Do sự rắc rối, đa nghĩa của tiếng Việt, tôi đành phải viết như
thế - "giáo dục thật" - để nói về một nền, kiểu, cách, loại giáo dục
có chất lượng, phù hợp với xu thế, tiến bộ giáo dục của nhân loại.
Tôi không có ý hỏi
người Việt có quan tâm đến giáo dục hay không, vì câu trả lời hiển nhiên là có.
Trong một gia đình Việt Nam, không có chuyện nào được nói đến, được bàn bạc
nhiều hơn chuyện học hành của con cái. Ngoài việc kiếm sống, không có việc nào
chiếm nhiều thời gian của bố mẹ hơn chuyện học hành của con cái. Chi phí cho
chuyện học hành có lẽ chỉ đứng sau chi phí ăn uống hàng ngày.
Cho nên, sự quan tâm
đến giáo dục của người Việt là rất lớn và rõ ràng.
Tôi muốn hỏi là chúng
ta, người Việt, quan tâm đến loại, kiểu giáo dục nào, đến những mục đích giáo
dục nào, trong gia đình và trong nhà trường?
Tôi có cảm giác rằng,
phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có
cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm
quan. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm
lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và vui thích với
những gì được bố mẹ dành cho. Con cái cũng chẳng lạ với việc bố mẹ chạy trường,
chạy lớp, với chuyện quà cáp, phong bì cho các thầy cô giáo để chúng vào được
trường tốt, lớp tốt, được điểm cao.
Nhưng kết quả là gì?
Kết quả là năng suất lao động xã hội của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan,
1/15 Singapore. Kết quả là Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế
giới. Thu nhập bình quân tính theo sức mua (PPP) của Việt Nam thua Singapore 28
lần.
Còn 6 năm trước mốc
trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, câu hỏi khó được nêu ra ở nghị trường
là tại sao Việt Nam không sản xuất nổi cái sạc pin, tai nghe, ốc vít cho điện
thoại di động Samsung? Rồi tại sao không sản xuất nổi ốc vít cho cánh máy bay Boeing
B777? Ốc vít chỉ là một thứ nhỏ, cụ thể, để nêu lên một câu hỏi rất lớn về khả
năng nghiên cứu - phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm công
nghiệp của nước ta. Khó nhớ ra được một sản phẩm công nghiệp chế tạo nào của
Việt Nam trong suốt mấy chục năm nay sau xe công nông. Khó tìm được các sản
phẩm công nghiệp tiêu dùng mang thương hiệu Việt tại các siêu thị điện máy. Các
mặt hàng nông sản chế biến của ta cũng rất khó thấy ở các siêu thị nước ngoài.
Rõ ràng là "chất
lượng người" của chúng ta có vấn đề, mặc dù người Việt quan tâm rất nhiều
đến giáo dục và các gia đình chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho giáo dục.
Vì thật ra chúng ta
quan tâm đến loại, kiểu giáo dục không khoa học và tiến bộ. Chúng ta có những
mục tiêu giáo dục không lành mạnh. Nếu nói nặng hơn, cả trong giáo dục gia đình
và giáo dục nhà trường, đã và đang tồn tại những thứ phản giáo dục.
Nhiều người muốn con
cái được làm quan, nhưng trong bất kỳ xã hội nào, quan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.
Xã hội càng phát triển, tỷ lệ quan càng giảm. Dù tấm lòng, mong ước của bố mẹ
với đứa con của mình thế nào, cơ hội để nó trở thành quan rất nhỏ.
Nhiều người muốn con
cái được an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền. Ít có những cơ hội
như thế trong cuộc sống thực và, nếu như có, thì cuộc cạnh tranh để chiếm được
cơ hội cũng khốc liệt, người thắng thường là người có năng lực hơn. Xã hội càng
phát triển, cạnh tranh trên thị trường lao động càng cao.
Vậy thì, cái quyết
định tương lai của một đứa trẻ nằm ở "chất lượng người" của đứa trẻ;
ở kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của đứa trẻ, hoàn toàn không nằm ở tấm
lòng, tình cảm của bố mẹ dành cho nó, càng không phụ thuộc gì vào mong muốn của
bố mẹ là nó sẽ trở thành ai, làm công việc gì trong tương lai.
Một điểm chung dễ nhận
thấy trong sự phát triển mạnh mẽ của các nước Singapore, Hàn Quốc, Israel là
chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Những gì một người học được ở môi trường quân
đội khắc nghiệt rất tốt cho việc hoàn thiện, nâng cao "chất lượng
người" ở các nước đó. Đó là tính kỷ luật; sự kết hợp giữa tính cụ thể và
khả năng bao quát; khả năng, kỹ năng chịu đựng thách thức và giải quyết thách
thức; tính đồng đội, khả năng chia sẻ, phối hợp, kỹ năng tổ chức nói chung...
Quân đội là một trường học lớn. Những điều học được và những mối quan hệ gây
dựng được trong quân đội rất có ích để một người thành công trong nhiều công
việc, cuộc sống của mình.
Để con cái trong gia
đình và học sinh trong nhà trường có được một sự giáo dục tiến bộ, cần thực sự
thấm nhuần 4 mục đích học tập trụ cột của UNESCO: Học để biết; Học để làm; Học
để chung sống; Học để tự lập.
Các mục đích học tập
là như vậy. Còn giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường là công cụ để thực hiện
các mục đích học tập đó. Không có mục đích nào là học để làm quan. Không có mục
đích nào là học để an nhàn, để làm ít hưởng nhiều.
Trong những ngày này,
một câu chuyện đang làm nóng dư luận là việc các gia đình ở xã Hương Bình,
huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho 600 con em (có nhiều em đi học mẫu giáo và
tiểu học) hai tháng nay nghỉ học để phản đối quyết định sáp nhập trường cấp
hai.
Khi những đứa trẻ còn
chưa đầy 10 tuổi phải hy sinh quyền lợi đến trường, trở thành "con
tin" cho cuộc đấu tranh của các bố mẹ, tôi trăn trở mãi với câu hỏi: Những
người bố mẹ đó có hiểu đúng về giáo dục, có vì con cái mình một cách có hiểu
biết không?
Thương con mà thiếu
hiểu biết rất có thể làm hại con.
Kiến thức về
"giáo dục thật" của nước ta đang ở đâu, trong dân và trong ngành giáo
dục?
Lương Hoài Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét