Gì chứ, tinh thần dân tộc của người Nhật, tôi đã được trải nghiệm , nhờ ở
trong cộng đồng của họ; phải công nhận là nể họ vô cùng. Họ là một trong số ít
những quốc gia Châu Á thoát được căn bệnh "Nỗi tự ti da vàng." Ngay cả
chị béo Hoa của Việt Nam mà còn bị bệnh này rất nặng nữa là. Đối với người Nhật
thì người Nhật là số 1, dù cho anh Nhật này chỉ tốt nghiệp cấp 3 hoặc làm nghề
cù bơ cù bất nhưng họ vẫn coi trọng hơn người dân tộc khác dù cho người này có
bằng tiến sĩ hay là giáo sư gì đi chăng nữa. Đối với người Nhật thì người cùng
quốc tịch Nhật mới đáng là cái đinh trong mắt họ hehehehehe. Cái này có lý bởi họ rất coi trọng việc giáo dục đạo đức nên người dân tộc khác dù bằng cấp cao, hay địa vị cao hay tiền bạc nhiều nhưng chưa chắc đạo đức bằng một người Nhật cù bơ cù bất, do đó họ có coi trọng người của họ thì cũng là chuyện bình thường, chả có gì lạ. Một dân tộc lấy đức dục làm trọng thì coi trọng đạo đức là lẽ đương nhiên thôi mà.
"Thập niên 60, trừ
Nhật, tất cả các nước châu Á đều nghèo. Vô trang web của ngân hàng thế giới sẽ
thấy GDP của các nước châu Á trong thập niên này đều tiệm cận mức 0, tức chẳng
có gì.
Chương trình giáo dục
các nước châu Á bắt nguồn từ các nước châu Âu, như ở Hồng Công, Singapore, Miến
Điện, Thái Lan…là giáo dục hệ Anh quốc, các nước khác là giáo dục hệ Pháp, Tây
Ban Nha, Hà Lan..tùy theo từng là thuộc địa của nước nào. Tuy nhiên, giáo dục
“Tây” áp dụng cho “Ta” trong thời điểm này hoàn toàn không thích hợp, vì cách
tư duy của người phương Đông khác phương Tây. Duy chỉ có Nhật bản, với tư tưởng
“Thoát Á Luận” của Fukuzawa (thoát ra sự ràng buộc chằng chịt của tư duy người
châu Á) có từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, họ lấy toàn bộ sách vở từ châu Âu, chủ
yếu là từ Đức, về biên soạn lại. Và hiệu quả bất ngờ, chỉ sau 2 thế hệ học
sinh, Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, và là quốc gia da
vàng mũi tẹt duy nhất trong hàng ngũ G7 đến tận bây giờ. Người Nhật giàu có cả
trăm năm, nên cốt cách nó khác với các anh nhà giàu mới nổi sau này.
Thấy giáo dục Nhật quá
hay, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Công gần như bê nguyên chương trình
giáo dục của Nhật áp dụng. Và chỉ đúng 1 thế hệ học sinh ra trường, bốn quốc
gia trên trở thành 4 con rồng châu Á. Giáo dục Nhật tập trung vào 3 yếu tố
chính là TINH THẦN DÂN TỘC, TÍNH KỶ LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC, trong đó chủ yếu là thoát
được tư tưởng tiểu nông ích kỷ cá nhân nhỏ hẹp. Dân tộc nào hội đủ 3 tính cách
này, dân tộc đó sẽ trở thành dân tộc đi “cho việc”, tức mang nhà máy xí nghiệp
việc làm đến dân tộc khác để người ta làm cho mình. Ở bất cứ xã hội nào, một
người từ làm thuê muốn trở thành ông chủ lớn, cũng phải có 3 tính cách trên,
không thể khác được.
Phillipines lại chọn
cách xây dựng một hệ thống giáo dục cực kỳ thực tế. Từ lớp 1, học sinh Phi được
học tất cả các môn bằng tiếng Anh, theo sách giáo khoa của Mỹ và Tây Ban Nha.
Mục đích của cách đào tạo của giáo dục Mỹ là “to find a job” tức là hướng đến
tìm việc làm sau khi ra trường. Phần lớn sinh viên ở Phi khi hỏi “học để làm
gì”, họ sẽ trả lời là “để xin việc”. Ở Phi, có khái niệm “việc làm ngon” trong
khi ở Nhật Bản và 4 con rồng châu Á, người ta chỉ nói “việc làm”. Ở Phi, người
ta cũng có khái niệm “a pretty academic degree” tức “bằng cấp đẹp”. Năm 2009,
8.6 triệu người Phi với đủ thứ bằng cấp trên tay, đi làm việc ở 214 quốc gia
trên thế giới, chủ yếu là Arab Saudia, Malaysia, Singapore, Nhật, Canada, Hồng
Công, Anh, Úc, Mỹ…mỗi năm gửi về nước 17-18 tỷ đô la Mỹ (số liệu năm 2008), hơn
10% GDP, một con số rất lớn.
Ở Phillipines, ông chủ
các nhà máy phần lớn là người gốc Hoa (Phúc Kiến/Quảng), vốn chiếm khoảng ¼ dân
số (đa số là người lai hoặc có tổ tiên là người Hoa, còn người gốc Hoa thuần
chiếm rất ít, 1.6% dân số/2008). Người Phi gốc mang đặc trưng của cư dân Đông
Nam Á, da ngăm đen, mũi to, mắt đo, tóc xoăn, ngực nở, nhìn rất đẹp. Người Phi
được trời phú cho khả năng hát ca hơn người. Các viện đào tạo ca sĩ và nhạc
công, vũ công trên đất Phi nhiều vô kể. Nếu bạn vô mấy khách sạn 5 sao ở các
thành phố lớn khắp thế giới, sẽ thấy thường trực những ban nhạc người Phi chơi
cực kỳ hay.
Tạo hóa cũng ban cho
người Phi khả năng ngôn ngữ tuyệt vời, nên họ nói tiếng Anh hay hơn Singapore
hay Ấn Độ nhiều, cấu tạo dây thanh quản trong cổ họng của họ giống người da
trắng nhất. Người Phi tận dụng thế mạnh này và đào tạo ra giáo viên tiếng Anh
xuất khẩu khắp nơi. Các trung tâm ngoại ngữ lớn ở châu Á đều có mặt các giáo
viên người Phi. Ở Phi, công nghệ bằng cấp cực kỳ đa dạng. Cử nhân, thạc sĩ,
tiến sĩ…được đào tạo với nhiều hình thức khác nhau, nên dân chúng Phi thường có
bằng cấp rất tốt. Họ cũng xuất khẩu bằng cấp cho các nước thích sở hữu bằng.
Một nền kinh tế “xin việc” thì thường đề cao yếu tố bằng cấp hơn các nền kinh
tế “cho việc”, vì ít ai hỏi ông chủ ông tốt nghiệp trường gì, chỉ thấy làm giỏi
là được.
Ở Phi, có 2 nghề họ
cũng đào tạo rất kỹ là giúp việc nhà và y tá. Nếu bạn đến chữa bệnh ở
Singapore, phần lớn các y tá tiêm thuốc phát thuốc đến từ quốc gia vạn đảo này.
Họ dẻo dai, làm việc cực nhọc cỡ nào cũng chịu được, lại vui vẻ yêu đời. Có lần
Tony đến thăm nhà 1 người bạn ở Hồng Công, thấy 1 cô giúp việc người Phi rất
xinh đẹp. Cứ bị chủ mắng thì xõa tóc đứng khóc, nhưng đâu 1 tiếng đồng hồ thì
hết, vui vẻ trở lại, vừa lau nhà vừa hát vang bài “my heart will go on” và mơ
đến chàng Jack đẹp trai hào hóa của bộ phim Titanic. Hát đến khi ông chủ nhà
bực quá, nói “Please don’t sing any more, I have a headache” thì họ cười hí hí,
nói “ok sir”. Trăm cô như một.
Đàn ông Phi thì thường
làm việc ở các nhà máy hay nông trại do các ông chủ từ các quốc gia “cho việc”
như Nhật, 4 con rồng châu Á sang đầu tư. Vì về mặt địa lý, Phi gần như trung
tâm. Từ Seoul, từ Tokyo hay Đài Bắc cũng chỉ 2-3 tiếng bay là tới. Các công ty
đa quốc gia cũng đặt nhà máy tại đây, vì giá lao động rẻ và tiếng Anh giỏi. Đàn
ông Phi còn được xuất khẩu lao động sang Singapore, Trung Đông để làm các công
việc nặng nhọc như xây dựng, trèo tường lau cao ốc, chặt cây xanh, thông cống
đường sá, cho sư tử ăn trong sở thú…,những nghề nguy hiểm mà người bản xứ sợ
chết hẻm chịu làm.
Còn nhớ lần đến Hồng
Công, buổi tối, Tony đi bộ ra khu vực gần IFC chơi (IFC là trung tâm tài chính,
int’l financial center), thấy cảnh sát giăng dây, các con phố tấp nập xe cộ
hàng ngày trở thành phố đi bộ hết trơn. Tony chen lấn vô coi, thấy hàng ngàn
các cô giúp việc người Phi được các ông chủ cho tài xế chở đến, thả xuống, cho
tự do chơi tới khuya thì đi tàu điện ngầm về nhà. Đây là buổi họp chợ 1 tuần 1
lần của cộng đồng người Phi, tối thứ 7 nào cũng vậy. Tony thấy các cô trải bạt
ra ngồi, rồi gọt xoài xanh, cóc, ổi chấm muối ớt, vừa ăn vừa kể chuyện chủ nhà
tao thế này, con gái con trai bà chủ nhà tao thế kia... Thấy toàn món chua,
nước bọt tuôn trào ào ạt, Tony sà xuống xin mấy cổ, nói thèm quá thèm quá. Mấy
cổ hỏi ủa mày là người Hồng Công sao lại thèm xoài xanh muối ớt? Mà sao mày nói
tiếng Anh giỏi và đẹp trai thanh tú quá vậy. Tony nói hẻm có, tao người Việt
Nam. Ở Việt Nam ai cũng nói tiếng Anh như gió và đẹp đẽ thanh tú hết cả. Họ
cười tít mắt, nói vậy hả, bữa nào để dành tiền qua Việt Nam chơi, đặng kiếm
chồng. Cô nào cũng vừa nhai xoài, vừa mơ về những chàng Jack “made in Vietnam”
hào hoa phong nhã như Tony vậy. Đong đưa qua lại một hồi, Tony thấy mấy cổ phủi
đít đứng lên, nói tụi em giờ phải về chứ khuya quá sợ ông chủ mắng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét