Đói meo, tôi cố chạy đến thị trấn
Topchanchi và ghé chợ “chén.” Tại đây, tôi ăn bánh mì tròn nướng trên than cùng
với khoai tây nghiền cà ri; tôi “chén” luôn 5 cái bánh mì, tổng cộng là Rs 15.
|
Bánh mì tròn nướng. |
Sau đó tôi ghé chợ mua dưa leo và củ sắn (thần dược trị nắng nóng), mỗi thứ Rs
20/kg, còn chuối cau có giá Rs 20/nải, tôi không mua.
Quả là nắng của Ấn độ nóng kinh
khủng, chỉ đi một đỗi mà tôi mệt quá chừng nên ghé vào hàng hiên mát mẻ của mấy
căn nhà (thực ra là cửa hàng) đóng cửa mà nghỉ ngơi. Tôi lôi “thần dược” ra ăn.
Một thằng nhóc Ấn độ thấy tôi nên
thập thò nhìn, sau đó nó rủ thêm vài thằng nhóc đến nhìn, sau đó người lớn, phụ
nữ và trẻ em đến nhìn. Mệt mỏi trước trời nắng và trước sự tò mò không đáng có
của người dân Ấn độ, tôi lầm lầm lì lì không nói không rằng, ai hỏi gì cũng
không trả lời, hỏi bằng tiếng gì cũng không đáng. Đó là một hình thức đuổi
khéo, nhưng bọn Ấn độ thì làm gì biết đến hình thức này.
Vài người lớn thấy tôi cứ lầm lầm
lì lì nên nản và kéo đi; bọn con nít cũng thế. Tuy nhiên, bọn họ kéo đi và kể
cho người khác nghe về sự hiện diện của tôi và rồi những người mới kéo đến
………….ngó.
Có một mẹ cứ đến hỏi chuyện, tôi
không trả lời gì cả, cứ ngồi ăn dưa và sắn. Mẹ thấy tôi lầm lì nên đến góc hành
lang kia và ngồi. Khi tôi ăn xong, đứng dậy định lấy xe đi thì mẹ đứng dậy và
chỉ xuống ra dấu bảo tôi nằm xuống đó mà nghỉ mệt (đối với người Ấn độ, mặt đất
với họ là một nên việc nằm dưới đất là chuyện thường ngày ở huyện – năm 2010
khi đi bụi sang Ấn tôi mang theo cái võng để có thể mắc lên ngủ nhưng thấy làm
thế chả giống thằng nào bởi dân Ấn độ toàn nằm đất cả; vì vậy cái võng chưa một
lần được sử dụng.) Mệt, nên tôi không khách sáo mà lấy đồ ra trải dưới đất nằm
ngủ. Mẹ và vài đứa con nít ngồi im ở góc hành lang kia. Lúc đầu nghĩ rằng họ
ngồi đó vì tò mò nên tôi không thèm để ý.
Khi đang thiu thiu, tôi có cảm
giác ai đó đang nhìn nên mở mắt ra thì thấy hai thằng Ấn đang chụp hình tư thế
ngủ của tôi bằng điện thoại di động; tôi chưa kịp phản ứng thì mẹ đứng dậy và
đến nói gì đó với hai thằng này và bọn chúng bỏ đi. Àh, bây giờ tôi hiểu, mẹ và
bọn con nít ngồi kia là canh chừng cho tôi ngủ đấy mà. Dễ thương chưa?
Nằm một hồi đã rồi, tôi đứng dậy
thu dọn và định lấy xe đi thì mẹ bước đến, nắm lấy tay tôi và ra dấu bảo ra
phía sau nhà mẹ ăn cơm. Thấy mẹ là người xa lạ mà thân mật và chăm lo cho mình
quá nên tôi không nỡ bỏ đi. Tôi đẩy xe đi theo mẹ ra phía sau. Thì ra phía sau
dãy cửa hàng là các ngôi nhà và tất cả đều là bà con họ hàng của mẹ cả.
Nhà mẹ ở chỗ khác nhưng mẹ dẫn
tôi vào đây và hỏi các nhà có nhà nào sẳn sàng cho tôi ăn một bữa cơm (đến lúc
ấy tôi vẫn không hiểu phong tục này đâu nhé!!! Mãi vài tháng sau, tôi mới ngộ
ra đấy! Khi một người Ấn mời bạn vào làng hay vào nhà, họ sẽ đi rao khắp làng
là có khách vào làng và hỏi xem có nhà nào muốn “nuôi” bạn hay không, nếu có
người đồng ý nuôi thì bạn được phép ở, nếu không thì bạn chỉ ở đó một tí rồi
đi.)
Mấy người Ấn độ trong các khu nhà
này đổ ra xem tôi và đề nghị tôi chụp hình họ. Cũng giống dân Mông Cổ, dân Ấn
độ ghiền chụp ảnh lắm đó (nhưng so về lòng hiếu khách thì dân du mục Mông Cổ
hiếu khách hơn nhiều, còn dân Ấn độ thì tò mò hơn là hiếu khách.)
|
Bé con (cháu của mẹ-ngồi ghế) đang múa cho tôi xem đấy! |
Cô gái đồng ý nuôi cơm trưa tôi
mới 21 tuổi nhưng cũng phát tướng ghê, cô đang học cao đẳng ngành lịch sử; cha
mẹ cô có đến 5 người con đều đi học cả: 2 trai 3 gái (trời nội lo tiền dowry
cho 3 cô này thôi cũng đủ mạt rồi.) Tôi bảo qua Việt Nam lấy chồng thì khỏi lo tiền
dowry.
|
Con gái (đứng giữa) là người "nuôi cơm trưa" tôi đấy! |
Nhà ở khu này nhỏ xíu, thật ra là
một cái phòng thôi nhưng được ngăn làm hai, bên trong là phòng ngủ và để quần
áo, đồ đạc; bên ngoài thì nấu ăn và tiếp khách. Không hiểu làm sao căn nhà nhỏ
ấy có thể chứa gần chục mạng người được nhỉ? Chắc mùa đông họ ngủ thế mới ấm,
còn mùa hè thì toàn ngủ bên ngoài nên tóm lại họ cần quái gì nhà to cơ chứ?
|
Cơm trưa của tôi. |
Ăn xong, tôi thấy không ai mời
mình ở lại ngủ cả (chắc lúc ấy còn sớm, mới 2h trưa thôi, dân Ấn độ 2h mới ăn
trưa mà) nên lấy quà ra tặng trước khi đi. Tôi lấy vòng tay tặng cho một cô bé
xinh đẹp, kem đánh răng tặng mẹ (lúc ấy không để ý, chứ thực ra dân Ấn cũng có
đánh răng bằng kem đâu, họ lấy nhánh của một loại cây, bẻ ra từng khúc và dùng
nó để chà; có lẽ vì thế mà dân Ấn độ dù ăn nhiều cà ri nhưng răng vẫn trắng chứ
không ố vàng chăng?) và xà bông cục ra tặng cho cô gái chủ nhà.
Cô ấy ghi cho tôi địa chỉ của
ngôi làng ấy như sau:
Đó là làng Deoli, Post: Janglpur,
P.S: Govindpur, District: Ddhanbad, State: Jharkhand, Pin No: 828109
Khi tôi chia tay để đạp xe đi,
bọn họ kéo ra tận ngoài để tạm biệt tôi.
Tôi lại mãi miết đạp xe; trên
đường thấy người ta bán bột màu quá trời, nghĩ bụng: chả biết bọn Ấn độ lấy bột
màu này làm gì nhỉ? Không lẽ họ dùng để chế biến thức ăn sao? Trời ăn kiểu này
chết chắc!
Trời tối, tôi lại tìm nơi ngủ.
Loanh hoanh các làng để kiếm đền Hindu nhưng người dân chả hiểu tôi muốn gì cả
nên tôi hết vào làng này lại quay ra quốc lộ, rồi lại vào cây xăng hỏi chỗ ngủ,
nhưng họ toàn lắc đầu. Cuối cùng khoảng 7h tối, tôi đến một ngôi đền Hindu nằm
ngay trên đường lộ, đóng cửa, nên tôi đến quầy trái cây gần đó ra dấu hỏi vào
đền ngủ được không? Họ bảo được rồi chỉ tôi mở cửa đẩy xe vào. Nhiều thằng Ấn
quay quanh ngó ngó chỉ trỏ bàn luận. Trong đó có một tên nói tiếng Anh khá tốt.
Hắn bảo ngủ ở đây không sao đâu bởi vì đây là đền thờ nên không nguy hiểm.
|
Đền Hindu chụp từ trên sân thượng. |
Tôi hỏi giếng nước rồi sau khi
biết cách lấy nước từ giếng, tôi thấy chỗ này ok nên chuẩn bị căng lều ra. Khi
tôi đang làm thì thằng nói tiếng Anh giỏi (sau này tôi biết tên nó là Gokul) quay
lại và bảo rằng tôi ngủ chỗ này không an toàn mà nên đến nhà nó ngủ. Tôi phân
vân rồi cuối cùng cũng đi theo nó. Thì ra đó là tiệm chụp hình. Họ chỉ cho tôi
cái giường, tôi giăng lều lên xong thì muốn nghẹt thở, đặc biệt khi họ đóng cửa
lại thì chắc chết ngộp.
|
Tiệm của nhà Gokul. |
Khi đi ra nhà bên lấy nước rửa
mặt, tôi hỏi tôi lên sân thượng giăng lều ngủ được không. Nó bảo đợi anh nó về
thì nó xin phép cho. Cuối cùng cũng được. Thì ra đó là một đại gia đình. Nguyên
nhà chia thành hai tầng, mỗi gia đình ở một phòng. Tầng trệt có 4 gia đình,
tầng trên có 3 gia đình. Tôi giăng lều xong thì lấy nước rửa mặt. Sau đó thì
“tám” với nó.
|
Lều của tôi trên sân thượng. |
Ở bên kia đường người ta đốt lửa,
nó bảo hôm sau là Holy Festival (Colors Festival) thì thường đêm trước người ta
đốt lửa. Gokul bảo nó là giáo viên tiếng Anh dạy mấy đứa con nít trong xóm. Khi
tôi bảo nó dẫn đến lớp nó xem thì nó bảo nghỉ lễ mấy ngày lận. Ngoài ra nó còn
kiêm luôn làm thợ chụp và rửa ảnh nữa. Nó chỉ khoảng 25 tuổi mà cũng lanh gớm
nhỉ?
Thực ra gia đình Gokul không ở
tòa nhà ấy mà ở ngay nhà bên cạnh nhưng có bảo toàn là bà con họ hàng nó cả.
|
Ba mẹ Gokul ngồi trong nhà. |
Buổi tối ngoài sân thượng không
chỉ có một mình tôi ngủ mà cả mấy người trong đại gia đình cũng ra đó ngủ cho
mát, họ không cần giăng mùng gì cả, chỉ cần nệm, chăn và gối là có thể ôm nhau
khò.
Tôi ngủ dậy gần như sau cùng, chỉ
trước 2-3 đứa con nít, thu dọn xong thì Gokul đến. Nó mời tôi ở lại ăn sáng
cùng gia đình nó. Tôi hỏi mấy giờ. Nó bảo khoảng 9h.
Tôi nói chuyện cùng nó và mấy
thanh niên trong làng.
|
Gokul (mập, ngồi) |
Họ bảo hôm ấy đáng lẽ có Colors Festival nhưng dời lại
hôm sau mới làm. Ngồi nói chuyện và đợi mãi không thấy nó nhắc đến ăn sáng. Tôi
thấy nó nói chuyện với người nhà, có vẻ như họ không muốn đãi tôi ăn sáng thì
phải. Sau đó Gokul dẫn tôi đi thăm vài nhà bà con của nó (lúc đó tôi không hiểu
lắm nhưng sau này mới biết rằng khi dẫn đi như thế ngoài việc muốn giới thiệu
tôi – một người nước ngoài – với cả gia đình cả làng – thì còn để hỏi xem có
nhà nào sẳn lòng nuôi cơm tôi không nữa?)
|
Gia đình chị của Gokul. |
|
Em và cháu gái. |
Không hiểu sao ở làng này, tôi bị
“rớt giá” thê thảm bởi vì hình như không ai nuôi cơm tôi cả, kể cả ăn sáng nên
Gokul mua một gói bánh mì rồi mời tôi ăn. Nghe mấy thanh niên khác mời mọc, tôi
hỏi Gokul có thể ngủ trên sân thượng nhà thêm 1 đêm không, bởi vì tôi muốn đón
Colors Festival cùng dân làng. Nó bảo không được. Lúc đó tôi cũng không hiểu vì
sao không được. Vài tháng sau mới thấm là vì không ai chịu nuôi cơm tôi cả ấy
mà. Ế rồi đấy!
Gokul có luôn miệng hỏi tôi mấy
giờ thì đi mãi (vậy là ý muốn đuổi rồi đây!) và bảo tôi không thể ở làng này
được nữa. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ là chắc nó sợ tôi gặp nguy hiểm khi tôi ở đây nên
bảo tôi đi. Gokul còn dặn là hôm sau là
Colors Festival nên không nên đi ngoài đường, sẽ bị bắn màu rất dơ. Vì vậy tốt
hơn hết là nên tìm khách sạn hay nơi nào đó và “án binh bất động” 1 ngày chờ
cho qua lễ.
Gokul để lại địa chỉ cho tôi như
sau:
Tên: Gokul, Village: Kotaladda,
Post: Brahmandiha, P.S: Topchanchi, District: Dhanbad, State: Jharkhand, Pin:
828402
Vậy là tôi lại lên xe và đạp dọc
theo quốc lộ NH 2.
(
Quả thực là do lúc ấy, tôi không hiểu là dân Ấn độ trùm sò; nếu đã biết
trước thì có thể tôi đã ra chợ mua đồ về cho họ nấu thì họ đã sẳn sàng đón tiếp
tôi rồi. Không ngờ bọn họ trùm đến thế, muốn tôi ở lại để ngó và “tám” mà lại
sợ nuôi cơm, trong khi vật giá ở Ấn độ có mắc mỏ gì đâu nên nếu nuôi thêm tôi 1
ngày cũng chả tốn kém mấy. Đáng tiếc là tôi không biết họ trùm sò! Ngoài ra
việc đưa tiền trước, sao giống hối lộ người dân phải tử tế với mình quá!! Điều
này tôi cũng chả muốn tí nào cả! Người Việt hay có câu nói: Đồng tiền đi trước
là đồng tiền khôn. Đối với tôi, câu nói này chả có ý nghĩa gì hết (chắc do tôi
không phải là dân an nam mít chính hiệu con cào cào!) Theo tôi, đồng tiền đi
trước là đồng tiền hối lộ; mà sự tử tế và hiếu khách thì không thể hối lộ; nếu
đã là hối lộ thì đó không còn là sự tử tế và hiếu khách nữa. Tại cái suy nghĩ
ngu như thế mà tôi phải cái nghiệp lang thang đấy các bạn! Hy vọng không ai bắt
chước tôi đấy nhé!)
Kỳ sau: Đạp xe từ Calcutta đến Bodhgaya (Phần 6): Gặp chị Đêbi
"sự tử tế và hiếu khách thì không thể hối lộ; nếu đã là hối lộ thì đó không còn là sự tử tế và hiếu khách nữa" --> Quá đúng đó chị :)
Trả lờiXóa