CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

Các bước chuẩn bị để trở thành dân du mục chuyên nghiệp (chiến binh chuyên nghiệp)

Nhan nhản trên các diễn đàn Du Lịch Bụi dành cho tụi du mục quốc tế thường có câu hỏi: Làm thế nào để có tiền đi lâu thiệt là lâu? Hoặc trong giai đoạn chuyển giao giữa việc ra sức làm việc để dành tiền với việc ra đi thì nên làm gì, nên chuẩn bị gì cho một chuyến đi bất tận, trường kì kháng chiến, hổng biết khi nào mới về?......


Theo kinh nghiệm của tôi, (kể cho mọi người tham khảo thôi chứ ai cũng có cách riêng của mình cả) thì tôi làm như sau:

Thứ nhất là để dành tiền trong tài khoản ngân hàng cái đã. Nghĩa là phải có tài khoản tiền tiết kiệm trước rồi hãy nghĩ đến việc đi. Vì vừa đi vừa phải lo kiếm tiền cho toàn bộ chi phí rất là mệt mỏi và dễ bị xì trét lắm. Ít nhất có sẳn tiền trong tài khoản để chi trả cho vé máy bay, visa và trường hợp khẩn cấp. Đây là những khoản cần có. Còn việc ăn uống hay đi lại hay ngủ nghỉ thì tùy khả năng của từng người mà có cách khác nhau. Những cách này chỉ cần biết tiếng Anh lên mạng tra là ra vô số trang web hoặc blog của tụi du mục quốc tế miêu tả cho mà học hỏi kinh nghiệm. Vô số cách.

Thứ hai là phải bảo toàn số tiền tiết kiệm của mình đến mức tối đa, nghĩa là đi hoài mà hổng hết tiền. Mỗi người có cách làm riêng. Có thể đầu tư đâu đó, tùy khả năng từng người, hổng thể cho lời khuyên chung được. Nhưng cách làm của tôi là mỗi ngày học và sống một cuộc sống giản đơn, tối giản, một lối sống hổng cần sở hữu nhiều, một lối sống ngày càng ít lệ thuộc vào tiền bạc.

Có tiền thì mua gì cũng được, hễ muốn là có, như vậy cũng chán lắm. Hổng tiền mà vẫn có được cái mình muốn, thế mới thú vị đấy nha mọi người! Hổng tin thì cứ học thử cách sống ấy đi, khả năng sáng tạo được phát huy đến đỉnh điểm luôn đó. Nhờ luôn sống trong sự sáng tạo nên cuộc sống lúc nào cũng thú vị, hổng bao giờ nhàm chán cả. Cho nên người có nhiều tiền có thể mua bất cứ thứ gì họ muốn chưa chắc đã có một cuộc sống thú vị!

Khi quen dần lối sống giản đơn thì mình không có nhu cầu phải mua sắm bất cứ thứ gì cả. Không mua gì cả thì không cần phải xài tiền.

Các nhu cầu tối thiểu như ăn uống, chỗ ngủ an toàn, và đi lại thì luôn có cách để khỏi xài tiền. Ví dụ, tham gia làm tình nguyện viên để đổi chỗ ăn chỗ ngủ. Đi lại thì đi bộ, đi xe đạp, quá giang,…..Có vô số cách mà tụi du mục quốc tế vẫn áp dụng và chia sẽ hằng ngày trên internet đó mọi người. Chịu khó tra thông tin để học hỏi từ từ.

Khi quen với cuộc sống tối giản rồi thấy thích lắm mọi người, đi đâu làm gì cũng nhẹ nhàng, thoải mái, vì sự phụ thuộc vào vật chất giảm thiểu lắm rồi. Mình gần như chẳng cần gì nữa cả.

Thứ ba là tìm cách trang bị cho mình càng nhiều kỹ năng càng tốt. Học kỹ năng này nọ giúp mình tự tin trong mọi hoàn cảnh. Ngoài ra biết nhiều kỹ năng giúp mình dễ trao đổi kỹ năng để có chỗ ăn chỗ ngủ hoặc có thể kiếm thêm tiền tiêu vặt này nọ nữa đó. Những kỹ năng như nấu ăn, làm vườn, chế tạo đồ thủ công, tái chế đồ đạc, sửa chửa đồ điện tử, thiết kế web, viết lách, ngoại ngữ, vẽ, đàn, múa, hát, yoga, bóng đá,……………Túm lại là phải biết mình hợp với kỹ năng nào trước đã rồi sau đó đầu tư học (có thể học miễn phí trên mạng), vừa vui vừa giúp mình tự tin vì mình biết thêm 1 kỹ năng giống như mình khám phá thêm 1 khía cạnh mới của con người mình vậy đó. Cho nên tích cực năng động học hỏi lên nha mọi người.

Biết nhiều kỹ năng thì mình có thể tự chế tạo hoặc làm món mình cần luôn, hổng cần phải mua gì cả. Ví dụ tôi biết tái chế rác thải ny lông nên tôi cần gì thì tự chế ra được, đâu cần phải mua.

Túm lại thì theo tôi nên có 3 bước chuẩn bị sau: 1. Tiết kiệm tiền 2. Học cách sống tối giản (ít lệ thuộc vào vật chất, tiền bạc) 3. Đa dạng kỹ năng của mình.

Có được 3 điều này rồi thì cứ dung dăng dung dẻ mà lên đường thôi. Thực ra cái thứ 2 và thứ 3 mọi người có thể học trên đường đi, vừa đi vừa học, đi đến đâu học đến đó. Nhưng nếu có sẳn một ít thì lúc mới lên đường, đỡ phải tiêu nhiều tiền nên số tiền tiết kiệm của mình đỡ bị thâm hụt.

Có thể có người nói: Vậy đi chi cho lâu, vừa đi làm rồi tranh thủ nghỉ phép rồi đi cho đỡ tù túng về tiền bạc, vậy thoải mái hơn không?

Tùy người thôi. Có người vừa đi làm vừa tranh thủ nghỉ phép mà đi bụi, và họ vẫn cứ đi như vậy năm này qua năm khác có sao đâu. Họ được gọi là dân du mục nghiệp dư, không giống với dân du mục chuyên nghiệp, nghĩa là dân đi toàn thời gian, hết tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm nọ toàn là đi với đi. Dân du mục nghiệp dư và dân du mục chuyên nghiệp khác nhau về cách đi và cách trải nghiệm.

Chỉ khi nào thật sự trở thành dân du mục chuyên nghiệp thì mới thật sự hiểu được những lời khuyên của tôi. Vì chỉ có dân du mục chuyên nghiệp mới hiểu được dân du mục chuyên nghiệp mà thôi.


NHẸ ĐỂ ĐI XA

Việc mang vác nặng khiến chúng ta mệt mỏi và bận rộn suốt vì phải chăm lo cho những thứ mình mang vác. Mà thứ gì một khi đã được mang theo thì rất khó mà rời bỏ được nha. Dù biết rằng nó khiến mình nặng nề mệt nhọc nhưng chẳng muốn bỏ. Đó là lý do ngay từ đầu hạn chế vác được thứ gì thì hạn chế hẳn luôn, đừng có rơi vào cái bẫy: Kệ, có nhiêu đâu, chỉ là một ít thôi mừ, thêm tí cho vui, có cái sơ cua cho yên tâm……

Càng ít gánh nặng thì đi càng nhanh, vác càng ít đồ thì càng dễ đi xa.

Đời và Đạo y chang nhau. Vác càng ít thì càng thảnh thơi, càng đi nhanh!!!

P. S Cuộc sống tối giản đang là trào lưu sống thịnh hành, xuất phát từ các nước phát triển. Cuộc sống tối giản nghĩa là cuộc sống tối thiểu hóa vật dụng sở hữu.


Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Kiếp trước là gì?

Nói vầy đi cho dễ hình dung. Kiếp trước là những gì xảy ra vào này hôm trước. Kiếp sau là những gì xảy ra vào ngày mai. Còn kiếp hiện tại là những gì xảy ra vào ngày hôm nay.

Hôm qua mình ăn nhiều rau, vậy là hôm nay cơ thể nhuận trường tốt, hổng bị bón. Hôm qua mình ăn nhiều thịt, vậy là hôm nay bụng nặng trình trịch, bón lên bón xuống. Vậy xong cái mình rút kinh nghiệm, mình hổng muốn bị bón nữa nên hôm nay mình ăn nhiều rau và trái cây để cho ngày hôm sau không bị bón.

Hôm qua mình uống quá trời bia rượu nên hôm nay mình bị choáng váng nhức đầu chóng mặt mệt mỏi uể oải cả ngày, chẳng làm được gì. Cái mình rút kinh nghiệm nên hôm nay mình không uống rượu bia nữa. Vậy là hôm sau mình minh mẫn khỏe mạnh.

Kiếp trước kiếp sau giống như ngày hôm trước và ngày hôm sau vậy đó. Đâu có gì đâu mà bí ẩn.

Đối với bậc tỉnh thức hơn nữa thì kiếp trước là buổi sáng, kiếp sau là buổi chiều tối, và hiện tại là buổi trưa. Người tỉnh hơn thì kiếp trước là 1 giờ đồng hồ trước, kiếp sau là 1 giờ đồng hồ sau. Người cực tỉnh thì kiếp trước là 1 phút trước, kiếp sau là 1 phút sau. Người tỉnh cực đình thì kiếp trước là 1 sát na trước, kiếp sau là 1 sát na sau. Cho nên tùy theo mức độ tỉnh của từng người mà kiếp trước kiếp sau là vậy đó.

Thôi bây giờ làm người tỉnh vừa vừa, nghĩa là làm người bình thường nha! Hôm nay là kiếp hiện tại, hôm qua là kiếp trước, ngày mai là kiếp sau. Hôm nay mình bị bệnh gì thì tự suy nghĩ xem hôm qua mình ăn cái gì. Muốn hôm sau tình trạng cơ thể mình như thế nào thì tập trung sự đầu tư cho ngày hôm nay. Cứ vậy mà sống từng ngày từng ngày một. Hôm nay mình cười vui yêu đời suy nghĩ tích cực thì ngày mai mình đẹp đẽ xinh tươi. Hôm nay mình cau có chỉ trích hết người này đến người nọ, hết ông này đến ông kia toàn suy nghĩ tiêu cực thì ngày mai mặt mình đầy nếp nhăn nhúm……………..


Túm cái ý lại thì muốn biết ngày mai mình thế nào thì xem hôm nay mình đầu tư cái gì. Vậy là mình tự tiên đoán tương lai mình luôn được nè hihi! Đơn giản ghê chưa!

Bạn đường

Kinh Pháp Cú có câu:

Tìm không được bạn đường
Bằng mình hay hơn mình
Thà quyết sống một mình
Không làm bạn kẻ ngu.

Đó là Kinh Pháp Cú, còn chiến binh thì chẳng cần đọc kinh gì cả, từ kinh nghiệm chinh chiến mà tự nói như sau:
Tìm không được bạn đường
Bằng mình hay hơn mình
Thà quyết đi một mình
Không đi cùng kẻ ngu.

Kẻ ngu ở đây là kẻ thiếu trải nghiệm sống đó mọi người!
Biết sao không? Vì đi cùng kẻ ngu giống như nuôi ong tay áo vậy đó, hay còn gọi là kẻ thù giấu mặt. Do hổng biết phán đoán tình huống nên rất dễ đẩy mình vào cảnh nguy hiểm. Có một đứa chiến binh kể chuyện đi cùng người bạn đường là một kẻ ngu, thài lai, nên tiết lộ thông tin không đúng người đúng chổ, thành ra xém bị bắt cóc để bán vào đường dây buôn lậu người quốc tế. Hú hết cả hồn nên sau khi thoát khỏi tình huống ấy là tuyệt giao với kẻ ngu luôn, không bao giờ dám đi cùng kẻ ngu này nữa. Bị một lần thôi là sợ tê tái lắm rồi. Mà cũng may là thoát được, nếu không thì chẳng biết thế nào luôn nữa.

Đó là lý do thường tôi đi cùng ai là đi cùng vài ngày, sau đó thì mạnh ai nấy đi, tự đi tự phán đoán tình huống theo đúng khả năng của chính mình. Ví dụ đối với chiến binh chuyên nghiệp thì ra vào những nơi xem là bình thường nhưng lại là khó đối với chiến binh nghiệp dư. Cho nên chiến binh nghiệp dư chưa đủ khả năng mà làm theo thì gọi là quá sức. Vì vậy phải thả họ ra để họ tự đi theo đúng khả năng của chính họ. Ấy chính là từ bi. Buông tay đúng lúc khó lắm đó nha mọi người. Cứ nhìn cách cha mẹ “ủ” con cái thì biết, đến lúc trưởng thành có gia đình con cái luôn vẫn chẳng chịu buông tay. Còn tôi là buông cái rẹt, mạnh ai nấy đi, ngu thì chết ráng chịu. Vậy mà hổng ai chết, trái lại càng khoái, và càng ngày càng chuyên nghiệp hơn nữa chớ.
Có cô kia đi học ở gần New Delhi, cái đi theo tôi về Bồ Đề đạo Tràng để viếng Phật. Đi cùng tôi chừng vài ngày hà. Tôi phải dặn dò cẩn thận và hành lý phải cực gọn nhẹ đến mức có thể nha. Nhớ nhất là cái vụ tôi và cổ lo ngồi ngó dân Ấn độ leo lên toa Second-Class dành cho giai cấp bần cùng, lo ngó riết mà hổng lên tàu, đến lúc tàu chuyển bánh chạy hù hù rồi mới vội xách hành lý lên và rượt theo tàu để nhảy lên. Bởi hành lý cần gọn nhẹ là vậy đó hihi. Còn vài chuyện nữa mà chỉ có đi cùng chiến binh thì mới trải nghiệm được. Cái lúc trở về New Delhi thì cổ phải đi một mình, còn tôi đi hướng khác rồi. Cổ mua vé tàu về không được nên sợ xanh cả mặt vì phải lo về nhập học. Thèn bán vé xúi cổ nhảy tàu trước nha, còn tôi thì phụ họa và hướng dẫn cổ những tình huống có thể xảy ra và cách xử lý, ứng xử như thế nào. Cái cổ làm theo răm rắp. Vậy mà hồ hởi dễ sợ, được sinh ra trên đời mấy chục năm rồi mà lần đầu tiên được sống vui đến như vậy, hổng ngờ là mình có thể làm những chuyện như vậy. Cổ hồ hởi và vui như trẻ con được quà, kể khắp hết người này đến người nọ trải nghiệm làm chiến binh nghiệp dư vài ngày của mình luôn hihi.

Bởi ta nói rồi: Chỉ có đi làm chiến binh thì mới thấy cuộc đời này đáng yêu và đáng sống đến mức nào là vậy đó hihi!!!


Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Chấp hình tướng là một tập khí rất dày!

Làm sao để biết mình rơi vào chấp hình tướng?

Đó là khi mình bị bất ngờ về điều gì đó. Vì sao có bất ngờ? Vì điều ấy đi ngược lại cái mình đã mặc định, có khi mình mặc định mà mình không ý thức được là mình mặc định luôn. Vì không ý thức được nên khi gặp điều gì đó ngược lại cái đã mặc định, mình rơi vào sự bất ngờ. Và bất ngờ chính là dấu hiệu cho thấy mình chấp hình tướng.

Ví dụ, tôi là chiến binh hùng dũng, lúc nào cũng hùng hùng dũng dũng, hiên hiên ngang ngang, gan gan góc góc. Dám một mình xông pha nơi này nơi nọ, leo lên leo xuống chỗ kia, cái ai cũng tưởng là tôi cứng như gan thép chắc hổng biết gì mấy việc mà nữ nhi tay yếu chân mềm thường làm. Đó là mặc định. Do vậy khi thấy tôi lấy trong túi ra cây móc và ngồi móc cái giỏ xách để đeo thì ai cũng bất ngờ cười hả hả hỏi: Ủa người như vậy mà cũng biết sử dụng cây móc nữa hả trời! Biết sao hổng biết, tôi chẳng những biết dùng cây móc mà tôi còn biết cách chế tạo cây móc luôn nữa đó hihi. Tôi đi đâu cũng xách theo cây móc vì cây móc nhỏ và ngắn bằng ngón tay, còn cặp đan thì vừa dài vừa nhọn khó cất giữ hơn. Tôi là dân tái chế rác thải ny lông thành vật hữu dụng mừ. Cho nên tôi chỉ cần mang cây móc và cây kéo thôi rồi tôi cần món gì thì tôi ra bãi rác lượm rác ny lông, sau đó rửa sạch phơi khô, cắt ra thành sợi len rồi móc đồ dùng thôi.

Tưởng chiến binh chỉ biết hùng hùng hổ hổ thôi chứ, ai ngờ dùng cây móc nghề quá mừ. Ngạc nhiên chưa, cho bỏ tật chấp hình tướng hihi!!!

P.S Mỗi người chỉ có thể tự biết chính mình mà thôi, còn cái thấy của mình về người thì đó là do ẢO TƯỞNG mà ra. Ảo tưởng về mình thôi cũng đủ luân hồi sanh tử triền miên rồi huống chi chồng thêm cái ảo tưởng về người. Đây gọi là mộng chồng mộng nè hihi!


Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Kể chuyện tôi tự ngộ ra cách quán từ bi luôn nha mọi người!

Chuyện thứ nhất, tôi leo núi Nga Mi. Núi này tương truyền là nơi Phổ Hiền Bồ tát từng cỡi voi trắng 6 ngà xuất hiện, và là một trong những ngọn núi linh thiêng của đạo Phật ở Trung Quốc. Tui cõng lều chõng leo lên rồi leo xuống hổng có đi cáp treo đâu nha! Núi Nga Mi nổi tiếng là khỉ Nga Mi. Tụi khỉ rất hung dữ và không hề sợ con người, sẳn sàng tấn công để cướp thức ăn bất kể ai bất kể khi nào. “Núi của ta nên ta muốn cướp là cướp. Bọn mi là kẻ xâm phạm nên bọn mi phải sợ ta thôi hahaha” (tôi nói giùm con khỉ) Lúc lên thì hổng sao nên tui ỷ lại. Lúc xuống hình như mọi người đi cáp hết hay sao mà đường vắng hoe, thỉnh thoảng mới có người. Có hai đường, lên một đường, xuống một đường, đường nào cảnh cũng đẹp… kinh dị. Tui thấy cảnh đẹp đẹp vắng vắng mà mệt quá nên tháo ba lô ra ngồi xuống nghỉ tí. Vừa đặt đít xuống thì nguyên gia đình khỉ kéo đến, khỉ cha khỉ mẹ (lớn) và khỉ con (nhỏ). Tụi nó vờn vờn trước, tôi hơi sợ vì từng nghe tiếng khỉ Nga Mi Sơn rồi. Tụi nó đọc được nỗi sợ của tui nha mọi người, vậy là tụi nó không thèm vờn nữa, khỉ cha khỉ mẹ tiến thẳng đến chỗ tôi, mỗi đứa canh một bên, trừng mắt nhìn phát, tôi hoảng loạn. Rồi dưới cơ chúng luôn. Chúng phát hiện ra tôi là con mồi dễ ăn hiếp nên làm tới bến. Hai con đứng canh hai bên không cho tôi đứng dậy. Con khỉ con thì chụp lây cái ba lô tôi đang để bên cạnh. Tôi nhổm lên định chụp lại thì hai con lớn vung tay nhe nanh trợn mắt gầm gừ. Sợ quá nên đành ngồi im. Con khỉ con lấy ba lô ngồi thủng tha thủng thỉnh mở dây kéo quăng hết đồ đạc bên trong ra để tìm thức ăn. Phải công nhận một điều rằng tụi nó đi ăn cướp có bài bản ghê luôn hihi. Bọn cướp này không khoái tiền chỉ khoái thức ăn thôi. Sau này ngồi quán chiếu lại tôi biết rằng bất cứ điều gì khởi lên trong tâm đều tạo ra tần số và con vật nó đọc tần số ấy để biết con mồi như thế nào. Vì tụi nó đọc được tần số sợ của tôi nên tụi nó đàn áp tôi luôn, đàn áp oanh liệt thiệt luôn đó nha mọi người. Một lúc sau có hai người phu khiêng kiệu chạy xuống núi để đón khách (khách nào leo không nổi thì trả tiền để ngồi kiệu) nên tui kêu cứu. Họ không sợ nên gia đình khỉ leo phắt lên cây ngồi để tránh họ. Tôi thấy rõ bọn khỉ ngại hai anh phu này nhưng lại ăn hiếp tôi dễ sợ. Khi hai anh phu ra hiệu bảo tôi nhặt ba lô lên và thu gom đồ lại thì thấy tôi tiến đến gần ba lô, tụi nó từ trên cây nhảy xuống giật lộn với tôi chớ. Hết hồn tôi phóng trở ra. Hai người phu cầm ná bắn đá rào rào, tụi nó phóng trở lên cây nhưng cứ nhào lên nhào xuống gầm ghè tôi miết. Tôi phải nhờ hai anh phu đứng canh hai bên thì tôi mới thu dọn đồ được đó. Kỷ niệm kinh hoàng quá! Tôi bị bọn khỉ đàn áp vì khởi ý sợ chúng. Đó là chuyện thứ nhất, bị khỉ ăn hiếp.

Chuyện thứ 2 là xém bị chó trên núi tuyết cắn. Hên là con chó này có chủ nếu không chắc tôi toi mạng rồi, vì chó trên núi tuyết to lớn như chó sói chứ hổng có nhỏ con đâu nha. Oánh lộn với nó thì thua là cái chắc. Tôi leo núi mệt nên thấy con chó cưng cưng tôi nhìn nhìn, chủ nó là người bản địa ra hiệu cho tôi vuốt lông nó. Tôi ngồi trước mõm nó vuốt vuốt cái bờm cưng cưng, tôi lỡ nghiến răng nhẹ có một cái, không hề phát ra âm thanh nha mọi người. Nhưng con chó nó đọc được dấu hiệu tấn công nên đang ngoan như con thỏ nó gầm trong cuống họng, chỉ gầm thôi chứ chưa sủa mà tiếng nghe đã rất uy lực, trùi đất ui, tôi đang ngồi trước mũi nó, nó táp phát là đảm bảo khỏi cứu. Tôi hoàn toàn bị động, và sợ quá trời sợ. May quá chủ nó quát nó nên nó đang từ tư thế chuẩn bị tấn công lại trở về tư thế con thỏ.

Sau khi xảy ra chuyện con chó thì tôi nghĩ đến chuyện con khỉ Nga Mi rồi tôi phát hiện ra một bí mật động trời luôn nè! Con vật nó đọc suy nghĩ của mình. Vậy là tôi đề ra phương án sau: Vì tôi hay leo núi hoặc đi vào những nơi thiên nhiên một mình nên đôi khi bị chó sủa hay khỉ vờn mà chẳng biết làm sao, hay bị hoảng loạn lắm. Nhưng tôi phát hiện ra rằng tụi nó đọc được suy nghĩ của tôi nên tôi học cách kiềm chế nỗi sợ và thay thế nỗi sợ bằng niệm yêu thương. Thấy tụi nó từ xa là tôi khởi niệm yêu thương lên để đối trị nỗi sợ. Và trong suốt đoạn đường đi đến gần chúng cho đến đi ngang qua chúng thì niệm yêu thương không hề ngưng nghỉ, cứ liên tục thành chuỗi, bởi vì chỉ cần một niệm yêu thương dừng thì niệm sợ sẽ khởi và tụi nó đọc được sẽ tấn công tui ngay. Từ khi phát hiện ra cách dùng niệm yêu thương để thay thay thế niệm sợ thì tôi hết sợ chó và khỉ nữa rồi, và thậm chí cả nỗi sợ ma cũng hết luôn đó mọi người. Mỗi khi chuẩn bị ngủ nơi nào mà có cảm giác lạ lạ ngộ ngộ là tôi ngồi khởi niệm yêu thương, sau đó nhờ họ bảo hộ. Lần nào cũng thành công, không bao giờ thấy ma, không bị quấy phá nữa. Nhờ trải nghiệm thực tế mà tôi tự biết cách quán từ bi bằng cách khởi niệm yêu thương nhằm đối trị nỗi sợ luôn nè mọi người!

Sau này ở một trường thiền, có sư cô Hàn quốc ở cạnh phòng tôi chuyên quán từ bi 20 năm rồi, cổ dạy tôi cách quán. Tôi bất ngờ ghê vì tôi biết điều ấy trước khi được dạy luôn.

Cho nên mọi người nói rằng đời là trường đại học lớn nhất còn tôi thì qua trải nghiệm thực tế thì thấy rằng: Đời là trường thiền lớn nhất. Học thiền ở trường thiền này thích hơn nhiều lắm đó hihi.



Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Chiến binh đơn giản là những người lính.

Chính xác là như vậy. Họ chính là những người lính. Và trên đời này nơi nào mà kỷ luật nghiêm minh nhất. Đó chính là trại lính. Quân lệnh như sơn. Bất cứ người nào trải nghiệm cuộc sống của một chiến binh thực thụ thì đều phải thay đổi tính cách để trở thành người có tính kỷ luật cao và có sự nhất tâm trong mọi việc. Vì sao? Vì đó là cách duy nhất để họ có thể sinh tồn. Đó là lý do mà trở thành một chiến binh chuyên nghiệp là cách rất hay để học sự tự kỷ luật và sự nhất tâm đó nha mọi người. Có khi nhìn bề ngoài họ trông không giống ai, họ có vẻ vô kỷ luật nhưng thật ra họ phải có tính kỷ luật vượt bậc thì họ mới có thể sống được đó!

Dưới bàn tay sắp xếp của Nhân Quả thì tôi phải trở thành một chiến binh chuyên nghiệp thôi. Vì vầy nè! Một chiến binh chuyên nghiệp đi đâu làm gì cũng là một mình, kiêu hãnh như sư tử chúa. Có khi có bạn đường nhưng chỉ đi cùng một đoạn đường ngắn rồi sau đó mạnh ai nấy đi, không đi cùng nhau mãi được. Một khu rừng không thể cùng lúc tồn tại hai sư tử chúa là vậy đó.

Vì luôn là một mình nên phải tự mình đối diện với sự cô độc. Cô độc đi, cô độc đến, cô độc khi leo núi, cô độc khi vào rừng, cô độc khi xuống biển, cô độc giữa thảo nguyên, cô độc giữa những người khác lạ về tập tục ngôn ngữ và văn hóa. Những sự cô độc phải có thời gian để quen từ từ, và một khi quen rồi thì trở thành bình thường, và từ đó về sau khó lòng mà đi cùng với ai được nữa. Hùng dũng cô liêu như voi chúa đi lại giữa rừng sâu riết quen rồi.

Tôi rất quen thuộc với sự cô độc ở những nơi và bối cảnh khác nhau, cô độc đến mức bình thường, cô độc đến mức sự cô độc trở thành bạn đường duy nhất và trung thành nhất. Và đó là sự chuẩn bị lớn lao cho một sự cô độc rất lớn mà tôi sẽ phải trải qua. Tất cả sự cô độc mà tôi trải qua như một chiến binh chuyên nghiệp thật ra là sự chuẩn bị kỹ càng của Nhân Quả cho tôi chuẩn bị đối diện với sự cô độc còn khủng khiếp hơn nữa, một sự cô độc ghê gớm, một sự cô độc chưa từng thấy do bản ngã tạo ra. Một sự cô độc lớn đến mức mà tất cả những sự cô độc của một chiến binh đơn thân độc mã vẫn chưa là gì cả.

Lang bạt riết cuối cùng tôi cũng lạc vào trường thiền. Dù tôi không ở một mình, xung quanh luôn có các thiền sinh khác. Nhưng khi ấy tôi mới thật sự biết thế nào là sự cô độc thật sự. Một mình lang thang trong rừng vô minh u tối, bóng tối dày đặc, không hề biết mình đang đi đâu, chẳng thấy một tí ánh sáng nào cả, cứ vậy mà lê bước đi trong bóng tối. Ấy là bóng tối vô minh trùm khắp từ bao kiếp rồi, bây giờ đủ duyên nên ập đến cùng một lúc, bao tỏa và xâm nhập khắp thân tâm. Nhưng thật ra sự cô độc này do bản ngã tạo ra đó mọi người. Vô số lần tôi ngồi khóc trong giữa lúc tọa thiền, cứ khóc miết vì quá cô đơn (dù tôi quen với sự cô đơn của chiến binh quá rồi) nhưng sự cô đơn do bản ngã tích tụ lại từ vô số kiếp này mới là đáng sợ. Tôi mệt mỏi, tôi muốn bỏ cuộc, tôi muốn ngồi xuống nghỉ, tôi không muốn đi tiếp, tôi muốn trốn ra ngoài, tôi không muốn tiếp tục khóa thiền nữa,…………….Đủ thứ tâm trạng nổi lên để đối kháng lại sự cô đơn ấy. Nhưng bây giờ quán chiếu lại thì tôi thấy rằng Sự cô đơn ấy do bản ngã tạo ra nên cũng tạo ra vô số phản ứng đi kèm nhưng có một thứ mà bản ngã không tạo ra được, đó là tiến trình nhân quả. Bởi vì quả thật lúc ấy tôi không hề một mình, mỗi khi tôi muốn ngồi xuống nghỉ, không muốn tiếp tục hành trình là có một lực đẩy rất nhẹ và hơi âm ấm từ sau lưng đẩy tới, đẩy nhẹ thôi nhưng đủ sức cho tôi vượt qua sự mệt mỏi mà không dừng lại. Tôi cứ mải miết đi ngày này qua ngày khác và cuối cùng bóng tối phải nhường chỗ cho ánh sáng thôi. Khu rừng đen tối trở thành xa lộ quang minh chính đại. Những hố sâu lắt léo trở thành đường thẳng hết. Trước mặt tôi không còn là bóng tối và rừng rậm nữa mà là xa lộ thẳng băng và sáng rỡ, một thứ ánh sáng không bao giờ tắt. Đó là lý do tôi nói rằng tôi biết rất rõ đường đi đến điểm cuối. Nhưng mà tôi dừng lại, tôi hổng đi tiếp con đường đó nữa. Tôi đi đường khác, dài hơn nhưng vui hơn! Lực đẩy ấm ấy chính là chánh tinh tấn đó mọi người. Cái này tích lũy trong nhiều kiếp nên nó không bị bản ngã thao túng. Mà khi đủ duyên thì nó được tạo ra theo đúng tiến trình nhân quả thôi. Mãi cho đến giờ tôi mới biết đó nha!

Thấy Nhân Quả sắp xếp hay ghê chưa! Tôi phải làm như vậy, phải trải qua những việc như vậy để chuẩn bị cho một điều còn khủng khiếp hơn ghê gớm hơn bao giờ hết! Và tôi trải qua xong rồi nên tôi mới biết rằng……………………. (làm biếng viết tiếp quá hihi)

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

CHIẾN BINH, họ là ai?

Trong các bài viết, thỉnh thoảng tôi dùng từ chiến binh. Vậy chiến binh nghĩa là gì, họ là ai?

Chiến binh là những người phá vỡ định kiến xã hội. Hay nói cách khác thì nơi nào có sự lập trụ, có sự bám chấp vào điều gì đó thì nơi ấy xuất hiện những chiến binh phá vỡ sự bám chấp ấy.

Một trong những chiến tích đập tan định kiến của tôi là: Lúc ấy rộ lên niềm tin mãnh liệt rằng người không biết tiếng Hoa thì không thể tự thân sang Trung Quốc mà tung hoành được, phải mua tour, phải có hướng dẫn hay phải có bạn bè bên đó hướng dẫn,…………. Đây là một định kiến và mọi người có niềm tin kiên cố vào đó.

Vậy là lên đường thôi. Ta hổng biết tiếng Hoa, ta hổng quen ai ở Trung Quốc cả, ta tự đi, đi một mình, một mình cu ki, và quan trọng là với chi phí cực ít ỏi (một ngàn đô Mỹ cho 3 tháng). Ta đã làm điều đó như thế nào?

Tháng đầu tiên đóng đô ở tỉnh Quảng Tây, và học tiếng Hoa bằng cách thường xuyên ra chợ hỏi giá từng món, và bà tám với người bán. Trung Quốc rộng lớn, mỗi tỉnh thành có cách phát âm tiếng Hoa phổ thông khác nhau, cho nên người Hoa không hiểu nhau là chuyện thường. Ta có hiểu gì đâu. Ta dùng phương pháp Quán Âm Thanh để học ngôn ngữ từ mấy bà bán hàng và rồi ghi nhớ. Trong vòng một tháng ta có thể giao tiếp cơ bản luôn. Quá dữ dội! Tự đi mua hàng tự trả giá, tự giới thiệu này nọ,……Rồi sau đó sang tỉnh thành khác, họ phát âm khác lại phải học từ đầu cho hợp cách phát âm của người bản địa. Ta chỉ nghe hiểu và nói thôi chứ hổng biết đọc biết viết đâu nha. Vậy mà 8 tháng cu ki ở Trung Quốc ta tung hoành 15 tỉnh thành. T hiểu tiếng Hoa phổ thông còn hơn cả người Hoa bản địa. Ví dụ người phương Bắc mà xuống phương Nam thì nói chuyện hổng ai hiểu và ngược lại, ngoặc người dân tộc thiều số nói chuyện thì người Hán chẳng hiểu hay người Hồng Kong mà nói thì người phía Bắc chẳng hiểu,…… Quái đản là người Hoa bản xứ chẳng hiểu nhau khi khoảng cách địa lý xa như vậy, còn ta hiểu tuốt luôn, còn phiên dịch ngược lại cho họ mới ghê chớ. Hihihi

Ngoài lý do ta có thể học ngôn ngữ nhanh nhờ phương pháp Quán Âm thanh còn có lý do là ta chỉ chọn đi những nơi ít có du khách và toàn ở chung nhà người bản địa hoặc ở khách sạn dành cho người bản xứ không dành cho người nước ngoài, vừa rẻ vừa phải nói tiếng Hoa vì những nơi này hầu như chẳng ai biết nói tiếng Anh. Họ chỉ biết tiếng Hoa và tiếng bản địa thôi. Nếu không học ngôn ngữ của họ thì có mà chết đói à. Cho nên học thôi, chiến binh lừng lẫy mà sợ gì!

Chỉ 8 tháng ở Trung Quốc, lăn lóc 15 tỉnh thành mà ta có thể bắn tiếng Hoa và hiểu tiếng địa phương luôn. Quá dữ!!! Vậy là ta đã phá tan định kiến rằng: Không biết tiếng Hoa thì đừng mơ đến việc đi Trung Quốc nhé cưng!!!

Chiến binh mừ, được sanh ra là để đập vỡ định kiến. Sau đó ta còn tự đề ra các phương pháp đi lại cho người không biết Hoa mà vẫn tỉnh bơ đi lại ở Trung Quốc luôn đó chớ!

Ta tự biết cách Quán Âm qua việc phải thường xuyên học tiếng bản địa để giao tiếp với người địa phương. Thậm chí ta không hiểu ngôn ngữ đó nhưng khi nguyên cả đám người họ mà ngồi bà tám với nhau, ta quán âm thanh thì có thể biết họ đang nói về chủ đề gì luôn, dù chẳng hiểu chi tiết. Nhiều khi tôi nói tôi không biết tiếng mà họ tưởng tôi nói láo vì họ nói cái gì tôi cũng hiểu mà sao lại hổng biết tiếng hihi.  


Túm lại thì chiến binh lừng lẫy là những người phá tan định kiến trong bất kì lĩnh vực nào. Ngay tại gia đình hay công ty mà có một định kiến nào đó; nếu bạn có thể phá tan định kiến ấy thì bạn chính là một chiến binh lừng lẫy rồi đó. Nơi nào có sự lập trụ thì nơi ấy xuất hiện điều ngược lại để phá tan sự lập trụ ấy. Vì chiến binh lừng lẫy luôn đi ngược lại số đông nên họ luôn cô đơn, nhưng đó là sự cô đơn kiêu hùng. Nếu không tin thì làm chiến binh lừng lẫy đi rồi sẽ biết đó là gì thôi hà hihi

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

19-11 ngày đàn ông

Bài này không phải do tôi viết. Do thấy hay nên chia sẻ cho mọi người đọc. Tác giả bài viết là Phương Mai, tác giả của quyển sách "Tôi chỉ là một con lừa."

“Hôm nay là Ngày quốc tế đàn ông. Nhưng 19-11 không phải là ngày Tôn Vinh đàn ông (họ được ca tụng và thống trị thế giới bao nhiêu trăm ngàn năm qua đủ rồi), mà là ngày CỨU RỖI đàn ông.
Cái đàn ông cần cứu rỗi, oái ăm thay, chính là hệ quả của những tôn vinh mà họ được nhận. Tấm huy chương nào cũng có hai mặt. Nghe có quen không hả đàn bà?

Mỗi khi làm đào tạo cho các công ty vào đúng tháng 11 tôi thường dán lên mép một cái ria giả và nói về chính sách bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của tôi không cạo râu trong tháng 11 để tuyên truyền về những vấn đề sức khoẻ mà đàn ông đang gánh chịu.

Hai phần ba các cuộc tự sát là đàn ông, chỉ một phần mười nạn nhân các cuộc hãm hiếp đàn ông dám lên tiếng. Ở châu Âu thì gần như 80% quyền nuôi con thuộc về mẹ. Đàn ông bị phân biệt đối xử một cách vô thức trong các công việc mặc định là phụ nữ giỏi hơn như nhân sự, giáo dục, y tế, nghệ thuật và đàm phán.

Việc đặt đàn ông lên bàn thờ cũng tác hại hệt như việc tôn vinh phụ nữ một cách mù quáng. Mặt trái của việc được ca ngợi là Hiền Thục là phụ nữ hiểu mình phải cúi đầu gọi dạ bảo vâng. Mặt trái của tấm bằng khen Đảm Đang là trách nhiệm làm việc đến kiệt sức mà không dám ca thán. Mặt trái của chiếc vương miện Hy Sinh là áp lực cắt thịt mình nấu cho người khác rung đùi ngồi hưởng.

Đàn ông cũng vậy. Ca ngợi sự mạnh mẽ tức là khuyến khích đàn ông phải sống như là vô cảm, là gián tiếp bắt đàn ông phải gồng mình quá cả sức chịu đựng, là nước mắt chỉ được lặn vào trong, là uẩn ức đau thương nhưng sống vẫn phải lạnh lùng, là buồn và thất vọng không được sẻ chia, là đến cả khi TUYỆT VỌNG cũng không được dễ dàng tìm nơi nương tựa. Cái giá phải trả cho việc trở thành "Đàn ông đích thực" là những thương tổn tâm lý không có đường giải thoát. Sống thế khác gì biến đời mình thành cái nồi áp suất? Điều này góp phần lý giải phần lớn các nạn nhân của rượu, chất kích thích và tự sát là đàn ông.

Ca ngợi đàn ông như một "trụ cột" gia đình cũng vậy. Khi trách nhiệm CÁ NHÂN trở thành trách nhiệm GIỚI TÍNH, đàn ông phải vác một gánh nặng tài chính không thể chối từ hoặc yêu cầu san sẻ. Niềm tự hào là trụ cột gia đình trở thành con dao hai lưỡi khi đàn ông há miệng mắc quai. Đã chót đeo vào cổ tấm huy chương "trụ cột" thì phải trở thành một cỗ máy kiếm tiền, kiệt sức cũng phải kiếm tiền, không đam mê cũng phải kiếm tiền, từ bỏ ước mơ cũng vì đồng tiền, quỵ luỵ nhục nhã có khi cũng chỉ vì phải mang tiền về nhà, bởi vì mình đã trót là trụ cột.

Đã chót đội lên đầu vầng hào quang "trụ cột" cũng tức là đeo vào vai cái gông cùm của hai chữ "danh dự". Nó làm đàn ông dễ vỡ như một vết thương mới lên da non, động cái là chảy máu. Vợ làm ra tiền bằng mình --> khó nghĩ. Vợ làm ra tiền nhiều hơn mình --> khó chịu. Vợ thăng tiến nhanh hơn mình --> tổn thương. Thấy đàn bà giỏi hơn mình --> sợ rồi dè bỉu. Thấy thằng khác giỏi hơn mình --> ghét rồi hoang mang. Thấy thiên hạ giỏi hơn mình --> thất vọng rồi lạc lối. Trong cái vòng xoáy luẩn quẩn của gôm cùm trụ cột, đàn ông thường lao vào cuộc chinh chiến để chiến thắng với người khác chứ không phải chiến thắng chính-bản-thân mình.

Vậy chúng ta phải làm gì?
Điều dở nhất chúng ta có thể làm là, như một bài báo tôi tình cờ đọc được, kêu gọi phụ nữ hãy dịu dàng hơn nữa, hãy tâm lý hơn nữa, hãy biết lắng nghe hơn nữa, hãy nhịn nhục hơn nữa, vì đàn ông thực ra đáng thương và mong manh lắm.

Thật là một giải pháp lạ lùng, vì nó có khác gì cho người bị bệnh đái tháo đường ăn đường thay cơm, cho người béo phì húp mỡ thay nước? Gánh nặng gông cùm của Hy Sinh không được hoá giải bằng việc đã hy sinh rồi thì hy sinh thêm (!). Gánh nặng gôm cùm của áp lực phải trở thành một kẻ kiếm tiền mạnh mẽ không được hoá giải bằng việc lau cái trụ cột sạch bong, sạch hơn cả ngày xưa, rồi tiếp tục để nó gánh tránh nhiệm là cột trụ.

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tự xoá bỏ gôm cùm cho nhau. Đừng hy vọng quá nhiều thì sẽ không bao giờ thất vọng quá lớn. Đừng vẽ lên hy vọng một ông chồng lý tưởng là kẻ chu cấp tài chính, cũng đừng mất công mong cô vợ tương lai sẽ như một ô sin chỉ biết chăm con chăm nhà. Đừng coi bạn trai như vệ sĩ, cũng đừng coi bạn gái như một kẻ yếu ớt lúc nào cũng cần bảo vệ. Đừng mong đàn ông lúc nào cũng trơ gan cùng tuế nguyệt, cứng như đá vững như đồng, cũng đừng mong phụ nữ phải liễu yếu đào tơ, dịu dàng, ngoan ngoãn.
Thế đi.
Vì chỉ có thế thì chúng ta mới có cơ hội tìm cho đời mình một nét vẽ mới, khám phá một góc cạnh mới, dựng xây nên một cá tính mới. Nếu không coi chồng là kẻ chu cấp tài chính, vợ sẽ có cơ hội thấy mình trở thành doanh nhân, chồng tìm được niềm vui tưởng như không bao giờ tồn tại trong việc chăm sóc con cái. Nếu không bắt bạn trai phải mạnh mẽ, bạn gái sẽ có cơ hội thấy mình quyền lực, quyết đoán, bạn trai sẽ có cơ hội được chạm vào phần phức cảm rất người, rất thật, rất chân thành, không cần gian dối của thế giới cảm xúc.

Một khi còn thốt ra được câu "đàn ông con trai gì mà..." hay "đàn bà con gái sao lại...." thì tức là bạn đang là nạn nhân của định kiến xã hội. Phán xét kẻ khác đồng nghĩa với việc mình cũng sẽ bị người đời phán xét. Nhận một lời khen giới tính cũng là quàng vào cổ thêm một cái gông.


Dây trói của đàn bà cũng là xích xiềng với đàn ông. Dù dây trói ấy nạm kim cương và xích xiềng ấy làm bằng vàng mười, dây trói và xích xiềng muôn đời chỉ có một nghĩa vụ: GIẾT CHẾT TỰ DO.”

Luôn nhìn thấy lỗi ở người khác: Nỗi bất hạnh lớn lao của những cái đầu chứa đầy thành kiến

Bài viết này hay quá nên chôm đem về đăng cho mọi người đọc tham khảo. Xem nguồn bài viết ở đây.

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.
“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.
Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”
Người chồng đáp: “Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là “lỗi lầm của người khác”.
Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng.
Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền về quá khứ, nỗi sợ hãi về tương lai sẽ lập tức khiến cho cái thế giới vốn đang đẹp đẽ nhường kia liền biến thành một chốn đầy những chuyện xấu xa, phiền phức. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.
Kỳ thực, không phải là thế giới có vấn đề, hay người khác quá sai quấy, mà vấn đề nằm chính ngay nơi tâm ta. Khi nhìn đời bằng cái tâm có vấn đề, mang đầy những cảm xúc và thành kiến tiêu cực, thì chúng ta thấy ai cũng thành sai quấy, đụng chuyện gì cũng hóa tổn thương.
Chúng ta luôn có hai xu hướng: nhìn những thứ mình thích, những người mình thương với cặp mắt kính màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa bằng chiếc kính tiêu cực màu đen.
Do thói quen phóng đại mọi ưu điểm của những người mình thích, họ trở nên quá lung linh, quá tuyệt vời trong cảm nhận của chúng ta. Mỗi lời họ nói, mỗi việc họ làm đều khiến chúng ta xem là chân lý, ngay cả lúc họ sai, chúng ta cũng khó lòng nhìn nhận cho thông suốt. Ví như những cặp đôi khi mới yêu nhau, thì riêng đối với họ, đối phương luôn đẹp đẽ, dễ thương và toàn ưu điểm. Nếu chẳng may phát hiện đối phương làm chuyện không tốt, thì chúng ta vẫn thừa khả năng và đủ lý lẽ để tự huyễn hoặc bản thân rằng họ không sai.
Hẳn nhiên, chính do cặp mắt kính màu hồng đã khiến cho cách nhìn của chúng ta hóa ra lệch lạc, chúng ta không thấy được mọi người đúng với bản chất chân thực như họ vốn là. Để rồi khi sự yêu thích bên trong mình giảm sút đi, thì hình tượng trong lòng cũng theo đó mà sụp đổ. Chúng ta nhìn ra ở đối phương ngày càng nhiều lỗi lầm và khuyết điểm, chúng ta trở nên hoang mang đau khổ, đến nỗi hoài nghi ngay cả chính bản thân mình.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với những người bị chúng ta coi thường, chỉ trích. Chúng ta xé to những sai lầm của họ, đi rêu rao những khuyết điểm mà chúng ta cho rằng thật khó chấp nhận làm sao. Rồi đến một lúc nào đó những người mà trong tâm trí ta vẫn xem như kẻ thù, lại sẵn sàng giúp đỡ và tử tế, thì liệu chúng ta có thể xem như không chút hổ thẹn với lương tâm?
Khi nói lỗi ở người khác, chúng ta vô tình truyền sang người nghe những cảm xúc tiêu cực, bất an. Dòng tâm thức của chúng ta cũng trở nên lộn xộn, đầy những rắc rối y như câu chuyện mà mình đang kể. Theo đó, ấn tượng mà ta để lại trong lòng những người khác chỉ là những cảm giác tiêu cực, để rồi một cách rất tự nhiên, họ sẽ áp dụng đúng sự phê phán, soi xét đó trở lại cho ta.
Hai thái cực nói trên, kể cả việc phóng đại những điều mình thích và phản ứng kịch liệt với điều mình không ưa, tựu chung đều là những cách nhìn thế giới còn chưa đúng đắn. Nên chăng, chúng ta hãy dùng cặp mắt sáng suốt của trí tuệ, dùng tâm thái thiện lương để nhìn nhận cuộc đời.
Thời gian đã khiến cho chúng ta mất đi cái nhìn trong sáng về thế giới, đánh mất những rung cảm hạnh phúc trước cuộc sống vốn đầy màu nhiệm và bình an. Chúng ta không có lúc nào dừng lại để chăm sóc chính mình, mà cứ mải chạy rong ruổi theo những suy nghĩ đúng sai, phải quấy về cuộc đời và về người khác.
Xét cho cùng, lỗi lầm dù của ai đi chăng nữa, vốn chẳng hề ảnh hưởng đến tư cách và phẩm chất của chúng ta. Nó chắc chắn không làm cho chúng ta trở nên đẹp đẽ gì hơn khi phê phán người khác. Mà chính thái độ tiêu cực, thói quen chỉ trích mới khiến chúng ta mắc lỗi với bản thân mình và xấu đi trong mắt của mọi người.
Tìm lỗi của người khác, là tự đem rác rưởi của họ về cất trong nhà. Mỗi phút chúng ta để tâm đến chuyện không tốt, thì mất đi một phút vui vẻ không thể lấy lại. Cuộc đời này ngắn lắm, sẽ chẳng ai có khả năng và trách nghiệm níu giữ cho ta những thời khắc sinh mệnh đang vùn vụt trôi qua. Vậy chúng ta có còn muốn phí hoài cuộc sống để đi phán xét những sai lầm của người khác?
Cách mà chúng ta nhìn người khác, thực chất là đang phản ánh nội tâm của chính mình. Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người sân hận sẽ luôn thấy người khác công kích và chọc tức mình. Một người không thành thật sẽ thấy mọi người đầy giả trá. Tất cả những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực đó, đều khởi sinh từ một tâm thức thiếu bình an. Nên điều mà chúng ta cần làm, là quay trở vào bên trong để nuôi nưỡng mảnh đất tâm mình vốn đang ngập đầy giông bão.
Bao nhiêu người trong số chúng ta vẫn đang hằng ao ước có được “một vé đi tuổi thơ”? Đã bao lâu rồi chúng ta không thể nở một nụ cười trọn vẹn? Chúng ta ao ước có được chút hồn nhiên, trong trẻo như trẻ nhỏ, để có thể dễ dàng hạnh phúc và dễ dàng thứ tha.
Nhưng tại ai đã làm cho chúng ta ngày càng trở nên khô cằn, nóng nảy và bất hạnh? Tại ai đã khiến chúng ta luôn cô đơn, lạc lõng ngay chính trong gia đình mình, giữa bạn bè mình và bên cạnh tám tỷ người trên trái đất này?
Là do chúng ta cố chấp mà đeo lên những cặp kính đầy phiền não, những cặp kính sai lầm ngăn cách chúng ta với hạnh phúc hiện tiền. Chỉ cần một lúc nào đó đủ dũng cảm tháo bỏ cặp kính ấy đi, thì cuộc đời sẽ hiện ra tươi mới, thế giới sẽ là chỗ để chúng ta trải nghiệm phúc lạc đủ đầy.
Cuộc đời này ngắn lắm, chúng ta không thể quyết định được chiều dài của sinh mệnh, nhưng có thể tùy ý sử dụng chiều sâu của sinh mệnh, nhìn thế giới một cách thông suốt, giữ cho tâm không phê phán, hơn thua.
Sưu tầm


Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Đi Ấn độ thì không cần mang hành lí gì đâu nha mọi người!

Cuộc sống tối giản (nghĩa là giảm thiểu vật sở hữu) đang là lối sống được yêu chuộng ở nhiều nơi, cho nên bây giờ mình theo trào lưu luôn đi. Đi đâu cũng xách cái mình ên lên đi, khỏi hành lý hành liếc gì cho mắc công bảo quản còn tốn phí vận chuyển tới lui nữa đó.

Trường hợp cụ thể luôn là đi Ấn độ nè mọi người! Làm vầy đi là hổng ai thèm chôm đồ cũng không biết mình là du khách.
 Thứ nhất chỉ cần mang theo một cái túi bao tử đeo cổ hay đeo ngang bụng. Trong đó đựng tất cả đồ đạc không thể mất như tiền, thẻ ngân hàng, hộ chiếu, vài tấm hình thẻ, bản photo CMND và hộ chiếu. Túi bao tử này mang bên trong quần áo đang mặc trên người.
- Một cái ba lô nhỏ/túi xách mà mình hằng ngày xách đi làm hoặc đi học trong đó cho vào những thứ cần sử dụng trong ngày, nghĩa là khi mình ra ngoài và trở về trong ngày mình mang theo gì thì cái túi này cũng y vậy đó. Cộng thêm 1 bộ đồ sơ cua cùng một cái khăn choàng để chống lạnh.
- Người nào có laptop, máy ảnh này nọ thì cần ba lô chắc chắn còn tôi thì không dùng nên xách cái giỏ mà người ta hay dùng để đi chợ, loại túi vải, có thể gấp gọn lại trong lòng bàn tay. Mà nếu ai khéo tay có thể lấy cái khăn choàng ấm gấp lại làm túi luôn, nghĩa là hai trong một, cần túi thì có túi, cần khăn thì có khăn. Xem video tham khảo ở đây và ở đây Tham khảo cách làm ba lô từ áo sơ mi ở đây. Rất dễ, không cần cắt gì cả.

Ấn độ cái gì cũng rẻ hết hà, cần gì thì sang ấy mua. Thậm chí có khi chẳng cần quần áo sơ cua gì luôn. Mặc một bộ đồ trên người thôi rồi sang đó mua đồ Ấn mặc cho nó an toàn và cho giống người địa phương. Đồ Ấn mặc thích lắm, vải cotton, rộng rãi thoải mái, nhẹ, mau khô, giá lại rẻ nếu biết chỗ mua.

Đi Ấn nếu bay ngã Thái Lan, nghĩa là quá cảnh ở Thái Lan thì đến thành phố Calcutta, thiên đường mua sắm, cần gì cũng có, giá lại rẻ rề. chỉ cần đi dạo dạo phố là mua được cái quần hay cái áo giá Rs. 100, khoảng 30 ngàn đồng tiền Việt.

Nếu đi Nam Ấn quá cảnh ở Malaysia thì đến sân bay quốc tế Kochi. Đi ngã này thì tôi chỉ cho mọi người chỗ sắm đồ còn rẻ hơn nữa. Đó là đến astram của Amma, một lãnh tụ tôn giáo nổi tiếng của Nam Ấn. Tại astram này, tín đồ từ khắp nơi trên thế giới quy tụ về, và ngày nào cũng cần tình nguyện viên. Amma kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường trong đó có rác thải ny lông. Và tôi đã học cách tái chế rác thải ny lông tại đây. Ngoài ra còn có recycling center (trung tâm tái chế rác thải), hướng dẫn mọi người cách phân loại rác. Rác đến từ astram, và kí túc xá sinh viên. Trong khu vực ấy có cả trường đại học nổi tiếng ở Ấn độ do Amma mở ra cho sinh viên học, có cả sinh viên quốc tế theo học, ngoài ra còn có viện nghiên cứu chế tạo mỹ phẩm và thuốc men từ cây cỏ hoa lá. Túm lại gọi là astram nhưng nó giống như một thành phố thu nhỏ vì có cả trường học, bệnh viện và ATM. Cho nên rất rất nhiều tín đồ quốc tế đến ở đây lâu dài mà không cần bước chân ra thế giới bên ngoài.

Vì sao tôi giới thiệu mọi người đến astram này để mua đồ giá rẻ? Vì Amma và các tín đồ Châu Âu rất quan trọng việc giảm thiểu rác thải và tái sử dụng đồ đạc quần áo. Khu vực này mỗi ngày có mấy ngàn ngưởi tá túc (kể cả sinh viên), cho nên số lượng đồ đạc dư thừa, không dùng đến hay do chủ nhân về nước không dùng nữa bỏ lại khá nhiều. Mọi người được khuyến khích không cho vào thùng rác mà quyên từ thiện cho hội Donation. Hội này sẽ có tình nguyện viên phân loại và định giá cho từng món. Sau đó tất cả các món đồ từ thiện sẽ được đem vào cửa hàng second-hand Sam’s Bazzar để bán lại. Tiền bán đồ sẽ được hội đưa cho Amma để đem đi làm từ thiện khắp nơi trên thế giới.

Do người nước ngoài ở rất đông đặc biệt khi Amma có mặt ở đó nên có khi  mọi người săn được những món chất lượng Châu Âu mà giá rẻ như cho không. Có món còn mới tinh, chưa khui cả bao bì nữa chớ. Tôi thấy có vài người Ấn ở ngoài hay vào đây săn đồ Châu Âu lắm nè! Tại đây  tôi mua được cái túi bao tử có dây đeo cổ mới tinh với giá Rs100, trong khi trên mạng quảng cáo cái tương tự giá 20 đô Mỹ. Vật dụng thì đa dạng từ nồi niêu xoong chảo bếp nấu cho đến đồ dùng nhà tắm nhà bếp giường chiếu gối mùng mền thảm yoga, mỹ phẩm các loại, ……………
Ngoài ra, quần áo thì mênh mông từ đồ Ấn cho đến đồ Nhật Hàn Trung Châu Âu Mỹ,……….đủ loại, có cái rất mới, có cái cũ. Cái nào cũ giá chỉ Rs. 20/cái. Cái mới thì từ vài chục cho đến Rs.100 thôi hà. Tại đây tôi săn được cái vali Samsonite tuy cũ nhưng còn khá bền chắc, hổng rách chỗ nào, các dây kéo còn ngon lành với giá chỉ Rs. 300, đựng được 30 kí hành lý luôn đó.

Túm lại là tất cả những gì mà một người ở trong vòng vài tháng có thể sắm sửa để sống cho thoải mái thì ở đây đều có bán hết. Vì khi nào về nước thì họ để lại chứ mang về chi cho nặng hành lí, với lại đây cũng là cách góp tiền làm từ thiện. Mình thì cho miễn phí (donation) thay vì phải mang vác nặng hay quăng vào thùng rác. Họ thì nhận rồi bán lại giá rẻ để người cần dùng không phải mua món mới. Tiền thu được thì mang đi cho người nghèo. Cho nên ai cũng có ích lợi. Đó là lý do tôi cực kì khuyến khích mọi người đến đây săn đồ cho chuyến đi bụi Ấn độ của mình.

Vì vậy, mọi người đi Nam Ấn thì chả cần mang hành lí gì cả. Cứ bộ đồ mặc trên người rồi đến astram mua sắm, có khi còn rẻ hơn và tiện dụng hơn là mua từ Việt Nam luôn đó.
Đây là trang web của astram: https://www.amritapuri.org/
Và để biết cách đến astram này như thế nào thì mọi người xem hướng dẫn cách đi ở đây.
Có thể đăng kí trước chỗ ở online luôn nè! Giá giường trong dorm 4 giường là Rs. 250/người bao luôn cả 3 bữa cơm chay lẫn hai bữa uống trà sữa mỗi ngày. Nước uống thì khắp nơi có máy lọc cho nên lấy uống miễn phí hổng cần phải mua đâu. Nếu mua thì mua trái cây ăn thôi.

Lưu ý: khi đăng kí dorm thì mọi người đề nghị được ở tầng cao cao như tầng 12-13 gì đó, có thang máy. Trùi cảnh nhìn từ trên mấy tầng này y như thiên đàng vậy đó. Có lần tôi may mắn được cho ở cái dorm có đến hai cái cửa sổ, mỗi cửa sổ là một cảnh khác nhau, giống bồng lai tiên cảnh ghê nơi!

Thôi quảng cáo đến đây thôi, mọi người vào trang web tự đọc thông tin nha!
Do tình nguyện viên đến từ khắp nơi nên thông tin trong astram được dịch ra rất nhiều thứ tiếng nhưng hổng có tiếng Việt. Ai siêng sang đó tình nguyện dịch tất tần tật ra tiếng Việt là họ hoan nghênh ghê lắm đó!

À quên, ở astram này có các khóa tập yoga hay khóa học này nọ, có cả khám bệnh coi bói đủ thứ tất tần tật nhưng giá cả không hề rẻ do tính theo mức giá Châu Âu. Tôi nghe nói là các khóa này do tín đồ của Amma dạy và họ thu phí rồi lấy tiền phí quyên vào quỹ từ thiện của Amma chứ họ không giữ để xài riêng cá nhân. Mọi người đến đó rồi tự tìm hiểu đi nha!

Nếu muốn khám bệnh thì đến bệnh viện thuộc astram khám, mỗi lần khám có Rs 10 thôi hà mà khám chất lượng lắm đó. Những vị ở lâu lâu nói cho tôi nghe vậy đó còn khám ngay tại astram do đệ tử của Amma thì tính theo giá Châu Âu.

 Túm lại ai mới chân ướt chân ráo vào thì có thể bị sốc bởi dịch vụ này nọ giá tính bằng tiền đô hay được quy ra tiền Ấn thì cao ngất. Nếu muốn rẻ thì mua đồ ở Second-hand Sam’s Bazzar, khám bệnh thì đến hẳn bệnh viện, thiền IAM thì miễn phí, rồi còn nhiều cái rẻ rẻ miễn phí nữa, cứ bám lấy mấy vị lớn tuổi ở lâu lâu chừng vài năm thì họ tư vấn cho hết. Có nhiều vị ở năm này qua năm nọ, đem theo anh chị em cha mẹ sang ở chung, hoặc có khi nguyên gia đình kéo qua ở luôn. Họ đăng kí phòng riêng ở lâu dài, tự gắn máy lạnh hoặc xin phép sửa sang lại phòng cho phù hợp mục đích sử dụng của họ luôn. Thường người ở lâu thì ở tòa nhà khác với người ở ngắn hạn. Người muốn tu theo Amma gọi là Aspirant thì cũng ở riêng tòa nhà luôn do họ buộc phải im lặng, không được mở miệng nói chuyện và luôn phải mặc sari trắng. Ai muốn im im thì sang đây làm aspirant đi nha. Có đủ mọi quốc gia luôn đó.

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2017

Làm sao để hết tham ăn?

Đây là điều khiến cho tôi hết tham ăn tối hay còn gọi là ăn đêm hay là ăn vào buổi tối.

Đó là tôi bị đau bao tử, cái tôi hết ăn luôn. Bởi khi nào ăn đêm là bệnh đau bao tử tái phát. Tôi chỉ ăn ban ngày, ban đêm thì không ăn gì cả hoặc chỉ ăn một ít trái cây thôi; không cần uống thuốc gì, bệnh tự hết. Nhưng nếu tôi ăn đêm, ăn mỗi đêm trong vòng 1 tuần thì bệnh tái phát. Mà bệnh tái phát thì nó đau âm ỉ lắm làm cho tôi sợ xanh lét mặt mày, và không dám ăn tối nữa.

Ngoài ra còn cách nữa là hãy cách ly khỏi thức ăn, đặc biệt là thức ăn yêu thích. Tôi từng bị đói ghê lắm vì một số vùng họ chỉ bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày vào lúc 2h trưa và bữa ăn thứ hai vào lúc 9-10h đêm. Ngoài thời điểm này thì họ chỉ bán thức ăn nhẹ thôi, mà ăn nhẹ thì làm sao mà no đặc biệt là khi tôi phải vận động tay chân nhiều như đi bộ hoặc leo trèo. Vậy là có khi chỉ ăn được một bữa một ngày thôi cho nên thường xuyên ăn bánh ngọt hoặc trái cây. Do không ăn đêm nên buổi sáng rất đói cần nạp đủ năng lượng, vậy mà chỉ có bánh ngọt thôi, nên nhiều khi đói ghê gớm, đói dã man, đói hoa cả tay lẫn chân, đi không nỗi chỉ có ngồi thở dốc nhất là khi khí hậu nóng bức, nóng ghê gớm, mới 7h sáng mà nắng đã chói chang rồi. Nhưng mà riết rồi cũng qua được thôi.

Cho nên để trị bệnh tham ăn thì hoặc là bị bệnh nên không ăn được, hai là ở nơi hổng có thức ăn để ăn, có muốn ăn cũng chẳng có gì để ăn. Vậy là trị được thói tham ăn thôi.


Còn một cách để luôn sống trong hỷ lạc mà không cần phải ăn uống gì nhiều, đó là say mê quán pháp. Quán mê đến nỗi không cần ăn uống gì nhiều mà vẫn không thấy đói.

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Lại kể chuyện ở trường thiền nha!


Ở trường thiền một thời gian thì tôi luôn nhìn thấy ánh sáng kể cả khi nhắm mắt lại. Ngủ trong ánh sáng luôn. Riết rồi quen. Và từ đó về sau, nhìn đâu cũng thấy ánh sáng. Ngay cả trong cái tối đen như mực mà mọi người gọi là tối như đêm 30 ấy, cũng nhìn thấy ánh sáng ẩn trong đó.

Khi nhìn đâu cũng thấy ánh sáng, cái tôi không sử dụng đèn điện nữa. Vì thấy rõ quầng sáng của đèn điện đi vào cơ thể và tác động lên các tế bào. Tôi nhìn thấy điều ấy rất rõ, nhưng quầng sáng từ ánh đèn cầy thì lại không.

Lúc ấy nguyên toà nhà chỉ có tôi và một sư cô người Hàn Quốc thôi. Sư cô người Hàn Quốc thấy tôi không dùng bóng đèn điện nên cổ tưởng là tôi tiết kiệm điện (sau này cổ nói mới biết), vì vậy cổ cũng không dùng. Hai người ban đêm chỉ sử dụng một ánh nến đặt trong hành lang của tòa nhà thôi. Mà từ tòa nhà đi đến thiền đường thì phải đi ngang qua một khoảng sân vườn, thường sân vườn này ban đêm luôn để đèn để có ánh sáng và để cho rắn không bò vào. Tôi tắt luôn, và lần mò đi trong bóng tối. Nói là bóng tối chứ lúc nào cũng thấy ánh sáng hết mừ. Mỗi ngày từ thiền đường về phòng là 9h tối, tôi cứ vậy mà đi, còn sư cô thì có đèn pin nhỏ trong tay, cổ thường đi cổng sau để vào tòa nhà, còn tôi thì đi vào bằng cổng trước.

Sống vậy được chừng vài ngày cái vị phụ trách hỏi bộ bóng đèn hư sao mà tòa nhà tối om hổng có ánh sáng. Tôi nói rằng hổng có hư nhưng mà hổng có cần sử dụng. Vị ấy bảo phải sử dụng đi vì tòa nhà ấy chỉ có nữ giới mà tòa nhà lại ở sát một cánh đồng hoang bên ngoài, cách nhau có một bức tường thôi, người ngoài có thể leo vào đó. Nếu tối om khi có người leo vào thì không ai nhìn thấy hết. Vị này méc sư phụ dạy thiền nữa chớ. Cái sư phụ hỏi sao không mở đèn điện. Tôi nói rằng thứ nhất ánh sáng từ đèn điện rất có hại cho cơ thể vì tôi thấy rõ tia sáng đi vào cơ thể và làm tổn hại tế bào như thế nào luôn mà. Thiền sư tròn mắt nhìn tôi.

Thứ hai là tôi nhìn đâu cũng thấy ánh sáng mừ, đâu có cần ánh sáng nhân tạo từ đèn làm gì. Thiền sư lại tiếp tục tròn mắt nhìn Hiểu ổng muốn hỏi gì luôn nên đáp: Con không có mở con mắt thứ ba nhưng con luôn thấy ánh sáng mừ. Bởi vì ngay cả ban đêm bầu trời cũng không bao giờ tối, luôn có ánh sáng mờ nhạt từ trên trời và ánh sáng nhiêu đó đủ cho con sử dụng rồi.

Ổng cười hả hả rồi nói: Thôi dùng bóng đèn điện đi vì lý do an ninh cho tòan khu nữ giới.

Vậy là dùng. Xong còn nói với ổng: Thiền sư sau này nhớ giới thiệu cho con trung tâm thiền nào mà chỉ dùng đèn cầy không dùng bóng đèn điện nha. 

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Tôi rất là có duyên với Kinh Pháp Hoa nha mọi người!

Ngôi chùa Nhật Bản này chỉ thờ Kinh Pháp Hoa và tụng đúng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh mỗi ngày. Tôi không biết tiếng Nhật nhưng tôi có thể tụng kinh Pháp Hoa bằng tiếng Nhật với tăng ni trong chùa mỗi sáng và chiều tối. Người Nhật thì họ đọc thẳng bằng tiếng Nhật, còn người không biết tiếng Nhật thì được phát bộ kinh có phiên âm ra chữ La tinh. Tụng theo họ, không phải là tôi đọc lí nhí trong miệng trong nha, đọc lớn tiếng hòa âm cùng họ luôn đó. Có lần trong chùa không có ai, tôi cùng 1 cô ni đại diện chùa đến dự một buổi lễ nào đó của địa phương và tôi cùng cô ni đọc tụng 1 đoạn kinh Pháp Hoa. Chỉ có 2 người thôi, mới đầu tôi cũng run, sợ không tụng hòa âm với cô ni được. Vậy mà mọi việc xảy ra suông sẻ đến không ngờ. Và tôi cũng không ngờ tôi có thể tụng và hòa âm nhịp nhàng đến vậy luôn đó. Ai cũng tưởng tôi là người Nhật, hoặc ở chùa đó lâu lắm rồi hoặc ít ra phải biết tiếng Nhật. Hổng ngờ tôi vừa không phải người Nhật, không biết tiếng Nhật và vừa ở đó được có vài tuần thôi hà. Vui ghê!

Mấy người Nhật ở chung bảo: Nghe nói dân Việt Nam thông minh lắm mà giờ mới được tận mắt thấy nè! He he he he he. Hổng phải do tôi thông minh mà do tôi có duyên với kinh Pháp Hoa mấy ông ơi!

Đỉnh điểm duyên của tôi là chuyện này nè! 

Hôm ấy là ngày gì quên mất rồi mà có nguyên một đoàn người dân của quốc gia ấy đến viếng chùa đúng ngay buổi lễ chiều tối. Họ đến từ nơi xa, dù họ nói họ là Phật tử nhưng thật ra gốc của họ vẫn là Bà La môn giáo, nên họ bị ảnh hưởng bởi Bà la môn giáo nhiều hơn.

Lúc ấy tôi cùng sư trụ trì và vài Phật tử người Nhật vừa đi công chuyện bên ngoài về, chưa kịp nghỉ ngơi gì là đến giờ tụng kinh buổi chiều. Do có nguyên đoàn khoảng 20 người khách đến chùa nên mọi người phải lên chánh điện hết để tụng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa, mục đích là tụng cho những vị khách này nghe câu này, để gieo duyên với họ và để họ có thể học mà tụng theo.

Theo truyền thống trong chùa thì mỗi khi tụng câu này, mỗi người đều được phát một cái trống cầm tay, vừa tụng vừa gõ trống, tiếng tụng và tiếng trống hòa vào nhau nhịp nhàng như một bản nhạc. Chỉ cần không khớp một âm là bản nhạc lạc điệu liền hà. Cho nên để hướng dẫn người mới thì những người cũ phải tụng và gõ liên tục cho họ bắc chước làm theo, gọi là dìu. Thường người mới thì họ gõ trống nhẹ nhẹ, tụng nhỏ nhỏ để nếu có lạc điệu thì không phá buổi lễ

20 vị khách này, mỗi người được sư Nhật bản phát cho một cái trống tay, và câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bằng tiếng Nhật được phiên âm ra tiếng La Tinh khắc trên bản gỗ để trước mặt họ. Vậy mà họ vẫn không đọc được, họ chỉ gõ trống thôi, mà họ chẳng biết cách gõ cho hòa giọng đọc, họ gõ theo kiểu Bà La Môn giáo, gõ rất lớn và không theo tiếng tụng gì cả.

Trùi ui, thấy họ mà nản ghê luôn, đã không biết mà còn gõ trống cho thiệt lớn, y như họ đang phá buổi lễ vậy đó. Nhưng quan trọng là họ không biết họ đang phá, họ chỉ tưởng họ phải ra tay gõ thật mạnh vào trống thì thần linh mới chứng, nên người nào cũng ráng gõ hết cỡ. Và để dìu họ thì người tụng phải tụng lớn hơn tiếng của 20 cái trống lạc điệu hợp lại. Tôi bó tay rồi nha!

Lúc ấy có mấy Phật tử Nhật Bản trẻ trẻ nản quá, bỏ ra khỏi chánh điện rồi. Còn lại vài cô hơi lớn tuổi và tôi (bởi tôi bị kẹt giữa 20 vị khách này, chứ nếu không chắc tôi cũng bỏ đi mất tiêu òi).

Cô ni giữ cái trống cái bên tay trái có việc gì đó nên nhờ 1 cô Phật tử người Nhật ngồi vào ghế trống cái thay cô ấy.

Được một lúc thì ông tăng ngồi ở trống cái bên phải ngoắc tôi lên ghế trống cái ngồi thế ổng. Còn ổng ra ngoài làm gì đó.

Hời ơi, nguyên cái chánh điện còn lại ông sư trụ trì, ngồi một mình phía trước gần bàn thờ Phật, trống cái bên trái là một cô Nhật Bản, còn trống cái bên phải là tôi, cùng 20 tay trống lạc điệu đang cố sức gõ cho thật mạnh.

Lúc ấy tôi cũng đuối lắm rồi, nhưng thấy sư trụ trì từ bi ghê gớm. Sư vẫn ngồi một mình một cõi đọc thật nhịp nhàng sang sảng câu Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, đọc như thường lệ như hổng có chuyện gì xảy ra. Cái tôi tự hỏi: Sao sư làm được mà mình lại làm hổng được nhỉ? Rồi tôi cảm động bởi sự từ bi của sư quá nên tôi thực sự vào cuộc chiến nha. Thường tụng thì chia hai phe. Sư trụ trì đọc trước một mình câu Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Sư vừa dứt thì những người khác bắt đầu đọc Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Cứ thay phiên nhau mỗi phe đọc một câu vậy đó. Cô Phật tử bên trống cái kia tắt tiếng rồi, nên cổ chỉ ngồi đánh trống thôi. Còn lại duy nhất sư trụ trì, cùng tôi chiến đấu với 20 tay trống lạc điệu. Cứ sư tụng 1 câu là tôi  tụng một tụng, cứ luân phiên vậy làm miết trong vòng mấy chục phút. Tiếng tụng vút lên cao hơn hẳn tiếng 20 tay trống lạc điệu kia, theo đúng tinh thần của trường phái này luôn. Tôi ráng giữ nhịp cùng sư nha. Trong vòng mấy chục phút tiếng tụng luôn ở trạng thái áp đảo tiếng 20 cái trống lạc điệu kia. Cứ thong thả từng tiếng một được buông ra, vút lên, áp đảo sự lạc điệu. Tôi không ngờ tôi lại làm được điều này. Có những lúc, đuối quá, chịu hết nổi, muốn nín lại luôn cho rồi vì sắp bể tiếng rồi, nhưng tôi nguyện: Thôi ráng cho con qua cơn này đi, và tôi chăm chăm vào tiếng tụng của sư, tiếng trống của sư, tập trung hết tinh thần và thể lực vào đó, không chú ý đến bất cứ điều, không chú ý đến bất cứ thứ gì, dù cho trời đất có sập , tôi cũng không quan tâm, vì chỉ cần tôi lãng ra một cái là tôi sụp đổ xuống liền luôn đó. Lúc ấy chắc có bồ tát trợ Kinh Pháp Hoa hỗ trợ cho tôi hay sao ấy, chứ sức một mình tôi không bao giờ có thể làm được điều này. Sự trụ trì thì còn ngồi cách xa 20 tay trống kia, còn tôi ngồi sát bên họ luôn. Và mặc dù 20 tay trống gõ tùm lum điệu kia nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trong không khí cực kì trang nghiêm và thanh tịnh đến ghê gớm! Chắc do tôi tập trung dữ quá nên tôi thấy được sự thanh tịnh này chăng?
Bất chấp sự lung tung của 20 tay trống, mọi thứ vẫn rất khớp, rất nhịp nhàng như thể không có 20 tay trống kia tồn tại vậy đó.

Tôi cũng không biết tôi đã làm điều ấy như thế nào nhưng khi buổi lễ vừa chấm dứt, tôi buông tay trống, chuẩn bị đứng dậy lạy Phật là ánh mắt của 20 vị khách kia đều dồn về phía tôi, mở to với sự ngạc nhiên quá cỡ. Hổng biết sao họ ngạc nhiên đến vậy! Khi lạy Phật xong, buổi lễ hoàn toàn chấm dứt, sư trụ trì quay người lại, nhìn thẳng vào mắt tôi và trong ánh mắt sư lấp lánh một niềm vui khó tả.

Lúc ấy chẳng quan tâm đến gì nỗi nữa rồi, tôi phóng luôn về phòng, uống liền một lúc mấy viên thuốc thông giọng của Thái Lan. Công nhận thuốc tốt dễ sợ, uống xong là cổ họng được xoa dịu ngay lập tức, và tôi không bị tắt tiếng. Hôm sau tiếng nói vẫn bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.


Mục đích bài viết này là để quảng cáo thuốc thông giọng Thái Lan hahahahahaha