Vệ sinh:
- Có thể mang theo nước rửa tay khô vì Ấn độ đa phần ăn bốc (có thể thay
thế bằng khăn giấy ướt)
- Thuốc trị rệp (bởi vì các nhà trọ ở Ấn độ hay có rệp giường)
Ăn:
- Ăn chay là chủ yếu vì ăn mặn dễ bị ngộ độc thực phẩm.
- Chỉ ăn thức ăn đã nấu chín, dù là rau cũng phải nấu chín
rồi mới ăn.
- Mang theo đôi đũa cá nhân, nếu muốn ăn bằng đũa (vì Ấn độ không có đũa)
- Nếu sợ ăn uống không hạp khẩu vị thì có thể mang theo 1 cái ca inox nhỏ (khoảng 0.6l) rồi mua những cây đun nước nho nhỏ (bán khắp nơi ở Ấn độ); cho cây đun vào ca nước, cắm điện, chờ nước sôi, cho mì gói vào ăn. Hoặc có thể dùng để pha cà phê cho những ai bị nghiện món uống này.
- Đối với món ăn mới lạ thì chỉ nên gọi một phần thôi, rồi
mọi người cùng ăn thử, ăn được mới gọi thêm, nếu không sẽ bỏ thừa, rất lãng phí
thức ăn. Trong trường hợp ăn hổng nỗi, phải bỏ thừa thì nên nhờ nhà hàng/quán
ăn gói phần đó lại và đem ra đường cho người nghèo hay người vô gia cư. Cái món ăn vô cùng kinh dị ấy đối với mình có khi lại là cao lương mỹ vị của người khác.
Uống:
- Chỉ uống nước đóng chai có niêm mạc (vì người dân có thể dùng chai cũ, cho nước giếng vào rồi bán như chai có niêm mạc; cho nên cần kiểm tra kỹ niêm mạc trước khi mua).
- Để tiết kiệm và bảo vệ môi trường có thể mua chai lớn rồi chia ra cho mọi người (mỗi người cần phải có một cái chai không).
Đi lại:
- Đi chậm bởi vì đó là phong cách của người Ấn.
Ấn độ thường có biểu tình lắm nên trễ tàu xe là chuyện bình thường. Lại thường xuyên có kẹt xe. Do vậy có muốn đi nhanh cũng hổng được. Lúc ấy chỉ có mà tức điên người. Tức cho nhiều vào rồi sau đó giác ngộ rằng: NGU SAO TỨC (bởi vì có tức cũng chẳng được gì). Cho nên chậm thì chậm, sợ quái gì mà hổng dám chậm! Kệ, cho trễ luôn. Ấn độ mừ!
- Sử dụng mọi phương tiện giao thông công cộng nếu có thể như xe buýt,
tàu điện ngầm, xe lửa, kể cả đi bộ để ngắm cảnh. Những dịch vụ pre-paid taxi ở các nhà ga hay sân bay thì không phải trả giá. Còn taxi/tuk tuk mà yêu cầu bật meter thì hay chạy lòng vòng cho ngắm cảnh đã đời luôn. Nếu không thì phải thỏa thuận giá cả trước khi lên xe.
Ngủ nghỉ:
- Ngủ tập thể dạng phòng dorm, chỉ trả tiền theo giường
chứ không trả tiền theo phòng, rất rẻ, khoảng 2-3 đô Mỹ/người. Nếu không thì có
thể dùng phòng triple (phòng 3 giường cá nhân). Nếu ở phòng tập thể chung với
nhiều người thì cần mang theo dây xích để xích ba lô vào thanh giường, dùng ống khóa khóa các
ngăn quan trọng. Tiền bạc, giấy tờ thì luôn để trong túi bao tử và luôn mang
theo người kể cả lúc ngủ. Nếu hay quên thì có thể nhờ người đi cùng nhắc nhở mình
vào những lúc dễ quên nhất như sau: khi tắm xong hay quên túi bao tử trong nhà
tắm, khi thay quần áo hay để túi bao tử trên giường rồi quên luôn, lúc sắp
xếp hành lý có thể để lẫn lộn túi đâu đó rồi quên mất, sau khi thức dậy có thể
quên túi được để dưới gối nằm hay dưới nệm giường, lúc di chuyển nhà trọ có thể
quên túi…. Những lúc như vậy cần nhắc nhở nhau để không quên gì, bởi vì cái gì
quên thì ắt cái ấy mất. Mất hộ chiếu làm lại rất cực.
- Có thể đến khu vực gần trường học, bệnh viện để tìm phòng trọ theo
tháng, dù đóng tiền nguyên tháng nhưng nếu chỉ ở vài ngày có khi lại rẻ hơn trả
tiền nhà trọ/khách sạn theo đêm. Ngoài ra khu vực gần bệnh viện/trường học thức
ăn cũng rẻ hơn.
Giao tiếp:
- Có thể giao tiếp bằng tiếng Anh; ngoài ra để trả giá khi mua bán thì
nên học thêm 1 vài từ bản địa, chủ yếu là tiếng Hindi, nhưng một số vùng lại
nói ngôn ngữ khác chứ không nói tiếng Hindi, cho nên tùy nơi đến mà học vỏ vẻ
dăm từ để có gì thì “chửi” nhau với họ hihihihihi. Những từ thông thường là hỏi
giá bao nhiêu tiền, số đếm để nghe mà biết móc tiền ra trả hoặc để trả giá, mắc
quá, bớt đi, cảm ơn, xin chào, tạm biệt, cái này được, cái này không được, tôi
thích cái này, tôi không thích cái này, và tên một vài món ăn thông dụng… Chỉ
cần biết nhiêu đây thôi thì có thể sắm vai người bản địa vào chợ loảng xoảng
rồi đấy. Làm sao học? Vào mạng học on-line miễn phí, có phát âm luôn.
- Thường, ai nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, mình rất là khoái và có cảm
tình với họ. Cho nên suy từ bụng ta ra bụng người, họ cũng vậy, vì thế học cách
nói ngôn ngữ của họ cho vui.
- Lợi thế của mình là mình chỉ biết vỏ vẻ thôi, cho nên họ mà có chửi
mình hay có nói xấu mình, mình cũng chẳng hiểu, do không hiểu nên không có tức.
Lợi là vậy đó!
An toàn:
- Phòng trường hợp mất hộ chiếu hay mất túi xách thì mỗi
người tự scan và gửi email cho mình trang đầu của hộ chiếu, visa Ấn. Khi mất mà
nộp các bản sao này thì làm lại rất nhanh. Nếu không thì photocopy rồi cất ở
những chỗ khác nhau trong hành lý.
- Tiền chẳn thì để trong túi bao tử, chỉ để một ít tiền lẻ trong túi áo
để chi trả lặt vặt. Khi dự kiến mua gì thì dự kiến luôn khoản tiền cần trả, rồi
để sẳn tiền trong túi áo để tránh trường hợp móc túi bao tử ra trước mặt người
bán và vô số người khác.
- Khi ra ngoài, đặc biệt là ban đêm thì nhớ mang theo danh thiếp của nơi
mình ở vì trên danh thiếp này thường có sơ đồ hướng dẫn đường đến nơi ấy và
cũng để hỏi đường khi bị lạc. Nếu không có danh thiếp thì nên ghi lại địa chỉ
và số điện thoại của nơi mình ở.
- Ra ngoài ban đêm luôn mang theo đèn pin.
- Muốn đi tuk tuk đến đâu đó thì nên hỏi giá cẩn thận trước. Có thể dùng
điện thoại chụp biển số xe rồi lưu vào máy phòng trường hợp bất trắc.
Giấy tờ:
- Hộ chiếu
- CMND
- Thẻ ngân hàng
- Hình thẻ
- Photo hộ chiếu và CMND
- Tiền đô Mỹ và tiền bản địa tiền chẳn
Tất cả đều cho vào túi bao tử. Túi bao tử là loại túi đeo sát vào da và phủ áo bên ngoài. Dây đeo nên là loại thun co giãn để tránh làm da ngứa ngáy khó chịu. Nên kiểm tra cẩn thận sau khi đeo bởi vì có thể nút khóa không chặt nên túi bị rơi ra, hoặc dây đeo bị đứt (phải kiểm tra dây đeo hoặc dùng kim chỉ gia cố thêm cho chắc chắn).
