1. Ma oan nghiệt nhiều đời:
Đó là nghiệp chướng nhiều đời.
Gặp ma này phải khẩn thiết sám
hối, mong uy lực Tam Bảo gia hộ khiến những oan nghiệt nhiều đời này tự thối
tan, tự tiêu diệt + phải phát nguyện lớn làm lợi ích tất cả chúng sanh.
2. Ma bên ngoài đến làm mê hoặc:
Đó là người làm chướng, kẻ bất
tín/nhỏ mọn, người sang hèn không đồng bực.
Phải tự hạ mình, tu dưỡng đạo đức
lớn mới khỏi người ngoài làm chướng. Học đức khoan dung, nhẫn nại lớn.
3. Ma phiền não:
Phiền là chạy theo ngoại cảnh;
não là tự tâm sanh ra. Ví dụ:
- Thấy sắc, tâm sanh là tâm dâm phiền não.
- Thấy giết, tâm sanh là tâm ác phiền não.
- Thấy của, tâm sanh là tâm trộm phiền não.
- Thấy vật, tâm sanh là tâm tham phiền não.
- Với người, sanh mạn là ngã tướng phiền não.
- Với kẻ thấp, kiêu ngạo là phiền não tự đại.
- Gặp cảnh nghịch, sanh sân là tâm khuể phiền não.
- Gặp cảnh thuận, vui mừng là phiền não thích ý.
- Gặp oan gia, sanh ghét là tâm hận phiền não.
- Cùng thân thích, sanh ưa là tâm tư phiền não………..
Tóm lại, với tất cả cái thấy bên
ngoài mà trong sanh tâm thủ xả, đều là phiền não.
Gặp ma này, phải nhớ đến câu: "Vật
từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà"
“Của báu trong nhà” là gì? Mọi
người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không
đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt.
4. Ma sở tri:
Đó là lý chướng. Lý chướng là gì?
Tức là biết ta đắc ngộ, biết ta thông Tông, biết ta minh giáo, biết ta hội lý,
văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rộng, ta giữ giới nghiêm, ta được chánh định, ta có
trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại, ta không còn ngại, biết ta được
thông, biết ta được diệu, ta đã chứng đạo, ta được thành Phật ... Tất cả cái
biết đó đều là lý chướng.
Ma phiền não là giả cảnh; ma sở
tri là nội tâm.
Ma sở tri này thuộc pháp chấp nên
khó đoạn, kể cả hàng Bồ Tát vẫn còn chút sở tri ngu.
Phải dũng mãnh tinh tấn vô biên, phải
buông thân mạng, nỗ lực hành trì như hình ảnh và lời quả quyết của bậc Đại Sĩ
dưới cội Bồ Đề năm xưa: "Nếu không đạt Đạo dù thân này tan nát thành tro
bụi, ta quyết chẳng rời chỗ ngồi này".
5. Ma tà kiến:
Đó là chấp chướng. Ví dụ các cố
chấp như:
- Chấp tánh chẳng hoại gọi là chấp có
- Chấp tánh vốn không gọi là chấp không.
- Chấp vốn bất tử gọi là chấp thường.
- Chấp theo hơi hám diệt gọi là chấp đoạn.
- Chấp không sanh ra có là kiến chấp thuộc tự nhiên.
- Chấp khí hóa ra hình là thuộc chấp tà nhân...
Tóm lại, gồm các loại cố chấp
chẳng có, chẳng không, tức có, tức không và tất cả tà chấp, tà kiến, nhân duyên
tự nhiên, đều chẳng rời hai đầu có không, đoạn thường, tự chướng bản lý, dần
dần xa vào các ngõ tẻ.
Còn thấy hai, còn vọng tưởng;
muốn dứt vọng tưởng, chớ thấy hai. Muốn đến chỗ chẳng thấy hai, chỉ một phen
"biết vọng liền buông". Buông hết, bố thí sạch, tự nhiên yên ổn.
Người tu hành nào không điều được tâm, cứ để buông lung, ruổi theo cảnh ngoài,
sẽ vướng các chấp, hoặc có, hoặc không, hoặc đoạn, hoặc thường...
6. Ma vọng tưởng:
Đó là tự chướng. Ví dụ:
- Vọng
tưởng ta ngộ đạo
- Vọng
tưởng ta tu chứng
- Vọng
tưởng ta được định
- Vọng
tưởng ta phát Huệ
- Vọng
tưởng ta biết nhiều
- Vọng
tưởng ta giỏi văn
- Vọng
tưởng ta có danh hiển đạt
- Vọng
tưởng nhiều người cung phụng ta
- Vọng
tưởng ta làm thầy thiên hạ
- Vọng
tưởng nhiều người qui hướng ta
- Vọng
tưởng ta nối tiếp Tổ đăng
- Vọng
tưởng ta sẽ làm trụ trì
- Vọng
tưởng ta hoá Đạo
- Vọng
tưởng ta truyền lục
- Vọng
tưởng nhiều người nối dõi ta
- Vọng
tưởng ta sẽ được nhập tạng
- Vọng
tưởng ta có thần thông
- Vọng
tưởng ta được huyền diệu
- Vọng
tưởng ta rất kỳ đặc
Vọng tưởng là ảo mộng. Vọng tưởng
sinh động thì bản tâm bị che chướng. Loanh quanh mãi trong mê mờ cuồng vọng,
tức chân thể thanh tịnh chìm lặng. Khác gì kẻ đi trong đêm đen không đèn đuốc.
Người xưa nói: "Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu".
Phải dừng vọng tưởng.
7. Ma khẩu nghiệp:
Ma này là cuồng chướng. Ví dụ:
- Đàm huyền thuyết diệu, giảng giáo nói tông.
- Khoe mình đắc ngộ, chê người ngu mê.
- Luận chỗ hay dở.
- Nói điều phải quấy của người.
- Ngâm ca thi phú, nói bừa những việc không đâu.
- Bình nghị những việc hưng phế xưa nay của quốc gia,
xưa thì cho người hiền mà ngu, nay thì bảo người hung mà giỏi.
- Toàn những việc chẳng dính líu về mình mà cứ gân cổ
tranh luận.
- Lại vô cớ khen chê việc hơn thua của người.
- Phô diễn các cảnh dục lạc, khiến người sanh đắm
trước.
- Bàn cãi những chuyện bất bình làm cho kẻ nghe phát
phẫn.
- Trước mắt thì công kênh đề cao. Sau lưng thì lại
chê bai biếm nhẽ.
Đó là những lời nói lợi hại làm
mất chánh định của người. Bởi loại cuồng chướng này, chẳng những làm cho chúng
ta chẳng kiệm ngôn, dưỡng đức mà còn khiến cho tâm chúng ta tán động.
Đã biết nói nhiều loạn tâm tổn
thần, phải dứt bặt, sống lại cho chính mình để tâm mình được an ổn, định lực
của mình được kiên cố. Tóm lại:
Người hay nói - Loạn
Người nói nhiều - Tổn
8. Ma bệnh khổ:
Đây là khổ chướng. Thân có nhiều
bệnh tật là do nghiệp nặng. Hoặc tự mình làm mất sự điều hòa, biến sanh các thứ
bệnh.
Trước hết phải điều hòa tì vị,
chỉ nên dùng những thức ăn thích hợp với cơ thể. Bớt ăn những vị quá đậm đà.
Chớ ăn đồ sống và lạnh, khi đói chớ tụng đọc, khi no chớ làm việc nặng, sau khi
ăn không nên ngủ liền. Về đêm chớ ăn no quá.
Tóm lại người ưa ăn những thứ nhừ
nát, hoặc thích những thứ rang nấu. Khoái ăn đồ ướp ngũ vị, dùng nhiều những
thứ không hợp với thân. Lại, ngồi thiền chỗ đất thấp, ngủ nghỉ chỗ gió nhiều.
Lúc ra mồ hôi mà xuống nước. Đang dang nắng mà dùng đồ lạnh mát. Tắm rửa ngoài
trời trống gió, ngủ nghỉ dưới chỗ nhiều sương. Cùng các trường hợp: no quá, đói
quá, mừng quá, giận quá, nóng quá, lạnh quá. Chỗ mưa nhiều, sương nhiều, trong
thương ngoài cảm tất cả tại lỗi không biết điều hòa, nên hay sinh các chứng
thương nhọt, thân không làm sao an được.
Việc ăn uống ngủ nghỉ, chúng ta
phải luôn luôn điều hợp thích đáng. Cái gì thái quá hay sanh bất cập.
9. Ma hôn trầm:
Tức là ngủ nghỉ quá nhiều.
Để thời gian ngủ nghỉ quá nhiều thì chân tâm chẳng sáng,
tánh huệ lặng chìm, sẽ rơi vào chỗ mờ tối, núi đen hang quỷ.
Nguyên nhân nào mà ngủ nghỉ nhiều sanh chướng như thế? Đấy
cũng bởi do ăn nhiều, dùng toàn chất vị đậm đà. Nói nhiều tổn hơi, thân nhọc,
tỳ khốn tinh thần không minh mẫn, hơi trược hỗn loạn. Kẻ ngu si nhiều bực tức,
kẻ lười nhác buông lung, chẳng nhớ việc sanh tử, chỉ thích vui giả tạm.
Phải tự tỉnh, tự tiến và khẩn thiết sám hối.
10. Thiên ma:
Loại ma này chẳng giống các ma kể
trên. Đây là người tu hành chân chánh sắp được chứng Đạo. Tâm tình đã thông hợp
trạm nhiên chẳng động, khiến bọn thiên ma và các quỉ thần thảy đều kinh hoảng,
cung điện của chúng sụp đổ, cõi đại địa chấn động. Ma chúa mất hồn, ma dân té
hoảng. Các loại ma mị, phần nhiều có ngũ thông, bọn chúng kéo đến não loạn hành
nhân làm cho chẳng vào được vị thánh. Chúng biến các cảnh quái dị, và các cảnh
dục làm rối loạn tâm định của hành giả. Nếu trong tâm hành giả vừa có mảy may
niệm thủ xả, thì bọn kia nắm được tiện lợi. Hành giả sẽ bị hại, tự phát điên
cuồng cho rằng mình thành Phật. Hiện đời không thoát khỏi vương pháp. Khi chết
sa vào ngục vô gián.
Vì thế phải chánh niệm phân minh,
trí huệ luôn sáng suốt, một lòng thường chẳng động. Mặc cho bọn ma kia tác uy,
tác quái, ta như chẳng thấy, chẳng nghe. Dùng chánh định hàng ma như thế, tự
nhiên loài ma mị tiêu diệt.
KẾT LUẬN:
Ma cũng tự tâm, không ma cũng tự
tâm; ma, không ma gì cũng tự tâm; còn mống tâm dấy niệm là còn tâm ma. Từ trên
mười thứ ma chướng, chẳng ngoài tâm ta mà có ra. Tâm ta nếu lặng yên chẳng
động, ngàn thánh còn chẳng biết, huống loài ma mị làm gì biết được.
Phải luôn luôn phòng bị tâm mình
cho cẩn mật, chớ để cho bọn ma mị bên ngoài có cơ hội thuận tiện. Công phu càng
đắc lực, càng cẩn mật hơn, bởi tâm càng tịnh, ma lực càng mãnh liệt. Giai đoạn
này chánh niệm phải tỏ rõ, trí huệ luôn chiếu suốt, tâm an trụ chẳng động. Đã
vậy, thì mặc cho loài ma quái kia quấy phá, khác nào bọn chúng nắm bắt hư
không.
"Tâm là gốc, ma không ma gì
cũng tự tâm ta. Tâm động ma loạn, tâm bất động là chỗ không thể nghĩ bàn, cảnh
giới này ngàn thánh xuất thế cũng chẳng biết huống nữa là ma".
Như vậy:
Muốn ngồi yên trị ma thì phải thế
nào?
Chỉ có bất động. Tâm bất động thì
đất nước yên lành, các bóng dáng ma mị dứt bặt. Người xưa nói: Một tâm chẳng
sanh, muôn pháp đều bặt". Hoặc nói: Mê ngủ nếu không, các mộng tự trừ .
BONUS:
Có hai phương pháp sám hối:
Tác pháp sám hối - Cách này như trong các kinh Đại
Thừa dạy: Sám hối bằng cách thống trách tự mình, ai khẩn trông cầu mười phương
Tam Bảo xót thương chứng biết. Lại phát chí kiên quyết dứt bỏ những lỗi lầm đã
gây. Đồng thời nương vào bi trí vô biên của mười phương Tam Bảo, nguyện giữ
vững tâm niệm, sống theo lời dạy của các Hiền Thánh.
Tâm niệm sám hối - Sám hối tự tâm, tức là trong sinh
hoạt hàng ngày. Vừa có một niệm khởi lên liền buông không theo. Luôn tự khám
phá, khéo làm việc này cho được liên tục. Càng buông định ực càng mạnh. Huệ
giác càng sáng, được thế oan nghiệp nhiều đời sẽ chuyển. Vọng nhiễm chấp trước
truyền kiếp tiêu tan. Huệ-không bày hiện.
Trích Bài giảng của Thiền Sư Siêu Minh Viết
TT. Thích Nhật Quang Thuật