Vấn đề trọng yếu nhất của
việc đi bụi gồm 3 thứ: Đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ
THỨ NHẤT LÀ ĐI LẠI
Để tiết kiệm tốt đa thì
chỉ có đi bộ, quá giang xe hoặc đi xe đạp mà thôi; có thể mua xe đạp gấp để tà
tà ngắm cảnh; chỗ nào đẹp thì đạp, chỗ nào đường dốc quá hoặc phong cảnh chán
quá thì gấp xe lại và quá giang. Chờ hoài mà không ai cho quá giang miễn phí
thì lại mở xe ra và tiếp tục đạp. Ngoài ra xe đạp còn giúp cõng giùm hành lý;
có khi ta nổi hứng hoặc bị ê mông quá thì nhảy xuống xe đẩy bộ.
Do đó, khi có một chiếc
xe đạp gấp, ta có thể ung dung và dễ dàng áp dụng cả ba cách di chuyển miễn phí
sau: đạp xe, đi bộ và quá giang.
Khi gấp lại, xe đạp có
thể như thế này:
Cách quá giang xe, xem
bài
Dụng cụ đồ nghề nên mang
theo xe đạp gồm:
- 1-2 ruột xe sơ cua
- 1-2 vỏ xe sơ cua
- Bộ gôm thắng sơ cua
- Bộ dụng cụ vá xe gồm ống
bơm, 2 cây nạy vỏ xe, keo, miếng vá, giống hình dưới:
Khi treo vào xe thì bộ
dụng cụ sẽ trông giống thế này; nếu không thì có thể mua ống bơm và đồ vá
riêng.
Trong trường hợp xe hư
nặng hơn thì gấp xe lại và quá giang xe đến thị trấn, thành phố tìm nơi sửa
chữa.
Lưu ý: Nếu đi xe vào mùa mưa thì nên có bao ny lông trùm yên xe để yên không bị ướt.
Tham khảo các cách treo
hành lý trên xe:
Nếu không
muốn chở đồ trên baga hoặc đồ đạc nhiều quá thì mua cái này và gắn vào sau xe để
chở hành lý, cái này gọi là bicycle trailer.
Đơn giản
hơn thì lấy cái rổ nhựa cột vào yên sau, rồi để đồ vào như sau:
Tham khảo cách buộc ba lô vào
xe đạp gấp ở đây.
Dễ thương
chưa! Nguyên gia đình đi bụi bằng xe đạp luôn.
Tuy nhiên nếu
hành lý quá cồng kềnh lỉnh kỉnh thì sẽ bất tiện khi quá giang xe. Do đó, nếu muốn
phối hợp giữa đạp xe và quá giang thì nên chọn xe đạp gấp khoảng 15 kí đổ lại,
hành lý nên gói gọn trong hai ba lô. Ba lô nhỏ chở đồ nặng thì buộc vào baga
xe; ba lô to chuyên dụng để đi bộ thì đeo trên lưng; có thể buộc ba lô này vào
sườn xe đạp, treo hai dây ba lô vào tay lái (giống như trong video này)
; vậy là cân bằng và tiếp tục dung
dăng. Khi cần quá giang xe thì đeo ba lô to đằng sau, ba lô nhỏ đằng trước; xe
đạp gấp lại và kéo hoặc cho vào túi xe đạp và xách trên tay.
Khi cần di
chuyển bằng máy bay thì cho xe đạp vào va li và gửi như hành lý ký gửi (checked
language)
May túi cho xe đạp
Tham khảo thêm ở
Duluth Pack
Có thể vào đây tham khảo cách làm giá đeo sau lưng vừa xe đạp vừa ba lô hoặc
túi treo hai bên cho xe đạp (tiếng Anh gọi là pannier) mỗi khi muốn cõng cả xe
lẫn hành lý mà leo núi. Hoặc học cách thồ hàng kiểu người miền núi cũng hay đó.
Có một loại
headwear dành cho dân đi xe đạp vô cùng lợi hại mà Việt Nam lại nổi tiếng với
headwear này đấy các bạn. Tôi sử dụng nó khi đạp xe ở Nepal và Ấn độ trong thời
gian liên tục mấy tháng trời trong thời tiết nắng cũng như mưa và phải thừa nhận
rằng: Nó rất lợi hại hehehehehehe. Tự hào Việt Nam!!!!!!!!
Loại headwear đặc biệt này
chính là nón lá. Vật tuy tầm thường nhưng nếu dùng đúng cách thì là số 1, khó
có đối thủ lắm nghen! Cách chuẩn bị nón lá để đội khi đạp xe như sau:
Nón lá thường mỏng nên dễ bị
gió thổi bật đi; do đó hoặc bạn có một cái nón lá thật dày hoặc bạn lấy 3-4
cái nón lá cũ và lấy chỉ may chúng lại với nhau, thành ra bạn đội nguyên một chồng
nón lá trên đầu luôn hahahahahha. Có khi không cần mua đâu, chỉ cần đi vòng
vòng các nhà hàng xóm hay bà con họ hàng và xin nón cũ, nón hơi rách hoặc móp đầu
một tí và người ta quăng vào xó cho bụi bám đấy. Xin xỏ chừng vài cái về lấy chỉ
kết lại với nhau, nón rách thì ở giữa, nón đẹp nhất thì ở trong cùng và nón đẹp
nhì thì ở ngoài cùng, nón xấu nhất thì ở giữa. Sau khi kết chỉ thật chắc chắn
thì bạn lấy băng keo trong và dán phía ngoài nón. Mục đích là để bảo vệ nón khỏi
mưa gió và để bịt lại những vết lủng do kim chỉ cũng như để cho nón có chức
năng phản quang. Bạn dán băng keo từ đỉnh xuống rồi sau đó đi vòng tròn. Cuối
cùng là bạn có một headwear vô cùng lợi hại đội ngoài nón bảo hiểm. Tôi thường
đội khăn thấm mồ hôi trước, rồi đến nón bảo hiểm, sau đó là nón lá. Đội như thế
bạn có thể ung dung đạp xe khi trời nắng và nếu trời mưa thì cứ mặc áo mưa vào,
sau đó đội nón bảo hiểm rồi đến nón lá.
NÊN MUA MỘT CÁI NÓN BẢO
HIỂM ĐI XE ĐẠP THẬT TỐT VÀ ĐỘI KHI ĐẠP XE. ĐẶC BIỆT NHỮNG KHI ĐỔ ĐÈO MÀ KHÔNG ĐỘI
NÓN BẢO HIỂM THÌ ĐÚNG LÀ QUÁ MẠO HIỂM ĐẤY!
Lưu ý khi dùng nón lá làm
headwear để đi xe đạp là: khi xuống dốc và khi trời gió quá to hoặc có bão thì
nên cởi nón lá ra, cột thật chắc vào hành lý trên baga, cài nón bảo hiểm vào đầu thật chặt rồi mới xuống dốc. Bởi
dù nón lá nặng cỡ nào thì khi xuống dốc, nón cũng thổi bật ngược ra sau; do đó sẽ
nguy hiểm.
Nếu không thì trang bị cái dù này cho xe đạp cũng được; hoàn toàn miễn phí hehehehehehe
THỨ HAI LÀ NGỦ NGHỈ HOẶC
CẮM TRẠI
Cách một: Ngủ trong võng
lều treo lủng lẳng trên cây:
Ưu điểm: Không bị nền đất ẩm lạnh làm phiền, tránh được côn trùng sâu bọ rắn rết, hoặc nửa đêm nước dâng lụt lội.
Khuyết điểm: Không phải chỗ nào cũng có cây hoặc phương tiện để mắc võng; trong trường hợp này thì lót dưới đất áo mưa hoặc bao ny long hoặc tấm bạt rồi để võng trên nền đất, chui vào khóa kéo mùng lại và ngủ.
Trời mưa,
trời sương, hoặc có gió lạnh thì khi ngủ cần phủ tấm bạt che như sau (chỉ cần
căng một sợi dây ở giữa)
Dùng bao ny
long thật to làm bạt phủ cũng rất tốt:
Vào trang hammock
forum để học thêm cách làm bạt che võng nghen mọi người!
Cách hai: Ngủ lều
Ưu điểm: kín đáo; ngủ lều
có khi an toàn hơn cả ngủ trong phòng của những nhà trọ giá rẻ bởi vì phòng đó
là nơi bạn đến lần đầu, bạn là khách, cho nên bạn không thông thuộc phòng và ổ
khóa bằng những người nơi ấy; dù bạn khóa kỹ phòng, họ vẫn có thể có cách vào
phòng khi bạn đang ngủ; do đó khi không thấy an toàn thì cứ giăng lều lên ngủ
trong phòng hoặc xin phép cắm trại trong khuôn viên khách sạn hoặc nhà trọ ấy;
bạn biết rõ lều của bạn hơn họ nên nếu có ai chạm vào lều hay tìm cách vào thì
bạn dễ nhận biết; vả lại bạn quen thuộc với lều nên bạn sẽ ở thế chủ động.
Nếu lều có khóa bên trong
thì khóa khi ngủ; nếu không thì dùng dây buộc vào dây kéo và vòng dây cột vào
vật nặng như ba lô; như thế nếu ta có ngủ say, người bên ngoài không thể mở
khóa để vào. Có thể gấp xe đạp lại cho vào túi xe đạp và cho vào trong lều cùng
tất cả mọi vật dụng cá nhân; như vậy khỏi lo bị chôm xe khi ngủ. Khi cần ra
ngoài thì khóa lều lại từ bên ngoài. Lưu ý: có thể cho giày/dép vào bên dưới để
không bị chôm hoặc bị chó tha đi mất, cũng như để người khác không biết có bao
nhiêu người trong lều, là nam hay là nữ; nếu giày cồng kềnh thì cho vào túi ny
long và mang luôn và lều; nếu là dép lê thì giấu dưới lớp nền của lều; việc này cũng
nhằm tránh cho giày dép bị ướt khi trời mưa.
Nếu đi 1 người thì nên
mua lều cho 2 người (do phải để xe đạp và vật dụng) và lều có chức năng chống
mưa to.
Khuyết điểm: nền đất ẩm
lạnh có thể làm cho bị bệnh hoặc côn trùng rắn rết có thể tấn công.
Khắc phục bằng những
cách:
- Mang theo tấm ny long hoặc
áo mưa cánh mỏng trải trên đất rồi mới trải lều lên (cũng nhằm bảo vệ lều không
bị ướt, dơ hoặc bị cây gai cào rách.)
- Luôn quan sát xem lều có
lỗ thủng không, nếu có phải khắc phục sửa chữa may vá ngay.
- Trước khi căng lều thì luôn khóa dây kéo cửa lưới để trong lúc ta lúi húi căng thì côn trùng không bay vào trong được.
- Luôn đóng cửa lều khi ra
vào; trước ra mở cửa lều thì lấy tay/mền/quần áo đập lên cửa vài cái để côn
trùng hay muỗi mòng đang bám sẽ bị động và bay đi chỗ khác; nếu không thì khi ra
vào lều, côn trùng sẽ theo vào luôn và sẽ làm phiền khi ta đang ngủ. Mỗi sáng
khi dọn lều thì mở cửa ra và giũ thật kỹ bên trong lều trước khi gấp lại cho
vào ba lô. Mục đích là giữ cho lều sạch sẽ và muỗi bay ra ngoài khi ta giũ mạnh. Nếu lều ướt thì không nên gấp liền mà dọn dẹp đồ đạc khác trước, chờ nắng
lên hong khô lều rồi hãy xếp; nếu không thì buổi trưa khi nghỉ ngơi hoặc ăn
uống phải mở lều ra phơi khô. Khi phơi lều luôn khóa cửa lưới hoặc nếu không
thì phải giũ lều kỹ trước khi gấp. Thường lều có hai cửa: cửa lưới và cửa chống
mưa gió. Luôn dùng cửa lưới khi ra vào lều để côn trùng không bay vào theo; khi
ngủ thì có thể khóa luôn cửa kia cho an toàn.
Nếu muốn tăng chức năng
chống thấm cho lều thì ngoài tấm ny long trải dưới lều; ta có thể giăng một tấm bạt phía trên lều để chống mưa; tấm bạt này nên đủ rộng để ta có thể ngồi
trước lều bên dưới tấm bạt nấu nướng hoặc ngắm cảnh. Ngoài ra còn có thể hứng
nước mưa nấu nướng luôn.
(Tấm bạt trong tiếng Anh
gọi là tarp; các bạn vào google gõ từ "tarp" để xem images thì sẽ có
rất nhiều gợi ý về cách giăng bạt đấy)
Nếu tấm bạt nhỏ và lều có
độ chống thấm cao thì có thể giăng bạt như thế này:
Cách 3: Đơn
giản chỉ cần một tấm bạt che sương và túi ngủ/mền trải trên nền đất và ngủ
như thế này:
Đơn giản hơn
thì chỉ cần tấm bạt gấp lại một đầu làm nơi ngủ luôn:
Nên trang bị đèn pin đeo trên trán như thế này để tiện việc căng lều và sắp xếp hành lý.
Nếu có được nhà xe đạp lưu động
thế này thì cần gì cái nhà mọi người nhỉ! Cứ ở di động thế này cũng hay vậy.
Khi vui ta ở, khi buồn ta đạp xe đi. Khỏi cần ra khỏi Việt Nam chi cho tốn tiền
làm visa hay phải xem xét hạn lưu trú, cứ tà tà mà thong dong đạp xe đi nơi này
nơi nọ ở Việt Nam cũng vui vậy. Khi nào cần đậu thì ta tìm nơi đậu trong thành
phố trong khoảng thời gian nào đó, ví dụ để làm việc kiếm tiền chi tiêu thì ta
tìm nhà ai có vườn hay sâu sau và đậu ké hehehehehe.
Còn đây chính xác là cái nhà
luôn rồi còn gì (cái này tiếng Anh gọi là bicycle camper)
12 loại nhà di động cho xe
đạp
THỨ BA LÀ ĂN UỐNG:
Dụng cụ nấu ăn:
- Hai cái nồi hoặc một nồi
một chảo (có thể mua nồi chuyên dụng cho dã ngoại/ du lịch hoặc nếu có sẳn cái nồi
và cái chảo nào nhỏ gọn thì cứ xách theo). Nồi chuyên dụng cho dã ngoại du lịch thì như trong hình bên
dưới:
- Một cái dĩa hoặc tô
- Một cái ly
- Dao
- Muỗng/ đũa
- Gia vị nêm nếm thức ăn + gạo (có thể mua dọc đường)
- Bếp là từ hộp đồ hộp để làm bếp nấu giống như hình dưới
đây:
Cách làm bếp
từ hộp đồ hộp: xem video trong bài này (kéo đến cuối bài; nếu đọc được tiếng
Anh thì có thể đọc bài viết rồi xem video sau; nếu không thì kéo đến cuối bài và xem video hướng dẫn).
Để
làm bếp này chỉ cần: 1 hộp đồ hộp đã dùng, tháo nhãn ra, dùng đồ bấm lỗ tạo
thành hai hàng lỗ gần nắp hộp như trong video, sau đó chế cồn vào
và châm lửa, chờ bếp nóng rồi cho nồi lên nấu.
Nhiên liệu để nấu: cồn 90 độ; cồn nén hoặc cồn nước
Ai ghiền ăn đồ nướng thì có thể mua dụng cụ nướng này, gấp gọn thì giống như một cái ống. Mua ở đây
Một bữa ăn
điển hình đầy đủ dưỡng chất gồm: cơm, rau củ và thịt/cá hoặc đậu hủ:
Tự nấu ăn
giúp cho chúng ta không lệ thuộc vào nhà hàng, khách sạn (nhiều khi vô cùng đắt
đỏ) và tránh ngộ độc thực phẩm cũng như tránh sốc thức ăn khi không ăn được thức
ăn bản địa. Và quan trọng là giúp tiết kiệm tiền Ngoài ra việc tự nấu
cũng giúp thưởng thức được rau củ quả địa phương mua dọc đường (với gía địa phương)
Có thể mang
theo đồ lọc nước để tiết kiệm tiền mua nước uống dọc đường. Đồ lọc nước dưới đây hơi nặng nhưng giá rất rẻ, có bán trong các siêu thị; chỉ cần để trên cái ly hoặc ca rồi chế nước vào, chờ nước rỏ xuống ly (giống chờ cà phê phin quá!), sau đó thì uống.
Nếu muốn nhẹ hơn thì mua loại lọc nước chuyên dụng cho du lịch dã ngoại; dĩ nhiên là mắc tiền hơn nhiều.
Ngoài ra nếu ở gần rừng hay nơi có nhiều muỗi thì có thể tự làm loại mùng nón như sau, ta đội ta ngồi ăn cơm, ngắm cảnh, ngồi thiền hoặc đi lòng vòng đều rất vui hehehehe.
Muốn nhỏ gọn hơn thì có thể làm thế này:
Cứ đi thôi,
phía trước là con đường, và cho dù không có đường thì đi riết rồi cũng thành đường.
Lưu ý 1: Toàn bộ hình ảnh
lấy từ internet và trang web vagabondjourney.com
Lưu ý 2: Đối với một kẻ đi bụi thì chỉ có 3 việc đi lại, ăn uống và
ngủ nghỉ là thiết yếu và cần thiết mỗi ngày; chúng ta càng tự chủ trong ba việc
này thì chúng ta càng tự do và chi tiêu càng rẻ. Việc ở chung nhà người địa
phương có những cái lợi nhưng cũng có những cái hại. Cái lợi thì rõ ràng, ai
cũng có thể hình dung, còn cái hại thì như sau:
- Khi ta ở nhà ai đó, vô
hình trung ta trở thành một phần của gia đình họ, hay tệ hơn là trở thành vật
lệ thuộc hoặc phải chịu ơn họ; do đó, họ có xu hướng muốn điều khiển ta; vậy là
mất tự do. Để khắc phục thì ta nên cắm trại ở nơi sinh hoạt chung của làng hoặc
đình làng hay trong vườn nhà của ai đó hay bên bờ suối; họ có thể mời ta vào
nhà ăn cơm nhưng sau đó thì ta lại qua "nhà" ta ở chứ không ở trong
nhà họ. Nhà ta chính là lều, và ta chỉ là hàng xóm của họ thôi. Không nên lệ
thuộc mọi thứ vào ai đó. Khi ta tự do, ta có thể thích thăm nhà ai thì thăm,
thích ghé nơi nào thì ghé; nếu ta trở thành "vật sở hữu" của một gia
đình nào đó thì họ thậm chí không muốn ta ghé hay nói chuyện với những người họ
ghét hoặc kẻ thù của họ. Nếu ta vô tình nói chuyện hoặc thăm nhà kẻ thù họ thì
họ sẽ không vừa ý. Tóm lại, ta càng tự chủ thì ta càng tự do. Viết đến đây tự
dưng tôi nhớ đến trường hợp các sư cô sư thầy được một phật tử nào đó bảo trợ
xây am cất thất cho ở hoặc cúng dường đều đặn hàng tháng (giống phát lương vậy
đó); thế là sư cô sư thầy này trở thành "sở hữu" của gia đình phật tử
ấy; có khi chỉ được tụng kinh cho gia đình họ thôi, không được tụng cho gia
đình người khác. Tóm lại, không nên lệ thuộc là tốt nhất mọi người nhỉ? Họ có
thể mời ta ghé thăm nhà họ, họ có thể mời ta ngủ 1-2 đêm trong nhà họ, họ có
thể cho ta vài loại rau củ để ta tự nấu nhưng ta nên tự chủ, không nên lệ thuộc
tất tần tật vào họ, rồi lúc nào đó nhận ra ta trở thành sở hữu của họ lúc nào
không hay. Thậm chí có khi ta muốn ở trong làng ấy lâu lâu một tí, nhưng lỡ ở
nhà ai rồi, thật khó qua nhà khác mà ở (bởi người trong làng sẽ xì xầm về
gia đình ấy), mà ở nhà họ lâu thì cũng bất tiện bởi họ không thể tiếp đón ta
như khách hoài được; do đó, tốt nhất là làm láng giềng của họ thôi.
Đó là lý do nếu ta mang
theo nhà bếp và phòng ngủ trong ba lô thì ta sẽ không ngại ở chỗ nào cả và cũng
không ngại sẽ làm phiền ai hết.)
Các bài liên quan:
Long Term Travelers
Make Homes Around the World
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét