Blog Thích đi bụi ra đời với mục đích truyền can đảm cho người VN, đặc biệt là giới trẻ, để họ dám nghĩ và dám đi. (The establishment of this blog is to spread the courage to young people, especially Vietnamese ones, in order that they dare think and dare go.)
CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY
1. Đối tượng độc giả:1. Những bạn trẻ có máu phiêu lưu thích chu du xứ người trong thời gian dài nhưng với số tiền tối thiểu nhất có thể; 2. Những người có tâm hồn rộng mở, sẳn sàng dẹp cái tôi và quan điểm của mình sang bên để tiếp nhận những quan điểm mới.
2. Quan điểm: Bạn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bạn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bạn sai. Bạn suy nghĩ khác tôi bởi vì tôi và bạn không giống nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.
3. Phương tiện: "Với bát cơm ngàn nhà; Một mình muôn dặm xa; Chốn chốn không phải nhà; Chỗ nào cũng là nhà."
4. Nội dung: Bao gồm nhiều lĩnh vực mà tôi quan tâm 1. Du lịch bụi (Budget Travelling) 2. Sống tối giản (Minimalism) 3. Tái chế và tái sử dụng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuộc sống
Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011
Khi nào tôi sẽ dừng chân?
Câu trả lời của tôi là: "Khi nào tôi không còn nghe hoặc không thường xuyên nghe bạn bè quốc tế nói với tôi rằng: 'Oh, bạn là người Việt Nam đầu tiên mà tôi gặp đi du lịch bụi.'"
Có thể các bạn bảo rằng như thế thì có sao đâu bởi vì Việt Nam nghèo thì làm sao có tiền mà đi hoặc người Việt Nam nghiêng về gia đình nên khó đi xa.
Theo tôi, dù bạn có đưa ra lý do gì đi nữa thì tôi vẫn xem đó là sự ngụy biện để che dấu sự nhút nhát và thiếu tự lập của người Việt Nam.
Vì thế tôi cảm thấy xấu hổ khi ai đó nói với tôi rằng: Bạn là người Việt Nam đầu tiên mà tôi gặp.
Dân số của Việt Nam, nếu tôi không nhầm, đã là 100 triệu người rồi, tương đương với dân số nước Nhật, nhiều hơn dân số của Đức và áp đảo hẳn dân số của Israel. Vậy mà dù tôi có chui vào xó xỉnh hay bụi rậm hay rúc vào một ngôi làng xa xôi hẻo lánh nào thì tôi vẫn gặp dân đi bụi đến từ các quốc gia này.
Vì vậy, khi nào tôi không còn thường xuyên nghe câu: Bạn là người Việt Nam đầu tiên mà tôi gặp thì lúc đó tôi sẽ "rửa tay gác kiếm."
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011
Hịch Tiến Sĩ
"Bài này dài, phỏng giai điệu theo như nguyên văn của Hịch tướng sỹ (Trần Quốc Tuấn) (http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/vua/tranhungdao_hichtuongsi.htm) nên hơi dài chút.
Nguồn: http://www.topmba.vn/forum/cam-cuoi/tuong-lai-buon-cho-cai-cach-giao-duc-viet-nam!!!!/30/
Hịch Tiến sỹ
Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.
Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Pháp dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo…
Thật khác nào:
Đem cổ tích biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.
Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?
Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.
Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm, lưởi bò liếm liếm
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ
Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!
Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.
Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chẳng phải là to
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu chỉ là chuyện nhỏ
Được thế thì:
Kiếm giải thưởng “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.
Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Giữ một ngọn cỏ, cành cây, giọt nước trong giang sơn ta cũng làm ta quên ăn mất ngũ
Mà các ngươi cứ điềm nhiên lo tranh quyền đoạt lợi
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây không biết dân Việt ta đi về đâu nữa, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Trí thức là nguyên khí quốc gia
Cho nên ta mới thảo Hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!"
Theo tôi, bài hịch này vừa hay vừa vui. Các bạn nghĩ sao về bài hịch?
Đi học nước ngoài làm sao giữ chất Việt?
Các bạn hãy vào đường dẫn trên đây để đọc bài viết này và dưới đây là ý kiến của tôi về vấn đề được đề cập trong bài viết.
Ý kiến của tôi:
Thứ nhất, nói tiếng Việt cho ra tiếng Việt, không pha trộn lung tung tiếng nước ngoài. Trong thời buổi hiện nay, người nào nói được một câu tiếng Việt chỉ toàn tiếng Việt thì đúng là đáng nể bởi thói quen sử dụng tiếng nước ngoài trong thời gian dài khiến người ta tạm thời quên đi một số từ vựng tiếng Việt hoặc có người giả bộ quên để pha trộn lung tung cho ra vẻ "hiện đại."
Những người thực sự quên một số từ vựng tiếng Việt dù là vô tình hay hữu ý thì thật đáng trách bởi vì quên tiếng mẹ đẻ thì có khác gì quên mẹ mình đâu. Theo tôi đó là những người nông cạn, hời hợt, lai căng,kém bản lĩnh. Không đáng nể! Tôi chỉ bái phục những người vừa giỏi tiếng mẹ đẻ vừa giỏi tiếng nước ngoài mà thôi.
Những người mà cố tình quện từ vựng tiếng Việt để pha trộn tiếng nước ngoài thì theo tôi chỉ nhằm che dấu cái dốt ngoại ngữ của mình mà thôi. Đảm bảo với các bạn họ là những người nói một câu tiếng nước ngoài cũng không ra hồn và để che dấu điều đó họ cố pha trộn vào để "lòe" thiên hạ.
Thứ hai, bản lĩnh của một người không thể hiện ở việc người đó giống "tây" như thế nào mà thể hiện ở chỗ "ra biển lớn ta vẫn không bị những con sóng lớn nhấn chìm." Thế giới này tồn tại và phát triển nhờ vào sự khác biệt. So với "tây" các bạn có một lợi thế mà họ không bao giờ có được: đó là cái máu Việt và cái văn hóa Việt trong người. Đó là cái mà dù chấp nhận hay không thì các bạn vẫn có nó. Tôi không hiểu vì sao mọi người chối bỏ cái nguồn gốc sinh ra mình. Tôi gặp rất nhiều người nước ngoài và họ bảo họ ghen tị với cái kiểu suy nghĩ Châu Á và họ mong muốn có được điều đó. Có thể đó là lý do họ đi du lịch sang Châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á khá đông và nhiều lần. Rõ ràng là mình có cái người khác phải thèm khát, vậy là mình tìm cách chối bỏ nghĩa là sao?
Tôi có một người em gái đi du học ở Pháp về và cũng như mọi người khác, hành động xuẩn ngốc như sau: cái gì của Pháp cũng khen và chê Việt. Có nhiều người là tiến sĩ nhưng vẫn ngu xuẩn trong vấn đề này. Chỉ có những kẻ vô văn hóa mới chê bai văn hóa của một dân tộc khác, cho dù nền văn hóa ấy nhỏ đến mức nào nhưng văn hóa là tinh hoa của những điều tốt đã tích lũy qua hàng ngàn năm. Văn hóa khác với thói quen đấy các bạn nhé! Có thói quen tốt, có thói quen xấu nhưng không hề có nền văn hóa nào xấu cả, có hay chăng là do chúng ta chưa hiểu về nó mà thôi.
Việc chúng ta có điều kiện tiếp xúc với nền văn hóa khác để mở rộng tầm nhìn không đồng nghĩa với việc chúng ta dùng nó để so sánh các nền văn hóa với nhau. Đó là một việc ngu xuẩn. Mỗi nền văn hóa là chính nó,nó là một sự khác biệt so với những nền văn hóa khác, đều có cái hay đáng để mọi người học hỏi; điều quan trọng là chúng ta có đủ trình độ để cảm thụ được cái hay ấy hay không?
Thật nực cười cho những người chê bai văn hóa mình (chê bai văn hóa người khác đã là có tội,huống chi đó là văn hóa của mình) nhằm thể hiện ta đây đầy hiểu biết. Đối với tôi những người này chỉ là những con thuyền mỏng manh trên đại dương của sự khác biệt ở thế giới này mà thôi. Chỉ một con sóng đã đủ nhấn chìm họ vào nước biển, hòa tan vào trong ấy. Tóm lại, họ không đủ bản lĩnh. Không đáng khâm phục!
Hy vọng các bạn sẽ là những con thuyền vững trải có thể hoà nhập với những con thuyền khác để cùng bắt cá nhưng lại vượt qua được những con sóng khác biệt để thuyền của bạn là của chính bạn, không hề giống như bất kỳ con thuyền nào khác bởi đó là con thuyền được đóng từ hoàn cảnh xuất thân của chính bạn mà thuyền khác không thể có được và chính nó làm cho bạn nổi bật vì khác biệt với họ.
Bí kíp đi bụi sang Lào
Do có khá nhiều người Việt sống tại Lào nên cứ nói tiếng Việt; tuy nhiên nên cố học vài câu tiếng Lào cho tình anh em Lào-Việt thêm đằm thắm.
Uống nước: để dành chai nước suối đã dùng rồi, có thể vào bất kỳ nhà nào đấy hoặc vào các ngôi chùa xin uống mát lạnh vào chai mà uống. Nói: cho xin ít nước “Khơ nạm nội nừng.”
Ăn: có thể mua thức ăn sẳn (được cho vào bịch hoặc gói trong lá chuối) và bánh mì hoặc cơm hoặc bún, sau đó cho vào ăn chung, rẻ hơn vào nhà hàng nhiều. Điều kiện: phải có muỗng/đũa và một cái ca hoặc chén hoặc dĩa.
Nếu muốn ăn miễn phí thì có thể vào chùa ăn ké thức ăn được ban phúc (thức ăn còn lại mà các vị cúng dường ăn sau khi các nhà sư đã dùng); buổi sáng đến vào lúc 7h, buổi trưa đến vào lúc 11h (các sư không ăn tối). Nếu đến vào những giờ này thì luôn được mời ăn cùng họ. Tuy nhiên nếu không muốn mắc nợ nhân dân Lào thì nên mua một ít thức ăn đến cúng dường cho sư và sau đó cùng với người dân ăn chung thức ăn của nhau. Cách làm này hay ở chỗ. Bạn chỉ mua một hai món nhưng lại được ăn nhiều món. Có thể mua thức ăn bán sẳn hoặc trái cây hoặc bánh ngọt. Tóm lại món gì ăn được thì mua và tùy theo túi tiền của mình.
Ngủ: mang theo lều cắm trại trên những thảm cỏ vừa xanh vừa mềm nằm êm ái như nằm trên nệm nếu không muốn vào ngủ ké nhà dân (bởi vì có nơi, đặc biệt là gần thành phố lớn, người ta không cho ngủ ké mà toàn chỉ vào ngủ ở các nhà trọ nhà nghỉ)
Bản chất người Lào là hiền lành nhưng do bị người Việt, người Trung Quốc sang “tập tành” cho những thói xấu nên giờ đây họ vẫn “chịu chơi” như ai, đặc biệt là ở các thành phố và thị trấn lớn. Tuy nhiên ở những vùng sâu xa thì họ vẫn là họ; vì vậy nếu đến tham quan những nơi này thì nên sống hòa đồng theo họ, chứ đừng biến họ “xấu” như người Việt mình nhé! (ví dụ: ăn nói lớn tiếng, nhậu nhẹt, đánh nhau, phóng nhanh vượt ẩu, không nói thật, ….) (không phải tôi muốn nói xấu người Việt nhưng so với những người Lào chân chất thì mình quả là xấu thiệt!)
Lào còn nghèo lắm nhưng đừng thể hiện “lòng tốt không đúng chỗ” bằng cách cho tiền hay bánh kẹo trẻ em nhé! Làm thế chỉ dạy bọn chúng trở thành ăn xin mà thôi; ngoài ra bánh kẹo chỉ làm cho răng bọn chúng thêm hư (do bọn chúng có đánh răng đâu- nếu thay bánh kẹo bằng bàn chải và kem đánh răng + hướng dẫn cách chải răng thì có ích hơn nhiều đấy).
Để giúp đỡ dân Lào thì nên tìm đến các tổ chức phi chính phủ ở nơi mình viếng thăm hoặc vào thẳng các trường học hoặc chùa mà tặng tiền hay đồ dùng học tập. Tuy nhiên cũng đừng góp tiền không đúng chỗ nhé ! (nghĩa là góp vào cho mấy cha chính quyền tham nhũng đấy!) Các bạn cũng có thể vào thẳng các buôn, đến các gia đình nghèo mua thêm thịt/cá/trứng cho bữa ăn của họ thêm dinh dưỡng.
Nếu thật sự yêu quý đất nước và người dân Lào thì nên góp phần bảo vệ văn hóa của nó bằng cách chú ý cách ăn mặc và hành vi cử chỉ của mình khi ở Lào nhé! (Có nhiều thông tin về phần này rồi nên các bạn chỉ cần lên mạng gõ gõ là có vô số cái để đọc.)
Bài liên quan: An toàn khi đi du lịch
Bài liên quan: Cách đối phó với những người dân địa phương luôn xem du khách là những ATM di động.
Bài liên quan: Hãy là một du khách "đẹp"
Đi bụi là gì?
Có ai phản đối với định nghĩa này không vậy???
Trở lại Lào (11): Bố Khẳm
Bố 60 tuổi, ở tại huyện Phone hong tỉnh Vientiane. Tôi gặp bố trên đường đạp xe từ Vang Vieng về Vientiane. Bố có 5 người con, bốn trai và một cô con gái út (bốn trai liên tiếp thì gọi là “tứ quý” phải không các bạn?), một đang ở Pakse, một ở tỉnh Xiengkhouang làm studio, một đang là đô vật ở Vientiane và cô con gái út có học bổng du học 1 năm ở Mỹ, đã về nước, 24 tuổi, đang làm cho một công ty thương mại ở Vientiane. Cậu con trai cả thì đang ở cùng bố mẹ tại huyện Phone hong. Cậu này bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo thường một giọt máu có tuổi thọ 120 giờ nhưng máu của cậu ta chỉ sống được 70 giờ thôi. Do đó bị thiếu máu triền miên làm người lúc nào cũng xanh xao như tàu lá. Ngoài ra máu chết tồn ở lá lách làm cho nó sưng to, phải mổ. Cậu ta hơn 30 tuổi mà nhỏ bé như một đứa con nít làm tôi lúc mới nhìn tưởng là cháu nội của bố. Bác sĩ bảo bệnh này là di truyền từ đời ông cụ kỵ nào đó. Thật khổ khi trong nhà có người bị bệnh nan y các bạn nhỉ!!!
Năm 1959 bố sang Việt Nam học và ở lại làm việc đến mãi sau năm 1975 mới về lại Lào. Do đó tiếng Việt của bố còn giỏi hơn tiếng Lào.
Ở Phonehong, bố giống như “bố già” của người Việt tại đây. Mọi vấn đề liên quan đến chính quyền sở tại, họ đều đến nhờ bố giải quyết giúp. Ví dụ họ nhậu xỉn, đánh nhau, bố cũng giải quyết; họ ở quá hạn, bị công an “vòi vĩnh” 3 triệu kíp, bố nói giúp thành ra chỉ đóng 500 ngàn kíp,... Do tiếng Lào của bố giỏi hơn họ nên họ hay đến “kết thân” với bố để nhờ vả.
Bố bảo người Việt sống ở Phone hong khá đông và cũng có một số người khá thành đạt. Ví dụ một ông nào đó tên Đường, trước đây là đại tá ở Việt Nam, không hiểu vì sao, bỏ sang Lào mở tiệm ấp vịt, bây giờ có cơ ngơi khá đồ sộ, hay một người khác sang mở tiệm thế chấp cầm đồ cũng khá thành công, hoặc một phụ nữ nào đó mở quán bia (không biết có ôm hay không?) cũng khá giàu. Tuy nhiên lúc tôi đi ngang qua thị trấn này, ngoài một tiệm cắt tóc gội đầu có ghi tiếng Việt thì hầu như chả thấy một biển hiệu nào có tiếng Việt cả. Khi tôi hỏi bố vì sao, bố bảo tại vì họ viết cho người Lào đọc thì phải ghi tiếng Lào chứ. Tôi không đồng ý đâu. Bởi vì người Trung Quốc, dù ở đâu, dù viết cho ai đọc đi nữa thì họ luôn ghi tiếng Hoa bên trên hoặc bên dưới tiếng bản địa kia mà.
Khi tôi nhờ bố dẫn tôi đi gặp những người Việt này, bố bảo bố không dám bởi vì không biết mục đích của tôi là gì. Bố bảo tôi cứ tự đi tìm người Việt và người này sẽ chỉ đến chỗ người kia.
Qua bố, tôi biết được một số thông tin khá thú vị như sau:
Người Việt, người Trung Quốc, người Thái ở Lào đông nhưng có vẻ như người Việt hiện đang áp đảo về số lượng, đặc biệt là ở Hạ Lào. Người Lào kết thân với người Việt nhiều nhất bởi vì người Việt thân mật hơn. Người Trung Quốc có vẻ xa cách người bản địa; vả lại văn hóa của họ cũng khác so với văn hóa bản địa nên họ khó có được sự thân mật mà người Việt có với dân Lào. Đối với người Thái thì người Lào không ưa mấy bởi họ nói rằng người Thái gian lận nên ở Lào có câu tục ngữ sau: “Gian lận như người Thái.” Ngoài ra Thái Lan trong những năm gần đây đã hai lần đánh sang Lào hòng chiếm đất, một lần ở Thượng Lào, vùng biên giới Boten (tôi hơi ngạc nhiên bởi vì Boten gần Trung Quốc hơn nên nếu bảo là Trung Quốc đánh Lào thì dễ tin hơn đấy chứ) và một lần ở Hạ Lào (quên mất tên địa danh rồi.) Về mặt lịch sử thì người Lào cho rằng Thái chiếm đất họ, đó là khu vực phía Đông Bắc Thái (dọc sông Mê kong). Hiện tại số người Lào sống tại khu vực này khá nhiều (có thể vì thế mà lúc tôi ở Đông Bắc Thái, tôi đặc biệt thích dân vùng này bởi vì họ thân thiện hơn và tiếng nói của họ nghe êm ái hơn chăng?)
Theo bố phe áo đỏ ở Thái Lan có rất nhiều người Lào. Tóm lại người Lào ủng hộ ông Thaksin và họ cho rằng phe áo vàng đã ra quyết định đánh Lào 2 lần trong những năm gần đây nên họ không ưa phe áo vàng. Khi biết tôi muốn sang Thái Lan, bố bảo không nên đi vào lúc này bởi sau trận lụt lội thì có thể có nội chiến ở Thái. Bố nói thủ tướng mới thuộc phe áo đỏ trong khi quân đội và người đứng đầu Bangkok lại thuộc phe áo vàng nên hai bên không nhất trí. Phe áo vàng muốn hạ uy tín của thủ tướng mới nên không mở hết cống thoát nước do họ quản lý; mục đích là để cho Bangkok chìm trong ngập lụt và sự kiện này sẽ làm mất uy tín thủ tướng mới. Hiện tại cả hai phe đều mạnh ngang nhau nên chỉ có bắn vào nhau thì mới tranh thắng bại được. Do đó bố bảo khả năng có nội chiến là rất cao.
(Mở ngoặc nói thêm: Tiếng Lào và tiếng Thái gần giống nhau nên người dân hai nước có thể hiểu nhau. Người Lào toàn là xem tivi đài Thái Lan.)
Bố bảo Việt - Lào trước đây có chung chiến trường nên lúc ấy bộ đội và người dân qua lại như không có biên giới tồn tại. Tuy nhiên hiện tại nhân dân Lào cực kỳ căm ghét Đảng Cộng Sản. Họ bảo toàn là người xấu vào Đảng và Đảng chỉ nói mà không làm. Lào chỉ có một đảng duy nhất là Đảng nhân dân Lào, thực ra đó chỉ là tên gọi khác của Đảng Cộng Sản mà thôi bởi vì ở Lào dù đi dâu cũng thấy cờ búa liềm bay phấp phới cùng cờ Lào.
Do người dân quá căm ghét Đảng Cộng Sản nên hiện tại chức danh của các quan chức được đổi lại hết. Ví dụ: trưởng thôn được đổi thành quan thôn; chủ tịch huyện thành quan huyện; chủ tịch tỉnh thành quan chủ tỉnh,….
Khi tôi hỏi bố về chuyện của con bé 7 tuổi thiếu tình thương của mẹ mà tôi gặp ở một ngôi làng Lào Sum (tôi vẫn luôn ám ảnh về con bé này mà) và chính sách miễn phí cho trẻ nghèo đi học nhưng người nghèo lại không biết thì bố bảo toàn là thế cả. Những người thực sự cần thì không được nên cuối cùng chỉ có bọn khá giả được miễn phí. Bố đưa ra một ví dụ khác là họ có chính sách sẽ đưa vào biên chế những ai tốt nghiệp đại học từ hạng 1-5 nhưng con gái út của bố đủ tiêu chuẩn ấy lại chờ dài cổ mà chả ai cho vào biên chế cả (chắc bố không đút lót rồi). Bố nói họ toàn nói mà chả làm nên dân chả tin họ nữa. Bố nói chỉ toàn là bọn xấu và bọn dốt vào Đảng thôi còn người tốt thì không đủ tiêu chuẩn xấu để được kết nạp Đảng.
Ngoài ra bố bảo dân Lào giống như dân miền Nam Việt Nam, thật thà, mộc mạc, chân chất, trong khi người ở miền Bắc Việt Nam thì ăn gian nói dối như người Thái. Bố nói người Lào trong 10 người thì chỉ có 1-2 người biết kinh doanh làm ăn thôi, còn lại thì ăn của tự nhiên; mẹ Thiên nhiên ban tặng gì thì xài nấy chứ không biết tạo thêm.
Khi tôi hỏi bố là ở Lào ruộng đồng bát ngát, có sẳn lò ấp vịt, nếu nuôi vịt đàn thì trúng lớn. Bố bảo người Lào không chịu khổ được thế đâu. Nuôi vịt đàn cần nhiều gian khổ và người Lào không quen thế cũng như họ không quen làm cái gì nhiều đến thế. Tóm lại họ an phận với những gì mà thiên nhiên cho họ.
