Thiền sư Pháp Dung tu rất tinh
tấn trên núi Ngưu Đầu, cọp sói cảm đức từ bi của Ngài tụ hội về khá đông, chim
muông cũng cảm lòng từ nên tha hoa trái đến cúng dường Ngài.
Sau khi được Tổ Đạo Tín khai ngộ,
Ngài tiếp tục tu nhưng chim không còn tha hoa trái đến cúng dường Ngài nữa. Như
vậy có phải Ngài kém phước không? Ngài tu lùi hay tu tiến?
Câu chuyện sau trả lời câu hỏi
trên:
Thiền sư Đạo Ưng, đệ tử của Tổ
Động Sơn Lương Giới, cất cái am Tam Phong; trải qua một tuần nhật, Thiền Sư không
xuống trai đường (nhà ăn trong chùa). Tổ Động Sơn thấy lạ hỏi:
- Mấy ngày nay sao ngươi không
đến thọ trai?
Thiền Sư thưa:
- Mỗi ngày có thiên thần cúng
dường.
(Tu mà được chư thiên cúng dường
là quá tuyệt vời phải không?)
Tổ Động Sơn bảo:
- Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến
giải. Ngươi rảnh thì chiều lại.
Chiều, Thiền Sư đến, Tổ Động Sơn
gọi:
- Ưng am chủ!
Thiền Sư ứng:
- Dạ!
Tổ Động Sơn bảo:
- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác
là cái gì?
Thiền Sư trở về am ngồi yên lặng
lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy Thiền Sư, trải qua ba ngày như thế mới thôi
không cúng dường.
Bình thường người tu mà có kẻ quý
kính cúng dường thì vui, không có người cúng dường thì buồn. Ví dụ quý vị phát
nguyện nhập thất một tuần hoặc nửa tháng, bỗng một hôm có chư thiên đem thức ăn
đến cúng dường, khoảng ba ngày, thì chắc quý vị mừng rỡ khoe khắp làng xóm.
Nhưng Ngài Đạo Ưng được vậy mà bị Tổ Động Sơn chê là vẫn còn kiến giải. Vì sao?
Vì tu mà còn dụng tâm khởi quán từ bi, muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Khởi tâm thiện mạnh như thế nên chư thiên biết mà kính trọng cúng dường. Nếu dứt
hết niệm ác và niệm thiện cũng không còn, tâm không khởi niệm tức là vô niệm (tâm
bất động) thì duyên đâu mà thấy tâm?
Trong nhà thiền, nếu tu đến mức
đó thì cả Phật cũng không nhìn thấy huống chi là chư thiên/ quỷ thần. Tâm vô
niệm mới là chỗ vượt mọi đối đãi hai bên. Nếu còn khởi quán là còn niệm thiện.
Niệm thiện rất thuần khiết nên chư thiên thấy và chim muông cảm được, mới đến
để cúng dường. Như vậy, tu đến chỗ tột cao, với mắt phàm thì thấy là hết phước
vì không thấy tâm đang nghĩ gì, còn tu vừa vừa thì dễ cảm thông, thấy kết quả rõ
ràng. Rõ ràng là tu như người xưa, tu đến nỗi được chim muông chư thiên cúng
dường mà còn bị chê, huống chi là ngày nay tu chưa đến đâu lại bị xao lãng
biếng nhác thì còn bị chê đến mức nào nữa?
Đối với những phép lạ, những việc
như trên, người trong nhà Thiền không lấy gì làm quan trọng. Thiền sư Nam Tuyền
khởi niệm đi thăm trang chủ. Sáng hôm sau Ngài xuống trang sở thì thấy trang
chủ đã chuẩn bị đón tiếp. Ngài hỏi:
- Lão Tăng ra vào thường không
cho người biết, sao trang chủ biết mà chuẩn bị trước vậy?
Trang chủ thưa:
- Đêm qua thổ địa mách ngày nay
Hòa Thượng đến.
Ngài bảo:
- Lão sư tu hành vô lực (bị động
tâm) nên bị quỷ thần nhìn thấy.
Thường chúng ta đến nơi nào mà
không cho nơi ấy hay nhưng người ta biết trước sửa soạn đón tiếp thì vui mừng
chấp nhận, vì được quỷ thần ủng hộ. Song đối với người tu cao như Ngài Nam
Tuyền thì hối tiếc là mình dụng tâm tu để cho quỷ thần nhìn thấy. Tu để cho quỷ
thần thấy tâm là còn thấp. Giá trị của sự tu không ở chỗ huyền hoặc quỷ thần,
thế mà người đời lại đặt nặng vào những huyền hoặc, cho là cao quý nên bị kẹt ở
đó.
Nguồn: Trích sách “Những Cánh Hoa Đàm.” Tác giả: Thiền sư Thích Thanh
Từ. Nhà xuất bản: Hội Thiền Học Việt Nam. Năm 2003. Trang 128-132.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét