham quá đỗi. Khi tôi hỏi giá, chắc chị ta nghĩ tôi sẽ trả tiền để căng lều ngủ mái hiên nên ra giá càng cao càng tốt ấy. Thật ra càng gần thành phố hay thị trấn lớn thì con người càng ít thân thiện và tìm cách moi tiền du khách!
Vậy là tôi không còn cách nào khác, chạy xe vào Kiewkacham, thật ra giống như Pakmong là một ngã ba với nhiều quán ăn và nhà trọ cho khách chờ xe. Tại đây cái gì cũng mắc và nhà trọ có giá 50 ngàn kíp/phòng, trong khi ở Luang Prabang tôi chỉ trả có 30 ngàn kíp mà còn có cả wifi. Tôi đạp xe đi luôn về hướng Vang Vieng. Ra khỏi bản Kiewkacham là vài bản làng nằm san sát nhau. Tôi tìm không ra chỗ cắm trại. Thật ra có một ngôi trường với bãi cỏ mướt mượt nhưng lúc ấy nhiều trẻ con ở gần ấy nên tôi đi luôn. Tôi lấy đèn pin ra gắn lên đầu và đạp xe trong bóng đêm. Xe hết thả dốc lại lên dốc. Tôi không dám dừng ở nơi hoang vắng vì sợ. Tôi đi qua hết các cụm buôn làng và đẩy xe trong bóng đêm ở một nơi một bên là núi, một bên là vực. Thật ra tôi cũng sợ. Nếu có cướp thì coi như tôi “toi.”
Vài chiếc xe chạy ngang qua, từ từ, nhìn tôi, chắc “kinh ngạc” (cái này là tôi đoán bởi vì họ chạy từ từ qua tôi mừ). Tôi nghĩ chỉ cần tôi ra hiệu xin quá giang thì họ dừng lại ngay nhưng tôi, ngoại trừ ở Mông Cổ, hiếm khi nào quá giang lắm, nếu họ không tự dừng lại hỏi thì thôi chứ tôi chả bao giờ muốn ra dấu cả. Vì sao? Bởi vì tôi cảm thấy bị mất mặt khi ra dấu quá giang mà xe không dừng lại đấy.
Một chiếc xe tải nhỏ, dạng pick up truck, chạy ngang qua tôi, một thanh niên thò mặt ra nhìn tôi chăm chú. Tôi vẫn không ra dấu quá giang. Xe chạy chậm chạp ngang qua tôi khoảng 100 mét, rồi dừng lại. Tài xế xuống kiểm tra bánh xe và chờ tôi đẩy xe tới. Ông ta nhỏ bé, da sạm nắng, nét mặt rắn rỏi của một người thạo đời. Người thanh niên đi cùng có nước da trắng hơn, trẻ tuổi, cũng hơi good-looking, có vẻ ít kinh nghiệm về đời, nói chung có vẻ công tử “bột.” Tôi đoán chắc họ là hai bố con.
Người tài xế hỏi tôi bằng tiếng Lào: đi đâu? Tôi nói muốn đến Vang Viêng nhưng đang tìm chỗ ngủ. Thực ra ý của tôi là muốn đến buôn gần nhất xin ngủ ké nhưng tôi không diễn đạt được bằng tiếng Lào. Ông ta bảo còn 40 cây nữa mới đến. Tôi hơi kinh ngạc bởi vì ở Lào làm gì có buôn nào mà xa đến thế, thường chỉ đi vài cây là có một buôn. Ông ta hỏi tôi có muốn lên xe quá giang đến đó ngủ hay không? Tôi ngần ngại bởi vì làm biếng dở hành lý xuống chỉ để đi 40 cây, vả lại đồ đạc tôi khá nhiều. Ông ta nói ba lô hành lý để phía trước, xe đạp để lên hàng hóa của họ ở phía sau. Muốn từ chối nên tôi nói: “bo mi ngân” (không có tiền) Ông ta bảo không cần trả tiền. Vậy là tôi đồng ý luôn. Cũng khá là phiêu lưu bởi vì giữa đêm hôm mà lên xe của hai người đàn ông lạ mặt thì có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, tôi có cảm giác tin tưởng người thanh niên trẻ tuổi.
Trong lúc họ phụ tôi dỡ hành lý xuống, tôi hỏi theo kiểu hú họa: “côn chinh tê?” (phải người Trung Quốc không?) và họ trả lời phải. Vậy là từ đó về sau, tôi nói tiếng phổ thông với họ luôn. Quả là biết tiếng Hoa trong nhiều tình huống cũng có ích ghê gớm. Và kể từ lúc tôi nói tiếng Hoa với họ thì tôi lại gặp rắc rối. Nhiều khi cứ ú ớ chả biết lại lợi hơn nhiều các bạn nhỉ? Rắc rối đó là như sau:
Đầu tiên tôi hỏi thông tin về họ. Họ là người Hunan (Hồ Nam) đến Lào làm ăn. Người tài xế ở Lào 15 năm rồi; hình như người thanh niên ít rành tiếng Lào hơn ông ta. Ông ta có 3 vợ: 2 vợ Trung Quốc và một vợ Lào; vợ Lào cho ông ta 3 con, đứa lớn nhất 16 tuổi; vợ Trung Quốc cho ông ta một con. Người thanh niên chưa có vợ bởi vì ở Trung quốc nam thịnh nữ suy nên khó tìm vợ. Khi tôi bảo tôi thấy phụ nữ Lào rất đẹp, sao anh ta không kết hôn một người? Anh nói gì đó mà hình như là chê thì phải. Ông tài xế bảo phụ nữ Lào không đẹp và tôi mới đẹp (hehehe, nghe mà khoái)
Tôi nói tôi ở Trung Quốc 8 tháng rồi. Họ hỏi làm gì. Tôi nói đại là đi học và bây giờ muốn về Việt Nam (nói xạo mừ) Người tài xế vừa hỏi chuyện vừa lái xe vừa lấy tay kia đặt lên đùi tôi và vuốt ve. Tôi gạt tay ông ta xuống và ngồi xích lại phía người thanh niên. Cảm giác của tôi lại đúng thêm một lần nữa. Anh ta không hề lợi dụng đụng chạm vào người tôi như gã tài xế.
Gã tài xế nói tiếng phổ thông giọng Hồ Nam nên rất khó nghe. Rất nhiều lần người thanh niên phải dịch lại cho tôi từ tiếng Hoa sang tiếng Hoa (hihihi). Giọng anh ta dễ nghe hơn nhiều. Họ bảo họ đi tỉnh Xiengkhoung, nơi này nhiều du khách lắm và cũng nhiều người phụ nữ Việt Nam nữa. Tôi hỏi sao lại nhiều phụ nữ Việt Nam. Họ bảo phụ nữ Việt sang đó làm gái. Họ hỏi tôi có muốn đi Xiengkhoung không? Nếu muốn thì đi cùng họ luôn. Tôi nói muốn đi Vientiane. Thật ra đi Xiengkhoung cũng không tồi nên tôi ngồi suy nghĩ.
Gã tài xế hỏi tôi một ngày ở Lào tiêu bao nhiêu tiền. Thật ra nếu ngủ lều hoặc nhà dân trong buôn thì mỗi ngày tôi chỉ tiêu khoảng 20 ngàn kíp (khoảng 3 đô Mỹ thôi). Nếu ở thành phố lớn, ở nhà trọ và ăn uống thì mỗi ngày tôi tiêu khoảng 60 ngàn kíp (khoảng 8 đô Mỹ.) Nên tôi nói đại 60 ngàn kíp/ngày. Nghe tôi nói xong, gã tài xế bảo sẽ trả tôi 500 tệ (khoảng 80 đô Mỹ) tương đương 10 ngày tôi ở Lào để ngủ với tôi một đêm.
