(iHay) Vào một lúc nào
đó... ta phải chi xài tuổi trẻ của mình một cách hợp lý, dù đang bị trăm
thứ cơm áo gạo tiền ghì
lấy...
Xem nguồn bài viết ở đây
Tháng 4.2014, tôi đi Tây Ninh.
Buổi chiều hôm ấy ngồi trong quán cà phê, nói chuyện với một em trai 17 tuổi.
Nhà em ở huyện Bến Cầu. Nghỉ học giữa chừng, em đi làm giữ xe ở quán cà phê,
một tháng kiếm 2 triệu, chủ quán bao cơm.
Em ngồi như vậy từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối, cùng với một
người nữa, có thay phiên để nghỉ ngơi chút đỉnh trong giờ vắng khách. Mỗi ngày
em kiếm được chừng 70.000 đồng. Em không phải người trẻ đầu tiên tôi gặp phải
bán thời gian trẻ nhất của mình để kiếm đủ số tiền lo hai bữa ăn và giúp đỡ một
người thân nào đó trong cuộc sống thường nhật.
Ở Sài Gòn cũng
không khác. Hàng chục ngàn em trai, em gái, 13 -15 tuổi, trẻ trung, xinh đẹp,
lơ ngơ vào thành phố, làm một công việc gì đó như giữ xe, ngồi ghi vé xe, ngồi
xếp trái cây, đứng xếp sữa lên kệ, ngồi đánh dấu người ra vào cơ quan... Những
công việc ấy có ưu điểm: đem lại miếng ăn - vốn cực kỳ ngặt nghèo và khó
khăn với những đứa trẻ ở nông thôn, sinh ra trong gia đình nghèo khó và không
có việc làm. Em nói với tôi: “Em may mắn có việc, chứ bạn em ngồi quán cà
phê cả ngày, không việc làm, lại nợ tiền... cà phê”.
Chuyện nói ra như đùa. Thật là một tin mừng vì cuối cùng những
người trẻ ở nông thôn cũng tìm được việc gì đó làm, kiếm được chút tiền cho bữa
ăn hàng ngày, và họ không phạm tội ác gì ghê gớm vì... quá rảnh. Nghĩ như vậy
cho lạc quan, bởi còn biết bao người trẻ ngoài kia la cà ngoài quán game, thất nghiệp thành
trộm cướp, ăn bám gia đình.
Nhưng tương lai của họ là gì, nếu năm tháng đáng giá nhất này,
họ chỉ ngồi để kiếm tiền. Họ ngồi hết 8 tiếng, 12 tiếng rồi trở về nhà, ngã lăn
trên những tấm chiếu tạm bợ của phòng trọ, ngủ say ngất đi, để rồi sáng mai lại
tỉnh dậy, ngồi tiếp những ngày tháng khác hòng có tiền lương mỗi tháng. Họ
không tiến triển chút nào trong nghề nghiệp, hoặc có thêm rất ít chuyên môn, vì
chuyên môn chính chỉ là ngồi, nhìn, đứng, đi lại, hỏi han, dắt xe.
Tôi quen một thầy giáo, ông rất giỏi tiếng Anh. Khi ông theo một
chương trình nghiên cứu đi Mỹ, chúng tôi ngồi nói chuyện. Ông kể rằng năm ông
14 tuổi, vì gia đình gặp nạn, cha ông đi tù, mẹ ông từ người làm công chức phải
ra hàng chạy chợ kiếm tiền nuôi 4 đứa con. Ông “đã lớn” nên phải theo mẹ ra chợ
giữ xe, nghỉ học sớm. Hàng ngày ông xé một trang trong quyển từ điển tiếng Anh
loại rẻ tiền mà ông mua ở một hàng sách cũ, dắt theo trong người, rồi ra bãi
giữ xe.
Đó là các nghề lương thiện. Nhưng đó là các nghề bán đổi tuổi
trẻ và thời gian để lấy tiền mưu sinh, nơi các ông bà chủ nhìn vào bạn, thấy
bạn 18 -20 tuổi, trẻ khỏe, xinh đẹp, có thể dắt xe không mỏi tay, đứng lâu
không mỏi chân, hay xinh đẹp cho khách đến nhìn cho đẹp mắt (giống một cái bình
hoa). Người ta trả tiền để mua tuổi trẻ và tháng ngày của bạn, với giá 100.000
đồng 24 giờ. Giá siêu rẻ!
Hết ngày hôm đó, dù có phải dắt xe hay không dắt xe, đông khách
hay không đông khách, ông cũng quyết phải học thuộc các từ trong ấy, dùng bút
chép lung tung vào quyển vở mang theo. Quyển từ điển vơi dần, ông cũng thuộc
thêm nhiều từ, nhiều câu, cộng với mấy quyển sách học viết, ông tự học tiếng
Anh và vẫn đi giữ xe, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Khi tiễn ông ra sân bay, tôi
không thể tin người đàn ông chững chạc và thành đạt trước mắt mình lại từng 14
tuổi, đi giữ xe, chạy chợ và học thành thạo một ngôn ngữ.
Khi nhìn thấy những ánh mắt trẻ làm các nghề ngồi, nghề giết
thời gian đổi tiền, tôi nghĩ tới ông, nghĩ tới cả những người Nhật tôi từng
gặp, đi một chuyến tàu 20 phút về nhà cũng giở sách ra đọc, coi như đọc được
vài trang. Mỗi ngày người công chức Nhật đi làm đọc 3 trang sách, 30 ngày là
được 30 trang từ điển và 90 trang sách. Cái thời gian ngắn ngủi, ngán ngẩm và
tiêu tốn mà các bạn đang phải đem ra để đánh đổi lấy tiền ăn, tiền sống, thực
ra cũng có thể tận dụng theo một cách khác.
Bạn có thể đọc hết một quyển sách trong 3 tháng, có thể
chậm hơn một em sinh viên ngồi cả ngày trong thư viện. Bạn có thể học hết
một quyển chuyên đề trong 4 tháng, càng chậm hơn so với một người có chuyên
ngành và được cha mẹ trả tiền cho đi học. Nhưng dù chậm trễ đến vậy, bạn cũng
đang tiêu xài những khoảnh khắc ngắn một cách có ích, thay vì ngán ngẩm ngồi
nhìn khách vào tòa nhà, ngán ngẩm ngồi canh kệ thuốc lá, ngán ngẩm ngồi chờ khách
ra xe, ngán ngẩm mở những clip hài trên mạng cho nhau xem, cười hề hề, xem
truyện sex, check Facebook,
tán dóc điện thoại, tốn tiền xem hàng online giá rẻ mà không có lúc nào đi mua
được.
Lâu rồi, trên đài phát thanh tôi từng nghe, có
kể chuyện một anh chế máy nông cụ. Người ta hỏi anh vì sao làm công chức giấy
tờ lại biết chế máy cho nông dân, mà chế có vẻ thực tế vậy. Anh kể, hàng ngày
tôi đi làm, đều phải ngồi xe công ty một tiếng để tới thành phố vào làm. Một
tiếng đó tôi ngồi đọc sách, vẽ mẫu, xong đâu đấy thì chế thử, cuối cùng cũng
ra.
Vậy là khi vài chục
người khác cùng công ty trên chuyến xe của anh đang ngủ, đang tán dóc, đang
nghe nhạc, đang nói xấu đồng nghiệp, thì anh ta đọc sách. Với một năm đi làm,
anh ta vừa có lương, vừa “thặng dư” được 200 - 300 giờ đọc sách, tức là tương
đương 8 - 12 ngày đọc sách 24 giờ liên tiếp. Mớ kiến thức tưởng chừng đùa giỡn
của anh công chức, trang từ điển tưởng chừng xé ra chơi của ông thầy, gom lại
đã thành một tương lai rất khác của người ta – khi ta trẻ và thừa thãi thời
gian để tiêu phí.
Bây giờ còn dễ hơn xưa
cả trăm lần. Ông thầy tôi phải tốn công xé giấy, anh công chức phải vác sách
theo. Chớ bây giờ, ai cũng có cái điện thoại để nghe nhạc, chơi Facebook, xem
phim, xem clip hài. Mấy cái điện thoại đó có thể xem được vô số loại sách vở
trên đời, cứ mở ra nhìn vô là thấy thứ để đọc.
Hãy tưởng tượng mà xem,
khi bạn 18 -20 tuổi, người ta sẵn sàng thuê bạn để ngồi, để làm bảo vệ, làm
tiếp viên, làm nhân viên đón khách... vì bạn trẻ, đẹp, có nụ cười tươi, có sức
khỏe, có vóc dáng. Đến khi bạn 40 tuổi, nhan sắc tàn, sức khỏe xấu, vóc dáng béo
phệ, và bạn vẫn chẳng biết làm gì hơn là bán thời gian của mình để... ngồi,
liệu có còn ai thuê bạn không?
Vào một lúc nào
đó... ta phải chi xài tuổi trẻ của mình một cách hợp lí, dù đang bị trăm
thứ cơm áo gạo tiền ghì lấy.
Mình phải biết một thứ
gì đó thật tốt, phải có một “chuyên môn” gì đó, dù nhỏ tí xíu và đơn giản, phải
có tri thức cho chính mình, dù ít hay nhiều. Trong một bài nói chuyện tôi từng
nghe, bà diễn giả bảo bà cực kỳ ngạc nhiên về sự thay đổi của công nhân Trung
Quốc, ở khu công nghiệp bà khảo sát, có những lớp dạy tiếng Anh cả 2-3 giờ
sáng, dạy theo bất cứ ca nào có công nhân cần học. Và giờ thì giá tiền lương
công nhân Trung Quốc hết rẻ nhất rồi vì họ chăm quá mà.
Thôi mình đừng ngồi ngơ
ngác nhấn chìm thời gian nữa.... chỉ để đổi lấy vài triệu ít ỏi cho cơm áo hàng
ngày.
Blog của Khải Đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét