Kỳ trước: Cambuchia (11): Ra biên giới Poipet đóng mộc
Emilie, cô bạn người Pháp 26 tuổi ở cùng dorm của Garden Village có tấm bản đồ chi tiết của Campuchia. Vậy là chúng tôi lấy ra xem. Emilie bảo chưa thấy vùng quê Campuchia bao giờ nên muốn đạp xe ra ngoại ô theo hướng quốc lộ 67. Tôi dò theo thì thấy có ghi: “Former residence of Pon Pol’s grave,” tôi chỉ cho Emilie xem và bảo tôi muốn đi đến nơi ấy. Emilie cũng muốn đi. Vậy là chúng tôi hẹn nhau ngày mốt sẽ cùng nhau đi.
Tối hôm ấy, cô Olga, người Nga 24 tuổi, ở cạnh giường Emilie cũng bảo muốn đi nhưng cô ta bảo đi luôn vào hôm sau được không. Vậy là chúng tôi hôm sau cùng lên đường.
Chúng tôi cho đồ dùng cá nhân vào bao ny lông để trên rổ xe và gửi tất cả ba lô lại Garden Village kể cả máy vi tính. Tôi mang theo lều và áo khoác để ngủ.
|
Tất cả hành trang của tôi cho chuyến đi này. |
Hai người kia không có lều nên dự định ngủ chung với tôi trong cái lều dành cho 2 người. Emilie thì có túi ngủ (sleeping bag) còn Olga thì chỉ có tấm ga trải giường mà cô ta mang từ nhà ở Nga sang; cô ta ngủ phải có tấm ga giường cho có cảm giác đang ở nhà.
Emilie và Olga thuê xe đạp đi trong 5-7 ngày. Garden Village không cho thuê xe nhiều ngày như thế nên họ ra ngoài. Emilie thuê xe đạp thường, loại 1 đô/ngày; Olga thuê xe đạp leo núi, loại 2 đô/ngày (cô ta phải chọn tới chọn lui mãi đấy). Nếu thuê 7 ngày (nguyên tuần) thì chỉ phải trả tiền cho 6 ngày thôi. Lúc chúng tôi ngồi ăn sáng để chuẩn bị cho chuyến đi về ngoại ô thì có hai cô gái Pháp nữa đến đòi nhập bọn. Họ ngồi bàn bạc một hồi thì quyết định không đi. Đi nhóm đông hơi bất tiện khi ngủ ké nhà dân hay chùa. Vì thế tóm lại cuối cùng chỉ có 3 người chúng tôi lên đường.
Thường một thân một xe xông pha quen rồi, bây giờ thêm 2 người đồng hành thì hơi bất tiện với tôi đấy các bạn. Tại sao? Với Emilie thì không sao; cô này là dân Pháp đúng nghĩa và lại có học vấn nên còn “biết chuyện” không phiền phức gì nhiều. Duy có cô Olga thì thật là…… Cô ta luôn miệng bảo rằng không muốn làm phiền người khác nhưng quả thật là chúng tôi đa phần toàn là chờ đợi cô ta cả. Ngoài ra theo tôi nghĩ thì cô ta lại có vẻ muốn lợi dụng người khác trong tất cả mọi chuyện. Do cô ta nhỏ tuổi nhất nên tôi xem như “nít ranh” không chấp nhất làm gì.
Chúng tôi đạp xe ra chợ chờ cho Olga mua coconut cake ăn cho đã thèm trước khi ra ngoại ô nơi mà chúng tôi biết chắc là sẽ không có bán. Tôi hỏi thăm đường mấy người lái tuk tuk thì họ bảo muốn đến khu Khmer đỏ à? Và họ cho chúng tôi địa danh Anlong Veng (trước đó chúng tôi không hề có ý niệm là mình sẽ đi đến đâu mà chỉ biết là cần đi theo quốc lộ 67 thôi – phụ nữ mà đọc bản đồ thì chỉ đạt được mức như thế thôi các bạn nhé!!! Dân Châu Âu còn có câu nói: “không một phụ nữ nào có khả năng đọc bản đồ cả.” Câu này đúng đấy!!!)
Chúng tôi vừa đạp xe vừa hỏi thăm đường và đi đến quần thể Angkor Wat. Ở đây bảo vệ chặn lại bắt mua vé. Chúng tôi bảo chúng tôi không thăm Angkor Wat mà muốn đi Anlong Veng. Cậu bé bảo vệ điện thoại hỏi ý kiến sếp và còn tặng chúng tôi một cái bản đồ khu quần thể sau khi chỉ đường cặn kẽ.
Vậy là chúng tôi lại được dịp đạp xe chạy quanh khu quần thể trong không khí trong lành và dưới các tán cây cổ thụ rồi. Dọc đường chúng tôi thấy cảnh bắt cá tập thể thật vui!!!
|
Thêm chú thích |
Olga cứ dừng lại đó chụp ảnh mãi và thậm chí còn nẩy ra ý định lội xuống ruộng để chụp ảnh cho………….. đã thèm. Cô này có học về nhiếp ảnh và thỉnh thoảng có gửi ảnh đăng báo.
|
Olga, 24 tuổi, người Nga |
Chúng tôi đi cả hơn 10 cây số mà vẫn quẩn quanh trong khu quần thể. Tuy nhiên không khí trong lành thật dễ chịu và các gian hàng bán đường thốt nốt cũng như đồ lưu niệm bằng gáo dừa rất nhiều.
|
Đường thốt nốt được nấu trong chảo |
|
Sau khi nấu thì được tạo hình các hình tròn lớn nhỏ (tùy khuôn) và cho vào lá bọc lại |
|
Hàng lưu niệm |
Có cửa hàng để một hình nộm người lính làm bằng vỏ dừa trông thật ấn tượng.
Cửa hàng của tổ chức CHA (cửa hàng nằm trên đường đi đến Đền Banteay Srei) có bảng quảng cáo thật buồn cười nhưng rất sáng tạo.
CHA (The Cambodian Handicraft Association for Landmine and Polio) is a local non-government (NGO) set up in 2000 by a group of Khmer people. It produces a range of beautiful silk goods of exceptional quality made by some remarkable Cambodia disabled people.
Tổ chức này có văn phòng và cửa hàng ở cả thủ đô Phnom Penh (địa chỉ: số 54-56, Đường 113, đối diện cổng vào bảo tàng Tuol Sleng.)
|
Cô bé xinh đẹp, cháu của chủ hiệu và một góc cửa hàng ở Siem Rep |
Ngoài ra chúng tôi còn trông thấy Landmine Museum do một thương binh Khmer thành lập. Emilie rất muốn vào đây xem nhưng giá vé $3 thay cho $2 như trong sách hướng dẫn và ngoài cửa có ghi chữ: Tiền bán vé là để giúp đỡ trẻ em trong khu vực.
Lúc ấy có một cặp Châu Âu bước ra; tôi hỏi là bảo tàng có đáng xem hay không thì họ lừng khừng mãi đến khi Olga hỏi bằng tiếng Nga thì họ mới nói (thì ra họ không biết tiếng Anh); họ bảo không đáng xem lắm (có thể không biết tiếng Anh nên xem không hiểu gì hết chăng???) và còn ngoắc Olga ra ngoài đưa cho cặp vé của họ nữa; tuy nhiên vé đã được bấm lỗ và cuối cùng chúng tôi quyết định không ai vào cả.
Trong lúc chờ Olga đi toilet thì chúng tôi gặp lại 3 người ở chung dorm đạp xe đi đến National Park gần đấy (cách Siem Rep khoảng 45 cây) vào ngày hôm trước; lúc này họ đang trên đường về lại Garden Village. Họ bảo vé vào cửa là 12-13 đô gì đó nhưng họ đạp xe đi đường vòng để vào bằng lối khác miễn phí. Trong nhóm này có anh chàng người Ba Lan thường xuyên đi bụi bằng cách quá giang xe nên anh ta kể lại kinh nghiệm của mình cho mọi người nghe. Thế đấy các bạn, dân đi bụi luôn chia sẻ kinh nghiệm với nhau nên càng đi thì chúng ta càng học hỏi được nhiều cách đi ít tốn tiền thậm chí là miễn phí nữa; nếu chỉ ngồi nhà mà mơ tưởng thì còn lâu mới làm được nhé!!!!