Nghe lời gợi ý của gã với tôi, người thanh niên trẻ phát ra một cử chỉ không lời mà tôi đoán là anh ta có vẻ không hài lòng. Chắc chuyện này thường xuyên xảy ra (nghĩa là gã tài xế thường xuyên gợi ý để ngủ với nhiều phụ nữ mà ông ta gặp.) Vậy tôi đoán là cái tính giống đực của gã tài xế này có vẻ hơi mạnh. Đó là lý do gã dừng xe cho tôi quá giang, chịu khó đứng chờ tôi dở hành lý xuống (lúc đó xe tải chạy tới bóp kèn tin tin và mắng gã vì dừng bên đường quá lâu) và bảo tôi vào ngồi giữa họ; chỉ không lâu sau khi tôi lên xe thì đã sờ đùi tôi rồi.
Tôi nói không; tôi không muốn có tiền kiểu ấy. Gã bảo chỉ một đêm với gã, tôi sống được 10 ngày ở Lào cơ mà. Tôi nói sao có 3 vợ rồi mà vẫn muốn tôi. Gã nói tiếng Hoa khá nhanh (chắc đang bị kích động) rằng tại gã thấy tôi đẹp nên muốn qua đêm với tôi, còn vợ thì ở nhà có mắc mớ gì đâu.
Chắc tôi làm gã bị kích thích lắm hay sao mà mặc dù tôi nằng nặc từ chối, gã cứ đến một cái chòi hay dãy lều mà ban ngày người địa phương dọn hàng ra bán cho khách qua lại là chạy chậm lại hỏi tôi có chịu vào đó ngủ với gã không. Gã bảo vào đó ngủ một đêm với gã, sáng hôm sau đi Xiengkhoung. Gã thanh niên trẻ thấy tôi cứ nằng nặc từ chối nên nghĩ trò chơi này vui; vì thế vào hùa với gã tìm cách thuyết phục tôi ngủ với gã. Tôi nói tôi không muốn ngủ với gã thì gã hỏi tôi có muốn ngủ với người thanh niên kia không? Tôi nói không. Gã bảo nếu không chịu ngủ trong chòi thì khi đến thị trấn lớn sẽ thuê nhà trọ ngủ với tôi. Gã này cứ khăng khăng đòi ngủ với tôi cho bằng được. Tôi nói không. Tôi ngủ một mình; tôi không ngủ với người khác.
Gã tài xế đúng là một tên “ham hố.” Trên đường đi cứ đến buôn làng nào có các cô gái đang đi ngoài đường thì gã lại thò đầu ra nói vài câu tiếng Lào mà tôi đoán là trêu ghẹo họ. Hai người này nói chuyện với nhau bằng tiếng Hồ Nam và khi nào cần nói chuyện với tôi thì họ mới nói tiếng phổ thông.
Chỉ có 40 cây số nhưng do đường xấu và quanh co, lên xuống dốc khá nhiều, và do gã cứ đòi ngủ với tôi nên xe phải đi hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến. Gã bảo muốn mời tôi ăn cơm. Tôi từ chối, nói rằng mệt quá nên không ăn nổi. Gã bảo mệt thì thuê nhà trọ ngủ, gã trả tiền nhưng phải cho gã vào ngủ chung. Lại nữa.
Chúng tôi đến ngã ba đi Vientaine và Xiengkhoung vào khoảng gần 10h tối. Tôi nói muốn đi Xiengkhoung với họ luôn. Vậy là họ không dỡ hành lý của tôi xuống. Khi người thanh niên trẻ vào nhà hàng trước để gọi đồ ăn thì gã tài xế lại gạ tôi ngủ với gã. Tôi nói không. Gã bảo nếu tôi ngủ với gã thì gã mới chở đi Xiengkhoung; nếu không thì không chở. Tôi nghĩ gã chỉ nói đùa nên bảo không chở thì tôi đi xe đạp. Từ đó đến Xienghoung chỉ khoảng 140 cây số thôi.
Bọn họ vào nhà hàng ăn tối (gà luộc chấm nước mắm ăn cùng cơm nếp; nước canh là nước luộc gà.) Thật ra họ ăn khá ít; một dĩa gà luộc nhỏ xíu mà chỉ cần một mình tôi ăn cũng đủ; vậy mà hai người ăn không hết; cơm nếp thì bọn họ chỉ ăn một ít. Gã lái xe luôn giục tôi ăn nhưng tôi từ chối, chỉ nhìn họ ăn và uống nước thôi. Tổng cộng họ trả 40 ngàn kíp cho tiền ăn.
Khi đi trở lại xe, gã tài xế nói gì đó đại ý là không chở tôi đến Xienghoung; gã bảo tôi ở lại đó ngủ một đêm; hôm sau thì tự đạp xe đi. Ở lại thì ở lại; tôi có xe, có lều thì sợ quái gì chứ. Họ lấy hành lý của tôi xuống. Khi gã tài xế đi vào nhà hàng (chắc đi toilet), gã thanh niên hỏi tôi hôm sau đi Xiengkhoung hay Vientaine; hắn nói nếu đi Xiengkhoung thì ít đồi dốc hơn và từ đó về Việt Nam chỉ có 100 cây số thôi.
Lúc ấy do tất cả hành lý của tôi đều được tháo ra khỏi xe đạp nên tôi nghĩ đến việc cắm trại ngủ luôn thay vì đi tìm nhà trọ (dù nhà trọ ở ngay bên cạnh.) May là trước đó tôi có vào bãi đất trống ngay đó đi toilet nên tôi phát hiện ra nơi lý tưởng để cắm trại. Nơi này hơi khuất đường cái nên không ai thấy và lại ở cạnh nhà dân nên an toàn. Tôi vừa dựng trong bóng tối vừa ngại có người đến hỏi nên không sử dụng đèn pin. Tôi cứ sử dụng ánh đèn rọi ra từ nhà hàng và đèn đường mà làm. Cuối cùng cũng xong. Tôi chui vào ngủ.
Lúc ấy hơn 10h tối, trời càng sáng thì càng lạnh. Tôi nghĩ lúc ấy chắc tôi đang ở cao độ không dưới 1000 mét bởi vì từ Luang Prabang muốn đến Vang Viêng phải vượt qua ít nhất ba lần dốc cao. Luang Prabang cao 400 mét. Từ đó phải lên 300 mét; rồi xuống; rồi lại lên 700 mét; rồi xuống một tí; rồi lại lên 1500 mét. Chắc hai gã Trung Quốc đã chở tôi vượt qua lần lên dốc thứ hai hay ba rồi nên tôi nghĩ tôi đang ở cao độ hơn 1000 mét.
Trời mưa. Lều tôi bị ướt. Sáng tôi nghe tiếng ai đó tắm hay gội đầu. Tôi dậy. Thật may, tôi ở ngay cạnh hai hồ nước của nhà dân bên cạnh. Vậy là có nước sử dụng. Lều, áo mưa lót dưới lều và cả áo khoác của tôi đều ướt. Tôi đành gói tất cả lại và lên đường vào khoảng gần 7h sáng. Ngay chỗ tôi nhìn xuống là một cái vực nhưng sương mù nhiều quá nên không thấy gì.
Tôi mua một lốc sữa Lactasoy 6 hộp giá 15 ngàn kíp và một chai nước uống 1.5 lít giá 5 ngàn kíp rồi lại đẩy xe lên một con dốc thẳng đứng đi về hướng Vientaine.
Kỳ sau: Trở lại Lào (8): Đạp xe từ Muong Phou Khan đến Vang Vieng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét