Kỳ trước: Campuchia (12): “Xông pha” vào căn cứ địa của Khmer Đỏ - bắt đầu từ Siem Rep (phần 1)
Chia tay với gia đình ông Salem xong, chúng tôi lại đạp xe dọc theo quốc lộ 67.
Olga quả là một người nói nhiều vô cùng. Cô ta nói liên tục, không ngừng nghỉ; vì thế chúng tôi không thể chạy nhanh được và cứ thế mà “tà tà.” Thường khi đạp xe, tôi chỉ nói một lúc nào thôi, sau đó thì phải im lặng để dành sức mà đạp xe chứ. Không hiểu Olga có sức mạnh từ đâu nữa. Cô ta nói liên tục. Kiểu này, người nào mà làm bạn trai của cô ta chắc chỉ có mà……..phát điên.
Tuy nói nhiều nhưng Olga cũng cho chúng tôi một số thông tin vô cùng thú vị. Ví dụ Olga kể chuyện về một người bạn của mình. Một người đầy nhiệt huyết và không gì cản trở nổi; một khi đã nói: “tôi muốn làm điều đó” thì không ai và không gì có thể ngăn cản. Người bạn này đã nẩy ra một ý tưởng “điên rồ” – đó là mở một cửa hàng bán đồ cũ, đồ vứt đi của người khác. Nguồn hàng là từ “thùng rác” hoặc nhà kho của các gia đình khác. Cô ta kêu gọi và các gia đình bạn bè không sử dụng món gì nữa sẽ gửi cho cô ta hoặc gọi cô ta đến chở đi. Cô ta chở về cửa hàng và bán với giá cực rẻ, từ 20 xu đến 13 EUR. Điều lợi là những gia đình nghèo có thể mua hàng mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền. Được đông đảo bạn bè người thân ủng hộ nên cửa hàng cực phát. Cô ta chỉ mang về cửa hàng những món “cực độc” và thời trang, phong cách thôi, chứ không phải cái gì cũng vơ vào đâu các bạn nhé! Các bạn thấy không: đầu vào thì miễn phí nên đầu ra có giá cực rẻ cho người nghèo có điều kiện mua sắm. Nghe nói là cô gái ấy sắp mở cửa hàng thứ 2 tại London đấy (và cô ta chỉ mới 24 tuổi thôi). Tại sao tôi cung cấp cho các bạn điều này? Để bạn nào có “máu điên” một tí thì có thể làm điều tương tự tại Việt Nam. Tại sao không? Thậm chí có thể lấn sang cả mặt hàng thức ăn nữa đấy chứ. Nhiều gia đình không bao giờ ăn thức ăn cũ, cho dù món ấy chưa hề đụng đũa tới; trong khi có gia đình đói đến vàng cả da.
Chúng tôi vào một cái chợ và tại đây, tôi mua khá nhiều chè, mỗi thứ một món mang theo ăn. Emilie cũng bắt chước mua hai bịch chè nhưng cô ta lại không thích sau khi thử bịch đậu trắng. Nhà hàng gần đó bán thức ăn mắc quá. Tại Siem Rep, chỉ có 2 ngàn riel/tô canh thôi. Tại nhà hàng này, họ đòi giá 5 ngàn riel. Tôi nói mắc quá nên không ăn.
Lúc ấy có một người đàn ông đi xe du lịch đến, bụng phệ, nói tiếng Anh một ít, bày đặt phiên dịch cho chúng tôi. Ông ta bảo 5 ngàn riel là rẻ rồi. Tôi buồn cười quá, nghĩ bụng, chắc đây là hạng công chức, có bao giờ bỏ tiền túi ra mua cái gì đâu, toàn là lấy tiền của nhà nước ra tiêu xài theo kiểu công tác phí nên biết gì mà nói đắt rẻ.
Chúng tôi bỏ đi; ông ta nói với với theo hỏi người nước ngoài. Chắc muốn chúng tôi vào ngồi ăn chung để “tám” đây mà. Tôi thì ăn chè no rồi nên không thấy đói nhưng Emilie thì luôn miệng than đói quá nên tôi đi tìm trứng vịt luộc sẳn. Lạ một điều là ở khu vực này không thấy ai bán loại trứng luộc sẳn cả, chỉ toàn bán hột vịt lộn mà chỉ mới nghe mô tả thôi bọn nước ngoài đã la oai oái rồi. Cuối cùng Olga mua 2 cái bánh tiêu giá 500 riel/cái và chạy trước. Tôi dẫn Emilie vào một nơi bán chuối chiên giá 500 riel/2 cái ngon vô cùng và Emilie mua thêm nải chuối to đùng. Vậy là xong thức ăn cho mọi người.
Khoảng 4h chiều thì chúng tôi mệt quá nên tìm chỗ nghỉ. Hai cô bạn kia cứ thấy cái võng của ai đó mắc bên đường là luôn miệng bảo: Tôi muốn nằm võng. Cuối cùng, tôi cũng mệt quá nên rủ hai cô bạn ghé đại vào một căn nhà mà ngoài cổng có ghi chữ gì đó hình như là tổ chức bảo tồn thiên nhiên (gần Anlong Veng là nguyên khu bảo tồn thiên nhiên cực lớn.) Ngay cửa trước mà là cái nhà sàn, có mắc sẳn một cái võng, một người đàn ông đang nằm trên ghế bố nghe radio.
Tôi chỉ nói 1 câu: chúng ta vào đây nghỉ; rồi bỏ mặc 2 cô gái ngơ ngác, tôi chạy xe vào….tỉnh bơ. Dừng lại bên nhà sàn và bảo hai cô gái cứ lên võng nằm. Quả là người dân tốt vô cùng. Họ nhường cả nhà sàn cho chúng tôi. Emilie mệt quá nên leo lên một cái võng ngủ khò. Tôi ra sau nhà đi tiểu xong trở ra thì thấy Olga ngồi trên sàn nên hỏi: sao không nằm trên ghế bố? Cô ta bảo là ngại quá. Tôi bảo không có gì ngại bởi dân Campuchia cực tốt nên nếu mệt thì ghé chỗ họ nghỉ tạm không sao cả. Nói xong, cô ta vẫn không nhúc nhích; tôi leo lên ghế nằm luôn. Olga nằm xuống sàn. Một người đàn ông ra mắc thêm một cái võng và ra dấu bảo Olga lên võng nằm. Cô ta cứ xuýt xoa mãi về lòng tốt của người dân.
Chúng tôi nằm nghỉ. Olga thì cứ luôn miệng bảo rằng chúng tôi thật buồn cười, tự nhiên vào chiếm chỗ của họ và nằm ngủ thản nhiên quá. Tôi bảo không sao bởi vì đây là Campuchia chứ có phải là Châu Âu đâu. Cô ta bảo nếu ở Nga mà làm thế thì người ta sẽ trợn mắt lên nhìn và cho rằng chúng tôi bị điên là cái chắc.
Lúc chúng tôi nằm nghỉ thì một chiếc xe du lịch màu trắng đỗ lại bên đường; có 2-3 người đàn ông bước xuống và đi vào. Olga nói ngay: đó là người đàn ông mà chúng ta gặp ở nhà hàng ấy. Chúng tôi nhắm mắt lại ra vẻ đã ngủ rồi để khỏi nói chuyện với họ. Tôi nghe tiếng ông ta tường thuật lại chuyện xảy ra ở nhà hàng, nói rằng chúng tôi chê 5 ngàn riel cho tô canh là đắt quá nên không ăn mà bỏ đi.
Một lát sau chúng tôi ngồi dậy để chuẩn bị đi thì ông ta bước ra “tám.” Ông ta bảo rằng ông ta là phóng viên làm việc ở Siem Rep, chuyên viết về đề tài ngôi đền Preah Vihear. Lúc nổ ra tranh chấp, tên bay đạn lạc, ông ta ăn ngủ gần ngôi đền luôn để cập nhật thông tin. Ông ta đưa cho mỗi người một cái danh thiếp và bảo khi nào về nước thì liên lạc với ông ta. Ông ta nhìn thấy cái máy ảnh “khủng” của Olga nên theo hỏi mãi rằng cô ta có phải là phóng viên hay không?
Đó là nhà báo Sim Samnang của Koh Santepheap Daily; email:
samnang_sim@yahoo.com; điện thoại: (855) 12 342 143; (855) 11 973 232; (855) 83 449 444
Qua nhà báo này chúng tôi cũng được biết rằng ngôi đền Preah Vihear cách Anlong Veng đến 120 cây số chứ không phải 20 cây như ông Ba người Việt nói trước đây.
Chúng tôi hỏi thăm gần đấy có chùa gì không để ngủ ké một đêm thì ông ta hỏi thăm mấy người bên trong nhà xong rồi bảo có một ngôi chùa cách đó khoảng 2 cây số.
Chúng tôi đạp xe đi tìm ngôi chùa này nhưng không thấy. Emilie chạy trước nên hỏi thăm một người dân rồi bảo chạy vào một con đường nhỏ thì cuối đường là chùa. Tôi chạy trước. Hai cô gái đứng lại quấn thêm xà rông vào đôi chân đang mặc quần đùi (do trước đó tôi dặn là khi vào chùa thì phải ăn mặc nghiêm chỉnh) và mặc thêm áo thun vào.
Tôi bước vào thấy 2-3 phụ nữ mặc đồ trắng như ni sư; tôi ra dấu hỏi ngủ ở đây được không thì họ bảo được. Nhưng hình như thấy có 2 cô gái Châu Âu nên một người bảo gì đó mà có ý muốn chúng tôi trả tiền.
Tôi chờ mãi mà không thấy Emilie và Olga vào. Có vài ba thanh niên địa phương vây quanh họ để nói chuyện. Tôi hơi bực mình vì họ “mãi tám” nên chả chịu vào để thu xếp chỗ ngủ. Tôi mặc kệ họ đứng “tám” với đám thanh niên nên xoay ra ngồi nói chuyện với các ni sư.
Mọi người hỏi tôi có muốn ăn cơm không và ra dấu bảo tôi gọi bọn họ vào. Tôi ra ngoài ngoắc họ. Họ đẩy xe vào và bảo cái bọn thanh niên ấy nói không được ngủ ở đây. Tôi nói tôi hỏi rồi ngủ được nhưng có thể phải trả tiền. Nghe phải trả tiền, Olga đòi đi chỗ khác, tìm nhà người dân để được miễn phí. Tôi bảo chưa chắc có chỗ ở mà trời chiều tối rồi nên tôi sẽ không đi mà ở lại đây.
Một thanh niên mặc áo sơ mi trắng có dấu chữ thập đỏ trên vai áo nói rằng chúng tôi là phụ nữ nên không được ngủ ở chùa. Tôi nói các ni sư cho phép ngủ rồi mà. Cậu ta ngạc nhiên hỏi được phép rồi à, rồi chuyển tông sang hướng dẫn chúng tôi này nọ. Tôi bực mình Olga ở chỗ thay vì cùng mọi người sắp xếp chỗ ngủ và tắm rửa trước khi trời tối (nơi này không có điện; phải dùng bình sạc hoặc đèn cầy) thì cô ta lại trì hoãn mãi làm tôi có cảm tưởng cô ta chỉ muốn mọi người phục vụ mình nên tôi nói: đây là chùa, tránh để cho các ni sư phục vụ mình bởi vì đáng lẽ ra mình phải phục vụ họ cơ.
Chúng tôi được chỉ ra một cái ao súng mà mới nhìn thấy nước thôi là tôi đã không muốn tắm nên đi trở vào tìm nơi nào có nước sạch hơn không; vô vọng, nước ở đâu cũng từ cái ao này lên cả. Tôi quay trở ra và bảo không còn sự lựa chọn nào hết. Ngay cả tôi cũng không dám lấy nước đó rửa mặt nhưng Emilie cầm ca xuống ao trước. Cô ta bảo không còn sự lựa chọn nên đành thôi. Thấy hoa súng trên mặt hồ. Tôi trấn an mọi người rằng không sao, ao có loại cây này thì nó sẽ hút bớt chất dơ trong nước đi. Thật đấy các bạn, đó là lý do mà hoa sen được ví như người quân tư do gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn; trong khi đó hoa súng cũng tuyệt đẹp nhưng lại được xem như tiểu nhân vì cứ mở vòi hút sạch chất bùn vào thân của nó.
|
Chúng tôi tắm ở ao súng này đó. |
Trời dần tối nên nước nào cũng nhìn như nhau; vậy là chúng tôi lấy nước dội vào người cho đỡ nóng rồi lại lên bờ. Tôi tắm kỹ hơn hai cô kia và lại giặt quần áo nên lên sau.
Khi tôi lên đến nơi thì thấy các ni sư đang ngồi ăn cơm.
|
Ăn cơm trong ánh đèn dầu |
Họ rủ chúng tôi ăn chung. Dĩ nhiên là hai cô gái kia chả hiểu họ nói cái gì rồi. Biết tiếng địa phương có lợi lắm đấy nhé các bạn!!! Tôi phải “phá tan” sự bỡ ngỡ của hai phe. Tôi no muốn chết nhưng vẫn lấy chén, cho cơm vào và kéo hai cô kia (đang đói ngấu nhưng làm bộ làm tịch không muốn ăn.) Tôi ấn chén cơm vào tay họ và đẩy họ ngồi xuống. Họ ăn vô cùng ngon lành. Mọi người mời món gỏi đu đủ (chỉ có gỏi không có trộn với khô hay cá nên Olga ăn được.) Olga thích món này vô cùng nên ăn quá trời. Ăn hết chén cơm họ còn tự bới thêm một chén khác để ăn nữa chứ. Tội nghiệp, ngoại trừ bữa sáng, cả ngày họ toàn ăn lặt vặt như tôi; tôi ăn lặt vặt còn no chứ họ thì chả thấm nên bây giờ ăn cơm quá trời. Ăn xong khen ngon.
Xong bữa cơm, mọi người chơi đùa với nhau một hồi thì chui vào lều ngủ. Trời hầm mà 3 người nằm trong một cái lều này giống y như nằm trong cái hộp hay cái……….quan tài vậy đó (hehehhe nghe hơi kinh dị nhỉ???) Emilie còn lấy túi ngủ ra trải nằm lên nữa mới ớn chứ. Ngoài ra, bên ngoài radio mở khá lớn; các ni sư vẫn đang nằm chơi, chưa ngủ nên tôi có muốn ngủ cũng không yên. Vì thế, chịu hết nổi, tôi chui ra lấy chiếu trải và lấy trái cây và bánh ra mời mọi người ăn.
Cuối cùng mọi người bảo tôi đi ngủ đi để họ tắt đèn. Wow!!! May là nửa đêm trời mưa ầm ĩ nên tôi ngủ được đến sáng mới biết là cả Emilie lẫn Olga đều không thể ngủ.
Hai cô gái này hiểu lầm tôi, tưởng không được để các sư nhìn thấy nên rủ nhau ra ao súng đứng cả để tôi một mình ngồi nghe kinh và nhìn các sư ăn.
Chùa này có sư trụ trì, sư trẻ và một chú tiểu. Chắc nơi này ít có người nước ngoài ghé vào lắm hay sao ấy mà lúc tôi ngồi nhìn thì các sư………… quên kinh luôn; mãi mới đọc xong. May là chỉ mình tôi, chứ có thêm hai cô gái kia nữa chắc là họ không đọc được kinh luôn ấy chứ!!!
Khi xong, tôi bảo các cô gái vào và hỏi họ làm cái gì ngoài ao thì họ nói ra, tôi mới biết là họ hiểu nhầm. Chúng tôi ăn cơm với cá chiên. Olga ăn cơm không bởi không còn thức ăn nào khác. Cô ta bảo là chùa nào đó ở Bangkok mà có lần cô ta ăn cùng các nhà sư, thức ăn nhiều lắm mà sao ở đây chỉ có một món. Tôi bảo đây là chùa quê chứ có phải chùa thành phố đâu.
|
Ăn sáng |
|
Thằng bé và con chó có tư thế ngồi giống nhau ghê! |
Trời mưa!! Người thanh niên lúc tối lại đến.
|
Olga và Emilie đã bình chọn cho dân Campuchia là dân có nụ cười đẹp nhất hành tinh! |
Anh ta trước đây có làm cho sòng bài ở biên giới Bavet; bây giờ nghỉ việc về quê. Mẹ anh ta muốn tôi cưới anh ta mới ghê chứ. Anh ta mới 29 tuổi. Tôi chỉ qua Emilie và Olga. Bà mẹ không chịu, bảo phải là tôi thì mới được (!!!!!) do bà ta bảo tôi má bầu còn hai cô kia má hóp. Hai cô kia ghẹo tôi và nói vậy là má hóp nên chắc họ ế chồng rồi (hehehehe.)
|
Bà mẹ, cũng là một ni sư; không tin nổi là người đàn bà này đã 60 tuổi rồi đấy. |
Chùa này có một con chó lãng mạn vô cùng. Nó ngồi ở bậc cửa ngắm mưa rơi đấy các bạn!!!
|
Tựa cửa nhìn ra nghĩ ngợi gì??? |
Ngoài ra có một thằng bé đáng yêu, nó nhỏ đến mức cái dù của nhà sư úp vào thì thân hình nó lọt thỏm trong đó luôn.
Chúng tôi chia tay họ rồi lại đạp xe lên đường. Bắt đầu ra khỏi tỉnh Siem Rep để vào tỉnh Oddar Meanchey, đường càng vắng vẻ, hai bên đường chỉ có hoa lau mọc mà thôi. Tuy nhiên không khí trong lành và tiếng chim ríu rít trên cành.
|
Chân dung "một người điên" |
|
Tự do bay nhảy giữa đường |
Còn khoảng 20 cây số thì vào Anlong Veng. Tôi rủ mọi người vào chùa nghỉ ngơi tránh nắng nóng và thưởng thức dưa hấu mà ai cũng mua một quả giá 1.500 riel trước đó.
Tại đây chúng tôi vào nhà bếp mượn muỗng và một chú tiểu đưa dao cho chúng tôi cắt dưa. Vậy là xong bữa trưa. Tôi qua chánh điện ngả lưng trong khi Olga và Emilie mải mê chụp ảnh các chú tiểu và bọn trẻ con.
|
Chùa này có một thằng bé ăn mặc kiểu "nửa nạc nửa mỡ" |
Cuối cùng chúng tôi đến Anlong Veng, nơi căn cứ cũ của quân đội Khmer đỏ. Tại đây chúng tôi lúng túng không biết hỏi thế nào để tìm ra bảo tàng hay bất cứ cái gì đó liên quan đến Khmer đỏ để xem cho bỏ công đạp xe đến đây.
Trời chiều dần. Chúng tôi vào chợ tìm thức ăn. Hơi khó cho Olga; cô ta ăn chay và tôi không biết từ “ăn chay” trong tiếng Khmer nên tìm thức ăn cho cô ta là cả vấn đề. Mệt quá, tôi ngồi xuống “chén” luôn 4 trứng lộn (chỉ có giá 1 ngàn riel/trứng). Emilie thấy tôi ăn ngon lành nên hỏi: bộ ngon lắm sao? Tôi nói đây là món ăn đầy dinh dưỡng và rất bổ máu; những gia đình nghèo không có tiền mua thịt cá thì có thể ăn trứng lộn cũng đủ dinh dưỡng rồi. Đặc biệt trứng lộn có tính hàn nên phải ăn kèm với rau răm có tính nóng để cân bằng. Tôi cho Emilie thử một miếng; cô ta mê ngay và gọi luôn cho mình một trứng để ăn mới ghê chứ. Ăn xong cô ta gật gù và bảo: “công nhận ngon thật!” Cô ta còn bảo hôm sau sẽ lại thưởng thức món ăn này.
Không hiểu cái thằng điên nào xếp trứng lộn vào danh sách “một trong những món ăn rùng rợn nhất hành tinh.” Mẹ cha chúng nó!!!! Không biết thì thôi còn bày đặt bày vẽ. Tôi đi bụi với bọn da trắng riết nên thấy bọn họ cũng thật là…… đấy các bạn!!!!! Nhiều tên “nổ” hơn mấy ông nhà mình nhiều. Tiếng Anh cứ văng bom bớp mà thông tin thì sai lệch méo mó nông cạn. Vậy mà không hiểu sao bọn Châu Á, trong đó có dân an nam mít cứ thấy da trắng là lại khúm núm; cái này gọi là “nỗi tự ti da vàng.” Mình luôn cho rằng họ hiểu biết hơn, giỏi hơn. Lầm to các bạn ơi!!! Cứ đi bụi với họ riết thì các bạn sẽ thấy ngay ấy mà!!!!
Kỳ sau: Campuchia (12): “Xông pha” vào căn cứ địa của Khmer Đỏ - vào địa cứ (phần 3)
Vậy chắc bạn mà dân da đen...ekek!!!
Trả lờiXóaUhm, tôi cũng nghĩ như vậy đó!!!!
Trả lờiXóakhekhekhekhekhe