Jason Vitug (Mỹ) là người đã lập ra website Phroogal –
cộng đồng chuyên giải đáp thắc mắc của mọi người về tài chính cá nhân. Ý tưởng thành
lập website này đến với Vitug sau chuyến du lịch 21 quốc gia 2 năm trước.
“Chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm của tôi về tài chính và ý nghĩa thực
sự của cuộc sống giàu có”, anh cho biết. Dưới đây là những bài học về tiền bạc
Vitug đã thu nhặt được trong suốt hành trình của mình.
1. Làm gì cũng phải đặt mục tiêu đầu tiên
“Tất
cả mọi thứ đều bắt đầu từ ý tưởng trong đầu bạn”, Vitug cho biết trên Business
Insider. Dù đó là chuyến đi vòng quanh thế giới, mục tiêu trả nợ 80.000
USD học phí hay nợ thẻ tín dụng. “Mục tiêu cần phải rõ ràng. Tôi đã lên kế
hoạch đi 20 nước trong 12 tháng, và tôi thậm chí đã vượt con số này mà không bị
mắc nợ”, anh nói.
2. Sau đó là lên kế hoạch
Mục
tiêu chỉ là bước đầu tiên, và sẽ chẳng là gì cả nếu không có kế hoạch thực
hiện. Kể cả đi du lịch bụi, bạn cũng cần dự tính sau nước này sẽ đi nước nào.
Có kế hoạch sẽ giúp bạn luôn theo sát mục tiêu.
3. Cứ hỏi người khác nếu không biết
“Tôi
học được rất nhiều điều giá trị khi hỏi thăm người dân địa phương và các bạn
đồng hành. Tôi biết đâu là nơi ăn uống tốt nhất, nhà trọ rẻ nhất và địa điểm
đẹp mà ít khách nhất. Nói chung là, ai cũng nhiệt tình giúp đỡ”, anh nói.
Quy
tắc tương tự cũng được áp dụng với tiền bạc vậy. Hãy hỏi chuyên gia, hoặc những
người đã từng trải qua tình cảnh của bạn để xin lời khuyên. Bạn không thể biết
mọi thứ được đâu.
4. Lập ngân sách
Trước
khi đi du lịch, Vitug chưa bao giờ lập ngân sách chi tiêu. Nhưng việc chỉ có
10.000 USD để đi du lịch cả năm, thay vì mua nhà trả góp như trước đây, đã dạy
anh cách hoàn thành mục tiêu với tài nguyên sẵn có. “Điều quan trọng là biết
được mình muốn sống như thế nào, và cần tiêu bao nhiêu tiền để đạt mục đích
đó”, anh nói.
5. Luôn theo sát lượng tiền ra vào
Khi
đã có mục tiêu, lên kế hoạch, lập ngân sách, bạn cần phải biết mình đang ở đâu
nữa. “Biết được mình đang chi bao nhiêu cho tiền trọ, leo núi, thức ăn giúp tôi
luôn chủ động được tài chính”, Vitug nói.
“Tôi
luôn mặc cả hoặc tìm nơi bán giá hời để tiết kiệm. Chi phí trong gia đình cũng
vậy. Nếu bạn không nắm rõ mình đang trả bao nhiêu tiền cáp, điện thoại, hay
thậm chí không biết đang nợ bao nhiêu trong thẻ tín dụng, bạn sẽ không nhận ra
các cơ hội khác tốt hơn đâu”, anh cho biết.
6. Tiền mặt là số một
“Đi
đâu cũng vậy, trả tiền mặt sẽ giúp tôi mặc cả dễ dàng hơn”, Vitug nói. Với các
giao dịch hàng ngày, tiền mặt sẽ giúp bạn không bị mắc nợ thẻ tín dụng, như anh
từng trải qua. Đừng bao giờ mua thứ gì mà bạn không thể trả bằng tiền mặt.
7. Luôn chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp
“Có
lần, xe bus của tôi bị chặn lại giữa đêm tại miền Nam Thái Lan, và quân đội ập
đến đòi xem chứng minh thư. Các bạn người Anh và Mỹ đi cùng đều để thẻ ở nhà
trọ. Nhưng may là tôi vẫn cầm đồ của mình theo và xác minh được cho cả nhóm”,
anh nói.
Tài
chính cá nhân cũng vậy, hãy luôn dành ra một khoản để dự phòng. Vấn đề không
phải là nó có xảy ra hay không, mà chỉ là khi nào thôi.
8. Không phải ai cũng nghĩ cho lợi ích của bạn
“Khi
đi du lịch, bạn sẽ bị rất nhiều người lợi dụng. Tôi đi taxi từ sân bay về mất
gấp 3 lần bình thường, chỉ vì tôi là người Mỹ”, Vitug cho biết.
Điều
quan trọng là bạn phải biết người ta đang bán gì. Nếu bạn không hỏi đúng câu
hỏi, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Trong tài chính cũng vậy, hãy đọc cẩn thận
từng chữ trong hợp đồng, và hỏi cho đến khi bạn hiểu hoàn toàn.
9. Biết sự khác biệt giữa cái muốn và cái cần
Trước
khi Vitug đi du lịch, anh không thể ngừng biến “cái muốn” thành “cái cần”. “Tôi
cần một chiếc xe để đi làm. Tôi muốn có BMW. Thỉnh thoảng, câu này lại biến
thành Tôi cần một chiếc BMW để đi làm”, anh nói.
Tuy
nhiên, khi bắt đầu chuyến đi, anh giảm cái cần của mình xuống chỉ còn 2 thứ:
thức ăn và chỗ ở, dù là ăn ở ven đường hay ngủ ở lều tre. “Nếu bạn không thể
phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu, bạn sẽ chẳng bao giờ chi trả đủ cho cuộc
sống của mình”, anh nói. Và thế là từ khi quay về Mỹ, anh vẫn chưa mua chiếc
ôtô nào cho mình.
10. Hiểu rằng thế nào mới là giàu có
“Một
số người ở các nước tôi ghé qua chỉ kiếm được 100 USD mỗi tháng. Họ phải trả
tiền nhà, tiền điện nước, thức ăn, nhưng vẫn có tiền tiết kiệm mỗi tháng”,
Vitug chia sẻ.
Khi
nghĩ đến cuộc sống trước đây của mình – ngập trong nợ nần dù đang làm lãnh đạo
cho một công ty tín dụng, anh nói: “Tôi đúng là nghèo. Dù làm ra nhiều tiền,
cũng có lúc tôi mắc nợ nhiều hơn cả thu nhập. Tôi chẳng có tài sản hay tiền
tiết kiệm. Của cải không phải là bạn làm ra bao nhiêu, mà là sử dụng nó như thế
nào. Đó là cái còn lại sau khi đã trừ hết chi phí và nợ nần”, anh nói.
Theo
Ybox
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét