Khi leo lên xe buýt thì tôi phát
hiện đám du khách ôm dê đang ngồi đằng sau xe. Hóa ra bọn họ cũng đi Boudha à?
Tôi và Sunita (tên cô gái) ngồi
sau lưng tài xế. Chúng tôi lấy bánh ngọt ra ăn, không ngon gì cả vì bánh cũ
rồi.
Sunita có thẻ học sinh sinh viên
nên được giảm ½ tiền vé xe; còn tôi thì phải trả NRS 25. Khi tôi đề nghị trả
tiền cho Sunita thì cô ta bảo để cô ta tự trả bởi vì cô ta có thẻ.
Chúng tôi xuống xe ở Jorpaty
(cách Boudha khoảng 20 phút ngồi xe buýt). Tại đây chúng tôi đi bộ đến nhà văn
hóa, là nơi nhóm bạn múa của Sunita đang tập dợt để chuẩn bị cho lễ hội Dashain
(lễ hội Hindu lớn nhất trong năm.)
Sunita bảo trước đây gia đình
mình cũng ở Jorpaty; sau đó thì dọn về Sankhu. Do đó Sunita có rất nhiều bạn ở
Jorpaty. Sunita thỉnh thoảng cũng tham gia cùng nhóm múa này đi biểu diễn vài
nơi vào các dịp lễ hội.
Tôi ngồi xem họ biểu diễn một hồi
lâu thì Sunita bảo do gia đình người anh họ bảo rằng hôm nay nhà họ có đông đảo
bà con đến chia tay người sắp đi xa nên không có chỗ ngủ cho tôi; do đó Sunita
hỏi tôi giờ muốn đi đâu. Sướng không? Cô ta tìm cách thuyết phục tôi đi với cô
ta cho đã rồi bây giờ hỏi muốn đi đâu. Tôi bảo tôi định ở Sankhu chứ đâu có
muốn đến đây bởi vì Sankhu có cảnh đẹp nhưng Sunita bảo ở đây cũng có cảnh đẹp
nữa (nhưng thật ra thì bụi mù trời, ô nhiễm không khí ghê gớm, có đẹp gì đâu).
Sunita dẫn tôi đến đây đã rồi hỏi bây giờ muốn đi đâu. Nghe tôi nói thế, Sunita
bảo: hay là chị đón xe buýt đến Boudha, chỗ đó có nhiều du khách lắm. Cũng
sướng hông? Nếu muốn đi Boudha thì tôi đã ngồi trên xe đi thẳng rồi, mắc gì
phải đến đi. Tôi đi theo Sunita đến đây cơ mà.
Nghe hai chúng tôi trao đổi, một
người bạn của Sunita trong nhóm múa (sau này tôi biết tên bạn ấy là Samila) bảo:
thôi, đến nhà tôi ngủ. Tôi bảo: được thôi (bởi vì đối với tôi nơi nào cũng như
nhau, toàn người lạ, nhưng trước lạ, sau quen.)
Thấy tôi đã có chỗ ngủ, Sunita và
vài thành viên khác trong nhóm múa thảo thảo luận luận đã rồi họ bảo rằng cả
Sunita lẫn tôi đến nhà thầy dạy múa của họ ngủ tạm một đêm. Tôi có cảm giác là
hình như họ không muốn tôi đến nhà Samila. Không hiểu! Do đó là nhà thầy nên
Samila không có phản ứng gì cả chỉ bảo: được thôi.
Tôi ok luôn bởi vì đối với tôi
chỗ nào cũng thế. Tôi hỏi Sunita sao không đến thăm anh họ, đó là mục đích
Sunita đến đây mà. Sunita bảo Sunita giận họ bởi không dành chỗ ngủ cho tôi nên
bây giờ không thèm đến nữa. Sướng hông???
Thật ra lúc gặp Sunita ở Sankhu,
tôi cũng thấy ngờ ngợ rồi. Lý do? Nhà ở Jorpaty không phải là nhà của cô ấy mà
cô ấy nhiệt tình mời tôi về đó ngủ như thể nhà mình vậy đó. Tôi tò mò muốn đi
theo để xem cái lối sống của người Nepal là thế nào. Chả lẽ ai cũng có
thể mời người lạ đến nhà bà con mình chơi/ngủ tự do thoải mái đến thế kia à? Do
đó tôi đi theo để xem thế nào. (Ở chung, chơi chung với họ, càng ngày tôi càng
phát hiện ra rằng: Nepal ở sát nách Ấn độ và Trung quốc nhưng tâm
sinh lý của họ giống người Hán ở Trung Quốc và người Việt Nam hơn là
giống người Ấn độ. Giống như thế nào???? Cứ từ từ đọc các bài viết của tôi thì
các bạn sẽ rõ.)
Khi nhóm múa tập xong thì mọi
người mời tôi lên chiếc scooter (xe tay ga) của người mà họ giới thiệu vừa là
anh cả vừa là thầy dìu dắt họ vào con đường múa. Người đó tên là
Purna, người
đạt giải 5 trong cuộc thi tài năng múa toàn quốc của Nepal (chương trình này có tên là
“Cham Chami Star.)
Tôi định vác ba lô lên vai thì họ
bảo: không cần; và hai cô gái trong nhóm múa khệ nệ khiêng ba lô của tôi về
phòng Purna ở gần đó. Nhìn thấy, tôi buồn cười quá nên bảo: Trời, một mình tôi vác
không sao mà giờ đến hai người mới khiêng nổi là sao???? Họ bảo sao mà nặng
thế. Trời, chưa đến 10 ký lô mà.
Purna chở tôi và Sunita đi trước.
Các bạn còn lại trong nhóm múa đi bộ theo sau.
Thì ra là chúng tôi đến tiệm tạp
hóa của Renuka, một thành viên trong nhóm múa và cũng là chị họ của Sunita.
Chúng tôi ngồi trước tiệm chơi và nói chuyện. Purna mời mọi người uống chai
(trà sữa.)
Samila (người mời tôi đến nhà ở
trước đó) cùng một cô gái khác trong nhóm múa tên là Rubina đi mua món ăn vặt.
Đó là món chết pa ti (gồm cốm trộn với đậu và ớt) ăn cay xé miệng.
Renuka lấy bánh ngọt trong cửa
hàng của mình ra mời chúng tôi ăn.
Lúc ấy có một thành viên khác,
không thuộc nhóm múa nhưng lại là roommate (bạn chung phòng) của Purna. Anh ta
tên là Mohen (thuộc tộc người Magar nên họ tên đầy đủ là Mohen Magar; trong khi
các thành viên còn lại đa phần là người Tamang). Mohen kể chuyện cậu ta đi làm
việc ở Durbai. Cậu ta năm nay 26 tuổi, kiến trúc sư, có kinh nghiệm 7 năm làm
việc ở Durbai.
Khi tôi hỏi là vì sao nhiều người
Nepal
làm việc ở Durbai thế? Họ bảo do Durbai dễ xin visa. Một người có thể ở Durbai
đến 7 năm lận cơ, điển hình là Mohen đó. Khi trở về Nepal thì Mohen mở một văn phòng tư
vấn nho nhỏ và hiện cậu đang làm manager. Nhưng cậu bảo muốn đổi sang nghề múa
quá. Vì sao? Vì cậu yêu một cô gái trong nhóm múa nhưng cô ấy có gánh nặng gia
đình trên vai nên hai người không thể kết hôn (sau này có người thẻ thọt với
tôi rằng cô gái ấy chính là Sunita đấy bà con!)
Cha cha, những câu chuyện tình
không có đoạn kết đây sao?
Mọi người hỏi tên tôi. Tôi nói
xong, họ bảo khó nhớ quá và hỏi tôi có muốn lấy tên Nepal không. Tôi bảo: muốn nhưng
chả biết tên nào. Họ bảo tôi lấy tên Maya đi. Nghe mà giật mình bởi vì đó là
tên mẹ của thái tử Sĩ Đạt Ta mà nên tôi từ chối; tôi bảo: thôi đó là tên của mẹ
Đức Phật nên ai mà dám lấy. Bọn họ cười hắc hắc bảo: Maya trong tiếng Nepal nghĩa là LOVE và đây là một trong những
cái tên dành cho nữ giới phổ biến nhất ở Nepal. Nếu tôi mà lấy cái tên này
thì tôi sẽ không bao giờ quên được bởi vì đi đâu cũng nghe cả và rất nhiều bài
hát của Nepal
có xuất hiện từ Maya bởi Maya là tình yêu mà.
Vậy ha? Thì gọi tôi là Maya đi.
Tôi mê cái tên này rồi đó các bạn!!!!!!!!!!!
Đó các bạn, bây giờ tôi được gọi
là Maya. Sau này do tôi ở cùng gia đình Sunita nên họ bảo tôi lấy họ của họ.
Tóm lại tên Nepal
của tôi là Maya Lama đấy các bạn!!!!!!!!!!!!!!!!! hé hé hé, ta thành người Nepal rồi đó
nghen!!!!!!!!!! Thuộc tộc Tamang, đẳng cấp là Lama. Hehehehe
Ngồi nói chuyện chán, chúng tôi
đi bộ về phòng bởi vì Purna được mời đi ăn nên không về chung. Các cô gái thì
mạnh ai về nhà nấy. Cuối cùng chỉ tôi, Sunita và Mohen đi bộ về. Dọc đường,
Mohen bảo tôi và Sunita đi trước vì cậu ta ghé chợ mua thức ăn.
Tòa nhà nơi họ ở giống như chung
cư. Mohen và Purna ở chung phòng tầng 1; phòng của em gái và em họ Purna thì ở
tầng 2 và phòng này cũng là nơi nấu ăn. Em gái Purna khoảng 16-17 tuổi và cậu
bé em họ khoảng 12-13 tuổi. Cả hai đang trọ học tại đây.
Mohen trổ tài nấu món gà mà sau
khi ăn rồi thì tôi phải bảo cậu ta rằng: Ngon quá đỗi là ngon. Tôi muốn học nấu
món này nên hôm sau bạn nấu lại được không; tôi sẽ bỏ tiền ra mua thịt gà. Ai
nấu ăn mà chả thích được khen nên Mohen đồng ý ngay.
Khu này tối hôm ấy có nước nên
mọi người vừa nấu ăn vừa lo hứng nước và khiêng lên phòng để dự trữ. Sunita
luôn miệng bảo là ở Sankhu không có tình trạng thiếu nước này đâu nhé và nước
nơi đó trong lành lắm nên nếu tôi mà ở nhà cô ấy thì sử dụng nước sướng luôn.
Sunita tìm cách dụ tôi đến nhà cô ta ở Sankhu đấy!
Hôm ấy, tôi lại tới tháng nên cái
quần jeans trắng nhuộc đỏ 1 tí. Lúc ấy ở nhà văn hóa chỉ toàn các cô gái nên họ
bảo tôi xong thì đẩy tôi vào phòng tập để thay đồ còn họ thì canh cửa bên
ngoài.
Vậy là sau khi ăn cơm, tôi lọ mọ
trong bóng đêm để giặt cái quần ấy. Sunita sợ bỏ tôi một mình nên cũng đi theo
dù tôi bảo cứ mặc kệ tôi, không sao; nhưng Sunita và cô em gái của Purna vẫn
theo canh tôi. Họ hỏi có muốn họ giặt giúp không. Thôi mang tội chết, tôi tự
giặt. Họ đứng gần đó “bà tám” để chờ tôi. Sunita bảo tôi: hay ngâm đi rồi sáng
mai giặt. Tôi nói: nhỡ sáng mai cúp nước thì sao? Cô ấy bảo: không có đâu.
Nhưng tôi vẫn giặt cho xong, nước mát lạnh.
(Tôi nói linh thiệt bởi vì sáng
hôm sau cúp nước. Nhưng tối đó mọi người đã dự trữ đủ nước cho cả mấy ngày
rồi.)
Tối, tôi và Sunita ngủ trên
giường, còn Purna và Mohen ngủ trên tấm nệm nhỏ xíu kê dưới gạch. Tôi biết chắc
mà. Mohen không ngủ được nên lăn qua lăn lại mãi. Tôi cũng ngủ không được luôn.
Không hiểu sau hai cái bắp chân ngứa ngáy quá trời!
Sáng, tôi học được cách nấu món
thịt gà với cà của Mohen. Mohen bảo rằng lúc mới đến Durbai cậu ta không biết
nấu nướng gì cả nhưng cậu bạn chung phòng là người Ấn hay nấu lắm và Mohen cũng
phải học cách nấu luôn. Sống xa nhà mà không biết nấu thì chỉ có ăn tiệm hoặc
nhịn luôn chứ ai rảnh mà nấu cho ăn hoài. Món gà này là Mohen học từ cậu bạn Ấn
độ đó. Mohen quê ở Lumbini; cậu ta bảo lúc mới từ Durbai về, cậu ta nói với
người nhà là cậu ta biết nấu, nhưng không ai tin. Sau khi ăn món gà này thì họ
mới tin là cậu biết nấu và còn nấu ngon nữa. Bây giờ mỗi khi cậu về Lumbini
thăm nhà là được mọi người đặc cách nhường luôn cái bếp để cậu nấu món này cho
họ ăn.
Mohen là đầu bếp chính; Sunita và
em gái của Purna là phụ tá; còn tôi chỉ có nhiệm vụ đứng chụp hình từng công
đoạn mà thôi. Purna không có ở nhà, cậu ta có hẹn.
Xem cách nấu ở đây
|
Dĩa cơm gà của tôi |
Nấu nướng, ăn uống xong xuôi thì
chúng tôi tụ tập vào phòng Purna để xem ảnh và mấy trích đoạn múa của Purna
trên máy tính của cậu ta. Công nhận Purna múa đẹp; có trích đoạn cậu ta hóa
trang thành hề Sạc Lô nữa đấy! Khá hài!
|
Purna ngồi dưới đất với cái laptop; Sunita ngồi trên giường |
Khoảng 1-2h trưa, các thành viên
trong nhóm múa đến để thảo luận các điệu múa. Mọi người bảo bây giờ họ bận hết
rồi nên hỏi tôi có dự định gì. Purna bận với nhóm múa. Mohen ra sân bay đón
bạn. Sunita phải về Sankhu. Các em khác thì đi học. Tôi bảo thôi tôi đi theo
Sunita về Sankhu bởi vì tôi mê cảnh đẹp và không khí thanh bình ở Sankhu mà
chưa có được thưởng thức nhiều.
Vậy là Sunita cùng tôi thu dọn
hành lý và đến nhà văn hóa xem mọi người tập múa. Sunita để tôi ngồi đó và đi
đâu đó đến khoảng 4h quay lại bảo tôi đi ra đón xe buýt về.
không chỉ tâm sinh lí mà em thấy dường như cách ăn mặc của người Nepal cũng gần với Trung Quốc và Việt Nam hơn phải không chị
Trả lờiXóaDubai hay Durbai?
Trả lờiXóa