Tôi thiếu ăn,
người ốm nhách, bạn bè gọi chết tên là Linh ống hút. Tôi để dành tiền mua cái
ống bơm làm nghề bơm xe đạp dạo. Sau thấy không làm ăn được lại chuyển sang
lượm ve chai, lông vịt. Nhiều lúc nuốt miếng cơm chan với nước vịt quay xin ở
mấy tiệm bên Cầu Bông mà thấy chát.
Nhà tôi ở giữa đồng,
ngó bên này là lúa, bên kia cũng lúa, lúa xanh hút mắt, thẳm đến chân trời. Cho
đến bây giờ, nhà tôi vẫn vậy, chỉ khác là, đã vắng tôi. Nhiều đêm, trong cơn
mộng mị, thảng hoặc nghe mùi cỏ cháy, xoay qua bảo vợ: “Tới mùa đốt đồng”, vợ
cười trong hơi thở. Đêm chập chờn, mờ khói.
Nhiều lúc tự cười vì
thấy mình sao bội bạc. Bởi, thành phố cho tôi cơ hội, cho tôi công danh và bao
bọc luôn cả tấm thân này, nhưng mở miệng ra là chán, là ghét. Lâu lâu, phố dịu
dàng vài đỗi lại phũ phàng thốt lên: “Trời ơi, cái gió này, màu trời này sao mà
… giống ở quê”, rồi khói đốt đồng ở đâu về cay mắt.
Mà quê có gì đáng nhớ đâu, ngoài cái nghèo quay quắt. Ba bỏ má đi từ lúc tôi
chưa biết gì, hai đứa em còn khóc cười ngơ ngác. Bận đó có chú trong làng, chắc
nhà cũng neo đơn. Đầu mùa, chú qua phụ má bơm nước, rải phân, cuối mùa lại đỡ
dùm bao lúa, cào mớ rạ khô. Công cán bao nhiêu chú đều không lấy, chỉ cười cười
bảo: “Thôi, chị cho ngồi chung vài bữa cơm là được”. Rồi chú thành cha dượng
tôi.
Má sinh thêm 3 người
con nữa, thành ra tôi có đến 5 đứa em. Cảnh nhà khó quá, tôi xin má nghỉ học,
nhường phần cho thằng em mới lên lớp 6. Má tính đi, tính lại một hồi rồi biểu:
“Thôi, bây đi học tiếp đi. Bây học tới lớp 9 rồi, thành tài cũng ngắn hơn thằng
Ba vài năm”. Má nói xong, nén một hơi thở dài lặng thinh xuống bếp, ngón chân
má bấm xuống nền đất ướt mưa nhão nhoẹt. Thường ngày má xấp xải, nói cười réo
rắt, mà giờ nghe nặng cả dáng đi.
Tôi cõng cả ước mơ em
tôi đến lớp. Học gần xong phổ thông thì có đội tuyển sinh ở thành phố xuống,
nghe đâu là của Trường Sân khấu điện ảnh. Thấy mấy đứa đăng ký ầm ầm, tôi cũng
mon men xin thi. 3 tháng sau có giấy báo trúng tuyển gửi về trường. Kể từ đó,
đêm nào tôi cũng mơ về những sân khấu sáng rực ánh đèn, những con người mặt hoa
da phấn, nói cười lịch thiệp. Má chặt dừa, làm đuốc, biểu tối rảnh đốt đuốc đi
theo người ta ra xã coi hát để biết mần diễn viên ra làm sao, sân khấu nó như
thế nào. Tôi nôn nao một, má chộn rộn chắc bằng mười.
Chiều mần ruộng xong xuôi, hai má con ngồi trước cửa hứng gió đồng, má cúp mấy
cái móng chân vàng đục màu phèn của tôi, cười cười: “Mơi mốt, đi xe Huê Kỳ là
tự nhiên chân cẳng hết mốc cời. Má thấy diễn viên, nghệ sĩ người ta toàn đi xe
Huê Kỳ, nắng hổng tới đầu, mưa hổng tới mặt, sướng ha”. Xe Huê Kỳ là xe hơi,
tôi cũng cười, thấy lòng khoan khoái.
Rồi ngày đi cũng tới.
Má gói ghém nào xoong nồi chảo chén, khô cá, gạo mắm gì đủ hết. Nhìn cái nồi
đen thui, móp lỗ chỗ, sứt sẹo tôi ngồi buồn xo. Má biết ý, đem bán cái radio
được mấy ngàn, má mua cái nồi mới, dư tiền ra còn sắm cho tôi đôi dép Lào.
Vui buồn cứ lẫn lộn,
bởi cái đài bán dẫn rò rè, khọt khẹt này là niềm vui duy nhất của cả gia đình,
giờ bán rồi chiều lấy gì má nghe cải lương, sáng lấy gì ba nghe tin tức. Tôi ít
nói, chỉ hay buồn một mình mà không hiểu sao má biết hết. Má cười xua khói bếp:
“Thì vài bữa làm diễn viên mua luôn ti vi cho má. Chớ lên thành phố xài cái nồi
như cái mủng, ai coi”. Má nói nhẹ tênh, như kiểu cái nghèo này, cái hiu hắt này
nó riêng thuộc về má rồi, con khỏi phải lo chi.
Tôi lên thành phố, cũng
chưa bớt dãi dầu. Cái mùng má gói theo lúc đi, tôi chưa bao giờ dám mắc lên,
bởi không thể đếm hết bao nhiêu mảnh vá, bao nhiêu màu vải. Thằng thanh niên
nào ở tuổi đó mà không sĩ diện. Tôi thiếu ăn, người ốm nhách, bạn bè gọi chết
tên là Linh ống hút. Tôi để dành tiền mua cái ống bơm làm nghề bơm xe đạp dạo.
Sau, thấy gay ăn lại chuyển sang lượm ve chai, lông vịt. Nhiều lúc nuốt miếng
cơm chan với nước vịt quay xin ở mấy tiệm bên Cầu Bông mà thấy chát.
Có bận, mỗi sáng sớm tôi lại ra chợ Cầu Muối, chờ xe chở hàng rau củ trờ tới là
tôi đến phụ vác, phụ sắp hàng. Tôi không lấy công, chỉ xin ông chủ cho mấy thứ
rau củ hư úng, bỏ đi. Được bao nhiêu tôi mang về, rửa gọt rồi lại trải bạt đem
bán. Có khi bạn bè đi ngang, tôi chỉ dám kéo vành mũ xuống thật thấp. Tôi không
nhớ mình đã tủi phận bật khóc bao nhiêu lần trước cổng chợ mù mưa. Cái nghèo cứ
lẽo đẽo theo, giằng hoài không dứt.
5 năm mày mò ăn học,
vậy mà tới ngày lãnh bằng tốt nghiệp cũng là nhận luôn cái bằng thất nghiệp.
Không có tiền thuê phòng trọ, tôi ở chui trong ký túc xá, mỗi lần bảo vệ kiểm
tra lại trốn loanh quanh. Có khi bị đuổi, tôi lủi thủi nằm co ro trên ghế đá,
nghẹn ngào: “Trời ơi, sao khổ dữ vầy nè”.
Hốt nhiên nhớ má, rồi
xa xót cho 5 đứa em dở dang chuyện học, lại nhắc mình phải gượng dậy. Nhưng rồi
tôi quyết định bỏ để về quê. Nghĩ, thôi thì cây lúa cũng chẳng bao giờ phụ
mình. Tôi về, buồn xo, má không hỏi. Lúc nào cũng vậy, tôi có nói gì đâu mà má
biết hết. Bữa cơm hôm nào cũng nặng, dẫu má vẫn nói cười réo rắt. Chiều, tôi
thấy má đi mượn gạo, trời còn lu, nhà còn ngủ, tôi đi.
Trở lại thành phố, tôi vẫn sống lay lắt như thế. Vài tháng sau có cuộc thi
tuyển vào các đoàn nghệ thuật. Tôi đậu vào Đoàn hát Kim Cương.
Những tưởng ngon lành
hơn rồi, nào ngờ cũng chỉ được đóng vài ba vai lắt nhắt, xếp ghế, chạy đèn, vua
quan trên sân khấu gọi, “Quân hầu”, tôi “Dạ!”, rồi thôi. Tiền thù lao đủ mua
hai gói xôi với ly nước mía. Công danh như tàn lửa, gió thổi tung lên, le lói
rồi vụt tắt, muốn nắm bắt cũng không tài nào với tới kịp.
Chắc là tổ còn đãi,
người còn thương, nên đang khi tôi gói ghém tính chuyến này về quê ở luôn thì
cô Kim Cương gọi bảo thế vai Chu Xung cho anh Lâm Hùng trong vở Lôi vũ. Dạo đó,
anh Hùng bận đi nước ngoài. Tôi không còn nhớ nổi lúc đó mình đã phản ứng như
thế nào nữa, chỉ biết là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu kiến thức cũng như
những gì tôi đã lĩnh ngộ đều dồn hết vào mỗi vai Chu Xung.
Dẫu chưa nổi tiếng là
bao, nhưng cuộc sống của tôi cũng đỡ bớt đôi phần. Nhưng mà nghề bạc, lòng
người cũng bạc. Bận ấy, má cùng người bà con lặn lội lên thành phố thăm tôi.
Đêm đó tôi có suất diễn ở Gò Vấp. Má mừng lắm, đòi theo coi. Tôi cũng mừng, vì
cuối cùng má cũng được thấy mình trên sân khấu, mà có vai, có vế hẳn hoi.
Tập xong, tôi liền chạy
đến xin trưởng đoàn cho cái vé để tối nay má được vào cửa. Như người đang nhảy
chân sáo bị giẫm phải cái gai dài nhọn, tôi tủi đến thắt lòng khi trưởng đoàn
từ chối và nói gì đại loại như: “Cỡ như em chưa được quyền có vé mời đâu”. Đau
lắm chứ, tôi nhận ra rằng, có thể họ nói đúng, mình chưa thành công, thì chưa
được quyền đòi hỏi. Mà tại sao tôi chưa thành công, cũng có thể tôi không hợp
với sân khấu, cũng có thể nghề đã ruồng bỏ tôi. Tôi về, bảo với má là: “Má ơi,
tối cúp điện rồi, không diễn được”.
Má chặt lưỡi, vậy ha,
vậy à, nhìn má buồn hiu vì tiếc. Tôi xót không kể sao cho hết. Đêm đó, nhìn
xuống sân khấu, tôi tưởng tượng ra má đang ngồi lóng lánh tự hào, chút chút lại
khều vai bà bạn không quen bên cạnh mà chỉ lên: “Chị này, thằng đó là con tui
đó”. Nghĩ có nhiêu đó thôi mà tôi bật khóc. Diễn xong tôi xin bỏ đoàn, rồi tôi
bỏ luôn sân khấu.
Tôi chuyển sang đóng phim. Lại chết vai quần chúng, tôi đóng quần chúng nhiều
đến mức có hôm đạo diễn đuổi tôi khỏi phim trường vì cái tội: “Sao mặt thằng
này lên phim hoài vậy, cảnh nào cũng có là sao?”. Tủi cực quen rồi, sá gì đâu
nữa. Tôi vẫn tích cực đóng vai quần chúng để cầu mong một ngày nào đó cơ hội sẽ
mỉm cười với mình.
Thế rồi, tôi cũng làm
được. Tôi nhận ra rằng, cứ sống tích cực, nhiệt tình thì vận may sẽ đến. Tôi
được chọn vào vai chính trong phim nhựa Người Hà Nội cũng vì anh Hoàng Tích Chỉ
thấy tôi… “nhiệt tình”, việc gì cũng làm, không ngại khổ, không ngại khó”. Ảnh
đâu có biết, người như tôi còn việc gì là khổ, là khó nữa đâu.
Dưa ngọt thì cuống
đắng, cho đến bây giờ tôi vững vàng trước những xa hoa mình gặt hái được, âu
cũng là nhờ bao đắng cay đã trải.
Tôi thành đạt, đón má lên thành phố, má ở được vài ngày nằng nặc đòi về, bởi…
“Hổng có quen”. Má nói, ở quê mần ruộng quen rồi, đất không có phụ người, lúa
cũng không có phụ người, chỉ có người đi rồi quên hết. Má nói vậy, mà sao dân
quê mình cũng bám lúa, bám đất mà cứ nghèo hoài vậy má. Tôi đau đáu nghĩ mãi,
cũng không biết làm sao cho người nông dân đỡ khổ. Giờ về quê thấy toàn người
già với con nít, trẻ trung trai tráng đi đâu hết.
Như má thường hay kể,
mới hôm qua, hôm kia còn thấy thằng Lượng, con Ba dội bùn ào ào bên mé nhà.
Sáng nay, đã đi mất. Cũng như tôi, mở miệng ra bảo nhớ, nói thương, nhưng mà
thương rồi… để đó. Vẫn cứ bám phố, níu lấy đua chen mà sống. Như cái cuống rốn,
bà mụ, ông cha chôn sau nhà, giờ tan thành đất rồi, có còn đâu nữa mà tựa hồ cứ
đỏ tươi, đầy ám ảnh.
Bởi vậy, mới nói mình
thiệt bạc, nằm giữa phòng máy lạnh, hè cũng mát, đông cũng mát, dễ chịu vậy mà
nhiều khi chỉ muốn bưng tô cơm ra trước cửa, ngồi ăn, giả như đang hứng cái gió
đồng. Việc nhiều, muốn ngủ lắm nhưng đêm vẫn cứ rầm rì kể chuyện, khi thì xao
xác một tiếng gà, lúc là tiếng dầm quẫy nước tan vào xa vắng, sống động hơn có
khi là mùi cỏ cháy, có cái gì là thật đâu mà thương y như thật. Như đêm nay,
bỗng nhiên lẩm nhẩm: “Cha, tới mùa đốt đồng rồi, má hở?”... nước mắt lại lưng
tròng ...Má ơi...!
(Chắp bút Hồ Ngọc Giàu )"
-Nguồn: DV Quyền Linh-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét