CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Trở lại Lào (10): Đạp xe từ Vang Vieng đến Vientiane

 Kỳ trước: Trở lại Lào (9): Vang Vieng

Buổi sáng tôi dậy, lại tiếp tục gõ gõ bài về Vang Vieng đến khoảng 10h sáng thì trả phòng. Sau khi check out, tôi đi qua căn nhà có tivi phát ra tiếng Việt. Đó là một căn nhà sàn theo đúng kiểu Lào. Tôi dựng xe dưới và định bước lên thì một bà lão ra hỏi tôi có vẻ khó chịu bằng tiếng Việt: “Có chuyện gì không?” (người Lào đối với tôi còn thân thiện hơn bà lão này nhiều.) Tôi trả lời: Nghe tivi tiếng Việt nên nghĩ chắc có người Việt ở nên ghé hỏi thăm. Tôi hỏi câu nào, bà lão trả lời câu đó, có vẻ xẳng giọng và không muốn tiếp chuyện với tôi; một lúc sau thì giọng bà mới dịu lại. Gia đình họ 6 người từ Huế sang làm công nhân xây dựng. Căn nhà sàn này là của họ thuê, cộng thêm điện nước mỗi tháng khoảng 500 ngàn kíp. Tiền ăn cho 6 người mỗi ngày khoảng 100 ngàn kíp. Bà bảo thịt ở Lào rẻ hơn ở Việt Nam (vậy mà nào giờ tôi cứ đinh ninh là Lào mắc hơn; chắc do tôi lấy mức giá từ lúc tôi còn ở Việt Nam ra mà so sánh quá?)

Nói chuyện với bà lão được dăm câu thì một thanh niên bước vào, hất mặt hỏi tôi: Có chuyện gì không? Tôi nói hơi đùa một tí: nghe nói có người Việt ở đây nên đến hỏi thăm, được không vậy? Nếu không được thì đi. Anh ta nói: được chứ. Tuy nhiên tôi vẫn chia tay họ mà đi bởi vì họ trông không thân thiện lắm; thậm chí không thèm mời tôi lên nhà uống nước, cứ để tôi đứng dưới thang ngóng cổ lên mà nói.

Đến tận sáng hôm đó, tôi mới biết rằng chợ thức ăn bán sẳn cũng nằm trên đường đi Vientaine. Tuy nhiên, nếu đi thẳng con đường ở trung tâm Vang Vieng về hướng Vientaine sẽ bỏ qua cái chợ này; vì thế muốn đi đến đây thì phải rẽ trái ở ngã ba từ hướng Luang Prabang. Tôi ghé chợ mua 5 ngàn cơm nếp, 10 ngàn cá nướng và 2 ngàn rau mang theo ăn. Lúc ấy mọi người thấy chiếc xe đạp đầy hành lý của tôi nên bu lại nhìn và hỏi người nước nào, tôi nói: Côn Việt (người Việt) và ra dấu là đã đạp hơn 1.500 cây số rồi. Họ le lưỡi.

Tôi đạp xe ra khỏi Vang Vieng khoảng 4 cây số thì thấy bên tay trái là một ngôi chùa cũng lớn và bên phải đường là một bà lão tay xách làn mây đang băng qua. Thấy tôi cũng qua đường vào chùa. Bà lão dừng ở bậc tam cấp để chờ. Sau đó bà rủ ngồi xuống chiếu được trải sẳn ở chánh điện và hỏi chuyện. Khi biết tôi đi xe đạp từ Trung Quốc về, bà nói: keng (không biết là khen hay chê nữa?)

Một lúc sau có tiếng trống thùng thùng (bà lão nói gì đó mà tôi đoán là báo hiệu giờ ăn cơm trưa.) Thêm vài phụ nữ che dù, xách làn mây vào. Thì ra họ mang thức ăn đến cúng dường cho các sư và chú tiểu ăn trưa (chắc nhiều người trong số họ có bà con gì với những người đang tu trong chùa). Một phụ nữ có vẻ là trưởng nhóm, tiếp nhận thức ăn của những người khác và sắp vào hai cái mâm đã để sẳn chén bát (họ sử dụng mâm mây không phải mâm nhôm Nghệ An.)

Một lúc sau thì 6 chú tiểu nai nịt gọn gàng vào ngồi bên trái tượng Phật, sư trụ trì ngồi ngay trước tượng Phật. Một mâm được dọn cho nhà sư, một mâm được dọn cho các chú tiểu (các chú tiểu bê mâm không phải người cúng dường bê)

Một số phụ nữ cúng dường vẫn ngồi đợi và họ ra dấu bảo tôi ở lại ăn cơm. Tò mò muốn biết nên tôi ở lại chờ xem. Trước khi ăn, vị sư và các chú tiểu chắp tay về hướng các vị cúng dường và đọc lên vài câu kinh mà tôi đoán là cám ơn họ đã cúng dường. Các vị cúng dường chắp tay xá trở lại.

Trong khi ngồi chờ sư và các chú tiểu ăn, mọi người nói chuyện với nhau, rì rầm chứ không nói lớn tiếng. Tôi quan sát họ. Thật kỳ lạ là họ mặc cả áo sát nách vào chùa!

Ôi trời, Lào chỉ mới phát triển du lịch trong vòng 10 năm trở lại mà đã thế. Tôi nghĩ có khi nào 10 năm sau họ mặc cả bikini vào chùa không nhỉ? Cái này là kết quả của bọn du khách mất dạy mà tôi tả ở bài về Vang Vieng chăng? Có độc giả phản hồi với tôi rằng do ở Châu Âu và Bắc Mỹ ít có tháng nắng nên họ “tranh thủ” khi ở Đông Nam Á. Tôi đồng ý nhưng họ phải ở khu vực dành cho du khách cơ, còn cứ kiểu như thế mà đi vào các khu dân cư thì đúng là đồ mất dạy. Họ phải được dạy dỗ để tôn trọng văn hóa của người khác chứ. Ở nước họ, họ thậm chí còn được phép naked ở một số khu - nhưng chỉ ở một số khu vực thôi, chứ họ mà thế mà ra đường thì thế nào nhỉ? Tại sao họ không mặc bikini ở những khu vực họ được phép mà cứ như thế vào khu dân cư. Lào không có luật pháp nghiêm như ở nước họ nên họ lợi dụng muốn làm gì thì làm sao? Đối với tôi, họ vẫn là những du khách mất dạy! (chửi kiểu người miền Bắc nè: Tiên sư bảy đời nhà chúng nó!!!)

Sau khi các chú tiểu và sư ăn xong thì bê mâm trở lại chỗ cũ. Vậy là các vị cúng dường ăn phần thức ăn thừa trên mâm. Các bạn chớ vội phê bình gì hết nhé! Ở một số quốc gia Phật giáo, việc ăn thừa thức ăn của các nhà sư được xem như được ban phúc đấy. Họ xem những gì các vị sư dùng rồi mà ban lại cho họ thì như được Phật ban phúc đấy! Chẳng phải các nhà sư luôn được xem như đại diện cho Đức Phật sao? Có thể các bạn sẽ nghĩ rằng đâu phải sư nào cũng đủ tốt để có thể làm đại diện cho Đức Phật. Việc họ tốt hay không là việc riêng của từng cá nhân họ các bạn ạ, còn Phật tử vẫn luôn xem các vị chư tăng ấy là đại diện của Đức Phật. Giống như họ là biểu tượng ấy, còn việc họ có xứng đáng làm biểu tượng hay không là việc riêng của họ; nếu họ không giữ đúng quy tắc nhà Phật thì đó là tội của riêng họ; vì vậy chúng ta không thể chỉ nhìn thấy những cá nhân riêng lẽ mà quy tội chung cho cả tăng đoàn.

Họ mời tôi ăn chung thức ăn thừa ấy; dĩ nhiên là tôi không từ chối. Nguyên tắc của tôi là người bản địa làm sao thì tôi làm vậy. Sau khi ăn thì mọi người dọn dẹp và tôi phụ họ rửa chén bát. Xong xuôi thì mọi người xách làn mây lên và mạnh ai về nhà nấy. Tôi cũng ra lấy xe đi sau khi chụp vài tấm ảnh của họ.



Tôi lên đường giữa trưa nắng. Ở đoạn này đường khá bằng phẳng nên chạy qua 5 cây số rồi mà giống như tôi vừa đẩy xe được 500 mét trên núi đấy. Từ Vang Vieng đến Vientaine khoảng 150 cây số và nhiều đoạn đường bằng phẳng như thế nên một cua rơ đã mô tả là “as flat as a pancake.” Nhưng sự thật có phải đúng thế đâu, cũng lên xuống dốc đấy! Có khi tôi cũng phải nhảy xuống xe mà đẩy lên dốc.

Hôm đó tôi không thấy anh chàng người Pháp Adrien đâu cả. Không biết anh ta còn xe đạp mà đi hay không? Tối hôm trước, sau khi ăn xong anh ta có nói với tôi rằng anh ta bỏ quên xe đạp ở chỗ xem trận rugby mà xe lại không có khóa. Trước đó anh ta đã quên cái máy sạc pin máy ảnh ở ngôi làng nơi mà tôi ngủ trong tiệm hóa ấy. Thật là!!!

Ra khỏi Vang Vieng khoảng 20 cây thì đến một thị trấn khá lớn có cả nhà trọ. Từ thị trấn này thì con đường đi dọc theo một con sông xanh biếc với nhiều ốc đảo; tôi thấy có cả nhà máy giấy trên đoạn đường này.


Càng đi thì đường càng lên dốc và càng vắng vẻ (không có vẻ gì là “as flat as a pancake” cả). Cứ lên dốc vài trăm mét rồi lại xuống dốc vài trăm mét làm tôi nhảy lên nhảy xuống xe đạp…hụt cả hơi nhưng nếu ngồi đạp lên dốc thì tôi không đạp nổi. Đói rã ruột nên đến khoảng 5h chiều thì tôi dừng xe lại ở ngay cạnh đường và chén mấy món mình mua lúc sáng (buổi trưa ăn ké trong chùa nên có dịp ăn thức ăn này đâu?) Bây giờ tôi mới phát hiện loại cá mà tôi đinh ninh là cá trê là không phải cá trê và loại rau xanh cho vào bịch mà tôi hay nghĩ là rau xào lại là rau ngâm nên ăn hơi chua chua giống như ăn kim chi.

Trời tối dần nên tôi bắt đầu dừng lại ở một buôn hỏi nơi ngủ. Họ bảo không có và ra dấu bảo tôi chạy xe đến thị trấn Hinheup nào đó. Lúc ấy trời tối luôn rồi. Tôi ra dấu nói muốn cắm trại ngủ trên thảm cỏ gần nhà họ (bãi cỏ mượt mà và có cây nước công cộng gần đó) thì họ bảo không được và chỉ tôi sang làng tiếp theo (các làng nằm san sát); làng tiếp theo lại chỉ qua làng tiếp theo. Cuối cùng tôi hiểu ra vì sao? Họ nghĩ cắm trại thì phải có mái che nên họ chỉ tôi đến làng nào có mái che. Cuối cùng tôi mệt quá nên chỉ vào một mái che và hỏi cắm trại được không thì họ nói được. Tuy nhiên tôi cắm trại luôn giữa trời dù họ cố thuyết phục tôi vào mái che để tránh mưa. Tôi đành phải trấn an họ rằng lều của tôi có đồ đậy tránh mưa. Họ bu lại lấy đèn pin rọi cho tôi dựng trại. Tôi làm xong thì họ nói gì đó mà tôi đoán là họ nói: thì ra đây là cái trại (chắc họ ít hoặc không thấy bao giờ)

Khi mọi người bỏ đi hết, một đứa con gái khoảng 10 tuổi cứ theo tôi xin tiền. Tôi hỏi tiền gì. Nó bảo cho nó tiền mua nước uống. Tôi bảo tôi không có tiền. Nó chỉ vào lốc sữa Lactasoy của tôi và xin uống; dĩ nhiên là tôi không cho; không phải vì tôi không muốn cho mà tôi không muốn tiếp tay cho nó cái thói quen xin xỏ kiểu ấy.

Khi tôi ra ngoài tìm nước rửa mặt thì một thanh niên rọi đèn dẫn tôi đến chỗ cây nước công cộng của làng cũng gần đấy.

Tôi ngủ thật ngon trong lều của mình trên bãi cỏ êm ái.

Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, dậy theo dân làng. Sau khi rửa mặt thì tôi thấy một phụ nữ xách một làn bằng nhựa đi qua và người dân xúm lại mua. Tôi mua 10 ngàn thức ăn làm sẳn, mỗi gói giá 2 ngàn kíp gồm dồi, thịt heo hun khói, cá bọc lá chuối nướng và nem nướng; tôi để dành ăn với cơm mà tôi mua từ hôm qua ăn mãi vẫn không hết ấy.

Mấy cái trứng gà tôi mua ở Vang Vieng do xe dằn xốc nên bể 1 cái và 3 cái bị dập, chỉ có một cái là nguyên vẹn. Tôi nhìn quanh quất xem nhà nào đang nấu cơm nếp (có khói bốc lên) thì đến xin cho trứng vào xoang nước sôi họ để bên dưới gá cơm. Chị chủ nhà mới có 39 tuổi thôi mà có 4 người con, 3 trai, 1 gái, cô gái 15 tuổi mà ra dáng vẻ lắm rồi. Đúng là dân Lào kết hôn sớm thật.

Chia tay dân làng, tôi lại lên đường. Cũng cứ lên xuống dốc. Sáng sớm trời mát mẻ nên tôi đạp xe theo kiểu sau: tôi thả cho xe chạy tự do xuống dốc và sẳn trớn nên nó lên ½ dốc lên và ½ còn lại thì tôi đứng dậy để lấy sức đạp lên. Tôi cứ đi theo kiểu ấy và cuối cùng cũng vào được thị trấn Hinheup.

Cầu Hinheup do chính phủ Nhật hỗ trợ xây dựng nên khá đẹp. Bến xe Hinheup thì giống như một bãi đất trống có vài hàng quán dựng lên. Xe đến đỗ và người bán hàng rong thì tụ tập lại. Vậy là ra một bến xe.

Tôi lại đạp xe, hết lên dốc, lại xuống dốc, qua các buôn làng. Cuối cùng ra khỏi huyện Hinheup và vào huyện Phonehong, đường bụi mịt mù. Bên đường có bảng chỉ dẫn vào NamLik Eco Village. Tôi rẽ vào, đi lòng vòng. Không khí trong lành nên dù đạp xe giữa trưa nắng vẫn không thấy mệt. Có nhiều nơi thảm cỏ trông y như thảo nguyên, trâu bò thủng thỉnh gặm cỏ thật thanh bình!



Tôi tìm một bóng râm vào chợp mắt một tí rồi lại tiếp tục đạp xe vào thị trấn Phonehong. Thị trấn này khá sầm uất, dọc theo đường cái là nhà hàng khách sạn cửa hiệu vô cùng tấp nập.

Thấy bên kia đường có một phụ nữ bán hàng rong món gì trông như bánh canh, tôi chạy qua xem và hỏi giá. Tôi thấy một phụ nữ đưa cho chị bán hàng 3 ngàn đồng nhưng khi tôi hỏi giá thì người phụ nữ ấy lại bảo là 5 ngàn kíp (tôi nghe thoáng qua chị bán hàng bảo 3 ngàn) Ghét không ăn, tôi đạp xe chạy thẳng! Nhà trọ ở đây cũng khá nhiều.

Trời tối dần. Hiện ra trước mặt tôi là một con dốc. Tôi nghĩ bụng làm sao leo nổi con dốc này thì bên trái đường hiện ra một lối đi vào cánh đồng lúa xanh xanh mà trước đó tôi ngắm ngía rồi nhưng không tìm được lối vào. Tôi chạy luôn vào. Đầu đường có vài căn nhà nhưng càng đi vào thì càng không thấy nhà. Tuy nhiên tôi thấy có xe máy chạy ra từ trong nên yên tâm đi vào. Một lối đi cát trắng để rẽ vào cánh đồng. Tôi men theo. Một đồng cỏ xanh mướt. Qua khỏi đồng cỏ là một lối đi hẹp vào bờ ruộng. Trên bờ ruộng là một đống rơm có hai đứa trẻ đang chơi đùa cạnh một chiếc máy cày. Một thanh niên đang chặt cây gần đó. Tôi ra dấu hỏi nơi này cắm trại ngủ được không. Anh ta bảo được. Trong khi tôi lui cui tháo hành lý thì họ lái máy cày về nhà.

Tôi dựng xong lều thì trời tối hẳn. Tôi lấy đèn pin đi tìm nước rửa mặt. Tôi lội bộ ra đầu hẻm. Vào một ngôi nhà sáng đèn xin nước, họ hỏi tôi gì đó, tôi không hiểu nhưng nói là người Việt. Một lúc sau một người đàn ông Lào biết tiếng Việt bước vào và hỏi chuyện tôi. Thì ra căn nhà mà tôi xin nước là nhà của trưởng thôn và người đàn ông nói tiếng Việt là bố Khẳm (Tôi có nguyên bài nói về bố Khẳm, các bạn đọc ấy nhé!)

Họ bảo tôi dở trại đến nhà họ ngủ cho an toàn nhưng tôi từ chối nói rằng ngủ trong lều của mình, tôi ngủ ngon giấc hơn. Mấy người con trai của ông trưởng thôn bảo tôi có thể cắm trại ở sân nhà họ nhưng tôi nói đã dở đồ dạc và dựng trại lên rồi, vả lại tôi muốn ngủ trên đống rơm cho êm lưng. Thuyết phục tôi không được nên trưởng bản nói thôi được, tôi ngủ lều cũng không sao. Chia tay họ xong tôi qua nhà bố Khẳm chơi và ăn tối cùng bố, vợ bố và người con cả của họ.
Tối hôm đó, tôi ngủ thật ngon và êm ái trên tấm nệm rơm này. Sau khi thu dọn, tôi lại đến xin nước rửa mặt và chia tay mọi người. Tôi qua nhà bố Khẳm chơi một tí. Do tôi từ chối ở lại chờ cơm mẹ đang nấu nên bố cho tôi một ít cơm nếp và 5 quả chuối để ăn dọc đường. Tôi để lại địa chỉ nhà ở Sài Gòn và mời bố ghé nhà tôi ở khi nào có dịp sang đấy. Bố lấy chè tàu do con gái bố đi Bắc Kinh về cho ra cho tôi uống và chúng tôi xem tivi về ngập lụt ở Thái Lan. Nói vài ba câu chuyện, tôi xin phép lên đường.

Ghé quán của một mẹ, tôi mua bưởi, dưa leo, thức ăn sẳn, bánh mì, tổng cộng 11 ngàn kíp; mẹ bán hàng còn tặng tôi cơm nếp để ăn. Còng lưng đạp lên xuống vài con dốc, tôi vào nghỉ ở một thảm cỏ êm mượt có chú trâu tròn ủm, thấy tôi vào, ngừng nhai cỏ để thủ thế.

Ở Lào, từ 9h sáng trở đi, trời nắng kinh khủng, cộng thêm đường bụi mù trời nên đi xe đạp thật khổ sở. Mồ hôi túa đầy người, tôi dừng lại ở một ngôi chùa của ni sư để tránh nắng và tìm nơi đi toilet. Một sư lớn tuổi đang ăn trưa ở trong một mái tranh sau chùa mời tôi ăn cùng.

Tôi bảo nắng nóng quá nên không ăn nổi, sư bảo tôi tắm đi. Vậy là tôi không khách sáo, lấy quần áo ra tắm rửa gội đầu và giặt luôn. Tôi tặng sư bưởi và một hộp sữa Lactasoy và mặc luôn quần áo hãy còn ướt để lên đường. Hóa ra đó lại là một ý hay giữa thời tiết như thế. Tuy nhiên chẳng bao lâu thì quần áo cũng khô hết. Trong lúc giặt đồ do làm biếng giặt hai cái ống quần jeans đã rách nên tôi lấy kéo cắt cho nó thành quần đùi luôn. Vậy là từ quần dài, cái quần jeans đi cùng tôi 8 tháng ở Trung Quốc và 1 tháng rưỡi ở Mông Cổ trở thành quần đùi (sau này có thể nó trở thành mini skirt luôn hổng chừng)

Tôi lại đạp xe qua các thị trấn và buôn làng.

Có ai biết đây là hoa gì không?



Còn khoảng 30 cây số nữa là vào Vientaine thì trời tối. Đường cái bụi mù trời nên tôi rẽ phải vào con đường nhỏ tráng nhựa để tránh đường bụi. Tôi chạy dọc theo buôn ở đây để tìm nơi cắm trại. Một sân vận động có mấy đứa trẻ đang đá banh. Đối diện sân vận động là một khu đất trống đầy cây dại và cỏ. Tôi lẻn vào (nghĩa là không để ai nhìn thấy) và len lỏi qua các bụi rậm để vào sâu một tí. Vậy là tôi có một nơi vừa êm vừa yên tĩnh để cắm trại ngủ.

Tôi lại ngủ thật ngon! Ở Lào, tôi luôn ngủ ngon trong lều của mình.

Sáng, trong lúc đạp xe dọc theo đường cái mịt mù bụi, tôi thấy lối rẽ vào Pat Yao 3 km. Dù chả biết đó là gì nhưng tôi vẫn rẽ vào. Đường lên dốc xuống dốc. Ngán! Đi hết 3km rồi mà vẫn không thấy gì. Nản! Vậy là quay xe trở ra. Dọc đường mua thức sẳn giá 2 ngàn kip/bịch cùng với bún và bánh mì.

Cách Vientaine khoảng 18 cây thì gặp Charlie, một người Pháp, đeo ba lô đi bộ hoặc quá giang xe. Anh ta bảo muốn viết sách về hitchhiking ở Châu Á; anh ta đa phần ngủ lều hoặc ngủ nhà dân hoặc ngủ ở chùa/ đền thờ (lúc ở Ấn độ.) Quá nể các bạn nhỉ?

Nhờ anh ta chụp tôi pô hình dưới đây. Cái quần jeans thành quần đùi rồi nên phải lôi cái khác ra mặc thôi!


Khi tôi ghé vào một gốc đa ven đường để tránh nắng và ăn uống thì tôi “ngộ” ra được cách ăn ở Lào (trước giờ tôi mới biết thôi nhưng đến lúc ấy thì mới thật sự “ngộ” đấy! và khi “ngộ” ra rồi thì tôi phải công nhận rằng mức sống ở Lào vẫn rẻ hơn so với ở Việt Nam) và tôi cũng “ngộ” ra luôn được định nghĩa của “đi bụi” – đó là “đi bụi nghĩa là trở thành người bản địa ở bất cứ nơi nào mình đi qua.” Nghĩa là một người đi bụi phải “ngộ” (chứ không chỉ “biết”) cách ăn uống, ngủ nghỉ của người dân bản địa. Hơi khó đấy nhỉ!!!

Ah quên, các bạn có bao giờ thấy một phụ nữ mặc váy, tóc xõa ngang lưng, mang giày cao gót lái xe…..tải hạng nặng chưa? Nếu chưa thì hãy đến phía Bắc của Lào đi nhé!!!

Kỳ sau: Trở lại Lào (11): Bố Khẳm

2 nhận xét:

  1. hoa đó là hoa sữa đó chị, chị thấy nó có mùi thơm nồng nực đúng không??

    Trả lờiXóa
  2. nguyên khu vực chỉ có một cái cây nở hoa khắp nhưng lại ở tuốt trong lề đường và cây cao quá nên có ngửi thấy mùi gì đâu? Nếu đúng là hoa sữa thì loại hoa này đẹp thật đấy!!! Cám ơn bạn nhé!

    Trả lờiXóa