Liên lạc:
- Chỉ cần 1 người trong nhóm có mang theo 1 laptop nhỏ; sau khi đến Ấn
thì mua 1 cái 3G khoảng Rs 1.000 – 1.500, rồi đóng tiền cước khoảng
Rs 100 là có thể dùng mạng thoải mái (mạng không nhanh lắm), nhưng không thể
nói chuyện điện thoại qua Skype, có thể ra dịch vụ internet để dùng Skype,
khoảng Rs 30/h. Còn lại thì có thể dùng 3G vào FB, email, google tìm thông tin thoải mái.
Các lưu ý:
- Mang theo chai không để vào sân bay
lấy nước (chai có nước thì không qua hải quan được, cho nên hoặc là uống hết
hoặc là đổ nước bỏ, rồi mang theo chai không, sau khi qua hải quan thì đến vòi
nước ở sân bay cho nước vào chai để mang theo uống)
- Nếu không có hành lý kí gửi (hành
lý chỉ có 7-8 kí thì xách tay luôn cho rồi) thì gửi người nào có kí gửi hành lí
những thứ sau: bộ dụng cụ cắt móng, dao, kéo, sữa chống nắng, kem đánh răng. Túm
lại là chất lỏng và dụng cụ bén nhọn. Lý do: những cái này không được mang theo
lên máy bay. Nếu không có ai kí gửi giùm thì bỏ luôn ở nhà, khi nào đến nơi thì
mua luôn (sang vậy đó!) Khổ nỗi tôi quen
cắt móng tay móng chân bằng Kiềm Nghĩa rồi, không quen cắt bằng đồ bấm móng (có
khi bấm phạm chảy máu tè le) nên đi đâu cũng kè kè luôn bộ dụng cụ này, mà Ấn
độ thì hổng có bán kiềm bấm móng, chỉ có đồ bấm móng thôi (đúng là lệ thuộc cái
gì thì khổ cái nấy hihihihihihihi)
- Hành lý nên gọn nhẹ dễ bảo quản, dễ
vận chuyển, không nên quá 8 kí.
- Mang theo ống khóa hành lý và dây
xích để xích hành lý vào thanh giường.
- Túi bao tử để giữ giấy tờ tiền bạc
- Những thứ như xà bông cục, dầu gội, kem đánh răng thì không
cần mang theo, ở Ấn độ những thứ này rẻ mà tốt. Quần áo thì không cần mang
nhiều, chỉ cần mang 1 bộ mặc đi đường, 1 bộ sơ cua thôi, nếu cần thêm gì thì mua
quần áo Ấn độ mặc cho giống họ. Giày dép cũng vậy. Chỉ cần mang theo đôi nào
vừa ý, đi lại thoải mái, dễ chịu, có thể đi bộ trong thời gian dài mà không làm
đau chân. Nếu không thì sang Ấn độ mua. Túm lại chỉ cần mang những thứ cơ bản
cùng giấy tờ cần thiết thôi, còn lại thì khi nào cần thì mua. Thật ra cũng
không cần gì nhiều, chỉ tại mình nghĩ là mình cần thôi.
- Bắt buộc phải có nón đội, kính râm, quần áo tay dài để
chống nắng bởi vì nắng Ấn độ dễ gây bệnh lắm. Người Ấn thì quen với thổ nhưỡng
khí hậu thời tiết nhưng người VN không quen nên dễ ngã bệnh nếu không chống
nắng đúng. Có thể thủ thêm kem chống nắng nếu muốn. Nếu không chống nắng thì quần
áo dài tay chống lạnh cũng hữu hiệu.
- Không mua đồ lưu niệm linh tinh vì nếu mua rồi thì phải
mang theo trong suốt quá trình di chuyển. Ở các tiệm hay các chợ mua sắm có rất
nhiều cò luôn tìm đủ mọi cách để dụ dỗ mọi người mua đồ lưu niệm hay trang phục
Ấn. Rất khó cưỡng lại họ. Tuy nhiên mua thì phải xách. Rất cực. Khi nào gần về
thì có thể mua những sản phẩm tiêu dùng của Ấn vừa rẻ vừa tốt để tặng bạn bè
người thân như kem đánh răng làm từ cây neem, xà bông từ cây neem, mì gói
Maggie của Ấn đậm mùi masala của xứ cà ri nị, ngoài ra nồi áp suất của Ấn (loại
nồi nấu bằng bếp ga) vừa rẻ vừa tốt do ở Ấn hầu như nhà nào cũng dùng loại nồi
này; họ sản xuất miết nên sản phẩm chất lượng mà giá lại rất rẻ. Còn những thứ
khác về VN khó sử dụng mà ở VN cũng có đầy. Có thể mua nến trầm hay hương trầm
của Ấn cũng rất rẻ, lại gọn nhẹ dễ xách để làm quà tặng. Những cái này thì ở Ấn độ bán khắp nơi, cho nên không cần mua trước.
Bài liên quan: Cách chăm sóc răng miệng và kem Dabur của Ấn độ
- Không nên mang theo đồ trắng nếu không muốn đồ trắng ngả sang
màu ngà, vì nước thường bị nhiễm phèn.
- Nếu muốn tặng quà VN cho người Ấn thì có thể mua cà phê 3
trong 1. Họ thường uống trà sữa chứ không uống cà phê (ai ghiền cà phê thì nhớ
mang theo uống mỗi ngày) nên nếu tặng cà phê hòa tan 3 trong 1 cho họ thì họ
dùng nó để làm trà sữa, có vị lạ lạ rất ngon.
- Rượu/bia ở Ấn độ không dễ mua như ở VN, chỉ có những
cửa hàng có giấy phép đặc biệt mới được bán; và những nhà trọ nào không có giấy
phép bán rượu bia thì du khách không được mang rượu bia từ ngoài vào bởi vì nhà
trọ có thể sẽ bị phạt.
Những trải nghiệm có
thể xảy ra:
- Ngủ ở nhà ga hoặc máy bay do biểu
tình làm trì hoãn hoặc do máy bay/ tàu đến quá sớm hay quá trễ. (cần có dụng cụ
để lót ngủ dưới đất)
- Đi bộ dưới trời nắng và bụi mù trời. (cần có đồ chống nắng
và nước uống)
- Kẹt xe, xe xịt khói khắp nơi. (cần có khẩu trang)
- Rượt theo tàu hỏa để leo lên, vì nhiều lý do khác nhau như
tìm tàu không ra hoặc tàu có sự thay đổi nhỏ, có sự nhầm lẫn trong giao tiếp –
người Ấn nói tiếng Anh rất khó nghe (cần hành lý gọn nhẹ, đeo hết trên lưng,
tổng cộng hành lý không quá 8 kí)
- Cãi nhau với người Ấn; chuyện này rất có khả năng xảy ra,
do bất đồng ngôn ngữ và văn hóa (đây là những tình huống huấn luyện tính kiên
nhẫn và điềm tĩnh)
- Ngộ độc thực phẩm; cũng có khi không phải do ăn trúng gì đó
mà là ăn không nỗi bởi vì mệt mỏi hoặc vì không quen thức ăn (đây là tình huống
huấn luyện sự thích nghi và khả năng phán đoán ăn gì cho thích hợp)
- Chứng kiến cảnh biểu tình. (Rất có khả năng)
- Bị móc túi. (Hy vọng là không xảy ra)
- Quên đồ ở đâu đó. (Hy vọng là không xảy ra)
- Bệnh do thời tiết. (Đây là tình huống huấn luyện cơ địa)
- Bị lạc đường hoặc lạc nhau. (huấn luyện khả năng tự lập)
So với một số quốc gia khác thì đi bụi ở Ấn độ khó hơn. Ai đi thành công thì xem như là cao thủ đi bụi. Do vậy tranh thủ mà đi đi nha mọi người. Sau này có thể nói với con cháu: "Ba/mẹ mày từng đi bụi ở Ấn độ đó nha mậy" để tụi nó khỏi nói: "Ba/mẹ chưa từng đi bụi thì biết gì mà nói." Đi bụi sẽ trở thành xu hướng chung cho giới trẻ Việt Nam, cho nên việc này rất có khả năng xảy ra lắm đó nha mấy ông bố bà mẹ hihihihihihihihihi.
Bài viết này sẽ được cập nhật.
Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét