CÁCH SỬ DỤNG BLOG NÀY

1. Đi tượng đc gi:1. Nhng bn tr có máu phiêu lưu thích chu du x người trong thi gian dài nhưng vi s tin ti thiu nht có th; 2. Nhng người có tâm hn rng m, sn sàng dp cái tôi và quan đim ca mình sang bên đ tiếp nhn nhng quan đim mi.


2. Quan đim: Bn suy nghĩ khác tôi không có nghĩa là bn đúng, tôi sai hay tôi đúng, bn sai. Bn suy nghĩ khác tôi bi vì tôi và bn không ging nhau. The meaning of life is not in trying to find out who is right, who is wrong; the meaning of life is in accepting each other's differences.


3. Phương tin: "Vi bát cơm ngàn nhà; Mt mình muôn dm xa; Chn chn không phi nhà; Ch nào cũng là nhà."

4. Ni dung: Bao gm nhiu lĩnh vc mà tôi quan tâm 1. Du lch bi (Budget Travelling) 2. Sng ti gin (Minimalism) 3. Tái chế và tái s dng (Upcycle & Repurpose) 4. Tâm linh (Spirituality) 5. Triết lý cuc sng

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Lại về Lào (11): Đạp xe từ Seno đến Pakse

Kỳ trước: Lại về Lào (10): nói chuyện với anh Thân ở Seno

Từ Seno đến Savannakhet nơi có cầu hữu nghị Lào Thái 2 chưa đến 50 cây số. Từ Seno đi Pakse là khoảng 250 cây số. Có xe đò từ Huế hoặc Đà Nẳng đi thẳng sang Pakse. Đường đi Pakse cũng là đường đi cửa khẩu Lao Bảo. Tuy nhiên từ quốc lộ 13 phải rẽ vào đường 9 thì mới đến cửa khẩu được.

Tôi chạy thẳng quốc lộ 13 và rẽ theo mũi tên chỉ đường. Trời chập choạng tối. Tôi thấy mấy đứa con nít chơi thả diều trên cách đồng chỉ còn gốc rạ; gần đấy là một cây nước giếng. Tôi thắng xe lại nhìn khung cảnh thanh bình này và suy nghĩ. Quyết tâm xin ngủ tại đó. Tôi xuống xe dắt vào nhà người dân và nói muốn cắm trại ngủ trên đồng rạ. Chị chủ nhà ngần ngừ còn đứa con gái 13 tuổi của chị có vẻ hứng chí vô cùng. Chị ta mới 37-38 mà có đến 5 con, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ mới lên 2.


Tôi đi một vòng thì dừng lại ở đống rơm sau nhà họ, nơi có vài con trâu đang đóng đô. Trâu ở Lào bụng lúc nào cũng căng tròn trông thật dễ thương. Tôi nói tôi sẽ cắm trại trên đống rơm.

Bọn con nít ùa đến lùa rơm xuống phụ tôi. Tôi đành qua chỗ khác bởi vì ngủ trên cao quá tôi giống như bị say sóng vậy đó (tôi đã thử một lần rồi, có ngủ được gì đâu?)

Tôi ra cây nước tắm rửa. Đứa con gái hướng dẫn cách sử dụng. Sau đó bọn nhóc vào nhà ăn tối nên tôi được tự do thay đồ.

Ăn xong bọn chúng mang theo một cái chiếu, một cây sào, một cái đèn pin ra. Bọn chúng chôn cây sào xuống rơm, trên cây sào là cắm đèn pin, sau đó trải chiếu nằm chơi gần lều của tôi.

Người chị gái 50 tuổi đang mang bầu đi ra.

Chị ta bảo đã có 3 con gái rồi. Chắc ham có con trai chứ gì? Mọi người ngồi nói chuyện với tôi. Tôi lấy bản đồ Việt Nam ra chỉ cho họ xem Sài gòn nằm ở đâu và lấy sách Việt Lào ra để nói chuyện với họ.

Tôi lấy ra hai cái vòng tay đen trắng bảo đứa con gái chọn một cái. Nó chọn cái đen rồi hôm sau ra đổi lại cái vòng trắng.

Lúc sắp đi ngủ thì mọi người bàn bạc với nhau bằng tiếng Lào, đại ý là bảo tôi vào nhà Phó Bản ngủ cho an toàn. Tôi mệt họ ghê. Tôi cắm trại xong xuôi hết, họ mới nói. May là đứa con gái chạy đi rồi chạy về bảo nhà Phó Bản ngủ rồi.

Họ hỏi tôi có gối không, có mền không, họ bảo tôi đóng cửa lều lại, ai gõ vào lều giữa đêm thì đừng ra ngoài. Tóm lại họ dặn tôi đủ thứ.

Tôi ra ngoài khóa xe cả ba vòng khóa; khóa bánh trước, bánh sau, xích vào cột thì mới yên tâm ngủ bởi tôi bị hù dọa riết nên cũng sợ chứ bộ.

Sáng, đứa con gái 13 tuổi ra kêu tôi dậy, bảo tôi đưa rổ mây cho nó đi lấy cơm. Buổi tối họ thấy tôi ăn cơm với chuối nên tưởng tôi ăn chay hay không ăn được thức ăn Lào gì đó. Tôi ăn cơm với trái cây cho nhẹ bụng sau mấy ngày ních thịt rồi. Đứa con gái xúc cho tôi một rá cơm đầy nhóc nhách.

Mấy người dân lại ra trước lều ngồi xếp hàng dài để xem tôi. Tôi lấy hai cái bút chì ra tặng cho thằng nhóc học lớp 2 và thằng nhóc học lớp mẫu giáo. Tôi lấy đồ chuốt ra chuốt giùm chúng luôn. Bọn chúng thích lắm, đi đâu cũng cầm theo. Tôi xin một ca nước uống để rót vào bình sau đó chia tay họ lên đường.

Qua bản kế tiếp, có người gánh khợp pun đang ngồi bán trước nhà một người dân. Mấy đứa con gái tưởng tôi bán hàng dạo nên hỏi tôi có phấn trang điểm không? Bọn con gái ở Lào mới 12-13 tuổi đã thoa kem trét phấn. Nhưng có điều chúng không sử dụng kem nền và tôi chắc là cũng không biết cách tẩy trang nên trong vài năm tới, da mặt hư hết. Các bạn mà sang đây buôn mỹ phẩm phục hồi da hư chắc chắn sẽ có ăn đấy.

Tôi mua 2 ngàn khợp pun ăn vừa mặn vừa cay chả ngon tí nào.

Bắt đầu từ Bản này, ở Lak 6 hay 7 gì đó theo cột cây số thì gió thổi mạnh kinh khủng. Tôi đi một hồi thì đến Lak 35, nơi này có trường trung học và cũng là nơi tấp nập hàng quán; người bán xách mấy que thịt gà thơm nức ra mời mua, 2 ngàn kíp/que, đùi gà 5 ngàn kíp. Tôi mua một bịch bún xào 2 ngàn. Trứng cút bán đắt kinh khủng, một bịch nhỏ xíu có khoảng 5 trứng giá 5 ngàn kíp rồi.

Gió thổi mạnh vô cùng dù dùng hết sức để kềm xe vậy mà xém bị bay xuống ruộng đến mấy lần. Cả tôi lẫn xe và hành lý cộng lại gần 100 ký, vậy mà sức gió thổi mém bay mấy lần luôn đấy.

Có lần tôi đi ngang qua một wat, cổng thì đẹp vô cùng nhưng trường nằm bên trong wat thì trống thông thốc, có tổng cộng 4 lớp được chia theo lứa tuổi 11, 9-10, 7-8, 5-6. Bọn chúng mặc đồng phục là áo trắng nhưng có đứa không có áo trắng mà mặc. Tôi hỏi vì sao; chúng bảo không có tiền.

Cổng wat khá đẹp; trường học thì đơn sơ




Càng về phía Nam thì ở các thị trấn lớn, bảng hiệu tiếng Việt ở khắp nơi. Tôi đi vào Paksan, khắp nơi người Việt. Tôi chạy luôn (thật ra lúc ấy tôi cũng không biết đó là Paksan.)

Thấy một cái wat có cái cổng khá ngộ, tôi dừng lại chụp hình, sẳn chạy luôn vào trong xem. Một ông lão đang đốn một cái rễ cổ thụ khá to nằm ngay trước chính điện vừa mới xây. Tôi ngồi nói chuyện và hỏi cắm trại ngoài bãi cỏ sau wat được không. Một sư bảo được còn chú tiểu thì bảo không. Tôi đi khảo sát địa hình. Sau lưng là một hồ nước mà xung quanh nó là các tảng đá đen. Tôi nhắm xong chỗ cắm thì ra ngồi chơi một tí. Tôi đẩy xe ra sau và cắt hoa lau lót dưới đất, sau đó ôm đồ ra hồ nước tắm và giặt. Lúc ấy trời nhá nhem và tôi lại ở một mình bên hồ nước nên vừa tắm vừa sợ có cái gì từ dưới nước nhô lên lôi tôi xuống hồ.

Khoảng 6h thì các sư tụng kinh ê a qua micro. Sáng mới 3h các sư đã dậy đánh trống tụng kinh. Tôi nướng đến khi trời sáng bách thì dậy thu xếp, xin nước uống xong thì lên đường, không ăn ké nữa (ăn riết ngán chết!!!)

Chạy dọc đường, tôi gặp một anh chàng người Huế có vợ mở quán cơm ở Paksan. Anh ta bảo đang chạy xe về Pakse để sửa; ở Paksan không có phụ tùng thay thế. Anh ta vừa chạy vừa bán bánh mì dạo kiếm tiền bù vào tiền xăng. Công nhận dân Việt nghĩ đủ cách kiếm tiền ghê. Ổ bánh mì nhỏ xíu, ai mua thì anh ta lấy dao xẻ dọc và rưới sữa đặc vào được bán giá 1 ngàn kíp/ổ. Ăn không tệ nên tôi mua luôn 4 ổ. Lúc đứng nói chuyện thì người dân kéo đến mua cũng khá đông. Anh ta tặng tôi cây cà rem giá 1 ngàn kíp và chia tay tôi để lên đường.

Tóm lại có nhiều cách kiếm tiền. Tôi tường thuật lại tất để bạn nào giỏi thì có thể vừa đi du lịch vừa kiếm tiền bù chi phí, có khi dư tiền mang về Việt Nam nữa đấy. Tôi không giỏi việc này lắm nên chỉ làm công việc tường thuật mà thôi.

Ở phía Nam người Lào vẫn dùng tiền Thái để thanh toán. 1 ngàn kíp= 4 baht; 5 ngàn kíp = 20baht. Họ có thể thối lại bằng tiền kíp hoặc baht nếu bạn đưa baht ra để thanh toán.

Buổi chiều tôi lẻn vào một cái wat có khuôn viên khá lớn, sau lưng wat là một khu cỏ dại. Tôi không thấy ai nên đi vào thì thấy có rất nhiều nơi có thể dựng trại. Lúc quay ra thấy một nhà sư, tôi đến hỏi, sư nói gì đó mà tôi không hiểu và sư lại bỏ đi vào chánh điện. Tôi không hỏi nữa mà đẩy xe ra sau wat cắm trại ngủ luôn. Tôi dự định ra ao súng sau hàng rào (phải chui qua hàng rào kẽm gai đấy) để tắm, nước dơ quá nên tôi lên sử dụng ké nhà tắm của chùa. Lúc ấy là giờ đọc kinh nên không ai để ý. Khi quay lại tôi thấy đèn pin sau hàng rào, chắc người ta đi bắt cóc nhái gì chăng. Tôi hy vọng là họ không thấy cái lều của tôi; tôi muốn được yên thân. May là cái lều ở xa hàng rào nên ánh đèn nhoang nhóang nhưng chả ai thấy hết.

Vậy là tôi ngủ đến sáng. Tôi thu dọn và sử dụng hồ nước của chùa. Mọi người đang cúng dường nên không ai để ý cả; vả lại cũng cách khá xa. Mấy khúc mía tôi mua từ hôm trước 1 ngàn kíp/khúc dài đầy kiến, kiến bò cả vào phần cơm nên tôi phải đổ ra đất cho chó hay chim gì đó ăn. Thật là mấy con kiến hảo ngọt ghê. May là tôi để thức ăn xa lều nên bọn chúng không chui vào lều mà quấy rối tôi.

Thu dọn xong tôi đẩy xe lên phía trên. Hình như hôm ấy là ngày lễ gì đó mà mọi người dâng khá nhiều thức ăn cho chỉ một nhà sư (cả wat chỉ có một ông sư thôi). Tôi vào đó ngồi dự định lạy Phật. Tôi ăn kiểu Lào riết nên cần uống Fugaca. Tôi luôn rửa tay trước khi ăn còn bọn họ thì không nên tôi hết dám ăn kiểu của họ rồi.

Họ thấy tôi không ăn cơm nên đưa bánh chưng (nấu sống nhăn) và bí rợ luộc; tôi hết dám ăn nên chỉ ăn ít thôi; sau đó ra trước tượng Phật ngồi một tí lấy sức lên đường.

Tôi đạp xe đi khoảng 20 cây thì dừng lại ở trước wat của B. Napho (cách Pakse khoảng 70 cây số). Lúc ấy là giờ cơm trưa. Có quá trời bài cần phải đánh máy nên tôi hí hoái gõ gõ. Họ dọn cho tôi một mâm và mời tôi ăn. Tôi dẹp máy, bưng mâm ngồi ăn gần họ. Họ có món bắp cải cuốn thịt hầm, món này của Việt Nam, ăn khá hợp khẩu vị. Tôi sợ ăn bóc rồi nên lấy đũa ra ăn dù đó là cơm nếp. Một phụ nữ lấy cho tôi cái dĩa; tôi cho một ít cơm nếp vào dĩa và gắp thức ăn để ăn y như khi ăn cơm gạo tẻ. Bọn họ ngồi nhìn tôi quá trời và bàn tán xôn xao. Thật ra họ không biết tôi là người Việt Nam; cứ ngỡ tôi là người Châu Âu mới ớn chứ.

Tôi hỏi họ ngủ ở trong đấy được không. Họ bảo được và bảo rằng khộng đi toilet trong chùa, muốn đi thì ra nhà Phó Bản cạnh đó mà đi hoặc tắm rửa, không ngủ gần tượng Phật (tượng Phật ở đây được khóa kín mít),…. Khi tôi hỏi họ vì sao họ có cái khăn thắt qua ngang người. Họ bảo đi chùa phải có khăn này; khi lạy thì hai tay không để dưới đất mà để lên khăn. Ah bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩa của cái khăn mà họ hay choàng rồi. Một phụ nữ đưa cho tôi một cái của chị ta và bảo tôi mang theo luôn. Đó là cái khăn bông trắng, loại khăn tắm nhỏ. họ có thể vắt khăn truyền thống của Lào hay khăn bông đều được miễn sao có khăn thôi.

Đến lúc đó thì họ mới hỏi tôi là người nước nào; tôi nói Việt Nam. Họ ớ lên và bảo mấy đứa học sinh lúc trưa đi qua thấy tôi chào hỏi bằng tiếng Anh đã bảo với họ rằng tôi là người Châu Âu hay người Mỹ gì đó. Thật lạ! Rõ ràng tôi có khuôn mặt Châu Á cơ mà!!!

Sau khi cơm nước xong thì mọi người về nhà còn tôi lại ngồi gõ tiếp. Chiều, tôi chạy qua trường học ở cạnh đó để đi toilet và tìm chỗ tắm; có giếng nhưng không có thùng hay thau gì cả mà tôi lại ngại vào nhà dân hỏi mượn nên ở dơ luôn. Tối, sư vào bảo tôi ngủ ở đâu; tôi chỉ luôn xuống đất; sư nói vào nhà Phó Bản ngủ. Tôi vâng vâng dạ dạ rồi lại chăm chú gõ. Mấy con chó đáng ghét, tôi ra ngoài để đi toilet thì chúng sủa ỏm tỏi nên tôi không dám bước chân ra khỏi chánh điện nữa. Thậm chí xe đạp của tôi bị gió thổi ngã, tôi cũng không dám ra để dựng lên.

Tôi ngồi trong wat gõ gõ đến 1h sáng mới xong hết các bài viết. Sau đó thì mặc áo ấm, mang vớ và lăn luôn ra sàn ngủ đến 5h sáng khi sư vào quét dọn chánh điện thì mới dậy. Sư thấy tôi thì ngạc nhiên (chắc nghĩ lúc chó sủa dữ dội là lúc tôi dắt xe ra nhà Phó Bản rồi chăng?) Sư chả nói gì cả và tôi cũng im lặng thu dọn. Sau khi đánh răng rửa mặt thì tôi lại gõ gõ tiếp cho xong.

Khoảng 6h sáng có một phụ nữ dắt đứa con gái đến cho sư làm lễ gì đó rồi.

Khi những người cúng dường đến; họ nhìn tôi ngạc nhiên thì tôi biết họ khác với những người tôi ăn cơm trưa chung vào ngày hôm trước. Tôi đẩy xe đi vào lúc 6h45. Ở đây họ cúng dường sớm quá nhỉ?

Tôi dừng ở một ngã ba nơi có nhiều quán xá mua một con cá nướng giá 10 nghìn kíp, 2 nghìn cơm nếp và 5 nghìn đầu cổ chân gà nướng (lúc sau họ đổi ý bảo rằng nó 10 nghìn; tôi giận lấy ra trả lại, không mua nữa thì họ bảo được rồi, giá 5 nghìn; thực ra nó giá 10 nghìn thì đúng hơn bởi tôi ăn hoài không hết do khá nhiều; nhưng tôi ghét nói đi nói lại 2-3 giá lắm.)

Tôi ghé vào dãy ghế đá của một nhà dân xin phép họ ngồi ăn cơm; một người đàn ông đến, muốn bắt chuyện nên hỏi tôi có nước uống chưa, tôi nói có rồi, ông ta đi vào nhà luôn.

Tôi đạp xe qua các bản và mua 3 nghìn 2 nải chuối. Tôi đi mãi thì đến ngoại ô của Pakse vào lúc chiều, lại ghé mua một quả dưa giá 5 ngàn, một quả bưởi giá 2 ngàn chua loét. Còn khoảng 8-9 cây nữa là vào trung tâm Pakse thì tôi thấy cả nghĩa trang Việt Kiều.

Mấy cha công an giao thông hất mặt hỏi tôi: “khải nhẳng?” (bán gì?) Tôi cóc thèm trả lời; tôi nghĩ họ mà hỏi nữa thì tôi trả lời là: “khải tăm luộc Lạo” (bán công an Lào) cho bỏ ghét, ai bảo hất mặt với tôi làm chi.

Sau đó là đến sân bay. Rồi đường phố Pakse từ từ hiện ra trước mặt. Tôi chạy theo đường quốc lộ 13, ngang qua một nhà hàng Ấn, mấy người nước ngoài nhìn tôi ngỡ ngàng.

Vậy là cuối cùng tôi cũng quay lại Pakse. 2 năm trước tôi đến đây và không khỏe lắm do “ngất ngư” xe đò ở Lào. Bây giờ đạp xe vào Pakse, tôi hy vọng sẽ thấy nhiều điều hấp dẫn do nơi đây được xem là có nhiều người Việt ở đông nhất nước Lào.

Kỳ sau: Lại về Lào (12): Pakse, nơi người Việt ở đông nhất nước Lào

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Lại về Lào (10): nói chuyện với anh Thân ở Seno

Kỳ trước: Lại về Lào (9): Đạp xe từ Thakhet đến Seno

Seno cách Vientiane 435 cây số. Tại chợ ngay ngã ba Seno có gian hàng bán đồ gia dụng như đinh ốc vít, ống bơm, đồ điện, giày dép,… của anh Thân người gốc Nha Trang nhưng từ khi lấy vợ Huế thì chuyển hộ khẩu về Huế luôn. Anh ta 44 tuổi và có 3 con, hai đứa đầu đang học đại học ở Huế. Anh ta cũng sử dụng mộc 30 ngày và đã kiếm sống ở Lào 20 năm rồi. Các gian hàng bán đồ tương tự như thế trong khu chợ này thì 18/20 gian là của người nhà anh ta cả. Anh ta dẫn dắt họ sang Lào làm ăn.


Lý do tôi quen biết với anh Thân là tôi vào chợ tìm nơi đổi tiền. Đầu tiên tôi nghe ai đó nói tiếng Việt trong một tiệm vàng nên dựng lại và hỏi bằng tiếng Việt rằng nơi đây có đổi từ tiền Việt sang tiền kíp không. Người phụ nữ, chắc là việt kiều nói rằng bà ta không biết đổi thế nào và chỉ tôi sang gian hàng đối diện tiệm vàng của bà ta. Đó là tiệm vàng của anh Thân. Tôi sau khi đổi tiền thì ở đó nói chuyện đến gần 2 tiếng đồng hồ. Qua đó một số thắc mắc của tôi đã được giải đáp.

Khi tôi hỏi về cuộc sống của người Việt tại Lào thì anh ta bảo có 30% người Việt làm ăn được và họ sống khá thoải mái kể cả ở Lào lẫn ở Việt Nam. Đa phần những người này mang theo vợ và con nhỏ (con lớn thì cho về Việt Nam học.) Anh ta bảo số còn lại thì bỏ chồng bỏ vợ sang đây một mình, sau đó cáp lại với nhau, thường họ không gầy dựng được gì; có người thì sang đây mới gặp và kết hôn; có người sang đây làm những nghề không lương thiện, ra đường ăn mặc hở hang, dân Lào ghét nên họ nói xấu; anh ta nghe hiểu hết nên cảm thấy nhức óc vô cùng bởi vì dù gì thì mình cũng là người Việt.

Khi tôi than phiền rằng người Lào ở phía Nam không thân thiện bằng người Lào ở phía Bắc. Anh ta bảo cái đó là do mình cả. Người Lào bản chất rất tốt. Trước đây, họ tin tưởng nên mở cửa đón người Việt, người Trung quốc vào ở. Những người này cho họ ăn uống gì đó nên họ ngủ say, nửa đêm mở cửa dọn sạch ti vi, xe máy. Vì thế họ đâm ra nghi ngờ người lạ.

Thái độ người Lào thay đổi chỉ khoảng 10 năm trở lại đây (du lịch Lào cũng phát triển chừng 10 năm nay thôi) khi lòng tốt của họ bị lợi dụng mãi. Rất nhiều chiêu lừa lọc mà người Việt và người Trung Quốc mang sang áp dụng với họ.

Khi tôi kể chuyện sư ông ở wat cách Thakhet 10 cây số về phía Nam thì anh Thân bảo do họ sợ nếu có gì xấu xảy ra thì wat của họ bị mất uy tín. Vì thế mà anh ta bảo xin vào nhà Phó Bản (công an xã) ngủ hoặc đến trình với Phó Bản rồi Phó Bản sẽ dẫn vào chùa cho ngủ; như thế thì họ yên tậm hơn. Hèn chi ở một số nơi khi tôi hỏi họ ngủ ở đâu, họ nói gì đó giống như Phó Bản nhưng lúc ấy tôi có hiểu đâu.

Anh Thân bảo người Lào hiện giờ còn trọng người Việt ở phía Nam một tí (họ gọi là Vietnam Tày), nghĩa là từ Quảng Bình đổ vào, còn từ Quảng Bình đổ ra thì họ ghét. Đa số dân sang làm gái toàn là từ Quảng Bình. Ngay cả anh ta đi du lịch ở Việt Nam cũng chỉ dám đi đến Quảng Bình thôi. Từ đó đổ ra dân dữ dằn và sống vì đồng tiền quá. Ví dụ, anh ta vào múc một xô nước dưới ao lên tưới vào xe cho bớt nóng, bà cụ chủ nhà 70 tuổi đòi 20 chục ngàn. Anh ta ngạc nhiên thì bà bảo ở phía bắc này không có gì là miễn phí hết con ơi. Anh ta dừng xe trên đường quốc lộ để kiểm tra bánh thì xuất hiện hai thằng cầm gạch trong tay bảo ta đưa 50 ngàn vì đậu xe trước cửa nhà chúng (tôi nhớ chị Việt Kiều ở Thái bảo tôi rằng dân Việt Nam dữ dằn quá, đứng đợi trước cửa nhà họ cũng đòi tiền, không đưa thì xắn áo xắn quần chửi bới ỏm tỏi; ngoài ra mấy du khách nước ngoài cũng bảo ở Việt Nam cái gì cũng phải xì tiền ra cả.) Tôi đảm bảo họ đang nói về các tỉnh phía Bắc này đấy.

Khi tôi hỏi là sao người Lào thích lấy vợ Việt. Anh Thân nói có nhiều lý do nhưng có ba lý do chính sau đây:

Thứ nhất là Lào theo mẫu hệ. Đàn ông cưới xong thì khăn gói về nhà vợ. Khi hai vợ chồng gây nhau thì đàn ông luôn bị phó bản xử là có lỗi. Vợ chồng gây nhau, mời phó bản đến giải quyết, phải trả tiền cho họ ăn nhậu hoặc tiền xử án nữa chứ. Vợ luôn được xử có lợi. Ngoài ra khi họ ly dị thì đàn ông luôn bị thiệt; tất cả tài sản thuộc về vợ, họ phải xách đích tay không ra khỏi nhà vợ (do họ ở bên vợ mà.)

Thứ hai là người Việt chăm chỉ tiết kiệm, chẳng những biết cách kiếm tiền mà còn ăn tiêu dè sẻn. Người Lào thì có bao nhiêu xài bấy nhiêu.

Thứ ba là vợ Việt trọng chồng, cơm nâng nước rót. Chồng đi làm về thì vợ nấu cơm chờ sẳn. Chứ lấy vợ Lào thì nó chỉ nấu cho cục cơm nếp treo trên chõ rồi đi chơi mất. Chồng đi làm về tự nấu hoặc từ tìm thức ăn mà ăn.

Khi tôi hỏi về việc hải quan Việt ăn hối lộ ở cửa khẩu, anh Thân bảo tùy người; họ nhìn mặt mà bắt hình dong chứ họ có ăn được của anh ta đâu. Lúc trước họ cũng đòi anh ta đưa 50 ngàn. Anh ta bảo tôi có phạm lỗi, mấy anh phạt thì tôi cam chịu, dù phạt 50 ngàn hay 500 ngàn hay 5 triệu, tôi cũng đưa nhưng các anh làm ơn ghi giùm cái biên nhận là các anh phạt lỗi gì và ký tên mấy anh vào. Vậy là họ khoác tay bảo anh ta đi qua, kẻo anh ta cứ lằng nhằng ở đó thì họ không ăn được tiền của người tiếp theo.

Khi tôi hỏi anh ta về việc công an Lào ăn hối lộ dữ quá. Anh ta bảo tùy người mà họ ăn. Anh ta buôn bán ở chợ mấy chục năm, họ biết cả rồi nên không làm khó dễ nhưng anh ta cũng thừa nhận là tùy địa phương, có nơi dễ có nơi khó, chứ ở Seno nếu không làm gì phạm pháp hay không hành nghề đen tối thì không ai bảo đưa hối lộ cả.

Khi tôi hỏi anh ta về việc một số người không muốn thừa nhận mình là người Việt. Anh ta bảo lúc anh mới sang Lào, bọn Việt kiều ở Lào khinh khi lắm; họ bảo nghèo khổ mới sang Lào kiếm ăn. Anh ta tự ái nên khi đi đám tiệc có đông bọn họ thì nói với họ rằng chúng tôi khi dễ các bác mới đúng chứ sao các bác lại khi dễ chúng tôi. Các bác bỏ xứ đi làm giàu cho thiên hạ, còn chúng tôi đi là để xây dựng quê hương (có thể anh ta nói đúng bởi vì bọn họ sang Lào làm ăn nhưng toàn gửi tiền về Việt Nam cả.)

Anh ta nói đến bây giờ những người ấy vẫn còn sống nên có lần anh ta mời họ về nhà anh ta ở Việt Nam chơi. Sau đó anh ta nói với họ rằng: lúc trước tôi mới sang, các bác khi dễ, bây giờ xem cơ ngơi của tôi ở Việt Nam như thế này, các bác ở Lào có sánh bằng không? Bọn họ im lặng không nói gì cả. Tôi bảo anh ta nhẽ ra phải cám ơn họ bởi vì nhờ họ khi dễ mà anh ta quyết chí làm giàu để “phục thù” đấy mà. Anh ta cười khà khà bảo rằng chí lý.

Người Việt ở Lào vẫn còn thói quen ôm tiền đi đi về về. Họ mang tiền kíp đến biên giới thì đổi sang tiền Việt. Tôi hỏi sao không sử dụng ngân hàng Lào-Việt để chuyển tiền cho an toàn. Anh ta bảo có nhiều tiền như những công ty làm ăn lớn đâu. Mà cũng có gì là nguy hiểm đâu, cứ 6h sáng đi đến chiều là vể đến nhà rồi, dùng ngân hàng làm gì cho rắc rối (tôi đế thêm: và cho thêm đủ thứ phí linh tinh.) Anh ta chỉ tiệm vàng ở gần đó và bảo đây là nơi chuyển tiền của người Lào tại Thái. Họ chỉ cần điện thoại cho người thân thì 15 phút sau, người thân họ có thể đến tiệm vàng này lấy tiền rồi. Tiệm vàng này có chức năng của Western Union. Anh ta bảo Việt Nam chưa có kiểu chuyển tiền như thế. Các bạn có muốn kinh doanh không? Chỉ cần có hai tiệm: một tiệm ở Lào, một tiệm ở Huế (ví dụ). Người Việt đến tiệm ở Lào gửi tiền. Tiệm Lào điện thoại cho tiệm ở Huế; vậy là người thân họ ở Huế có thể ra tiệm ở Huế nhận tiền rồi. Các tiệm ăn phí trung chuyển mà tôi đảm bảo là rẻ hơn ngân hàng hay dịch vụ chuyển tiền Western Union nhiều.

Do tôi có mang theo gần 2 triệu tiền Việt nên nhờ anh Thân đổi giùm 200 ngàn kíp. Anh ta ra hỏi đứa cháu tỷ giá rồi bảo rằng 200 ngàn kíp tương đương 540 ngàn đồng, nghĩa là tỷ giá 27. Anh ta bảo tỷ giá lên chứ trước đó chỉ có 25 hay 26 thôi. Anh ta bảo gần Tết tỷ giá chỉ còn khoảng 24 thôi. Dù tỷ giá là 27 thì vẫn còn rẻ chán so với việc dùng thẻ ATM để rút, cộng hết chi phí thì tỷ giá lên đến 31 hoặc 32 lận đó.

Do đó khi các bạn đi du lịch sang Lào thì mang theo tiền Việt đổi ở biên giới; sau đó nếu cần thêm thì tìm tiệm hay quán của người Việt đổi, cho dù họ có lấy cao hơn một tí so với ở biên giới thì vẫn rẻ chán so với phí rút tiền bằng thẻ ATM. Ngoài ra bạn có thể đổi sang đô Mỹ hoặc Euro rồi mang theo sử dụng. Dù mất hai lần tiền chuyển đổi thì vẫn rẻ hơn so với phí ngân hàng đấy.

Anh Thân cũng là một người có "có máu du mục" và anh ta cũng đã đi được một số nước trong khu vực rồi. Vì thế khi thấy tôi "lang thang" như thế, anh ta mới vui vẻ ngồi "tám" với tôi gần 2 tiếng đồng hồ, bỏ cả ăn cơm trưa. Lý do tôi biết anh Thân là vì tôi vào chợ Seno tìm nơi đổi tiền đồng sang kíp. Tôi ghé một tiệm vàng vì nghe ai đó nói tiếng Việt ở đó nhưng hình như chị chủ tiệm vàng này là Việt Kiều chứ không phải người Việt. Chị ta bảo rằng mình không biết đổi như thế nào nên chỉ tôi qua tiệm của anh Thân ở ngay đối diện.

Theo tôi nhận thấy thì một trong những lý do mà anh Thân khá giả là có thời anh ta chở gỗ lậu (đây là công việc mà tôi không bao giờ ủng hộ Thư gửi những người đang hành nghề "nhất phá sơn lâm" tại Lào) và từng bị lật xe ở Pakse nên vợ bắt ở nhà bán hàng luôn.Anh ta khoe là mua xe máy cho con mỗi chiếc tương đương 40-50 triệu đồng, mua máy tính, xây nhà cửa cho bà con họ hàng, đủ cả. Nhưng anh ta sẽ phải "trả nợ" cho 7 tỷ người đang sống trên Trái Đất này mà môi trường bị anh ta góp phần phá hủy như thế nào các bạn nhỉ?

Kỳ sau: Lại về Lào (11): Đạp xe từ Seno đến Pakse

Lại về Lào (9): Đạp xe từ Thakhet đến Seno

Kỳ trước: Lại về Lào (8): Khám phá hang động ở Thakhet

Ở Thakhet dọc theo đường quốc lộ 13, hai bên đường đầy các hàng quán của người Việt. Bến xe khách của Thakhet cũng nằm trên đoạn quốc lộ 13 này.


Lúc tôi ra khỏi Thakhet thì trời đã chiều nên tôi chỉ đạp xe khoảng 10 cây số thì đến B. Na Don. Rẽ vào một cái wat ngay bên đường thì sư ông bảo không ngủ được. Lúc ấy có một người dân đi ngang qua. Ông ta hỏi tôi đi đâu. Tôi nói tôi đi xe đạp hơn 2 ngàn cây số mới đến được đây. Tôi thấy vị sư xì môi có vẻ không tin. Vị sư ấy phạm vào tội ý niệm rồi đấy. Tôi thấy mình cũng có lỗi vì một câu nói mà đẩy một nhà sư phạm tội ý niệm. Tôi đẩy xe ra hỏi người dân ở ngay trước cổng. Họ bảo tôi vào wat mà ngủ, có cả ông Phó Bản (công an xã). Ông ta cũng bảo tôi ngủ wat được. Một bà còn nói với với vào trong wat chắc ý nói với sư cụ hay sao ấy. Tóm lại dù sư cụ không đồng ý nhưng tất cả dân làng kể cả trưởng xã đều bảo tôi vào wat mà ngủ. Tôi được chỉ vào một nhà sàn khá lớn mà trước đây được dùng làm chính điện. Nay vì lý do an toàn nên tất cả tượng Phật đều được chuyển vào nơi các sư ở và có khóa cổng sắt. Wat mà còn cẩn thận sợ bị mất cắp đến thế thì quả thật là an ninh ở Lào có vấn đề rồi các bạn nhỉ?

Khi tôi vào xin nước sư cụ uống, sư hỏi tôi ngủ ở đâu (tôi biết là nhà sư biết tỏng rồi, vậy mà vẫn hỏi bởi vì tôi dựng trại lâu lắm và lúc ấy mấy chú tiểu thấy cả rồi); lúc ấy ông phó bản đi qua. Sư ông giữ ông ta lại nói chuyện không biết là do lo cho an ninh của tôi hay do “tẽn tò” vì tất cả dân làng đều bảo tôi ngủ ở đó trong khi ông ta thì không.

Tôi cũng không quan tâm mà chỉ lo làm việc của mình. Tôi tắm rửa giặt giũ và phơi luôn trên lan can. Lúc tôi ngồi đọc truyện thì có hai người cùng ông phó bản vào, kiểm kê tài sản của tôi. Họ còn đòi xem hộ chiếu. Về nguyên tắc thì tôi phải trình vì lý do an ninh nhưng tôi ghét quá nên không thèm đưa ra. Họ ghi chép một hồi bằng tiếng Lào rồi đưa tôi xem. Dĩ nhiên là tôi không đọc được rồi. Cái này là phó bản muốn làm vừa lòng nhà sư bởi khi họ đi ra, tôi nghe tiếng họ nói với nhà sư những câu mà trước đó tôi đã nói với sư rồi. Lúc ấy 9h tối, đáng lẽ 7h tối các sư phải ngủ rồi chứ. Sau đó thì tôi mới thấy sư vào đóng cửa lại ngủ.

Tôi ngủ thật ấm và ngon trong lều của mình bên trong nhà sàn dù bên ngoài trời nổi gió ầm ầm. (Nhờ thế vào buổi sáng quần áo của tôi cũng khô hết luôn.)

Dân ở đây cúng dường sớm thật. Mới 6h họ đã làm lễ. Tôi ra chợ ngay trước cổng wat mua thức ăn mang theo. Trước khi đi, tôi ghé lấy nước uống và “tám” với sư một tí.

Chạy xe ra ngoài thì thấy bên phải đường hàng quán khá nhiều. Tôi dừng lại ở quán cuối cùng; đó là quán của một Việt Kiều gốc Hà Nội. Bà ta bảo ở Thakhet có nhiều người Việt nhưng ở bản này, bà ta là người Việt duy nhất. Tuy nhiên con cháu lại không biết một chữ tiếng Việt nào cả. Bà ta cũng hù dọa tôi rằng bọn thanh niên Lào hút thuốc phiện nhiều lắm nên dù đi xe ban ngày trên đường quốc lộ cũng có khi nguy hiểm; bọn họ thấy đi một mình thì có thể tấn công để trấn lột hay làm gì đó,…

Tôi mua gà, cá, nem, cơm, bánh chưng và một cái trứng ngan theo ăn. Tổng cộng 17 ngàn kíp (khoảng hai đô Mỹ) cộng thêm 6 ngàn kíp mua tại chợ buổi sáng, tôi có thức ăn và trái cây ăn cả ngày rồi. Hôm đó tiêu 23 ngàn kíp. Sang rồi đấy nhé!!! Hôm nào ăn ké ở wat tôi xài chưa đến 10 ngàn kíp. Vì thế chỉ với 200 đô Mỹ, xài từ Lào sang Thái rồi lại về Lào, vậy mà xài mãi vẫn chưa hết 200 đô dù đã hơn 1 tháng rưỡi rồi.

Chạy ra khỏi Thakhet chừng 45 cây số thì đến Cô Xê, nơi này người Việt ở khá đông. Có công ty Vilaco (công ty Việt Lào) chuyên sản xuất thạch cao. Dọc hai bên đường quốc lộ là các nhà hàng Cơm Phở của Việt Nam.


Tóm lại quốc lộ 13 ở phía Nam chán phèo: nếu không có bản làng thì hai bên đường toàn là đồng cỏ hoặc ruộng lúa, ruộng mía, nếu không thì là rừng cây; hầu như không có sông suối gì nhiều ngoại trừ mấy con suối chảy bên dưới cầu mà đi xuống đó thì không dễ tí nào; sông Mê kong thì không nằm gần con lộ này.


Khoảng 20 cây số nữa đến Seno thì trời bắt đầu tối. Tôi nhìn hoài không thấy cái wat nào cả trong khi ban ngày thì thấy quá trời. Tôi ghé vào một cây xăng xin nước uống và hỏi thăm thì họ bảo chạy thêm 2 cây số nữa. Đúng là có thiệt nhưng wat tắt đèn tối thui không có nhà sư nào ở cả. Ai mà dám ở???

Tôi lại hỏi thăm, trúng ngay một thanh niên y như xì ke. Một thằng bé 15 tuổi đi ra từ ngôi nhà gần đó. Hai người này cứ săm soi hành lý của tôi và hỏi tôi có gì trong ba lô. Tôi ra dấu bảo là quần áo. Thằng bé nói vào nhà nó ngủ. Đó là căn nhà có lối lên bên trên và bên dưới thì để trống ngoại trừ một cái giường tre. Lúc ấy có một phụ nữ ăn mặc mát mẻ ngồi trên giường nói chuyện điện thoại.

Người phụ nữ ấy cũng là chị gái của thằng bé 15 tuổi và người thanh niên 24 tuổi mà tôi hỏi thăm đường lúc đầu. Ngồi một hồi tôi đoán hai thằng này là tên nghiện. Bọn chúng to nhỏ với nhau và kêu người chị ra một góc nói nhỏ gì đó; chị ta lấy tiền đưa rồi quay lại giường ngồi; khuôn mặt như muốn khóc. Hai thằng này hút thuốc liên tục. Có vài thằng nữa đến bằng xe máy. Bọn chúng to nhỏ ở ngoài sân. Trước đó thì nhóc 15 tuổi cứ theo hỏi tôi mãi là trong giỏ có gì, đi du lịch thì chắc có nhiều tiền lắm đây. Tôi bảo nếu có nhiều tiền thì tôi không đi xe đạp rồi; tôi ăn ngủ trong wat nên không có tiền đâu. Nó nói chắc phải có tiền mua thức ăn chứ. Tôi không trả lời. Thằng nhóc bảo chịu cưới thằng anh nó không. Tôi trả lời luôn không chịu. Nó hỏi tại sao. Tôi bảo tôi lớn tuổi hơn. Nó bảo ở Lào điều đó là bình thường. Thằng anh nó bảo thậm chí ở Lào ở tuổi tôi còn có thể lấy chồng tuổi 15 nữa cơ. Tôi bảo tôi là người Việt không phải người Lào.

Bọn chúng còn gạ gẫm tôi mua xe máy. Chiếc xe Trung Quốc cũ mèm mà đòi bán cho tôi giá 1 ngàn đô Mỹ. Tôi bảo dân Việt không chạy xe Trung Quốc nữa, xe Honda ở Việt Nam rẻ rề thì mắc gì phải chạy xe Trung Quốc.

Thấy tôi có vẻ không “ngon ăn” tí nào nên bọn chúng lại ra sân bàn bạc. Tôi hỏi người chị đường đến wat. Chị ta bảo đi 2 cây nữa thì đến phổn hay phủn gì đó; chả biết đó là cái gì mà sao nghe nhiều người nhắc đến nó. Nhưng dù sao đến nơi ấy chắc cũng an toàn hơn ở một nơi đầy bọn xì ke nên tôi lấy đèn pin ra đội vào đầu và chuẩn bị lên đường.

Thì ra đó là một cái nhà thờ. Bên cạnh là một căn nhà còn sáng đèn treo đầy hình Đức Chúa Jesu và Đức Mẹ Maria; mấy đứa con nít ra vào đọc kinh inh ỏi.

Tôi vào hỏi thăm thì một cô gái có vẻ là cô giáo của bọn trẻ bảo không ở được. tôi hỏi đây là gì, cô ta bảo đây là wat. Tôi bảo wat mà sao không ở được. Bọn con nít lao xao đứng xung quanh để canh me thỉnh thoảng chỏ vào nói vài câu. Chả hiểu con nít ở đâu à quá trời đến thế.

Không hiểu Đạo Thiên chúa đang làm gì trên đất Lào. Họ dạy bọn con nít yêu thương và giúp đỡ người khác ư? Hành động có giống thế không nhỉ?

Tôi nói trời tối, đạp xe đi thì nguy hiểm. Tôi hỏi nếu không ngủ được ở đây thì ngủ ở đâu. Cô giáo nói gì đó với bọn trẻ, thì ra là bảo chúng dẫn tôi ra để khóa cửa lại, chắc sợ tôi chôm chỉa món gì chăng? Tôi tưởng họ chỉ tôi chỗ nào có thể ngủ được hoặc họ khóa cửa để ra về. Nhưng không cả bọn đứng giương mắt lên nhìn và bảo tôi đạp thêm 20 cây nữa đến Seno luôn, ở đó có nhà nghỉ. Bọn con nít thì loi choi lanh chanh nói gì đó mà tôi chả hiểu. Không thể trông cậy gì sự giúp đỡ ở một nơi nhân danh Thiên chúa nên tôi đạp xe ra đi và thấy hơi đắng miệng một tí. Tôi không hiểu họ sẽ truyền đạo như thế nào nếu hành động từ chối giúp đỡ người khác thường xuyên được lặp đi lặp lại trước mặt bọn con nít như thế???

Trong cuộc sống hiện nay, cảnh giác là một điều cần thiết nhưng nếu bạn vì lòng cảnh giác mà từ chối giúp đỡ một người thực sự cần giúp đỡ thì đối với người thường có thể tha thứ được, đằng này lại là một nơi tôn giáo, nơi mà người ta sẽ tìm đến khi cần sự giúp đỡ. Vì sợ mất đi vài món đồ dùng mà từ chối giúp đỡ, sao họ không nghĩ là đến một ngày nào đó họ từ chối luôn cả Đức Mẹ Maria khi Người “giả dạng” người thường sao?

Tôi đi qua một bản khác thì thấy trước cửa nhà một người dân có một cái lều hơi giống cái lều của tôi. Thấy vui một tí vì cũng có người lỡ đường giống mình. Định ghé vào hỏi thăm thì bọn chó đáng ghét sủa ỏm tỏi nên tôi đành bỏ đi luôn.

Sau lưng một cái quán là một khoảng sân có cây me tây, dưới gốc me là một cái chỏng tre; sau đó là một ngôi nhà tường. Một nơi lý tưởng để cắm trại ngủ. Tôi dừng xe và vào gõ cửa hỏi xin cắm trại ngủ dưới gốc me tây. Bà cụ bảo không được và nói đến nhà thờ mà ngủ. Tôi bảo tôi đến rồi nhưng họ không cho ngủ. Lúc ấy ông cụ đi ra, tôi giải thích tình hình. Họ đứng ngần ngừ không biết trả lời sao. Tôi đợi một chút không thấy họ nói năng gì nên tự động lấy lều ra trải.

Ông cụ điện thoại cho ai đó mà tôi đoán là cho công an khu vực. Ông bảo có một du khách đang cắm trại ngủ trước nhà (lạ chưa, tôi nghe ra tiếng Lào luôn đấy!) Ông lão có vẻ tốt bụng hơn bà lão nhiều. Khi tôi hỏi nước rửa mặt thì ông cụ còn lấy chìa khóa mở cửa quán để vào trong bật công tắc đèn cho tôi sử dụng cái lu nước nằm bên ngoài. Tôi cảm ơn cụ và bảo tôi không cần đèn. Cụ tắt đèn, khóa cửa đi ra. Cụ còn bảo tôi ra nhà sau tắm nữa. Tôi bảo sáng hôm sau sẽ tắm còn bây giờ thì mệt quá nên chỉ muốn ngủ.

Buổi sáng họ dậy khá sớm, còn tôi nướng đã rồi mới chịu ra. Tôi lấy quần áo ra và vì trông thấy bà cụ nên lịch sự hỏi lại nhà tắm ở đâu chứ lúc tối ông cụ đã chỉ cho tôi rồi. Bà cụ ngần ngừ một hồi rồi chỉ ra nhà sau nhưng nói không có nước. Tôi cầm quần áo ra. Nước đầy hồ nhưng tôi không muốn nghĩ bà cụ nói xạo mà tôi nghĩ chắc nước này họ dùng cả ngày. Bỏ ý định tắm táp, tôi chỉ rửa mặt đánh răng thôi.

Hơi bất ngờ khi bà lão hỏi tôi bao giờ thì đi, chắc tôi ở đó làm bà luôn cảnh giác sợ tôi chôm món gì chăng?

Thái độ của bà cụ làm tôi không muốn hỏi xin nước uống mà lấy chai ra cho nước lã vào để dành rửa tay bởi tôi định sẽ mua một chai nước khác. Com trai bà từ quán đi ra thấy thế bảo tôi nước ấy không uống được. Anh ta dẫn tôi vào quán chỉ vào bình nước 20 lít và hỏi tôi những câu như đi đâu, đi những đâu,….

Chia tay họ xong, tôi đạp xe đi thì thấy wat bên tay trái, cách nhà họ chừng 100 mét. Đạp xe qua làng bên cạnh thì thấy một bà lão đang cho bánh canh vào bịch. Tôi dừng lại hỏi thì bà bảo 3 ngàn kíp, 5 ngàn kíp, còn mỗi bịch nhỏ thì 2 ngàn kíp. Bánh canh của bà nấu với thịt gà, huyết và cá viên ăn khá ngon. Tôi hỏi mua thêm 2 ngàn cơm nếp.

Lúc tính tiền tôi đưa tờ 10 ngàn; bà thối lại 5 ngàn; tưởng bà không có tiền lẻ, tôi lấy tờ 2 ngàn ra đưa; bà ngạc nhiên; tôi bảo 2 ngàn tiền cơm nếp. Bà nói “lương.” Ở đây họ uống trà Lâm đồng Việt Nam, tôi thấy cả gói trà còn bao bì tiếng Việt nên hỏi họ thì họ bảo trà ngon lắm.

Con đường quốc lộ 13 cũng lên xuống dốc

Lại về Lào (8): Khám phá hang động ở Thakhet

Kỳ trước: Lại về Lào (7): Bị “sét đánh” ở Bản Thẳm, Thakhet

Sau khi ăn sáng ở chỗ anh công an có nụ cười ấm áp và lương thiện tên Sầm Ly xong thì tôi theo chân một anh chàng thợ điện vào Bản Thẳm chơi. Anh chàng này quả là có ý đồ sẳn khi rủ tôi đi chơi. Tuy nhiên đi theo anh ta tôi thấy được những cái mà khách du lịch chả thể nào “mò” ra. Anh ta dẫn tôi lên núi nơi mà quốc lộ 12 và 13 được xây dựng từ đá của núi này.

Từ đây nhìn xuống có thể nhìn thấy tổng thể cả một đoạn đường.

Anh ta thót lên một tảng đá ngồi mà tôi biết rằng nếu tôi đên đó ngồi cạnh thế nào anh ta cũng “dở chiêu.” Tôi bị sàm sỡ riết nên có thể đọc được các hành vi của họ như đọc một quyển sách luôn rồi.

Anh ta lại leo lên đỉnh và bảo tôi leo, tôi nói không leo được, vậy là anh ta xuống. Họ mang dép lào mà vẫn leo núi thoan thoắt đấy!

Từ đó anh ta bắt đầu chở tôi vào một con đường toàn là cát nên anh phải phải cho cả hai chân xuống để…. bơi. Tôi ngạc nhiên là anh ta không bảo tôi leo xuống xe và cũng không ra dấu hiệu bảo tôi xuống xe dù tôi muốn xuống cho anh ta dễ chạy. Do anh ta đang “tán tỉnh” tôi nên muốn “màu” một tí.

Sau biển cát thì đến con đường rợp bóng tre. Anh ta dừng xe và dắt tôi đi ra sau một bụi tre. Hehehe, tôi biết các bạn nghĩ gì rồi. Tuy nhiên sau bụi tre là một cái hang. Tôi lấy đèn pin ra soi. Anh ta bảo tôi chui vào xem. Tôi chui vào trước còn anh ta ở phía sau,lợi dụng sờ mông tôi. Tôi đội nón bảo hiểm nên đụng đầu côm cốp vẫn không sao (do bực mình nên chui vào cho nhanh). Sao tôi ghét bị sàm sỡ như thế quá!!! Bên trong hang là các nhủ đá bị cắt nham nhở. Anh ta bảo người Việt làm đó. Anh ta nắm tay tôi để leo lên trên vào sâu bên trong để xem. Trong lúc tôi đang giơ hai tay lên chụp hình thì anh ta vòng tay qua ôm eo. Tôi gỡ tay anh ta ra. Nếu tôi mà hất mạnh một tí chắc anh ta bay luôn khỏi mỏm đá cheo leo rồi. Xem chán anh ta nắm tay tôi dắt xuống. Lúc đầu tôi dự định tự leo lên leo xuống không cần anh ta nắm tay nhưng đang mang dép nên đi với anh ta thì dễ và an toàn hơn. Nếu tôi mang đôi giày hồng made in Vietnam giá 25 đô Mỹ mua ở Mông Cổ thì anh ta đừng hòng có cơ hội ấy nhé.

Ra khỏi hang này, chúng tôi vào một cái hang khác gần đó. Anh ta lại sờ đùi tôi khi tôi đang chui vào trước. Bực mình quá nên tôi lại bị đụng đầu côm cốp. May mà có nón bảo hiểm. Cảnh trong hang này cũng đẹp với nhũ đá và quan trọng là nó chưa bị khai thác.

Trong lúc tôi ngồi xuống để chụp hình, anh ta hôn vào má tôi dù tôi đang đội nón bảo hiểm. Thật là bực mình!!! Tôi thấy việc anh ta đặt môi anh ta vào má tôi thật là dơ dáy và tôi thấy hành vi ấy thật bẩn thỉu.

Chân dung chàng "ba lăm"

Sau đó anh ta chở tôi vào làng. Ngay đầu làng là một cái hang cũng là chùa có bán vé tham quan 3 ngàn kíp.

Tấm bảng ghi là du khách phải thuê xà rông của Lào giá 3 ngàn kíp. Tôi bảo mặc cái ấy rồi không leo lên núi được; họ bảo không mặc cũng được. Vậy là tôi trả 3 ngàn kíp tiền vé cửa; anh chàng kia dĩ nhiên là miễn phí rồi. Leo tuốt lên trên thì có nhũ đá. Leo lên nữa, đi ngang qua tượng Phật thì sẽ vào một cái hốc mà trong đó thờ một tảng đá có hình một ông voi. Nếu anh ta không dẫn thì tôi cũng không ngờ đến cái hốc này.
Tôi ngồi xuống chụp hình ông voi thì anh ta lại đặt một cái hôn bẩn khác vào má tôi. Tôi thật sự bực mình rồi đấy, chả lẽ tôi đánh nhau với anh ta ở nơi linh thiêng này. Tôi tôn trọng nơi linh thiêng của họ mà họ thì lợi dụng nó để làm điều dơ bẩn thì thật không chịu được.

Lúc ấy có hai du khách da trắng vào. Họ mang cả giày và mặc quần tà lỏn. Tôi chỉ họ leo lên xem tảng đá có hình ông voi. Chả biết họ có trông thấy hay không mà loáng cái đã thấy quay ra rồi. Họ đi tham quan bằng cách đi tuồn tuột, leo lên rồi leo xuống chứ không dừng lại ngắm nghía này nọ. Vậy đi làm chi cho tốn tiền nhỉ. Chắc họ tranh thủ đi tất cả các hang luôn nên thấy cái nào cũng giống nhau. Tôi thì không quan tâm đến những cái dành cho du khách, một khi tôi đã vào xem cái nào rồi thì xem thật kỹ, nếu không thì không vào. Đó là lý do tôi trở lại Lào chuyến này, cứ thế mà đi, không một quyển sách hướng dẫn nào cả, ngay cả bản đồ cũng không. Tôi có một cái bản đồ tải từ trên internet xuống và thỉnh thoảng mở ra xem. Thế thôi, còn lại tôi tự trải nghiệm, tự cảm nhận theo cách riêng của mình, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quan điểm nào cả.

Khi ra khỏi hang thì tôi thấy người nữ du khách ngồi một mình. Anh chàng hướng dẫn của tôi bảo tôi nói chuyện với cô ta. Cô ta đến từ Slovenia, lúc đầu đi một mình, sau gặp anh chàng Thổ Nhĩ kỳ nên hai người họ trở thành bạn và cùng nhau đi. Cô ta hỏi về cách đi của tôi. Tôi kể xong, cô ta bảo cũng muốn đi như thế chứ đi hai người thì có quá trời trách nhiệm. Chắc ngán đi hai người rồi đây.

Họ bảo họ vào Bản Thẳm từ một lối khác. Lúc ấy có một anh chàng da trắng khác đến từ một lối khác. Vậy là có ít nhất 3 lối vào Bản Thẳm này và lối tôi đi thì không một du khách nào biết bởi vì không có bảng chỉ đường gì cả.

Anh chàng điện lực chở tôi đến cơ quan của anh ta (cơ quan có hai người) và bảo rằng mỗi tháng lĩnh lương hai triệu kíp. Tôi thấy hình như dân Lào lĩnh lương thôi chứ chả làm việc gì cả. Cách làm việc của họ thật ung dung đến phát ghét!!!

Lúc ấy mới 10h30, anh ta dở cơm mang theo rủ tôi ăn. Tôi ngạc nhiên bảo ăn rồi. Anh ta nói ăn nữa. Chắc anh ta ăn sáng bởi vì người kia không ăn. Ăn xong tôi bảo anh ta chở tôi ra ngoài lều. Anh ta bảo đợi anh ta tắm và hỏi tôi có tắm không. Không dám đâu!!!

Quay lạy lều, tôi thu dọn đồ, anh ta ngồi bên cạnh xem và luôn miệng bảo tôi gan thật. Sau đó anh ta chia tay và đi đâu đó với môt người bạn. Tôi đến căn nhà gỗ để tạm biệt anh Sầm Ly.

Sau đó tôi đạp xe đến cây số 4 và rẽ vào con đường đá đỏ, bụi mù trời để đi Thẳm Phả. Chạy khoảng 0.5 cây số đến ngã ba sẽ thấy mũi tên ghi Thẳm
Nong Pa Fa. Các bạn cứ yên tâm mà đi bởi ở các ngã ba luôn có mũi tên chỉ đường. Phong cảnh ở đây cũng thật đẹp.


Có rất nhiều du khách Thái đến nơi linh thiêng này để cầu nguyện vì thế anh chàng bán cà rem ngay bên ngoài có cả tờ giấy chuyển đổi từ tiền kíp sang tiền Thái nữa. 1 ngàn kíp tương đương 4 baht.

Có một nhóm khách tưởng tôi bán hàng dạo nên hỏi tôi bán gì. Tôi mà kiêm luôn nghề bán dạo chắc cũng bán được kha khá rồi vì có rất nhiều người hỏi thế. Khi tôi kể về hành trình của mình, họ bảo kinh dị thật. Anh chàng bán cà rem thì tình nguyện trông xe giúp tôi.

Để vào bên trong thì đi ngang một cây cầu gỗ lắc lư uốn theo một ao nước.

Vé cửa 2 ngàn kíp; tiền thuê xà rông 2 ngàn kíp. Leo lên một cầu thang là có thể vào hang. Ngay bên ngoài cửa ghi cấm chụp hình cả bằng tiếng Việt.

Hang khá nhỏ nên họ giới hạn số lượng mỗi lần vào là 15 người. Tôi dám chắc là họ chuyển bớt ra ngoài một số tượng bởi anh Dũng bảo rằng có 240 pho tượng nhưng tôi thấy không đủ. Tuy thế các nhũ thạch trong hang thì tuyệt đẹp. Có cái trông y hệt một cái vợt bắt cá. Có cái thì y như một bức bình phong. Hang này do một người dân tình cờ bám theo dây leo lên thì phát hiện ra. Hang linh thiêng ở chỗ, anh ta thấy nhiều tượng đồng đen định lấy vài pho mang ra thì không thể nhấc được pho tượng nào lên cả.

Khi vào hang, du khách cho tiền vào khay (tùy hỉ) thì có người sắp mâm lễ gồm hoa và đèn cầy. Cầm lấy mâm lễ này có thể cho tiền lên trên và khấn vái. Sau đó vào bên trong có người đeo cho một sợi chỉ may mắn màu cam vào tay sau khi đọc kinh (chắc để trừ tà).

Có một cái cồng với dùi cui mà du khách có thể gõ. Ngoài ra có một cái lu và cái ca để uống nước. Tôi làm thử tất. Sau khi ngắm chán chê thì mới ra ngoài, tôi chụp phong cảnh xung quanh và tự chụp cho mình một số bức hình (bởi vì trong hang không được phép chụp.)




Khi ra ngoài, tôi lại ghé vào bản ở cây số 3 mua chuối và củ sắn. Ông chủ quán, chắc hơi xỉn, bán cho tôi rẻ ơi là rẻ sau khi khen tôi đẹp. Tôi vội trả tiền để bỏ đi trước khi ông ta tìm cách sàm sỡ. Tôi mua tổng cộng 5 ngàn kíp nhưng đưa tờ 10 ngàn, ông ta không chịu mà đòi lấy tờ 5 ngàn bị cháy xém một tí mà tôi nhặt được ở trong wat ở B. Phon Phon.

Khi ra ngoài bản, tôi còn ghé vào một trong những hàng dưa hấu bày dọc theo đường quốc lộ mà mua một quả giá 5 ngàn kíp nữa. Vậy là có đủ lương thực. Tôi trực chỉ hướng nam mà đi dù lúc ấy đã 4h chiều.

Ah quên ở quốc lộ 12, tôi thấy có hai bạn trẻ người Châu Á đạp xe đi từ hướng biên giới Việt Nam vào, không biết họ là người Việt hay người Trung Quốc nữa?

Kỳ sau: Lại về Lào (9): Đạp xe từ Thakhet đến Seno

Lại về Lào (7): Bị “sét đánh” ở Bản Thẳm, Thakhet

Kỳ trước: Lại về Lào (6): Loanh quanh ở Thakhet

Có người bảo tôi rằng một người như tôi chắc là không biết khóc, vậy mà tôi lại bị “oánh chết” vì một nụ cười, thế mới tức chứ???

Câu chuyện là như sau:

Chia tay mọi người ở nhà nghỉ Thanh Tuyền dù anh Dũng, buôn gỗ người Quảng Trị bảo tôi rằng nếu tôi ở đó thì sáng hôm sau anh ta sẽ chở tôi đi hang Tượng Phật Đồng Đen linh thiêng được phát hiện cách đây 3 năm, tôi đạp xe đến ngã ba. Tại đây nếu rẽ phải thì tôi sẽ tiếp tục quốc lộ 13 đi về hướng Pakse. Nếu rẽ trái thì tôi sẽ đi quốc lộ 12 và sẽ thăm Hang Tượng Phật Đồng Đen. Suy nghĩ 5 phút, tôi quyết định đi quốc lộ 12 (ghét cho cái quyết định này quá!!!)

Cột cây số bên đường cho thấy từ đó đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu Chợ Lò) là khoảng 145 cây số. Tôi chạy dọc theo đường lộ, ghé vào một bản mua chuối và sắn, khá rẻ, mỗi thứ 1 ngàn kíp. Tôi thấy một bảng chỉ đường có cả hình vẽ các tượng Phật nhưng lại có tên là Nong Pa Fa, trong khi anh Dũng bảo rằng tên hang là Thẳm Phả cơ mà. Ngoài ra bảng chỉ đường ấy nằm ở cây số 4 và chạy thêm 8.5 cây số nữa mới đến, trong khi anh Dũng bảo nó ở cây số 7 và phải đi khoảng 20 cây số nữa. Tôi cũng dự định chạy vào xem sao nhưng thấy đường đất đỏ mù mịt nên… ngán. Quốc lộ 12 tráng nhựa nên hấp dẫn hơn. Vậy là tôi cứ đi, thấy bảng dẫn đường vào vài cái hang nhưng tìm mãi chả thấy Thẳm Phả ở đâu cả.

Quốc lộ 12 cảnh đẹp hơn hẳn quốc lộ 13 do có núi non sông suối nên cảnh đẹp như tranh họa đồ (thấy tự hào một tí vì đường về biên giới Việt Nam quá đẹp!!!) Tôi đi thật chậm để ngắm cảnh đẹp mà suốt mấy trăm cây số trên quốc lộ 13 chả thể nào thấy được. Dọc đường quốc lộ 12 có rất nhiều hang, trung bình cứ mỗi một cây số là có bảng chỉ đường vào một cái hang nào đó.



Chạy mãi đến cây số 15 thì thấy đường vào một cái hang, tôi xuống suối rửa mặt xong thì hỏi người bán vé. Vé cửa 3 ngàn kíp. Nếu tôi muốn ngủ thì 70 ngàn kíp. Tôi bảo có lều thì họ xuống giá 50 rồi 25 ngàn kíp, rồi bảo trả 50 ngàn đồng tiền Việt. Chắc hai thanh niên này muốn tôi ngủ tại đó nên họ xuống giá đây mà. Tôi hỏi hang Thẳm Phả. Họ bảo chính xác là Thẳm Pả Fa và phải quay lại 12 cây số nữa. Lúc ấy đã 5h chiều.

Tôi vẫn quay lại bởi vì nghĩ mình có thể cắm trại đâu đó trên đường (hơn là phải quay về Thakhet, nơi có quá trời người nghiện, tôi bị “hùa dọa” riết nên cũng biết sợ vậy.) Tôi ghé vào một nơi có vài cái lều cạnh bờ sông, hỏi họ ngủ trong một cái lều được hay không. Các bạn có hình dung là đó chỉ là một căn lều mái lá, có trải một cái chiếu thôi mà họ bảo tôi trả 50 ngàn kíp, chắc giá, 40 ngàn cũng không được. Tôi cám ơn và đẩy xe đi thì họ xuống giá 30 ngàn. Vớ vẩn!!!

Tôi đạp xe khi trời bắt đầu tối dần, núi trở nên đen thẳm thì đến cây số 6. Giữa cây số 6 và cây số 5 có một cái cầu, ngay chân cầu là một căn nhà gỗ, lúc trưa tôi đi ngang qua thì nó khóa cửa; bây giờ mở cửa, một người đàn ông đang ngồi thổi lửa. Tôi thấy có người dân, có con suối nơi tôi có thể tắm rửa và sau lưng căn nhà gỗ là nơi có thể cắm trại nên dừng lại, đẩy xe xuống bãi cát sông rồi đi lên căn nhà.

Hình như căn nhà này chỉ có một mình anh ta ở thôi. Tôi tiến đến chào Saibadee. Anh ta ngước lên nhìn tôi, cười mím môi, một nụ cười ấm áp trên khuôn mặt chữ điền, được ánh lửa tỏa sáng. Tôi thấy yên tâm với người có nụ cười ấy nên hỏi anh ta rằng tôi có thể cắm trại ngủ ở trên bãi cát không. Anh ta nói luôn: “Dai” (được) Nói ngay mà không cần suy nghĩ nhiều như ở những nơi khác khi tôi hỏi dân bản. Tôi hơi ngạc nhiên nên hỏi lại lần nữa thì anh ta cũng lại mỉm cười nhìn tôi và nói: “Dai.” Anh ta lúc ấy giống như thầy giáo hay người bố đang ở vị thế bề trên (dù anh ngồi còn tôi thì đứng) và biết tỏng hết mọi điều mà một đứa trẻ đang suy nghĩ. Tôi lại y như một đứa trẻ đang xin phép làm điều gì đó. Tôi ghét cảm giác này quá nhưng mà hoàn cảnh lúc ấy của tôi là thế biết sao được bây giờ.

Tôi nghĩ chắc anh ta là ngư dân bởi anh ta ở gần sông và cạnh anh ta có cái giỏ bắt cá. Được phép ngủ gần nhà người dân khi trời tối thì tôi thấy mừng rồi. Tôi lúi húi cắm trại. Một thanh niên đi xe máy vào, thấy tôi nên hỏi anh ta gì đó xong thì dựng xe và đến bảo tôi vào nhà sàn gần đó ngủ. Chỉ vài trăm mét, tôi đi theo xem thử, xui quá có người chiếm cứ rồi. Anh ta nói vào Bản Thẳm ngủ. Tôi ngại đạp xe nên nói tôi muốn ngủ ở gần sông.

Tôi được ở một mình. Lại một người đàn ông khác từ bản chạy xe ra, lúc ấy tôi làm xong và đang có ý định đến gặp anh chàng có nụ cười đẹp để xin nước uống thì người đàn ông mới ra bảo tôi đến căn nhà gỗ kia ăn cơm. Tôi bảo tôi muốn xin nước uống. Anh ta bảo có.

Tôi đi theo anh ta lên nhà gỗ. Anh chàng cười đẹp bảo chỉ có nước nấu thôi, rồi anh ta lấy xoang nước vừa nấu xong rót vào ca của anh ta và ca của tôi. Họ bảo đó là nước lá ổi, uống cho ấm bụng. Anh cười đẹp hỏi tôi người Trung Quốc hay người Anh. Tôi nói người Việt Nam. Sau đó họ bàn bạc xem tôi sẽ ăn món gì. Tôi thấy người dân bản nói gì đó, anh ta bảo không có. Họ có cá lòng tong và anh cười đẹp hỏi tôi ăn cá đó được không. Tôi nói được. Họ bàn bạc nhau và anh ta lúi húi nấu cơm. Tôi bảo muốn đi tắm. Anh cười đẹp chỉ xuống khúc sông trước nhà và bảo tôi tắm ở đó. Tôi lắc đầu và chỉ khúc sông trước lều của mình.

Tôi quay về soạn đồ xong thì có vài người dân đến soi cá; vậy là tôi không tắm được bởi thứ nhất tôi không muốn nhiều người biết tôi đang ở đó; thứ hai là tôi chả lẽ đứng tắm trước mặt họ; vả lại tôi tắm gây tiếng động, cá chạy hết, chắc họ chửi tôi. Vậy là tôi cứ ngồi im trên bờ.

Người đàn ông trong bản từ nhà gỗ xuống bảo tôi đến ăn cơm. Anh cười đẹp loay hoay trong phòng ngủ một hồi để lôi cái chiếu từ tấm nệm giường ra. Anh ta thật tế nhị. Anh ta trải chiếu (chứ tôi biết bình thường họ chỉ để cái mâm lên sàn gỗ thôi.) Sau đó đưa cho tôi một rổ cơm và một tô canh, còn anh ta và người kia ăn chung cơm và canh. Tôi thật cảm kích bởi vì tôi vẫn không thể húp chung canh với người khác, tôi ghét điều đó. Thế là do tôi được ăn riêng tô nên tôi ăn rất ngon và ăn sạch cả tô canh trong khi bọn họ hai người lại ăn không hết. Àh quên, tôi mang theo ½ ổ bánh mì mua ở Thakhet ra mời họ. Họ để lên dĩa và cắt thành nhiều khúc. Bánh mì rất ngon nên tôi nhường họ ăn (lúc sáng tôi đã ăn ½ ổ rồi còn gì). Họ cũng bảo rằng bánh mì rất ngon. Tôi nói bánh mì theo kiểu Việt Nam. Anh cười đẹp bảo rằng món ăn Việt Nam thì lúc nào cũng ngon cả. Hai người họ biết nói tiếng Việt một ít. Anh cười đẹp bảo tôi rằng người Việt ăn cơm gạo tẻ nên đẹp, người Lào ăn cơm gạo nếp nên không đẹp. Tôi bảo tôi vẫn thấy người Lào đẹp lắm. Anh ta muốn khen tôi đẹp nên nói thế đấy hehehe. Mà lạ ghê, người Việt không thấy tôi đẹp, vậy mà tôi đi các nước khác đặc biệt là ở Lào người ta luôn khen là tôi đẹp. Có khi tôi đang chạy xe ngoài đường, có vài thanh niên chạy ngang qua cố nhìn cho được mặt tôi rồi họ bảo nhau: “ngạm” (đẹp) Bọn họ gặp ở ngoài đường thì cần gì phải nói cho tôi vừa lòng nhỉ? Nhiều nhiều nơi khác ở Lào lắm, câu đầu tiên mà họ nói với tôi là: “Ngạm” Lúc đầu tưởng họ khen khách sáo nhưng bây giờ tôi nghĩ tôi thế là đẹp lắm, theo tiêu chuẩn của Lào đấy ( tôi không trắng, đi bụi riết nên da ngăm nhưng họ vẫn khen dù họ, y như dân Châu Á, mê da trắng.)

Tôi hỏi hai người họ rằng ngủ ở đấy có bị cắt cổ không (tôi bắt chước người Lào đưa tay lên cổ cưa qua cưa lại), anh cười đẹp bảo anh ta là công an. Hèn chi mà lúc đầu tôi có cảm giác y như một đứa học trò đang xin phép thầy giáo làm điều gì ấy.

Lúc ấy có thêm vài người đến (chắc họ cùng ngành) và họ hỏi chuyện tôi. Tôi chạy về lều mang sách Việt Lào ra. Anh công an (mà đến lúc chia tay tôi mới nhớ hỏi tên anh ta tên là Sầm Ly) bảo 43 tuổi rồi, chưa có vợ con. Hơi lạ nhỉ bởi vì người Lào 15 tuổi đã có gia đình rồi.

Sau đó họ ngồi kể chuyện họ đi tỉnh Xiengkhuang với nhau bằng tiếng Lào. Dĩ nhiên là tôi không hiểu rồi. Tôi ngồi ngắm họ. Anh Sầm Ly quả là đẹp. Không phải đẹp như tài tử điện ảnh mà là cái đẹp của sự lương thiện. Tôi nghĩ anh ta là một công an chưa bị biến chất (hay ít ra chưa được sang Việt Nam du học.) Tôi nghĩ lý do tôi mê nụ cười của anh ta là vì nó toát ra sự lương thiện và chân thật, theo đúng kiểu của một người Lào điển hình. Thời buổi này mà có một công an như thế thì quả là hơi bị hiếm nên tôi thấy cảm động khi được gặp một người như thế. Do đó đối với tôi anh Sầm Ly quả là rất đẹp!!!!

Và tôi xin phép về lều ngủ. Xong xuôi, tôi nghe tiếng vài người đến nói chuyện lao xao và họ đi về phía lều của tôi. Không muốn nói chuyện với họ, tôi nói vọng ra: “Non leo” (Ngủ rồi). Bọn họ cười và tôi nghe tiếng anh chàng Sầm Ly lặp lại: “Non leo.” Họ bàn tán gì đó, sợ bọn họ bắt tôi dọn lều để vào nhà ngủ, tôi lấy áo đắp lên mặt và ra dáng như muốn ngủ thật. Lúc đó tôi chỉ khóa cửa chống muỗi nên từ bên ngoài nhìn vào vẫn thấy (tôi muốn ngắm cảnh trước khi ngủ mà.) Cuối cùng họ cũng bỏ đi.

Công nhận nơi ấy trời gió kinh khủng. May là tôi có ba cái ba lô dằn ở ba góc nếu không chắc bị thổi bay tuốt lên trời luôn rồi. Trời chưa sáng là anh Sầm Ly đã dậy, tôi nghe tiếng anh ta ho khún khắn và mở cửa. Tôi “nướng” đến khi trời sáng thì dậy chui vào bụi giải quyết nhu cầu (may mắn lắm đó) bởi vì sau đó người dân kéo đến xem tôi. Tôi tắm dưới suối xong phải ra dấu cho họ đi nơi khác để tôi chui vào lều thay đồ thì họ mới đi đấy.

Anh Sầm Ly gọi tôi vào ăn cơm. Tôi ngồi cạnh anh ta cùng 2 người đồng nghiệp. Thêm một người nữa đến, anh ta ra dấu bảo tôi ngồi xích lại gần anh ta cho người kia ngồi. Hôm nay anh Sầm Ly mặc quân phục công an nên trông càng đẹp. Dân Lào quả là có một đặc điểm rất lạ. Họ ăn ít và ngủ ít. Không hiểu sao họ vẫn có thể sống được. Mọi người ăn xong và lần lượt đứng lên đi hết. Còn lại có mình tôi và anh Sầm Ly. Tôi ăn nhiều nên ở lại là đúng rồi. Không hiểu sao anh chàng có nụ cười đẹp vẫn ngồi ăn mãi mà chưa chịu đứng lên thế nhỉ? Anh ta cứ luôn miệng bảo tôi rằng đi xe đạp nhọc lắm nên ăn im im một chút (“im” tiếng Lào nghĩa là “no.”) Tôi ngạc nhiên vì thấy anh ta ngồi ăn mãi, chả giống một người Lào tí nào. Tôi cũng ngồi ăn mãi để xem anh ta ăn đến khi nào no. Tôi có thể ăn sáng thật no kia mà bởi tôi thích ăn vào sáng sớm.

Có lẽ chúng tôi sẽ ngồi ăn mãi nếu không có một anh chàng bước vào và dụ chở tôi vào Bản Thẳm chơi. Bây giờ tôi hiểu vì sao anh Sầm Ly 43 tuổi mà vẫn chưa có vợ, đơn giản là anh ta không biết “tán gái.” Tôi thích anh ta bởi anh ta có nụ cười lương thiện và tôi cảm thấy anh ta cũng thích tôi nữa. Vậy mà anh ta ngay cả nhìn tôi cũng không dám nữa mặc dù cái nhìn của anh ta cũng đẹp như nụ cười của anh ta vậy. Anh chàng kia thì đòi chở tôi đi chơi còn anh ta thì bảo anh ta ở nhà làm việc dù hôm đó là chủ nhật. Tối hôm trước người đàn ông ở Bản Thẳm biết hôm sau tôi đến Hang Tượng Phật Đồng Đen nên hỏi anh ta có đi không (chắc muốn bảo anh ta chở tôi đi, anh ta nói anh ta làm việc.) Hèn chi không có vợ là phải.

Anh ta đúng là một người đàn ông theo khuôn mẫu cũ, nam nữ thọ thọ bất thân. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình được quý trọng, bởi anh ta tôn trọng tôi, không tìm cách chạm vào tôi, không sàm sỡ với tôi như những người khác; dù thế tôi vẫn cảm nhận là anh ta quý tôi lắm. Cái anh chàng kia ngồi nhìn hai đứa tôi ngồi cạnh nhau ăn cơm và ra dấu hỏi gì đó, tôi nghe tiếng Lào dĩ nhiên là không hiểu rồi. Anh Sầm Ly ngồi im không trả lời. Anh ta lấy tay ra dấu tôi và anh Sầm Ly là một cặp à. Tôi ngạc nhiên bởi vì anh ta mới gặp tôi lần đầu, tự nhiên hỏi thế, tiếng Việt gọi là vô duyên ấy. Tôi bất ngờ và nhìn qua anh chàng có nụ cười đẹp. Anh ta ngồi im chả nói gì cả.

Lúc từ Bản Thẳm ra, tôi thu dọn đồ đạc và lấy ra một món đồ sẽ tặng anh Sầm Ly. Tôi lấy cái móc điện thoại có hình một điếu thuốc cháy dỡ và một cái đầu lâu ra. Tôi dựng xe trước nhà và cầm sẳn món đồ tặng. Thấy tôi, thay vì ngồi nói chuyện, anh ta lại lúi húi đi…… nấu cơm. Tôi ngồi nghỉ trên băng ghế ngoài hàng hiên lộng gió và lấy sổ tay ra ghi chép. Anh ta thỉnh thoảng hỏi tôi gì đó. Tôi không hiểu. Anh ta khen cái món đồ tôi đang cầm trên tay đẹp. Tôi đưa cho anh ta và ra dấu nói là tôi tặng anh ta. Các bạn có tưởng tượng ra hay không: anh ta lui cui lôi sợi dây tượng Phật đang đeo trên cổ ra, ah lúc ấy tôi mới thấy anh ta đeo sợi dây ấy chứ nếu anh ta không lấy ra thì ai mà biết, sau đó anh ta móc quà tặng của tôi vào sợi dây tượng Phật đang đeo một cách cẩn thận. Tôi thấy buồn cười quá nên chả dám nhìn anh ta (nếu không tôi phá lên cười mất) mà chăm chú vào quyển sổ trước mặt.

Lúc tôi ngẩng lên, anh ta đi đâu mất tiêu. Rồi tôi thấy anh ta xách một thùng nước từ đâu đi về. Sao không xuống suối lấy nước lên nấu cho gần nhỉ? Tôi sợ tôi mà ở đó thêm thì sẽ đi không nổi bởi vì tôi thật sự quý mến anh chàng có nụ cười và ánh nhìn đẹp này vô cùng. Nhưng các bạn biết rồi đấy, tôi không thể ở lâu một chỗ được. Tôi mà ngồi ăn cơm chung với anh ta thêm một bữa thì tôi sẽ lại ngủ ở đó thêm một đêm, ngủ ở đó thêm một đêm rồi lại ngủ thêm một đêm nữa nên tốt hơn là đi càng sớm càng tốt. Tôi dẹp sổ và đứng lên nói tôi đi đây. Anh ta ngạc nhiên bảo tôi ở lại ăn cơm đã. Tôi nói đã ăn rồi ở Bản Thẳm. Anh ta có vẻ ngạc nhiên bởi vì tôi vừa ăn sáng khoảng 8h và lúc ấy mới 11h30 thôi; quả thật cái anh chàng kia rủ tôi ăn lúc 10h30 rồi, lại là món cá nên tôi không thể từ chối.

Lạ thật, lúc ấy anh ta mới hỏi tôi tên gì và tôi mới nhớ ra mà hỏi anh ta tên gì. Anh ta bảo tên Sầm Ly. Cái tên của anh ta cũng đẹp làm sao!!!! Tôi xin chụp anh ta một tấm ảnh. Không chia sẻ tấm ảnh này với các bạn đâu bởi vì tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Anh ta đứng cho tôi chụp xong rồi bảo rằng anh ta không đẹp bởi đang mặc quần tà lỏn áo thun ba lô và đang thổi lửa nấu cơm. Tuy nhiên khi bạn đã quý mến ai rồi thì dù họ có ăn mặc thế nào, các bạn vẫn thấy họ thật đẹp.

Tôi thật sự quý mến anh công an Lào có tên là Sầm Ly này. Bài viết này được tôi viết sau đó cả tuần lễ nên tôi nói thêm một điều mà tôi không ngờ đã xảy ra với mình, đó là hằng đêm tôi chìm vào giấc ngủ cùng với nụ cười đẹp của anh ta. Chả lẽ bây giờ tôi quay lại Thakhet và bảo anh ta rằng tôi quý mến anh ta sao????

Kỳ sau: Lại về Lào (8): Khám phá hang động ở Thakhet

Lại về Lào (6): Loanh quanh ở Thakhet

 Kỳ trước: Lại về Lào (5): Thakhet, một Huế của Lào

Tôi đến Thakhet vào buổi chiều sau khi ngắm chán chê cây cầu hữu nghị 3 Lào-Thái. Tôi chạy loanh quanh ở bờ sông và tìm thấy một nơi lý tưởng để cắm trại; một bên là sông Mê kong, một bên là nhà dân. Lúc tôi đến thì trời tối nên tôi loay hoay cắm trại trong bóng tối mà không ai thấy. Sắp xếp xong thì tôi lọ mọ leo xuống sông từ trên bờ (bờ nằm cách mặt nước khá cao) để tắm thì bị một người dân gần đó ra ngoài hóng mát trông thấy (thực ra tôi thấy anh ta trước nhưng trông anh ta có vẻ giống dân địa phương nên không cần trốn làm gì, chứ lúc ấy tôi mà ngồi im re trong lều, không ra ngoài thì anh ta cũng chả thấy mà “bò” tới). Hắn hỏi tôi người Việt hay Lào. Tôi nói người Việt. Hắn nói tiếng Việt giọng Huế nhưng bảo mình là người Lào, do làm ăn với người Việt nên biết tiếng Việt. Hắn cứ luôn miệng bảo tôi ngủ ở đây không được đâu, công an bắt???? Tôi hỏi vì sao công an bắt. Hắn bảo không biết nói thế nào. Tôi nghĩ bụng rằng hắn mà dám nghĩ tôi là gái mại dâm thì tôi chửi tiên sư 7 đời nhà hắn luôn.

Tôi leo xuống dưới để tắm, nhìn quanh quất không thấy ai cũng chả thấy hắn ở đâu, nghĩ bụng hắn bỏ vào nhà rồi, trời tối mà không có ai nên tôi cởi đồ ra tắm luôn. Mát dễ sợ nhưng vừa tắm vừa sợ có cái gì đó dưới sông….. kéo tôi xuống nước (tôi mỗi khi ra sông suối hay biển là hay nghĩ vớ vẩn như vậy lắm.) Tắm xong, tôi lọ mọ leo trở lên. Vừa đến bờ thì hắn từ đâu chui ra lại bảo không thể ngủ ở đây đâu (có khi nào thằng cha này rình tôi tắm không vậy mà canh đúng thời điểm chui ra đến thế!!!) Gã cứ luôn miệng bảo không ngủ ở đấy được chứ không bảo tôi vào nhà gã ngủ là sao nhỉ?

Tôi mặc kệ gã, chui vào lều ngủ trong tiếng tụng kinh bằng micro của các nhà sư vọng sang từ Thái Lan.

Mới sáng sớm, gã thanh niên lúc tối đã đến cùng thêm một người dân nữa. Lại bảo không ngủ ở đấy được. Ghét quá!!! Từ đấy, ai hỏi gì tôi cũng cấm khẩu luôn, hoặc cứ bảo không biết “bo hu.” Bọn họ hỏi chán nên bỏ đi.

Tôi leo xuống sông gội đầu, có một ngư dân lúi cúi làm gì đó trên thuyền của anh ta. Khi tôi lên bờ, anh ta cũng lên bờ và cũng lại hỏi. Anh ta bảo ở Thakhet có nhiều con nghiện lắm. Ngủ lung tung, chúng thấy sẽ mò đến đòi tiền hoặc cắt cổ để cướp đồ.

Tôi thuộc dạng “điếc không sợ súng” do không đọc được báo địa phương nên ai viết gì cũng chả biết, chứ ở Việt Nam chẳng dám đi bụi kiểu nầy tí nào đâu. Thế mới biết, báo chí có lợi mà cũng có hại vô cùng. Cái hại ở đây là làm mọi người sợ hãi, mất lòng tin vào tất cả mọi người xung quanh; bước chân ra đường là nơm nớp lo sợ, thấy ai cũng cảnh giác. Ở Lào cũng có những vụ án tương tự nhưng tôi không biết gì cả, do có đọc được báo đâu mà biết, tôi đi và sử dụng trực giác, ăn bờ ngủ bụi mà đến nay vẫn bình an vô sự. Tóm lại, báo chí nhiều khi nói thái quá làm cho con người thêm sợ và lúc nào cũng sống trong sợ hãi và cảnh giác.

Thu dọn xong hành lý, tôi đạp xe tham quan Thakhet và thưởng thức món bánh mì Lào nhưng mang phong cách Việt Nam.

Bánh mì thịt ở Thakhet thật đặc biệt. Ở bánh mì to như bánh mì Baguette nhưng ngắn hơn một tí, bên trong nhét đầy thịt, giò chả, dưa leo, ngò, có giá 12-13 ngàn kíp.

Tôi mua bánh mì ở một bà bán ở một trong bốn góc đường của quãng trường chính. Quán của bà khá đông khách nên lần đầu đến, thấy đông quá, tôi bỏ đi, đạp xe loanh hoanh chụp hình đã đời rồi mới quay lại mua. Nghe bà nói tiếng Việt với vài khách hàng, tôi ngỡ bà là người Huế nhưng bà bảo bà sinh ra và lớn lên ở Lào.


Nếu muốn thưởng thức bánh mì Baguette thịt của bà các bạn đến quãng trường trước 9h sáng. Đi hết cả bốn góc quãng trường thì thế nào cũng thấy hàng bánh này. Quãng trường này không lớn lắm nên việc đi dạo một vòng vào buổi sáng ở một nơi cổ kính rêu phong thì cũng đáng lắm chứ!!!

Nếu không các bạn cứ đi loanh hoanh Thakhet cũng sẽ gặp nhiều quầy bán bánh mì thịt khác, dù không đắt khách bằng. Nếu từ bờ sông, đi thẳng qua quãng trường và đi dọc con đường chính ở đây, gặp ngã tư đèn giao thông đầu tiên, rẽ phải và đi theo con đường này một tí, các bạn sẽ thấy vài hàng bánh mì thịt như thế nằm san sát nhau.

Tôi dừng lại ở một nơi có mái che trên bờ sông Mê kong, đối diện xéo khách sạn Me kong để gặm ½ ổ bánh mì( ổ bánh lớn lắm nên mỗi lần chỉ ăn nỗi ½ ổ dù tôi ăn nhiều lắm đấy.)



Khi tôi ăn xong và lấy sổ tay ra hí hoái viết thì có một thằng nhóc chạy xe máy ngang qua, thấy tôi vòng trở lại, đậu xe ngay bên ngoài và nói chuyện điện thoại với bạn bè. Hắn bảo có một người nước ngoài đi một mình, chắc hắn bảo bạn bè đến “thịt” tôi. Có một tên khác đi xe ngang qua (không cùng bọn bởi chúng không nói chuyện với nhau), thấy tôi nên ghé vào, ngồi bên cạnh, tôi chả thèm để ý, ngồi chán, hắn bỏ đi. Gã bên ngoài gọi điện thoại liên tục. Tôi viết xong nên cũng đứng dậy đi.

Tôi đi ra chợ Na Bô thì gặp một chị người Huế bán bánh canh ở trước cổng chợ 12 năm rồi, cũng sử dụng loại mộc 30 ngày như tôi.


Chị bảo công an Lào ngày nay ăn hối lộ ghê lắm (bọn họ toàn là sang Việt Nam du học và về áp dụng lại với chính người Việt đang sinh sống tại đây chứ trước đây bọn họ lương thiện và lam lũ lắm.) Chị bảo họ ăn thế mà không hiểu đi tu để làm gì. Theo phong tục của họ thì tất cả nam giới ở Lào trong đời có ít nhất một lần vào chùa tu tối thiểu 3 tháng nếu không thì làm việc gì cũng không xong. Nếu lúc nhỏ đi tu làm chú tiểu rồi thì lớn khỏi đi, nếu không thì cho dù có lấy vợ cũng phải đi.

Chị bảo khu chị ở có một anh công an ăn hối lộ kinh hồn nhưng trời bắt anh ta phải trả giá. Anh ta bị tai nạn giao thông, bể hết cả đầu (chấn thương sọ não ấy) và bây giờ phải đi xin tiền người Việt (những người bị anh ta hoạch họe trước đây). Tôi hỏi ăn hối lộ thế mà sao không có tiền. Chị bảo anh ăn bao nhiêu là tiêu sạch vào gái gú rượu chè bấy nhiêu nên chả còn tiền.

Chị bảo ở Thakhet bọn xì ke nhiều vô số kể (hú vía là tôi ngủ ở bờ sông mà không bị bọn chúng bắt gặp), đặc biệt là bọn thanh niên, chúng hút nhiều quá. Cũng đúng rồi bởi vì ở Lào hầu như không có gì cho thanh niên tiêu khiển cả.

Bánh canh chị bán 5 ngàn kíp/tô, giống loại bánh canh mà tôi ăn ở Nongkhai, Thái. Tôi bảo chị sang Thái bởi vì người Thái ăn món này nhiều lắm. Chị bảo Thái khó hơn Lào, không cho sang đấy bán hàng đâu. Như chị ở Lào, ngồi một chỗ thì không sao chứ đẩy xe đi lòng vòng là bị công an tóm bắt nộp tiền rồi. Công an Lào cấm người Việt chạy xe loanh hoanh bán hàng. Hèn chi không có ai dám chạy xe ra ngoài đường quốc lộ mà lượm ve chai cả. Chị bảo mấy cô gái sang làm móng cũng phải canh buổi trưa khi họ nghỉ rồi mới dám đạp xe lòng vòng chứ họ mà bắt được thì phạt nhiều tiền lắm. Toàn là kiếm chuyện để phạt thôi. Có lần họ bắt hơn 10 chục người Việt ở quá hạn, họ bắt mỗi người nộp phạt 150 đô Mỹ. Lần ấy lãnh sự quán Việt Nam phải can thiệp, bảo họ rằng người Việt mà có phạm tội gì thì theo pháp luật của Lào chỉ phạt từ 50-70 đô Mỹ thôi, tại Thakhet mỗi lần phạt 100 đô đã là nhiều rồi mà bây giờ tăng lên 150 đô là quá đáng. Đó là một trong số lần hiếm hoi lãnh sự quán Việt Nam can thiệp để bênh vực công dân của họ đấy các bạn. Thế mới biết kiếm được đồng tiền nơi đất khách cũng lắm nhiêu khê!!!!

Ở quá hạn tại Lào bị phạt thế rồi mà khi về đến cửa khẩu Việt Nam, mấy thằng điên ở cửa khẩu Chợ Lò (Nghệ An) và Lao Bảo (Đông Hà) lại bắt mỗi hộ chiếu nộp cho chúng 50 ngàn đồng do ở quá hạn 30 ngày. Buồn cười chưa, mỗi hộ chiếu có giá trị 5-10 năm, công dân Việt Nam không quá hạn hộ chiếu thôi chứ, mắc gì bắt họ nộp phạt. Biết là việc nộp 50 ngàn là tiền hối lộ nhưng họ vẫn nộp. Tôi bảo tôi qua lại cửa khẩu toàn miễn phí, có phải nộp tiền gì đâu. Chị bảo biết là không phải nộp tiền nhưng ai cũng sợ trễ xe nên cuối cùng nộp hết.

Chia tay chị, tôi lại đạp xe đi. Vào một con đường đang sữa chữa về hướng chợ cây số 3, bụi mù trời, gặp một đám ma của Việt Kiều.


Tôi vừa đi vừa chụp hình các hàng quán của người Việt trên con đường này, nào là nhà hàng, quán karaoke, quán cà phê, nhà trọ,… thì một người đàn ông bước ra từ một ngôi nhà gọi: Dung, Dung. Thì ra đó là anh Dũng, buôn gỗ người Quảng Trị mà tôi gặp ở B. Phon Phon.

Đó là nhà nghỉ Thanh Tuyền của một người Huế. Trong đó có vài người Việt đang ngồi nói chuyện, cũng là người Huế.


Anh Dũng móc túi ra đưa cho tôi quyển từ điển Việt-Lào-Việt, bảo rằng mới vào nhà sách mua lúc sáng, trưa hôm nay dự định quay lại B. Phon Phon để tặng tôi nếu tôi còn ở đó. Chị chủ nhà nghỉ, tên là Ty bảo sao không mua sách cho vợ anh ta hay cho bất kỳ người nào trong đám họ mà lại mua cho tôi, một người mới gặp. Anh ta bảo là vì anh ta hâm mộ tôi quá và anh ta nói đùa: Dung là người mà cả Việt Nam phải quan tâm chứ có riêng gì anh ta đâu.

Anh Dũng bảo tôi ghé thăm Hang Tượng Phật Đồng Đen mới được phát hiện khoảng 3 năm nay thôi, nơi này linh thiêng lắm. Anh ta bảo tôi nghỉ tại nhà nghỉ ấy, sáng hôm sau anh ta sẽ lái xe chở đi thăm. Tôi hỏi thăm đường đến đó và bảo nếu muốn đi thì tôi sẽ tự đạp xe.

Khi tôi hỏi việc qua cửa khẩu bị vòi tiền 50 ngàn do ở quá hạn 30 ngày là sao? Anh ta bảo có lần anh ta “cương” lên không chịu nộp. Vậy là bọn điên ở hải quan lịch sự lắm mời anh ta ngồi chờ sếp ra giải quyết. Họ bỏ mặc anh ta ngồi đó từ 8h sáng đến 11h trưa. Anh ta cuối cùng chịu thua móc tiền ra đưa thôi. Nếu là tôi thì tôi cắm trại ngủ luôn tại hải quan để xem họ phải mất mấy ngày mới đóng xong cho tôi cái mộc về nước.

Anh Dũng kể chuyện đi buôn gỗ lậu bị công an Lào rượt. Khi xe chở gỗ thì họ có ra tín hiệu kiểu gì bắt anh ta dừng lại cũng không dừng, anh ta cứ làm như không nhìn thấy họ và cứ phóng xe vun vút, cán gãy thanh chắn của họ luôn. Anh ta mỗi lần chở gỗ đều thủ theo “vũ khí.” Lúc là một nắm các hòn bi, lúc thì là mấy trứng gà. Anh ta toàn chạy xe tốc độ 150-160 cây số nên bọn họ cũng phải chạy theo tốc độ ấy để rượt anh ta. Khi ấy anh ta mở cửa ném một nắm bi vào kiếng xe họ. Xe đang ở tốc độ cao nên cửa kiếng bể nát, họ phải dừng xe. Hoặc anh ta ném cho họ hai quả trứng gà. Ở tốc độ cao nên trứng bể nát, họ dùng kính gạt nước thì cả tấm kính bị lòe hết, không thấy đường chạy nên đành dừng lại. Thậm chí có lần họ lấy súng bắn rầm rầm, may là anh ta chở gỗ cao quá đầu nên không sao. Tôi hỏi sao họ không bắn bể lốp xe. Anh ta bảo chắc họ sợ anh ta bị lật xe chết. Vậy họ vẫn còn nhân đạo quá chứ!!!! Có khi họ trang bị sẳn hai ba xe nấp sẳn chờ xe anh tới thì phóng theo, vậy mà vẫn không rượt kịp.

Tôi nghĩ chắc bọn công an muốn anh ta sống để hối lộ cho bọn họ hay sao ấy chứ nếu muốn bắt thì bắt thôi. Tôi mà là chỉ huy nơi ấy thì ngay tại trạm kiểm soát sẽ căng luôn một tấm bảng chữ thật lớn: KHÔNG DỪNG XE, BẮN. Mỗi lề đường, tôi cho 10-20 tay thiện xạ chờ sẳn. Xe nào không dừng là chíu chíu vào lốp xe liền. Xe chạy ở tốc độ 1 ngàn cây số/giờ thì cũng dính đạn huống chi là có 150. Cứ xử khoảng chục thằng chở gỗ lậu kiểu ấy thử xem còn thằng nào dám đi buôn nữa không? Xử xong bọn buôn gỗ lậu mà có bắt tôi đem ra pháp trường xử tử tôi cũng chịu nữa bởi vì nhiệm vụ của tôi tại trạm ấy là ngăn bọn chở gỗ lậu thì tôi phải chặn bọn họ chứ, nếu cứ lo sợ này nọ thì về hưu quách cho rồi, ở đó làm gì cho thêm “nhục.”

Tôi buồn cười nhất là trước khi chia tay mọi người lên đường để đi chở gỗ, anh Dũng hỏi tôi là: người như Dung thì có bao giờ khóc không vậy??? Tôi nói dĩ nhiên rồi, lúc nhỏ tôi là người khóc dai nhất, mỗi khi khóc là khóc đến mấy…. ngày (các bạn không tin chứ gì). Trong gia đình tôi ai cũng ngán mỗi khi làm cho tôi khóc đấy bởi vì tôi khóc đến mấy ngày theo quy trình sau: khóc đến khi ăn thì dừng khóc để ăn, ăn xong lại khóc tiếp, đến khi ngủ thì dừng khóc để ngủ, ngủ dậy lại khóc tiếp, đang khóc mà có chuyện gì buồn cười thì dừng lại để cười, cười xong lại khóc tiếp,….Hahaha Bây giờ người nhà tôi còn nhắc mãi…… cái điệp khúc khóc của tôi đấy!!!!

Anh Dũng bảo cái đó là hồi nhỏ còn bây giờ kìa, có khi nào khóc không? Theo các bạn, tôi có biết khóc không vậy???

Kỳ sau: Lại về Lào (7): Bị “sét đánh” ở Bản Thẳm, Thakhet

Lại về Lào (5): Thakhet, một Huế của Lào

 Kỳ trước: Lại về Lào (4): Đạp xe đến B.Phon Phon, ngủ 5 đêm và cây cầu hữu nghị Lào Thái 3

Thành phố Thakhet thuộc tỉnh Khammouane.

Người Việt ở khắp nơi trong thành phố này, đặc biệt là người Huế mà một người Việt tại đây đã nói đùa với tôi rằng: người Huế ở đây không đông nhưng nếu lấy tiểu liên ra bắn thì cả tuần lễ vẫn chưa bắn hết.

Dấu ấn người Việt tại Thakhet thể hiện qua những chiếc nón cói bộ đội cụ Hồ, thể hiện qua các bảng hiệu tiếng Việt như cắt tóc gội đầu, Phở Bắc, bún bò, bánh canh, nhà hàng, nhà trọ… thể hiện qua giọng nói trọ trẹ của người miền Trung.





Thakhet, một Huế của Lào thể hiện qua những con đường nho nhỏ rợp bóng cây cổ thụ

Con đường dọc sông sông đầy những cây cổ thụ và hàng quán (khác là ở Huế, bên kia sông vẫn là Huế; ở Thakhet, bên kia sông là Thái Lan)



Những kiến trúc cổ kính, rong rêu



Những ngôi nhà một tầng mang phong cách Pháp



Những con hẻm vắng lặng

Những người bán bánh mì thịt trên lề đường

Không khí vắng lặng thanh bình

Dáng cây nghiêng nghiêng cạnh bờ sông


Thakhet vẫn còn giữ lại rất nhiều những tòa nhà có kiến trúc Pháp, đặc biệt là ở khu vực xung quanh quảng trường.


Tương tự như ở Huế, Thakhet không có những ngôi nhà cao tầng. Các tòa nhà có kiến trúc Pháp chỉ có một tầng lầu mà thôi.

Tuy nhiên Huế trong ký ức của tôi 5 năm về trước không có nhiều xe hơi như Thakhet bây giờ.


Thakhet có nhiều cây xanh và dân số không quá đông nên khách tham quan có được cảm giác nhẹ nhàng, êm ả khi đến với Thakhet.

Tôi yêu Thakhet!!!

Kỳ sau: Lại về Lào (6): Loanh quanh ở Thakhet