Nhà vua ấy, Tolstoy không biết
tên. Một hôm đức vua nghĩ rằng, giá vua trả lời được ba câu hỏi ấy thì vua sẽ
không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:
1. Làm sao để biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi
công việc?
2. Làm sao để biết nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải
chú trọng?
3. Làm sao để biết công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải
thực hiện?
Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra
khắp bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được
những câu hỏi đó.
Các bậc hiền nhân đọc chiếu liền
tìm đến kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.
Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng muốn biết thời gian nào
là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng
hoàng, có ngày giờ năm tháng, và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như
vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính
được trước những việc gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy; rằng ta
không nên ham vui mà quên chú ý đến mọi sự khi chúng xảy tới để có thể làm bất
cứ gì xét ra cần thiết.
Có kẻ lại nói rằng, dù vua có chú
ý đến tình hình mấy đi nữa thì một mình vua cũng không đủ sáng suốt để định
đoạt thời gian của mọi việc làm một cách sáng suốt, do đó nhà vua phải thành
lập một Hội Đồng Nhân Sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ.
Lại có kẻ nói rằng, có những công
việc cần phải lấy quyết định tức khắc không thể nào có thì giời để tham khảo
xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy quyết định cho
đúng thì phải biết trước những gì sẽ xảy ra; do đó, nhà vua cần đến những nhà
cố vấn tiên tri và bốc phệ.
Về câu hỏi thứ hai, cũng có nhiều câu trả lời không giống nhau. Có
người nói những nhân vật mà vua cần chú ý nhất là những ông đại thần và những
người trong triều đình. Có người nói là mấy ông Giám Mục, Thượng Tọa là quan
trọng hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lãnh trong quân đội là quan trọng
hơn hết.
Về câu hỏi thứ ba, các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có
người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói tôn giáo là quan trọng
nhất. Có người lại nói chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất.
Vì các câu trả lời khác nhau nên
nhà vua không thể đồng ý với vị hiền nhân nào cả, và chẳng ban thưởng cho ai
hết.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, vua quyết
định đi chất vấn một ông đạo tu trên núi, ông đạo này nổi tiếng là có giác ngộ.
Vua muốn tìm lên trên núi để gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia.
Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu
xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo; chẳng bao giờ ông ta
chịu tiếp người quyền quý. Vì vậy mà nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi
đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới, và một mình vua, trong y phục một
thường dân, vua trèo lên am của ông đạo.
Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất
trước am. Khi trông thấy người lạ, ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông
đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đã già yếu; mỗi khi cuốc lên được một
tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hổn hển.
Nhà vua tới gần ông đạo và nói:
“Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp cho ba câu hỏi. Làm thế nào để biết
đúng thời giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc? Ai là
những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý nhiều hơn cả? Và công việc nào
quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên?”
Ông đạo lắng nghe nhà vua nhưng
không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất.
Nhà vua nói: “Ông đạo mệt lắm
rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát.” Vị đạo sĩ cám ơn rồi trao cuốc
cho nhà vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc được hai vồng dất thì nhà vua
dừng tay và lặp lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy đưa tay ra
đòi cuốc, miệng nói: “Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc.” Nhưng nhà vua
thay vì trao cuốc lại cúi xuống tiếp tục cuốc đất.
Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi
qua. Rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay buông cuốc rồi
nói với ông đạo:
“Tôi tới để xin ông đạo trả lời
cho mấy câu hỏi. Nếu ông đạo không thể trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho
tôi biết để tôi còn về nhà.”
Ông đạo nghe tiếng chân người
chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: “Bác thử xem có ai chạy lên kìa.” Nhà vua ngó
ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm
bụng. Máu chảy ướt đầm cả hai tay. Ông ta cố chạy đến chỗ nhà vua và ngất xỉu
giữa đất, nằm im bất động miệng rên ri rỉ.
Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có
một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra
băng bó vết thương, nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo rồi đem băng lại vết
thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngừng chảy.
Lúc bấy giờ người bị thương mới
tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống. Khi đó
mặt trời bắt đầu khuất và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông đạo, nhà vua
khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường ông đạo. Ông ta nhắm
mắt nằm yên. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào
cánh cửa và ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon đến nỗi khi vua thức dậy thì trời đã
sáng và mãi một lúc sau vua mới nhớ ra được mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua
nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc,
hai mắt sáng trưng.
Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi
và đang nhìn mình thì nói, giọng rất yếu ớt:
“Xin bệ hạ tha tội cho thần.”
“Ông có làm gì nên tội đâu mà
phải tha?”
“Bệ hạ không biết hạ thần,nhưng
hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ. Hạ thần đã thề sẽ giết bệ
hạ cho bằng được bởi vì khi xưa, trong chinh chiến bệ hạ đã giết chết người anh
của hạ thần và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa.”
“Hạ thần biết bệ hạ sẽ lên núi
này một mình để gặp ông đạo sĩ, nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con
đường về. Nhưng cho đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ
mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ để hành thích. Thay vì gặp bệ hạ, hạ thần lại
gặp bốn vệ sĩ. Bọn này nhận mặt được hạ thần cho nên đã xông lại đâm hạ thần.
hạ thần trốn được chạy lên đây, nhưng nếu không có bệ hạ cứu thì hạ thần chắc
chắn đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ
lại cứu sống hạ thần. Hạ thần hối hận quá! Bây giờ đây nếu hạ thần mà sống được
thì hạ thần nguyện sẽ làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời, và hạ thần cũng sẽ bắt
các con của hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho hạ thần.”
Thấy mình hòa giải với kẻ thù một
cách dễ dàng, nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà
còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta, và gửi ngự y cùng quân hầu tới săn sóc
cho ông ta lành bệnh.
Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị
thương về nhà, vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về, vua còn lặp
lại lần cuối ba câu hỏi. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất gieo những hạt đậu trên
những luống đất đã cuốc sẳn hôm qua.
Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua:
“Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà.”
Vua hỏi: “Trả lời bao giờ đâu?”
“Hôm qua nếu vua không thương hại
bần đạo già yếu mà ra tay cuốc giùm mấy luống đất này thì khi ra về nhà vua đã
bị kẻ kia may phục hành thích mất rồi, và nhà vua sẽ tiếc rằng đã không ở lại
cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian vua đang cuốc đất; nhân
vật quan trọng nhất lúc đó là bần đạo đây, và công việc quan trọng nhất là công
việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan
trọng nhất là khi nhà vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết
thương cho ổng thì ổng sẽ chết và vua không có dịp hòa giải với ổng, cũng vì
thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất; công việc vua làm để băng bó vết
thương là quan trọng nhất.
Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: “Chỉ
có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại
quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta.
Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ
thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được là mình sẽ
đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất
là công việc làm cho người đang cụ thể
sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc, bởi vì đó là ý nghĩa
chính của cuộc sống.
Nguồn: Trích sách “Phép lạ của sự tỉnh thức.” Tác giả: Nhất Hạnh. Nhà
xuất bản: Lá Bối. Năm xuất bản: 1991. Trang 93-101
Quỳnh Dung tuy còn trẻ nhưng ý tưởng rất hay,
Trả lờiXóanhững việc xảy ra thường nhật trong cuộc sống của một đời người có lẽ cũng chỉ xoay quanh lục dục, thất tình mà thôi...Đôi khi mình cảm thấy rất khó chịu với loài người...nhưng mình cũng cùng loài và phật hình như chỉ có một mà thôi ! Mong gặp QD thường xuyên hơn nữa... đừng để người ái mộ phải hồi hộp vì mất tích.
Phật là Phật; còn chúng ta là chúng sanh thì làm sao cùng loài được nhỉ?????
XóaRất hay đó chị!
Trả lờiXóaUhm, hay thật mà hehehehehe!
XóaMọi người chớ nhầm lẫn tôi là tác giả của truyện này nghen! Lão già Leo Tolstoy mới là tác giả!!! Nếu tôi mà viết hay được như thế thì chết mất xác rồi còn đâu!!!!
Trả lờiXóaKhông ai lầm lẫn đâu, chị yên tâm. :)
Xóa