Đúng là an phận như dân Lào!!! (câu tục ngữ này là do tôi nói nên nếu có trích dẫn thì nhớ nêu tên tôi nghen bạn!!! hehehe)
Kỳ sau:Trở lại Lào (12): Về thủ đô Vientiane
Trở lại Lào (10): Đạp xe từ Vang Vieng đến Vientiane
Buổi sáng tôi dậy, lại tiếp tục gõ gõ bài về Vang Vieng đến khoảng 10h sáng thì trả phòng. Sau khi check out, tôi đi qua căn nhà có tivi phát ra tiếng Việt. Đó là một căn nhà sàn theo đúng kiểu Lào. Tôi dựng xe dưới và định bước lên thì một bà lão ra hỏi tôi có vẻ khó chịu bằng tiếng Việt: “Có chuyện gì không?” (người Lào đối với tôi còn thân thiện hơn bà lão này nhiều.) Tôi trả lời: Nghe tivi tiếng Việt nên nghĩ chắc có người Việt ở nên ghé hỏi thăm. Tôi hỏi câu nào, bà lão trả lời câu đó, có vẻ xẳng giọng và không muốn tiếp chuyện với tôi; một lúc sau thì giọng bà mới dịu lại. Gia đình họ 6 người từ Huế sang làm công nhân xây dựng. Căn nhà sàn này là của họ thuê, cộng thêm điện nước mỗi tháng khoảng 500 ngàn kíp. Tiền ăn cho 6 người mỗi ngày khoảng 100 ngàn kíp. Bà bảo thịt ở Lào rẻ hơn ở Việt Nam (vậy mà nào giờ tôi cứ đinh ninh là Lào mắc hơn; chắc do tôi lấy mức giá từ lúc tôi còn ở Việt Nam ra mà so sánh quá?)
Nói chuyện với bà lão được dăm câu thì một thanh niên bước vào, hất mặt hỏi tôi: Có chuyện gì không? Tôi nói hơi đùa một tí: nghe nói có người Việt ở đây nên đến hỏi thăm, được không vậy? Nếu không được thì đi. Anh ta nói: được chứ. Tuy nhiên tôi vẫn chia tay họ mà đi bởi vì họ trông không thân thiện lắm; thậm chí không thèm mời tôi lên nhà uống nước, cứ để tôi đứng dưới thang ngóng cổ lên mà nói.
Đến tận sáng hôm đó, tôi mới biết rằng chợ thức ăn bán sẳn cũng nằm trên đường đi Vientaine. Tuy nhiên, nếu đi thẳng con đường ở trung tâm Vang Vieng về hướng Vientaine sẽ bỏ qua cái chợ này; vì thế muốn đi đến đây thì phải rẽ trái ở ngã ba từ hướng Luang Prabang. Tôi ghé chợ mua 5 ngàn cơm nếp, 10 ngàn cá nướng và 2 ngàn rau mang theo ăn. Lúc ấy mọi người thấy chiếc xe đạp đầy hành lý của tôi nên bu lại nhìn và hỏi người nước nào, tôi nói: Côn Việt (người Việt) và ra dấu là đã đạp hơn 1.500 cây số rồi. Họ le lưỡi.
Tôi đạp xe ra khỏi Vang Vieng khoảng 4 cây số thì thấy bên tay trái là một ngôi chùa cũng lớn và bên phải đường là một bà lão tay xách làn mây đang băng qua. Thấy tôi cũng qua đường vào chùa. Bà lão dừng ở bậc tam cấp để chờ. Sau đó bà rủ ngồi xuống chiếu được trải sẳn ở chánh điện và hỏi chuyện. Khi biết tôi đi xe đạp từ Trung Quốc về, bà nói: keng (không biết là khen hay chê nữa?)
Một lúc sau có tiếng trống thùng thùng (bà lão nói gì đó mà tôi đoán là báo hiệu giờ ăn cơm trưa.) Thêm vài phụ nữ che dù, xách làn mây vào. Thì ra họ mang thức ăn đến cúng dường cho các sư và chú tiểu ăn trưa (chắc nhiều người trong số họ có bà con gì với những người đang tu trong chùa). Một phụ nữ có vẻ là trưởng nhóm, tiếp nhận thức ăn của những người khác và sắp vào hai cái mâm đã để sẳn chén bát (họ sử dụng mâm mây không phải mâm nhôm Nghệ An.)
Một lúc sau thì 6 chú tiểu nai nịt gọn gàng vào ngồi bên trái tượng Phật, sư trụ trì ngồi ngay trước tượng Phật. Một mâm được dọn cho nhà sư, một mâm được dọn cho các chú tiểu (các chú tiểu bê mâm không phải người cúng dường bê)
Một số phụ nữ cúng dường vẫn ngồi đợi và họ ra dấu bảo tôi ở lại ăn cơm. Tò mò muốn biết nên tôi ở lại chờ xem. Trước khi ăn, vị sư và các chú tiểu chắp tay về hướng các vị cúng dường và đọc lên vài câu kinh mà tôi đoán là cám ơn họ đã cúng dường. Các vị cúng dường chắp tay xá trở lại.
Trong khi ngồi chờ sư và các chú tiểu ăn, mọi người nói chuyện với nhau, rì rầm chứ không nói lớn tiếng. Tôi quan sát họ. Thật kỳ lạ là họ mặc cả áo sát nách vào chùa!
Ôi trời, Lào chỉ mới phát triển du lịch trong vòng 10 năm trở lại mà đã thế. Tôi nghĩ có khi nào 10 năm sau họ mặc cả bikini vào chùa không nhỉ? Cái này là kết quả của bọn du khách mất dạy mà tôi tả ở bài về Vang Vieng chăng? Có độc giả phản hồi với tôi rằng do ở Châu Âu và Bắc Mỹ ít có tháng nắng nên họ “tranh thủ” khi ở Đông Nam Á. Tôi đồng ý nhưng họ phải ở khu vực dành cho du khách cơ, còn cứ kiểu như thế mà đi vào các khu dân cư thì đúng là đồ mất dạy. Họ phải được dạy dỗ để tôn trọng văn hóa của người khác chứ. Ở nước họ, họ thậm chí còn được phép naked ở một số khu - nhưng chỉ ở một số khu vực thôi, chứ họ mà thế mà ra đường thì thế nào nhỉ? Tại sao họ không mặc bikini ở những khu vực họ được phép mà cứ như thế vào khu dân cư. Lào không có luật pháp nghiêm như ở nước họ nên họ lợi dụng muốn làm gì thì làm sao? Đối với tôi, họ vẫn là những du khách mất dạy! (chửi kiểu người miền Bắc nè: Tiên sư bảy đời nhà chúng nó!!!)
Sau khi các chú tiểu và sư ăn xong thì bê mâm trở lại chỗ cũ. Vậy là các vị cúng dường ăn phần thức ăn thừa trên mâm. Các bạn chớ vội phê bình gì hết nhé! Ở một số quốc gia Phật giáo, việc ăn thừa thức ăn của các nhà sư được xem như được ban phúc đấy. Họ xem những gì các vị sư dùng rồi mà ban lại cho họ thì như được Phật ban phúc đấy! Chẳng phải các nhà sư luôn được xem như đại diện cho Đức Phật sao? Có thể các bạn sẽ nghĩ rằng đâu phải sư nào cũng đủ tốt để có thể làm đại diện cho Đức Phật. Việc họ tốt hay không là việc riêng của từng cá nhân họ các bạn ạ, còn Phật tử vẫn luôn xem các vị chư tăng ấy là đại diện của Đức Phật. Giống như họ là biểu tượng ấy, còn việc họ có xứng đáng làm biểu tượng hay không là việc riêng của họ; nếu họ không giữ đúng quy tắc nhà Phật thì đó là tội của riêng họ; vì vậy chúng ta không thể chỉ nhìn thấy những cá nhân riêng lẽ mà quy tội chung cho cả tăng đoàn.
Họ mời tôi ăn chung thức ăn thừa ấy; dĩ nhiên là tôi không từ chối. Nguyên tắc của tôi là người bản địa làm sao thì tôi làm vậy. Sau khi ăn thì mọi người dọn dẹp và tôi phụ họ rửa chén bát. Xong xuôi thì mọi người xách làn mây lên và mạnh ai về nhà nấy. Tôi cũng ra lấy xe đi sau khi chụp vài tấm ảnh của họ.
Tôi lên đường giữa trưa nắng. Ở đoạn này đường khá bằng phẳng nên chạy qua 5 cây số rồi mà giống như tôi vừa đẩy xe được 500 mét trên núi đấy. Từ Vang Vieng đến Vientaine khoảng 150 cây số và nhiều đoạn đường bằng phẳng như thế nên một cua rơ đã mô tả là “as flat as a pancake.” Nhưng sự thật có phải đúng thế đâu, cũng lên xuống dốc đấy! Có khi tôi cũng phải nhảy xuống xe mà đẩy lên dốc.
Hôm đó tôi không thấy anh chàng người Pháp Adrien đâu cả. Không biết anh ta còn xe đạp mà đi hay không? Tối hôm trước, sau khi ăn xong anh ta có nói với tôi rằng anh ta bỏ quên xe đạp ở chỗ xem trận rugby mà xe lại không có khóa. Trước đó anh ta đã quên cái máy sạc pin máy ảnh ở ngôi làng nơi mà tôi ngủ trong tiệm hóa ấy. Thật là!!!
Ra khỏi Vang Vieng khoảng 20 cây thì đến một thị trấn khá lớn có cả nhà trọ. Từ thị trấn này thì con đường đi dọc theo một con sông xanh biếc với nhiều ốc đảo; tôi thấy có cả nhà máy giấy trên đoạn đường này.
Càng đi thì đường càng lên dốc và càng vắng vẻ (không có vẻ gì là “as flat as a pancake” cả). Cứ lên dốc vài trăm mét rồi lại xuống dốc vài trăm mét làm tôi nhảy lên nhảy xuống xe đạp…hụt cả hơi nhưng nếu ngồi đạp lên dốc thì tôi không đạp nổi. Đói rã ruột nên đến khoảng 5h chiều thì tôi dừng xe lại ở ngay cạnh đường và chén mấy món mình mua lúc sáng (buổi trưa ăn ké trong chùa nên có dịp ăn thức ăn này đâu?) Bây giờ tôi mới phát hiện loại cá mà tôi đinh ninh là cá trê là không phải cá trê và loại rau xanh cho vào bịch mà tôi hay nghĩ là rau xào lại là rau ngâm nên ăn hơi chua chua giống như ăn kim chi.
Trời tối dần nên tôi bắt đầu dừng lại ở một buôn hỏi nơi ngủ. Họ bảo không có và ra dấu bảo tôi chạy xe đến thị trấn Hinheup nào đó. Lúc ấy trời tối luôn rồi. Tôi ra dấu nói muốn cắm trại ngủ trên thảm cỏ gần nhà họ (bãi cỏ mượt mà và có cây nước công cộng gần đó) thì họ bảo không được và chỉ tôi sang làng tiếp theo (các làng nằm san sát); làng tiếp theo lại chỉ qua làng tiếp theo. Cuối cùng tôi hiểu ra vì sao? Họ nghĩ cắm trại thì phải có mái che nên họ chỉ tôi đến làng nào có mái che. Cuối cùng tôi mệt quá nên chỉ vào một mái che và hỏi cắm trại được không thì họ nói được. Tuy nhiên tôi cắm trại luôn giữa trời dù họ cố thuyết phục tôi vào mái che để tránh mưa. Tôi đành phải trấn an họ rằng lều của tôi có đồ đậy tránh mưa. Họ bu lại lấy đèn pin rọi cho tôi dựng trại. Tôi làm xong thì họ nói gì đó mà tôi đoán là họ nói: thì ra đây là cái trại (chắc họ ít hoặc không thấy bao giờ)
Khi mọi người bỏ đi hết, một đứa con gái khoảng 10 tuổi cứ theo tôi xin tiền. Tôi hỏi tiền gì. Nó bảo cho nó tiền mua nước uống. Tôi bảo tôi không có tiền. Nó chỉ vào lốc sữa Lactasoy của tôi và xin uống; dĩ nhiên là tôi không cho; không phải vì tôi không muốn cho mà tôi không muốn tiếp tay cho nó cái thói quen xin xỏ kiểu ấy.
Khi tôi ra ngoài tìm nước rửa mặt thì một thanh niên rọi đèn dẫn tôi đến chỗ cây nước công cộng của làng cũng gần đấy.
Tôi ngủ thật ngon trong lều của mình trên bãi cỏ êm ái.
Buổi sáng, tôi dậy thật sớm, dậy theo dân làng. Sau khi rửa mặt thì tôi thấy một phụ nữ xách một làn bằng nhựa đi qua và người dân xúm lại mua. Tôi mua 10 ngàn thức ăn làm sẳn, mỗi gói giá 2 ngàn kíp gồm dồi, thịt heo hun khói, cá bọc lá chuối nướng và nem nướng; tôi để dành ăn với cơm mà tôi mua từ hôm qua ăn mãi vẫn không hết ấy.
Mấy cái trứng gà tôi mua ở Vang Vieng do xe dằn xốc nên bể 1 cái và 3 cái bị dập, chỉ có một cái là nguyên vẹn. Tôi nhìn quanh quất xem nhà nào đang nấu cơm nếp (có khói bốc lên) thì đến xin cho trứng vào xoang nước sôi họ để bên dưới gá cơm. Chị chủ nhà mới có 39 tuổi thôi mà có 4 người con, 3 trai, 1 gái, cô gái 15 tuổi mà ra dáng vẻ lắm rồi. Đúng là dân Lào kết hôn sớm thật.
Chia tay dân làng, tôi lại lên đường. Cũng cứ lên xuống dốc. Sáng sớm trời mát mẻ nên tôi đạp xe theo kiểu sau: tôi thả cho xe chạy tự do xuống dốc và sẳn trớn nên nó lên ½ dốc lên và ½ còn lại thì tôi đứng dậy để lấy sức đạp lên. Tôi cứ đi theo kiểu ấy và cuối cùng cũng vào được thị trấn Hinheup.
Cầu Hinheup do chính phủ Nhật hỗ trợ xây dựng nên khá đẹp. Bến xe Hinheup thì giống như một bãi đất trống có vài hàng quán dựng lên. Xe đến đỗ và người bán hàng rong thì tụ tập lại. Vậy là ra một bến xe.
Tôi lại đạp xe, hết lên dốc, lại xuống dốc, qua các buôn làng. Cuối cùng ra khỏi huyện Hinheup và vào huyện Phonehong, đường bụi mịt mù. Bên đường có bảng chỉ dẫn vào NamLik Eco Village. Tôi rẽ vào, đi lòng vòng. Không khí trong lành nên dù đạp xe giữa trưa nắng vẫn không thấy mệt. Có nhiều nơi thảm cỏ trông y như thảo nguyên, trâu bò thủng thỉnh gặm cỏ thật thanh bình!
Tôi tìm một bóng râm vào chợp mắt một tí rồi lại tiếp tục đạp xe vào thị trấn Phonehong. Thị trấn này khá sầm uất, dọc theo đường cái là nhà hàng khách sạn cửa hiệu vô cùng tấp nập.
Thấy bên kia đường có một phụ nữ bán hàng rong món gì trông như bánh canh, tôi chạy qua xem và hỏi giá. Tôi thấy một phụ nữ đưa cho chị bán hàng 3 ngàn đồng nhưng khi tôi hỏi giá thì người phụ nữ ấy lại bảo là 5 ngàn kíp (tôi nghe thoáng qua chị bán hàng bảo 3 ngàn) Ghét không ăn, tôi đạp xe chạy thẳng! Nhà trọ ở đây cũng khá nhiều.
Trời tối dần. Hiện ra trước mặt tôi là một con dốc. Tôi nghĩ bụng làm sao leo nổi con dốc này thì bên trái đường hiện ra một lối đi vào cánh đồng lúa xanh xanh mà trước đó tôi ngắm ngía rồi nhưng không tìm được lối vào. Tôi chạy luôn vào. Đầu đường có vài căn nhà nhưng càng đi vào thì càng không thấy nhà. Tuy nhiên tôi thấy có xe máy chạy ra từ trong nên yên tâm đi vào. Một lối đi cát trắng để rẽ vào cánh đồng. Tôi men theo. Một đồng cỏ xanh mướt. Qua khỏi đồng cỏ là một lối đi hẹp vào bờ ruộng. Trên bờ ruộng là một đống rơm có hai đứa trẻ đang chơi đùa cạnh một chiếc máy cày. Một thanh niên đang chặt cây gần đó. Tôi ra dấu hỏi nơi này cắm trại ngủ được không. Anh ta bảo được. Trong khi tôi lui cui tháo hành lý thì họ lái máy cày về nhà.
Tôi dựng xong lều thì trời tối hẳn. Tôi lấy đèn pin đi tìm nước rửa mặt. Tôi lội bộ ra đầu hẻm. Vào một ngôi nhà sáng đèn xin nước, họ hỏi tôi gì đó, tôi không hiểu nhưng nói là người Việt. Một lúc sau một người đàn ông Lào biết tiếng Việt bước vào và hỏi chuyện tôi. Thì ra căn nhà mà tôi xin nước là nhà của trưởng thôn và người đàn ông nói tiếng Việt là bố Khẳm (Tôi có nguyên bài nói về bố Khẳm, các bạn đọc ấy nhé!)
Họ bảo tôi dở trại đến nhà họ ngủ cho an toàn nhưng tôi từ chối nói rằng ngủ trong lều của mình, tôi ngủ ngon giấc hơn. Mấy người con trai của ông trưởng thôn bảo tôi có thể cắm trại ở sân nhà họ nhưng tôi nói đã dở đồ dạc và dựng trại lên rồi, vả lại tôi muốn ngủ trên đống rơm cho êm lưng. Thuyết phục tôi không được nên trưởng bản nói thôi được, tôi ngủ lều cũng không sao. Chia tay họ xong tôi qua nhà bố Khẳm chơi và ăn tối cùng bố, vợ bố và người con cả của họ.
Tối hôm đó, tôi ngủ thật ngon và êm ái trên tấm nệm rơm này. Sau khi thu dọn, tôi lại đến xin nước rửa mặt và chia tay mọi người. Tôi qua nhà bố Khẳm chơi một tí. Do tôi từ chối ở lại chờ cơm mẹ đang nấu nên bố cho tôi một ít cơm nếp và 5 quả chuối để ăn dọc đường. Tôi để lại địa chỉ nhà ở Sài Gòn và mời bố ghé nhà tôi ở khi nào có dịp sang đấy. Bố lấy chè tàu do con gái bố đi Bắc Kinh về cho ra cho tôi uống và chúng tôi xem tivi về ngập lụt ở Thái Lan. Nói vài ba câu chuyện, tôi xin phép lên đường.
Ghé quán của một mẹ, tôi mua bưởi, dưa leo, thức ăn sẳn, bánh mì, tổng cộng 11 ngàn kíp; mẹ bán hàng còn tặng tôi cơm nếp để ăn. Còng lưng đạp lên xuống vài con dốc, tôi vào nghỉ ở một thảm cỏ êm mượt có chú trâu tròn ủm, thấy tôi vào, ngừng nhai cỏ để thủ thế.
Ở Lào, từ 9h sáng trở đi, trời nắng kinh khủng, cộng thêm đường bụi mù trời nên đi xe đạp thật khổ sở. Mồ hôi túa đầy người, tôi dừng lại ở một ngôi chùa của ni sư để tránh nắng và tìm nơi đi toilet. Một sư lớn tuổi đang ăn trưa ở trong một mái tranh sau chùa mời tôi ăn cùng.
Tôi bảo nắng nóng quá nên không ăn nổi, sư bảo tôi tắm đi. Vậy là tôi không khách sáo, lấy quần áo ra tắm rửa gội đầu và giặt luôn. Tôi tặng sư bưởi và một hộp sữa Lactasoy và mặc luôn quần áo hãy còn ướt để lên đường. Hóa ra đó lại là một ý hay giữa thời tiết như thế. Tuy nhiên chẳng bao lâu thì quần áo cũng khô hết. Trong lúc giặt đồ do làm biếng giặt hai cái ống quần jeans đã rách nên tôi lấy kéo cắt cho nó thành quần đùi luôn. Vậy là từ quần dài, cái quần jeans đi cùng tôi 8 tháng ở Trung Quốc và 1 tháng rưỡi ở Mông Cổ trở thành quần đùi (sau này có thể nó trở thành mini skirt luôn hổng chừng)
Tôi lại đạp xe qua các thị trấn và buôn làng.
Có ai biết đây là hoa gì không?
Còn khoảng 30 cây số nữa là vào Vientaine thì trời tối. Đường cái bụi mù trời nên tôi rẽ phải vào con đường nhỏ tráng nhựa để tránh đường bụi. Tôi chạy dọc theo buôn ở đây để tìm nơi cắm trại. Một sân vận động có mấy đứa trẻ đang đá banh. Đối diện sân vận động là một khu đất trống đầy cây dại và cỏ. Tôi lẻn vào (nghĩa là không để ai nhìn thấy) và len lỏi qua các bụi rậm để vào sâu một tí. Vậy là tôi có một nơi vừa êm vừa yên tĩnh để cắm trại ngủ.
Tôi lại ngủ thật ngon! Ở Lào, tôi luôn ngủ ngon trong lều của mình.
Sáng, trong lúc đạp xe dọc theo đường cái mịt mù bụi, tôi thấy lối rẽ vào Pat Yao 3 km. Dù chả biết đó là gì nhưng tôi vẫn rẽ vào. Đường lên dốc xuống dốc. Ngán! Đi hết 3km rồi mà vẫn không thấy gì. Nản! Vậy là quay xe trở ra. Dọc đường mua thức sẳn giá 2 ngàn kip/bịch cùng với bún và bánh mì.
Cách Vientaine khoảng 18 cây thì gặp Charlie, một người Pháp, đeo ba lô đi bộ hoặc quá giang xe. Anh ta bảo muốn viết sách về hitchhiking ở Châu Á; anh ta đa phần ngủ lều hoặc ngủ nhà dân hoặc ngủ ở chùa/ đền thờ (lúc ở Ấn độ.) Quá nể các bạn nhỉ?
Nhờ anh ta chụp tôi pô hình dưới đây. Cái quần jeans thành quần đùi rồi nên phải lôi cái khác ra mặc thôi!
Khi tôi ghé vào một gốc đa ven đường để tránh nắng và ăn uống thì tôi “ngộ” ra được cách ăn ở Lào (trước giờ tôi mới biết thôi nhưng đến lúc ấy thì mới thật sự “ngộ” đấy! và khi “ngộ” ra rồi thì tôi phải công nhận rằng mức sống ở Lào vẫn rẻ hơn so với ở Việt Nam) và tôi cũng “ngộ” ra luôn được định nghĩa của “đi bụi” – đó là “đi bụi nghĩa là trở thành người bản địa ở bất cứ nơi nào mình đi qua.” Nghĩa là một người đi bụi phải “ngộ” (chứ không chỉ “biết”) cách ăn uống, ngủ nghỉ của người dân bản địa. Hơi khó đấy nhỉ!!!
Ah quên, các bạn có bao giờ thấy một phụ nữ mặc váy, tóc xõa ngang lưng, mang giày cao gót lái xe…..tải hạng nặng chưa? Nếu chưa thì hãy đến phía Bắc của Lào đi nhé!!!
Kỳ sau: Trở lại Lào (11): Bố Khẳm
Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011
Trở lại Lào (9): Vang Vieng
Tôi đi dọc theo con đường quốc lộ 13 để vào Vang Viêng. Chạy qua khúc đường bụi bặm thì đến một ngã ba. Ngay tại ngã ba này, nếu rẽ trái thì sẽ đi vào con đường rải đá cuội (chưa tráng nhựa); ở đây có một cái chợ bán thức ăn sẳn giá địa phương (con cá nướng ở khu chợ đêm Luang Prabang có giá 20 ngàn kíp thì tại đây chỉ có 10 ngàn kíp; cơm nếp 5 ngàn kíp ăn được cả ngày/người); ngoài ra đối diện chợ thức ăn bán sẳn này là các nhà trọ nhà nghỉ nhưng tôi không biết giá cả thế nào. Nếu ngay tại ngã ba mà đi thẳng thì sẽ vào trung tâm Vang Vieng. Đi thẳng con đường chính ngay tay trái là nhà trọ cũng là nhà hàng có tên central backpackers. Bên ngoài là các bàn ghế, nệm cho khách nằm hoặc ngồi xem tivi, đọc sách hoặc ăn uống. Đi xuyên qua khu này thì sẽ đến bàn tiếp tân của nhà nghỉ. Tại đây phòng dorm 8 giường có giá 30 ngàn kíp/người. Toilet nằm ngay trong phòng khá sạch sẽ. Phòng dorm có cả máy lạnh. Tuy nhiên do bên ngoài là nhà hàng nên nhạc khác ồn vì thế tôi không thích. Tôi cần yên tịnh để viết blog cơ mà.
Đến Vang Vieng thì các bạn không lo thiếu nhà trọ nhà nghỉ bởi vì dù đi vào bất cứ con đường lớn nhỏ nào cũng có thể tìm thấy nhà trọ để ở cả.
Do tôi đi xe đạp nên tôi không vội vã tìm nơi nghỉ ngơi ngay bởi vì tôi có thể cắm trại ngủ gần sông kia mà. Tôi chạy dọc theo con đường chính và thấy một ngôi chùa (wat) cũng khá lớn và đẹp nhưng vắng lặng. Tôi vào chụp ảnh trong tiếng sủa của 3 con chó giữ chùa.
Trong lúc quỳ xuống chụp thì các quần jeans đi cùng tôi qua 8 tháng ở Trung quốc và 1 tháng rưỡi ở Mông Cổ rách toạc ở đầu gối. Vậy là trông bộ dạng tôi càng te tua. Quần áo mà tôi mang theo mặc, đã te tua hoặc sờn cả rồi. Tuy nhiên như thế tôi lại trông giống người bản địa hơn. Cái áo thun dài tay màu hồng tôi mua ở Chiang Mai, Thái Lan, hàng giảm giá chỉ có 49 baht cùng tôi đi từ Thái qua Ấn độ rồi đến Myanmar, sau đó là Trung Quốc, Mông cổ và bây giờ là Lào, mục đến mức mỗi khi giặt xong, tôi không dám giắt mạnh tay, bởi giắt đến đâu là nó rách đến đó. Tuy nhiên tôi lại thích cái áo này nên vẫn chưa vứt đi. Tôi mặc nó bên trong và áo sơ mi ra ngoài. Tiện vô cùng bởi túi tiền của tôi (money belt) được ghim ở áo thun này và bên ngoài là áo sơ mi. Tuy nhiên cái áo sơ mi tôi mua ở Thái Lan năm ngoái bây giờ cũng bạc hết phần lưng và vai. Và giờ đây là cái quần jeans bị rách toạc ở đầu gối.
Các bạn sẽ hỏi là vì sao tôi không mua quần áo mới. Đơn giản là tôi chưa tìm ra cái nào vừa rẻ vừa ưng ý. Tôi chờ khi nào đến Thái Lan sẽ mua luôn. Ngoài ra tôi không muốn vác thêm cho cồng kềnh hành lý nên tôi chưa mua vội. Tôi có một thói quen là khi mặc cái quần hay cái áo nào là mặc hoài, giặt phơi khô là mặc trở lại nên có khi mọi người hỏi tôi bộ chỉ có một cái quần hay cái áo hay sao? Lý do là tôi làm biếng xếp quần áo nên cứ mặc hoài một cái cho khỏi xếp tới xếp lui, mặc đến khi nào rách không thể mặc nữa phải vứt đi thì tôi lôi cái khác trong hành lý ra mặc. Tuy nhiên cái áo thun hồng của tôi rách te tua thê thảm mà tôi vẫn mặc bên trong áo sơ mi, vì tôi cần nó để ghim túi bao tử cơ mà.
Đúng là đi bụi dài hạn riết nhìn thê thảm luôn các bạn nhỉ? Tuy nhiên đối với tôi thì có thể mặc đồ rách nhưng phải sạch. Chắc do tôi cứ giặt đồ miết nên dễ rách ấy chứ, mặc dù tôi toàn giặt tay, chả bao giờ sử dụng máy giặt cả. Giặt tay vừa miễn phí vừa dễ bảo quản quần áo.
Ngoài ra cái nón hồng mà tôi đội lần đi Lào hai năm trước bây giờ cũng rách thê thảm nhưng tôi vẫn dùng đội bên trong và đội nón bảo hiểm ra ngoài. Lúc ở Việt Nam thì chỉ mong quần áo mau rách hoặc mau cũ để mua cái mới, nhưng khi đi bụi rồi mới biết đến khái niệm thế nào là đồ rách các bạn nhỉ?
Hiện tại tôi đang mặc áo rách, quần rách và đội nón rách. Cũng lạ! Khi quen thuộc với cái gì rồi thì khó thay đổi, đặc biệt là đối với dân đi bụi. Vì thế sau này khi các bạn đi du lịch cứ thấy du khách nào mặc đồ rách thì rất có thể đó là một người đi bụi dài hạn.
Tự nhiên đang nói về Vang Viêng, tôi lại lan man qua quần áo.
Vang vieng thật ra cũng không lớn lắm. Chỉ cần rảo một vòng là xem như hết khu trung tâm (với điều kiện là không mang giày cao gót mà rảo.)
Tôi đi tìm bờ sông. Những nơi lý tưởng bị chiếm lấy để xây nhà hàng khách sạn cả. Tôi thấy một cái cầu nên hí hửng đạp xe xuống thì thấy dòng chữ đập vào mắt bằng thứ tiếng Anh sai bét nhè “Please to pay!” 6 ngàn kíp cho cả người lẫn xe. Ghét! Không qua cầu.
Từ bờ sông tôi leo trở lên và đi thẳng con đường tráng nhựa trước mặt. Ngay đầu một con hẻm là bảng quảng cáo của hai nhà trọ: AK Home và Mexaiphon. Biển quảng cáo của AK Home còn ghi giá single room là 30 ngàn kíp. Tôi rẽ vào. AK Home chả có ai để hỏi. Một anh chàng trẻ măng đi ngang qua nói tiếng Anh và nói nếu tôi không ưng phòng ở AK Home thì đến chỗ anh ta gần đó (sau này tôi mới biết đó là tiếp tân của Mexaiphon.) Không có ai nên tôi muốn đi theo anh chàng trẻ này nhưng anh ta cố nán lại chờ tiếp tân của AK Home đến. Quả là phong cách Lào! Họ chả giành giật khách của nhau. Tiếp tân của AK Home vào và nói hết phòng.
Mexaiphon có phòng tiếp tân nằm bên hông. Tại đây còn hai phòng trống, một dưới đất là phòng số 1 và một ở trên lầu. Do tôi có xe đạp nên tôi phải ở dưới đất. Phòng có giường đôi, quạt máy, có cả máy lạnh nhưng không có đồ điều khiển, nhà tắm có toilet và tắm nóng lạnh. Trên giường là cái khăn tắm trắng với một chai nước (loại 2 ngàn kip mà tôi hay uống) một cuộn giấy và một cục xà phòng nhỏ. Khu này khá yên tĩnh và nhà trọ này cũng thế. Tôi hỏi có wifi không và lấy máy tính của mình ra vào thử xem được hay không. Wifi tốt, ngay cả khi phòng đóng kín cửa. Vậy là tôi check in luôn 2 đêm. Thực ra giá 30 ngàn kíp là dành cho hai người cơ nhưng tôi đi một mình nên đành chịu. Nếu ở một đêm là 35 ngàn kip. Ở từ hai đêm trở lên là 30 ngàn kíp. Cực rẻ phải không các bạn?
Vậy là tôi ung dung ở trong phòng vào mạng và viết bài. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm dự định tìm chợ để mua đồ về nấu ăn (lâu rồi tôi không nấu nên cũng nhớ khẩu vị của mình lắm.) Tôi lòng vòng tìm, chả thấy cái chợ nào cả, đa phần là cửa hàng tạp hóa hoặc một khu có vài người bán bày hàng dưới đất hoặc trên bàn theo kiểu dã chiến. Tôi hỏi mua cà chua, 12 ngàn kíp trên kilo. Không mua. Tôi quay ra lòng vòng tìm thì thấy chợ thức ăn bán sẳn (thực ra chỉ có vài gian hàng thôi) mà tôi mô tả ở trên. Tôi mua một con cá chép nướng 10 ngàn kíp, một con cá trê nướng 10 ngàn kíp, 5 ngàn cơm nếp và hai cái nem giá 5 ngàn/2 cái. Tổng cộng 30 ngàn kíp. Ngoài ra tôi còn ăn hai cái giò quẩy nhỏ xíu mà giá 1 ngàn kíp/cái.
Mua xong tôi quay lại khu chợ tự phát mua 4 ngàn cải xanh, 1 ngàn mướp non và 1 ngàn đậu que cùng 5 cái trứng gà.
Hôm đó tôi ở trong phòng cả ngày ăn cá nướng nem nướng và cơm nếp no bụng nên chưa có cơ hội nấu.
Adrien gửi tin cho tôi qua Facebook hỏi ở đâu để anh ta đến tìm. Anh ta bảo phòng trọ của anh ta cũng có giá 30 ngàn kíp, ở gần nhà trọ của tôi, trong phòng tiện nghi hơn một tí nhưng bên ngoài mở nhạc khá ồn. Anh ta kể về ngày hôm đó đi những đâu. Thì ra mọi địa điểm tham quan ở Vang Vieng đều nằm bên kia cây cầu có thu phí. Hôm đó anh ta đạp xe hơn 20 cây số làm một vòng ngắm cảnh. Cảnh tuyệt vời đặc biệt là từ trên núi nhìn xuống. Tuy nhiên ngoài việc trả phí để qua cầu thì đi nơi nào cũng phải mua vé cửa, kể cả leo lên núi ngắm cảnh. Giá vé từ 10.000-20.000 kíp (so với giá vé ở Trung Quốc thì khá rẻ đấy chứ) Anh ta bảo khu vực ấy rất lý tưởng để cắm trại và picnic.
Vậy là tôi hiểu: do mọi nơi tham quan ở Vang Vieng đều nằm bên kia cầu cả nên du khách không có sự lựa chọn nào khác, thế mới đẻ ra phí qua cầu. Nếu đi bộ thì có thể trả rẻ hơn và theo lời Adrien là đi bộ qua cầu đến trước một trường tiểu học nào đấy thì có xe chở đi tham quan khắp nơi (dĩ nhiên là không miễn phí rồi.) Do Adrien đi xe đạp và tôi bận gõ gõ trên máy tính nên chưa có cơ hội qua đó tìm hiểu xem đi xe tham qua thì mất bao nhiêu tiền, bạn nào đến Vang Vieng thì tìm hiểu thử xem sao nhé!
Sau khi Adrien ra về, tôi lại tiếp tục gõ gõ và lấy cái bếp điện giá 20 tệ mua ở Trung Quốc ra nấu. Thì ra nó hỏng tuốt sau khi bị dằn xóc những ổ gà ổ voi trên các con đường ở Lào. Tôi bực quá nên cố sửa nhưng đụng vào bộ phận nào là nó lại rớt hoặc rụng ra hết. Vậy là cuối cùng từ bếp điện, nó trở thành một cái nồi bình thường.
Do cái ca của tôi bị ẩm và lại bọc kỹ trong bao ny lông nên có nấm mốc; tôi bận gõ gõ nên không để ý và dùng ca này rót nước uống. Thế là Tào Tháo rượt. Tôi lại nghĩ là do thức ăn. Đến sáng mới “ngộ” ra là tại cái ca nên ngưng dùng nó để uống nước. Cả ngày tôi đành ở trong phòng, nhịn đói, chỉ uống sữa Lactasoy mà viết bài. Trưa, tôi ra ngoài tìm thức ăn, món gì cũng đắt. Tôi mua bánh ngọt (15 ngàn kíp/cây, ăn khá ngon và một lốc sữa Lactasoy) về ăn bởi vì Adrien bởi mời tôi ăn tối cơ mà. Cả tôi và Adrien lúc đầu chỉ định ở Vang Vieng hai đêm nhưng sau đó quyết định ở thêm một đêm.Tôi thì bận viết bài; Adrien thì bận xem trận rugby vào 3h trưa chủ nhật 23/10/2011.
Tôi lại gõ gõ chờ 5h chiều sau khi hết trận rugby thì Adrien tới. Chắc anh chàng này thua cá độ hay sao ấy mà anh ta xách đến 4 quả trứng gà và bảo tôi nấu (mời ăn tối kiểu Pháp đây sao?) Tôi bảo cái nồi hư rồi. Anh ta ra sân lui cui lấy gạch làm lò và đi nhặt cành cây khô về nhóm lửa. Tuy nhiên tay nghề nhóm lửa của anh ta chả hơn gì tôi nên nhóm hoài mà lửa không thấy chỉ thấy khói mù mịt. Người dân địa phương ở gần đấy kéo đến xem và nhảy vào giúp anh ta.
Cuối cùng cũng có lửa. Tuy nhiên Adrien luôn miệng bảo tại vì củi chứ không phải tại anh ta không biết làm. Người địa phương giúp nhóm lửa xong thì bỏ đi. Vậy mà việc duy trì cho lửa cháy cũng là cả một vấn đề cho anh chàng người Pháp này. Việc giữ lửa cháy là của anh ta, còn tôi thì nấu theo cách Lào mà tôi học sau những ngày ở ké nhà họ. Tôi luộc bún gạo, sau đó cho đậu que và mướp cắt nhỏ vào, nấu nhừ thì cho trứng vào (tôi còn cả bịch rau 4 ngàn kíp nhưng hư rồi nên đành vứt, tiếc 4 ngàn kíp quá!). Adrien thì ngồi thổi lửa cháy, chắc anh ta thổi nhừ người nên cứ theo hỏi tôi là chín chưa hoài. Cuối cùng tôi cũng bảo chín rồi.
Dọn ra bàn, anh ta ăn say mê, luôn miệng khen ngon, và bảo rằng tôi là “woman to marry” nữa chứ (đúng là con đường đi vào tim một người đàn ông là thông qua cái bao tử)! Theo tôi là vì anh ta bị nhừ tử với vụ bếp lửa nên đói lả rồi (kiểu này cho ăn mầm đá cũng ngon, giống món của Trạng Quỳnh nấu cho vua ấy!); tôi và anh ta chén sạch thức ăn. Anh chàng tiếp tân cứ theo hỏi tôi và Adrien là bạn à?
Adrien bảo nhiều người hỏi thế lắm; thực ra họ muốn biết chúng tôi là bạn hay tình nhân và thực sự họ mong câu trả lời là tình nhân hơn là bạn. Đúng là dân Châu Á. Đối với họ không có tình bạn giữa một nam và một nữ; cứ nam nữ mà đi chung là có “vấn đề.” (dù tôi và Adrien ở khác nhà trọ)
Anh chàng Adrien ăn xong thì do có hẹn nên đi sau khi tôi bảo tôi có thể rửa chén (anh ta mừng húm - mệt lả rồi còn gì - chắc là công tử bột đây?) Mà anh chàng này bắt đầu quyến luyến tôi rồi đấy. Anh ta cứ hỏi hôm sau tôi đi mấy giờ và nói dù anh ta đi mấy giờ cũng đến nhà trọ tôi để xem tôi đi chưa, nếu chưa thì chào tạm biệt. Chắc muốn đi cùng tôi chăng? Hay muốn cảm ơn do tôi mời ăn trái cây và nấu ăn cho anh ta? Biết rằng tôi về Vientaine là để đi Thái Lan, anh ta bảo anh ta cũng nghĩ đến việc đi Thái Lan từ Vientaine, rồi quay trở lại Lào nên hỏi tôi đoạn đó ở Thái Lan có đẹp không? Có đáng tham quan hay không?
Tôi nghĩ nếu tôi và anh ta cùng về Vientaine thì có thể gặp nhau ở đó. Tôi đi xe đạp chậm hơn anh ta nhiều do vừa đi vừa “tám” vừa mua trái cây, còn anh ta mà lên xe thì chỉ biết đạp cho đến nơi mà thôi, nơi nào đẹp thì dừng lại chụp chứ ít chịu “tám” dọc đường lắm. Vả lại, tôi và anh ta quen đi một mình rồi, có thích đi chung với người khác đâu nhỉ?
Ah ở Vang Vieng cũng có nhiều người Việt lắm đấy. Tôi thấy nhiều tiệm cắt tóc ghi cả bằng tiếng Việt cơ và thậm chí đối diện với nhà trọ tôi chắc có gia đình Việt nào đó sống bởi vì buổi tối tôi nghe tiếng tivi nói tiếng Việt. Đúng là người Việt ở khắp nơi ở Lào rồi!
Ở Vang Vieng có nhiều hoạt động cho du khách lắm! Ngoài việc tham quan phong cảnh, thác nước và các hang động còn có thể tham gia tubing (du khách mặc bikini đi thuyền trên sông, dừng lại uống rượu từ các quán bar nổi), chèo thuyền (kayaking), leo lên kinh khí cầu ngắm cảnh. Nếu muốn tham gia mấy cái này thì nên làm ở Vang Vieng bởi vì tôi chắc là nó rẻ hơn ở Trung quốc hay Thái Lan.
Ở Vang Vieng, điều mà tôi thấy tởm lợm nhất (còn tởm hơn cả trông thấy bọn gái điếm câu khách) là cái bọn du khách mất dạy sau khi tubing mặc luôn cả bikini mà đi vào các khu vực dân cư toàn là trẻ em Lào. Chả hiểu ở nước họ, họ nhận được kiểu giáo dục gì, toàn là dân da trắng đến từ các quốc gia phát triển mới ghê! Giống như một tên khốn da trắng mà tôi trông thấy trên đường vào Vang Vieng ấy, mặc độc có cái quần tà lỏn chạy xe gắn máy qua các khu dân cư. Tởm!!!
Khi tôi nói với Adrien điều này, anh ta bảo có gì đâu bởi vì họ thấy cơ thể họ đẹp nên khoe. Vả lại người nước ngoài vào Châu Âu cũng vi phạm tùm lum quy tắc xã hội của họ như khạc nhổ, xả rác…. Tôi không đồng ý với kiểu triết lý ấy. Các bạn nên biết Lào là một quốc gia Phật giáo, ngay cả việc mặc áo sát nách đã là cấm kỵ (không được vào chùa rồi). Bọn du khách mất dạy ấy có thể mặc bikini mà tubing ở các khu du lịch, chứ nếu mang cả kiểu ấy vào khu dân cư thì thử hỏi 10 năm nữa khi họ quay lại Lào chỉ thấy phụ nữ Lào ăn mặc hở hang đi đầy đường thì họ có còn đến Lào để mà thưởng thức văn hóa ấy nữa không?
Adrien thấy tôi quyết liệt với bọn người mất dạy ấy quá nên nói anh ta sẽ naked ở bờ sông luôn. Tôi bảo: được rồi, khi nào naked thì nhớ nhắn tin tôi đến chụp hình và đăng blog ở mục “Do not” ở Lào. Mà tôi thấy anh ta mặc áo sơ mi trắng kiểu Lào trông khá điển trai ấy chứ (tiếc là chỉ lo nhìn nên quên chụp hình hehehe); anh ta hay mặc như thế khi gặp tôi lắm (chắc sợ bị tôi mắng là “đồ mất dạy” hay sao ấy?)
Kỳ sau: Trở lại Lào (10): Đạp xe từ Vang Vieng đến Vientiane
Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011
Trở lại Lào (8): Đạp xe từ Muong Phou Khan đến Vang Vieng
Khi đẩy xe lên một con dốc cao để đi Vientaine thì tôi mới biết nơi tôi cắm trại ngủ tối qua là Muong Phou Khan (trong tiếng Lào, “Muong” tương đương với “huyện” và “Ban” tương tương với “xã”) Sương mù mịt, xe tải chạy phải mở đèn. Lên hết con dốc thì xuống dốc khoảng vài cây, sau đó lại lên dốc.
Tôi đẩy xe ngang qua một trường học trên đồi. Nghe tiếng trống cắc cùm cum và tiếng trẻ con và thấy mấy lá cờ cứ phẩy qua lại. Tôi dừng xe bên dưới và leo lên. Chắc học sinh đang diễn tập cho một sự kiện nào đó. Bọn con nít không tham gia diễn tập vây quanh tôi và tôi có một bộ sưu tập ảnh về bọn chúng.
Khi tôi dắt xe đi, vài đứa cứ đi theo tôi mãi nên tôi lấy một nải chuối ra chia mỗi đứa một quả. Khi vừa chia xong thì một đám con nít từ xa chạy đến, vậy là tôi đành đẩy xe “thoát thân.”
Lúc ấy thì dù là trên núi cao nhưng có vài cây số đường bằng phẳng; cảm giác đạp xe trên núi thật tuyệt. Đối diện là mây trắng bay. Núi non chập chùng bên dưới hoặc ở phía đối diện, y hệt đang đạp xe trên trời vậy đó. Tôi mê cảm giác này vô cùng.
Sau vài cây số đạp xe trên mây thì bắt đầu xuống dốc 10%. Lên dốc đã mệt mà xuống dốc lại chả khỏe hơn tí nào. Đường xấu, ổ gà ổ voi, vì vậy nếu muốn đạp xe ở Lào chắc các bạn phải sắm xe đạp địa hình bởi vì đi xe đạp ở đây chả khác gì đi xe địa hình cả.
Bây giờ khi bọn con nít chào tôi “Saibaidee,” tôi chào lại “Sai bai dee đâu?” Hehehe Vậy mà có đứa lặp lại theo mới ghê chứ. Câu chào của tôi ở Lào là “Sai bai dee đâu”
Lúc xuống dốc tôi thấy câu chào “Welcome to Vientaine Province!”Thì ra Vang vieng cũng thuộc tỉnh Vientaine. Khi xe xuống hết dốc thì lại lên dốc; tôi đẩy qua một cây cầu rồi từ đó lên một con dốc cực thẳng đứng.
Khoảng 10h sáng thôi mà nóng kinh khủng; hết chịu nổi, tôi rẽ luôn vào một bóng râm có con suối róc rách bên dưới để phơi đồ đạc do mưa tối qua làm ướt, tắm rửa và giặt quần áo luôn. Đi kiểu như tôi sướng lắm nghen các bạn; có thể dừng bất cứ nơi nào để picnic luôn.
Đầu tiên tôi thay quần áo ra giặt. Tôi giặt xong đang leo lên thì hết hồn khi thấy một thanh niên vừa dừng xe máy lại bên đường đi vào. Chắc anh ta thấy đồ đạc phơi tùm lum nên tò mò chăng? Anh ta hỏi tôi đi đâu. Tôi nói Vang Vieng. Anh ta hỏi đi một mình à? Tôi nói hai người. Tôi ra vẻ lạnh lùng, không muốn nói chuyện bởi tôi cần ở một mình kia. Vậy là anh ta bỏ đi.
Khi tôi giặt giũ tắm rửa xong đang ngồi ăn trái cây thì thấy Adrien đẩy xe ngang qua. Anh ta nhìn tôi kinh ngạc hỏi làm sao tôi có thể đi trước anh ta được chứ. Anh ta bảo hôm qua đạp kia liên tục cả ngày và sáng hôm nay thì khởi hành sớm. Tôi nói đùa là tôi đẩy xe cả đêm. Anh ta bảo không thể. Cuối cùng tôi đành kể lại việc tôi được xe cho quá giang.
Khi tôi tả lại cảnh tôi “được” tên tài xế gạ ngủ như thế nào, Adrien bảo anh ta thấy có gì lạ đâu, nhiều khi anh ta gặp một cô gái nào đó và cách cô ta nhìn anh ta hay đụng vào nơi nào ấy trên người thì anh ta biết ngay là cô ta mời gọi anh ta ngủ chung một đêm (không biết tôi có vô tình như thế không mà nhiều tên đòi ngủ chung quá vậy?) Anh ta mới 25 tuổi nhưng có đến 26 ex-girlfriends. Anh ta nói chỉ cần gặp một cô gái 2-3 ngày sau là có thể lên giường rồi.
Adrien bảo xe anh ta lại hỏng và anh ta nghĩ có thể cái bàn đạp muốn lìa ra luôn. Một lúc anh ta lên đường trước; tôi ở lại thu dọn đồ đạc. Nắng gắt kinh dị nên mọi thứ khô như bắp rang.
Tôi đi một đoạn thì đến cổng chào vào huyện Kasi. Ngay tại đó là một suối nước nóng. Qua khỏi suối nước nóng thì bên tay trái là một dãy núi có hình dáng kỳ lạ nhấp nhô; cảnh chẳng khác gì cảnh mà tôi thấy ở sông Lệ Giang ở gần Quế Lâm (Guilin) cả. Tôi ngắm những ngọn núi mờ ảo kỳ lạ và có cảm giác như đang ở trên trời ấy.
Trời đổ mưa, rồi tạnh, rồi mưa lại to ơi là to. Tôi mở dù ra đẩy xe dưới mưa. Tôi dừng lại mua một chùm chuối bom giá 1000 kíp. Ở Lào người ta vẫn còn bán theo mớ hay chùm chứ ít có dùng cân, chỉ có ở các thành phố lớn mới sử dụng cân thôi nhưng vẫn ít người dùng lắm.
17 cây số trước khi vào thị trấn Kasi đường xuống dốc hoặc bằng phẳng nên khá lý tưởng đặc biệt là cảnh ruộng lúa hai bên đường nên thơ vô cùng.
Tôi đi qua hết bản này đến bản nọ và dừng lại mua 6 cái bánh giống như bánh nếp có nhân là đậu xanh trộn với mỡ heo, giá 1000 kíp/cái nhưng chỉ trả có 5 ngàn kíp thôi (mua sĩ mà hehehe). Tôi đạp xe vào Kasi và thấy Adrien đang trong tiệm sửa xe. Anh ta bảo tôi ở đây họ mời anh ta hết ly này đến ly khác whisky (giống như rượu đế Gò đen) Bọn con nít bu quanh anh ta. Một nhóm nam sinh 16-17 tuổi đeo cặp đang đứng xem và thực tập tiếng Anh. Vài đứa nói khá tốt. Chúng bảo học tư từ một giáo viên có tên là Mr.Khan nào đấy gần đó. Một đứa trước đó đã mời Adrien về nhà ngủ (Anh ta khoe với tôi). Anh ta say rồi nên nói nhiều ghê luôn. Tôi xin phép chủ tiệm sửa xe căng lều ngủ trong một mái mái che cạnh nhà anh ta.
Thật kỳ lạ là dù tôi có giải thích kiểu gì rằng tôi và Adrien không đi chung, chỉ tình cờ gặp nhau thôi nhưng họ luôn nghĩ hai đứa là bồ nhau. Họ bảo căng lều lên ngủ chung à? Hoặc khi nào tôi về Pháp. Chán ghê! Hình như họ chả muốn tin là phụ nữ cũng có thể đi một mình
Họ có cả nhà tắm nằm bên ngoài có thể tắm nước nóng nhưng tôi vừa tắm dưới suối nên chả cần. Họ bảo ở Kasi có người Việt sinh sống và họ điện thoại cho ai đó. Họ đưa điện thoại cho tôi nói chuyện. Giọng Huế, tôi nghe không hiểu. Hình như hai vợ chồng người Huế này không muốn đến nhưng anh chàng Lào cứ nằng nặc nên một lúc sau tôi thấy cả gia đình đến trên chiếc xe máy. Người vợ giải thích, sợ anh chủ tiệm sửa xe nói xạo để lôi kéo anh chồng đi nhậu (giống ở Việt Nam ghê!) Họ là người Huế, sang Lào 6-7 năm rồi, vợ cắt tóc gội đầu, chồng làm thợ xây, có ba con, hai đứa lớn ở Việt Nam học, đứa nhỏ 3 tuổi đang ở cùng họ bên Lào, khi nào đến tuổi cũng cho về Việt Nam học. Họ thuê nhà khoảng 10 triệu tiền Việt/năm. Tôi nói đắt hơn ở Luang Prabang thì họ bảo nhà rộng hơn ở cho thoải mái. Nói chuyện một chút, họ nói về có việc đang đi công chuyện thì bị gọi đến. Họ mời tôi hôm sau đến nhà họ chơi. Họ bảo khi nào đến ngã ba thấy một căn nhà thật đẹp 4-5 tầng ngay tay phải thì quẹo vào con đường bên cạnh sẽ thấy ngay tiệm uốn tóc của họ.
Mệt mỏi với anh chàng Adrien say rượu nói tứ tung nên tôi cũng chui vào lều ngủ. Tôi ngủ thật ngon dù cắm trại ở ngay cạnh đường lớn. Ở Lào hình như ban đêm không có xe chạy thì phải nên đường phố êm ắng chứ không như các con đường quốc lộ ở Việt Nam hay Trung Quốc, xe chạy 24/24.
Sáng tôi thu dọn đồ đạc thì thấy Adrien và cậu học trò đạp xe đến, họ bảo ra tiệm rửa hình mà Adrien chụp hôm qua. Tôi nói tôi sẽ đi trước và sẽ gặp lại trên đường. Tôi đến nhà của hai vợ chồng người Huế. Nhà họ thuê khá rộng, có cả người giúp việc và thêm vài người Việt Nam khác ở chung. Tôi thấy cuộc sống của họ tại Lào cũng không tệ.
Tôi kể cho họ nghe về chuyện tôi gặp hai tên Việt Nam tại Luang Prabang nhưng hai thằng điên ấy từ chối nói tiếng mẹ đẻ của họ thì chị vợ bảo tôi ở Lào hay có chuyện đó lắm. Vài người làm ăn thành đạt rồi lại không muốn nhận người Việt. Họ bảo lúc mới sang ở Pakse có vài người Việt thành đạt, gặp họ cứ nói tiếng Lào thôi, không chịu nói tiếng Việt. Tôi nghĩ chắc họ sợ bị nhờ vả hay sao ấy? Nếu thế thì cứ nói thẳng ra chứ việc gì phải từ chối nói tiếng mẹ đẻ của mình thế. Từ chối nói tiếng mẹ đẻ thì có khác gì từ chối không nhận mẹ của mình đâu nhỉ? Những kẻ này đáng cho một cán dù vào đầu lắm. Tôi mà gặp đâu là chửi ở đó đấy.
Tôi bảo: trong khi dân Trung Quốc đi đâu cũng đoàn kết nên dù chả giỏi giang gì hơn ta nhưng họ luôn mạnh, còn Việt Nam thì cứ è ạch lẹt đẹt, giàu được một tí thì khinh người theo kiểu: Thấy ai giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì nói xấu, ngu dốt thì chê bai.
Tôi nói cho họ cảm nghĩ của tôi là thấy người Việt thành đạt ở nước ngoài tôi rất mừng bởi vì người Việt cứ đi đâu cũng mang tiếng là đàn ông thì làm ma cô, nhậu nhẹt, quậy phá, đàn bà thì đi làm đĩ riết tôi chán lắm. Trước khi chia tay tôi xin một bình nước và bảo họ dạy cho con bé con họ tiếng Lào bởi vì nếu biết tiếng Lào thì sau này nó có thể sang Thái Lan học. Họ bảo cũng khó lắm bởi vì chương trình học ở Việt Nam nặng quá phải cho đi học thêm học hè nên không có thời gian cho nó sang Lào vào dịp hè để thực tập tiếng cho khỏi quên.
Từ Kasi thì đường hầu như phẳng dù cũng có lên xuống dốc nhưng ít có dốc cao mà đa phần là dốc nhỏ. Bắt đầu từ đây thì tôi thấy các quán dọc đường bán nón lá kiểu Việt Nam và người dân đội nón này ra đồng làm việc.
Tôi lại dừng mua một chùm chối bom giá 1000 kíp. Cách Kasi khoảng 20 cây số thì có một ngọn đồi. Tôi dừng xe lại nghỉ ngơi trước khi đẩy xe lên ngọn đồi ấy. Andrien đạp xe đến. Anh ta cũng ngồi nghỉ và mượn tôi cái gương soi để cắt râu (không phải cạo mà là cắt) như thế này.
Anh ta bảo anh ta được cậu bé học trò mời ăn trứng ốp la khá ngon. Ở tiệm ảnh dù anh ta chụp 20 tấm nhưng chỉ cho phép cậu học trò chọn ra ba tấm để rửa thôi và cậu ta chỉ chọn những tấm ảnh chụp cùng Andrien thôi, chả có tấm nào chụp chung bạn bè cả (theo Adrien thì cậu ta khá ích kỷ). Tôi hỏi Adrien là sao chỉ có 3 tấm. Họ không có máy ảnh nên nếu phải ra tiệm chụp và rửa thì tốn khá nhiều tiền. Adrien bảo mỗi tấm giá 3 ngàn kíp (có bọc plastic) nên chỉ rửa 3 tấm là đủ rồi. Anh ta khá trùm sò ấy nhỉ chứ ở Mông Cổ tôi rửa tất, chụp bao nhiêu thì rửa bấy nhiêu. Anh ta bảo gửi email cho cậu học trò ấy và cậu ta tự rửa (bó tay!!!) Ngoài ra anh ta còn mua vài quyển tập và bút tặng cho những đứa trẻ khác trong gia đình.
Theo tôi dân Châu Âu trùm sò hơn người Châu Á. Họ xài tiền cho bản thân nhiều hơn là cho người khác. Vậy mà nhiều người ở Châu Á kể cả Trung Quốc, Lào và Việt Nam, cứ thấy da trắng là “bám đít” bởi hy vọng họ cho nhiều tiền. Theo tôi dân Châu Á, do cái thể hiện khá lớn, nên khi đã chi là chi hết biết luôn.
Adrien lại lên đường trước tôi. Tôi đẩy xe lên ngọn đồi vài cây số với phong cảnh đẹp bên dưới.
Khi đang đi thì một đám con nít trong đó có hai đứa trông thật giang hồ, y như những tay “tiểu anh chị” ấy. Chúng đòi tôi cho tiền, cho bánh. Tôi bảo không có tiền “bò mi ngân” và xòe tay bảo chúng cho. Chúng tiến đến săm soi hành lý của tôi. Ba lô tôi cho vào bao ny lông hết (mục đích để chống mưa) còn các món khác thì cột cẩn thận (do đường toàn ổ gà nếu không làm thế thì rớt hết rồi còn gì) nên chúng chả thể lấy thứ gì được, chỉ chỉ trỏ thôi. Vậy mà có một thằng nhóc lựa lúc tôi không để ý, giật lấy chai nước tôi dùng để chứa nước rửa tay tôi giắt phía sau ba lô. Giật xong nó cười hí hố rồi bỏ chạy. Lúc đó tôi chả biết nó lấy mà sau này mới phát hiện ra.
Không dám đứng lâu cùng đám con nít này, tôi đẩy xe bỏ đi. Vài cây số sau thì xuống dốc. Từ đó về Phatang xe toàn xuống dốc hoặc đường bằng phẳng nên tôi đạp xe. Tôi vào Phatang thấy một quán ăn. Vài cô học trò đang ăn món gì đó. Tôi chỉ tay hỏi phải phở không. Chị chủ quán nói: Nam Pun. Tôi hỏi giá. Con bé học trò ngồi cạnh bảo 5 ngàn kíp nhưng chị chủ lại bảo 10 ngàn. Tôi biết là bị thách nên không ăn. Tôi thấy cánh gà xỏ que, mỗi que 3 cái cánh nhỏ. Tôi hỏi giá. Mẹ chị ta bảo 500 kíp nhưng chị ta lại bảo 1000 kíp. Ghét! Tôi đi ra đẩy xe lên đồi rồi đạp ngang qua một khoảng tre trúc mát rượi. Tôi dừng lại ăn nốt những thứ trái cây còn lại.
Bắt đầu từ Phatang thì tôi thấy du khách nước ngoài thuê xe máy hoặc xe đạp chạy từ Vang Vieng đến tham quan cảnh đồng quê. Có cả một thằng da trắng chỉ mặc độc có cái quần đùi, đội nón bảo hiểm đi xe gắn máy. Nhìn thấy mà gớm! Không hiểu hắn nghĩ sao mà ở Lào lại ăn mặc thế ra đường nhỉ?
Bắt đầu từ Phatang thì bọn con nít chắc do “được” các du khách khác “dạy dỗ” nên thành ăn xin cả, cứ thấy du khách là xin tiền hoặc thức ăn.
Ra khỏi Phatang, tôi đi ngang qua một nhà hàng và thấy vài chiếc xe máy chở hàng hóa từ Việt Nam sang. Chắc chắn là người Việt trong đó nên tôi ghé lại với mục đích là nhờ họ gọi giùm thức ăn. Thì ra đó là một nhà hàng thịt chó. Họ đang ăn chó nướng (món duy nhất mà người Lào làm được trong khi ở Việt Nam chế biến đến 7 món.) Họ toàn là dân Diễn Châu, Nghệ an sang Lào bán hàng. Một người vừa bán được bộ amply gía 13 triệu (mua chỉ có 5 triệu đồng, tiền xe 1 triệu mà sang Lào bán được 13 triệu đồng) tại nhà hàng ấy nên “khao”. Hàng chở từ Việt Nam chả cần đóng thuế má gì cả, chỉ tốn tiền xe thôi.
Họ bảo trước đây dân Lào không ăn thịt chó, thậm chí họ đập cả niêu nếu nấu trong nhà họ, thế mà bây giờ họ chẳng những ăn mà còn bán nhưng họ chỉ chế biến được món chó nướng mà thôi. Tôi nghĩ chắc do họ nhiễm người Việt rồi. Người Việt mình sang dạy họ “nhiều thói xấu” nên một số người Lào không thích dân Việt Nam là thế.
Tôi chỉ ăn dăm miếng thịt chó nướng, ăn khá ngon, y như thịt bò phơi khô. Nước chấm thì tuyệt, họ bảo nước chấm ấy là nước chao được chế biến từ gan chó trộn chung vài gia vị. Tôi chủ yếu ăn cơm nếp với nước chao ấy thôi, khá ngon miệng đấy.
Những người này uống rượu đế và ép tôi uống. Tôi không uống, bảo rằng phải chạy xe và bảo họ không nên uống nhiều (họ chở hàng kềnh càng thế kia mà.) Họ bảo vừa chạy xe vừa lạng mới sướng. Ở Lào không sợ bị xe đụng đâu, dân Lào nhường đường tất, chứ ở Việt Nam chạy thế thì “đi bán muối” lâu rồi. Lại thêm một lý do cho dân Lào ghét người Việt.
Họ cứ dò hỏi tôi qua Lào làm gì mãi. Tôi chắc mẫm họ cho rằng tôi là gái đi bán dâm bởi họ thường xuyên nói nếu có rắc rối với công an thì gọi điện cho họ. Họ biết công an ở Vang Vieng. Họ bảo tôi về nhà họ ngủ một đêm (để họ “thịt” tôi chắc luôn bởi vì khi tôi từ chối thì họ nói: “Sao cho dân Lào được mà không cho dân Việt Nam.” Sau đó họ thảo luận nhau: “Chắc do tôi sợ” theo kiểu: “Làm đĩ bốn phương, phải chừa một phương để lấy chồng chứ.” Mẹ cha chúng mày dám nghĩ về bà như thế!!!
Khi tôi nói rằng tôi đạp xe từ Trung Quốc sang Lào và sắp tới là đi Thái Lan, chắc chắn họ nghĩ rằng tôi đi làm đĩ quốc tế bởi vì sau đó có một thanh niên Lào đến, một người trong bọn họ ghé tai người thanh niên và chỉ vào tôi nói nhỏ điều gì đó, anh chàng mắt sáng rực lên và ra dấu bảo tôi về nhà anh ta ngủ.
Khi họ hỏi tôi dự định ở đâu ở Vang Vieng, tôi nói không biết, họ chỉ đường đến một nơi của Việt Nam, cách Vang Vieng 3-4 cây hướng đi Vientaine; họ bảo chị em phụ nữ ở đó không hà; chắc đó là một động mại dâm quá.
Khi tôi hỏi họ ở Lào lâu thế thì có vợ Lào không; họ bảo không, vợ thì chỉ có một, chứ gái thì mỗi đêm có thể ngủ với một cô Lào, sau đó thì trả tiền rồi đường ai nấy đi. Ở Lào ngủ với gái 15-16 tuổi là bình thường. Thậm chí muốn một con vợ Lào cũng không khó; ưng con bé nào thì đến nhà hỏi bố nó: Tôi muốn con gái bố; bố cần bao nhiêu triệu kíp. Thường chỉ cần 10 triệu kíp là có được một cô bé Lào rồi. Tôi thấy họ thật là điếm đàng; tôi còn ghét nữa huống chi là dân Lào.
Khi họ hỏi xin số điện thoại của tôi, tôi bảo không có tiền nên không sử dụng điện thoại. Họ nói gì đó chắc ý là không có điện thoại thì làm sao mà đi khách và nếu họ cần thì làm sao liên lạc. Tôi bảo Vang Vieng nhỏ lắm, đi một vòng là đụng mặt thôi. Tôi nói hú họa, ai ngờ họ gật đầu đồng ý. Tôi đoán chắc ở Vang Vieng có một khu vực dành cho gái điếm.
Họ lần lượt đi và tôi cũng thế. Có một người cứ bám theo tôi. Tôi nói đi xe đạp chậm lắm; ông ta đi trước vào một quán nước chờ tôi đạp xe tới, ngoắc vào bảo uống nước. Tôi từ chối bởi vì tôi biết ông ta muốn thuyết phục tôi ngủ với ông ta một đêm theo kiểu thằng cha tài xế người Trung Quốc. Làm phụ nữ mà đi du lịch một mình thật khổ với những cảnh gạ tình như thế này các bạn nhỉ! Tôi đã nảy ra ý định cải trang nam giới rồi đấy. Khi nào đến Bangkok, tôi sẽ tìm mua đồ nghề cải trang đấy nhé! Các bạn thấy ý định này không tồi chứ? Hy vọng là tôi trông hơi đẹp trai một tí khi làm nam giới!
Đạp xe qua vài con dốc và chạy dọc theo con đường quốc lộ bụi bặm vài cây số là tôi vào trung tâm Vang Vieng.
Kỳ sau: Trở lại Lào (9): Vang Vieng