Trời bắt đầu về chiều; chúng tôi đạp xe trên con đường vắng vẻ, ngang một vườn xoài rộng vô cùng.
Tôi bảo mọi người rằng chúng ta có thể cắm trại ngủ ở trong vườn xoài này đấy. Cuối cùng thì trời sụp tối khi chúng tôi đến được làng Kum Krum. Bên tay phải đường, người ta đang phơi cái gì đó trăng trắng, Olga đòi vào chụp ảnh. Trong lúc chờ thì tôi hỏi chuyện một người đàn ông chùa gần nhất để đến ngủ ké; anh ta trả lời bằng tiếng Anh bảo phải đi thêm 15 cây số nữa mới có và anh ta bảo chúng tôi cắm trại ngủ lại gần chỗ anh ta luôn. Anh ta đến từ Siem Rep, nói được tiếng Anh và đang thu mua khoai mì để làm bột bánh mì; họ mua từ nông dân ở trong làng và thuê người cắt khoai mì ra từng miếng nhỏ; cứ mỗi tấn thì tiền công cắt là 20 đô Mỹ. Vậy là tôi tìm ra bãi cỏ hạ trại.
|
Cắt khoai mì |
Chúng tôi dùng bữa tối với những người ở đây; họ ăn cơm với huyết heo xào với giá; Olga ăn chay nên chỉ ăn cơm thôi; Emilie tưởng huyết heo là thịt nên lấy ăn hào hứng đến khi tôi bảo là huyết heo thì cô nàng nhường luôn cho tôi và chỉ ăn giá thôi. Tôi giải thích ăn huyết heo là để giải độc cho cơ thể nên có gì là ghê gớm đâu, đặc biệt là sau khi cơ thể hít nhiều khói bụi đường thì huyết heo giúp “tống khứ” chúng ra khỏi cơ thể. Emilie bảo ở Pháp để giải độc cơ thể, người ta uống sữa; do đó những công nhân làm việc ở môi trường có độ ô nhiễm cao thì được phát sữa uống tùy thích và miễn phí. Tôi bảo sữa chỉ loại được chất độc chì ra khỏi cơ thể mà thôi, còn đối với các chất độc khác thì phải ăn uống những thứ khác như huyết heo chẳng hạn.
Khi biết tôi là người Việt Nam, anh chàng Siem Rep bảo rằng ngôi nhà cạnh bên, nơi anh ta sử dụng nước ké là Campuchia Cờ Rum (nghĩa là người gốc Việt). Đó là nhà của ông Ba (hay còn được gọi là Salem.) Gia đình này đến từ Vĩnh Long, định cư ở đây 21 năm rồi, có quốc tịch Khmer nhưng người Khmer vẫn gọi họ là “thằng Việt Nam.” Trước đây ông ta có đi lính đánh lại quân Pon Pol. Họ bảo có 6 người con, thằng út bị thiểu năng trí não. Bốn người con đang làm ăn ở Việt Nam, hai người thì ở Campuchia. Họ bảo bây giờ làm ăn ở Việt Nam có nhiều tiền hơn. Ông ta vừa mới trở về từ Việt Nam, hái cà phê thuê, mỗi ngày 100 ngàn đồng (tương đương 20 ngàn riel; trong khi vợ ở nhà vác gạch thuê cho lò gạch gần đấy mỗi ngày chỉ có 10 ngàn riel thôi); khi về còn được chủ rẫy biếu quà tết trong đó có trà Lâm đồng. Họ bảo dù ở đây lâu nhưng ít giao du với người Khmer lắm bởi người Khmer không ưa người Việt; tuy nhiên do họ có trà Việt Nam thơm ngon nên sáng nào mấy người Khmer gần đó cũng đến uống ké nước trà cả.
|
Gia đình họ gồm: ông bà chủ nhà, cô bé cháu ngoại 4 tuổi, cậu con trai bị thiểu năng, bé mèo đen sau lưng ông chủ nhà và bé cún dưới gầm phản |
Cháu ngoại của họ là một cô bé con 4 tuổi, bố mẹ li dị, bố lấy vợ khác, mẹ đang đi làm ở Việt Nam. Con bé vô cùng quấn quýt Emilie. Nó cuốn lấy Emilie chơi đùa mãi không thôi; sau đó khi chúng tôi đi về lều để ngủ thì nó đứng trong góc nhà khóc rấm rức không chịu cho chúng tôi đi (tội nghiệp con bé! Bà nó bảo nó nhớ mẹ; mẹ nó đã đi về Việt Nam hơn 3 tháng rồi còn bố nó thì chưa một lần đến thăm con từ khi ly dị.)
Lý do bố mẹ nó ly dị thì cũng thật lắm chuyện để bàn. Trong ảnh chụp, mẹ nó khá là xinh xắn nên tôi hỏi vì sao hai người bỏ nhau. Bà nó bảo là bố nó bị một phụ nữ Khmer “quyến rũ,” người phụ nữ này trước đây là bạn gái của một trong số những người con trai của họ; khi anh ta bỏ về Việt Nam thì chia tay cô này luôn; cô này không hiểu vì sao lại trở thành bạn gái của bố con bé 4 tuổi và bố mẹ nó ly dị nhau để bố nó cưới cô này. Tôi hỏi họ là tôi nghe nói dân Khmer có chơi bùa yêu ghê lắm nên có khi nào cô này bỏ bùa anh ta không thì bà nó bảo cũng có thể.
Ông Ba/ Salem đúng là lính cộng sản nhà nòi; ông ta không tin vào bùa yêu gì cả. Ông ta còn bảo ông ta hỏi mấy thằng Khmer có đeo bùa trấn trong người là nếu chúng mày có bùa thì tao lấy hòn đá ném thử; nếu trúng thì bùa của mày vô dụng rồi; ngoài ra ông ta hỏi họ khi mày đi tiêu tiểu hay “làm chuyện ấy” với vợ mày có tháo bùa ra không? Nếu không thì sao bùa mày linh thiêng được. Ông Ba bảo chỉ có những người không biết mới tin mấy cái bùa vớ vẩn ấy thôi (ah có thể đây là lý do mà người Khmer không thích “chơi” với gia đình này chăng???)
Khi tôi hỏi là sao nhiều người Khmer nghe nói đến dân Việt Nam thì không ưa rồi. Ông ta bảo tại họ không biết lịch sử nên họ mới nghĩ sai lầm thế. Lính Việt Nam sang đánh Pon Pol giúp họ mà họ không thích thì chắc họ theo phe Pon Pol rồi. (Mở ngoặc nói nhỏ: không phải người Khmer nào cũng ghét Pon Pol và Khmer Đỏ đâu các bạn nhé!!!! Do chúng tôi đang đi dần vào vùng đất trước đây của quân Khmer Đỏ nên tôi dặn Emilie và Olga là không nên tự tiện khai ra quốc tịch Việt Nam của tôi; họ hỏi vậy khai tôi là người nước nào bây giờ; tôi bảo cứ nói tôi là người Lào “cho lành” bởi dân Lào hình như chưa “gây hấn” với nước nào cả. hehehehe; khi tôi nói ông Ba nghe việc này, ông bảo không cần thiết lắm bởi dân Khmer cũng “hiểu chuyện” rồi – nếu vậy sao họ lại vẫn cứ ghét gia đình ông ta các bạn nhỉ??????????????)
Gia đình này thật tốt; họ lấy quần áo ra cho chúng tôi thay để tắm và thay để ngủ. Olga và Emilie mặc các bộ đồ được mang từ Việt Nam sang; trông Emilie chả khác gì một cô gái Việt Nam cả. Tôi lấy quần áo mình mang theo để mặc.
|
Cô gái Pháp trong trang phục Việt |
Chúng tôi nói chuyện với họ đến khoảng 10h tối thì về lều ngủ. Olga và Emilie cứ xuýt xoa mãi sự tốt bụng của gia đình này đối với họ. Gia đình này còn bảo chúng tôi qua nhà họ ngủ nhưng chúng tôi đã căng lều rồi và đã hứa với anh chàng Siem Rep là sẽ ngủ bên chỗ anh ta. Ông Ba bảo vậy lần sau đi đâu ngang cứ ghé nhà họ mà ngủ trên gác, không cần căng lều làm chi cho mắc công; họ bảo cùng là người Việt với nhau cả nên không có gì phải ngại.
Olga dậy sớm nhất để chụp ảnh bình minh. Cô ta bảo lúc nhà của ông Salem mở nhạc thì con gà bên này quay vòng vòng theo tiếng nhạc mới ghê chứ. Gà mà cũng biết thưởng thức âm nhạc là sao các bạn nhỉ???
|
Ba người chúng tôi đã dồn vào cái lều này để ngủ đấy các bạn! Hãy nhìn Emilie kià, ton sur ton với cái lều ghê chưa!!! |
Chúng tôi qua quán ăn bên kia đường để ăn sáng; cơm 3 ngàn riel/dĩa; hủ tiếu 3.500 riel/tô; cơm của Olga (cơm chay) chỉ có cơm và dưa cải là 2 ngàn riel.
|
Quán ăn |
Ăn xong chúng tôi về chia tay với anh chàng thu mua người Siem Rep; chia tay với gia đình ông Salem sau khi chụp ảnh họ đã đời, có cả sui gia con trai con dâu đến chơi. Ai cũng xuýt xoa Emilie mặc quần áo Việt giống người Việt quá!!!!
|
Emilie lại ton sur ton với cái võng |
Ông Salem bảo rằng khi đến Anlong Veng thì sẳn thăm đền Preah Vihear mà Thái Lan –Campuchia tranh chấp; đền chỉ cách đó khoảng 20 cây số thôi. Tôi nghe nói mà mừng rỡ vô cùng bởi tôi từ lâu có ý định đi thăm ngôi đền này rồi; quả là một dịp may hiếm có!!! Tôi nói cho hai cô bạn đường nghe thì họ đồng ý ngay.
|
Địa chỉ nhà của ông Salem theo kiểu Khmer |
Ông Salem còn bảo lúc nổ ra tranh chấp bằng vũ trang giữa Campuchia và Thái Lan thì xe Việt Nam viện trợ súng đạn cho lính Khmer chạy ngang qua nhà ông. Sao không thấy tờ báo nào của Việt Nam nói đến việc Việt Nam dính dáng đến cuộc đọ súng giành giật ngôi đền này thế các bạn nhỉ? Tôi nhớ ra rồi lúc ở Strung Treng, thằng bé Kiệt người Việt bảo tôi rằng lúc Campuchia đánh nhau với Thái Lan; Campuchia đánh đâu có lại Thái Lan nên nhờ lính Việt Nam sang đánh phụ nữa đấy. Lúc đó tôi không tin vì không nghĩ Việt Nam lại “bà tám” đến thế. Bây giờ ông Salem khẳng định xe Việt Nam chở súng đạn đến đền Preah Vihear chạy ngang qua nhà ông ta. Vậy sau này khi đi Thái Lan nếu đến khu vực gần ngôi đền này, các bạn chớ dại dột mà khai mình là người Việt Nam nhé!!! Coi chừng bị tụi Thái Lan đập cho bầm mặt đấy!!!!
Kỳ sau: Campuchia (12): “Xông pha” vào căn cứ địa của Khmer Đỏ- đến Anlong Veng (phần 2)
minh rất thik du lịch bụi bạn thuộc nhóm nào vậy cho mình tham gia với được không.LH - tuandepzai_hn@yahoo.com
Trả lờiXóaVậy là Việt Nam giúp K đánh Thái gay là có thật....điều đó cũng đúng thôi....Anh em đông dương mà!!!
Trả lờiXóaCô Olga này, nhìn cái gương mặt Nga lai Đông Á lại thấy quê quê kiểu nông trang tập thể này có khả năng con của quan chức CS xưa hoặc nay!! Họ thường xấu xa, vô học, khó chơi. Tốt nhất là tránh xa!!
Trả lờiXóaVề bùa chú thì ông Ba/Salem đúng đấy. Bùa không dễ gì ai cũng có đâu. Hù nhau là chính!!!
Trả lờiXóa