Tôi quả là người không thể đeo
bông tai bởi vì Abha và mẹ mỗi người cho một đôi bông tai để đeo cho đỡ giống
nam giới; chỉ ngủ ở đó 2 đêm mà tôi làm mất luôn cả hai đôi bông tai; chúng rơi
ra khi tôi thay quần áo hoặc ngủ. I am not a woman of earrings. Hihihi
Chia tay gia đình Babu mà sau này
liên lạc email, họ cứ bảo tôi ghé nhà họ ngủ lại mãi, tôi đạp xe quay lại
Barhi. Đoạn đường 15 cây số này, đường núi nên phong cảnh cũng lãng mạn nên
thơ. Đặc biệt bây giờ tôi đi ban ngày nên có dịp chụp những cảnh mà không chụp
được vào hôm trước do trời tối.
|
Chả hiểu biểu tượng có ý nghĩa gì? |
|
Sông mà nhìn y như biển. |
Vậy là vừa đi vừa chụp cảnh và
thưởng thức phong cảnh dọc đường, tôi đến được Barhi. Tôi mua 1 kg nho xanh Rs
50 và 1 kg cà chua Rs 10. Sau đó quay lại quốc lộ NH2.
|
Nho xanh |
Lại ngắm cảnh đồng ruộng đẹp!
|
1 2 3 đều bước. Con cò đi theo con bò kìa bà con! |
Trời lại nắng gay gắt nên tôi
dừng chân ở một ngôi đền thờ thần khỉ Hanuman để nghỉ mệt. Mấy người dân sống
gần đó lại đến ngắm nghía như ngắm nghía một con khỉ trong sở thú. Từ làm người
bị hạ xuống làm khỉ thì ai mà khoái cho được chứ? Do đó, tôi cứ ngồi yên, không
thèm nói năng gì cả cho dù họ có nói tiếng Anh cũng mặc; họ kéo hết tốp này đến
tốp khác lại nghía tôi; tốp nào nghía đã thì đi cho tốp khác đến. Tôi mặc kệ
họ!
Ngồi một hồi đỡ mệt thì tôi vào
đền để tránh họ và để ngắm tượng thần khỉ. Vậy mà họ vẫn tụ tập bên ngoài để
ngó.
Tôi lại lên xe đạp dọc theo quốc
lộ; hai bên đường cảnh đồng ruộng trông thật đẹp và thanh bình. Một cái đám
cưới quay màn kín mít.
Hoàng hôn khi tôi băng qua cầu.
Trời ngày càng tối; tôi lặng lẽ
đạp xe đi, đến khi mệt thì dừng lại trước một hiệu thuốc tây và nói rằng nơi
này ngủ ở đâu. Ông chủ hiệu nói ngay: đồn công an và hướng dẫn tôi chạy qua bên
kia đường.
Đó là đồn công an của Barachatti,
cách Barhi khoảng 50 cây số, đường đi từ Barhi đến Barachatti nhiều nơi xuống
dốc nên chạy xe khá là thoải mái.
Đã từng ngủ đồn công an ở Golsi
rồi nên tôi không ngán. Thấy bảng hiệu đồn, tôi chạy xe vào. Trời, đồn công an
mà xe tải đậu quá trời, có nhóm còn ngồi nướng chappati nữa chứ.
Tôi dừng xe bên trong và hỏi ngủ
đây được không? Họ bảo được và chỉ vào một văn phòng. Tôi không đi ngủ vội mà
chạy đến nhóm làm chappati xin làm thử. Mấy anh công an thấy thế………..hết hồn,
tưởng tôi đói quá nên đi................. ăn ké. Họ chạy đến nói, nếu đói thì vào đồn họ có thức
ăn chứ không ăn ở đây như vậy được (không hiểu vì sao?) nhưng tôi nói đại: tôi
không đói mà chỉ muốn thử làm chappati thôi; sau này về nước mở nhà hàng
chappati (hehehehehehe). Họ tin theo nên đứng xem tôi làm.
Sau đó họ hướng dẫn tôi đến một
văn phòng. Văn phòng nằm trên cao có bậc thang lên. Vậy là 3 ông mỗi ông một
tay nâng chiếc xe đạp cùng hành lý của tôi đi vun vút lên thang một cách gọn
hơ.
|
Nơi tôi ngủ |
Họ mở cửa văn phòng và bảo tôi
vào ngủ. Tôi nói tôi giăng lều; vậy là họ khiêng một cái bàn ra cho tôi có chỗ
giăng lều; họ còn mang đến một xô nước lấy từ máy bơm bảo rằng nước uống và rửa
mặt.
Tôi hỏi thăm đường rồi tự lần ra
chỗ máy bơm lấy nước rửa mặt mũi tay chân cho đỡ bụi, không dám tắm đâu, lỡ có
cha nào rình thì sao.
Trước khi bỏ đi để cho tôi nghỉ
ngơi, họ dặn dò cẩn thận là khi ngủ phải khóa cửa phòng lại cho kỹ và họ còn
chỉ cách khóa cửa nữa chứ.
Vậy là tôi khò một giấc trong đồn
công an. Sáng tôi dậy khoảng 6h kém, dọn dẹp để trả lại phòng cho họ làm việc.
|
Các đồng chí công an. |
Xong xuôi thì tôi nhờ một người
dắt xe xuống và chia tay họ lên đường. Họ dặn đi Bodhgaya thì chạy khoảng 20
cây phải quẹo tay trái mới đến.
Từ đồn công an đạp xe đi thì hai
bên đồng ruộng khá đẹp.
Đang bon bon trên đường lộ, thấy
cầu vượt, bên dưới là một lối đi nhỏ. Tôi dự định chạy lên cầu vượt nhưng sau
đó đổi ý quay lại chạy xuống thì phát hiện đó là lối đi về Gaya. Bảng hiệu chỉ đường đi Gaya nằm dưới gầm cầu vượt thì ai mà nhìn thấy
chứ. Mém chút nữa là tôi đi thẳng luôn về Varanasi
rồi.
Ngay sau lưng bảng hiệu chỉ đường
dưới chân cầu vượt là một cái quán nhỏ xíu. Tôi dừng xe lại ăn sáng. Hai cái
bánh mì nướng tròn + 2 cái bánh dẹp + 1 ly chai
= Rs 30 (bị “chém” chắc luôn – chưa đến Bodhgaya mà đã có mùi dao rồi đó các
bạn!) Ăn no quá nên tôi không lên xe đạp ngay mà ngồi nghỉ mệt thì thấy người
địa phương chỉ trả có Rs 10 cho hai cái bánh +khoai tây; ly chai chỉ có Rs 2
thôi. Tóm lại tôi bị chém ít nhất Rs 13. Lần sau rút kinh nghiệm không trả
nhiều tiền như thế, cứ canh người địa phương trả sao thì trả vậy; đưa tiền lẻ
cho khỏi thối. Tôi chỉ đưa có tờ Rs 50 mà anh chàng chủ quán phải lục lọi đã
đời mới có Rs 20 để thối lại.
Từ chỗ cái quán ấy, đi thêm
khoảng 22 cây số thì đến Bodhgaya (Gaya
thì xa hơn Boadhgaya 9 cây số nữa.)
|
Cây rơm to như cái nhà |
Đến Bodhgaya, tôi chạy xe lòng
vòng tìm chỗ ở. Chùa Linh Sơn thì Rs 200/người/người trông khá sạch sẽ; chùa
Viên Giác nghe nói đẹp như khách sạn 5 sao có giá Rs. 1.000/ngày nhưng vào lúc
ấy chùa chuẩn bị đóng cửa bởi vì nóng quá các thầy đi hết nên không nhận khách
vào ở; chùa Tây Tạng phòng khá sạch có hai giường, nhà tắm bên trong Rs
250/ngày; Om Tibet Café nằm trước cổng chùa Viên Giác và sau lưng chùa Tây Tạng
phòng cũ kỹ hơn có hai giường, nhà tắm bên trong Rs 110/ngày; Burmese Vihara
(cạnh đồn cảnh sát) phòng 1 người, nhà tắm bên ngoài Rs 100/ngày (năm 2010 chỉ
có Rs 50/ngày thôi) nghe nói điện tăng giá nên họ tăng tiền phòng. Tuy nhiên có
thể nấu ăn trong phòng nếu có bếp. Họ có bếp ăn tập thể nhưng chỉ dành cho các
đoàn hành hương người Miến.
Cuối cùng tôi chọn ở tại Burmese
Vihara.
Vừa đến Bodhgaya, tôi gặp ngay cái đám tang của người Hindu. Vậy là từ đó về sau, cứ vài ngày tôi lại tiếng kèn trống của đám tang một lần.
Kỳ sau: Đạp xe từ Calcutta đến Bodhgaya (Phần 11): Những ngày đầu mới đến Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét