Với Dương Xuân Phi, hành trình đạp xe xuyên Việt
đã giúp anh tiết kiệm được 40 năm cuộc đời.
Anh
từng bị người ta nói là gàn dở, bỏ việc để đạp xe hàng chục nghìn km trên dải
đất hình chữ S. Anh từng bị người ta xì xào:
“thằng cha tóc dài con nhà đại gia, chẳng có việc gì làm nên bày ra trò đạp xe hao
công, tốn của”… Nhưng chỉ có anh hiểu, mình “đi để trở về”.
Chàng
trai đặc biệt đó là Dương Xuân Phi (sinh năm 1990, cựu sinh viên trường Học
viện Hàng không, quê Nam
Định). Suốt hai năm tạm dừng công việc, thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng xe
đạp, anh đã đi qua hơn 50 tỉnh thành trên cả nước với tổng số km đạp xe là hơn
11.000 km. Trong những tháng ngày rong ruổi trên khắp các cung đường, mỗi ngày
anh được sống một cuộc đời khác nhau.
Đạp xe xuyên Việt chỉ với 1 triệu đồng khởi điểm
Dương
Xuân Phi được gọi là chàng trai “khác người” với mái tóc dài và đôi mắt buồn
như con gái. Nhưng dù chẳng sở hữu những thứ đó thì anh vẫn không thể che
giấu được cái phần “dị” trong con người mình bởi, nó toát ra từ tính cách,
phong thái và những quyết định của anh.
Anh
có ý tưởng về chuyến đi xuyên Việt bằng xe đạp từ năm 2012 nhưng phải
đến hai năm sau, anh mới có thể thu xếp công việc để bắt đầu hành trình.
8h8’ ngày 8/8/2014, chiếc xe đạp của anh lăn bánh, đằng sau đó là 40kg hành lý
gồm: quần áo, đồ sửa xe, thư tay và 1 triệu đồng.
Nhiều
người thắc mắc, anh sẽ làm gì với 1 triệu đồng và cuộc sống của anh sẽ ra
sao trong suốt những năm tháng rong ruổi trên dải đất hình chữ S. Anh chỉ
cười: “Tôi đi, làm, trải nghiệm, sống và trở về”.
“Trước
khi đi, tôi đã kêu gọi tài trợ từ 5 hãng và xin được toàn bộ đồ đạc cho chuyến
đi với tổng giá trị khoảng 120 triệu đồng. Nhưng tôi chỉ đem đúng 1 triệu
theo người bởi, tôi muốn ép mình rời khỏi sự thoải mái của bản thân
để rèn luyện ý chí, kỹ năng thích nghi với cuộc sống và cũng để chứng minh với
mọi người rằng, khi thực sự đủ quyết tâm làm điều gì đó thì tiền không phải là
vấn đề”, Dương Xuân Phi chia sẻ.
Cho
đến nay, chàng trai 9x đã đi qua 50 tỉnh thành với tổng số km đạp xe là hơn
11.000 km. Anh từng ngủ ở khắp mọi nơi từ: Nhà nghỉ, khách sạn 5 sao, resort
cho đến nhà dân, đồn biên phòng, trạm cứu hỏa … thậm chí là trong rừng và nghĩa
trang.
“Có
những ngày mưa táp vào mặt hay nắng như đổ lửa, tôi vẫn đạp xe. Cứ tưởng tượng
khi vượt qua một quả núi cao, dài dừng chân hỏi đường, người ta nói bạn sẽ phải
vượt qua 10 quả núi như thế nữa, bạn sẽ thấy hành trình này thú vị biết chừng
nào (Cười). Nhưng đổi lại, bạn sẽ có được một kho trải nghiệm và các góc nhìn
tuyệt vời về cuộc sống”, anh tâm sự.
Điều
mà Dương Xuân Phi cảm thấy tự hào nhất trong suốt chuyến đi là đã đi qua 50
tỉnh thành theo đúng nghĩa. Nghĩa là, đến với mỗi một vùng đất anh đều thăm
thú, tìm hiểu và trải nghiệm chứ không đơn giản là lướt qua. Anh vừa đi vừa
làm, khi thì làm thuê trong vườn hoa Đà Lạt, khi thì bán thịt nướng, vòng tay,
khi thì làm web, bán hàng online, lúc lại diễn thuyết… Tất cả đều giúp anh mỗi
ngày được sống một cuộc sống khác nhau.
Gửi thư cho người đã mất
Trước
khi đi, Dương Xuân Phi đã lên ý tưởng cho một dự án đặc biệt, đó là dự án “Thư
tay xuyên Việt”.
Đây
là dự án đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Anh nhận 100 bức thư
viết tay từ khắp mọi miền của Việt Nam và chuyển tới bất cứ nơi nào họ muốn,
bằng xe đạp, bằng cả trái tim và bằng bất cứ giá nào.
“Nhiều
người hiểu lầm mục đích của dự án là kêu gọi mọi người viết thư tay rồi kết nối
yêu thương gì gì đó. Nhưng chẳng phải. Tôi đồng ý đạp xe đến bất cứ đâu để gửi
thư bởi muốn mọi người nhận ra rằng, cuộc sống giờ gấp gáp quá, người ta sống
vội, sống nhanh quá mà vô tình quên mất những thứ thực sự quan trọng trong cuộc
sống. Hãy sống chậm lại, bình thản nhưng tập trung, giống như nét bút trên lá
thư, nắn nót, cẩn thận và không thể xóa”, Xuân Phi chia sẻ.
Chàng
trai 9x nảy ra ý tưởng điên rồ này bởi muốn chứng minh rằng, trên đời này không
gì là không thể.
“Bạn
nghĩ sao khi một ngày đẹp trời, tự dưng có anh chàng tới đưa cho bạn một lá thư
được ấp ủ hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, được vận chuyển bằng xe đạp đã
trải qua mưa, qua nắng? Bạn sẽ phải mất vài phút để tin rằng cái chuyện điên rồ
này là thật và khi tin rồi bạn sẽ thấy cuộc sống này thật tuyệt vời, chẳng có
gì là không thể”, Xuân Phi bày tỏ.
Trong
suốt hành trình gửi 100 lá thư, chàng trai 9x gặp không ít câu chuyện cảm động.
Một trong những lá thư anh nhớ nhất là lá thư gửi cho người đã mất.
“Đó
là lá thư được chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn cho tôi bằng đường hàng không. Bức
thư được gửi cho một người chú đã mất. Họ yêu cầu tôi tới một bãi biển đẹp nhất
ở thành phố Nha Trang, sau đó mở lá thư ra đọc trước biển, rồi cho nó vào một
cái lọ có sỏi và hoa, đóng thật kín và quăng ra biển. Và lá thư ấy phải được
gửi vào đúng ngày giỗ của chú người gửi thư", anh kể
Ngày
đó, anh đến Nha Trang vào đúng 5h chiều, trời giông bão. Trước mắt anh là một
vực đá khá sâu, bên dưới là vùng biển tuyệt đẹp. Anh trèo xuống, làm theo tất
cả những yêu cầu của người gửi. Lá thư khiến anh xúc động và nhận ra rằng, việc
mình làm không hề vô nghĩa.
Bên
cạnh dự án “Thư tay xuyên Việt”, Dương Xuân Phi còn thực hiện hai dự án khác là
“I have a dream” và phim ngắn Việt Nam. “I have a dream” là một dự án diễn
thuyết, nói chuyện để truyền cảm hứng, động lực sống và theo đuổi giấc mơ cho
bất cứ ai ở những nơi anh từng đi qua. Còn “Phim ngắn Việt Nam” là những thước
phim anh tự quay lại trong suốt những ngày tháng rong ruổi để giới thiệu
đến bạn bè trong nước và quốc tế vẻ đẹp của mảnh đất hình chữ S.
“Đi để trở về”
Bị
gọi là kẻ gàn dở, thừa tiền, thừa thời gian… nhưng Dương Xuân Phi chưa bao giờ
hối hận về chuyến đi của mình. Với anh, “đi là để trở về”, để giỏi hơn, để sẵn
sàng cho những lựa chọn và quyết định trong cuộc sống.
“Hành
trình đạp xe xuyên Việt tuy vất vả và nảy sinh những sự cố không tưởng nhưng nó
đã giúp tôi tiết kiệm 40 năm cuộc đời. Yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành
công của một con người là tầm nhìn và sự trải nghiệm. Lẽ ra đến 60, 70 tuổi tôi
mới có được hai thứ đó thì chuyến đi này đã giúp tôi có chúng ở tuổi 25”, anh
khẳng định.
Mọi
người vẫn nghĩ anh đạp xe là để rong chơi, theo đuổi đam mê, làm tình nguyện,
thực hiện những dự án truyền cảm hứng... nhưng ít ai biết, anh đi trước hết là
để trải nghiệm, rèn luyện bản thân và tìm câu trả lời cho những câu hỏi anh
luôn trăn trở.
“Tôi
đi để trả lời những câu hỏi rằng, tôi muốn trở thành người như thế nào? Muốn
sống một cuộc sống như thế nào? Và khi trả lời được rồi tôi sẽ trở về sống một
cuộc sống như thế”, anh chia sẻ.
Chuyến
đi của chàng trai tóc dài vẫn tiếp tục và chưa biết khi nào mới dừng lại. “Tôi
không chỉ còn 13 tỉnh thành nữa cần đi qua, gần 10 lá thư nữa cần phải gửi mà
còn rất nhiều điều tuyệt vời nữa cần trải nghiệm. Sau đó tôi sẽ về để thực hiện
ước mơ trở thành doanh nhân. Đi, sống, làm, trở về để giỏi hơn, giúp đỡ chính
mình, gia đình và xã hội”, anh vẫn luôn tin là vậy.
Theo Hạ Nhiên
Dân Việt