Kỳ trước: Đạp xe từ Calcutta đến Bodhgaya (Phần 8): Làng Dumri đón tiếp nồng nhiệt
Này đừng tưởng người nghèo ở Ấn
độ không có tiền gửi ngân hàng nhé!!! Cảnh này chụp tại làng Dumri đấy. Họ đang
xếp hàng để vào giao dịch với ngân hàng đó!
Ra khỏi làng Dumri, tôi lại đạp
nhởn nhơ trên đường quốc lộ NH 2. Lại vừa đi vừa chụp cảnh.
|
Ròng rọc kiểu Ấn. |
|
Đồng ruộng thanh bình. |
|
Đẹp chửa? |
|
Cửa hiệu có tên ấn tượng. |
Hôm ấy trời mưa nắng thất thường,
chợt mưa rồi chợt nắng. Tôi dừng lại ở một xe nước mía bên đường để uống Rs.
10/ly.
Mấy thằng bé cứ bám theo miết, bực cả mình. Tôi bỏ đi mà chúng đạp xe
bám theo mãi. Trời mưa, tôi dừng thì chúng cũng dừng. Trời nắng, tôi đi thì
chúng cũng đi. Đã thế một ông cụ nghe lời chúng nên đến xòe tay ra xin tiền một
cách lịch sự vô cùng: “Good morning, sir. Please give me 2 rupees.” Thật là tức
điên các bọn nhãi ranh!
Tôi cứ chạy qua hết thị trấn này
đến thị trấn khác. Do tôi trùm mũ nón kín mít, mặc đồ như nam giới nên họ tưởng
tôi là đàn ông (không có đeo nữ trang mà) nhưng mấy cái vòng ở chân (cháu chị
Đêbi đeo cho mà tôi không tháo ra được) kêu leng keng thì họ phát hiện tôi
là……..nữ nên khi đạp xe ngang qua họ, tôi nghe có người kêu lên thảng thốt: A
lady! Có quái gì mà kinh ngạc thế nhỉ?
Trên đường tôi còn chụp cảnh dệt
vải này nữa nè. Người dệt thò chân xuống cái hố và dệt từ vải cũ. Thật là cảnh
lạ lùng lần đầu tôi mới thấy đấy.
|
Có cả bảng giá và số điện thoại nữa đây. |
Thần Vishnu được tạc thật to và
đặt ngay cạnh đường quốc lộ luôn nè! Ngoài biểu tượng này thì con bò đực (bò có
bú trên lưng) cũng là hóa thân của thần Vishnu (đó là lý do mà bọn Hindu không
ăn thịt bò)
Tôi đạp mãi thì đến ngã ba. Thay
vì đi dọc theo quốc lộ, tôi lại rẽ vào lối đi Barhi vì nghĩ từ đây chắc đi
Bodhgaya cũng được. Để chắc ăn, tôi vào thị trấn Barhi rồi hỏi đường mấy cha
cảnh sát giao thông rằng phải lối này đi Bodhgaya không? Họ gật đầu. Tôi đinh
ninh là đúng nên cứ thẳng đường mà chạy (sau khi mua 1 kg nho xanh Rs 50)
Lối đi qua một hẻm núi, đẹp vô
cùng!
Rồi cứ thế đường núi mà lên rồi
xuống dốc. Lúc ấy trời đã nhá nhem, nên vừa đi tôi vừa kiếm nơi ngủ. Không dám
cắm trại ngủ bậy bạ trên núi, tôi chạy miết đường núi, hết núi thì ra đường
tỉnh lộ. Tôi đi trong bóng đêm. Toàn chạy dưới lề. Xe tải qua lại rầm rầm,
đường nhỏ xíu mà hai làn xe chạy, ớn thấy mồ nên chạy dưới lề. Mà chạy dưới lề
thì dễ tông luôn xuống ruộng nên tôi chạy cực chậm với hai cây đèn pin. Đã thế
ban đêm trời lại lạnh nên mặc áo trùm kín mít.
Đường này không có đèn đường. Qua
mấy thị trấn cũng không thấy đèn. Tôi cứ đi dừng lại hỏi thăm đền Hindu để ngủ.
Ban đêm, tối thui cũng khó thấy. Có một cái ngay bên đường nhưng trông không an
toàn (nhỏ xíu, không ai ở cả, sát đường lộ, tường thấp nên ai muốn vào thì nhảy
vào dễ ẹt) nên tôi hỏi thăm xong lại bỏ đi.
Tôi đi miết đến một đoạn đường
đang sửa. Trời đã đường tối thui khó chạy mà thêm sửa đường nữa thì………
Đi miết, tôi cũng đến một thị
trấn sáng đèn. Thoáng qua mắt tôi là một tiệm tạp hóa có một người đàn ông trẻ
đang bán hàng. Anh ta vừa chợt cũng nhìn thấy tôi. Cái nhìn chỉ lướt qua trong
vòng chưa đến 1 giây nhưng tôi cảm nhận người đàn ông đó có vẻ hào hứng với tôi
và muốn tôi dừng xe để “tám.” Chạy qua vài gian hàng rồi, tôi đổi ý, dừng xe
lại và tìm khách sạn để ngủ. Tôi còn chưa biết hỏi ai thì chợt thấy tiệm tạp
hóa nên chạy xe luôn vào. Quả như tôi dự đoán. Đó là một thanh niên và anh ta
vừa thấy tôi đã chìa tay ra bắt ngay, khi tôi còn chưa kịp xuống xe.
|
Tiệm tạp hóa |
|
Bảng hiệu |
Tôi hỏi tìm khách sạn. Anh ta nói
ngay: Be my guest, please! Tôi không hiểu vì không tưởng tượng nổi là sao có
người mời mọc như thế khi chưa biết gì về mình cả, mới có bắt tay có một cái mà
tôi lại mang găng tay cơ. Tôi không hiểu nên nói tôi đang trên đường đi
Bodhgaya nhưng trời tối rồi nên muốn tìm khách sạn ngủ. Anh ta ra dấu bảo tôi
từ từ đã, và chỉ ghế cho tôi ngồi xuống, dường như anh ta sợ tôi bỏ đi mất hay
sao ấy?
Thôi kệ, nghỉ mệt cũng được! Tôi
ngồi xuống ghế, lột nón ra cho thoáng. Anh ta bán hàng xong thì quay sang hỏi
chuyện, bảo rằng đi thẳng cũng đến được Bodhgaya nhưng xa hơn nhiều so với quay
lại Barhi, rồi từ Barhi đi thẳng quốc lộ 2. Khi biết mình phải quay lại, tôi
thấy hơi……thất vọng. Anh ta trấn an: không sao, sáng mai quay lại đi Bodhgaya
cũng được, bây giờ ngủ lại đây một đêm. Tôi hỏi: ở đây có khách sạn không? Anh
ta lại chỉ vào tiệm của mình và nói: Be my guest, please! Tôi nhìn quanh; tiệm
đầy hàng, chỗ đâu mà ngủ, chắc ngủ trên lầu chăng? Thôi kệ, tôi thấy anh ta
cũng dễ mến nên ngồi đó luôn.
Anh ta hỏi tôi học ngành gì và tự
giới thiệu mình học địa lý, 30 tuổi, đang muốn tìm việc ở các cơ quan nhà nước.
(Ở Ấn độ, làm việc cho nhà nước lương cao hơn làm cho tư nhân nên
thường sau khi tốt nghiệp, người ta nghĩ ngay đến đi làm cho nhà nước; ai tệ
lắm mới phải làm cho tư nhân; lương cơ bản làm cho nhà nước là khoảng 400 đô
Mỹ.)
Nơi đó là làng Chamdwara và từ đó
đến Barhi là khoảng 15 cây số. Từ Barhi đến Bodhgaya khoảng 65 cây số. Còn nếu
đi từ làng này thì phải đến Patna, rồi từ Patna đi vòng xuống Bodhgaya.
Trong khi tôi ngồi chờ thì một
phụ nữ ra, anh ta giới thiệu mẹ mình. Bà ta ngắm nghía tôi một hồi thì đi vào.
Sau đó một cô gái ra, mặt có vẻ vui vui, hỏi gì đó, chắc là hỏi xem người nước
ngoài là người nào. Anh ta chỉ tôi. Cô gái bảo tôi đẩy xe ra sau; thì ra nhà họ
nằm phía sau cửa hàng. Anh chàng bán hàng, sau này tôi nghe người trong nhà gọi
anh ta là Babu (Babu tiếng Hindi nghĩa là đứa bé- anh ta là con trai duy nhất,
chắc gia đình cưng quá nên gọi thế chăng?) ra dấu cho tôi đẩy xe theo, rồi mở
cửa hông để tôi cho xe vào.
Vậy là tôi vào nhà họ. Họ đang
làm bánh chappati; tôi sáp lại ngồi nhìn. Họ mời tôi uống trà. Tôi bảo tôi
thích món này lắm. Cô gái, sau này tôi biết tên là Abha, 26 tuổi, thạc sỹ công
nghệ thông tin, con út trong nhà, chưa có gia đình, điện thoại cho mấy chị của
mình và kể về chuyện của tôi cho họ nghe; thậm chí kể cho họ nghe cả từng câu
nói của tôi cơ. Abha có giọng cười rất vui nhộn và vô cùng đặc biệt mà tôi hay
đùa là khi đi tôi sẽ nhớ giọng cười của cô ta lắm đó.
|
Abha |
Bố mẹ Babu và Abha là giáo viên
hưu trí; họ còn 3 người con gái, đã lấy chồng và đang ở nơi khác.
Babu vừa cưới vợ được khoảng 10
ngày (nghe xong buồn 5 phút); cô vợ 25 tuổi, học ngành kế toán, là con gái của
một doanh nhân.
|
Vợ chồng Babu |
Có vẻ như tôi đang ở trong một
gia đình vô cùng trí thức đó.
Dân Ấn độ ở dơ nhưng gia đình này
ở sạch. Khi tôi muốn làm thử món chappati. Abha bảo tôi phải rửa tay bằng xà
bông thì mới cho đụng vào đấy! Ngoài ra cách họ làm thức ăn cũng khoa học hơn
nhiều, nghĩa là ít sử dụng dầu.
|
Nhà bếp |
Tối hôm ấy, Abha có thiết bị 3G
nên tôi hỏi thăm một tí về dịch vụ internet ở Ấn độ. Cô nàng giải thích cặn kẽ
lắm. Cô ta bảo thiết bị của cô ta mua đến Rs 3.000 và mỗi tháng thuê bao mạng
có Rs 96 thôi. Nhưng khi tôi mượn vào mở email thì mạng chạy chậm rì.
Tối Abha nhường phòng của mình
cho tôi ngủ. Abha và mẹ ngủ phòng ngoài. Babu và vợ thì lên lầu ngủ. Lúc đầu họ
định bảo tôi lên lầu ngủ nhưng sau lại đổi ý; chắc họ muốn tiếp đãi tử tế đây
mà.
Babu quả là vô cùng trẻ con. Anh
ta có vẻ hí hửng vì đã “bắt” được tôi, một người nước ngoài. Anh ta cứ luôn
miệng bảo hôm kia hãy đi; hôm sau cứ ở lại nhà anh ta ăn ngủ nghỉ; anh ta sẽ
dẫn đi giới thiệu làng và các trường học nơi đây.
Người Ấn độ thật lạ. Dù tôi bảo
rằng tôi là người Việt Nam
và đưa cả bản đồ cho xem nhưng họ vẫn cứ đinh ninh tôi là người …………Nhật.
Buổi sáng, Babu phụ bố bán hàng
và sắp xếp hàng hóa. Anh chàng có hẹn sẽ dẫn tôi đến các trường học xem nên tôi
chờ. Trong lúc ấy thì tôi vào cửa hàng vừa xem các loại sản phẩm ở Ấn độ, vừa
tìm mua những thứ cần. Cuối cùng tôi mua cũng khoảng Rs 40 nhưng đưa tờ Rs 100
cho ông bố, mãi vẫn không thấy ông ta trả tiền thừa, tôi phải lên tiếng nhắc.
Sau khi “thoát” khỏi ông bố, Babu
lấy chiếc scooter (giống chiếc Spacy ở Việt Nam) và bảo tôi leo lên rồi đi lòng
vòng các trường. Đầu tiên là vào trường tiếng Anh. Trường đang thi. Ông hiệu
trưởng cho tôi xem thử đề thi. Nếu đây là đề thi tiếng Anh thì người ra đề quá
kém. Không hỏi những câu trắc nghiệm về tiếng Anh mà toàn là những câu sử dụng
trí nhớ, chẳng hạn ông nào đó đạt giải Nobel năm nào, sau đó cho bốn đáp án để
lựa chọn. Tôi đọc đề mà……….. toát mồ hôi bởi vì…………… không trả lời được câu nào
cả. Hóa ra tôi phải đi học lại à?
Dù trường đang thi nhưng khi tôi
đến thì ông hiệu trưởng dẫn tôi vào và trịnh trọng giới thiệu rằng tôi là người
……….Đài Loan đang đi tham quan trường. Giáo viên đang gác thi, ông ta bảo ra
chụp hình chung tôi (mang ghế ra ngồi cho trịnh trọng nữa chứ), còn học sinh
đang làm bài thì ngưng làm để ra chụp hình chung tôi. Quả là một buổi thi đáng
nhớ cho tất cả mọi người đây mà!
|
Hiệu trưởng mặc áo trắng |
Đi hết trường tư thì sang trường
công.
|
Giáo viên |
Hết cấp 2 thì sang cấp 1.
|
Cô giáo mặc bộ suite màu hồng là chị của Babu và có bằng thạc sĩ. |
Babu
bảo tôi rằng giáo dục Ấn độ miễn phí từ cấp 1 đến đại học. Thức ăn và đồng phục
miễn phí luôn, nhưng chỉ cho học sinh thôi còn giáo viên thì tự túc ăn.
|
Hai phụ nữ nấu bếp |
|
Nhà bếp |
Sau đó lại sang trường cấp 3.
|
Học sinh vừa thi xong |
|
Các giáo viên |
Buổi trưa, tôi tắm rửa giặt giũ
xong thì được mọi người bảo vào phòng…….cô dâu mới cưới để ngủ. Cô gái mới 25
tuổi mà bị đau bao tử, đang ôm bụng nhăn nhó, vậy mà vẫn không thoát khỏi những
câu hỏi của tôi.
Sau một hồi “tra khảo” thì tôi có
được thông tin sau: thật ra đám cưới của họ là arranged marriage (đám cưới do
mai mối), nhà gái phải trả dowry và lo toàn bộ chi phí tiệc cưới. Gia đình cô
là doanh nhân, còn gia đình chồng là trí thức (toàn là bằng thạc sĩ cả) nên xét
ra cũng xứng đôi vừa lứa.
Ngủ trưa xong tôi đi dạo ra chợ
mua một ít rau củ về cho họ nấu cơm chiều (họ ngạc nhiên hỏi vì sao tôi mua;
tôi bảo vì tôi muốn ăn mấy món này, thế thôi!). Lúc ở làng Dumri, bị mấy cậu bé
“xà quần” nên tôi quên béng việc này, thật ra tôi cũng vô cùng sơ suất khi ở
đó. Nhưng bị “quần” riết cũng phải cuồng chứ!
Buổi chiều Babu lấy xe scooter đi
trả tiền hàng cho bố và nhân tiện chở tôi đến nhà bà con ở thị trấn cách đó
khoảng 6 cây số để chơi và giới thiệu tùm lum tà la.
Anh ta dẫn tôi đến nhà chị cả
chơi. Chị mới 40 tuổi mà có con trai 19 tuổi rồi.
Chị lấy màu pha gạo chấm lên
trán, ý nghĩa là chúc lên đường thượng lộ bình an.
Sau đó Babu dẫn tôi qua nhà ông
chú bà cậu gì đó chơi.
Cậu con trai lớn của chị cả cứ dụ
dỗ tôi ở lại nhà nó ngủ miết. Nó cứ hỏi là tôi có nhất thiết phải đến Bodhgaya
vào hôm sau hay không? Nếu không thì ở nhà nó chơi một đêm. Khi tôi đến thì nó
đang chơi bóng với bạn ở sân, được mẹ điện thoại nên bỏ chơi, chạy vào nhà để
“tám” với tôi.
Khi Babu dẫn tôi đến tiệm để trả
tiền hàng, ông chủ ở đây lấy tấm bưu thiếp của ba cô gái Nhật mà ông giúp đỡ
khi ở ga Howrah,
Kolcutta, ra cho tôi xem. Ông giúp họ tìm đúng tàu và khi về Nhật, họ gửi bưu
thiếp cám ơn. Ông ta tưởng tôi là người Đài Loan nên hỏi ở Đài Loan xài tiền
gì, tôi ngớ người ra và nói không biết bởi vì tôi là người Việt Nam
mà.
Anh chàng Babu này cũng điệu nghệ
lắm, dẫn tôi vào quán ăn chowmin nữa cơ đấy!
Ngoài ra Babu còn dẫn tôi đến
chơi nhà bạn thân của mình nữa.
Ba bu cứ luôn miệng bảo là rất
vui khi có tôi đến ở trong nhà anh ta; anh ta còn bảo sẽ dẫn vợ đi tham quan
Bodhgaya nữa đấy! Gia đình trí thức này có vẻ rất tự hào về Bodhgaya, họ đạo
Hindu nhưng họ tự hào vì đất nước họ là nơi có Đức Phật mới lạ chứ!!!! Mỗi khi
nói đến Bodhgaya, giọng nói của họ không giấu được sự tự hào trong đó. Abha còn
khoe tôi quyển kinh Phật bằng tiếng Anh nhỏ xíu mà cô sử dụng để tụng vào mỗi
buổi sáng nữa cơ!
|
Bố mẹ Babu |
|
Cô bé người hầu của gia đình |
Tối hôm ấy, tôi phải lên lầu ngủ
trả phòng lại cho Abha và mẹ. Phòng trên lầu của tôi cạnh phòng tân hôn của hai
vợ chồng Babu.
Buổi sáng trước khi tôi chia tay
để lên đường thì mẹ Babu dọn ăn sáng là bánh mì với trà sữa (chai); sau đó,
Babu lại dẫn tôi đi khoe tùm lum khắp làng (những người mà hôm qua chưa kịp
khoe) và luôn miệng bảo anh ta vui quá khi tôi ở đây! Bó tay cái anh chàng trẻ
con này luôn!
|
Cùng với mẹ của Babu |
|
Cùng mẹ và Ahba |
|
Cùng vợ chồng Babu |
|
Cùng dân làng |
|
Bà hàng xóm của Babu |
Người ta nghèo mà giáo dục miễn phí. Còn ta lúc nào cũng xưng giàu, tiên tiến mà ...xã hội hóa (dân chịu thì nói mẹ cho nó dễ nghe, còn xã hội xã hiếc !!??)
Trả lờiXóa